VAI TRÒ THÀY MO TRONG NGHI LỄ TANG MA CỦA NGƯỜI MƯỜNG


Trong hệ thống nghi thức tang ma của người Mường, thày mo là người thực hiện tất cả nghi lễ như phát tang, cúng áo quan, khâm liệm, quạt ma, kẹ… Người Mường quan niệm giữa người sống, người chết có một ranh giới siêu nhiên và thày mo là sứ giả kết nối giữa hai thế giới ấy. Ngày nay, nghi lễ tang ma của người Mường tại xã Phong Phú, huyện Tân Lạc, tỉnh Hòa Bình có nhiều thay đổi và vai trò của thày mo cũng có sự điều chỉnh sao cho phù hợp với cuộc sống văn minh hiện đại.

        Để bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa truyền thống dân tộc Mường, huyện Tân Lạc, Hòa Bình đã tích cực tham gia các dự án của Bộ VHTTDL về việc duy trì, xây dựng, phát triển các di sản văn hóa vật thể và phi vật thể. Trong đó không thể không kể đến nghi lễ tang ma của người Mường.       Tang ma là một nghi lễ quan trọng nên thường được tổ chức rất trang nghiêm, chu đáo, thể hiện sự tôn trọng của người còn sống đối với người đã khuất và khẳng định vị trí của người mất trong cộng đồng. Nghi lễ tang ma là một hệ thống các nghi lễ tín ngưỡng tâm linh khác nhau và rất phức tạp. Tất cả các nghi thức đó nhằm giúp cho người mất được ra đi thanh thản, đoạn tuyệt với thế giới người trần và gia nhập thế giới người âm một cách thuận lợi nhất. Để đạt được mục đích đó, yếu tố không thể thiếu chính là vai trò của thày mo, người có quyền quyết định trong quá trình thực hành các nghi thức tang ma.       1. Vị trí của thày mo trong đời sống tâm linh người Mường       Thày mo là người thực hiện một số nghi lễ tâm linh, tín ngưỡng trong cộng đồng. Trang phục hành lễ của họ thường được may rất rộng, tay áo to, vạt trái vắt chéo qua sườn phải. Vạt áo được viền một dải vải đỏ chạy suốt từ mép vạt trái, vòng qua cổ sang vạt phải. Áo dài tới bắp chân, phần dưới may mở rộng, không xẻ tà, ngang lưng có một thắt lưng bằng vải trắng. Ông mo đội mũ mềm bằng vải xanh được khâu thuôn về phía đỉnh. Hai bên chóp mũ khâu hai mảnh vải thuôn dần và nhọn ở đầu, quanh dải mũ được thêu viền bằng chỉ đỏ, khi đội mũ ngả về phía sau. Loại mũ thứ hai làm bằng vải cứng, hình vuông, đệm cứng ở đằng trước và phần sau, trang trí hai nửa hình tròn ghép màu vàng. Theo quan niệm của người Mường, đó là biểu tượng của mặt trời.       Người Mường cho rằng, tất cả các vật dụng của thày mo khi chưa dùng đến, đều nằm im. Khi có đám tang, thày mo muốn sử dụng thì phải đánh thức để chúng nghe theo lời mình, sau đó thực hiện các nghi lễ. Ngoài đánh thức các đồ vật, thày mo còn phải đánh thức tổ tiên đời trước có hành nghề mo, nhưng đến thời điểm hiện tại đã mất. Các vị tổ tiên sẽ giúp sức, hộ vệ cho các thày mo khi thực hành nghi lễ trong đám tang. Khi các vật dụng được đánh thức thì sức mạnh của thày mo sẽ tăng lên gấp bội. Tiêu biểu trong các vật dụng của thày mo có thanh gươm, túi khót, quạt. Trong đó, túi khót là vật linh thiêng nhất, được coi là túi phép của các thày mo. Túi khót có các vật dụng vô cùng quý hiếm như: răng lợn rừng, răng hổ, răng báo, xương, móng vuốt động vật và một số các loại vật dụng bằng đá, quặng. Đây không phải là những loại răng bình thường, mà theo người Mường thì đó là những vật được thần linh ban cho, thày mo có càng nhiều vật dụng thì sức mạnh càng lớn.       2. Vai trò của thày mo trong nghi lễ tang ma       Người dẫn dắt linh hồn người mất về với thế giới mường ma       Trong đám tang của người Mường tại Tân Lạc, Hòa Bình, thày mo phải thực hiện tất cả lễ nghi. Ngay sau khi gia đình có người mất, lập tức phải mời thày mo đến. Đầu tiên, thày mo sẽ thực hiện nghi lễ chia vải vóc. Sau đó, thày sẽ tiến hành một loạt các nghi lễ khác như báo tang, phát tang, cúng áo quan, khâm liệm, quạt ma, kẹ… Thày mo vừa làm lễ, vừa hướng dẫn cho ma thực hiện các nghi thức. Người nhà tắm rửa sạch sẽ cho người đã mất và chuẩn bị đồ dùng để ma đi đường, sau đó, thày mo bắt đầu đọc bài cúng, báo với thần linh biết để trừ tà ma, không cho chúng đến làm hại quan tài người đã khuất. Khi những nghi lễ trên hoàn tất thì coi như việc khâm liệm đã xong. Thày mo phải ở đó không được đi đâu cho tới khi các nghi lễ kết thúc.       Một trong những nét đặc sắc của nghi lễ tang ma người Mường chính là việc tiến hành các đêm mo, hay còn gọi là các bữa ăn của ma. Đối với nghi lễ tang ma cổ, các đêm mo có khi kéo dài đến 12 đêm. Đến nay, các bữa đã có những thay đổi cho phù hợp với cuộc sống hiện đại nên không còn đầy đủ như trước. Hiện nay chỉ còn bốn bữa ăn chung cho người mất, đó là: bữa tẩm tịch, nhìn ho, đi chợ và bữa tận. Trong nghi lễ này, thày mo đóng vai trò là người chỉ và dẫn đường. Thày dùng cây kiếm và chiếc chuông để gọi ma, chỉ đường cho ma đi đúng hướng. Mỗi  bữa ăn lại có những lời cúng và ý nghĩa khác nhau. Cách thức tiến hành của từng bữa cũng mang những đặc trưng riêng, nhằm giúp người đã khuất được siêu thoát.       Trong bữa tẩm tịch, thày mo nói với người đã khuất rằng từ nay họ đã là ma. Thày hướng dẫn cho người mất khi về với mường ma phải sống như thế nào, phải tuân thủ những tập tục ở đó ra sao. Trong bữa đầu tiên này, thày mo đọc sử thi Đẻ đất đẻ nước vừa để giải tỏa tâm lý, an ủi, trấn an tinh thần, vừa trang bị những kiến thức cơ bản cho người mất trước khi họ về thế giới bên kia. Giọng mo đầy truyền cảm và uy lực.       Bữa thứ hai là bữa mo đi nhìn ho. Bằng các bài cúng, thày mo dẫn dắt linh hồn người quá cố vào nghĩa địa, nơi mà sau này sẽ được chôn cất để gặp chủ đất. Trong chuyến đi này, người mất tham gia chơi ném còn cùng những người thuộc mường ma tại một ngôi đình, trước nghĩa địa. Sau đó, thày mo dẫn họ vào chào và gặp những người thân trong dòng tộc đã yên nghỉ ở đây, rồi trở lại nhà. Đây cũng là khoảng thời gian mà linh hồn được nghỉ ngơi. Bên cạnh đó, thày mo chỉ dẫn cho ma lối đi, tránh lầm đường, lạc lối và gọi đầy tớ đi cùng để mang đồ. Con vật dẫn đường cho ma là muông và cá, tượng trưng cho sự sinh tồn. Chúng dẫn ma đi đường rừng thẳm, đi đường trên cạn và cũng là hiện thân cho mặt đất, nơi mà con người đặt chân lên.       Sau khi nhận họ hàng ở bữa nhìn ho, thày mo dẫn linh hồn người mất về và đưa đi chợ (chợ âm). Hồn sẽ từ nhà ra dốc Lồ nằm ở xóm Ảo, xã Quê Mỹ, tỉnh Hòa Bình. Đi dọc theo con đường này, linh hồn sẽ được ngắm những khung cảnh núi non hùng vĩ. Sau khi cho linh hồn người mất mua quần áo, đồ dùng, thày mo về nhà, tiến hành “mo táy”, có nghĩa là để người mất chia tay với con cái, họ hàng còn sống. Lúc này người mất biết rằng họ đã không còn sống ở cõi dương nữa mà đã về với cõi âm, từ nay không được quyến luyến, quấy nhiễu người trần.       Bữa tận là bữa cơm do con chủ làm cho người mất, trước khi được đưa về nơi an nghỉ cuối cùng. Trước lúc đi, thày mo khấn bài thu gom những vật dụng người còn sống dành cho người mất. Thày mo thay lời người đã khuất răn dạy con cháu, người thân với những lời giáo huấn đầy triết lý. Lời mo có tính giáo dục rất cao, nên gắn liền với đời sống tâm linh của người Mường. Thày mo cho người đã khuất nhìn lại cảnh vật quanh nhà, bịn rịn chào các đồ vật quen thuộc với mình trong gia đình, tạm biệt tất cả anh em, họ hàng, làng xóm lần cuối trước khi ra đi mãi mãi. Cuối cùng, lời mo căn dặn con cháu những điều không nên làm trong thời gian chịu tang cha mẹ, ông bà.       Đến thời điểm phải đưa ma, ông mo mặc áo, đội mũ, đeo dao, đi trước đoàn người một quãng xa với mục đích dẫn hồn người chết đến chỗ huyệt, chỉ hồn ở đó rồi cởi trang phục, trở về bằng con đường khác.       Như vậy, có thể thấy, thày mo là người đóng vai trò rất quan trọng trong việc tổ chức nghi lễ tang ma và các bữa ăn cho người đã mất. Thày mo là người chỉ dẫn cho ma đi đúng đường, để ma có thể đi chợ mua đồ dùng, mua quần áo, đi gặp những người thân và về với gia đình ở thế giới mường ma. Thày mo thể hiện quyền lực qua thanh gươm và chuông gọi ma, để điều khiển người mất theo sự chỉ dẫn của mình.       Sứ giả kết nối cõi dương và cõi âm       Có thể nói, thày mo chính là linh hồn của các đám tang ở Mường Bi. Người Mường quan niệm, khi mới mất, nếu chưa tiến hành các nghi lễ tang ma thì chưa thành ma, dù không còn là người trần nữa. Trong ranh giới này, người mất có một quyền lực siêu nhiêu mà chỉ có thày mo mới điều khiển hay cầu xin được. Vì vậy, thày mo là người trung gian giữa hai thế giới, có nhiệm vụ điều khiển linh hồn người mất phải tuân theo các nghi lễ của tang ma. Nếu thày mo có những bước chỉ dẫn sai thì linh hồn người chết sẽ bị mất phương hướng, không đến được cõi âm.       Trong các đêm mo, thày mo là người kết nối giữa cõi âm và cõi dương. Mỗi đêm mo được tiến hành một cách quy củ, trang nghiêm với những ý nghĩa khác nhau. Thày mo trở thành diễn viên, phải diễn nhiều vai qua mỗi đêm. Khi thì đóng vai con cái, họ hàng nói chuyện, an ủi người mất, khi lại là người đã khuất nói lời dặn dò những người ở lại. Giữa người sống và người chết thường có mối liên hệ với nhau nên trong các nghi lễ tang ma, thày mo thường làm lễ kẹ. Ông khấn và lấy thanh gươm cắt đứt sợi chỉ đỏ gần bàn lễ, điều đó tượng trưng cho sự chấm dứt những ân oán mà người quá cố mắc phải khi còn sống. Khi người đã mất đi, biến thành ma phải tìm người thân để hỏi lý do tại sao mình phải chết. Khi đi, ma đem theo người hầu và thày mo chính là người sẽ giúp ma gọi kẻ hầu người hạ, sắp xếp đồ đạc.       Phân biệt tầng lớp người Mường trong tang lễ       Người Mường ở Tân Lạc, Hòa Bình có sự phân chia rõ ràng về mặt tầng lớp giữa những người có quyền hành và những người dưới quyền, tương ứng là ma khang và ma khó. Cách thức và diễn tiến trong tang lễ giữa hai tầng lớp này được thày mo hành lễ khác nhau. Thày mo cũng là nhân vật để nhận biết được gia đình đó thuộc tầng lớp nào.       Lễ tang của ma khang thường có ba thày mo, mỗi thày giữ một vị trí khác nhau. Trong khi đó, tang lễ của ma khó thì chỉ có một thày mo thực hiện tất cả nghi lễ. Trang phục của các thày mo khi hành lễ cho hai tầng lớp cũng được phân biệt rõ ràng. Trong tang lễ của ma khang, thày mo đội mũ vuông, còn trong tang lễ của ma khó, thày mo lại đội mũ nhọn. Đặc biệt, các bài cúng của thày mo cũng thể hiện uy lực khác nhau. Thày mo chỉ có thể gọi quân quyền trong đám của ma khang.       Tang lễ của người Mường ở Tân Lạc hiện nay có những biến đổi nhất định, đặc biệt trong các đêm mo, thường chỉ diễn ra từ 1 – 3 đêm để phù hợp với đời sống văn minh. Nội dung các bài mo cũng phụ thuộc vào thày mo chứ không theo trình tự như trước. Bài mo nào quan trọng thì sẽ mo trước, sau mới đến các bài khác.       Nghề thày mo từ xưa đến nay vẫn được coi là một nghề lao động vất vả và phức tạp. Chính vì vậy trong các đám tang, thân chủ cũng rất chú trọng đến việc trả công cho thày. Việc trả công này được tính cho toàn bộ đám ma mà thày đảm nhiệm. Nếu như trước đây, trong các đám ma cổ, thày mo được trả công bằng xôi, thịt sống, thịt chín… thì ngày nay nhiều gia đình đã trả công bằng tiền mặt. Chính vì vậy mà đời sống của thày mo ngày càng được nâng lên, thậm chí, có người trở nên giàu có nhờ nghề mo.       Những năm gần đây, cùng với sự chuyển giao giữa các dân tộc khác nhau, những giá trị văn hóa của người Mường tại Tân Lạc, Hòa Bình có nhiều thay đổi. Tuy nhiên, nghi lễ tang ma vẫn được coi là một trong những nghi thức tôn giáo mang đậm màu sắc tâm linh huyền bí cần được giữ gìn. Ở đó, vai trò của thày mo không thể thay thế được. Đây là nhân vật quan trọng, đặt nền móng văn hóa cũng như các nghi lễ tâm linh của dân tộc Mường Bi. Những tín ngưỡng tâm linh mà thày mo lưu giữ được sẽ là kho tàng văn hóa phong phú, đáng quý để chúng ta lưu tâm gìn giữ và khai thác.

Nguồn : Tạp chí VHNT số 403, tháng 1-2018

Tác giả : NGUYỄN DIỆU LINH

Đánh giá post

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *