Văn hóa Hồ Chí Minh – Nhìn từ mối quan hệ của lãnh tụ với văn nghệ sĩ Việt Nam


Hồ Chí Minh với văn nghệ sĩ, văn nghệ sĩ với Hồ Chí Minh là một bộ sách lớn và quý, gồm nhiều tập, lần lượt ra mắt bạn đọc từ năm 2010. Là một người tham gia hoạt động trên lĩnh vực lý luận, phê bình văn học, tôi thực sự yêu thích tác phẩm này vì nó gợi suy nghĩ sâu sắc về một vấn đề rất quan trọng và có thể nói là cốt tử của thành công trong sáng tác – văn hóa nhà văn. Hồ Chí Minh là một biểu tượng của văn hóa nhà văn.

Hồ Chí Minh và văn hóa tương lai

Trước hết, thiết nghĩ, cần nói đến phẩm tính văn hóa của con người Hồ Chí Minh. Trên báo Ogoniok (Tia lửa) của Liên-Xô trước đây (số 39, ra ngày 23-12-1923), nhà thơ, đồng thời là nhà báo Xô-viết nổi tiếng O. Manđenxtam trong bài Thăm một chiến sĩ quốc tế cộng sản Nguyễn Ái Quốc đã tiên cảm về con người bình thường mà vĩ đại này như sau: “Dáng dấp con người đang ngồi trước mặt tôi đây, Nguyễn Ái Quốc, cũng đang tỏa ra thật lịch thiệp và tế nhị. Từ Nguyễn Ái Quốc đã tỏa ra một thứ văn hóa, không phải văn hóa châu Âu, mà có lẽ là một nền văn hóa tương lai”. Với một dự cảm đặc biệt của một nhà thơ, đồng thời là nhà báo tài năng, O. Manđenxtam đã phát hiện ra phẩm tính văn hóa Việt Nam tiêu biểu nhất và đồng thời cũng kết tụ được tinh hoa văn hóa nhân loại trong một con người – Nguyễn Ái Quốc – người mà tất cả quốc dân Việt Nam yêu nước nào cũng đồng lòng gọi bằng một cái tên kính yêu: Bác Hồ. Nhà thơ Xô-viết đã thực sự xúc động khi viết tiếp: “Dân An Nam là một dân tộc giản dị và lịch thiệp. Qua phong thái thanh cao, trầm ấm của Nguyễn Ái Quốc, chúng ta như thấy ngày mai, như thấy sự yên tĩnh mênh mông của tình hữu ái toàn thế giới” (1).

 

Bộ sách gợi nhiều suy nghĩ về văn hóa nhà văn

 

Thế giới đã từng nói đến năng lực kết tinh, hội tụ tự sinh như là phẩm tính văn hóa của lãnh tụ Hồ Chí Minh. Nhà thơ Tố Hữu đã viết về vẻ đẹp này trong những câu thơ chân thành và sâu sắc: “Người là Cha, là Bác, là Anh/ Quả tim lớn lọc trăm dòng máu nhỏ”, và: “Ta bên Người/ Người tỏa sáng trong ta/ Ta bỗng lớn ở bên Người một chút” (Sáng tháng năm, 1951).

 Năng lực chiếm lĩnh văn hóa đã nâng con người Hồ Chí Minh lên ngang tầm vóc dân tộc và nhân loại của TK XX. Nghị quyết 24C/18.65 của UNESCO về Kỷ niệm 100 năm Ngày sinh của Chủ tịch Hồ Chí Minh ghi rõ: “Ghi nhận năm 1990 sẽ đánh dấu 100 năm kỷ niệm ngày sinh của Chủ tịch Hồ Chí Minh, anh hùng giải phóng dân tộc và nhà văn hóa kiệt xuất của Việt Nam. Nhận thấy những đóng góp quan trọng và nhiều mặt của Chủ tịch Hồ Chí Minh trên các lĩnh vực văn hóa, giáo dục và nghệ thuật chính là sự kết tinh của truyền thống văn hóa hàng ngàn năm của dân tộc Việt Nam và những tư tưởng của Người là hiện thân những khát vọng của dân tộc mong muốn được khẳng định bản sắc văn hóa của mình và mong muốn tăng cường sự hiểu biết lẫn nhau giữa các dân tộc” (2).

Văn hóa Hồ Chí Minh từ mối quan hệ với văn nghệ sĩ Việt Nam

Sự chiếm lĩnh văn hóa của lãnh tụ Hồ Chí Minh thể hiện trên ba phương diện chính: văn hóa giáo dục, văn hóa văn nghệ, văn hóa đời sống. Tư tưởng về văn hóa giáo dục của Hồ Chí Minh thể hiện tập trung ở những quan điểm lớn như mục tiêu của văn hóa giáo dục (thực hiện cả ba chức năng của văn hóa giáo dục, có nghĩa là bằng việc dạy và học); cải cách giáo dục (xây dựng một hệ thống trường lớp, chương trình, nội dung dạy và học khoa học, hợp lý, phù hợp với những bước phát triển của xã hội Việt Nam); coi trọng việc tự học (học mọi lúc, mọi nơi, học suốt đời). Tư tưởng về văn hóa văn nghệ của Hồ Chí Minh thể hiện trên các quan điểm coi văn nghệ là mặt trận (nghệ sĩ là chiến sĩ, tác phẩm văn nghệ là vũ khí sắc bén trong đấu tranh cách mạng, trong xây dựng xã hội mới, con người mới); văn nghệ phải gắn với thực tiễn của đời sống nhân dân; yêu cầu cao nhất đối với tác phẩm văn nghệ là phản ánh cho hay, cho chân thật sự nghiệp cách mạng của nhân dân. Tư tưởng về văn hóa đời sống của Hồ Chí Minh thể hiện trên quan điểm của Người về đạo đức mới, lối sống mới, nếp sống mới (có thể tóm tắt trong mấy chữ cần – kiệm – liêm – chính).

Chủ tịch Hồ Chí Minh xem Triển lãm của các họa sĩ
từ chiến trường miền Nam gửi ra (24/10/1966) – Ảnh: tư liệu

 

Sinh thời với tinh thần khiêm tốn, không thích tự nhận mình là một nhà văn, nhưng di sản văn chương của Người đạt tới những thành tựu lớn trong mọi lĩnh vực truyện, ký, kịch, đặc biệt là thơ ca (tiêu biểu nhất là Nhật ký trong tù, 1942-1943). Khi nói đến văn hóa nhà văn, chúng ta cần quan tâm đến ứng xử của Người đối với văn nghệ sĩ xét trên ba cấp độ sau: cấp độ của người lãnh đạo và người được lãnh đạo, cấp độ của người sáng tác với người sáng tác, cấp độ giữa con người với con người. Trước hết ở cấp độ thứ nhất, chúng ta thấy lãnh tụ Hồ Chí Minh đã thể hiện rõ quan điểm “Văn hóa nghệ thuật cũng là một mặt trận. Anh chị em là chiến sĩ trên mặt trận ấy”. Thiết nghĩ, cần chú ý đến bối cảnh Hồ Chí Minh phát biểu công khai và chính thức quan điểm này (nhân xem triển lãm hội họa năm 1951). Tuy nhiên, trước đó rất lâu, trong bài thơ Cảm tưởng đọc thiên gia thi (Nhật ký trong tù, 1942 -1943), Hồ Chí Minh đã tuyên ngôn bằng thơ: “Nay ở trong thơ nên có thép/ Nhà thơ cũng phải biết xung phong”. Với tư cách là lãnh tụ cách mạng, tất nhiên Hồ Chí Minh cần công khai và thẳng thắn thể hiện rõ ràng quan điểm của mình về văn học nghệ thuật. Về phía các nhà văn, những người được lãnh đạo, thực tế đã chứng minh rất rõ, họ tự nguyện tiếp nhận quan điểm chỉ đạo này và hăng say sáng tác phụng sự kháng chiến theo phương châm “Kháng chiến hóa văn hóa. Văn hóa hóa kháng chiến”. Ở cấp độ thứ hai, chúng ta đã biết đến những câu chuyện thú vị giữa Hồ Chí Minh với tư cách một nhà văn trong quan hệ với đồng nghiệp. Xin dẫn một hồi ức của nhà thơ Tố Hữu về Bác Hồ trong bài Yêu Bác lòng ta trong sáng hơn (Trả lời phỏng vấn nhà thơ Bế Kiến Quốc, ngày 1- 5-1990): “Bế Kiến Quốc: Anh cũng là người đầu tiên trong thơ nhắc đến Sài Gòn với cái tên Thành phố Hồ Chí Minh trong bài Ta đi tới; Tố Hữu: Ấy, nhân tiện kể cho vui. Lúc mình viết như vậy, Bác đọc, Bác tủm tỉm cười: “Ai cho phép chú đặt như thế?”. Mình hoảng: “Dạ, thưa Bác, có ai cho phép đâu. Nhưng nguyện vọng của đồng bào ưng rứa, xin Bác cho phép gọi rứa, trong thơ mà, để đồng bào thỏa mãn” (3). Chúng ta thấy ý nguyện chân chính này được nhà thơ Tố Hữu thể hiện trong thơ và ứng vào thực tế lịch sử sau hơn 20 năm (bài thơ Ta đi tới sáng tác 8 – 1954, thành phố Sài Gòn được mang tên Thành phố Hồ Chí Minh sau 1975).

Nhà văn Nguyễn Huy Tưởng đã có một kỷ niệm đẹp và khó quên về Bác Hồ trong bài Hồ Chủ tịch nói chuyện về cách viết: “Tối 17-8-1952, Hồ Chủ tịch nói chuyện về cách viết cho một số anh em văn nghệ, báo chí. Nhiều anh chị em cán bộ dân vận ở một lớp học gần đấy cũng tới dự. Những câu hò hát đã im, Bác từ từ bắt đầu: Hôm nay Bác nói về cách viết, đặc biệt là viết ngắn.

Bác đặt ngay vấn đề vào trong hoàn cảnh thực tế của kháng chiến, trong điều kiện sinh hoạt thiếu thốn và bận rộn của nhân dân. Bác dè ngừa ngay cái khuynh hướng viết dài. Bác nêu lên cái tác phong của người viết mới (…). Bác đi sâu vào kỹ thuật viết. Những lời tự nhiên của Bác là kết quả của bao nhiêu kinh nghiệm, bao nhiêu công phu mài luyện, cần cù. Bác trao lại cho anh chị em kinh nghiệm lấy tài liệu, kinh nghiệm nghe, hỏi, xem, ghi. Bác dạy viết phải gọn gàng, rõ ràng, thiết thực, có đầu có đuôi, phải học tiếng nói của quần chúng” (5). Rõ ràng, qua dẫn chứng này, chúng ta nhìn thấy một quan hệ bình đẳng giữa Bác Hồ và các nhà văn – đó là sự chia sẻ kinh nghiệm viết giữa các đồng nghiệp văn chương để cùng thi đua sáng tác tốt.

Ở cấp độ quan hệ thứ ba, chúng ta thấy giữa lãnh tụ Hồ Chí Minh, với tư cách một nhà văn đối với đồng nghiệp của mình một tình cảm nồng hậu giữa con người với con người, trong trường hợp này chữ Con Người được viết hoa. Nhà văn Hồ Phương (Giải thưởng Hồ Chí Minh về Văn học nghệ thuật năm 2012) trong bài Ba lần được gặp Bác đã kể lại những kỷ niệm khắc xương ghi cốt:

 “Tôi đang còn say sưa ngắm nhìn, thì Bác đã tới ngay trước chỗ tôi, và dừng lại. Quả thật không ngờ, không sao tưởng tượng được nổi – Bác ngó vào nhìn hàng thứ hai, chăm chú nhìn tôi. Rồi Bác cất tiếng ân cần vui vẻ hỏi:

– Này, chú đấy à?

Ôi, không sao hiểu nổi nữa. Đã hơn ba năm, mà Bác vẫn còn nhớ được chú phóng viên khi xưa sao? Tôi đang còn cuống lên chưa kịp trả lời, Bác đã hỏi tiếp:

 – Chú cũng đã trở thành bộ đội rồi đấy cơ à? Ừ, tốt lắm!…

Cũng như lần trước ở Bắc Bộ phủ, tôi chỉ còn thiếu chạy òa ra mà ôm lấy Bác, khóc lên vì mừng, vì quá hạnh phúc. Quả thật, không thể nào hiểu nổi trí nhớ của Bác lại bao la đến thế” (6).

Nữ thi sĩ Anh Thơ trong bài Lần đầu được Bác đọc thơ đã xúc động nhớ lại: “Có một buổi, Bác Hồ đến cơ quan phụ nữ Trung ương. Các chị đi công tác vắng, chỉ có tôi và chị Liên đón Bác. Chị Liên giới thiệu tôi, Bác nhìn tôi một phút, rồi nói:

Bài thơ Lòng mẹ Bác đọc, biết đích thực là ngòi bút con gái, chứ không phải ngòi bút con trai giả danh.

Mọi người đều bật cười. Bác bảo tôi đọc lại bài thơ đó cho mọi người cùng nghe. Tôi đọc xong, Bác ngoảnh lại, bảo mấy anh tùy tùng:

– Các chú phải hát để “đáp lễ” cô ấy đi.

Nhưng các anh chỉ cười, không ai chịu “đáp lễ”. Bác bảo:

– Thế là con trai thua con gái rồi.

Đoạn Bác nhìn tôi:

– Thơ cháu đi được vào tình cảm rộng lớn của chị em như thế là tốt; nhưng nên viết ngắn, gọn hơn để chị em dễ nhớ (7).

Câu chuyện Bác không quên một người sau hơn ba năm gặp lại, câu chuyện Bác quan tâm tới một người phụ nữ làm thơ mà chúng tôi vừa dẫn ra ở trên là những bằng chứng sinh động khẳng định Bác Hồ kính yêu của chúng ta là một Con Người viết hoa. Các nhà văn Việt Nam học tập Bác Hồ, trước hết là học đạo làm người, học cách ứng xử văn hóa giữa con người với con người. Chính vì phẩm tính ấy, các nhà văn đã tìm thấy nguồn thi hứng từ một con người đặc biệt – Hồ Chí Minh tên Người là cả một niềm thơ – như cách thể hiện sáng tạo của nhà thơ Cu Ba Phêlich Rôđơrighêt trong bài thơ cùng tên “Bởi vì Người đã đói mọi cơn đói ngày xưa/ Vì Người đã chết hai triệu lần năm đói bốn nhăm khủng khiếp/ Bởi vì Người đã mặc lên mọi tấm áo xác xơ/ Đã đi chân đất với mỗi đôi chân trần của người dân đất nước/ Bởi vì Người đã chứa chất nỗi tủi nhục của mọi người cùng cực” (8).

Nhà văn Nguyễn Công Hoan trong bài Điều làm tôi ngạc nhiên nhất là lần đầu tiên tôi được gặp Bác, Bác không làm tôi ngạc nhiên tí nào đã kể lại một kỷ niệm khó quên trong đời: “Đến mai tôi sẽ được gặp Cụ Chủ tịch nước, Cụ Hồ, mà nhiều anh em đã rỉ tai tôi bảo là Cụ Nguyễn Ái Quốc (…). Bác đợi tôi chứ không phải tôi đợi Bác (…). Thấy Bác một cách đột ngột, tôi sung sướng một cách đột ngột. Trống ngực tôi nổi mạnh. Bác giơ tay bắt tay tôi, bảo tôi ngồi (…). Đôi mắt của Bác, cách ngồi của Bác, bộ quần áo của Bác, đôi giày bằng vải đen của Bác, đã tạo nên một không khí thế nào cho căn buồng này, khiến tôi không thấy có cái gì xa lạ. Và nhất là khi nghe thấy Bác gọi tôi bằng “chú”, xưng bằng “mình”, thì rõ ràng tôi thấy như không phải tôi đang ngồi trước một nhà chính trị lớn, một bậc khai quốc. Có cái gì là dễ dãi, là quen thuộc, là hấp dẫn, là thân mật của tình cha con. Tóm lại, điều làm tôi ngạc nhiên nhất là Bác không làm tôi ngạc nhiên tí nào” (9).

Người ta thường nói, một nhà văn lớn phải hội đủ hai yếu tố “tâm” (hiểu là trái tim lớn của người nghệ sĩ) và “tầm” (hiểu là văn hóa của người nghệ sĩ). Một nhà văn lớn của một dân tộc cũng như của nhân loại từ xưa tới nay phải vừa là một nhà tư tưởng, vừa là một nhà văn hóa. Hiện nay, chúng ta đang nói đến sự thiếu vắng những tác phẩm lớn xứng ngang tầm dân tộc và thời đại, một trong những nguyên nhân sâu xa và căn bản là chúng ta đang thiếu những tài năng văn chương tầm cỡ Nguyễn Du, mà tài năng bao giờ cũng do văn hóa hun đúc nên.

______________

1. 4, 5, 6, 7, 9. Hồ Chí Minh với văn nghệ sĩ, văn nghệ sĩ với Hồ Chí Minh, Nxb Hội Nhà văn, 2010, tr.7, 20, 104, 136, 109, 80.

2. Tập biên bản của Đại hội đồng Khóa họp 24 tại Paris, ngày 20-10-1987, UNESCO, 1988, tr.144, thehehochiminh.net.

3. Tư tưởng Hồ Chí Minh, Nxb Chính trị quốc gia, 2010, tr.409.

8. Tạp chí Thơ, Hội Nhà văn Việt Nam, số 2, 2011, tr.12.

Tác giả: Bùi Việt Thắng

Nguồn: Tạp chí VHNT số 437, tháng 9-2020

Đánh giá post

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *