Cuộc xâm lăng văn hóa trong thế giới hiện nay ào ạt hơn cả vó ngựa của đoàn quân Mông Cổ đi chinh phục châu Âu thuở trước, nhưng có điều nguy hại hơn, bởi nhiều khi các dân tộc bị chinh phục lại hết lòng say mê, tự nguyện ngợi ca, tôn thờ sự xâm lăng văn hóa ấy. Ngành nghệ thuật múa Việt Nam hiện tại, trước xu thế toàn cầu hóa, cũng như sự du nhập mọi ngả của múa hiện đại châu Âu, châu Mỹ, châu Úc, đang dồn sức chống đỡ để gìn giữ và phát huy bước đi chính đạo theo tinh thần nghệ thuật của Đảng đề ra.
Lấy ví dụ mấy năm gần đây, trong các hội diễn nghệ thuật chuyên nghiệp toàn quốc, một số biên đạo trẻ ra sức vận dụng ngôn ngữ múa hiện đại vào trong tác phẩm để thể hiện đề tài đấu tranh cách mạng hoặc đề tài quê hương, đất nước. Các động tác kỹ xảo mặt đất bò, lăn, lê lết của múa hiện đại Pháp, những bước trườn, ngưng đột ngột kiểu Úc, những pha bê đỡ quăng quật kiểu Mỹ, những luật động, tạo hình quái lạ được thi triển trên sân khấu múa gây nhiều thụ cảm khác nhau. Nhà nghiên cứu múa xem xong tác phẩm thì bâng khuâng, sao thấy nó cứ na ná của Tây, của Tàu, hồn dân tộc không biết còn hay mất. Nhà lãnh đạo hội múa thì xót xa, thương cảm, bởi diễn viên hao tổn quá nhiều sức lực, mà chế độ thù lao của nhà nước lại vô cùng khiêm tốn. Liệu diễn viên có thọ lâu được với nghề? Còn khán giả sau vài tiết mục được chiêm ngưỡng cái lạ, đã trở thành quen mắt, bởi ngôn ngữ múa của đoàn sau cùng một lò ra, gần như đoàn trước. Sân khấu múa còn đi tìm hình thức trang trí, phục trang, ánh sáng để phục vụ cho ý tưởng hiện đại theo phái tượng trưng hay trừu tượng. Cầu kỳ, cố gắng nhiều cái bên ngoài song nội tâm, hồn dân tộc trong múa lại vô cùng sơ lược. Ngôn ngữ múa hiện đại khắc họa những nhân vật con người Việt Nam khác lạ hẳn đi. Cô gái miền biển ra bến đợi chồng trong tư thế chổng mông, xoạc cẳng. Chàng trai nghèo Chử Đồng Tử vừa ra khỏi lớp cát đã bế luôn công chúa Tiên Dung. Rồi, những múa dân gian các dân tộc được phát triển qua lăng kính hiện đại biến dạng đến mức chỉ gọi tên dân tộc ấy qua lời giới thiệu tiết mục mà thôi.
Cuốn theo nền kinh tế thị trường, nghệ thuật múa được sử dụng nhiều vào trang trí, minh họa, phụ diễn cho phần đơn ca của các ngôi sao ca nhạc pop, rock. Múa chỉ để cho vui mắt, khoe cơ thể, áo quần, thỏa mãn thị hiếu của lớp thị dân ngự trị đồng tiền.
Những người sáng tác múa ý thức về truyền thống dân tộc, gần như bị coi là xưa cũ, thậm chí đã có lời khuyên bảo nên “rửa tay, gác kiếm” trước sức trẻ tung hoành tiếp thu cái hiện đại. Múa dân tộc có nguy cơ xếp lại bảo tàng, thi thoảng dăm ba tiết mục múa dân gian sáng tác từ 40 năm về trước như Ô Mèo, Nón Thái, Ka tu, Vũ nữ Chăm được phục hồi để trình diễn trong các dịp đối ngoại cấp nhà nước.
Hàng năm, Hội Nghệ sĩ Múa Việt Nam đã rất cố gắng tổ chức hội thảo chuyên đề để bàn về vấn đề tính dân tộc, hiện đại trên con đường tiến tới của nghệ thuật múa Việt Nam. Thực ra, hội thảo phần nhiều ai đọc, nấy nghe, người cần nghe thì ít tới, ý tứ hội thảo nằm trên giấy, còn thực tiễn chưa hẳn định hướng được ai, bởi khâu sáng tạo ra sản phẩm cần có còn tùy thuộc vào nhiều điều kiện xã hội. Điều kiện quan trọng nhất là kinh phí để dàn dựng tác phẩm. Múa cũng như sân khấu, điện ảnh, một tác phẩm của nghệ thuật tổng hợp đòi hỏi kinh phí khá cao. Tác phẩm nghệ thuật chân chính chưa hẳn đã có giá trong nền kinh tế thị trường. Các đơn vị nghệ thuật của nhà nước, khoản kinh phí dùng cho sáng tác dàn dựng còn hạn hẹp lắm. Nhiều đoàn xây dựng chương trình, ngoài phần đáp ứng yêu cầu phục vụ chính trị vẫn phải lo chương trình, tiết mục đáp ứng thị hiếu thị trường để nuôi đoàn. Vì thế, phần nhiều các điệu múa lấy cái đẹp, vui là chính, cần gì ý thức dân tộc hiện đại. Trong khi dòng múa hiện đại lại được sự khuyến khích của quỹ tài trợ văn hóa nước ngoài. Tài trợ vài chục ngàn đô la, nhưng lại lấy người mình, sân khấu mình làm nơi thể nghiệm cho nghệ thuật đương đại của họ. Báo chí thiếu tinh tường, không phải phóng viên nghệ thuật nào cũng am hiểu về múa, vớ được tin tức, hình ảnh là thổi ngay lên thành múa đương đại Việt Nam. Điều ấy khiến khán giả nhầm lẫn, coi các tiết mục múa hiện đại phương Tây ấy như mẫu hình của dân tộc – hiện đại, là múa đương đại Việt Nam.
Múa hiện đại cũng có những ưu điểm, nếu chúng ta biết tiếp thu cái tinh hoa của nó là tiết tấu nhịp điệu phù hợp với hơi thở cuộc sống đương đại, là dáng dấp tạo hình phù hợp với phong cách sinh hoạt của thế hệ trẻ hôm nay. Cấu tứ của một số tác phẩm múa hiện đại, tư duy khái quát trừu tượng mang tính hàm xúc nhân văn, phù hợp với tư duy khoa học thời hiện đại.
Cái không phù hợp của múa hiện đại Âu, Mỹ vào chúng ta là sự phản cảm thẩm mỹ, đôi lúc chạm cả vào quy chuẩn đạo đức, tâm hồn dân tộc. Một dân tộc đã có ý thức hệ văn hóa ngàn năm sẽ không chấp nhận sự lộ liễu, trai gái yêu nhau, hôn nhau giữa đường. Múa đôi thể hiện tình yêu trai gái không thể biến thành các động tác làm tình dọc ngang trên sân khấu. Người phụ nữ nông thôn không thể dạng chân chờ chồng. Con trai lớn đã thành chiến sĩ có mấy ai ôm ấp, bê đỡ người mẹ già! Chưa kể về cấu tứ hiện đại vô lối như kịch múa Trương Chi, thơ múa Tiên Dung – Chử Đồng Tử, đã đánh mất cả chiều sâu tâm hồn dân tộc. Là một nghệ sĩ sáng tạo, tôi rất tâm đắc với điều mà cố tổng bí thư Lê Duẩn chỉ ra. Đại ý, trong mỗi một con người Việt Nam đều chứa đựng cái bản sắc văn hóa phong phú và sâu sắc nhất. Văn hóa Việt Nam không phơi bày mà kết tụ trong tâm hồn, tình cảm con người Việt Nam khi so sánh với các dân tộc khác.
Người ta hay nói tới sự nhanh nhạy, tiếp thu cái mới, cái hiện đại là ở lớp trẻ, còn lớp có tuổi thì ngược lại. Với ngành múa chưa hẳn là như vậy, bởi có những biên đạo đã thành danh nhưng vẫn còn vội vàng tiếp thu cái hiện đại một cách không chọn lọc. Trong khi đó, một số biên đạo trẻ lại ý thức sâu sắc tìm về cội nguồn truyền thống dân tộc, để nối mạch sáng tạo đáp ứng thẩm mỹ thời đại.
Nhớ lại những năm 60 của TK XX, NSND Thái Ly đã chịu nhiều phê phán, khi ông tìm tòi con đường sáng tạo ngôn ngữ múa ba lê để thể hiện những con người dân tộc. Làm ra cái mới thời ấy, đâu có dễ như bây giờ. Ba lê cổ điển châu Âu, được tiếp nhận như một cứu cánh cho con đường phát triển nghệ thuật múa cách mạng, trước hết là hệ thống huấn luyện của ba lê Nga. Nhưng đem ngôn ngữ múa ba lê để sáng tác múa dân tộc về đề tài con người Việt Nam là cả một quá trình thận trọng, công phu, lao tâm, khổ tứ. NSND Thái Ly rất đúng khi ông trụ chắc ở tiêu điểm xuất phát từ tình cảm, tâm hồn dân tộc trước khi sử dụng ngôn ngữ ba lê vào thể hiện nhân vật. Vì vậy, các tác phẩm của ông mang đậm nét dân tộc – hiện đại như Đôi bờ, Duo mùa xuân, Cánh chim và ánh sáng mặt trời… Có tác phẩm trở thành kinh điển của nghệ thuật múa Việt Nam.
Coi ba lê là tinh hoa thế giới nhưng với ông, sự tiếp thu để phát triển vốn múa dân tộc phải có chọn lọc. Trong kho tàng ngôn ngữ múa dân gian, dân tộc đa phần là ngôn ngữ múa sinh hoạt, lễ hội, hầu như rất ít ngôn ngữ biểu hiện nội tâm, phần thiếu hụt ấy phải vay mượn ở ngôn ngữ múa ba lê để diễn đạt con người thời đại, đặc biệt là ngôn ngữ sử dụng trong kịch múa.
NSND Thái Ly hiểu biết sâu sắc về văn hóa dân tộc, không chỉ có tài năng biên đạo, ông còn am hiểu nhiều bộ môn nghệ thuật khác như âm nhạc, mỹ thuật. Ông đọc nhiều, đi nhiều, học tập nhiều, rành rẽ tiếng Pháp, tiếng Trung, say mê tìm hiểu đến tận cùng ngõ ngách văn hóa cuộc sống. Bởi vậy, sự phát triển ngôn ngữ múa dân tộc trong tác phẩm của ông mang tinh thần thời đại. Ông là người thành công nhất trong hàng ngũ biên đạo múa Việt Nam. Ông từng tâm sự, muốn dành hết khả năng trí lực của mình vì một nền nghệ thuật múa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc. Qua ông, có thể thấy, phải có bản ngã, tấm lòng và nhận thức sâu sắc về cội nguồn văn hóa dân tộc mới có được sự nhạy cảm, tinh tường, để chọn lọc được cái tinh hoa của văn hóa thế giới thời hiện đại.
Cùng tâm huyết và suy nghĩ như ông, đội ngũ biên đạo múa Việt Nam còn có các NSND: Đoàn Long, Xuân Định, Trần Minh, Minh Tiến, Ngọc Anh, Phùng Thị Nhạn, Chu Thúy Quỳnh, Việt Cường, Ứng Duy Thịnh, Công Nhạc, Ngọc Cường, Phạm Anh Phương. Các biên đạo NSƯT: Lê Huân, Bá Thái, Trần Phú, Hồng Hà, Kiều Lê, Thu Hà, Hữu Từ… đã và đang phấn đấu cho một nền nghệ thuật múa Việt Nam trên con đường phát triển dân tộc – hiện đại. Song, công việc ấy mới chỉ là thành quả của mỗi người, sự phát triển mang tính toàn cục của một ngành nghệ thuật cần có tổ chức, biện pháp để định hướng đúng cho những điều chúng ta cần.
Thứ nhất, ngành múa Việt Nam phải tiến hành hội thảo khoa học, tổng kết việc phát triển múa dân tộc từ trước đến nay. Hội thảo không mang tính lý luận chung mà đi vào tổng kết đánh giá cụ thể về tác giả, tác phẩm, kể cả trong lý luận nghiên cứu, phê bình và lĩnh vực đào tạo. Tổng kết chỉ ra được cái hay và những điều còn lệch lạc của nghệ thuật múa dân tộc đang đáp ứng yêu cầu thời đại. Đặc biệt tổng kết này phải nêu được ngôn ngữ múa dân tộc đã được phát triển ra sao. Nghệ thuật múa Việt Nam ngay từ thuở đầu theo cách mạng đã định hướng đúng khi xây dựng các tác phẩm múa gắn liền với ý thức phục vụ chính trị, nên ngôn ngữ múa dân gian, dân tộc đã mang dáng nét, hơi thở thời đại. Những điệu múa như: Tam tam chế, Chiến binh ca vũ khúc rồi Ô Mèo, Xòe Thái, Xúc tép Cao Lan… sáng tác đầu thập niên 50, đến Tay chài, vai súng, Bên mâm pháo, Dệt một niềm tin, Lựu đạn gỗ, Ong vò vẽ, Bù nhìn rơm, Phá xiềng, Đôi bờ, Bà mẹ miền Nam, Hương xuân của thập niên 60, biên đạo múa đã vận dụng chất liệu ngôn ngữ múa dân gian, dân tộc để khắc họa các nhân vật chiến sĩ, nhân dân của một thời. Có động tác sáng tạo hoàn toàn, có động tác phát triển nâng cao, ví dụ trong múa Nón Thái của NSND Minh Tiến, đã cải biên từ động tác nón Mường Lay. Ngày xưa dáng cô gái múa nón cúi xuống trước các quan lang, phìa tạo, nay thì đội nón ngửa đầu ưỡn thẳng lên, dáng nét tự do của ngày mới. Trong Hương xuân sau này của NSND Chu Thúy Quỳnh, các cô gái Thái cũng được thể hiện như vậy…
Đầu tháng 7 – 2009, Hội Nghệ sĩ Múa tổ chức Hội nghị khoa học bàn về công tác giảng dạy múa nước ngoài cho các giảng viên trong cả nước – chủ yếu là việc tiếp thu múa ba lê Nga trong giáo trình múa Vaga Nôva. Rất nhiều ý kiến sâu sắc đánh giá sự tiếp thu tinh hoa ngôn ngữ múa thế giới về đào tạo, còn việc tiếp thu múa hiện đại vào sáng tác nên được bàn bạc trao đổi kỹ càng hơn.
4 nhiệm kỳ qua, Hội đã tổ chức hàng chục lần trại sáng tác múa chuyên nghiệp, nặng về phần trao đổi cấu tứ kịch bản, còn ngôn ngữ để rộng mở, tùy thuộc người làm. Những trại sáng tác sắp tới nên có cả phần định hướng ngôn ngữ, và phần tập huấn cho anh chị em biên đạo về vốn văn hóa dân tộc.
Thứ hai, sử dụng quỹ tài trợ sáng tác theo chế độ đặt hàng, chủ yếu vào những tác phẩm mang nội dung định hướng và sử dụng ngôn ngữ múa dân tộc. Chú trọng phát triển thể loại kịch múa, vì đánh giá một nền nghệ thuật múa hiện nay, phải nhìn vào sự phát triển của loại hình này. Ở đây công việc sáng tạo ngôn ngữ nhân vật là lời giải cho sự phát triển múa dân tộc – hiện đại.
Thứ ba, ngành múa Việt Nam phải tìm nhiều cách tiếp cận, sử dụng phương tiện thông tin đại chúng nhằm giới thiệu, quảng bá tác phẩm và truyền bá kiến thức hiểu biết về múa cho công chúng. Khi tầm hiểu biết của khán giả đã cao, họ sẽ là giám khảo công tâm nhất, thẩm định các giá trị sáng tác múa. Từ nhiều năm nay, trong các cuộc chấm thi về múa như hội diễn ca múa nhạc toàn quốc, toàn quân, thi tác phẩm múa ít người, liên hoan nghệ thuật kịch múa Việt Nam,… cuộc nào cũng còn điều chưa hợp lý, chưa thật sự tâm phục, khẩu phục. Nếu trình độ khán giả được nâng tầm, chắc chắn sẽ giúp ban chỉ đạo, ban giám khảo chấm thi tốt hơn cho mục đích tôn quý – vì một nền nghệ thuật múa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc.
Sau mỗi cuộc hội thi, hội diễn, cần tổ chức hội thảo đánh giá kết quả, trao đổi thẳng thắn của trưởng đoàn, đạo diễn, tác giả, điều ấy sẽ giúp cho những người trong cuộc rút ra nhiều bài học về hiệu quả sáng tạo. Và, ban tổ chức cũng như những người lãnh đạo ngành sẽ định hướng chuyên môn đúng đắn hơn, vì kết quả hội diễn, hội thi phải mang tính hướng dẫn nghệ thuật nhằm tới mục đích cao cả của xã hội.
Thứ tư, công tác lý luận, nghiên cứu, phê bình đang báo động nguy cơ về đội ngũ. Người làm công tác lý luận của ngành chỉ có thể tính trên đầu ngón tay. Thời gian đang mang dần đi những vị lý luận múa khả kính, để lại cho không gian lý luận múa sự trống vắng không người thay. Rồi, trong cơ chế thị trường giá cả một công trình lý luận tổn hao bao nhiêu tâm huyết, trí lực không so sánh được với thù lao sáng tác một tiết mục múa ngắn. Có trường hợp khi chúng tôi đề cập việc viết bài cho tạp chí Nhịp điệu với mấy biên đạo trẻ, thì họ cười và nói rằng: thà đóng góp một vài triệu cho hội còn hơn bảo chúng em viết báo. Nặn ra một bài báo với chúng em, thật tình gian nan lắm! Cả tháng đánh vật với chữ nghĩa chưa chắc đã xong, nếu viết xong được đăng, tạp chí trả nhuận bút hơn trăm! Chúng em chỉ cần “nhoáng” một cái, đi dựng múa cho phong trào là quơ ngay dăm ba triệu.
Hội Múa, ngoài ông Thái Phiên trưởng ban lý luận, tổng biên tập tạp chí Nhịp điệu ra, còn đa phần chỉ làm cộng tác viên lý luận nửa mùa, khi vui thì viết. Nghề biên đạo múa trước nhu cầu xã hội, nhà nhà hội diễn, ngành ngành hội diễn, liên hoan nghệ thuật từ quần chúng đến chuyên nghiệp, bốn mùa đều có cả, hấp dẫn hơn nhiều.
Thứ năm, trước xu thế hội nhập toàn cầu, nghệ thuật múa Việt Nam với bản sắc riêng có cơ hội tỏa sáng. Nhiều nhà nghiên cứu cho rằng, TK XXI là thế kỷ của múa. Các cuộc liên hoan văn hóa du lịch, các lễ hội quốc gia, quốc tế đều sử dụng múa làm trọng tâm thể hiện. Vì vậy, nghệ thuật múa phải được quan tâm chỉ đạo nhiều hơn, trước hết về phương diện lý luận.
Tại Quảng Tây năm 2007, Trung Quốc tổ chức hội thảo mang tên Nghệ thuật múa với văn hóa du lịch, đề cao giá trị của nghệ thuật múa trong xu thế hội nhập toàn cầu. Bản sắc độc đáo của nghệ thuật múa mỗi nước, mỗi dân tộc sẽ góp phần xây dựng cái đẹp chung cho nhân loại. Xác định điều ấy để thấy rằng, hiện đại chính là cái bản sắc nhất của dân tộc. Tiếp thu tinh hoa hiện đại của thế giới là để nâng cao hơn cho bản sắc dân tộc mình.
Nguồn : Tạp chí VHNT số 305, tháng 11-2009
Tác giả : Lê Huân
Bài viết cùng chủ đề:
Festival Huế – Nét đẹp văn hóa dân tộc Miền Trung Việt Nam
Nhận diện âm điệu bài chòi (p2)
Những giá trị trong nội dung hát ghẹo