Vận dụng quan điểm của Mác – Ăngghen về quan hệ lao động trong nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa ở nước ta hiện nay


Trong hệ thống quan điểm lý luận của
mình, C.Mác và Ph.Ăngghen bàn nhiều đến mối
quan hệ giai cấp giữa giai cấp tư sản và giai
cấp vô sản. Trong khi đề cập đến mối quan hệ
ấy, các ông đã bao quát được quan hệ lao
động giữa người sử dụng lao động và người lao
động. Tìm hiểu quan điểm của C.Mác và
Ph.Ăngghen về quan hệ lao động giữa giai cấp
tư sản và giai cấp vô sản là cơ sở khoa học
để nhận thức và giải quyết mối quan hệ lao
động trong nền kinh tế thị trường định hướng
xã hội chủ nghĩa ở nước ta giai đoạn hiện nay.

Khi bàn về quan hệ lao động, C.Mác và Ph.Ăngghen không có một tác phẩm riêng nào bàn về vấn đề này. Tuy nhiên, khi bàn mối quan hệ giữa giai cấp tư sản – người sử dụng lao động và giai cấp vô sản – những người lao động, các nhà kinh điển đã có những quan điểm lý luận rõ ràng và được thể hiện trong nhiều tác phẩm, điều kiện cụ thể khác nhau. Vì vậy, để hiểu đúng tinh thần, tư tưởng của các ông về vấn đề này, cần đặt chúng trong bối cảnh chung của toàn bộ học thuyết Mác. Nhìn nhận ở một góc độ rộng nhất, quan hệ lao động xuất hiện cùng với sự xuất hiện của xã hội loài người (quan hệ giữa con người với con người trong quá trình phân công lao động). Tuy nhiên, trước TK XIX (trước khi nền công nghiệp châu Âu hình thành và phát triển), các nhà cầm quyền đã không chấp nhận quan hệ lao động như là một hệ thống có những đặc thù riêng, cần có chính sách, pháp luật riêng để điều chỉnh, nên thời kỳ đó quan hệ lao động đã được “đối xử” như những quan hệ dân sự thuần túy. Đến đầu TK XIX, với sự phát triển đột phá của khoa hoc kỹ thuật, lực lượng sản xuất phát triển vượt bậc, quá trình công nghiệp hóa diễn ra với tốc độ cao, các ông chủ tư bản đua nhau đầu tư tiền của và thuê mướn lao động để thực hiện tham vọng lợi nhuận của mình. Tuy nhiên, C.Mác và Ph.Ăngghen cho rằng, để có thể sản xuất ra giá trị thặng dư hay lợi nhuận thì trước hết nhà tư bản phải sản xuất ra một giá trị sử dụng nào đó, vì giá trị sử dụng là vật mang giá trị và giá trị thặng dư. Như vậy, quá trình sản xuất tư bản chủ nghĩa là sự thống nhất giữa quá trình sản xuất ra giá trị sử dụng và quá trình sản xuất ra giá trị thặng dư bằng cách bóc lột lao động làm thuê – người lao động.

Trong xã hội tư bản chủ nghĩa, công nhân là những người lao động tự do, những người phải bán sức lao động của mình để đổi lấy tiền lương và họ không phải là chủ sở hữu của phương tiện sản xuất. Cũng theo C.Mác, giai cấp công nhân là những người tạo ra các giá trị thặng dư và sự giàu có cho xã hội. Hay nói cách khác, giai cấp các nhà tư bản – người sử dụng lao động làm giàu dựa trên cơ sở thuê mướn lao động của giai cấp công nhân. Ở đó, mục đích của nhà tư bản là giá trị thặng dư, giai cấp công nhân phải bán sức lao động cho nhà tư bản ấy. Chứng kiến cảnh người lao động bị áp bức lao động với tiền công rẻ mạt, trong khi nhà tư bản – người sử dụng lao động thì không ngừng giàu có, C.Mác nhận thấy có một sự bất công sâu sắc về mặt xã hội. C.Mác gọi đó là quan hệ bóc lột, mặc dù về mặt kinh tế, nhà tư bản – người sử dụng lao động không vi phạm quy luật kinh tế về trao đổi ngang giá thông qua ký hợp đồng thỏa thuận với người lao động làm thuê, song trong trao đổi ngang giá đó, giá trị thặng dư vẫn được tạo ra cho nhà tư bản bằng lao động sống chứ không phải do máy móc sinh ra.

Để có nhiều giá trị thặng dư, người sử dụng lao động tìm mọi cách kéo dài thời gian lao động và tăng cường độ lao động. Ngày lao động là thời gian lao động mà công nhân bị nhà tư bản chi phối trong xí nghiệp. Nếu có thể được, chắc chắn nhà tư bản sẽ bắt công nhân làm việc 24 giờ một ngày. Tuy nhiên, ngày lao động chịu giới hạn về mặt sinh lý vì người lao động phải có thời gian ăn, ngủ, nghỉ ngơi nhằm khôi phục lại sức lao động để đảm bảo cho ngày mai có thể tiếp tục làm việc. Ngoài ra, người lao động còn cần có thời gian để thỏa mãn nhu cầu văn hóa và nhu cầu xã hội của họ nên không thể kéo dài ngày tự nhiên, còn cường độ lao động cũng không thể tăng vô hạn quá sức chịu đựng của con người. Hơn nữa người lao động kiên quyết đấu tranh đòi rút ngắn ngày lao động. Quyền lợi hai bên có mâu thuẫn, thông qua đấu tranh, tùy tương quan lực lượng mà tại các dân tộc trong từng giai đoạn lịch sử cụ thể có thể quy định độ dài nhất định của ngày lao động. Tuy vậy, ngày lao động phải dài hơn thời gian lao động tất yếu và cũng không thể vượt giới hạn thể chất và tinh thần của người lao động.

Trong chế độ tư bản chủ nghĩa, đối lập với giai cấp tư sản là người chủ sở hữu những tư liệu sản xuất, đồng thời họ sử dụng lao động là giai cấp công nhân, những người hoàn toàn không có hoặc có rất ít tư liệu sản xuất, người làm thuê. Vì vậy, khi “giai cấp tư sản, tức là tư bản, mà lớn lên thì giai cấp vô sản, giai cấp công nhân hiện đại – tức là giai cấp chỉ có thể sống với điền kiện là kiếm được việc làm, và chỉ kiếm được việc làm, nếu lao động của họ làm tăng thêm tư bản… họ phải chịu hết sự may rủi của cạnh tranh, mọi sự lên xuống của thị trường với mức độ khác nhau” (1). Chính nền công nghiệp hiện đại đã biến xưởng thợ nhỏ của người thợ cả gia trưởng thành công xưởng lớn của nhà tư bản công nghiệp. Họ phải làm việc trong điều kiện đông đúc, chật hẹp, tối tăm… và sự quản thúc gắt gao của ông chủ tư bản. Họ không những là nô lệ của giai cấp tư sản, nhà nước tư sản, mà hằng ngày, hằng giờ, còn là nô lệ của máy móc, của người đốc công và trước hết là của chính ông chủ công xưởng. Chế độ chuyên chế ấy càng công khai tuyên bố lợi nhuận là mục đích duy nhất của nó thì nó lại càng trở thành “ti tiện, bỉ ổi, đáng căm ghét”.

Trong tác phẩm Tuyên ngôn của Đảng Cộng sản C.Mác và Ph.Ăngghen viết: “Người công nhân hiện đại, trái lại, đã không vươn lên được cùng với sự tiến bộ của công nghiệp, mà còn luôn luôn rơi xuống thấp hơn, dưới cả những điều kiện sinh sống của chính giai cấp họ. Người lao động trở thành một người nghèo khổ, và nạn nghèo khổ còn tăng lên nhanh hơn là dân số và của cải. Vậy hiển nhiên là giai cấp tư sản không có khả năng tiếp tục làm tròn vai trò giai cấp thống trị của mình trong toàn xã hội” (2). Vì vậy, giai cấp công nhân cần phải tiến hành đấu tranh để giải phóng mình và giải phóng toàn xã hội, thiết lập quan hệ lao động mới, đảm bảo hài hòa về mặt lợi ích giữa người lao động và người sử dụng lao động.

Có thể thấy, trên con đường tìm kiếm lợi nhuận, các nhà tư bản không từ bỏ bất kỳ thủ đoạn nào, bóc lột lao động một các thậm tệ, làm cho quan hệ chủ – thợ hay quan hệ giữa người sử dụng lao động và người lao động ngày càng phức tạp. Trước tình hình này, người lao động đã liên kết lại thành lập các nghiệp đoàn của mình để đấu tranh bảo vệ và giành quyền lợi. Các cuộc bãi công, biểu tình của người lao động nổ ra ở khắp nơi có diễn ra quan hệ lao động, mà trong nhiều trường hợp, các cuộc đấu tranh này nhằm vào các nhà cầm quyền với yêu sách phải ban hành những đạo luật phù hợp nhằm bảo vệ quyền lợi cho những người lao động làm thuê.

Để đối phó với làn sóng đấu tranh này, giới sử dụng lao động cũng liên kết thành lập các hiệp hội của họ. Trong hoàn cảnh đó, Nhà nước không thể tiếp tục đối xử với quan hệ chủ – thợ như quan hệ dân sự thuần túy nữa, mà phải thừa nhận nó là quan hệ có những đặc trưng riêng biệt và cần một hệ thống pháp luật điều chỉnh riêng (quan hệ lao động được điều chỉnh bởi pháp luật lao động). Các quy chế về lao động lần lượt được ra đời ở các quốc gia, như: quy chế về tiền lương tối thiểu được điều chỉnh bởi pháp luật lao động lần lượt được ra đời ở các quốc gia, như ở New Zealand vào năm 1884, Úc năm 1898, Anh năm 1909, Mỹ năm 1913, Pháp năm 1915, Đức năm 1923… Sau Chiến tranh Thế giới lần thứ Nhất (1914-1918), luật lệ lao động cấp quốc gia mới ra đời và được áp dụng một cách rộng rãi. Từ năm 1919 trở đi, với sự ra đời của Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO), quan hệ lao động không chỉ được thừa nhận ở cấp quốc gia mà còn được thừa nhận cả ở tầm quốc tế, tổ chức của người lao động và người sử dụng lao động đã phải ngồi lại với nhau để thương thuyết về các vấn đề liên quan tới quyền lợi của các bên. Chính sự ra đời của ILO và sự ảnh hưởng ngày càng lớn của tổ chức này đã làm thay đổi về chất của quan hệ lao động. ILO đã đưa ra cách tiếp cận mới về quan hệ lao động – quan hệ ba bên, giữa Nhà nước, người sử dụng lao động và người lao động, mỗi bên đều có vị trí, vai trò nhất định và có thể bình đẳng trong mối quan hệ này

Có thể thấy, trên lập trường duy vật về lịch sử, C.Mác và Ph.Ăngghen đã phân tích cụ thể và thấu đáo mối quan hệ lao động giữa người sử dụng lao động – giai cấp tư sản và người lao động – giai cấp công nhân. Đây là cơ sở lý luận quan trọng để Đảng Cộng sản Việt Nam xem xét, giải quyết quan hệ lao động ở nước ta trong giai đoạn hiện nay.

Trên cơ sở nhận thức quan điểm trên, Đảng ta đã chủ trương đổi mới toàn diện trên tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội, trong đó có việc giải quyết tốt quan hệ lao động, nhất là chủ trương chuyển từ nền kinh tế kế hoạch hóa tập trung, bao cấp sang nền kinh tế thị trường với nhiều thành phần tham gia. Đồng thời, mở rộng hình thức thuê mướn lao động với nguyên tắc: người lao động và người sử dụng lao động bình đẳng trước pháp luật. Nhà nước, với sự tham gia của công đoàn, các tổ chức xã hội – nghề nghiệp, phải kiểm tra, kiểm soát việc thuê mướn, sử dụng và trả công lao động, cải thiện điều kiện lao động; bảo đảm thực hiện những quy định về bảo hộ, an toàn lao động; giải quyết tốt mối quan hệ giữa người lao động và người sử dụng lao động theo pháp luật, bảo vệ lợi ích chính đáng của người lao động. Bên cạnh đó, Đảng chủ trương ưu tiên tiếp tục hoàn chỉnh thị trường lao động, bảo đảm hài hòa lợi ích của người lao động và người sử dụng lao động; chế độ hợp đồng lao động được mở rộng, áp dụng phổ biến cho các đối tượng lao động; tiền lương, tiền công phải được coi là giá cả sức lao động, được hình thành theo cơ chế thị trường có sự quản lý của Nhà nước.

Trải qua các kỳ đại hội của Đảng, Đảng ta luôn nhất quán khẳng định: cùng với việc phát triển đồng bộ các yếu tố của kinh tế thị trường, thị trường lao động được từng bước hình thành và phát triển, tạo tiền đề để phát triển quan hệ lao động hài hòa, ổn định và tiến bộ. Theo đó, các bộ luật nhằm điều chỉnh quan hệ lao động ngày càng được bổ sung và hoàn thiện như: Bộ luật Lao động năm 1994 (sửa đổi, bổ sung vào các năm 2002, 2006, 2007, 2012, 2019); Luật Công đoàn năm 2012; Luật Việc làm năm 2013; Luật Bảo hiểm Xã hội năm 2014; Luật An toàn và vệ sinh lao động năm 2015. Đây là sự khẳng định bước tiến lớn trong hoàn thiện hệ thống pháp luật lao động và quan hệ lao động ở Việt Nam.

Thực tiễn 35 năm thực hiện công cuộc đổi mới đất nước, quan hệ lao động ở Việt Nam đã có những chuyển biến tích cực, góp phần đảm bảo quyền và lợi ích của người lao động, cải thiện điều kiện làm việc, nâng cao đời sống, thu nhập của người lao động, giảm thiểu tranh chấp lao động và đình công, cải thiện môi trường đầu tư, thúc đẩy hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp phát triển. Tuy nhiên, hệ thống pháp luật lao động hiện hành vẫn còn một số tồn tại, bất cập như: chưa thể chế hóa đầy đủ quyền bình đẳng giữa người lao động với người sử dụng lao động trong quan hệ lao động, nhất là quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động; quyền tham gia tổ chức và quyền thương lượng tập thể của người lao động chưa phù hợp với các tiêu chuẩn của ILO; vai trò của công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở đối với những doanh nghiệp chưa có tổ chức công đoàn cơ sở quy định có nơi mang tính áp đặt, không khả thi; vai trò của tổ chức đại diện của người sử dụng lao động trong quan hệ lao động chưa được luật pháp hóa; hòa giải, trọng tài được quy định bắt buộc, thiếu linh hoạt…

Những quan điểm của C.Mác và Ph.Ăngghen về quan hệ lao động là cơ sở khoa học vững chắc để Đảng và Nhà nước ta từng bước hoàn thiện hệ thống pháp luật về lao động và quan hệ lao động; hướng tới xây dựng và phát triển quan hệ lao động hài hòa, ổn định, tiến bộ nhằm khơi dậy và phát huy các lợi thế nguồn lực lao động Việt Nam trước yêu cầu đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước cũng như trong điều kiện nước ta đang tham gia ký kết nhiều hiệp định thương mại tự do, trong đó có cam kết tuân thủ các tiêu chuẩn lao động của ILO về quyền thành lập và gia nhập tổ chức của người lao động và quyền thương lượng tập thể.

_________________

1, 2. C.Mác và Ph.Ăngghen toàn tập, tập 4, Nxb Sự thật, Hà Nội, 1995, tr. 605, 612.

Tác giả: Ths Trần Thị Thanh Bình

Nguồn: Tạp chí VHNT số 458, tháng 4-2021

Đánh giá post

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *