Văn học dân gian thái với việc chăm sóc giáo dục con cái


 

Người Thái quan niệm con cái là một phần máu thịt của cha mẹ để tiếp tục phát triển, duy trì nòi giống, kế tục sự nghiệp gia đình, xây dựng cộng đồng, phát triển xã hội. Do đó, mối liên hệ giữa cha mẹ và con cái vừa mang tính sinh học, vừa mang tính xã hội. Người Thái có hệ thống tri thức khá hoàn chỉnh về chăm sóc dạy dỗ con cái theo các giai đoạn phát triển và trưởng thành. Điều này được gìn giữ và trao truyền qua các thế hệ dưới nhiều hình thức thực hành văn hóa truyền thống của dân tộc như sử dụng trò chơi, hát đồng dao, hát ru, tục ngữ, ca dao, câu đố, truyện kể dân gian, truyện thơ…

1. Dạy con trong giai đoạn trẻ thơ

Giai đoạn trẻ thơ là khoảng từ 4 đến 8 tuổi, tiếng Thái gọi là mạnh páy ín bán, nghĩa là thích đi chơi với bạn trong bản, trẻ bắt đầu thoát ra ngoài bóng che của người thân để đến với thế giới xung quanh. Mọi thứ đều mới lạ với trẻ thơ và để lại dấu ấn ban đầu rất khó phai mờ. Người Thái chú ý hình thành cho con tình bạn trong sáng, yêu điều thiện, ghét điều ác, quý mến người thân và cảnh vật, tạo ra trí tưởng tượng về thế giới bao la, hình thành các tố chất nhân văn, phát triển trí tưởng tượng, trí thông minh và ngôn ngữ. Các hình thức dạy dỗ chủ yếu thời kỳ này là thông qua các trò chơi dân gian để kết bạn và kể chuyện cổ tích cho trẻ nghe.

Điều đầu tiên cha mẹ quan tâm, tạo điều kiện để con tiếp xúc với bạn bè cùng lứa, kết thành đôi bạn thân mà chưa cần phân biệt giới tính. Người lớn cố ý tạo ra trong mắt trẻ thơ cái gì cũng có bạn, có đôi, nên trong những đêm hè trong trẻo, trên đầu sàn, ngồi ngắm trăng sao, ông bà cha mẹ dạy con tập nói qua bài đồng dao quen thuộc:

Ôống áng ơi, bườn đào

Xòng mé xào tằm kháu

Xòng pú tháu lộc nuốt cừa mù

Xòng mé ngu phắn chước

Xòng mé ngước kho len

Xón tắc tèn páu pí

Xòng chí hó phừa na

Xòng manh đà đề phặc dằng pày háy…

(Trăng ơi là sao ơi

Hai cô gái giã gạo

Hai ông già chăn lợn nhổ râu

Hai con rắn xoắn xuýt

Hai thuồng luồng cổ vằn

Hai châu chấu luẩn quẩn

Hai con dế bừa ruộng

Hai cà cuống đi rẫy) (1)

Các trò chơi đối với trẻ ở giai đoạn tuổi thơ thường nhẹ nhàng, chủ yếu diễn ra trên sàn nhà, sử dụng chân tay làm đạo cụ, kèm theo lời hát hoặc lời nói vần, dễ nhớ, như bẻ ngón tay làm củ gừng, củ riềng (pòm khình, pòm khá), bấu mu bàn tay chồng lên nhau (dặc dú dặc dày). Lớn thêm một chút, trẻ có thể sử dụng đến các vật xung quanh làm dụng cụ: cưỡi ngựa thì dùng tàu cau, dệt vải dùng lá chuối, săn bắn dùng tàu chuối, đánh chắt dùng que tre,… Các trò chơi chủ yếu mang tính mô phỏng, dựa vào tưởng tượng hơn là động tác; một số trò mang tính mô phỏng công việc của người lớn như địu con, ru em, dắt trâu,… Vì thế trong Tiễn dặn người yêu của người Thái có câu nhắc tới kỷ niệm thời thơ ấu:

Nhớ khi mải chơi giữa bản quên ăn

Ta lấy quả bưởi làm trâu, lấy dưa gang làm em bé

Lấy lạt tre làm vòng bạc, vòng vàng

Câu đố cũng là một loại trò chơi trí tuệ được người Thái sử dụng để dạy trẻ con theo từng lứa tuổi. Nội dung chủ yếu là đố về các sự vật hiện tượng xung quanh cuộc sống hàng ngày. Câu đố có vần, nghệ thuật chủ yếu là miêu tả đặc điểm sự vật bằng ngôn ngữ hình ảnh. Trong câu đố, có một số bài ghép nhiều câu vừa hỏi, vừa đáp lại thành một bài văn vần liền mạch, có tác dụng phát triển trí tuệ, đồng thời giúp trẻ nhận biết các sự vật trong thế giới tự nhiên và xung quanh cuộc sống.

Ví dụ, bài đố và giải về các loại dây:

Xái tắc mưa lằng xái xáng

Xái pín ngoạng ngoạng mưa ná xái con

Xái chon đống chon đón xái hẹo

Xái xót xéo nung nặm xái con

(Dây giật về sau, dây sảng (cù)

Dây tung tăng về trước, dây còn

Dây luồn rừng luồn núi, dây bẫy

Dây mỏng mảnh xuống nước, dây câu…) (2)

Kể chuyện vừa là một hình thức sinh hoạt văn nghệ trên nhà sàn, vừa là một hình thức giáo dục, giáo dưỡng bổ ích. Trong kho tàng văn học dân gian người Thái có đủ các loại chuyện kể: truyền thuyết, thần thoại, cổ tích, ngụ ngôn, truyện cười, giai thoại,… Để đáp ứng nhu cầu tìm hiểu thế giới tự nhiên, ông bà thường kể cho trẻ về quá trình hình thành trời đất, sinh ra muôn vật trần gian, từ thời sinh trời đẻ đất, rồi tách ra thành tầng trời, tầng đất, tầng người lùn dưới mặt đất, tầng dưới nước, các sự cố về nạn hồng thủy, hạn hán,… và các nhân vật chinh phục trời đất như Then Thúm, Then Thóng, Ý Cặp – Bá Ke, … Còn các sự tích về núi non, khe suối, ao hồ mó nước… lại gắn với các câu chuyện về người khổng lồ như Ải Lậc Cậc, Lung Quan Khà, Ải Pu Té.

Hầu như các hiện tượng thiên nhiên xung quanh đều được giải thích bằng những câu chuyện sinh động. Chẳng hạn, nhìn lên sương mù trên đỉnh núi, người Thái thường kể câu chuyện ông Panh đốt nhà của mường thuồng luồng ở trong lòng núi, khói bốc lên trên đỉnh. Núi đá mồ côi mọc giữa cánh đồng là do Lung Quan Khà hay Ải Pu Té ném trâu ăn lúa mà thành,… Sự tích các con vật lại thường hay gắn với các câu chuyện dí dỏm phản ánh đời sống, sinh hoạt của con người ở nơi rừng núi, như các chuyện: bìm bịp ăn phân trâu chuột ăn lúa, ve không có ruột, con khảm khác kêu cả đêm,… Trong các câu chuyện này đều chứa đựng nội dung khuyên bảo những điều về đạo lý, đôi khi ngầm phê phán, khơi gợi trí thông minh. Các câu chuyện về quan hệ gia đình có: Pét híp (cùng môtip với chuyện Tấm Cám của người Kinh), Chuyện thử con dâu (còn gọi là Sự tích rượu cần hay Sự tích họ Ngân)…

Như vậy, để giáo dục con cái ở giai đoạn trẻ thơ, ông bà cha mẹ người Thái sử dụng các hình thức dạy bảo nhẹ nhàng, vui vẻ, chơi để học thông qua các trò chơi dân gian cùng với các lời nói vần bằng tục ngữ, câu đố, lời hát đồng dao và lời kể chuyện dân gian.

2. Dạy con trong giai đoạn thiếu niên

Giai đoạn này tương ứng với độ tuổi thiếu niên từ 8 đến 13 tuổi, trẻ con đang dần thành người lớn và trong vòng một giáp nghĩa là tròn 12 năm trở lại, trẻ em chưa đủ tư cách một con người hoàn chỉnh. Nếu không may bị chết, trẻ em không được bỏ vào quan tài và chôn ở nghĩa địa chung của bản, không được làm đám tang, mà chỉ được bó chiếu hoặc vỏ cây, chôn ở nơi dành cho trẻ con, gọi là héo mác nánh, không làm nhà mồ và không chôn đá xung quanh.

Theo quan niệm của người Thái, từ 13 tuổi trở lên, mỗi cá thể người mới có vai trò xã hội, có thể tham gia một số công việc chung của bản làng và khi ăn cơm chung được tính là một chỗ ngồi. Giai đoạn này, cơ thể của trẻ đang phát triển mạnh, nhất là về chiều cao, rất hiếu động. Đầu óc chúng cũng đã phát triển, khả năng suy nghĩ, ghi nhớ và diễn đạt không kém gì người lớn. Phạm vi hoạt động rộng hơn trước, vươn ra khỏi bản, đến với thiên nhiên và tiếp xúc với người hàng mường. Trẻ có nhu cầu lớn về vận động cơ thể và ham hiểu biết, khám phá cái mới. Giai đoạn này, người Thái tập trung dạy bảo con những điều hay, lẽ phải, biết lễ phép, tôn trọng mọi người, nhất là người lớn; làm những công việc thông thường như mọi người trong làng bản; học chữ hoặc một nghề nào đó, đồng thời biết kiềm chế các hành vi nghịch ngợm gây hại cho người khác, tránh gây xích mích dùng vũ lực. Người Thái cũng đặc biệt quan tâm việc kết bạn của con trong lứa tuổi thành niên.

Ở lứa tuổi này, ngoài thời gian đi làm việc như chăn trâu, bắt cá, trông em, canh ruộng, canh rẫy,… trẻ thường ra sân chung của bản (khuống) hoặc đến nhà sàn của bạn để cùng chơi. Buổi tối, mỗi nhóm bạn tập trung tại một nhà sàn quen thuộc mà chủ nhà rất vui tính, rộng rãi với mọi người, có năng khiếu kể chuyện, nhớ nhiều thơ văn, ưa thích văn nghệ. Những người đó có nhiều ảnh hưởng đến tư tưởng, tình cảm và hình thành nhân cách của trẻ. Vì vậy cha mẹ không cấm đoán con cái đi chơi, nhưng phải có địa chỉ cụ thể và hướng cho con chọn nhà để chơi.

Trong giai đoạn này, người lớn vẫn sử dụng các hình thức văn học dân gian như kể chuyện, câu đố, hát đồng dao để giáo dục con cái, nhưng ở mức độ cao hơn, khó hơn và nội dung phong phú hơn. Chẳng hạn, trước đó người ta sử dụng các câu tục ngữ đơn lẻ để dạy bảo từng điều, còn đến độ tuổi thành niên sử dụng cả một bài liên kết các điều lại thành một chuỗi, gọi là Xư xon cân – người Thái thường gọi là sách dạy người, ví dụ một đoạn bài dưới đây:

Pí nọng áp tớ nha đáy cài nừa

Chua ngua chua khoai nha đý kháu khớ

Pợ pí nọng nha hiêc ánh thau

Hươn tớ kín kháu nha thúm nặm lai

Hươn nừa kìn ngai nha xắng nặm múc

Hụa pí nọng nha hắc

Phắc pí nọng nha báy

(Người ta tắm dưới đừng lội phía trên

Mổ trâu, mổ bò không nên đến ngó

Vợ anh em chớ gọi mình ta

Nhà dưới đang ăn, không được nhổ nước miếng

Nhà trên dùng bữa không được xì nước mũi

Rào nhà dưới mục, rụng, không bẻ

Rau nhà trên để già, không hái…) (3)

Các chuyện kể dân gian sử dụng trong thời kỳ này đã giảm tính hoang đường, tưởng tượng và gần với cuộc sống thực của con người hơn. Nhân vật chính chủ yếu là con người, không còn là con vật. Các ông bà người Thái thường hay kể cho con cháu các truyện thơ: Xi Thuần U Thền, Khun Lù Nàng Ủa, Khăm Panh, lối kể chuyện xen lẫn viện dẫn thơ hấp dẫn, tạo ra sự đam mê đối với người nghe.

Các trò chơi có ý nghĩa hết sức quan trọng trong giai đoạn này. Phần lớn là trò chơi mang tính tập thể, phân định thắng thua, có quy ước rõ ràng, không chỉ thỏa mãn nhu cầu vận động và rèn luyện thể lực, mà còn góp phần hình thành các tố chất về sức khỏe, trí lực, giáo dục tính tập thể, trung thực, ý chí quyết tâm và lòng dũng cảm. Trong nhóm bạn chơi đã phân biệt theo giới tính nam, nữ, do đó các trò chơi cũng phân chia theo giới tính.

Trò chơi của các em gái bao giờ cũng nhẹ nhàng hơn, có tác dụng rèn luyện tính chính xác, khéo léo, mềm dẻo, đẹp mắt, phổ biến nhất là đánh đồng mắng (mác lẹ), đánh chắt, chơi ô đếm hạt (ô ăn quan), tập ném còn, tập khua lóng. Nói chung trẻ em gái ít được chơi hơn trẻ em trai. Chúng phải tập làm các công việc sản xuất cùng với mẹ, chị như việc đồng áng, nương rẫy, trồng bông dệt vải, chăn nuôi, xúc cá, hái rau… Trong khi đi làm nương, xúc cá, vớt rêu hay tập thêu dệt, trẻ em gái lại có nhiều dịp bắt chước, học hát khặp, may vá, thêu thùa với người lớn.

Trẻ em trai ở độ tuổi 9 đến 13 rất ham chơi, thích mạo hiểm. Địa bàn hoạt động cũng rộng, bao gồm cả môi trường tự nhiên (rừng núi, sông suối, đồng ruộng) và môi trường xã hội (trên sàn, ngoài bãi, trong bản, ngoài mường). Người lớn vừa phải hướng dẫn trẻ em chọn trò chơi lành mạnh, vừa phải hạn chế những hành vi tự phát gây hại đến sức khỏe, mải chơi quên việc, gây xích mích, mất đoàn kết. Các loại trò chơi có thể phân thành: trò chơi không có dụng cụ, thường chơi tập thể, có quy tắc và tính thành tích, như thi chạy, nhảy vòng, đánh vật, thi bơi, thi lặn, trèo cây…; trò chơi có dụng cụ gồm: ném đá (có dây quấn và không có dây quấn), đi cà kheo, kéo co, cưỡi ngựa ném khăn, bám đu dây, bắn nỏ, ném lao, chơi cù, đánh ky, nhảy sào…; trò chơi sử dụng con vật như chọi gà, thả trâu húc nhau, thi cưỡi trâu. Chơi các trò này nhằm rèn luyện khả năng chuẩn bị bước vào đời của một con người thuộc phái mạnh để thích ứng với điều kiện sống lao động sản xuất vùng rừng núi, hòa nhập với thiên nhiên, chiến đấu với thú dữ và giặc giã xâm nhập lãnh thổ, có tác dụng rèn luyện thể lực, bồi dưỡng tố chất nhân văn, hình thành đức tính can đảm.

3. Dạy con giai đoạn thành niên

Giai đoạn này tương ứng với tuổi 13-14 cho đến khi lấy vợ, lấy chồng. Người Thái cho rằng, từ 13 tuổi trở lên, đời người có một cái mốc quan trọng là được xã hội công nhận có đủ tư cách một con người, nếu không may bị chết sẽ được bỏ vào quan tài, được làm đám ma và chôn vào nghĩa địa người lớn. Từ tuổi này trở đi, mỗi người phải lao động thật sự, làm việc là chính, chơi là phụ. Việc dạy bảo con cái của người Thái tập trung vào nội dung dạy làm việc và làm người. Phương pháp chủ yếu là hướng dẫn, giảng giải và cha mẹ phải biết tôn trọng con cái, hạn chế sử dụng các biện pháp ức chế. Tục ngữ Thái có câu:

Lúc piêng hính cài đá

Lúc piêng xá cài tí

(Con cao ngang chạn hết thời chửi mắng

Cao ngang gác bếp hết thời đòn roi) (4)

Ở giai đoạn này đã có sự phân công lao động theo giới tính. Công việc chỉ dành cho phụ nữ là: chăn nuôi gà, vịt, lợn, trồng bông, nuôi tằm, dệt vải, may vá, thêu thùa, vò lúa, giã gạo, đồ xôi, nấu ăn, làm rượu, xúc cá, hái rau,… Công việc nam giới làm như chặt gỗ, làm nhà, đan lát, đi buôn, nuôi trâu, săn bắn,… Trong việc làm ruộng, làm rẫy, nam đảm nhiệm việc cày, bừa, đắp bờ, nhổ mạ, dẫn nước, gánh lúa; nữ cấy lúa, làm cỏ, gặt hái. Để hoàn thành các công việc theo thời gian đã định, người ta hay tổ chức làm giúp nhau, luân phiên hết việc nhà này đến việc nhà khác theo kiểu đổi công (au háu). Đến thời kỳ hợp tác xã nông nghiệp thì mới có một số việc cả nam và nữ cùng làm. Con trai, con gái khi tập làm, trước hết phải học thành thạo các công việc theo giới tính. Trong bài Tiễn dặn người yêu của người Thái có câu:

Mớn hớ bún nọng nó khú nhinh chai.

Mi lúc nhinh cháng tắm húc lai

Lúc chai hụ báng thúng nung Kéo táng pó

(Mong cho em có đủ con gái, con trai

Con gái biết ngồi dệt vải thành hoa

Con trai đeo túi xuống Kinh thay bố)

Con trai, con gái Thái tập làm việc ở giai đoạn này đã biết làm thành thạo, làm tốt, làm đẹp, tạo ra sản phẩm thực tế phục vụ đời sống. Một số nghề đòi hỏi trình độ tinh xảo, sản phẩm đa dạng thì phải học suốt đời, đặc biệt là nghề đan lát đối với nam giới và nghề thêu dệt đối với phụ nữ. Việc học và sáng tạo ra các hình hoa văn trên mặt vải dệt, các sản phẩm đan lát đánh giá trình độ khéo léo, hiểu biết của con trai, con gái. Phương thức truyền dạy chủ yếu là do cha mẹ chỉ dẫn cho con cái. Do vậy ông bà, bố mẹ khéo nghề gì thì con cái cũng giỏi nghề đó. Đồng thời, bạn bè và người thân cũng đóng góp một phần quan trọng trong việc truyền thụ nghề phụ gia đình. Vào độ tuổi 16-17, con trai, con gái đều có phường bạn. Con gái thường tập trung trên nhà sàn để cùng nhau quay sa kéo sợi, trao đổi với nhau về các mẫu hoa văn. Nhiều khi, một người mắc khung cửi, cả nhóm bạn cùng đến học kệp lai (kết hoa). Còn con trai thường tụ tập ban ngày vào lúc đi chăn trâu hoặc trên sàn lúc trưa hè để cùng học đan lá, kết hoa. Bên cạnh yêu cầu biết làm việc, các bậc ông bà cha mẹ còn vận dụng tục ngữ để truyền dạy cho con cái đức tính siêng năng, cần cù chịu khó:

Lúc chai páu pí tang nghin xớ chạn

Lúc nhinh quá bán dam khắm, lúc nhinh hứ

(Con trai thổi khèn ban ngày, con trai nhác

Con gái chơi đêm trong bản, con gái hư) (5)

Ngoài công việc phổ thông, các gia đình còn cho con mình học một số môn chuyên biệt như học chữ Thái, nghề thày mo, thày cúng, nghề rèn, nghề bạc… Trong các mường bản Thái trước đây, một số người giỏi chữ Thái, ham mê các truyện thơ trở thành thày dạy cho con cháu trong bản. Con cái các gia đình có truyền thống tham gia công việc chung của bản mường như làm tạo, làm mụ, làm mo và các chức sắc hương lý… thì bắt buộc phải học chữ Thái. Thời kỳ Pháp thuộc, quy định tuyển chọn công chức làm việc trong bộ máy chính quyền ở vùng người Thái là phải biết chữ quốc ngữ, chữ Pháp và chữ Thái. Những gia đình có điều kiện gửi con xuống xuôi theo học trường công hoặc trường do chính quyền mở. Bất đắc dĩ, có người phải vào học chữ trong nhà thờ Thiên chúa.

Trước đây, việc bồi dưỡng kiến thức thông qua con đường học chữ chỉ là một phần rất nhỏ, con em người Thái trong bản hiểu biết về xã hội chủ yếu bằng các hình thức sinh hoạt dân gian truyền thống. Đó là:

Nghe người lớn kể chuyện thực tế. Trong các bản mường xưa, có nhiều người đi đến các mường khác, họ có nhiều chuyện để kể, nhất là về địa lý và phong tục tập quán. Thường thì những đêm trăng, các chàng trai tập trung về một nhà sàn nào đó có người hay kể chuyện.

Những người thuộc nhiều truyện thơ được coi như các trí thức địa phương thì kể chuyện theo lối vừa kể cốt truyện vừa viện dẫn thơ văn, nghe rất hấp dẫn. Ngoài các truyện thơ có xuất xứ Thái, còn thịnh hành các truyện thơ Nôm khuyết danh của người Kinh được dịch ra tiếng Thái như: Phạm Công Cúc Hoa (Xư Chang Cung), Phạm Tải Ngọc Hoa (Chang Tư), Tống Trân Cúc Hoa (Chang Nguyên),… Từ những đêm nghe kể truyện thơ, nhiều chàng trai đam mê đã cắp sách mài mực đến xin học (xư) với thày. Một số người không học được chữ, nhưng nhập tâm tốt đã thuộc lòng cả truyện thơ hoặc những đoạn hay nhất. Những kiến thức xã hội do tác phẩm mang lại và cảm xúc văn học đã góp phần bồi dưỡng tư tưởng, tình cảm và mở rộng tầm nhìn ra ngoài rừng núi, bản mường, nuôi dưỡng những ước mơ hoài bão của các chàng trai Thái.

Thuyết lý về đạo đức xã hội và cách đối nhân xử thế là công việc bắt buộc của cha, mẹ trong việc dạy dỗ con cái, vì qua giai đoạn này, con cái sẽ trở thành người lớn. Người Thái thường chọn lúc con cháu ngồi lại đông đủ sau bữa ăn hoặc lúc có bạn bè đến rủ đi chơi để phân tích giảng giải về các mối quan hệ anh em, gia đình, láng giềng, bản làng, người thân… Trong khi giảng giải, người Thái sử dụng nhiều tục ngữ, ca dao và đặc biệt có người đã sắp xếp liên kết các câu tục ngữ thành bài, ví dụ bài Lời dặn dò con gái, con trai có đoạn:

Nghe chưa hết câu đã vội cười chê

Chưa hết ý đã vểnh môi chực đáp

Người đang nói, ngoảnh mặt đi chỗ khác

Loại người ấy không hay, thiên hạ chê cười

Người cầm dao chém đất, chọc trời

Chê trời đất không biết phân mưa nắng

Loại người ấy không sống lâu, ở đặng

Trời cho đầu thai xuống làm con gái

Không được lười việc dệt vải, kéo sợi, quay sa… (6)

Với con gái sắp đến tuổi lấy chồng, ông bà, cha mẹ thường chỉ dẫn cho cách ăn ở bên nhà chồng và cách chăm sóc con cái. Người Thái hay vận dụng bài khặp Tiễn dặn người yêu đi lấy chồng để viện dẫn. Ví dụ, khi ăn ở bên nhà chồng, cần lưu ý những điều kiêng kỵ:

Tắng pí pá nha ình

Khinh khào bàng pí lung nha ứa

Xứa lé cọm pó pú nha danh

(Ghế chị chồng không ngồi

Thân trắng trẻo anh chồng không nhìn

Áo xanh, tím bố chồng không ngắm)

Người Thái còn tạo điều kiện cho con cái tự học thông qua tiếp xúc với bạn bè và xã hội. Mỗi khi láng giềng hoặc anh em có công việc cần đông người làm, cha mẹ thường cho con tham gia (đám ma, đám cưới, đám vía…). Trong những dịp này, con trai, con gái Thái học được nhiều điều từ bạn bè và những người lớn. Ngoài ra, nội dung và cách thức tổ chức các đám việc cũng mang lại nhiều hiểu biết, nhất là lịch sử cộng đồng, phong tục tập quán, truyền thống cội nguồn. Các bài mo, cúng, khấn đều hàm chứa ngôn ngữ hình tượng, thể hiện tình cảm thiết tha, tư tưởng hướng thiện, nhân nghĩa. Ví dụ, đoạn trong mo ma diễn đạt lời nhắn nhủ của người chết, trước lúc chia tay đi theo tiên tổ (đắm chao), mang ý nghĩa như một bài học luân lý:

Con quý con yêu ơi!

Mặt trời lặn đến kỳ lại mọc

Bố (mẹ) ra đi không trở lại bao giờ

Phải nói lời chia tay vĩnh biệt

Dặn dò con lời ăn ở làm người

Con ở lại muốn cửa cao nhà rộng

Phải có tấm lòng thương mến bao dung

Có nghĩa, có tình, anh em nhất trí

Tránh lời khó nghe, kỵ điều cay nghiệt(7)

Trong đám cưới, phong tục của người Thái được thể hiện qua phong cách giao tiếp khiêm tốn, lịch sự, bộc lộ tài năng ứng xử, thể hiện qua những bài khặp như: Xin mở cổng mường, Cảm ơn thông gia, Tiễn dặn người yêu đi lấy chồng, Giữ nhà trai ở lại… Trong những dịp này, con trai, con gái học hỏi, thể nghiệm bản thân. Riêng kỹ năng hát khắp, chúng học được nhiều trong các cuộc rượu cần, hát giao duyên khi có con trai, con gái đến thăm bản.

Nhìn vào xã hội của người Thái trước đây, người ta có thể đánh giá được hiệu quả chăm sóc giáo dục con cái của các bậc cha mẹ với tư cách gia đình và tập thể xã hội. Qua việc khảo sát quá trình dạy dỗ con theo truyền thống của người Thái ở Thanh Hóa, chúng ta thấy được nhiều ưu điểm. Người Thái xác định nuôi dạy con là việc làm suốt đời và hướng tới đích phát triển toàn diện cả về thể chất, tâm hồn, trí tuệ, khả năng hòa nhập cộng đồng xã hội và hướng nghề nghiệp để kiếm sống. Người Thái coi trọng nhân cách và yêu cầu con cái phải rèn luyện nhân cách. Do đó, họ có phương pháp thích hợp tác động vào con cái trong từng giai đoạn phát triển tâm sinh lý, coi trọng phương pháp giáo dục thuyết phục bằng tình cảm và bồi dưỡng các tố chất nhân văn thông qua việc dùng văn học dân gian làm phương tiện giáo dục.

_______________

1, 2, 3, 4, 5, 6, 7. Hà Nam Ninh cung cấp tư liệu và dịch.

Nguồn : Tạp chí VHNT số 359, tháng 5-2014

Tác giả : Mai Thị Hồng Hải

Đánh giá post

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *