Văn hóa Chăm trong bức tranh văn hóa Việt Nam hiện nay


Người Chăm ở Việt Nam cư trú tại 56/63 tỉnh, thành phố, tập trung chủ yếu tại các tỉnh Ninh Thuận, Bình Thuận, Phú Yên, An Giang, TP.HCM… (1). Họ có vốn văn hóa lâu đời, đa dạng, thể hiện trong nhiều lĩnh vực, từ tôn giáo, tín ngưỡng đến các loại hình nghệ thuật. Sự độc đáo trong văn hóa của người Chăm góp phần tô điểm cho bức tranh nhiều màu sắc của văn hóa Việt Nam.

 

1. Các giá trị văn hóa tiêu biểu của người Chăm

Đối với văn hóa vật thể, bên cạnh đền tháp, thành quách, bi ký vốn có giá trị hướng tới thần linh… còn có các kiến trúc gắn chặt với đời sống hằng ngày, tiêu biểu như nhà ở.

Người Chăm ở khu vực Bình Thuận thường sống trong các nhà sàn thấp hoặc nhà trệt. Tác giả Jaya Thiên nhìn nhận ngôi nhà là một thành tố trong khuôn viên ở của người Chăm. Khuôn viên đó có nhiều đơn vị nhà. Bao quanh là hàng rào bằng cây thấp, tre, tagalau… Tùy thuộc vào điều kiện kinh tế của mỗi gia đình, sẽ có từ 1 – 7 đơn vị khác nhau, được xây dựng theo từng giai đoạn phù hợp. Mỗi năm chỉ được dựng nhà một lần. Trong đó, ta thường thấy có từ 3, 5, 7 đơn vị nhà điển hình như: thang Dơ, thang Mưdâu, thang Tôn, thang Gar/ thang lâm, thang Gìnk, và 2 căn nhà phụ dùng để nông cụ, cối xay lúa… Để hình thành khuôn viên nhà truyền thống, từ khâu chọn đất cho tới khi vào nhà mới, người Chăm phải thực hiện trình tự: chọn đất làm nhà, chọn thời gian xây cất nhà, chuẩn bị nguyên vật liệu, chọn hướng xây dựng, lễ cúng đất. Các nghi lễ trong quá trình dựng nhà gồm có: lễ tẩy uế gỗ, lễ động thổ, lễ dựng nhà, lễ khánh thành nhà mới, lễ dựng ông Táo – đặt bếp, lễ dựng cửa ngõ (2).

Người Chăm ở An Giang cư trú gần với kênh rạch, nên họ ở trong nhà sàn gỗ, mái lợp ngói với gầm sàn cao để tránh mùa nước nổi. Nhà thường quay xuống sông, kênh, rạch hoặc quay ra lộ đường cái, nhà làm 4 mái, có hiên trước, hiên sau và có hai cầu thang.

Đối với các công trình thờ tự, số lượng đền tháp Chăm gắn với tín ngưỡng Bà la môn còn không nhiều (như tháp Pô Klông Garai, tháp Pô Rômê ở Ninh Thuận, tháp Pô Sah Inư ở Bình Thuận, tháp Pô Nagar ở Khánh Hòa…). Các thánh đường Hồi giáo và giáo đường Bà ni có số lượng nhiều và hoạt động sôi động hơn. Theo thống kê của Ban Tôn giáo Chính phủ, hiện nay cả nước có 41 thánh đường, 19 tiểu thánh đường Islam, tập trung nhiều nhất ở An Giang. Bên cạnh đó là 17 giáo đường của người Chăm Bà ni tập trung ở Ninh Thuận và Bình Thuận.

Do sự khác biệt về tín ngưỡng nên các công trình thánh đường của người Chăm Bà ni và Chăm Islam cũng có sự khác biệt. Theo nhà nghiên cứu Inrasara, thánh đường của người Chăm Bà ni chủ yếu sử dụng kiến trúc Sang Mưgik, còn người Chăm Islam sử dụng kiến trúc Masjid hoặc Surao. Masjid mang dáng dấp chung của thánh đường Hồi giáo thế giới, luôn hướng về thánh địa Mecca, trong khi đó cửa chính của Sang Mưgik lại hướng về mặt trời mọc nơi cư trú của thần linh trong tín ngưỡng Bà la môn. Bề ngoài Masjid có mái vòm cao với trăng lưỡi liềm và ngôi sao lớn, Sang Mưgik thì không, nếu có ngôi sao cũng rất nhỏ, chỉ để trang trí. Mặt tiền Sang Mưgik viết chữ Chăm truyền thống, đôi khi kèm cả chữ Ả Rập; mặt tiền Masjid chỉ có chữ Ả Rập (3). Tác giả Nguyễn Thị Thanh Vân cũng nhận định, trong khu vực sinh sống của người Chăm Bà ni ở miền Trung, mỗi làng có một thánh đường. Tuy nhiên, kiến trúc thánh đường Bà ni khác với Islam. Thánh đường Bà ni gọi là chùa, có kiến trúc gần với nhà tục truyền thống nhưng mở ở đầu hồi hướng Đông (hướng thần thánh trong tín ngưỡng của Hindu giáo) và không xuất hiện tháp đỉnh vòm trên nóc thánh đường. Thánh đường của người Chăm không chỉ là nơi cầu nguyện mà còn là nơi hội họp các việc làng, nơi tấn phong của các tu sĩ… (4).

Bên cạnh đó, người Chăm Bà la môn còn xây Kalan (lăng) để thờ phụng các vị vua thời kỳ sau này, các vị tướng tài hay người có công hoặc nhân vật ảnh hưởng quan trọng trong khu vực. Tầm vóc của Kalan nhỏ hơn nhiều so với tháp. Mỗi thôn người Chăm sẽ trực tiếp phụ trách việc thờ phụng một Kalan (5).

Di sản văn hóa phi vật thể của đồng bào Chăm cũng là một kho báu đa dạng, đầy màu sắc, phản ánh đời sống tâm hồn phong phú, khoáng đạt của họ. Người Chăm theo đạo Hồi ở Việt Nam tuân thủ khá chặt chẽ những giáo lý, giáo luật của Hồi giáo chính thống, tuy nhiên cách thức thể hiện của họ rất đa dạng và độc đáo, đặc biệt là những người Chăm Hồi giáo Nam Bộ. Khác với người Chăm Islam ở Nam Bộ, người Chăm Bà ni ở Ninh Thuận và Bình Thuận tin vào Allah như một đấng tối cao nhưng không phải là duy nhất. Họ vẫn tôn thờ các vị thần trong tín ngưỡng truyền thống như thần mưa, thần núi, thần biển… Họ vẫn thực hiện các nghi lễ nông nghiệp theo tín ngưỡng dân gian như lễ cầu xin thần Mẹ Xứ Sở (Rija Nưgar), lễ cầu mưa (Yor Yang), lễ cầu thần sóng biển (Plao Pasah), lễ chặn dầu nguồn (Kap Hlâu Krong)…

Điểm độc đáo của văn hóa Chăm còn thể hiện ở di sản âm nhạc và múa. Âm nhạc và múa Chăm hầu hết mang tính “thiêng”, cho dù đó là nghệ thuật dân dã hay cung đình. Dân ca Chăm có 4 loại: các bài hát lễ, thánh ca, thường được hát trong các lễ tục, để kể tiểu sử và ca ngợi công trạng của các vị thần; hát giao duyên, đối đáp, thường dùng cho các cặp nam, nữ với nội dung diễn tả tình yêu đôi lứa; hát vãi chài, miêu tả hoạt động lao động sản xuất, thường được hát trong lễ raja proang; hát ngâm truyện thơ, tương tự như ngâm thơ của người Việt và hát kể sử thi của các dân tộc bản địa Tây Nguyên, cao nguyên Trường Sơn Nam (6).

Nét đặc sắc của âm nhạc đồng bào Chăm còn thể hiện ở nhạc cụ đầy đủ bộ hơi (kèn, tù và), bộ gõ (trống, chiêng), bộ dây (đàn). Người Chăm xem bộ nhạc cụ trống Ghinăng, kèn Saranai, trống Baranưng tượng trưng cho các bộ phận của cơ thể con người, trong đó trống Ghinăng tượng trưng cho đôi chân, Paranưng là thân thể, Saranai là phần đầu. Do đó, mỗi khi sử dụng phải có đủ bộ các loại nhạc cụ này. Tác giả Sử Văn Ngọc cho biết: “Saranai, Paranưng, Ghinăng, Kanhi, Hagar, Asăng và Chiêng được người Chăm xem như loại nhạc khí thiêng nên trước khi mang ra sử dụng, đều phải làm lễ cúng, xin phép thần linh và được diễn tấu trong lễ nghi cúng tế, thỉnh mời và nghênh đón thần linh” (7).

Những điệu múa Chăm thường thấy như: múa roi, múa kiếm, múa chèo thuyền, múa đạp lửa… do thày ka-ing (thày bóng) thực hiện trong lễ raja nagar, raja harei; các điệu múa ru con, múa ngậm lửa, múa thoát y, múa phồn thực do muk pajau (bà bóng) thực hiện trong các lễ puis, payak; múa chim trĩ, múa hoàng tử, đánh đu, múa khây trầu… do muk raja (vũ sư) thực hiện trong lễ raja proang, raja dayuap. Ngoài ra, còn có các điệu múa tập thể trong sinh hoạt nghệ thuật đời thường như múa quạt, múa đội lu, múa khăn… (8).

Dấu ấn của các di sản văn hóa phi vật thể còn tìm thấy trong những nghề truyền thống còn tồn tại đến ngày nay như dệt, làm đồ gốm.

Nghề dệt của đồng bào Chăm nổi bật với màu sắc riêng có, thông qua kỹ thuật dệt cổ truyền và các hoa văn họa tiết đặc trưng, hiện còn tồn tại ở một số làng nghề như: Mỹ Nghiệp (Ninh Thuận), Phan Thanh (Bình Thuận), Phũm Soài, Đa Phước (An Giang). Inrasara và Inrahani mô tả: trên nền vải được ưa thích là màu đen hay đỏ, các đồ án trang trí phần lớn theo kiểu hoa văn hình học. Có loại hoa văn được bố trí trên toàn mặt vải như: bingu tamun (bông mặt võng), Cam biruw (Chăm mới), tuk hop, bingu jal… Cũng có loại hoa văn được bố trí song song với nền sợi dọc, cách khoảng bởi đường bánh xe như: kacak (thằn lằn), gơrwak (neo), takai asuw (chân chó), bingu hơng (dây máu)… Ngoài các dạng hoa văn hình học, người ta còn nhận ra các loại hoa văn động vật được cách điệu rất linh hoạt như: Rồng (garai, makara), phụng (arut, garuda), chim trão (hơng), công (amrak)… Người ta có thể phân biệt giai cấp hoặc mức độ sang hèn chỉ qua hoa văn trên y phục. Như người đàn bà Chăm thuộc lớp trên thì mặc chăn biywon có hoa văn trang trí là hơng, arut hay het còn người phụ nữ tầng lớp dưới thì mặc chăn biywon haraik… (9).

Nghề làm gốm truyền thống Chăm dù hiện chỉ còn ở Bàu Trúc (Ninh Thuận) và Bình Đức (Bình Thuận) nhưng nhờ nét độc đáo trong công nghệ chế tác nên có một chỗ đứng riêng trong các làng gốm truyền thống Việt Nam. Nét độc đáo của gốm Chăm là không có khuôn mẫu khi tạo hình, không dùng bàn xoay, chỉ sử dụng những công cụ giản đơn theo phương pháp thủ công truyền thống. Muốn chế tác sản phẩm gốm hoàn chỉnh, nghệ nhân phải trải qua nhiều công đoạn phức tạp. Gốm khi nung chín có nhiều màu: vàng, đỏ, đỏ hồng, xanh nâu, đen… (10). Sản phẩm gốm khá đa dạng và phong phú, có thể chia làm hai nhóm: đồ đun nấu và đồ đựng (11).

Mặc dù có những giao thoa nhất định từ nền ẩm thực của người Việt và những quy định kiêng cữ theo tôn giáo nhưng ẩm thực Chăm vẫn có dấu ấn riêng. Inrasara cho rằng: “đặc tính dễ thấy nhất ở ẩm thực Chăm là ít mỡ, dùng nhiều rau củ và món chấm: muối, mắm với nhiều cách chế biến khác nhau… Bên cạnh các gia vị cay như: hành, tỏi, ớt… là gia vị chua tìm từ nguồn tự nhiên, như: lá giang, và trái me hay lá me non là thứ được ưa dùng nhất trong các món có nước” (12). Các nhà nghiên cứu khác cũng cho rằng: cơ cấu bữa ăn của người Chăm thiên về thực vật, lúa gạo được xem như đứng đầu bảng và người Chăm có tập quán ăn uống theo mùa, cách ăn uống của họ mang tính tổng hợp cao. Ngoài những giá trị về dinh dưỡng, các món ăn còn tạo nên một hương vị độc đáo, làm cho con người có một cảm giác ngon miệng khi ăn, ngon mắt khi nhìn, ngon mũi khi ngửi, ngon tai khi nghe (13). Đặc biệt, ẩm thực Chăm còn độc đáo trong cách chế biến: món canh, xáo, kho, xào, gỏi, nướng, luộc, hấp, chấm…, cùng với các thức uống và hút. Ngoài ra, có tới 15 loại bánh và 5 loại chè là các món ngọt được ưa chuộng (14).

2. Những vấn đề liên quan đến phát triển và bảo tồn văn hóa Chăm

Trong dòng chảy của quá trình đô thị hóa và hội nhập quốc tế, văn hóa Chăm cũng phải đối diện với những thách thức của phát triển và bảo tồn.

Các di sản văn hóa vật thể hiện còn tồn tại ở dạng phế tích hoặc đã được tu bổ, nhưng không nhiều công trình đảm bảo tính nguyên vẹn truyền thống. Những mô hình được bảo tồn và giới thiệu ít gắn với đời sống hằng ngày. Jaya Thiên nhận định: “Ở nhiều nơi như Ninh Thuận, Bình Thuận và nhiều tỉnh thành khác có người Chăm sinh sống thì thấy rằng, hiện nay những khuôn viên/ ngôi nhà Chăm truyền thống đã hầu như không còn. Nếu còn thì chỉ còn 1 – 2 đơn vị nhà truyền thống, nhưng đã không còn vẻ nguyên vẹn của kiến trúc truyền thống xưa. Mà thay vào đó là những căn nhà trệt, mang dáng vẻ của những ngôi nhà hiện đại từ nguyên vật liệu đến cấu trúc” (15).

Đối với các đền tháp một số nơi ở Ninh Thuận, Bình Thuận, Khánh Hòa… việc khai thác phục vụ du lịch chưa được quy hoạch, tổ chức một cách thận trọng. Một số thánh đường Hồi giáo ở An Giang với hình ảnh tôn nghiêm, không gian sạch sẽ, có thể là điểm sáng trong việc duy trì và phát triển các giá trị truyền thống nhưng vẫn cần nhiều hơn các hoạt động nghiên cứu để phát huy được các giá trị đặc sắc của công trình.

Những thách thức của công tác bảo tồn và phát huy giá trị cũng không phải là ngoại lệ đối với văn hóa phi vật thể. Hiện tượng sử dụng các ca khúc, điệu múa nhạc linh thiêng một cách tùy tiện trong hoạt động văn nghệ cộng đồng, không liên quan đến tâm linh, là khó chấp nhận. Điển hình như việc sử dụng trống Paranưng trong các điệu múa tập thể, người múa vừa cầm trống, vừa nhảy múa, vừa nhào lộn, leo trèo làm mất đi tính thiêng của Paranưng… (16). Việc khai thác các giá trị truyền thống để phục vụ du lịch cần có sự chọn lọc và sử dụng một cách chừng mực.

Đối với các nghề truyền thống, ngoài làng nghề dệt Mỹ Nghiệp và gốm Bàu Trúc là những điểm đến xuất hiện nhiều trong các tour du lịch, các làng nghề khác đều gặp khó khăn trước sự cạnh tranh và yêu cầu ngày càng cao của xã hội. Một số làng Chăm có nghề dệt ở An Giang như Đa Phước, Châu Giang cũng không còn nhiều gia đình làm như trước đây, do lượng khách du lịch có chiều hướng suy giảm và việc mua sắm đồ lưu niệm cũng hạn chế.

Ẩm thực Chăm dù có nét đặc sắc riêng và không kém phần đa dạng, song chưa thực sự tạo dấu ấn trên thị trường vì chưa có các cơ sở kinh doanh khai thác ở góc độ tinh hoa. Các hoạt động quảng bá cho ẩm thực Chăm cũng chưa thực sự được quan tâm. Các giá trị của món ăn Chăm vẫn dừng lại ở tiêu dùng nội bộ cộng đồng Chăm mà chưa đến được các cộng đồng khác.

Hoạt động du lịch thường được xem là một trong những động lực thúc đẩy việc bảo tồn và phát triển các giá trị văn hóa truyền thống của các địa phương, nhưng nó đòi hỏi sản phẩm phải mang tính tổng hợp cao, cùng với trình độ làm dịch vụ nhất định. Vì vậy, nếu chỉ đưa một vài giá trị văn hóa vào du lịch như những mảnh ghép rời rạc, khiên cưỡng, lại thiếu yếu tố con người sống động thì rất khó đạt được kết quả mong muốn, cả từ góc độ xã hội lẫn kinh tế. Ngược lại, những hệ lụy của việc kinh doanh du lịch thiếu trách nhiệm, không được thực hiện bài bản thường là nguyên nhân làm mai một, sai lạc các giá trị văn hóa truyền thống, gây phiền nhiễu cho cộng đồng.

Tóm lại, để bảo tồn và phát huy được giá trị văn hóa Chăm, các nghiên cứu mang tính toàn diện, tiếp cận đa chiều với góc nhìn thực tiễn và phát triển bền vững cần được triển khai nhiều hơn. Việc bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa Chăm chắc chắn không thể chỉ nằm ở hệ thống văn bản chính sách, ở việc đào tạo các thế hệ kế cận sử dụng các giá trị văn hóa truyền thống, hoặc các đề án cải tạo, tu bổ công trình, mà còn nằm ở việc mang các giá trị truyền thống đó đến với đời sống hiện đại dưới các hình thức phù hợp.

______________

1. Ban chỉ đạo Tổng điều tra dân số và nhà ở trung ương Tổng điều tra dân số và nhà ở Việt Nam năm 2009: Kết quả toàn bộ, Hà Nội, 6-2010.

2, 15. Jaya Thiên, Nhà truyền thống người Chăm bước đầu tiếp cận, champa-home.blogspot.com, 2017.

3. Inrasara, Kiến trúc tôn giáo Chăm, những điều ít được nói đến, tiasang.com.vn, 2014.

4. Nguyễn Thị Thanh Vân, Hồi giáo của người Chăm ở Việt Nam – những yếu tố bản địa, Tạp chí Nghiên cứu Văn hóa, 2013.

5. Inrasara, Kiến trúc tôn giáo Chăm trong môi trường “sống”, Tagalau 11, Nxb Văn học, Hà Nội, 2010.

6. Sakaya, Văn hóa Chăm – nghiên cứu và phê bình, Nxb Phụ nữ, Hà Nội, 2010.

7. Sử Văn Ngọc, Nhạc cụ truyền thống trong sinh hoạt văn hóa tinh thần người Chăm Ninh Thuận, Thông báo Văn hóa dân gian, 2003.

8, 16. Đổng Thành Danh, Tính thiêng và tính tục trong nghệ thuật ca – múa nhạc Chăm truyền thống, Tạp chí Văn hóa Nghệ thuật, số 404, tháng 2-2018.

9. Inrahani và Inrasara, Tham luận tại Hội nghị hỗ trợ truyền nghề thổ cẩm cho phụ nữ dân tộc thiểu số Việt Nam, Trung tâm nghiên cứu CGFED, 1996.

10. Bảo Thi, Sự khởi sắc của làng gốm Chăm Bình Đức, svhttdl.binhthuan.gov.vn, 2019.

11. Nghề làm gốm của người Chăm ở tỉnh Bình Thuận, Hồ sơ di sản, tư liệu Cục Di sản văn hóa, dsvh.gov.vn.

12, 14. Kiều Maily, Độc đáo ẩm thực Chăm, Nxb Văn hóa Văn nghệ TP.HCM, 2014.

13. Trượng Tính, Trung Thị Thu Thủy, Văn hóa ẩm thực của người Chăm ở tỉnh Ninh Thuận, mientrung.vanhien.vn, 2018.

 

Tác giả: Hoàng Quốc Việt

Nguồn: Tạp chí VHNT số 424, tháng 10 – 2019

 

 

Đánh giá post

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *