Đôi nét về phê bình sinh thái và nữ quyền sinh thái
Phê bình sinh thái ra đời vào những năm 70 của TK XX, là sự phản ứng của văn chương nghệ thuật với nguy cơ sinh thái. Karen Thornber, trong tiểu luận Những tương lai của phê bình sinh thái và văn học, cho rằng: “Việc xem xét các tác phẩm văn chương nghệ thuật diễn tả mối tương tác giữa con người và môi trường, trên thực tế, đào sâu sự hiểu biết không chỉ về mối quan hệ này mà còn về mối quan hệ giữa con người và con người” (1).
Ở Việt Nam, phê bình sinh thái đang được các nhà nghiên cứu quan tâm và trở thành vấn đề thời sự và cấp thiết khi nguy cơ ô nhiễm môi trường và biến đổi khí hậu đang trở thành vấn nạn của quốc gia. Các hội thảo quốc tế được tổ chức ngày càng nhiều hơn, các nghiên cứu, dịch thuật cũng được xuất bản. Lý giải về sự phát triển nhanh của hướng nghiên cứu phê bình sinh thái, PGS.TS Trần Văn Toàn nhận định: “Có ít nhất hai nguyên nhân: thứ nhất, đây là hướng nghiên cứu với khung tri thức liên ngành, vì thế, cho phép kết hợp cả nghiên cứu nội tại và ngoại tại về văn học; thứ hai, khủng hoảng môi trường sinh thái đang là một vấn đề có tính toàn cầu, đặc biệt ở các nước đang phát triển như Việt Nam” (2). Chính nỗ lực kiến tạo một đạo lý và mỹ học mới của con người và tự nhiên, chúng ta kỳ vọng có sự tác động trực tiếp đến thực tiễn.
Xuất hiện đồng thời với phê bình sinh thái, chủ nghĩa nữ quyền sinh thái (ecofeminism) (3) là một nhánh đặc biệt của phê bình nữ quyền, tập trung nghiên cứu những trào lưu và lý thuyết liên kết nữ quyền với những vấn đề sinh thái tự nhiên, đặc biệt là cặp quan hệ thống trị và bị trị song song: nam giới – nữ giới, văn hóa – tự nhiên. Nền tảng cơ bản và mối quan tâm chủ yếu của lý thuyết này là mối liên hệ tương quan và tương tác giữa sự thống trị phụ nữ với sự thống trị thiên nhiên, kết quả của nền văn hóa phụ quyền hình thành từ thời nguyên thủy, phát triển đến đỉnh cao trong chủ nghĩa nhị nguyên nhận thức và chủ nghĩa công cụ cấp tiến cũng như những cuộc cách mạng khoa học công nghệ trong lịch sử nhân loại.
Dấu ấn nữ quyền sinh thái trong văn chương về miền núi của Đỗ Bích Thúy
Đỗ Bích Thúy là nữ nhà văn sở hữu số lượng đầu sách khá lớn, tính đến nay chị đã xuất bản 19 đầu sách từ truyện ngắn, tản văn đến tiểu thuyết. Chị cho thấy sự đa dạng trong lối viết về thể loại cũng như đề tài, khi viết về miền núi, lúc dịch chuyển về thành thị. Dù vậy, chị viết nhiều nhất và những tác phẩm thành công nhất của chị vẫn là về Hà Giang, miền đất nơi chị sinh ra, lớn lên và trưởng thành.
Trong số 19 đầu sách của chị, có đến 17 đầu sách về miền núi cao. Gần đây nhất, cuối năm 2018, Đỗ Bích Thúy xuất bản cuốn tản văn Tôi đã trở về trên núi cao, như một xác quyết của chị với lãnh địa thẩm mỹ của mình. Trong bài viết, chúng tôi tập trung phân tích đối tượng tự nhiên và nữ giới, để từ đó, tìm ra ý nghĩa văn hóa sinh thái và ý nghĩa mỹ học sinh thái trong sáng tác văn học về miền núi của Đỗ Bích Thúy. Qua đó, chúng tôi chỉ ra sự kiến tạo và tái xây dựng mối quan hệ giữa phụ nữ và tự nhiên trong văn chương của chị, khẳng định dấu ấn văn chương Đỗ Bích Thúy trong dòng chảy văn xuôi Việt Nam đương đại.
Phụ nữ và tự nhiên có mối quan hệ tương đồng, hòa hợp
Là nhà văn nữ sinh ra và lớn lên ở vùng núi cao, Đỗ Bích Thúy, một cách tự nhiên, thể hiện cảm thức về sinh thái trong các tác phẩm của mình. Chúng ta dễ dàng nhận ra ký hiệu thẩm mỹ sinh thái ngay từ nhan đề các tác phẩm của chị. Nhà văn đã lựa chọn những hình ảnh của tự nhiên để đặt cho nhan đề tác phẩm: trăng (Sau những mùa trăng), bờ rào đá (Tiếng đàn môi sau bờ rào đá), cây (Bóng của cây sồi), cánh chim (Cánh chim kiêu hãnh), đất (Chúa đất), vực (Lặng yên dưới vực sâu), núi (Tôi đã trở về trên núi cao)…
Đỗ Bích Thúy tạo ra hệ thống song trùng giữa nữ giới – tự nhiên khi so sánh người đàn bà miền núi với tự nhiên. Người phụ nữ trong văn chương Đỗ Bích Thúy có thể là người mẹ, người vợ, người chị, người em gái, người bạn gái… Nhà văn xây dựng hệ thống ký hiệu tạo nghĩa giữa người nữ và tự nhiên như là một, ở đó có sự trộn lẫn, thẩm thấu giữa người nữ – loài vật (tự nhiên), người nữ – cây cối (tự nhiên). Đặc biệt, hệ thống ký hiệu song trùng này không chỉ được nhà văn sử dụng trong việc miêu tả vẻ đẹp của người nữ mà còn được sử dụng để thể hiện hoàn cảnh, thân phận và cuộc đời họ. Đọc các tác phẩm của Đỗ Bích Thúy, chúng ta nhận thấy nhiều mã ký hiệu này. Đó là giọng hát của Xí trong Lặng yên dưới vực sâu: “Xí hát nghe rất vui tai, như chim hót, như chó con tập sủa” (4). Đó là cách miêu tả vẻ đẹp của mái tóc người con gái: “Đâu rồi mái tóc đầy những mùi thơm của lúa mùi cay nồng, của ngải đắng, mùi mặn mòi của cỏ tranh bị đốt cháy?” (5). Đó là hình ảnh của người con gái trong mắt người yêu: “Vàng thấy Xính là một bông anh túc đẹp nhất trong những bông anh túc đang nở ở thung lũng Đường Thượng” (6); là hình ảnh người mẹ già trong truyện ngắn Ngải đắng ở trên núi: “Hơn sáu mươi năm nay tao như con suối chảy xuôi” (7)… Rõ ràng, một cách tự nhiên, Đỗ Bích Thúy thể hiện sự liên kết gần gũi, hòa hợp giữa hình ảnh người phụ nữ với tự nhiên.
Tự nhiên trong mối quan hệ với nữ giới còn góp phần kiến tạo thế giới nội tâm nhân vật. Trong đêm đầu tiên về nhà Phống và nhiều đêm sau đó, mỗi lần Phống đè Súa ra, cô đều “nhìn chằm chằm ra cửa sổ”, nơi “thỉnh thoảng lại có một cánh chim vụt qua”, nơi “Súa nhìn thấy ánh trăng sáng trắng bên ngoài”. Súa thấy mình giống quả bí ngô, “một quả bí ngô nặng, lạnh lẽo, câm lặng, thở hay không thở cũng không biết nữa, để mặc Phống thế nào cũng được, lật lên hay úp xuống đều được” (8). Hình ảnh “mù mịt sương” cũng thể hiện tâm trạng của mẹ Mao khi mới về làm dâu: “Tiếng đàn môi nghe rất xa (…) Tiếng đàn môi từ rất xa kia lại giống như mũi tên xuyên qua thấy rõ. Tiếng đàn môi từ rất xa kia lại giống như mũi tên xuyên qua sương dày đặc, lao đến. Tiếng đàn môi buồn rầu, trách móc” (9).
Hình ảnh người phụ nữ trở về với bản thể thiên nhiên núi rừng rõ nhất có lẽ là nhân vật tôi trữ tình trong Tôi đã trở về trên núi cao. Trong những trang đầu tiên là hình ảnh thật đẹp: “Gần nơi chị nằm có một bụi cây. Trên ngọn của nó nở ra chi chít những chùm hoa vàng mỏng tang, phấp phới như hàng ngàn con bướm đậu” (10). Người phụ nữ ấy hòa hợp với thiên nhiên một cách trọn vẹn, như thể trở về với thiên nhiên, nhân vật “tôi” được trở về với chính mình.
Phụ nữ và tự nhiên cùng ở vị trí bên lề
Phụ nữ và tự nhiên trong mối quan hệ với nam giới và văn hóa thường bị coi là ngoại biên, là đối tượng bên dưới, thậm chí bị bóc lột. Mối tương quan giữa tự nhiên và nữ giới còn thể hiện ở nguy cơ chung là trở thành nạn nhân, gánh nhiều hệ lụy từ việc tàn phá, hủy hoại môi sinh.
Trong Lặng yên dưới vực sâu, những người phụ nữ đều chịu nhiều khổ cực. Vì tục bắt vợ của người Mông mà Súa không được từ chối Phống, không được sống với người mình yêu là Vừ. Sau đêm bị ép làm vợ Phống, “Súa đi ra sông, theo lối mòn xuống tận mép nước. Ngồi đấy, thả chân xuống, nhặt một cục đá tròn, ra sức kỳ những vết máu đã bắt đầu khô. Kỳ mãi, kỳ mãi, da đỏ cả lên, máu đã sạch hết nhưng Súa vẫn tiếp tục kỳ. Nước không rửa trôi được vết máu, đá không xóa được vết máu” (11). Tự nhiên (vực sâu, sông) trong tác phẩm Đỗ Bích Thúy là nơi những nhân vật nữ tìm đến khi họ buồn phiền, đau khổ. Có người tìm đến dòng sông để được chia sẻ cho vơi nỗi buồn, có người tìm đến vực sâu để giải thoát khỏi khổ đau.
Đỗ Bích Thúy, trong Tôi đã trở về trên núi cao, viết: “Một trong những nhân vật khiến tôi đau khổ nhất là cô bé câm trong tiểu thuyết Lặng yên dưới vực sâu (…). Khi tôi viết về cái Chía, tôi nghĩ: trong số rất nhiều quyền được mặc định khi sinh ra, người ta có một cái quyền đặc biệt – quyền được gục gã” (12). Cái chết, với nhân vật của Đỗ Bích Thúy là một sự giải thoát, là một đặc quyền. Có lẽ, phải là người phụ nữ tinh tế và thấu cảm, có trải nghiệm văn hóa miền núi như Đỗ Bích Thúy mới xây dựng câu chuyện về người phụ nữ với nhiều thương cảm và xót đau như thế…
Phụ nữ – tự nhiên và ý thức về sự kháng cự
Trong văn chương của Đỗ Bích Thúy, phụ nữ và tự nhiên, trong mối quan hệ giữa nam giới và xã hội, được xây dựng là hai thực thể không hoàn toàn bị động; họ không ngừng tranh đấu và không cam chịu làm kẻ bên lề. Đây là sự tri nhận giàu tính nhân văn trong ngòi bút nữ nhà văn.
Đỗ Bích Thúy xây dựng không gian sống của con người là vùng đất hiểm trở, dữ dội, với đèo cao, vực sâu, đá sắc, gió rét, sương muối. Nhưng giữa tự nhiên hoang sơ và nhiều bất trắc ấy, người phụ nữ vẫn thấy những dải ngải đắng xanh non, những dãy ngô trĩu bắp, và cả vạt rừng hoa tam giác mạch rộng lớn. Hãy xem thảm rêu đầy sức sống được người mẹ sử dụng làm thức ăn nuôi dưỡng cả gia đình khi thời tiết khắc nghiệt đổ xuống: “Năm ấy… Trời làm đất đai cạn kiệt, tôi theo mẹ đem ống bương đi qua hai quả núi cách Tả Choóng nửa ngày trời mới lấy được thứ nước đầy rêu trong một cái vũng nhỏ.[…] Không có hai thứ ấy, người quê tôi không còn bất cứ thứ rau gì cho mùa đông” (13). Và cả thảm ngải đầy sức sống: “Người ta càng hái thì ngải càng đâm nhiều ngọn, mặc cho những đợt gió mùa tới tấp ùa về quất ràn rạt trên mặt đất”. Ngải đắng, rêu… là thực vật có sức sống mãnh liệt, vượt lên trên cái “rét căm căm sương muối” (14). Nhà văn đã sử dụng hai hình ảnh tự nhiên ấy để ngầm so sánh với tinh thần sống mãnh liệt của người phụ nữ miền núi cũng như bản năng che chở gia đình của họ. Ý thức về vai trò của mình trong gia đình, vai trò của một người mẹ đối với các con đã giúp cho người phụ nữ có quyền năng mạnh mẽ, đưa họ trở lại vị trí trung tâm trong tương quan với hoàn cảnh sống, một vị trí trung tâm đầy tính biểu tượng.
Người phụ nữ trong văn chương Đỗ Bích Thúy được xây dựng với tính cách quyết liệt. Họ có thể cần mẫn chăm nom, nhẫn nại làm việc nhưng trong tính cách họ không chịu khuất phục bởi những áp bức mà đàn ông gây ra. Âm ỉ trong tính cách, trong tâm hồn họ là một sự kháng cự mạnh mẽ. Vàng Chở là cô gái xinh đẹp, được Chúa đất yêu chiều và cưng nựng, nhưng Vàng Chở không cam chịu, cô ngầm chống lại vị Chúa đất quyền uy. Vàng Chở muốn được sống thật với chính mình, muốn được làm một người đàn bà yêu và được yêu đúng nghĩa. Cô sống cùng Chúa đất nhưng cô yêu người khác. Tình yêu ấy thể hiện sự phản kháng, vị Chúa đất có thể uy hiếp nhiều người, có thể có được thân xác của Vàng Chở nhưng không bao giờ có được trái tim và tâm hồn cô. Đó là Súa trong Lặng yên dưới vực sâu. Súa bị bắt về nhà chồng, đã ăn ở với chồng, có con với chồng nhưng Súa chưa bao giờ ngừng nghĩ, ngừng nhớ về Vừ, người yêu của mình. Sự tự do nội tâm là bất diệt và nhà văn đã tạo ra các tình huống cho thấy nhân vật nữ của chị rất có ý thức về điều này như ý thức về bản năng kháng cự mạnh mẽ nhất của con người trước những áp bức, xấu xa và độc ác.
Đỗ Bích Thúy, từ cái nhìn của nhà văn nữ đầy yêu thương và bảo vệ người phụ nữ, theo mạch câu chuyện của mình, chị đã xây dựng hình ảnh những người đàn ông với tư tưởng thống trị, độc đoán, nam quyền nhưng cuối cùng họ cũng phải chịu những hậu quả mà họ gây ra. Phống trong Lặng yên dưới vực sâu đã nhảy xuống vực tự tử khi biết rằng, mình không phải là con trai đẻ của bố, Chúa đất trong tiểu thuyết Chúa đất cũng phải chết trong đám lửa dữ. Tự nhiên (vực sâu, ngọn lửa) cuối cùng cũng bao trọn những kẻ đối xử bất công tàn bạo với tự nhiên và nữ giới.
Có thể nó, Tôi sẽ trở về trên núi cao là tiêu đề của tác phẩm mới đồng thời cũng là thông điệp của Đỗ Bích Thúy về lãnh địa văn chương của mình. Nữ nhà văn luôn xây dựng một không gian miền núi Tây Bắc chân thực và đẹp đẽ, nơi con người hiện lên với sự độc đáo về tính cách và văn hóa. Văn chương miền núi Đỗ Bích Thúy được viết bằng giọng điệu tự nhiên, ngôn từ giản dị, chân thành. Đỗ Bích Thúy không làm màu ở ngòi bút và kỹ thuật viết, mà chị viết chân thực như hơi thở hằng ngày, như cuộc sống vẫn hiện tồn trước mắt.
Soi chiếu bởi lý thuyết nữ quyền sinh thái, văn chương viết về miền núi của Đỗ Bích Thúy hiện lên lấp lánh giá trị nhân văn bởi những tầng ý nghĩa về mối quan hệ giữa nữ giới và tự nhiên. Đỗ Bích Thúy đã kiến tạo lên một không gian thẩm mỹ riêng biệt, là màu sắc độc đáo trong dòng chảy văn chương Việt Nam đương đại.
_____________
1. Hoàng Tố Mai (chủ biên), Phê bình sinh thái là gì?, Nxb Hội Nhà văn, 2017, tr.262.
2. Trần Văn Toàn, Giải nhị phân người/tự nhiên và diễn ngôn mới về nhân tính (Đọc những truyện ngắn về tự nhiên của Nguyễn Minh Châu và Nguyễn Huy Thiệp), trong Phê bình sinh thái: tiếng nói bản địa, tiếng nói toàn cầu, Nxb Khoa học Xã hội, 2017.
3. Thuật ngữ ecofeminism do Françoise d’Eaubonne đề xuất lần đầu năm 1974, khi bà kêu gọi phụ nữ tổ chức một cuộc cách mạng sinh thái để cứu trái đất bởi lẽ hơn ai hết, phụ nữ phù hợp và có khả năng thực hiện tốt nhất trách nhiệm này. Từ đó đến nay, nữ quyền sinh thái đã rẽ nhánh phức tạp với nhiều biến thể phong phú.
4, 5,6, 7, 8, 9, 10, 11, 12, 13, 14. Các trích dẫn trong một số sáng tác của Đỗ Bích Thúy, được đề cập đến trong bài viết: Lặng yên dưới vực sâu, Nxb Hội Nhà văn và Công ty CP Văn hóa và Truyền thông Nhã Nam, Hà Nội, 2017; Tiếng đàn môi sau bờ rào đá, Nxb Công an nhân dân, Hà Nội, 2005; Tôi đã trở về trên núi cao, Nxb Hội Nhà văn và Công ty CP Văn hóa và Truyền thông Liên Việt, Hà Nội, 2018; Ngải đắng trên núi, nguồn: dongvan.gov.vn.
Tác giả: Lê Thị Tuân
Nguồn: Tạp chí VHNT số 420, tháng 6-2019
Bài viết cùng chủ đề:
Festival Huế – Nét đẹp văn hóa dân tộc Miền Trung Việt Nam
Mối quan hệ giữa chính sách văn hóa và sáng tạo trong lĩnh vực nghệ thuật ở nước ta
Ý nghĩa và giá trị thẩm mỹ của biểu tượng cá hóa rồng trong mỹ thuật triều Nguyễn