Văn hóa tâm linh trong tiểu thuyết của nguyễn xuân khánh

Văn hóa tâm linh là một khoảng trống lớn cho sự cảm nhận sâu sắc bằng tuệ giác. Với duy cảm văn hóa đặc biệt, tác phẩm của Nguyễn Xuân Khánh đem đến cho người đọc nhiều chủ đề văn hóa và những diễn giải sâu sắc bằng những góc nhìn mới. Vấn đề tâm linh trong tiểu thuyết của Nguyễn Xuân Khánh không đơn thuần là những yếu tố bổ trợ mà thực sự là văn hóa. Tín ngưỡng, tôn giáo Việt là tín ngưỡng, tôn giáo thực hành, tín ngưỡng của lòng người. Mối quan hệ giữa tâm linh, nhục cảm được nhìn nhận như sự đối thoại với nếp văn hóa của tiền nhân, có sự hài hòa, tương thuận, nhưng cũng có sự vượt thoát khỏi những cấm kỵ, phục tùng mang tính truyền thống. Đó cũng là những biểu hiện của sự phản tư văn hóa mà Nguyễn Xuân Khánh hướng đến trong các tác phẩm như Hồ Quý Ly, Mẫu thượng ngàn, Đội gạo lên chùa.

1. Tín ngưỡng, tôn giáo thực hành

Nguyễn Xuân Khánh là nhà văn Hà Nội, sinh ra và lớn lên giữa lòng Hà Nội, nhưng lại có sự thấu cảm đặc biệt đối với văn hóa truyền thống, nhất là văn hóa, tôn giáo tín ngưỡng làng quê. Vì vậy, viết về tín ngưỡng, tôn giáo, nhưng tác phẩm không rơi vào minh họa, triết luận về giáo lý, về đặc điểm của các tôn giáo tín ngưỡng. Tín ngưỡng, tôn giáo trong tác phẩm cũng là tín ngưỡng, tôn giáo của lòng người, tín ngưỡng tôn giáo thực hành. Đạo Mẫu, đạo Phật hay đạo Kitô giáo đều hòa cùng với niềm tin linh thiêng của bản địa. Xuyên suốt hàng nghìn trang truyện, hình ảnh Mẫu là cảm thức về sự che chở, hình ảnh về Phật là sự an bình nơi làng quê Việt.

Trong tâm thức của nhà văn, đạo Mẫu không chỉ có sức cuốn hút lớn, hấp dẫn về âm nhạc như hát xá, hát cờn, hát dọc mà còn là câu chuyện tâm linh, xoa dịu lòng người… Nhà văn viết về đạo Mẫu còn để trả lời những ân tình với người mẹ yêu thương, người mẹ trẻ góa bụa say mê đạo Mẫu. Mẫu xuất hiện như một nỗ lực cố kết cộng đồng, gắn kết yêu thương. Mẫu làm điểm tựa như một phản lực tự vệ của một dân tộc. Không gian tác phẩm tràn ngập trong tình yêu thương, sự chở che của Mẫu.

Mẫu thu hút, hấp dẫn với đám đông, là sự an ủi, cứu rỗi, thanh tẩy cao quý với những tâm hồn đang tìm điểm nương náu. Trong con mắt của một nhà nho, cụ phó bảng Vũ Huy Tân, đạo Mẫu được coi như một chốn giải thoát: “Làm cho lòng ta đạt tới chỗ tâm hư, để hòa đồng cùng thế gian. Thần thánh cũng ở trong ta. Phàm tục cũng ở trong ta. Tất cả thế gian đều là một” (1). Cô gái quê non nớt như Nhụ, “cứ mỗi lần nghĩ về mẫu, lòng em lại thấy rưng rưng” (2). Mẫu đem đến niềm tin qua sự linh nghiệm về việc cầu tự của bà Cả Cỏn: “Bà Cả rước chân nhang ở đền mẫu về thờ vào đầu năm, cuối năm linh nghiệm liền. Bà sinh con trai thứ hai đặt tên là Ly” (3). Những con nhang đệ tử ai ai cũng đều tôn kính mẫu.

Đạo Mẫu còn có vai trò như một sự thanh tẩy. Bà tổ cô là người cải đạo từ Thiên Chúa giáo sang tín ngưỡng dân gian. Cuộc đời bà đã trải qua nhiều khó khăn, cay đắng, nhưng khi trở về với đạo Mẫu, bà được giải tỏa khỏi những cay cực, những ẩn ức của chốn trần gian. Đạo Mẫu cũng rửa sạch đắng cay, thanh tẩy cuộc đời cô Mùi. Bao nhiêu sự tủi nhục, yếu đuối, cam chịu lúc này chợt bay đi đâu mất để nhường chỗ cho cái lẫm liệt, cái kiên cường, cái mạnh mẽ tràn vào thay thế. Mẫu là hình ảnh thể hiện quyền uy trong niềm tin tuyệt đối: “Các ngôi đền thành nơi dung chứa những khát vọng và nỗi niềm của mọi người dân quê nghèo khổ”, “an ủi bao tâm hồn cay cực của nông dân” (4).

Đạo Mẫu là tâm thức Việt, là hồn Việt, là căn tính Việt. Mẫu có sức lan tỏa mạnh mẽ, thẩm thấu sâu vào cộng đồng, hình thành điểm tựa cho dân tộc. Philippe không thích cô Mùi hầu đồng. Không phải vì y ghét, mà vì y sợ, y ghen với cái mê đắm đã nhập vào từ điệu nhảy, lời ca, ánh mắt của cô Mùi. Philippe đã chết vì say mê cái mùi hương quyến rũ thần bí Á Đông mà vô độ dẫn đến thượng mã phong, hay chính là y đã trót trêu cô Chín ở gốc đa đầu làng. Tất cả vẫn còn là một ẩn số.

Biểu tượng mẫu đã trở thành bệ đỡ về mặt tâm linh và động lực cố kết cộng đồng. Lễ hội ông Đùng bà Đà là minh chứng tiêu biểu cho sức lan tỏa của tín ngưỡng bản địa ấy. Lễ hội đó đã xóa bỏ mọi khoảng cách để tất cả mọi người, đều được chung hưởng niềm yêu sống. Trong vòng tay của mẫu, người ta luôn nhận được tình thương, lòng nhân ái, bao dung. Cái linh thiêng, kỳ diệu trong ngày hội lan tỏa trong từng trang sách, người đọc được trải nghiệm trực tiếp sự cuồng nhiệt, mê đắm, quyện hòa của hơi hương, vũ nhạc, điệu nhảy, ánh mắt cô đồng. Đạo Mẫu rất dồi dào, bất tận, bất tử, như đất, như mẹ, như người đàn bà Việt.

Mặc dù là một trong bốn tôn giáo lớn, nhưng Phật giáo Việt Nam là Phật giáo của làng quê. Chùa gắn với không gian làng như gắn bó máu thịt. “Ngân nga trong tiếng chuông chùa làng, lẩn khuất trong đầu ngọn tre, dưới mái rạ, để xoa dịu, nâng đỡ hồn người dân quê trong những lúc nhiễu nhương, loạn lạc, trong những năm hạn hán, đói khát, đem lại cho người dân ta sức chịu đựng dẻo dai để chờ đến buổi bình minh sẽ tới” (5). Chùa làng còn đồng điệu với mọi số phận, là nơi cưu mang những số phận đắng cay, sa cơ lỡ biến. Chị em Nguyệt An, phút chốc mất hết người thân, nhà cửa, gia đình đã tìm được mái ấm yêu thương nơi chùa Sọ. Hình ảnh sư cụ trong nhân vật An như là người cha tinh thần – bảo ban, che chở, và nuôi dưỡng tâm hồn An khôn lớn. Ngay cả bà Thu, mẹ cả Tây lùn Bernard cũng từng được cửa chùa che chở. Ngôi chùa làng trở thành mái ấm gia đình, để trong lúc khốn khó, cơ nhỡ, bế tắc nhất, con người đều tìm thấy bình yên và ấm áp. Chốn thiền tịnh làng quê đã thành biểu trưng cho sự cứu rỗi và che chở.

Phật giáo đã thành lối sống của người Việt, lối sống tốt đẹp, lành mạnh nhất mà con người biết được. Đó là lối sống “tu ở chùa cũng được, tu ở ngoài cũng được” (6). An coi việc đi bộ đội cũng là sự tu luyện nơi chiến trường. Nhân vật Đức đã đúc kết: lối sống này là một trong hai lối sống trong truyền thống văn hóa, tùy thuộc vào lịch sử có sự thăng giáng khác nhau mà tổ tiên chúng ta đã có sự lựa chọn cho phù hợp. Vì vậy, câu chuyện giữa đời và đạo gần như không có khoảng cách. Việc tu tập không chỉ đơn thuần là sự sám hối, tích đức nơi chùa chiền, mà còn thấm nhuần tư tưởng: thứ nhất là tu tại gia, thứ nhì tu chợ, thứ ba tu chùa; tu đâu cho bằng tu nhà, thờ cha kính mẹ mới là chân tu… Đó là sự chuyển hóa trong tinh thần hành thiện, tích đức của Phật pháp, khiến mỗi người đều hướng đến tinh thần từ bi bác ái, có lối sống lành mạnh.

Phật giáo có sức lan tỏa từ cửa chùa ra cuộc đời, có thể sinh thành từ cửa đời rồi lại nhập vào cửa chùa. Với An, đó là cuộc hành hương đi tìm đạo ở trần gian. Khoác trên mình chiếc áo nâu sòng không quan trọng bằng Phật tính chứa đựng và thực thi. Am hay chùa không dụng đến quy mô mà chủ yếu nhờ vào huệ nhãn mà nó mang lại cho tín đồ. An đã từng trả lời Đức: “Tôi thờ đức Thế Tôn. Và cũng thờ dân tộc” (7). Với một tín đồ Phật giáo thật sự, tình yêu với đức Thế Tôn và tình yêu dân tộc hòa mình làm một, tình yêu với tất cả chúng sinh đều là tình yêu thương, không có phân biệt và khoảng cách.

“Nguyễn Xuân Khánh tìm về tín ngưỡng dân gian, tìm đến những dấu tích văn hóa Phật giáo trong đời sống thế tục, không phải như một người truyền giáo, hay một nhà thần học, mà với tư cách nghệ sĩ – nghĩa là nơi khoa học dừng lại, nghệ thuật bắt đầu” (8). Vì thế, cũng viết về chiến tranh, viết về cải cách ruộng đất nhưng nhà văn không chọn góc nhìn của chính sử, cũng không nhìn bằng góc nhìn phê phán cực đoan. Nhà văn giải thích đặc điểm nhân cách, tâm lý cá nhân qua điểm nhìn Phật tính. Hay nói cách khác, nhà văn đã từ quan điểm của Phật pháp để giải thích nhân cách cá nhân và hiện tượng lịch sử.

Nhân vật Tây lùn Barnarrd Matinot hung bạo, tàn sát dã man. Hắn cho mổ cái bào thai bốn tháng tuổi của một nữ chiến sĩ cách mạng đã chết, cho cắt toang hoác cuống họng của những cái đầu bị chặt chưa dứt hẳn… Nhà văn không quy tội tên Tây lùn vào sự đối nghịch địch – ta. Nguyễn Xuân Khánh lý giải đó là hệ quả của sự vô minh, sự si mê cái vô thường để rồi dấy lên sự sân hận.

Sự kiện cải cách ruộng đất được nhìn nhận từ quan điểm vô thường và mê lầm. Nhà Phật cho rằng không một sự vật nào thoát khỏi quy luật của vô thường. Kinh Phật nói “vô thường thị thường”, cuộc đời đều có mặt trái của nó. Những gia đình bình lặng bỗng lâm cảnh vợ ngồi ghế quan tòa kết tội chồng, con phải chứng kiến cảnh mẹ tố tội và kết án cha. Một chủ tịch xã hết lòng vì dân phải trốn chạy, bị chết giữa sông Hồng… Suy cho cùng đó là mê lầm trong nhận thức, ngộ nhận bắt nguồn từ lòng tham, sân, si. Nhà văn không quy mọi sai lầm vào chính trị mà tìm một hệ quy chiếu từ con người cụ thể. Gần gũi và không hoa mỹ, tín ngưỡng, tôn giáo trong tiểu thuyết Nguyễn Xuân Khánh là tín ngưỡng, tôn giáo thực hành. Đạo Mẫu và đạo Phật hiện lên trong vẻ đẹp hài hòa và giản dị, chuyển hóa nhẹ nhàng mà sâu sắc.

2. Nhục cảm và tâm linh

Nhục cảm và tâm linh là một trong những chủ đề thành công của tiểu thuyết Nguyễn Xuân Khánh nói riêng và văn học Việt Nam sau 1990 nói chung. Ở Việt Nam, nhục cảm là chủ đề nhạy cảm do đặc tính văn hóa. Người Việt thường e ngại, thậm chí ngượng ngùng khi kể, nói, viết về nhục cảm. Vì vậy, đối với các loại hình nghệ thuật, trong đó có văn học, nhục cảm là chủ đề ít được quan tâm. Bước sang TK XXI, sự mở cửa về kinh tế, văn hóa, chính trị và tư tưởng, sự ảnh hưởng của dòng văn học Linglei ở Trung Quốc, văn học nhục cảm ở Việt Nam thay hẳn sắc diện. Các nhà văn không ngại viết trực diện về nhục cảm như thơ của Vi Thùy Linh, Phan Huyền Thư. Thậm chí nhục cảm và tâm linh cũng được Đỗ Hoàng Diệu viết trong Bóng đè.

Trong bối cảnh đó, bộ ba tiểu thuyết của nhà văn Nguyễn Xuân Khánh xuất hiện. Ông không chỉ viết về nhục cảm, về tâm linh, mà còn tạo nên góc nhìn đối thoại giữa tâm linh và nhục cảm. Nhà văn đem cái thường được xưng tụng là thanh cao (tâm linh) nhập vào cái thường bị coi là thường tục (nhục dục) để lẩy ra góc nhìn văn hóa, tạo nên nguồn giao cảm, tái sinh mãnh liệt. Trực cảm mà vẫn tinh tế, thấu thị mà vẫn thăng hoa. Đó là kết quả của vốn sống dày dặn, trường cảm xúc mạnh mẽ, bền bỉ, một chiều sâu văn hóa. Tâm linh và nhục cảm được nhìn nhận trong hai mối quan hệ: nguồn giao cảm giữa đạo với đời và nguồn nuôi dưỡng, tái sinh.

Thông qua bộ ba tác phẩm, nhà văn của tuổi thất thập đã khẳng định tính chất tự nhiên, thẩm mỹ hóa cái đẹp của nhục cảm ngay trong những cuộc giao cảm giữa đạo và đời. Đúng như nhà nghiên cứu Nguyễn Văn Dân từng nói: “Nhục dục là điều hoàn toàn tự nhiên và lành mạnh. Tạo hóa đã ban cho con người có rất nhiều loại khoái cảm bẩm sinh, trong đó có khoái cảm tình dục” (9). Vì vậy, nhu cầu thẩm mỹ hóa cái đẹp tình dục là một nhu cầu tự nhiên. Trong bộ ba tiểu thuyết: Hồ Quý Ly, Mẫu thượng ngàn, Đội gạo lên chùa, Nguyễn Xuân Khánh đã không ngại miêu tả những cuộc giao hoan nơi không gian tâm linh, những cuộc ân ái giữa đời và đạo. Đó là cuộc vượt thoát tuổi trẻ của nhà sư Phạm Sư Ôn và cô Sáo đồng quê. “Một tòa thiên nhiên ngọc ngà đã cho phép anh lạc bước. Anh đã ân ái với cô thâu đêm” (10).

Ông Hộ Hiếu và thím Pháo là điệu thầm thì giữa hai cuộc đời đau khổ. Bên ngôi chùa đổ, trong ánh trăng giàn giụa đầy mê đắm: “Hai cái sinh linh côi cút trên đời ngẫu nhiên lại phối kết với nhau. Nỗi cô đơn cùng kiệt đã biến họ thành những kẻ hiến dâng không tiếc. Cho hết và nhận hết. Trong những phút bồng bềnh lang thang trong nhau, người đàn ông khóc trên bụng người đàn bà. Những giọt nước mắt ướt đầm đôi  vú” (11). Là sự thăng hoa của thèm khát và hạnh phúc giữa sư Vô Trần và Nấm: “Họ ríu rít như trẻ thơ. Tay chạm tay, vai chạm vai, có lúc mặt cũng chạm mặt để những hơi thở nóng ran phả vào nhau” (12).

 Dân làng Cổ Đình tôn thờ và hình thành văn hóa đặc trưng về giao phối qua tục trải ổ. Những cặp đôi yêu nhau chờ mùa trải ổ như chờ mùa se duyên, chờ thời khắc kết duyên đôi lứa. Hoang dại, giản dị mà bình yên hạnh phúc. Những cặp mới lớn như Điều và Nhụ, những cặp ly rồi hợp như anh Phác và bà ba Váy, anh Mường Rồ và cô Ngơ đều nhờ mùa trải ổ mà giao kết, gắn bó. Trải ổ là văn hóa đặc trưng có tính lưu truyền các thế hệ.

Trong các cuộc tình của nhân vật Nguyên Trừng với Quỳnh Hoa (Hồ Quý Ly), Philippe với Mùi (Mẫu thượng ngàn) đều đan xen giữa nhục cảm và liêu trai. Philippe luôn cảm thấy thiếu sự trọn vẹn trong cuộc ân ái với Mùi. Cho đến hôm đi dạo dưới gốc đa đầu làng, nghe Mùi lẩm bẩm Cô Bé, Cô Chín, thấy Mùi mắt đen láy trở nên sáng lạ thường, cả giọng nói cũng mang âm sắc khác, Philippe đã cảm nhận được một Mùi thứ hai, một kẻ khác trong Mùi. Từ đó, Philippe được hưởng cái hấp dẫn kỳ diệu của ân ái hòa hợp.

Nguyễn Xuân Khánh quả thực tài tình khi đã khảm tạc cảm xúc, sự hiểu biết bằng cả kỹ thuật và mỹ thuật. Theo tư duy thông thường, kết nối sự giao cảm thân xác của đạo và đời trong những không gian tâm linh luôn là điều khó khăn và cực kỳ nguy hiểm. Chỉ cần sơ sẩy có thể rơi vào sự phạm húy, phỉ báng, và chôn vùi sự nghiệp cầm bút. Vậy mà, trong bộ ba tiểu thuyết này, nhà văn Nguyễn Xuân Khánh không những đề cập đến, mà còn viết có lớp lang, thấu thị. Mối giao cảm đạo và đời không đơn thuần là quan hệ thân xác, nhục cảm bản năng mà là sự thăng hoa từ huyền thoại về trần thế, từ trần thế thành huyền thoại.

Với nhiều trang miêu tả về nhục cảm và tâm linh, nhưng một cách tinh tế, nhà văn luôn đem đến cho người đọc cảm nhận về nhục cảm ở trạng thái linh thiêng, mê đắm, thoát tục. Hành vi giao tính thành sự giao cảm nghệ thuật. Mỗi cuộc ái ân đều đầy hương sắc. Ấn tượng kết giao được hòa trộn từ thị giác, khứu giác, xúc giác và sâu trong tâm cảm như một nguồn nuôi dưỡng tâm hồn của nhân vật. Ấn tượng này thường được miêu tả kỹ lưỡng trong bất kỳ cuộc tình nào, không phân biệt nghèo hèn, địa vị, thời đại.

Hình ảnh biểu trưng cho giao tình là bầu ngực trần của phụ nữ. Bầu ngực phụ nữ lại trở thành biểu tượng về nguồn tái sinh sự sống. Văn học không thiếu những chi tiết ẩn dụ khơi gợi từ bầu ngực phụ nữ. Trong các sáng tác của nhà văn Nguyễn Xuân Khánh, tần suất và sự lặp lại hình ảnh này là kết quả của đặc tính di truyền văn hóa bản địa, là sự kết nối của sức mạnh văn hóa nội sinh. Nó như một dòng sông ngầm chảy trong nhà văn – nhà văn hóa. Ham muốn tình dục là một nhu cầu thuộc về tự nhiên, nhưng khi nó đã phục tùng những cấm kỵ bổ trợ (cấm kỵ về đồng tông, về địa điểm và thời gian). Mối quan hệ giữa nhục cảm và tâm linh trong tác phẩm của ông không phải là mối quan hệ phục tùng, bổ trợ. Ở đây, có sự tương hợp, hài hòa nhưng cũng có sự không phục tùng những cấm kỵ bổ trợ, thậm chí còn chống lại những cấm kỵ bổ trợ. Đó cũng là góc nhìn mới, là sự đối thoại về tình dục, tâm linh của nhà văn.

Bằng những góc nhìn mới, vấn đề tâm linh trong tiểu thuyết Nguyễn Xuân Khánh không đơn thuần là những yếu tố bổ trợ mà thực sự là văn hóa. Qua tác phẩm có thể nhận ra một Nguyễn Xuân Khánh say mê, am hiểu về tín ngưỡng, tôn giáo Việt. Tín ngưỡng, tôn giáo Việt là tín ngưỡng, tôn giáo thực hành, tín ngưỡng tôn giáo của lòng người. Hơn thế, nhà văn còn đưa ra sự đối thoại với quan niệm tâm linh truyền thống. Mối quan hệ giữa tâm linh và nhục cảm được nhìn nhận như sự đối thoại với nếp văn hóa của tiền nhân. Ở đây có sự hài hòa, tương thuận, nhưng cũng có sự vượt thoát khỏi sự cấm kỵ, phục tùng mang tính chất truyền thống. Văn hóa tâm linh trong tiểu thuyết của Nguyễn Xuân Khánh đã để lại ấn tượng sâu sắc trong lòng bạn đọc, đánh dấu tài năng nghệ thuật của người cầm bút.

_______________

1, 2, 3, 4, 5, 11. Nguyễn Xuân Khánh, Mẫu thượng ngàn, Hà Nội, 2006, tr.695, 422, 534, 421, 495., Nxb Phụ nữ

6, 7, 12. Nguyễn Xuân Khánh, Đội gạo lên chùa, Nxb Phụ nữ, Hà Nội, 2011, tr.652, 846, 104.

8. Nguyễn Đăng Điệp, Lịch sử và văn hóa cái nhìn nghệ thuật Nguyễn Xuân Khánh, Hà Nội, 2012, tr.399., Nxb Phụ nữ – Viện Văn học Việt Nam

9. Nguyễn Văn Dân, Phương pháp luận nghiên cứu văn học, Hà Nội, 2012, tr.279., Nxb Khoa học Xã hội

10. Nguyễn Xuân Khánh, Hồ Quý Ly, Nxb Phụ nữ, Hà Nội, 2002, tr.233.

Nguồn : Tạp chí VHNT số 402, tháng 12 – 2017

Tác giả : PHÙNG PHƯƠNG NGA

Đánh giá post

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *