Trong một thế giới toàn cầu hóa như hiện nay, hội nhập không chỉ là tất yếu mà còn đang trở thành yếu tố quyết định sự sống còn của một dân tộc, một quốc gia. Hội nhập có thể thông qua nhiều con đường: giao lưu kinh tế, giao lưu chính trị, giao lưu văn hóa…
Theo quan niệm thông thường, giao lưu kinh tế, giao lưu chính trị thường được coi là quan trọng hơn, còn giao lưu văn hóa giống như một sự hỗ trợ, bổ sung, làm tươi mát thêm cho mối quan hệ giữa các bên. Trên thực tế, giao lưu văn hóa ngày càng chứng tỏ vai trò của mình và ngày càng thực hiện được nhiều chức năng hơn người ta vẫn từng nghĩ.
Điều dễ nhận thấy nhất là giao lưu văn hóa giúp các dân tộc hiểu biết hơn về văn hóa của nhau. Nếu như khi nói tới Nhật Bản ta nghĩ ngay tới trà đạo, kịch Nô, tinh thần võ sĩ đạo Samurai, nghệ thuật cắm hoa Ikebana…; nói tới Hàn Quốc, ta hình dung tới áo Hanbok, món kim chi, tập quán sinh hoạt trên nền nhà… thì những điều đó chính là nhờ giao lưu văn hóa.
Giao lưu văn hóa mang những tinh hoa của trí tuệ nhân loại tới các vùng, miền, các lãnh thổ khác nhau, không phân biệt biên giới. Những tác phẩm văn hóa nổi tiếng của nước này được lan tỏa và lưu hành rộng rãi ở nước khác đã không còn là chuyện xa lạ nữa. Nếu như các tác phẩm của những đại văn hào như Lev Tolstoi, Puskin, Mark Twain… được đọc ở hầu khắp các nước trên thế giới, thì Việt Nam cũng tự hào là Truyện Kiều của Nguyễn Du được dịch ra rất nhiều thứ tiếng, trong đó riêng bản dịch tiếng Pháp có tới 10 phiên bản (1), chữ Hán có 7 phiên bản khác nhau (2). Hay như vào giờ phút chuyển giao năm mới, ở rất nhiều nước trên thế giới, mọi người cùng hát ca khúc Happy New Year bất hủ của ban nhạc ABBA, thì người Việt Nam cũng rất tự hào khi biết rằng vào giây phút giao thừa thiêng liêng như thế, ở đất nước mặt trời mọc, có tới khoảng một nửa dân số Nhật cùng hồi hộp chờ đợi để nghe ca khúc Diễm xưa của cố nhạc sĩ Trịnh Công Sơn (được dịch sang tiếng Nhật với tên gọi Nét đẹp xưa) do một ca sĩ Nhật trình bày (3)… Nghĩa là, nhờ giao lưu văn hóa, một tác phẩm của dân tộc này có thể trở nên thân thiết, thành một món ăn tinh thần không thể thiếu của một hoặc nhiều dân tộc khác. Nhưng đó mới chỉ là những điều rất nhỏ mà giao lưu văn hóa mang lại cho loài người. Những lợi ích mà nó có thế thực hiện được ngày nay lớn hơn thế rất nhiều. Có thể nói, văn hóa đang giúp cả thế giới xích lại gần nhau. Đến mức, người ta đang nói tới, không phải “giao lưu văn hóa” mà là “ngoại giao văn hóa” với ý so sánh nó với ngoại giao chính trị truyền thống. Và ngoại giao văn hóa đang ngày càng tỏ rõ ưu thế của mình.
Nếu ngoại giao chính trị mang tính chính thống, xã giao, công thức, khó thiết lập, thì ngoại giao văn hóa giống như một hoạt động “bên lề” các sự kiện, mang tính giao lưu và không công thức. Hơn thế, là những sản phẩm mang tính thẩm mỹ, văn hóa như một tiếng nói chung giữa các dân tộc có ngôn ngữ khác nhau nên dễ nhận được sự đồng cảm, dễ đi vào lòng người, dễ để lại ấn tượng cho người thưởng thức. Bởi vậy, ngoại giao văn hóa thường dễ dàng được tiếp nhận và đạt hiệu quả hơn ngoại giao chính trị. Rất nhiều khi, ngoại giao văn hóa đã làm được những điều mà ngoại giao chính trị không thể làm được. Ví dụ điển hình trong lĩnh vực này là một sự kiện nổi tiếng, được thế giới đặt biệt danh là sự kiện “ngoại giao bóng bàn” mà Trung Quốc đã thực hiện rất thành công năm 1971, giữa lúc cao điểm của chiến tranh lạnh. Vào thời điểm mà việc thiết lập quan hệ ngoại giao giữa hai kẻ thù không đội trời chung là Mỹ và Trung Quốc gần như không thể, thì cả thế giới đã bị bất ngờ khi đội tuyển bóng bàn Mỹ (sau khi dự Giải Vô địch Bóng bàn Thế giới lần thứ 31 ở Nhật Bản), được Trung Quốc mời sang thăm với toàn bộ chi phí đã được trả. Đây là nhóm người Mỹ đầu tiên được phép đặt chân vào Trung Quốc đại lục kể từ khi Đảng Cộng sản lên nắm quyền lãnh đạo đất nước năm 1949. Trong một tuần ở thăm Trung Quốc, đội bóng bàn xếp thứ 17 thế giới đã được đội chủ nhà (vô địch) thi đấu với tinh thần giao hữu sao cho tỷ số thua của đội khách không đến nỗi cách biệt. Và đi thăm nơi nào họ cũng nhận được sự đón tiếp nồng nhiệt của người dân sở tại. Những ấn tượng tốt đẹp đó làm thay đổi thái độ đối với Trung Quốc không chỉ trong lòng các cầu thủ Mỹ, mà cả trong quan điểm của Chính phủ của họ. Kết quả là, một năm sau, tổng thống Mỹ lúc đó- Richard Nixon- đã chính thức tới thăm Bắc Kinh để đàm phán về việc bình thường hóa quan hệ giữa hai nước (4). Có thể nói, sự kiện ngoại giao bóng bàn đã làm được một kỳ tích. Một điều tương tự cũng đã từng xảy ra trong quan hệ Việt – Mỹ sau chiến tranh. Những năm sau 1975 có thể coi là khoảng thời gian thù địch giữa hai bên, bởi Chính phủ Mỹ lại tiến hành một cuộc chiến tranh khác chống lại Việt Nam – chiến tranh lạnh. Khi đó, các nhà chính trị, ngoại giao và doanh nghiệp của mỗi bên chưa thể tiếp cận được với dân chúng của “phía bên kia”, và chính các nhà văn hóa, các văn nghệ sĩ và các trí thức Việt Nam – nhất là những người may mắn được tới Mỹ – đã là những người tiên phong mang văn hóa Việt Nam đến với người dân Mỹ. Chính những nhà tiên phong này đã hé lộ cho người Mỹ thấy những nét đẹp của một văn hóa mà trước đây họ chưa bao giờ được tiếp cận, khiến cái nhìn của họ mất dần đi những ngờ vực và nghi ngại. Rồi tập Thơ từ những tài liệu thu được, bao gồm những bài thơ chép trong sổ tay của các chiến sĩ Việt Nam bị quân đội Mỹ thu giữ, được xuất bản tại Mỹ và lập tức gây tiếng vang. Bởi lẽ, trong những bài thơ ấy, không có nỗi sợ hãi hay lòng hận thù, mà thay vào đó là khát vọng tự do, khát vọng sống và khát vọng yêu cháy bỏng. Mối thiện cảm và mong muốn khám phá văn hóa Việt Nam được nhen nhóm và cháy dần lên trong lòng người dân Mỹ. Kết quả là, trong vòng 20 năm sau cuộc chiến, đến năm 1995, đã có khoảng 3.000 đầu sách viết về Việt Nam được xuất bản tại Mỹ (5). Những cuốn sách này góp phần không nhỏ giúp người Mỹ hiểu và thay đổi cái nhìn đối với Việt Nam. Nó cũng tác động không nhỏ đến làn sóng ủng hộ bình thường hóa quan hệ giữa hai nước, để rồi, kết hợp với bao nỗ lực lớn lao khác, cuối cùng, tổng thống Bush đã thông qua Quy chế thương mại bình thường vĩnh viễn (PNTR) với Việt Nam vào nămm 2006, mở ra một chương mới trong quan hệ Việt – Mỹ.
Ngày nay chúng ta cũng thường được chứng kiến những sự kiện ngoại giao văn hóa: Tháng 2-2008 vừa qua, khi Dàn nhạc Giao hưởng New York tới trình diễn tại thủ đô Bình Nhưỡng (CHDCND Triều Tiên), những pano áp phích chống Mỹ trên đường phố đã được dỡ bỏ. Người dân Triều Tiên đã tạm quên đi những bất đồng, căng thẳng giữa hai nước, nồng nhiệt đón chào các nghệ sĩ Mỹ bằng những điệu múa và màn đánh trống truyền thống. Chương trình biểu diễn của Dàn nhạc Giao hưởng New York đã sưởi ấm mối quan hệ đang khủng hoảng giữa hai nước để hướng tới sự hàn gắn và cải thiện. Đây chỉ là một sự kiện trong “sứ mệnh” của Dàn nhạc Giao hưởng New York, vốn đảm trách việc “phá băng” những mối quan hệ không thân thiện với Mỹ. Và trên thực tế, dàn nhạc này đã làm được nhiều việc đáng kể. Ví như cuộc biểu diễn lịch sử của đoàn tại Liên Xô năm 1956, khi quan hệ giữa Mỹ và nước này đang căng thẳng, đã gây được thiện cảm của người dân Xôviết với “cực đối lập” của mình.
Rõ ràng là văn hóa – thứ ngôn ngữ toàn cầu, ai cũng hiểu – có thể làm nên rất nhiều việc kỳ diệu. Chính văn hóa đang góp phần làm cho cả thế giới xích lại gần nhau.
________________
1. Hà Đình Nguyên, Truyện Kiều: 5 kỷ lục thế giới và 7 kỷ lục Việt Nam (http://www1.thanhnien.com.vn/Vanhoa/2005/5/19/110218.tno).
2. GS Nguyễn Khắc Phi, La Trường Sơn dịch Truyện Kiều ra chữ Hán (http://vietbao.vn)
3. Tương Lai, Văn hóa và hội nhập (http://vietnamnet.vn/baylenvietnam/2006/11/630648/).
4. Nền ngoại giao bóng bàn khai thông quan hệ Mỹ – Trung (http://vietnamese.vietnam.usembassy.gov/doc_ej0406_vii.html);
5. Minh Luận, Văn hóa và sự hóa giải những hận thù, (http://vietimes.vietnamnet.vn/vn/chuyende/4857/index.viet).
Nguồn : Tạp chí VHNT số 297, tháng 3-2009
Tác giả : Đinh Thị Vân Chi
Bài viết cùng chủ đề:
Tác động của nghề cơ khí và mộc dân dụng đối với đời sống văn hóa làng đại tự
Tư tưởng về đạo đức môi trường ở phương đông
Kiến thức văn hóa của nhà báo, thiếu và sai