Thư viện (TV) có lịch sử lâu dài và đóng góp cho sự phát triển của xã hội. Trong giai đoạn hiện nay, TV đang chuyển mình mạnh mẽ và tiếp tục mang lại giá trị cho các các cộng đồng xã hội. Đối với các cơ quan quản lý nhà nước, vai trò của TV đối với hiệu quả hoạt động của cơ quan chủ quản đã được khẳng định. Bài viết bàn luận về vai trò của TV nói chung, vai trò của TV trong các cơ quan quản lý nhà nước và đưa ra một số ý kiến đề xuất đổi mới hoạt động của TV cơ quan nhà nước ở Việt Nam.
1. Vai trò của TV
Từ năm 1970, UNESCO đã tuyên bố sứ mệnh văn hóa, thông tin, giáo dục, giải trí của TV đối với xã hội (1). TV vốn được tôn vinh với những vai trò xã hội lớn: kho tàng tri thức, văn hóa nhân loại; thúc đẩy sự phát triển khoa học; thúc đẩy sự phát triển sản xuất xã hội; góp phần nâng cao trình độ văn hóa và làm phong phú thêm đời sống tinh thần của nhân dân.
Hiện nay, cuộc Cách mạng Công nghiệp 4.0 (CMCN 4.0) đã và đang làm thay đổi sâu sắc mọi lĩnh vực của đời sống, trong đó có thế giới thông tin. Thông tin tồn tại ở khắp mọi nơi và phát triển theo cấp số nhân. Ngoài TV, con người có nhiều kênh khác để tìm kiếm thông tin. Khả năng tự tìm kiếm, định vị thông tin dường như ngày càng dễ dàng, thuận tiện đã làm người sử dụng hoài nghi về sự cần thiết của bộ phận trung gian giữa thông tin và người sử dụng TV có còn cần thiết không?
Người sử dụng TV ngày nay đã trở thành những “khách hàng khó tính”. Nhu cầu tìm kiếm thông tin của họ thay đổi: từ tài liệu in sang tài liệu số, từ tiếp cận tại TV đến truy cập qua mạng Internet từ bất cứ nơi đâu. Người sử dụng mong đợi mục lục TV phải thân thiện, nhanh chóng như máy tìm tin Google: giúp nhận diện, định vị nguồn và cung cấp luôn thông tin. Nói cách khác, TV phải trở thành “cửa hàng một điểm đến, nơi tất cả các thông tin họ cần được tìm thấy, mô tả và chuyển giao một cách nhanh chóng, chính xác, thuận tiện” (2).
Thêm vào đó, hàng loạt công nghệ mới đã thâm nhập và tác động mạnh mẽ đến hoạt động TV. Ban đầu, đó là các công nghệ nhân sao thu nhỏ, máy tính, hệ thống truy hồi thông tin trực tuyến, CD-ROMs và hệ quản trị TV tích hợp, internet và World Wide Web (TK XX). Tiếp theo là Web 2.0 và các phương tiện truyền thông xã hội, Web RSS và Podcasting, internet thế hệ 2, sự phát triển của Google, việc số hóa hàng loạt và dự án Google Books, xuất bản điện tử, sự bùng nổ nội dung số, các kho lưu trữ số và vấn đề bảo quản số… (thập niên đầu TK XXI). Kể từ năm 2010, internet ngày càng được sử dụng sâu rộng hơn nhờ sự phát triển của công nghệ băng thông rộng, các thiết bị di động và các mạng xã hội. Gần đây, các xu hướng ứng dụng công nghệ mới nhất trong TV có thể kể đến như: dữ liệu lớn, điện toán đám mây, trí tuệ nhân tạo, blockchain, internet vạn vật và thực tế ảo tăng cường (3). Công nghệ đã làm biến đổi cơ sở vật chất, bộ sưu tập và phương thức TV cung cấp các sản phẩm và dịch vụ đáp ứng nhu cầu của người sử dụng.
Trong bối cảnh nhiều thách thức đặt ra cho TV, UNESCO vẫn khẳng định TV “là một tổ chức, hoặc một phần của tổ chức, có mục tiêu chính là xây dựng và duy trì một bộ sưu tập và tạo điều kiện thuận lợi cho việc sử dụng các tài nguyên thông tin đó cũng như đáp ứng nhu cầu thông tin, nghiên cứu, giáo dục, văn hóa hoặc giải trí của người sử dụng” (4). Quan điểm của UNESCO đã chỉ rõ sứ mệnh không thay đổi của TV trong việc phục vụ nhu cầu văn hóa, thông tin, nghiên cứu khoa học, giáo dục và giải trí cho con người. Vartan Gregorian – học giả, Chủ tịch tập đoàn Carnegie Hoa Kỳ – đã viết: “TV là không thể thiếu, cho dù chúng tồn tại ở hình thức nào (…) TV cung cấp các công cụ để học hỏi, hiểu biết và tiến bộ (…) là cơ sở để xây dựng nền văn hóa của chúng ta” (5); “Nếu không có các thông tin được tổ chức, so sánh, hệ thống hóa, cấu trúc, và quan trọng nhất là không có các thủ thư chuyên nghiệp có khả năng quản lý và hiểu thông tin thì người mù sẽ dẫn dắt người mù” (6).
Trong xã hội bùng nổ thông tin, dễ tiếp cận thông tin không đồng nghĩa với việc tiếp cận được thông tin giá trị, nhiều thông tin không có nghĩa là mọi thông tin đều có tác động tích cực, mọi người đều nhận được thông tin như nhau và mọi vấn đề sẽ được giải quyết tốt hơn. Trên thực tế, khoảng cách giữa “thông tin phong phú” và “thông tin nghèo nàn”, giữa thế giới phát triển và đang phát triển, những khủng hoảng và áp lực của xã hội thông tin ngày càng tăng trong kỷ nguyên kỹ thuật số. Hiểu biết thông tin, hiểu biết kỹ thuật số, được tiếp cận thông tin và công nghệ mới bình đẳng, được kết nối, chia sẻ, học tập, sáng tạo “để không ai bị bỏ lại phía sau” đã trở thành tiêu chí quan trọng để phát triển bền vững trong xã hội hiện đại. Đây chính là những giá trị cốt lõi góp phần định hình xã hội hiện tại và tương lai mà TV và nghề TV cam kết với xã hội.
2. Vai trò của thư viện trong các cơ quan quản lý nhà nước
Theo cách hiểu chung nhất, cơ quan quản lý nhà nước là cơ quan nhà nước hoạt động có tính chuyên nghiệp, có chức năng điều hành xã hội (7) trên cơ sở chấp hành và thi hành Hiến pháp, luật và các văn bản quy phạm pháp luật của cơ quan nhà nước cấp trên (8) theo những nguyên tắc thống nhất, đồng bộ nhằm thực hiện nhiệm vụ, chức năng của nhà nước. Về cơ bản, vai trò của các cơ quan quản lý nhà nước là thông qua và thực thi luật pháp, bảo đảm quốc phòng, an ninh, y tế, giáo dục, chăm sóc xã hội, hỗ trợ về văn hóa, quản lý kinh tế, thương mại và quan hệ ngoại giao với các quốc gia khác. Theo đó, cơ quan quản lý nhà nước được phân thành 3 nhóm: Cơ quan lập pháp (nghị viện, quốc hội…) – xây dựng và ban hành luật; Cơ quan hành pháp (các bộ, ngành, cơ quan) – thi hành luật; Cơ quan tư pháp (các cơ quan xét xử và kiểm sát) – đảm bảo việc thực thi luật pháp.
Cũng như các hoạt động khác trong xã hội, hoạt động của cơ quan quản lý nhà nước cần đến thông tin và đồng thời sản sinh ra nhiều thông tin. Chính vì vậy, các cơ quan quản lý nhà nước cần có bộ phận hỗ trợ nhu cầu quản trị, khai thác thông tin. TV trong các cơ quan quản lý nhà nước (sau đây gọi chung là thư viện cơ quan nhà nước – TVCQNN) được hình thành với nhiệm vụ chủ yếu là cung cấp thông tin cho cán bộ, nhân viên thuộc cơ quan chủ quản (đại biểu dân cử, bộ trưởng, nhà quản lý, nhà khoa học, các chuyên gia, nhà nghiên cứu) và một số trường hợp còn phục vụ cả công chúng. Phần lớn các TVCQNN là bộ phận trực thuộc một cơ quan quản lý nhà nước chủ quản. Vì vậy, ngoại trừ những trường hợp đặc biệt, quy mô TV thường không lớn, định hướng hoạt động và đối tượng người được sử dụng TV do cơ quan chủ quản quyết định.
Liên đoàn Quốc tế các Thư viện và Hiệp hội Thư viện IFLA (2008) đã định nghĩa TVCQNN là “bất kỳ TV nào được nhà nước thành lập và hỗ trợ đầy đủ để phục vụ cơ quan quản lý nhà nước”. Đối tượng phục vụ chính của các TV này là cơ quan quản lý nhà nước và có thể mở rộng hơn trong thực tiễn. Theo định nghĩa này, TV công cộng hoặc TV đại học, dù có thể do nhà nước thành lập hoặc cung cấp dịch vụ cho cơ quan quản lý nhà nước hay cho công chúng, sẽ không được định nghĩa là TVCQNN do đối tượng phục vụ chính là mọi người dân hoặc sinh viên và cán bộ giảng viên (9).
Theo quy định của Luật Thư viện Việt Nam, TVCQNN thuộc loại TV chuyên ngành “có tài nguyên thông tin chuyên sâu về một ngành, lĩnh vực hoặc nhiều ngành, lĩnh vực phục vụ cán bộ, công chức, viên chức, người lao động của cơ quan, tổ chức chủ quản” (10).
Trên thế giới, TVCQNN cũng được xếp vào loại TV chuyên ngành, được chia thành 3 loại chính với các đối tượng phục vụ như sau:
Trên thực tế, các TVCQNN là bộ phận hỗ trợ đắc lực cho cơ quan chủ quản. Với chức năng chủ yếu là phục vụ cơ quan nhà nước ở các cấp khác nhau trên cơ sở cung cấp các loại thông tin do nhà nước, các cơ quan và cá nhân phi chính phủ công bố, TVCQNN đóng vai trò là nguồn cung cấp thông tin quan trọng và đáng tin cậy cho đơn vị chủ quản. Bằng cách cung cấp thông tin chính xác, kịp thời cho cán bộ, nhân viên cơ quan nhà nước, kết nối giữa các bộ phận, đơn vị trong cơ quan nhà nước với nhau, TVCQNN góp phần giúp đỡ cơ quan chủ quản hoàn thành nhiệm vụ quản lý nhà nước bao gồm: xây dựng các chương trình và chính sách, các hoạt động hành chính và ban hành các văn bản dưới luật, chức năng tham mưu và các chương trình nghiên cứu.
Đối với cộng đồng, nhiều TVCQNN đóng vai trò là kênh cung cấp thông tin nhà nước (thông tin về các chương trình, chính sách, dịch vụ công…) cho người dân. Bên cạnh đó, TVCQNN cũng là một phần trong cộng đồng TV của quốc gia, góp phần phát triển sự nghiệp TV, xây dựng hệ thống thông tin quốc gia, hướng tới mục tiêu phát triển quốc gia bền vững.
Vai trò của TV chuyên ngành, trong đó có TVCQNN đã được nhiều tổ chức xác định. Liên đoàn Quốc tế các Hiệp hội và Tổ chức thư viện IFLA đánh giá: “các TV này có vai trò quan trọng trong tổ chức và phải là cốt lõi của tổ chức. Các TV này cũng có thể còn đóng vai trò quan trọng trong cấu trúc thông tin quốc gia của một đất nước” (11). Gần đây nhất, Tổ chức SGS Economics and Planning đánh giá: “cứ mỗi đô la đầu tư, các TV chuyên ngành trả lại giá trị hơn 5 đô la cho tổ chức của họ – và đó là một ước tính thận trọng theo các nhà kinh tế độc lập”. Bà Sue McKerracher Giám đốc điều hành Hiệp hội Thông tin và Thư viện Australia đã khẳng định: “TVCQNN không chỉ là tài sản quan trọng của những người làm việc trong cơ quan nhà nước mà còn đóng vai trò hỗ trợ chuyển đổi số và tạo điều kiện để công chúng truy cập tới các thông tin về chính sách và dịch vụ của nhà nước” (12).
Tại Việt Nam, theo quy định của Luật Thư viện, TVCQNN vừa đảm đương các chức năng, nhiệm vụ chung của một TV, vừa có những chức năng nhiệm vụ riêng với tư cách là một TV chuyên ngành. Cụ thể:
Điều 4: Chức năng, nhiệm vụ của thư viện
1. Xây dựng, xử lý, lưu giữ, bảo quản, kết nối và phát triển tài nguyên thông tin phù hợp với người sử dụng thư viện.
2. Tổ chức sử dụng chung tài nguyên thông tin, sản phẩm thông tin và dịch vụ thư viện; truyền bá tri thức, giá trị văn hóa của dân tộc và nhân loại; phục vụ nhu cầu nghiên cứu, học tập, giải trí; góp phần hình thành và phát triển kiến thức, kỹ năng, phẩm chất, năng lực của người sử dụng thư viện.
3. Ứng dụng thành tựu khoa học và công nghệ, hiện đại hóa thư viện.
4. Phát triển văn hóa đọc và góp phần tạo môi trường học tập suốt đời cho nhân dân, xây dựng xã hội học tập, nâng cao dân trí, xây dựng con người Việt Nam toàn diện.
Khoản 2, Điều 12: Thư viện chuyên ngành thực hiện chức năng, nhiệm vụ quy định tại Điều 4 của Luật này và các chức năng, nhiệm vụ sau đây:
a) Phát triển tài nguyên thông tin phù hợp với chuyên ngành phục vụ; tiếp nhận, bổ sung và tổ chức khai thác tài nguyên thông tin từ hoạt động nghiên cứu, công bố khoa học, tài liệu hội nghị, hội thảo, báo cáo nghiên cứu, khảo sát của cán bộ nghiên cứu, cơ quan, tổ chức chủ quản và đề án, dự án, tạp chí chuyên ngành của cơ quan, tổ chức chủ quản;
b) Xây dựng cơ sở dữ liệu, thư viện số chuyên ngành nội sinh; bổ sung và mua quyền truy cập tài nguyên thông tin chuyên ngành nước ngoài;
c) Thực hiện liên thông với thư viện trong nước và nước ngoài;
d) Thực hiện nhiệm vụ khác do cơ quan, tổ chức chủ quản giao (13).
3. Một số ý kiến đề xuất đổi mới hoạt động trong thư viện cơ quan quản lý nhà nước ở Việt Nam
Trước thách thức của cuộc CMCN 4.0, nhằm giữ vững và phát huy vai trò của mình, TV đứng trước đòi hỏi cấp thiết phải thay đổi mạnh mẽ về nhiều mặt: thu thập, tổ chức, lưu trữ, phổ biến thông tin, quản lý và vận hành thư viện; đồng thời giải quyết nhiều vấn đề cấp thiết: tài chính, nhân sự, hạ tầng công nghệ, vấn đề bản quyền, tính bảo mật, quyền riêng tư, truy cập công bằng cho tất cả mọi người, lưu trữ tài nguyên số, phát triển các tiêu chuẩn và đẩy mạnh hợp tác giữa các thư viện, đào tạo người sử dụng. Đối với các TVCQNN, làm tốt vai trò trung tâm thông tin của tổ chức, nguồn cung cấp thông tin nhà nước đáng tin cậy cho người dân và bộ phận cấu thành quan trọng của sự nghiệp TV quốc gia là nhiệm vụ không đơn giản, đặc biệt trong giai đoạn hiện nay.
Tại Việt Nam, các TVCQNN tiêu biểu có thể kể đến như: TV Quốc hội; TV Khoa học và Công nghệ quốc gia thuộc Bộ Khoa học và Công nghệ; TV Khoa học Xã hội và 31 TV chuyên ngành thuộc các viện nghiên cứu và đơn vị trực thuộc Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam; Trung tâm Thông tin, Tư liệu thuộc Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam; TV Bộ Tư pháp; TV Bộ Nội vụ; TV Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; TV Khoa học công nghệ thuộc Bộ Xây dựng (14). Trải qua quá trình hình thành và phát triển, các TVCQNN Việt Nam hiện đang lưu giữ nguồn tài nguyên thông tin quan trọng, có giá trị lớn về hầu hết các lĩnh vực. Các TV đã có nhiều đóng góp cho sự phát triển cơ quan chủ quản, ngành, lĩnh vực nói riêng và đất nước nói chung.
Trong thời gian tới, để có thể đổi mới, phát triển, TVCQNN và các cơ quan hữu quan cần lưu tâm một số vấn đề sau đây: Hoàn thiện cơ chế, chính sách, tăng cường vai trò của TVCQNN, chú trọng vai trò của TVCQNN trong xây dựng Chính phủ điện tử, Chính phủ số; Đẩy mạnh việc chuyển đổi số TVCQNN (Ứng dụng công nghệ giúp thay đổi toàn diện cách thức hoạt động, từ đó nâng cao hiệu quả hoạt động TV, hiệu quả hợp tác giữa các TV, bảo đảm người sử dụng TV có thể truy cập đến thông tin ngay từ bàn làm việc của mình, không phụ thuộc thời gian và địa điểm); Chú trọng việc quản trị dữ liệu, thông tin và tri thức (ở cả dạng vật lý và số) trong cơ quan chủ quản và giữa các cơ quan liên quan; Chuẩn hóa trong xây dựng, khai thác, duy trì các cơ sở dữ liệu tại các TV, đảm bảo việc liên thông giữa các TVCQNN, đảm bảo các cơ sở dữ liệu có thể tìm kiếm được theo các mức độ khác nhau (theo quy định của cơ quan nhà nước) từ máy tìm tin bên ngoài; Nắm bắt đầy đủ sứ mệnh của cơ quan chủ quản, thường xuyên khảo sát, phân tích nhu cầu, hành vi của các nhóm người sử dụng mục tiêu, đảm bảo hoạt động TV gắn kết sâu sắc, toàn diện với mọi hoạt động của cộng đồng mà TVCQNN phục vụ và trở thành cầu nối hợp tác các đơn vị, bộ phận của cơ quan nhà nước với nhau trên cơ sở các mối quan tâm nghiên cứu và chính sách; Đẩy mạnh việc cung cấp thông tin nhà nước cho công chúng theo quy định của pháp luật; Đổi mới, phát triển các dịch vụ TVCQNN, tập trung vào các dịch vụ cung cấp thông tin, phân tích dữ liệu, đào tạo người sử dụng (kiến thức thông tin, kiến thức số, kiến thức truyền thông, các sáng kiến học tập và đào tạo…); Ứng dụng công nghệ để marketing hiệu quả các dịch vụ cho người sử dụng; Quan tâm đào tạo đội ngũ người làm TVCQNN, hướng tới các kỹ năng chuyên sâu trong quản trị dữ liệu, thông tin và tri thức, kỹ năng nghiên cứu, ứng dụng khoa học công nghệ hiện đại, tổ chức sự kiện, tổ chức giảng dạy, tổ chức và quản lý cơ quan thông tin TV hiện đại.
4. Kết luận
TV có truyền thống nhanh chóng nắm bắt những tiềm năng của công nghệ và ứng dụng vào hoạt động. Trước những thách thức mới từ xã hội, người sử dụng và công nghệ, TV đang thay đổi. “TV, ở tất cả mọi hình thức, chính là tổ chức tiêu biểu nhất cho một xã hội ngày càng phát triển” (15). Năng động đổi mới, nhanh chóng thích nghi với bối cảnh mới, được đầu tư, quan tâm thích đáng sẽ giúp các TV, trong đó có TVCQNN, biến thách thức thành cơ hội để khẳng định vị trí không thể thay thế đối với cơ quan chủ quản nói riêng và xã hội nói chung – như bà Frances Adamson – Thư ký Bộ Ngoại giao và Thương mại Australia đã nhấn mạnh: “TVCQNN sẽ luôn là nguồn thông tin và nghiên cứu đáng tin cậy mà chúng ta có thể dựa vào. TV là động lực của tư duy và phản ánh (…) TVCQNN đang chuyển dần từ một kho thông tin trở thành một bên tham gia tích cực trên tất cả các khía cạnh công việc của Bộ” (16).
_____________
1. UNESCO, Recommendation concerning the international standardization of library statistics (Khuyến nghị liên quan đến tiêu chuẩn hóa quốc tế về thống kê thư viện), portal.unesco.org, 1970.
2. Rubin, R.E, Foundations of Library and Information Science (Cơ sở Khoa học Thông tin Thư viện), ALA Neal-Schuman, Chicago, 2016.
3. Henda, M. B. New trends in libraries with IT, AI & i4.0 (Xu hướng mới trong thư viện với công nghệ thông tin, AI và CMCN 4.0), slideshare.net, 5-11-2019.
4. UNESCO Institute for Statistics, Library, Glossary (Thư viện, Bảng chú giải thuật ngữ), uis.unesco.org, 2020.
5. Gregorian, Vartan. Can libraries save America? (Thư viện có thể cứu nước Mỹ?), carnegie.org, 27-9-2019.
6. Gregorian, Vartan. Asense of elsewhere: The Pre- sident of Carnegie Corporation of New York pay tri- bute to the power of libraries as launching pads for the imagination (Nhận thức từ nơi khác: Chủ tịch Tập đoàn Carnegie New York tôn vinh sức mạnh của các thư viện với tư cách là bệ phóng cho trí tưởng tượng), Tạp chí Thư viện Mỹ, số 10, 2007, tr.46-48.
7. luatminhkhue.vn.
8. nganhangphapluat.thukyluat.vn
9, 11. IFLA, Guidelines for Libraries of Government Departments (Hướng dẫn về thư viện cơ quan nhà nước), ifla.org, 2008.
10, 13. Luật Thư viện, 2019, thuvienphapluat.vn.
12, 16. Australian Library and Information Association. The value in government libraries (Giá trị trong thư viện cơ quan nhà nước), themandarin.com.au, 7-10-2019.
14. Vụ Thư viện, Thư viện ở Việt Nam, 2020, Hà Nội.
15. Baker, David P, Libraries and Society: Role, Responsibility and Future in an age of change (Thư viện và xã hội: Vai trò, trách nhiệm và tương lai trong thời đại thay đổi), Nxb Khoa học và Công nghệ Elsevier, Oxford, Cambridge, New Delhi, 2011.
Ths NGUYỄN THỊ NGỌC MAI
Nguồn: Tạp chí VHNT số 485, tháng 1-2022
Bài viết cùng chủ đề:
Note ngay các trải nghiệm du lịch Huế dịp Valentine chi tiết nhất
Kinh nghiệm đi du lịch Đà Nẵng dịp tết nguyên đán 2023 chi tết A-Z
Nghệ nhân Nguyễn Đức Bằng thổi hồn vào lá bồ đề mạ vàng