Văn hóa sông nước của cư dân đồng bằng sông cửu long

Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL), là xứ kênh rạch, xứ miệt vườn, cây trái quanh năm, nơi trĩu nặng những vựa lúa, vựa cá tôm. Con người nơi đây chân tình, thẳng thắn, mến khách, cần cù lao động và cởi mở. Vùng đất này là nơi cộng cư của người Việt, Khơ me, Hoa, Chăm và một số dân tộc khác mới di cư tới sau này. Sông nước ĐBSCL trước nay đã được đề cập đến trong nhiều công trình nghiên cứu. Trần Ngọc Thêm cho rằng đây là một vùng đất có lịch sử hình thành và phát triển đặc biệt, con người đặc biệt, vai trò và sự đóng góp cho sự phát triển của đất nước cũng rất đặc biệt (1).

1. Sông nước trong văn hóa cư trú của cư dân ĐBSCL

Sống ở vùng sông nước, sinh hoạt đi lại của người dân ở ĐBSCL chủ yếu bằng ghe thuyền hoặc bắc cầu để qua kênh rạch. Vùng đất chằng chịt sông rạch đã tác động mạnh mẽ đến sinh hoạt của cư dân, làng ở ĐBSCL trải dài theo các con sông và các con kênh, đường lộ, nhà cửa một nửa trên đất, một nửa trên nước, thậm chí nhà chỉ là căn chòi nhỏ giữa mênh mông sông nước. Phố thị ở đây cũng ở trên sông. “Chợ nổi” là điểm độc đáo của khu vực này, hình thành nên những giá trị văn hóa sông nước.

Yếu tố nước đã tạo ra sắc thái riêng biệt trong tập quán canh tác, cư trú, tâm lý ứng xử cũng như sinh hoạt cộng đồng của cư dân, nhưng vẫn mang cái chung của văn minh khu vực. Sau quá trình khai phá hơn 300 năm, làng có những nét đặc thù về tự nhiên, lịch sử, xã hội, cảnh trí thiên nhiên và môi trường sinh thái đa dạng, những vùng quần cư, định cư với các tên gọi đều gắn với sông nước như “miệt giồng”, “miệt vườn”, “miệt cù lao”, “miệt kênh”, “miệt thứ”, “miệt trên”, “miệt dưới…

 Miệt giồng là vùng đất ở phía đông ĐBSCL, có nhiều giồng đất nổi tiếng chạy dài theo đường bờ biển cổ, từ Long An đến Sóc Trăng. Khu dân cư thường bố trí trên giồng cao, thoáng đãng. Giữa giồng là đường lộ chung, hai bên là nhà cửa, vườn cây ăn trái, ruộng rẫy. Từ chân giồng trở ra mé ngoài là vùng đất thấp đồng lầy, mương rạch, được cải tạo trồng lúa nước, làm nông nghiệp. Các thiết chế tín ngưỡng dân gian như đình, chùa, miếu, võ đều đặt ở đầu giồng, ở vị thế đầu rồng. Đây là kiểu quần cư thuận lợi cho sự phát triển kinh tế nông nghiệp dưới dạng ruộng – vườn.

  Miệt vườn là vùng đất phù sa màu mỡ nằm ven và giữa sông. Nghề trồng vườn và làm ruộng lúa đều có điều kiện phát triển thuận lợi, giao thương dễ dàng với lợi thế sông nước. Việc đào mương, lên liếp là một tư duy sáng tạo của cư dân miệt vườn trong việc kết hợp mô hình nghề vườn với nuôi trồng thủy sản. Miệt vườn là khu dân cư hình thành sớm và nhanh chóng phát triển với sự trù phú của nó ở ĐBSCL.

  Miệt cù lao là vùng đất cư trú trên các cù lao nằm giữa sông. Các cù lao này như những ốc đảo nổi cao giữa bốn bề sông nước. Nhà cửa thường được xây dựng ven rìa cù lao, gần bờ sông, gần nguồn nước, vừa mát mẻ và thuận tiện đi lại. Bên trong cù lao là đất ruộng phì nhiêu. Việc trồng vườn, làm ruộng, nuôi gia cầm và thủy sản đều rất thuận lợi. Đặc trưng trong phương thức sản xuất kinh tế của kiểu quần cư này là: vườn cây – ao cá – đàn vịt – ruộng lúa – thương phẩm.

  Miệt kênh là miền đất ở mạn bắc sông Tiền, thuộc khu vực Đồng Tháp Mười. Hầu như các khu dân cư ở đây đều được thiết lập dọc theo các kênh đào. Các con kênh này đưa lại nguồn nước cho sinh hoạt hàng ngày, cũng như cho việc tưới tiêu, và còn là đường giao lưu nội vùng và ngoại vùng. Họ chủ yếu làm lúa sạ, đánh bắt thủy sản và khai thác lâm sản. Trên các gò sót nhỏ nổi giữa vùng nước chua phèn, có các xóm ấp ngư dân cư ngụ, cây cối xanh tốt.

   Miệt thứ nay là vùng tứ giác Long Xuyên. Sách Gia Định thành thông chí gọi là Thập cứu (10 con rạch), chảy ra vịnh Thái Lan. Vùng đất có nhiều lung lạch chảy ngang dọc như cựa gà. Mùa mưa ngập nước, mùa khô lại nứt nẻ. Dân cư thường tập trung theo các đường kinh nước ngọt, ven các lung lạch. Nguồn lợi cá tôm dồi dào nhưng việc trồng trọt không thuận lợi do thiếu nước vào mùa khô.

   Miệt U Minh(2) là vùng rừng sác ngập mặn ở ven biển Tây Nam Bộ. Đây là vùng đất khai phá, lập làng gặp nhiều gian truân nhất. Địa bàn bên ngoài giáp biển, nước mặn, chỉ có cây mắm sống được; vào sâu bên trong là đước mọc thành rừng; rồi đến tràm, nước đã bớt mặn và sau cùng là rừng dừa nước, nước đã hết mặn. Ngoài loại hình của cư dân ven biển làm nghề chài lưới, dọc hai bờ sông còn có loại làng lập gần nơi giáp nước. Đó là nơi gặp nhau giữa hai dòng nước thủy triều chảy ngược và nước sông chảy xuôi. Nơi đây ghe thuyền dừng lại nghỉ ngơi để chờ con nước, quán xá, tiệm ăn, chợ búa theo đó mọc ra. Và từ đó các thị tứ, thị trấn hình thành dọc theo hai bên bờ.

   Một loại hình khác là quần cư theo tuyến hay tỏa tia. Nghĩa là làng mạc, hình thức cư trú được phân bố theo dạng kéo dài, lấy kinh mương hay đường lộ làm trục. Ở loại hình cư trú này không có lũy tre bao quanh, không thành một quần thể riêng biệt, không cách bức với các làng khác như làng xã Bắc Bộ. Ranh giới của xóm ấp, làng xã hay thay đổi. Tre được trồng chỉ tạo bóng mát quanh nhà và làm nguyên liệu sử dụng trong sinh hoạt. Đây là sự thích nghi với môi trường sinh thái của vùng sông nước chằng chịt.

  Đầu tiên các cư dân tụ cư trên các giồng đất cao, họ đào kinh mương để tháo nước, xổ phèn, làm thủy lợi, ngăn mặn, lên liếp trồng cây. Những giồng ven biển, ven sông này không bị ngập lụt, có nguồn nước, dễ cất nhà, ở cái thế sông sâu nước chảy. Đất đai dần dần được thuần hóa, dòng chảy của các con sông được điều chỉnh để biến những vùng lầy lội, hoang hóa thành những cánh đồng màu mỡ, trù phú. Hình thức cư trú của dân cư vùng lúa nổi khá đặc biệt. Họ sống tập trung ở ven sông, các trục lộ, trục kênh lớn, trên những nhà sàn. Chuồng trâu bò cũng ở trên sàn cao. Đồng ruộng xa nhà từ vài kilômét đến vài chục kilômét.

            2. Sông nước trong văn hóa ruộng vườn ở ĐBSCL

  Nghề trồng lúa nước gắn liền với lịch sử khai thác và phát triển ĐBSCL. Với một đồng bằng phẳng, có chế độ ngập lũ hàng năm, nằm trong vùng nhiệt đới gió mùa nên việc trồng lúa nước là hình thức sử dụng có hiệu quả nhất nguồn tài nguyên của khu vực này. Đây được xem là vựa lúa lớn nhất nước với sản lượng lương thực hàng năm lên đến hàng triệu tấn, không những bảo đảm cho nhu cầu tiêu thụ trong nước mà còn cho xuất khẩu. Ở vùng châu thổ này, diện tích lúa gia tăng theo đà khai thông, mở rộng hệ thống kênh rạch. Kênh rạch đi đến đâu ruộng lúa mở rộng đến đó. Các điểm quần cư mới cũng mọc lên theo.

   Lúa gạo là sản phẩm nổi bật nhất của vùng sông nước này. Cây lúa gắn với hệ sinh thái tự nhiên, nơi trồng lúa của cư dân là trung tâm thu hút các dân tộc cùng nhau xây dựng nên nền văn hóa lúa nước trên đôi bờ từ thượng lưu đến hạ lưu sông Mekong và từ đó lan tỏa ra khắp Đông Nam Á lục địa và hải đảo.

  Đặc biệt ở vùng trũng tứ giác Long Xuyên và Đồng Tháp Mười có 2 loại lúa mà chỉ ở ĐBSCL mới có. Đó là lúa trờilúa nổi. Con người ở đây đã biết khai thác lúa trời một cách thông minh (3).

  Lúa nổi được trồng ở nơi ngập nước sâu nhiều tháng trong năm, chúng tăng trưởng rất nhanh. Vào mùa ngập lũ, cây lúa có thể mọc dài 10cm mỗi ngày, thân cây có thể dài từ 3 đến 5m. Vào đầu mùa mưa (tháng 5, 6) nông dân gieo hạt trên các cánh đồng cày sẵn. Hạt lúa nảy mầm và lớn nhanh theo nước lũ. Lúa thu hoạch vào tháng 12, tháng giêng, đầu mùa khô. Lúa nổi tuy tốn ít công chăm sóc nhưng cho năng suất thấp, chỉ 1-1,5 tấn/ha.

  Cùng với việc trồng lúa, ngay từ những ngày đầu khai khẩn vùng đất mới này, cư dân ĐBSCL đã biết lập vườn trồng cây ăn trái. Vườn thường ở sát nơi cư trú, gần nhà. Những vùng đất phù sa có nước ngọt ven sông Tiền, sông Hậu là địa bàn của các vườn tược, người ta gọi đó là miệt vườn hay văn minh miệt vườn. Ở Tây Nam Bộ, do chịu ảnh hưởng của thủy triều, người ta tiến hành đào mương, lên liếp để lập vườn. Mương sâu trên 1m, rộng 2m, liếp rộng 4-5m. Đất đào mương dùng để đắp cao phần còn lại, làm thành liếp hình chữ nhật. Các mương nối với nhau và thông với kênh rạch qua cổng đóng mở gọi là bọng. Trong vườn, nông dân đồng bằng sông Cửu Long trồng các loại cây khác nhau, từ các loại cây ăn quả như cau, dừa, chuối, cam, quýt, chanh, bưởi, mãng cầu, thơm, nhãn…đến những loại cây lấy gỗ hoặc vật liệu làm nhà như dầu (thủy mai), sao, tre…và cả những loại cây thuốc. Ngoài những cây chính, người ta còn trồng xen một số loại cây khác hoặc trồng kiểu vườn tạp. Một số nơi trong các nhà vườn, trên cao là dừa, rồi đến cây ăn trái, kết hợp với các thùng ong, trồng nấm, rau xanh, chuồng heo, dưới mương là tôm càng xanh, cá (4).

3. Sông nước trong văn hóa chăn vịt thả đồng ở ĐBSCL

Hệ thống sông rạch chằng chịt, nước đầy ắp quanh năm ở Tây Nam Bộ là môi trường lý tưởng cho việc chăn nuôi vịt. Nghề này xuất hiện từ rất sớm trong quá trình chinh phục khai phá vùng đất mới này. ĐBSCL có khí hậu ấm áp, ít giông bão, ruộng đồng nhiều rong rêu, sâu bọ, cá, tôm, cua, ốc và nhất là lúc rơi vãi sau mùa gặt. Với những điều kiện thiên nhiên ban tặng, người nông dân khu vực này đã sáng tạo nên cách chăn nuôi vịt thả để tận dụng thức ăn theo mùa, giảm chi phí chăn nuôi và tăng thêm thu nhập.

Vào mùa mưa, người ta không nuôi vịt chạy đồng vì không có lợi về mặt chăn thả. Lúc này, cánh đồng kém mồi, nên ta phải cung cấp thức ăn chính cho vịt là lúa, đồng thời vịt cũng giúp tiêu diệt một số sâu rầy phá hoại mùa màng. Vịt hậu bị (vịt tơ) và vịt đã đẻ được nuôi cầm xác (mỗi ngày chỉ cho ăn khoảng 1 giạ/400 con), cho chúng không mập mỡ. Vào mùa gặt hè thu thì nuôi thúc để chúng đẻ trứng, đúng dịp có thức ăn trên các cánh đồng lúa. Vịt con được đem về úm trước khi gặt lúa hè thu để có thể cho chạy đồng đúng vào lúc gặt, khi vịt con đã thuộc thóc.

Những giống vịt quý là vịt tàu rằn, vịt cà cuống, vịt cò, vịt hảng, vịt sen, vịt ta, vịt xiêm (ngan) và nhiều giống vịt lai nhập từ nước ngoài, cho ra các món hấp dẫn như: trứng vịt muối, trứng vịt lộn, trứng vịt bắc thảo, vịt lạp, vịt đông lạnh, vịt quay, vịt tần, lông vịt…Nghề ấp trứng nhân tạo đã có ở Nam Bộ từ khoảng năm 1935. Một trong những nét đặc trưng của văn minh miệt vườn là thức thâu đêm ăn cháo vịt, uống rượu, ca vọng cổ (5).

          4. Sông nước trong văn hóa đánh bắt cá ở ĐBSCL

Miệt Năm Căn thuộc vùng U Minh (Cà Mau) trước đây, một đìa cá nhỏ cũng có từ 300 đến 500 kílô cá, một hồ lớn có thể chứa đến vài chục ngàn cá các loại gồm: cá lóc, cá trê, cá rô, cá sặt…Ở Rạch Gốc (Năm Căn) của miền đất mũi Cà Mau trước đây, hàng năm vào trung tuần tháng 10 âm lịch, ba khía từ đâu không biết kéo về tụ tập rất nhiều, gọi là ba khía hội. Cá là nguồn sản vật phong phú, dồi dào của ĐBSCL. Ngoài sông Tiền, sông Hậu, ĐBSCL còn có diện tích mặt nước kênh rạch, ao hồ, đồng ruộng mông mênh cho cá tôm sinh sống, phát triển.

Ngoài ra, còn có nhiều loài thủy hải sản khác như tôm, cua, lươn, ếch, rùa, ốc… có giá trị kinh tế cao. Tôm thẻ, tôm bạc, tôm cỏ, tôm đất, tôm càng xanh; Cua có loại mai cứng, loại mai mềm, cua đồng; Ba khía có rất nhiều trong các rừng mắm ở Cà Mau; Rùa có mặt nhiều ở vùng Đồng Tháp Mười, Hậu Giang, Trà Vinh, Kiên Giang, Cà Mau; Ốc có loại quý nhất là ốc gạo ở cù lao (Cái Bè, Tiền Giang) (6).

Các loài cá và thủy sản ở mỗi vùng có sự khác biệt. Vùng nước ngọt gồm các loại cá đồng sinh sống: cá lóc, cá trê, cá rô, cá sặt, cá chép, cá trám cỏ, cá thác lác, cá tra… Vào mùa nước ngập, cá di chuyển lên rừng, lên đồng kiếm ăn và sinh sản, gọi là cá lên. Khi nước rút, chúng ở lại trên đồng, trên rừng, nên gọi là cá đồng.

 Vùng nước lợ là nơi chịu ảnh hưởng giữa hai dòng nước mặn và ngọt, gọi là nước lợ, nước chẻ hai, nước đôi. Nước ở vùng càng gần biển càng mặn và nhạt hơn khi xa biển. Vùng nước lợ có các loại có các loại: cá thu, cá đối, tôm cua…

Những vùng nước lợ mực nước lên xuống gọi là nước lớn hay nước ròng. Khi nước đứng gọi là nước ươn và nước xuống thấp gọi là nước kém. Người dân dựa vào những kinh nghiệm dân gian này để đánh bắt. Như khi thấy chim bìm bịp kêu là họ biết có nước lớn. Vùng nước ven bãi biển, cửa biển quanh năm chịu ảnh hưởng của thủy triều của mực nước biển, nên hoàn toàn mặn. Việc nuôi trồng, đánh bắt thủy sản được tính theo chu kỳ con nước.

Ngư cụ được chia thành 2 loại. Loại đặt cố định một chỗ, cá theo dòng nước hoặc mồi nhử vào rồi mắc kẹt và bị bắt lại như đáy, đăng, chài lọp, nò, vó, câu…Loại di động do người kéo hoặc ghe thuyền kéo để bắt cá như cào, lưới bén, chài, câu giăng…Các ngư cụ ngày xưa đan tay bằng chỉ, tơ, đay, gai, nay được đan bằng lưới nilông bền chắc hơn. Thuyền đánh cá nay cũng được gắn máy đuôi tôm hay các loại máy nổ công suất lớn (7).

Trong số các ngư cụ và biện pháp đánh bắt thì đáy, cào, lưới và đập là hình thức phổ biến và đạt hiệu quả cao.

Đáy là hình thức lưới cố định, cá tôm theo dòng chảy của nước bị mắc vào trong lưới, thường đóng trên các con sông, chỗ luồng nước chảy mạnh. Có nhiều loại đáy, mắt đáy thưa hay dày, có thể bắt cả cá tra bột, con ruốc.

Cào là lưới gắn ở sau đuôi ghe, kéo sát đáy sông lùa các loại tôm ăn ở tầng đáy sông vào đụt. Te, xẻo là lưới gắn vào hai gọng gỗ hình chữ V, sử dụng bằng tay hay kết hợp với các thuyền chèo hoặc gắn máy, bắt các loại cá, tôm tép trên ruộng đồng, kênh rạch, sông ngòi.

Lưới có 7 loại: lưới tôm, lưới cá đối, lưới dầm (đặt chìm ở dưới nước), lưới cá đường, lưới cá gộc, lưới cá út, lưới cá gúng. Lưới bén (lưới bóng, lưới cầm), một ngư cụ thông dụng và phổ biến dùng để giăng bắt cá dưới ao hồ, mương rãnh, sông rạch. Lưới kéo có kích thước lớn nhỏ, dài ngắn tùy theo loại cá và địa thế nơi đánh bắt, có thể trên ruộng đồng, ao hồ hay kênh rạch, sông nhỏ. là ngư cụ dùng để bắt cá tôm dưới mương, ao, hồ, sông ngòi. Chài là một ngư cụ cấu tạo bằng lưới gọn nhẹ, sử dụng rất linh hoạt, có 2 loại chài quăng và chài rải. Đăng, nò là ngư cụ cố định để chặn bắt cá trên sông hoặc cửa sông, nơi có thủy triều lên xuống và có nhiều cá di chuyển qua lại. Lờ là một dụng cụ để bắt các loại cá nhỏ như cá sặt, cá rô dưới các mương rãnh ao hồ. Nơm dùng để bắt cá ở những nơi nước cạn như ruộng lúa hoặc mương rãnh, được đan bằng tre có dạng gần giống như nón lá nhưng thân dài hơn. Dậm dấu là dùng chân day mạnh xuống đáy ruộng lúa đã gặt hay ở những ao hồ, bờ sông nơi nước cạn để tạo thành những lỗ trũng cho cá chui vào ẩn nấp, rồi quay lại dùng nơm để chụp bắt cá, nơi có những dấu chân. Chỉa là dụng cụ bắt cá thường được sử dụng vào ban đêm để đâm cá, còn gọi là cây xà búp, nó được dùng phối hợp với đèn pha để săn cá, ếch ban đêm ở những mương ao, ruộng đồng.

5. Sông nước trong văn hóa nuôi trồng ở ĐBSCL

Song song với việc đánh bắt, để làm giàu nguồn lợi thủy sản, người dân ĐBSCL còn sáng tạo cách nuôi trồng các loại thủy sản.

Họ đào ao hầm, mương vườn gần nhà, trong vườn để nuôi cá, làm nguồn thức ăn và để bán. Cư dân ở đây thường chọn các giống cá là dễ nuôi, không kén ăn, mau lớn, hợp phong thổ, thịt ngon, ít xương, bán có giá. Ngoài ra, người dân còn nuôi cá ở ruộng nhằm tận dụng diện tích mặt nước rộng có thể thu hoạch với số lượng lớn. Nghề nuôi cá bè trên sông nay phát triển rất mạnh, bè làm bằng những bó tre, trôi nổi trên sông nước hiện khá phổ biến.

 Ở ĐBSCL, cư dân dựa vào điều kiện tự nhiên sáng tạo ra những loại hình nuôi tôm độc đáo như: lúa-tôm tức là nuôi trên các cánh đồng trũng, phèn, sau vài năm lấy nước ra vào, lấy ấu trùng nuôi tôm, lượng phèn trong đất giảm dần, khi đó trồng lúa; rừng-tôm là tận dụng những vùng trũng trong rừng mắm, rừng đước để nuôi tôm nước lợ; muối-tôm là dùng ruộng muối để nuôi tôm nước mặn trong mùa mưa; dừa-tôm là dùng các mương mán trong vườn dừa để nuôi tôm nước ngọt.

Ngoài việc nuôi các loại tôm cá, người dân còn trồng các loại cây mọc dưới nước như sen, súng, môn nước, rau muống, rau nhút, bồn bồn, kèo nèo, điên điển…

6. Sông nước trong văn hóa đi lại ở ĐBSCL

Ở ĐBSCL có nhiều nơi đóng ghe xuồng, trong đó nổi danh nhất là ghe Cần Đước và Bình Đại. Tại Cần Đước (Long An) đã hình thành nên hai trung tâm đóng ghe ở chợ Kinh và vàm Cầu Nổi; Những trại ghe tên tuổi ở đây như Hiệp Phát, Hiệp Lợi, Trần Văn Chà, Hai Đua, Tân Hưng… Ở Cần Giuộc có các trại ghe Hiệp Đồng, Hiệp Hòa; Ghe ở đây tải trọng từ 20 đến 200 tấn. Gần đây làng nghề này đã chuyển sang đóng các loại tàu kéo, tàu ủi và sửa chữa các loại ghe thuyền.

Ghe xuồng ở đồng bằng sông Cửu Long rất đa dạng, phong phú với nhiều kiểu dáng, tên gọi khác nhau. Tùy vào chức năng sử dụng và phương thức hoạt động của nó, có thể phân chia thành những loại khác nhau:

Xuồng ba lá có chiều dài trung bình 4m, rộng 1m, cao khoảng 25cm, chở từ 4-6 người, làm bằng 3 tấm ván dài (hai tấm ván be và một tấm ván đáy) ghép lại với nhau. Các đường nối được trét bằng nhựa chai, mũi và lái đều nhọn. Dùng dầm hoặc chèo để đi lại trên sông rạch. Xuồng năm lá dài 5-6m, rộng từ 1,2m trở lên, dáng thon thả, có hai loại mũi: mũi nhọn giống như xuồng ba lá và mũi vỏ hai bên có hai mắt ghe, giữa có nút hình chuồn (bài Tây) hay mỏ neo, sức chở từ 1-2 tấn. Xuồng tam bản giống như ghe câu nhưng lớn hơn, mũi và lái hơi bầu, dùng để chuyên chở nhẹ. Cấu tạo có loại thon dài, lại thêm mui ống, dáng đẹp. Có loại 2 bơi chèo và 4 bơi chèo. Số lượng tấm ván be không chỉ có 3 mà có thể là 5,7,9 tấm, có gắn máy, kích cỡ có nhiều loại. Loại xuồng này thường xuất hiện ở các bến chợ, ngã ba sông. Các điền chủ nhỏ và vừa thường dùng để đi lại trên sông rạch. Tam bản có nguồn gốc từ tiếng Hoa (xam pản), người Pháp đọc thành “sampan”. Xuồng vỏ gòn có hình dáng giống trái gòn, kích thước nhỏ, kết cấu đơn giản (giàn đà, cong và ván be), kiểu dáng gọn nhẹ, chủ yếu để đi lại, chuyên chở. Xuồng độc mộc (ghe lườn) của người Khơ me, làm bằng cách chẻ dọc thân cây thốt nốt, khoét rỗng ruột. Một số được làm bằng gỗ sao, sến mua ở Campuchia, Lào. Xuồng câu tôm giống xuồng độc mộc của người Khmer, dùng giăng câu thả lưới ven sông rạch nhỏ. Xuồng bơi có 2 mái chèo, lớn hơn xuồng tam bản. Ở Cần Thơ có thể có 3-4 mái chèo chứ không phải chỉ một chèo lái, một chèo mũi như các vùng khác. Xuồng máy gắn máy nổ và chân vịt như xuồng máy đuôi tôm, rất cơ động, phổ biến ở vùng sông nước, nhất là trong giới thương hồ.

Ghe bầu là loại ghe lớn nhất. Ghe cửa hình dáng nhỏ, mũi nhọn, nhảy sóng tốt, chạy buồm vững vàng. Loại ghe này có thể ra vào các cửa sông dễ dàng hay dùng để chở hàng đi ven biển. Ghe lồng (ghe bản lồng) là loại ghe lớn, đầu mũi dài, có mui che mưa nắng, lòng ghe được ngăn thành từng khoang nhỏ để chứa hàng, vận chuyển hàng hóa đi dọc bờ biển. Ghe hàng bổ là loại ghe lồng nhỏ, dùng đi đường ngắn trong sông, rạch. Ghe giàn có kích thước khá lớn, hai bên hông trổ cánh cao để chở được nhiều hàng hóa . Ghe be không mui hoặc có mui nhỏ nằm chệch về phía lái khoảng 1/4 chiều dài của ghe, có thêm hai be bên sườn để tăng sức chở. Ghe chài (8) to và chở được nhiều hàng hóa, mui rất kiên cố, gồm nhiều mảnh gỗ ghép lại, có hai tầng. Ghe cà vom hình dáng nhỏ, có mui nhỏ nhưng khác ghe lườn và ghe ngo. Ghe cá hay ghe rỗi, chuyên chở cá đồng từ miền Tây về Sài Gòn. Ghe bè to và sâu, giống như chiếc xà lan, có mái che, tải trọng lớn, người chèo có thể đi lại trên mui, dùng chuyên chở hàng hóa trên sông, mua bán tận Campuchia. Ghe lưới hình dạng như chiếc xuồng độc mộc, thân dài, thon, mũi nhọn, là loại ghe của người Khơ me. Ghe cào tôm dáng nhỏ, có đầu mũi lài và khá phẳng, bánh lái cặp bên hông, thường dùng cào tôm vào ban đêm. Ghe mỏ vạch mũi cao lên như cái vạch của thợ may. Ghe cui ngắn, mũi và lái tương đối bằng, không nhọn như các ghe khác, dùng chở củi, lá lợp nhà. Ghe ngo (tuk ngua) của người Khơ me, có hình dáng dài như con thoi, đầu và đuôi cong lên, không mui, dài từ 25 – 27m với 20 – 24 khoang, chở 50 -60 người chèo. Ghe điệu có mũi lái chạm trổ, kèo mui sơn son thếp vàng, bên trong lót ván trơn bóng, có chỗ nấu nướng, đủ tiện nghi để hút á phiện cho giới giàu có. Ghe hầu sang hơn ghe điệu, dành cho quan lại, ban đêm ghe được thắp sáng để báo hiệu là ghe của quan. Ghe sai còn gọi là ghe khoái, hình dáng nhỏ, có mái chèo nhẹ, dùng vào việc quan. Ghe quyển có mui che từ đầu đến cuối, dùng để chở quân lính. Ghe lệ hay còn gọi là ghe ô, dùng vận chuyển lính hay quân cụ, những chiếc dành cho chỉ huy thì toàn thân ghe thường chạm trổ rất tinh xảo, thường được sơn đỏ nên cũng gọi là ghe son hay ghe vẹm. Ghe trẹt hay chiếc trẹt, không mui, đáy bằng, hai đầu đều bằng để chở trâu bò qua sông. Ghe vợi là loại ghe nhỏ, cột theo sau những chiếc ghe lớn để chuyển hàng hóa từ ghe lớn vào bờ. Vỏ lãi có mũi bằng, dài khoảng 9m, thành ghe thấp, bề ngang hẹp, sử dụng rất nhiều ở Cà Mau. Tắc ráng dài hơn vỏ lãi, mũi nhọn, làm bằng nhựa tổng hợp, rất bền, chạy rất nhanh.

Ngoài ra, tùy vào mục đích sử dụng mà ghe xuồng ở Nam Bộ có những tên gọi khác nhau, như dùng để giăng câu gọi là xuồng câu; đánh bắt thì có ghe lưới, ghe đáy; đưa khách trên sông thì gọi là ghe đò (đò ngang, đò dọc, đò chèo, đò đạp, đò máy); dùng buôn bán hàng hóa gọi là ghe hàng Lục tỉnh (9).

Một phương thức sinh hoạt kinh tế nhưng lại mang đậm dấu ấn của văn minh sông nước và gắn với cách thức di chuyển rất đặc thù trên sông rạch là chợ nổi. Ở đồng bằng sông Cửu Long có nhiều chợ nổi như: Cái Bè (Tiền Giang), Trà Ôn (Vĩnh Long), Ngã Bảy, Cái Răng, Phong Điền (Cần Thơ), v.v… Trong đó chợ nổi Phong Điền (Cần Thơ), Ngã Năm (Sóc Trăng) trên kênh Quản Lộ (10).

Ghe, xuồng phục vụ cho việc buôn bán, kết thành điểm chợ, trao đổi hàng hóa trên sông, hình thành nên các khu chợ nổi hội tụ đủ các loại người tứ xứ đến buôn bán, làm ăn.

Nhiều nền văn minh trên thế giới bắt nguồn từ sông nước. Nước là cội nguồn của sự sống. Ở ĐBSCL đã định hình một phương thức sản xuất gắn với sông nước đó là nghề trồng lúa nước, nghề làm vườn, nghề đánh bắt và nuôi trồng thủy hải sản, nghề đóng ghe xuồng.

Trên phương diện sinh hoạt tinh thần, nhiều làn điệu dân ca, hò, vè, lý được khai sinh hoặc gắn liền với sinh hoạt của người dân trên sông nước. Có thể nói rằng đời sống sông nước của các cộng đồng cư dân nơi đây đã tạo ra những sinh hoạt văn hóa dân gian mang đậm đặc trưng sông nước.

Cư dân vùng sông nước đã ứng xử với môi trường sông nước để tạo ra các giá trị văn hóa. Hiểu biết các giá trị của địa văn hóa, nắm vững các giá trị thuộc về môi trường địa lý sẽ giúp nghiên cứu, làm rõ các giá trị về văn hóa sông nước vùng ĐBSCL. Điều đó hữu ích cho các khía cạnh nghiên cứu theo góc nhìn văn hóa học, góp phần tích cực vào việc bảo tồn, truyền bá và phát huy các giá trị văn hóa trong điều kiện đất nước bước vào giai đoạn hội nhập với thế giới.

______________

1. Trần Ngọc Thêm (chủ biên), Văn hóa người Việt vùng Tây Nam Bộ, Nxb Văn hóa Văn nghệ, Tp. Hồ Chí Minh, 2013, tr. 123.

2. Phan Thanh Nhàn, Rừng U Minh – dấu ấn và cảm thức, Hội Văn nghệ Kiên Giang, Kiên Giang, 1993, tr.227.

3. Nguyễn Đoàn Bảo Tuyền, Văn hóa ứng xử với môi trường sông nước của người Việt miền Tây Nam Bộ, Luận văn thạc sĩ chuyên ngành Văn hóa học, Trường Đại học Khoa học xã hội và nhân văn TP. HCM, 2006, tr.175.

4. Sơn Nam, Đất Gia Định xưa, Nxb Thành phố Hồ Chí Minh, TP. HCM, 1984, tr.12, 98.

5, 6, 7. Nguyễn Công Bình, Lê Xuân Diệm, Mạc Đường, Văn hóa và cư dân đồng bằng sông Cửu Long, Nxb Khoa học Xã hội, Hà Nội, 1990, tr. 289-290, 139-141, 293 – 295, 295 – 296.

8. “Chài” xuất xứ từ chữ “Pok chài” của người Triều Châu. Pok: nhiều, chài: tải; chỉ loại ghe chài có sức tải lớn. Theo Vương Hồng Sển, ghe chài gọi đầy đủ là ghe bốc chài, gốc từ tiếng Khơ me “tuk pokchay”; trong đó tuk là ghe, thuyền; pokchay nghĩa là chở nhiều (Triều Châu) (Vương Hồng Sển, Tự vị tiếng Việt miền Nam, Nxb Văn hóa, Hà Nội, 1993, tr. 396).

9. Nguyễn Thanh Lợi, Tên ghe xuồng ở Nam Bộ, Ngôn ngữ học trẻ 2005, Hội Ngôn ngữ học Việt Nam, Hà Nội, 2005, tr.49-52.

10. Nguyễn Thanh Lợi, Ghe xuồng ở Nam Bộ, Tạp chí Văn hóa dân gian, số 1, 2005, tr.54.

Nguồn : Tạp chí VHNT số 375, tháng 9-2015

Tác giả : VĂN NỮ QUỲNH TRÂM

5/5 - (1 bình chọn)

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *