Vai trò của văn hóa làng trong xây dựng nông thôn mới ở thanh hóa


 

Xưa nay, văn hóa làng có vai trò rất quan trọng trong đời sống của người nông dân Việt Nam. Đó là cốt lõi của văn hóa nông thôn, là nơi lưu giữ hồn cốt của văn hóa dân tộc, để rồi, trải qua các biến cố lịch sử văn hóa Việt Nam không chịu sự đồng hóa, tan chảy. Cùng với chức năng chính trị, kinh tế, truyền thống văn hóa làng đã tạo cho làng là  nơi hình thành, lưu giữ, phát triển và trao truyền văn hóa tới mọi cá thể trong cộng đồng. Cho nên, hiện tại dù nông thôn còn nghèo thì người nông dân vẫn có thể có đời sống văn hóa tinh thần cao, bởi đó là nơi sản sinh ra những sản phẩm văn hóa tinh thần quý báu như lòng kính lão yêu trẻ, chia sẻ giúp đỡ nhau, lối sống giản dị, tiết kiệm, thật thà, yêu quý gắn bó với quê hương,… Truyền thống văn hóa quý báu này đòi hỏi phải được giữ gìn và phát triển trong một thiết chế đặc thù – làng văn hóa.

Cơ sở nền tảng để xây dựng làng văn hóa là văn hóa làng. Văn hóa làng được  biểu hiện dưới dạng các giá trị vật chất như đình, chùa, đền, miếu, nhà cổ,… các biểu tượng không gian như cây đa, bến nước, giếng làng, cổng làng,… và dưới dạng các giá trị tinh thần như hương ước, luật tục, phong tục, tập quán, lối sống, lễ hội, nghệ thuật dân gian, trò chơi dân gian,… Văn hóa làng là những giá trị đặc trưng, có ý nghĩa riêng mang lại sức mạnh của làng. Trong xây dựng làng văn hóa hiện nay, ngoài những tiêu chí chung, mô hình làng văn hóa còn phải phù hợp với từng vùng, từng tộc người và từng giai đoạn lịch sử, thể hiện nét riêng độc đáo của mỗi làng quê.

Hiện nay, nước ta đang tiến hành xây dựng nông thôn mới và văn hóa làng đang được chú trọng giữ gìn phát huy, bởi vì xây dựng nông thôn mới không có nghĩa là biến nông thôn trở thành thành thị, mà phải phát triển được bản sắc riêng của nông thôn với các điều kiện sản xuất nông nghiệp hiện đại, cảnh quan nông thôn và văn hóa truyền thống đặc trưng đã được hình thành trong lịch sử. Trong chiến lược xây dựng nông thôn mới hiện nay ở Thanh Hóa, bên cạnh những điểm chung thống nhất với các địa phương trong cả nước, còn có điểm khác là gắn với phát triển nông nghiệp; gắn với xây dựng Thanh Hóa thành tỉnh kiểu mẫu. Vì vậy văn hóa làng lại càng có vị trí đặc biệt quan trọng. Điều này xuất phát từ một số đặc điểm sau:

Thanh Hóa, về mặt tự nhiên cũng như văn hóa, có những đặc trưng nổi trội so với với nhiều địa phương trong cả nước, đó là sự đa dạng của cảnh quan sinh thái: núi – đồng bằng – biển. Bức tranh phân bố cư dân ở Thanh Hóa không thuần người Việt như một số địa phương khác, mà mang mảng màu của sự phân bố cư dân trên toàn lãnh thổ Việt Nam. Đó là đa dân tộc, đa sắc thái văn hóa, cư trú vừa xen cài vừa tập trung trong những vùng sinh thái tự nhiên khác nhau.

Đặc trưng này trong thực tiễn có nhiều vấn đề cấp bách đang đặt ra đối với việc phát triển bền vững cho các vùng nông thôn ở Thanh Hóa. Do đó, quá trình triển khai thực hiện chương trình Phát triển nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới của tỉnh Thanh Hóa luôn đặt ra yêu cầu tập trung nghiên cứu cơ sở lý luận và thực tiễn của mô hình nông thôn mới mà thực chất đó là mô hình làng văn hóa ở các vùng nông thôn. Trên cơ sở đó, nhiệm vụ xây dựng làng văn hóa được chọn là khâu đột phá trong xây dựng nông thôn mới, là phù hợp với điều kiện và tình hình thực tế của Thanh Hóa, nhằm tạo chuyển biến sâu rộng trong đời sống kinh tế xã hội ở nông thôn, là giải pháp quan trọng góp phần hiện thực hóa chủ trương xây dựng Thanh Hóa thành tỉnh kiểu mẫu.

Trong thực tế, Thanh Hóa là một trong những địa phương đầu tiên trong cả nước triển khai xây dựng làng văn hóa. Từ những năm 90 TK XX, thực hiện chủ trương khoán mới trong nông nghiệp, đời sống nhân dân được cải thiện rõ rệt, kinh tế phát triển, nhu cầu hoạt động và hưởng thụ văn hóa của nhân dân ngày càng được nâng lên. Cùng với xu thế hội nhập quốc tế, đất nước thời mở cửa là điều kiện thuận lợi cho việc giao lưu văn hóa nhưng cũng không ít thách thức đối với công tác xây dựng đời sống văn hóa cơ sở. Để giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc và tiếp thu tinh hoa văn hóa thế giới, đồng thời đáp ứng yêu cầu đòi hỏi của phong trào văn hóa cơ sở trên cơ sở nghiên cứu văn hóa làng, tháng 3-1990 Sở VHTT (nay là Sở VHTTDL) đã chỉ đạo khai trương xây dựng thí điểm làng văn hóa Đông Cao – xã Trung Chính, huyện Nông Cống. Sau một thời gian chỉ đạo xây dựng điểm, tháng 9-1990 Sở VHTT Thanh Hóa tổ chức hội thảo Văn hóa làng và làng văn hóa. Rút kinh nghiệm xây dựng làng văn hóa của Bắc Ninh và Thanh Hóa, tháng 12-1991, Bộ VHTT (nay là Bộ VHTTDL) tổ chức hội thảo Đổi mới công tác xây dựng đời sống văn hóa cơ sở khu vực nông thôn. Qua hội thảo, vấn đề xây dựng làng văn hóa đã được các nhà nghiên cứu, quản lý nhất trí, coi đó là kết quả của sự tìm tòi một mô hình văn hóa thích hợp trong tình hình mới. Từ mô hình làng văn hóa Đông Cao, nhiều địa phương trong tỉnh học tập, vận động nhân dân xây dựng làng văn hóa như Ngọc Liên (xã Nga Liên, huyện Nga Sơn), Duy Tinh (xã Văn Lộc, huyện Hậu Lộc), Tran Hạ (xã Ngọc Khê, huyện Ngọc Lặc),… Từ những làng văn hóa đầu tiên được khẳng định, phong trào xây dựng làng văn hóa ở Thanh Hóa phát triển ngày càng mạnh mẽ và trở thành một phong trào chủ đạo trong công tác xây dựng đời sống văn hóa cơ sở từ những năm 90 TK XX đến nay và đang được nâng lên với các tiêu chí mới trong bối cảnh xây dựng nông thôn mới hiện nay.

Làng xã ở Thanh Hóa còn lưu giữ các tên gọi cổ xưa và được hình thành lâu dài trong lịch sử. “Tương tự với cơ cấu xã hội được gọi là làng, ở Thanh Hóa còn có nhiều tên gọi khác, như kẻ, xá, hương, trang, vạn,… Kẻ là tên gọi khá cổ, xuất phát từ tên gọi nơi tụ cư của các gia đình tiểu nông, mà sau này nó đồng nghĩa với tên gọi làng, thôn”(1).

Theo thống kê của tác giả Lê Kim Lữ, trước Cách mạng tháng Tám, Thanh Hóa có khoảng 1.792 làng (2). Căn cứ vào đặc điểm chung của làng, tác giả đã phân chia thành từng nhóm làng có tên gọi như: kẻ, xá, trang, hương, vạn (theo từng huyện) qua một số ví dụ sau:

Làng có tên là kẻ:

Huyện Thiệu Yên: Kẻ Đàng, kẻ Bùi, kẻ Đình, kẻ Dọi, kẻ Đanh, kẻ Lim,…

Huyện Đông Sơn: kẻ Đô, kẻ Go, kẻ Rậy, kẻ Chè, kẻ Tràn, kẻ Dọ,…

Huyện Triệu Sơn: kẻ Mốc, kẻ Sen, kẻ Đà, kẻ  Hòa, kẻ Mơn, kẻ Cốc,…

Huyện Thọ Xuân: kẻ Neo, kẻ Căng, kẻ Đầm, kẻ Mía, kẻ Xộp,…

Huyện Hà Trung: kẻ Ngò, kẻ Lâm, kẻ Gũ, kẻ Gạo,…

Huyện Quảng Xương: kẻ Vèn, kẻ Sòng, kẻ Giềng, kẻ Bài, kẻ Mom,…

Huyện Hậu Lộc: kẻ Ngọ, kẻ Bùi, kẻ Sơn, kẻ Lãi, kẻ Năng, kẻ Ghì,…

Huyện Hoằng Hóa: kẻ Tổ, kẻ Đừng, kẻ Nhợm, kẻ Già, kẻ Đẽn, kẻ Bưng,…

Huyện Nông Cống: kẻ Đôi, kẻ Xém, kẻ Mơ, kẻ Cù, kẻ Tre, kẻ Nháng,…

Làng có tên gọi kèm theo tên một dòng họ, “là một hiện tượng khá phổ biến ở Bắc Bộ và Thanh Hóa… Đó là dấu tích của các làng xưa có một dòng họ hay dòng họ lớn, dòng họ đầu tiên lập nên làng”(3).

Tác giả Lê Kim Lữ đã thống kê làng có tên gọi kèm theo tên một dòng họ ở Thanh Hóa ( theo huyện) (4) như:

Huyện Hà Trung: Phạm Xá, Bùi xá, Lê xá, Ngô xá, Mai xá.

Huyện Nga Sơn: Mai xá, Mai thôn, (thôn này ở đây cũng coi như xá).

Huyện Hoằng Hóa: Nhữ xá, Đằng xá, Tào thôn, Trinh Thôn, Hà xá.

Huyện Hậu Lộc: Vũ xá, Thiều xá, Thọ xá, Đỗ xá, Ninh xá, Cao xá,…

Huyện Đông Sơn: Dương xá, Doanh xá, Triệu xá, Mao xá, Y xá,…

Huyện Quảng Xương: Lê xá, Văn xá, Phú xá, Tràng xá, Phạm xá.

Huyện Tĩnh Gia: Nguyễn xá, Lê xá, Hoằng xá, Tào thôn, Mai xá.

Huyện Nông Cống: Mai xá, Cao xá, Hoàng xá, Lê xá, Thiên xá,…

Huyện Thọ Xuân: Hà xá, Cao xá, Dương xá, Ngô xá, Lê xá, Phú xá.,..

Làng có tên gọi là vạn, phường

Xưa kia, cư dân đánh cá ở các làng ven sông, biển ở Thanh Hóa gọi là vạn, phường như: Vạn ái Sơn (huyện Đông Sơn);  phường Thượng Xa (huyện Thiệu Hóa- Thụy Nguyên cũ); phường Tứ chiếng Biên Sơn, phường Tứ chiếng Phù Cừ, phường Hải Ngoại, phường Thuận An (huyện Tĩnh Gia – Ngọc Sơn cũ) (5)…

Làng là đất lộc điền

Thanh Hóa còn có những làng do đất của triều đình phong cho những người có công gọi là lộc điền.Ví dụ như làng Đông Cao (xã Trung Chính, huyện Nông Cống) là đất lộc điền của họ Đinh: Đinh Lễ, Đinh Bồ và Đinh Liệt là khai quốc công thần đời Lê Thái Tổ. Dân cư trong làng phần lớn là họ Đinh là hậu duệ của vị khai quốc công thần Triều Lê – Thái sư Lân Quốc Công Đinh Liệt. Ông là người có công lớn trong cuộc khởi nghĩa Lam Sơn, đã phò vua giúp bốn triều từ Lê Thái Tổ đến Lê Thánh Tông. Dân làng Đông Cao tôn ông làm thành hoàng, cùng với con ông là Thượng thư bộ binh Đinh Công Đột là người trực tiếp khai phá xây dựng nên làng Đông Cao… (6).

Làng là đất quý hương

         Nghiên cứu làng ở Thanh Hóa, tác giả Hoàng Anh Nhân cho rằng, “đây là mảnh đất phát sinh nhiều vua chúa, ông hoàng, bà hoàng cho đến các phi tần, nội thân ngoại thích của các vua chúa… Mỗi thời vua ở Thanh Hóa có một quý hương riêng. Thời Lê Hoàn, đất quý hương là vùng kẻ Sộp… ở vùng này, hiện nay còn có phong tục làm bánh chưng đen và cốm mật đặc biệt, đó là niềm tự hào của một thời quý hương. Thời chúa trịnh, đất quý hương mở thêm ra vùng Vạn Lại, Bài Đỉnh và Trịnh Điện (thuộc Ngọc Lặc và Thiệu Yên). Các lăng mộ nhà Trịnh đều quy tụ ở vùng này… Vào thời nhà Nguyễn, đất quý hương lại là vùng Hà Trung, tập trung ở các làng Gia Miêu Nội, Gia Miêu Ngoại…(7).

Làng văn hóa ở Thanh Hóa có tính tương đồng ở cấp độ vùng và nét khác biệt ở cấp độ làng. Chính đặc điểm này tạo cho làng văn hóa ở mỗi vùng miền núi, đồng bằng và ven biển ở Thanh Hóa có nét riêng và tiêu chuẩn làng văn hóa  vừa có tính chung phổ quát của vùng vừa có nét đặc thù của làng. Tính tương đồng còn được biểu hiện có tính chất nông nghiệp. Mặc dù mỗi vùng nông thôn miền núi, đồng bằng và ven biển ở Thanh Hóa có những nét sắc thái văn hóa đặc thù khác nhau, nhưng đều thống nhất trên cơ tầng văn hóa nông nghiệp với những thế mạnh và đặc trưng của mỗi vùng. Nhìn từ góc độ nghề nghiệp và một số đặc trưng xã hội thì trên cơ tầng văn hóa nông nghiệp ấy, các làng  ở Thanh Hóa rất đa dạng. Mỗi làng có một nét sắc thái riêng, tạo nên trội của văn hóa mỗi làng; có làng  nông nghiệp, có làng biển, có làng kết hợp nông nghiệp với đánh cá, có làng có nghề thủ công, có làng đánh cá và làm muối,…

Ở Thanh Hóa, theo thống kê của tác giả Hoàng Anh Nhân, có một số làng nổi tiếng về nghề thủ công truyền thống: Triều Dương (xã Quảng Tường, huyện Quảng Xương): nghề dệt súc; Đặt Tài (xã Hoằng Đạt, huyện Hoằng Hóa): nghề mộc; Thất Tác (xã Tiến Lộc, huyện Hậu Lộc): nghề rèn; Chè (xã Thiệu Trung, huyện Đông Sơn): nghề đúc đồng; Nhồi (xã Đông Tân, huyện Đông Sơn): nghề đục đá; Vồm (xã Thiệu Khánh, huyện Đông Sơn): nghề làm nồi đất; Ráng (Phủ Quảng, huyện Vĩnh Lộc): nghề làm chè lam,…(8).

Việc khảo sát để phân loại làng như trên đã cho chúng ta có cái nhìn tổng quan về một số đặc điểm của văn hóa làng ở Thanh Hóa. “Từ những đặc điểm riêng của mỗi làng, mỗi vùng, chúng ta phát huy nó để tạo ra những bản sắc văn hóa riêng cho làng (văn hóa làng), cho vùng (văn hóa vùng)… Cái mà làng này, vùng này, khu vực này có mà làng khác, vùng khác, khu vực khác không thể có…” (9). Trên cơ sở đó, có thể phân loại để xây dựng  mô hình làng văn hóa ở Thanh Hóa tương ứng với các vùng như: làng ở vùng miền núi thấp (làng của người Mường); làng ở vùng miền núi cao (làng của người Thái); làng ở vùng đồng bằng; làng vùng ven biển. 

Xây dựng nông thôn mới là sự kế thừa các giá trị tốt đẹp của nông thôn truyền thống, đặc biệt là sự kế thừa và phát huy giá trị văn hóa làng. Mỗi làng là những bản thể riêng, nên không thể có một mẫu chung cứng nhắc, nếu như vậy sẽ không còn nông thôn và làng quê truyền thống nữa, thậm chí sẽ đánh mất cái sắc thái riêng của văn hóa làng quê ở mỗi địa phương.

Chương trình xây dựng nông thôn mới là một trong nhiều chương trình mục tiêu quốc gia được diễn ra trên địa bàn nông thôn của cả nước, nhưng đây là chương trình khung mang tính tổng hợp và tương đối toàn diện với 11 nội dung ở 5 nhóm vấn đề từ quy hoạch, phát triển sản xuất đời sống; xây dựng kết cấu hạ tầng; văn hóa, xã hội, môi trường; hệ thống chính trị và an ninh trật tự ở  nông thôn được thể hiện qua 19 tiêu chí thì trong thực tiễn đã có 12 tiêu chí được triển khai trong phạm vi làng, bản. Điều này cho thấy, mặc dù chương trình xây dựng nông thôn mới diễn ra trên địa bàn xã, nhưng với vị trí và vai trò của văn hóa làng, nhất là trong điều kiện nguồn lực của chúng ta còn hạn chế, khi chúng ta xác định lấy dân làm chủ thể, thực hiện theo yêu cầu dân bàn, dân tham gia, dân đóng góp, dân kiểm tra, dân hưởng thụ, rất cần huy động sức dân để lo cho dân, thì nhiệm vụ xây dựng làng văn hóa là tất yếu và hết sức cấp thiết. Với ý nghĩa đó, việc bảo tồn và phát huy giá trị của văn hóa làng là cơ sở nền tảng để xây dựng các làng văn hóa phát triển bền vững và thực hiện thành công xây dựng nông thôn mới.

_______________

1, 3. Ngô Đức Thịnh, Văn hóa vùng và phân vùng văn hóa ở Việt Nam, Nxb Trẻ, TP.HCM, 2004, tr.171.

2, 4, 5, 7, 8, 9. Hoàng Anh Nhân, Văn hóa làng và làng văn hóa xứ Thanh, Nxb Khoa học Xã hội, Hà Nội, 1996, tr.93, 97, 99, 104, 124.

6. UBND xã Trung Chính, Hương đất cầu Quan, Sở VHTT Thanh Hóa xb tháng 8-2006, tr.59.

Nguồn : Tạp chí VHNT số 349, tháng 7-2013

Tác giả : Ngô Xuân Sao

Đánh giá post

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *