Sự hình thành và phát triển nhân cách của con người Việt Nam hiện nay chịu sự chi phối của rất nhiều yếu tố, trong đó, văn học nghệ thuật (VHNT) đóng vai trò quan trọng. Trong giới hạn về dung lượng, bài viết tập trung nghiên cứu một khía cạnh hẹp hơn là vai trò định hướng của VHNT đối với sự phát triển nhân cách của con người Việt Nam thông qua những hình tượng nghệ thuật (HTNT) cao đẹp, khuyến khích mọi người vươn tới những giá trị nhân văn đồng thời, giúp con người tránh xa cái xấu, cái ác.
VHNT Việt Nam trong thời kỳ đổi mới, bên cạnh những tác giả, nghệ sĩ tâm huyết và tài năng khao khát xây dựng một cách chân thật những hình mẫu nhân cách của thời đại mới, dẫn dắt con người đi tới sự hoàn thiện, vẫn có những tác phẩm chỉ tập trung vào cá nhân mà quên đi xã hội nên không làm tốt chức năng định hướng, thậm chí còn kéo con người đi theo cái xấu. Để nâng cao vai trò định hướng của VHNT đối với sự phát triển nhân cách con người Việt Nam hiện nay, chúng ta phải nâng cao chất lượng các tác phẩm, tăng cường sự lãnh đạo của Đảng, sự quản lý Nhà nước đối với nghệ thuật, cùng với đó là nâng cao khả năng cảm thụ, đánh giá VHNT một cách công bằng, chính xác.
Vai trò định hướng của VHNT đối với sự phát triển nhân cách con người
Tác động tích cực của VHNT tới tình cảm, suy nghĩ, hành động của con người là hết sức quan trọng, như nhà văn Maksim Gorky từng nói: “Văn học có khả năng nhân đạo hóa con người”. Khi nói về ảnh hưởng tiến bộ của nghệ thuật đối với việc giáo dục công dân ở Athena và Sparta, những thành bang thời Hy Lạp cổ đại, nhà triết học Đức G.E.Lessing viết: “…ở nơi mà những pho tượng đẹp đã xuất hiện nhờ có những con người đẹp, thì những pho tượng đẹp lại tác động đến những con người đẹp và quốc gia có những người đẹp là nhờ có những pho tượng đẹp” (1).
Đảng ta, từ khi thành lập cho đến nay, cũng luôn đặt VHNT vào vị trí quan trọng trong việc xây dựng, giáo dục con người, như văn kiện Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ VI đã nêu rõ: “Không một hình thái tư tưởng nào thay thế được nghệ thuật trong việc giáo dục tư tưởng, tình cảm lành mạnh, tác động sâu sắc vào việc đổi mới nếp nghĩ, nếp sống của con người” (2). Gần đây, trong nghị quyết số 23 của Bộ Chính trị Về tiếp tục xây dựng và phát triển VHNT trong tình hình mới, năm 2008, cũng nhấn mạnh: “VHNT là sức mạnh, là vũ khí sắc bén, phương thức độc đáo của công tác tư tưởng trong việc xây dựng tình cảm, nếp nghĩ, nếp sống của con người”, “VHNT là một trong những động lực to lớn trực tiếp góp phần xây dựng nền tảng tinh thần của xã hội và sự phát triển toàn diện của con người Việt Nam”. Như vậy, nghệ thuật có vai trò to lớn trong sự hình thành và phát triển nhân cách của con người. Song, ở đây chúng tôi chỉ bàn về một vấn đề nhỏ hơn là VHNT với sự định hướng phát triển nhân cách của con người Việt Nam.
Như chúng ta đã biết, VHNT là nơi biểu hiện tập trung, đầy đủ nhất cái đẹp trong cuộc sống và thế giới tinh thần con người. Thể hiện cái đẹp trong tâm hồn cá nhân thông qua HTNT là bản chất sâu sắc nhất của nghệ thuật. Chính cái đẹp được thể hiện sinh động trong những HTNT có vai trò định hướng đối với sự phát triển nhân cách của mỗi người. Bởi HTNT cao đẹp là lý tưởng của người nghệ sĩ về một nhân cách hoàn thiện trong đời sống, một chỉnh thể tiêu biểu cho sự phát triển của con người. HTNT chứa đựng những gợi mở về giá trị xã hội cần được con người trong xã hội đó tôn trọng. Từ sự tự suy ngẫm, tự nhận thức ấy, người thưởng thức tác phẩm điều chỉnh lại bản thân trong mọi phương diện của cuộc sống. Hơn nữa, tính cách, ý chí chứa đựng trong những HTNT cao đẹp như hình mẫu đầy thuyết phục, cuốn hút để người cảm thụ thấy cần phải phấn đấu, tự chuyển hóa chúng thành phẩm chất của mình, làm nên nhân cách cao quý theo yêu cầu của thực tiễn. Vì vậy, nghệ thuật có khả năng đánh thức những năng lực tiềm ẩn trong bản ngã, thôi thúc người ta suy nghĩ, hành động theo lẽ phải, làm cho tất cả những yếu tố cấu thành nhân cách cùng trỗi dậy, hướng đến những giá trị vĩnh hằng của nhân loại, có vai trò định hướng tích cực cho sự phát triển phẩm chất, nhân cách theo những chuẩn mực giá trị chân chính.
Nghệ thuật không chỉ định hướng cho sự phát triển nhân cách con người bằng HTNT tiêu biểu cho những điển hình của thời đại mà ngay cả hình tượng biểu trưng cho cái ác, cái xấu cũng có tác dụng định hướng nhân cách. Bởi mỗi HTNT là hiện thân sinh động của một loại tính cách ở một lớp người trong xã hội. Nghệ thuật là thế giới rất đa dạng, chứa đựng sự độc đáo của nhân cách, các kiểu tư duy, triết lý sống, trong đó, có cả nhân cách tốt đẹp, triết lý sống tiến bộ và nhân cách méo mó, triết lý sống lệch lạc. Thông qua sự đối thoại, va đập, thậm chí cả sự đấu tranh, giằng xé của những kiểu nhân cách, triết lý sống đó, người nghệ sĩ khẳng định hay phủ định một kiểu nhân cách nào đó. Nghệ thuật không chỉ thể hiện sự đối thoại, đấu tranh giữa cái đẹp và cái xấu trong các kiểu, tuyến nhân cách mà trong cả bản thân mỗi nhân cách bởi vì VHNT có ưu thế là đi vào chiều sâu của thế giới tinh thần, ngóc ngách suy tư bí ẩn, phanh phui tất cả những trạng thái tâm lý, tình cảm của con người. Qua đó, các tác phẩm bồi đắp tình cảm yêu mến và mong muốn bảo vệ, phát triển cái thiện, đánh đổ và xa lánh cái ác trong mỗi cá nhân, giúp họ tự đấu tranh với bản thân, đẩy lùi cái xấu, vươn tới cái đẹp, hình thành một tâm hồn người thực sự. Có thể nói, nhờ việc tiếp xúc với VHNT, con người sẽ được gợi mở, khuyến khích, khuyên nhủ, can ngăn những hành vi thuộc mọi khía cạnh nhận thức, từ thế giới quan, thái độ xã hội đến lối sống, cách xử thế, đạo đức, lương tâm, nghĩa vụ, trách nhiệm, tư tưởng, trí tuệ, ý chí, tâm lý, nhu cầu tinh thần, động cơ hành động, lý tưởng, ước mơ…
VHNT và sự định hướng trong phát triển nhân cách của con người Việt Nam hiện nay
Cùng với công cuộc đổi mới toàn diện, sâu rộng đang diễn ra trên đất nước, VHNT thời gian qua cũng có sự đổi mới mạnh mẽ. Những tác phẩm có giá trị của một số nhà văn, nhà thơ như: Nguyễn Minh Châu, Ma Văn Kháng, Nguyễn Khải, Lê Lựu, Nguyễn Khắc Trường, Lưu Quang Vũ, Nguyễn Đức Mậu… đã thể hiện sự trăn trở của những nghệ sĩ tâm huyết và tài năng khao khát xây dựng một cách chân thật những hình mẫu nhân cách của thời đại mới, dẫn dắt con người đi tới hoàn thiện. VHNT đã tham gia tích cực vào sự nghiệp đổi mới thông qua việc phản ánh sôi động tính hiện thực của đất nước, xây dựng hình tượng con người Việt Nam mới nhằm khẳng định mạnh mẽ những nhân tố mới, xu hướng tích cực trong cuộc sống, những giá trị cao đẹp của xã hội và kiên quyết phê phán những trở lực phát triển của đất nước trên con đường đi lên chủ nghĩa xã hội.
Tuy nhiên, trong khi cố gắng khắc phục hạn chế của VHNT giai đoạn trước là quá nhấn mạnh đến những nhân cách hướng về cộng đồng, xã hội mà đánh mất cá tính, nghệ thuật hiện nay có xu hướng tập trung vào mảng cuộc sống đời tư, thế tục, chỉ chú ý thể hiện cái tôi cá nhân mà quên đi cuộc đời rộng lớn. Vì vậy, có thể nói, đồng thời với dòng VHNT tiếp tục khai thác các chủ đề gắn với đời sống đất nước, với con người lao động sáng tạo thời kỳ mới còn xuất hiện khuynh hướng đi vào các chủ đề vụn vặt, làm mờ nhạt các chủ đề chính, đề cao đời thường, lấn át sự cao cả, xoáy vào những vấn đề cá nhân, xem nhẹ vấn đề xã hội… Nhiều nghệ sĩ còn quẩn quanh với cái tôi riêng tư mà chưa thể hiện được khát vọng của con người Việt Nam trong thời đại ngày nay. Do đó, các tác phẩm này chưa xây dựng được những nhân cách cao đẹp, điển hình của thời kỳ mới, vừa chứa đựng các giá trị văn hóa tinh thần truyền thống vừa có tầm cao trí tuệ, khoa học và những phẩm chất mới có tác dụng định hướng cho sự phát triển nhân cách của con người Việt Nam. Thậm chí, một vài tác phẩm văn học, nghệ thuật phủ nhận thành tựu của cách mạng, tách văn nghệ khỏi sự lãnh đạo của Đảng, xúc phạm anh hùng, vĩ nhân của dân tộc, mang khuynh hướng thương mại hóa, truyền bá lối sống thực dụng, ích kỷ cá nhân, tuyên truyền cho sức mạnh của đồng tiền, như Nổi loạn của Đào Hiếu và Những Thiên đường mù, Bên kia bờ ảo vọng của Dương Thu Hương… Việc không những không làm tốt vai trò định hướng trong phát triển nhân cách mà còn kéo nhân cách của con người về phía bản năng, mặt xấu xa, thấp hèn của VHNT đã được Đảng ta chỉ ra một cách thẳng thắn: “Một số tác phẩm VHNT tầm thường, chất lượng kém được phát hành, truyền bá, gây tác hại, ảnh hưởng xấu tới công chúng, nhất là thế hệ trẻ. Một số đài truyền hình đã phát những chương trình ca nhạc, phim… không lành mạnh, gây tác động tiêu cực đến tư tưởng, thẩm mỹ của công chúng” (3).
Từ những thành tựu đã đạt được và hạn chế của VHNT trong việc định hướng phát triển nhân cách của con người Việt Nam hiện nay, một vấn đề đặt ra cho những nhà lãnh đạo, quản lý là làm sao để VHNT có thể phát huy tốt hơn vai trò “chuyển dần tỉ lệ bản năng – ý thức, giảm dần tính tự nhiên, tăng dần tính xã hội, rút đến cực ngắn tiến trình phát triển phần xã hội – nhân cách trong con người” (4).
Phát huy vai trò của VHNT trong việc định hướng phát triển nhân cách của con người Việt Nam hiện nay
Để phát huy vai trò của VHNT trong việc định hướng phát triển nhân cách của con người Việt Nam hiện nay, cần thực hiện tốt những biện pháp sau:
Nâng cao chất lượng của các tác phẩm VHNT
Nâng cao khả năng và sức mạnh của VHNT với tư cách là khách thể tác động đến sự phát triển nhân cách con người Việt Nam, điều đó có nghĩa là nâng cao chất lượng tác phẩm không chỉ về nội dung mà cả hình thức, phương pháp phản ánh. Để có thể định hướng được người cảm thụ, tác phẩm VHNT phải đạt tới trình độ nhuần nhuyễn giữa giá trị chân chính và những thủ pháp sáng tác hợp lý, độc đáo. Bởi mục đích quan trọng nhất của nghệ thuật là vị nhân sinh, song để sâu sắc hơn, tác động lớn hơn cần chú ý đến yếu tố vị nghệ thuật. Chính vì lẽ đó K.Marx khuyên các nhà văn nên theo bước chân của W.Shakespeare, nêu lên những vấn đề nhân sinh qua phân tích tâm lý và xây dựng tính cách nhân vật một cách sắc sảo, chứ không theo cách của F.Schiller, biến nhân vật thành cái loa phát ngôn cho tư tưởng. Để định hướng được sự phát triển nhân cách của người cảm thụ thì tác phẩm VHNT phải điều chỉnh hợp lý tối đa quy luật cuộc sống xã hội, quy luật tâm lý cá nhân với ý đồ chủ quan của xã hội theo chiều tiến bộ, không những cao về tư tưởng mà còn phải sâu về nghệ thuật. Nghệ sĩ có tài năng phải biết biến khát vọng, nhiệt tình của mình thành những HTNT có sức cảm hóa người thưởng thức. Tuy nhiên, một vấn đề có tính nguyên tắc cần lưu ý là để có khả năng gợi ý, dẫn dắt công chúng trên con đường khúc khuỷu vươn tới chân, thiện, mỹ, một tác phẩm VHNT trước hết phải ngang tầm tư tưởng, tình cảm, tâm lý của đông đảo công chúng, gồm nhiều tầng lớp với nhiều mức độ khác nhau của đời sống tinh thần, phải cùng trăn trở, suy tư, buồn vui với cuộc đời. Vì vậy, “…Phấn đấu sáng tạo nhiều tác phẩm VHNT có giá trị tư tưởng và nghệ thuật cao, có tác dụng to lớn trong việc xây dựng con người; vừa có trách nhiệm định hướng, vừa đáp ứng nhu cầu văn hóa, tinh thần ngày càng cao của nhân dân” là một định hướng lớn trong phát triển nghệ thuật ở nước ta.
Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng và quản lý của Nhà nước đối với hoạt động sáng tác VHNT
Sở dĩ như vậy vì Đảng ta có nhiệm vụ thường xuyên nâng cao nhận thức, hiểu biết về lý tưởng cách mạng, chủ nghĩa Mác – Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, đường lối chính sách của Đảng, Nhà nước cũng như tình hình đất nước cho tầng lớp văn nghệ sĩ, công chúng, làm tốt công tác bồi dưỡng và phát triển nhân tài, sử dụng và đãi ngộ nhân tài. Ngoài ra, “chăm sóc đời sống vật chất, tinh thần của văn nghệ sĩ, nhất là những người cao tuổi; đãi ngộ thỏa đáng đối với các văn nghệ sĩ tài năng; chú trọng bồi dưỡng, đào tạo thế hệ văn nghệ sĩ trẻ; làm tốt công tác bản quyền tác giả” (5) là chính sách lớn của Đảng về VHNT. Để phát huy hiệu quả của lao động nghệ thuật, tạo điều kiện cho nghệ sĩ được phát huy hết tài năng, phương thức lãnh đạo của Đảng đối với hoạt động sáng tác VHNT hiện nay là vừa đảm bảo cho nghệ thuật phát triển đúng định hướng chính trị, Nghị quyết của Đảng, vừa đảm bảo quyền tự do, dân chủ cá nhân trong sáng tạo nghệ thuật trên cơ sở phát huy tính tự giác cao với mục đích đúng đắn vì sự nghiệp đổi mới.
Nâng cao hiệu quả quản lý của Nhà nước đối với VHNT đòi hỏi phải bổ sung, hoàn thiện, xây dựng mới luật, pháp lệnh và văn bản pháp quy đảm bảo cho hoạt động VHNT phát triển theo đúng Nghị quyết của Đảng, có khả năng ngăn chặn việc phát triển tự phát. Quá trình hoàn thiện pháp luật phải hướng tới việc bảo vệ quyền lợi chân chính của người sáng tác chuyên nghiệp để họ có thể sống được và sống tốt hơn với sản phẩm sáng tạo của chính mình. Pháp luật có cơ chế bảo vệ tự do cho người sáng tạo trong việc tìm tòi, phát hiện cái mới, có tính chất mở đường định hướng và có cơ chế chống lại những hành động xấu một cách cố tình.
Nâng cao năng lực cảm thụ, đánh giá nghệ thuật của con người Việt Nam
Biện chứng giữa khách thể tác động và chủ thể tiếp nhận cho thấy, VHNT, xét đến cùng chỉ có thể định hướng đối với sự phát triển nhân cách khi con người có khả năng tiếp nhận chúng. Quy mô, mức độ, chiều sâu của sự ảnh hưởng đó một mặt phụ thuộc vào các giá trị của nghệ thuật, mặt khác phụ thuộc vào chính khả năng và tính tích cực của con người với tư cách là chủ thể tiếp nhận. Một tác phẩm VHNT có tầm cao về tư tưởng, chiều sâu về nghệ thuật nhưng nếu năng lực thụ cảm của người thưởng thức không tới kịp thì họ không thể bắt được những giá trị xã hội chứa đựng trong đó, và không thể tạo ra sự chuyển chất trong nhân cách. Cho nên, nâng cao năng lực thụ cảm của con người Việt Nam hiện nay theo cách là làm cho người ta có khả năng tiếp nhận được một cách sâu rộng những giá trị xã hội mà loài người đã sáng tạo ra trong các loại hình nghệ thuật khác nhau, chuyển chúng thành phẩm chất cá nhân, đáp ứng yêu cầu sự nghiệp đổi mới, đang là một yêu cầu cấp thiết để tận dụng sức mạnh, tác động quý báu của VHNT trong xây dựng con người. “Không ngừng nâng cao thị hiếu thẩm mỹ và trình độ thưởng thức nghệ thuật của công chúng, đặc biệt là tầng lớp thanh niên, thiếu niên, nhi đồng” (6) nhằm tạo ra những đơn đặt hàng lành mạnh cho nghệ thuật là một định hướng lớn của Đảng. Năng lực cảm thụ của người thưởng thức cao đòi hỏi VHNT phải sáng tạo ra những tác phẩm có chất lượng, góp phần nâng cao trình độ thưởng thức nghệ thuật của công chúng, định hướng và có thể dẫn dắt sự phát triển nhân cách của họ. Để nâng cao năng lực thụ cảm nghệ thuật của con người, việc giáo dục thẩm mỹ từ tuổi thơ bé đóng vai trò quan trọng. Nghệ thuật hơn lúc nào hết là làm tốt sứ mệnh cao cả, dẫn dắt con người đến thế giới của sự hoàn thiện, chỉ ra cho họ những giá trị cần bồi đắp để đáp ứng tốt yêu cầu của cuộc sống và sự phát triển xã hội. Đó chắc chắn phải là hệ giá trị hướng đến mục tiêu Dân giàu, nước mạnh, xã hội dân chủ, công bằng, văn minh.
Việc xây dựng nhân cách con người phát triển hài hòa, toàn diện là một nhiệm vụ chiến lược quan trọng của cách mạng. Trong một xã hội đang chuyển đổi như Việt Nam hiện nay, hệ giá trị nhân cách con người đã và đang chịu sự tác động của nhiều yếu tố, cả tích cực và tiêu cực. Vì vậy, việc định hướng được một hệ giá trị đúng đắn cho sự phát triển nhân cách con người Việt Nam là hết sức cần thiết. Có rất nhiều phương tiện định hướng cho sự phát triển nhân cách con người Việt Nam, trong VHNT là một phương tiện không thể thay thế và có những ưu điểm riêng biệt. Để VHNT làm tốt chức năng định hướng sự phát triển nhân cách con người Việt Nam, cần có một hệ thống các giải pháp đồng bộ, hiệu quả mà một số giải pháp nêu trên có thể coi là những gợi mở, định hướng bước đầu trong hành trình hiện thực hóa các chức năng, nhiệm vụ cao cả của VHNT.
_________________
1. A.X Milovidov, Mỹ học Mác – Lê nin với việc giáo dục bộ đội, Nxb Quân đội Nhân dân, Hà Nội, 1984, tr.189.
2. Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VI, Nxb Sự thật, Hà Nội, 1987, tr.103.
3. Ban Tuyên giáo Trung ương, Tài liệu nghiên cứu, quán triệt Nghị quyết 23-NQ/TW của Bộ Chính trị khóa X Về tiếp tục xây dựng và phát triển văn học, nghệ thuật trong thời kỳ mới, Nxb Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 2008, tr.23.
4. Nguyễn Văn Huyên, Từ nghịch lý, suy nghĩ về mấy khía cạnh của sáng tạo nghệ thuật, Tạp chí Triết học, số 2-1991, tr.43.
5. Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ IX, Nxb Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 2001, tr.115.
6. Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Hội nghị lần thứ 5 Ban chấp hành TW khóa VIII, Nxb Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 1998, tr.62.
Tác giả: Trần Thị Bích Huệ
Nguồn : Tạp chí VHNT số 412, tháng 10 – 2018
Bài viết cùng chủ đề:
Kinh nghiệm đi du lịch Đà Nẵng dịp tết nguyên đán 2023 chi tết A-Z
Chính sách văn hóa Việt Nam thời kỳ 1945 -1954 và những thành tựu
Khái lược về môi trường văn hóa và xây dựng môi trường văn hóa nơi công cộng