Về 72 đạo sắc phong đình tàm xá, đông anh, hà nội

Tàm Xá là làng cổ nằm ở bờ bắc gần ngã ba sông Hồng và sông Đuống. Do định cư trong điều kiện tự nhiên là vùng đất bãi ven sông nên dân làng Tàm Xá có truyền thống lao động cần cù, dũng cảm và thạo nghề sông nước. Cũng do nằm trong địa bàn quan trọng của cư dân Việt cổ thời dựng nước, đặc biệt gần kề với Cổ Loa – kinh đô của nhà nước Âu Lạc thời An Dương Vương, nên Tàm Xá có lịch sử tạo dựng từ rất lâu đời. Nơi đây có ngôi đình rất linh thiêng thờ 5 vị Thành hoàng là: Cao Sơn, Quý Minh, Tản Viên sơn thánh, thủy thần Long Linh và nữ thần Cẩm phu nhân công chúa. Đặc biệt, hiện nay đình còn lưu giữ được 72 đạo sắc phong, đây là những cổ vật quý giá cần được bảo tồn (1).

72 đạo sắc phong – những báu vật vô giá

Về số lượng và niên đại của sắc phong

Trải qua bao biến cố lịch sử cùng với những tác động của thiên tai, các bản sắc phong ở đình Tàm Xá còn được lưu giữ rất cẩn thận, được xem là báu vật vô giá của tiền nhân truyền lại. 72 đạo sắc phong thần của 3 triều đại phong kiến Việt Nam bắt đầu từ niên hiệu Đức Long triều Lê Trung hưng cho đến niên hiệu Khải Định triều Nguyễn, trong đó: triều Lê Trung hưng có 44 đạo sắc phong thần với niên hiệu Đức Long ban cấp 7 đạo sắc phong, niên hiệu Dương Hòa ban cấp 9 đạo sắc phong, niên hiệu Phúc Thái ban cấp 5 đạo sắc phong, niên hiệu Thịnh Đức ban cấp 6 đạo sắc phong, niên hiệu Vĩnh Thọ ban cấp 3 đạo sắc phong, niên hiệu Cảnh Trị ban cấp 3 đạo sắc phong, niên hiệu Dương Đức ban cấp 2 đạo sắc phong, niên hiệu Chính Hòa ban cấp 2 đạo sắc phong, niên hiệu Vĩnh Thịnh ban cấp 2 đạo sắc phong, niên hiệu Cảnh Hưng ban cấp 5 đạo sắc phong, triều Tây Sơn thời vua Nguyễn Huệ niên hiệu Quang Trung ngũ niên (1792) ban cấp 4 đạo sắc phong, triều Nguyễn với 24 đạo sắc phong gồm: niên hiệu Minh Mệnh ban cấp 2 đạo sắc phong, niên hiệu Thiệu Trị ban cấp 4 đạo sắc phong, niên hiệu Tự Đức ban cấp 8 đạo sắc phong, niên hiệu Đồng Khánh ban cấp 3 đạo sắc phong, niên hiệu Duy Tân ban cấp 3 đạo sắc phong và niên hiệu Khải Định ban cấp 4 đạo sắc phong, ngoài ra còn 1 sắc sao lịch triều phong tặng thập bát đạo do các triều đại phong tặng 18 đạo sắc và gia phong mỹ tự cho thần được thờ tại đình Tàm Xá.

Trong mỗi bản sắc phong tại đình Tàm Xá đều có ghi rõ niên đại chính xác đến tận ngày, tháng, năm. Niên đại của sắc phong được ghi ở cuối văn bản gồm niên đại triều vua ban sắc, tháng, ngày ban sắc, ví dụ như: Dương Hòa tam niên, tam nguyệt, nhị thập thất nhật (Ngày 27 tháng 3 năm Dương Hòa thứ ba, tức là năm 1637, dưới triều Lê Trung hưng); Quang Trung ngũ niên, tam nguyệt, nhị thập nhất nhật (Ngày 21 tháng 3 năm Quang Trung thứ 5 tức năm 1792, dưới triều vua Quang Trung nhà Tây Sơn); Tự Đức lục niên, chính nguyệt, thập nhất nhật (ngày 11 tháng giêng, năm Tự Đức thứ 6 tức năm 1853 dưới triều vua Tự Đức nhà Nguyễn). Việc ghi niên đại chính xác trên mỗi bản sắc phong là căn cứ để các thế hệ sau có thể tìm hiểu về phong cách mỹ thuật, thư thể, nghệ thuật trang trí, văn phong… của từng thời kỳ lịch sử.


 Đình Tàm Xá. Ảnh Quang Nam 

Trong tổng số 72 đạo sắc phong thần tại đình Tàm Xá hiện đang lưu giữ có 3 đạo sắc phong được cho là cổ nhất với niên hiệu Đức Long tứ niên (1632) dưới triều vua Lê Thần Tông. Ngoài ra, đình còn lưu giữ được 4 đạo sắc phong do nhà Tây Sơn ban cấp vào năm 1792. Khi triều Tây Sơn bị nhà Nguyễn lật đổ, Nguyễn Ánh lên ngôi vua, lấy niên hiệu Gia Long, ban hành sắc lệnh thu hồi, phá hủy, tiêu hủy toàn bộ di vật liên quan đến triều Tây Sơn, bởi vậy những dấu tích và di vật của thời Tây Sơn đến nay còn rất ít, chủ yếu tập trung tại Bình Định và Phú Xuân, do đó việc lưu giữ được 4 đạo sắc phong này mang ý nghĩa và giá trị vô cùng quý giá (2).

Về chất liệu, hoa văn, họa tiết trang trí trên sắc phong

Giấy sắc là loại giấy đặc biệt, được nhà vua chuyên dùng để viết sắc phong cho các di tích đình, đền, cũng như những cá nhân, dòng họ có công với triều đình và quốc gia. Giấy sắc có nhiều khổ to nhỏ khác nhau, rộng nhất là 2m x 0,75m, nhỏ nhất là 1,30m x 0,52m, màu vàng (có màu vàng đồng và da thị). Loại giấy này quý trước hết là ở nguyên liệu dùng để vẽ lên bề mặt giấy là vàng, bạc và kim nhũ. Nhờ nguyên liệu này mà giấy sắc có hình thức, màu sắc đẹp và bền, có thể tồn tại hàng trăm năm mà không hề hư hỏng; thứ hai, làm giấy sắc đòi hỏi nhiều công phu. Để làm được tờ giấy sắc đạt tiêu chuẩn, đúng với quy định đòi hỏi người sản xuất phải thực hiện một quy trình kỹ thuật cầu kỳ từ khâu chọn nguyên liệu cho đến các công đoạn tiếp theo. Vật liệu chính để làm giấy là cây dó, nhưng phải là cây dó Thao (cây dó được trồng ở vùng Lâm Thao – Phú Thọ), vỏ dầy, nhiều ruột còn gọi là dó lụa. Các công đoạn kỹ thuật về cơ bản giống như làm các loại giấy dó khác song công phu hơn nhiều và có thêm một số công đoạn kỹ thuật mà các loại giấy khác không có. Theo bí quyết còn truyền lại ở làng Nghè, để seo một tờ giấy sắc cho hàng nhất phẩm phải có 5 người thợ cùng góp sức một lúc. Giấy để phong cho hàng phẩm cấp thấp hơn (tức là từ nhị phẩm xuống tới cửu phẩm), khổ giấy hẹp hơn, cũng phải cần tới 3 người. Trong quy trình sản xuất giấy sắc phong thì khâu tinh xảo nhất, đòi hỏi tay nghề cao là phần vẽ. Người giỏi thì vẽ chạy, còn những người thợ kém hơn thì vẽ đồ tức là căn cứ vào nét chạy mà tô kim nhũ, vàng, bạc… Hai mặt của đạo sắc với những nét vẽ có vàng, bạc tô điểm óng ánh lúc mềm mại khi bay bổng trên chất liệu đặc biệt, quả thật chỉ có ở những bậc nghệ nhân. Mặt trước vẽ rồng, mây (rồng vẽ cũng tùy theo thứ cấp phong công, phong thần mà vẽ hai hoặc ba, bốn con). Xung quanh tờ giấy viền truyền chỉ hay đóng triện tiền. Mặt sau vẽ tứ linh (long, ly, quy, phượng) với bầu rượu, cuốn thư. Chất liệu vẽ bằng vàng, bạc nguyên chất. Nguyên liệu dùng để vẽ lên mặt giấy rất quý: vàng, bạc nguyên chất và kim nhũ. Vì vậy, giấy sắc còn được gọi là giấy Kim Tiên.

Hoa văn được dùng để vẽ trên giấy sắc là các hình tượng biểu hiện cho uy quyền như: rồng, mây, lưỡng long chầu nhật, tứ linh, hà đồ, lạc thư… và mang phong cách mỹ thuật của từng triều đại khác nhau. Đi kèm với các họa tiết hoa văn là một số thư pháp như chữ lệ thời Lê, chữ chân, hành thời Nguyễn. Người thợ vẽ phải thuộc từng nét hoa văn và phân bố mặt giấy sao cho đẹp, cân bằng, đúng vị trí, đường nét phải uyển chuyển, bay bổng, sinh động. Ở các sắc phong đều có hình rồng và mây uốn lượn. Các sắc phong thời Lê Trung hưng, Tây Sơn hình thức tương đối giản dị, hình dáng rồng mềm mại, thanh thoát và các đám mây nhẹ nhàng, xen kẽ. Sắc phong thời Nguyễn có hình rồng uốn lượn, khỏe khoắn, sắc nét, rõ ràng, có nhiều đám mây xung quanh. Hình rồng và mây được in màu nhũ nổi trên nền giấy màu vàng thẫm. Như vậy, giấy sắc là sản phẩm kết tinh của thành tựu kỹ thuật cổ truyền, phương pháp thủ công tinh xảo và óc thẩm mỹ, sáng tạo của nghệ nhân thời xưa (3).

Về kích thước và chữ viết của sắc phong

Kích thước của các sắc phong có sự khác nhau, ngay cả ở những sắc phong có cùng niên đại. Nhìn chung, kích thước của các sắc phong thời Lê Trung hưng tương đối ổn định, chênh lệch ít, chiều dài của sắc phong dài nhất là 134cm, chiều dài của sắc phong nhỏ nhất là 133cm và chiều rộng của sắc phong rộng nhất là 51cm, chiều rộng của sắc phong nhỏ nhất là 43,5cm. Kích thước sắc phong của thời Nguyễn có sự chênh lệch nhau khá rõ, sắc phong có độ dài nhất là 134cm, chiều dài của sắc phong nhỏ nhất là 114cm, chiều rộng của sắc phong lớn nhất là 52cm, chiều rộng của sắc phong nhỏ nhất là 49cm. Còn kích thước cỡ chữ của sắc phong cũng có sự khác nhau rất rõ, sắc phong có chữ có kích thước dài nhất là 108cm, hẹp nhất là 69cm, phần chữ của sắc phong có chiều rộng nhất là 45cm, hẹp nhất là 39cm. Điều này phụ thuộc vào số lượng chữ trên sắc phong, nếu số lượng chữ nhiều thì kích thước sắc phong sẽ rộng, nếu số lượng chữ ít thì kích thước sẽ hẹp hơn và khoảng cách giữa các hàng chữ trong sắc phong rộng hơn. Cụ thể là số hàng chữ trên một sắc phong nhiều nhất là có 15 hàng chữ, ít nhất là có 8 hàng chữ. Số chữ trên mỗi hàng cũng có sự khác nhau rất lớn, hàng có nhiều chữ nhất là 23 chữ, hàng có ít chữ nhất là 1 chữ. Kích thước của chữ trên sắc phong có độ lớn trung bình là 2 cm/chữ và chữ viết trên các sắc phong theo lối chữ chân phương rất đẹp, rõ ràng, dễ đọc (4).

Về mỹ tự và dấu ấn triện trong các sắc phong

Mỗi mỹ tự trong sắc phong chủ yếu là hai âm tiết. Nội dung của các mỹ tự thường là ca ngợi công đức của thần như: phổ hóa, phổ trạch, quảng vận, phù quốc, trí nhân, phù vận, khuông quốc, tích long, tế thế, trạch dân, linh quang, tứ phúc, hộ quốc, hựu dân, hậu đức, long ân, kiến mưu, khuông tịch, chí nhân, hùng tài, vĩ lược, tế thế, trạch dân, hùng uy, hào kiệt, an dân…

Thời Lê Trung hưng dùng các mỹ tự để phong cho các thần, tùy theo triều vua phong tặng tăng thêm một mỹ tự. Qua nghiên cứu 44 đạo sắc phong thời Lê Trung hưng cho thấy sắc phong sau thường nhắc lại các mỹ tự đã được phong cho thần và sắc phong sau gồm các mỹ tự đã được sắc phong trước và có thêm các mỹ tự phong thêm. Các mỹ tự trong những sắc phong giai đoạn này thường khá dài, với nội dung về ca ngợi thần có công giúp đỡ, phù trợ cho nước, bảo vệ dân, linh ứng…

Sắc phong thời Quang Trung có đặc điểm dài, nhắc lại toàn bộ các mỹ tự đã được gia phong của thời trước đó cộng với mỹ tự được gia phong thêm. Khác với thời Lê Trung hưng và nhà Tây Sơn, các sắc phong triều Nguyễn tại đình Tàm Xá có mỹ tự thường ngắn gọn hơn. Tuy nhiên, triều vua Khải Định thì không dùng mỹ tự để phong tặng cho thần, mà chỉ phong tặng thêm danh hiệu Thanh Phù trung đẳng thần, Quang Ý trung đẳng thần, Linh Toại Trung đẳng thần. Vào niên hiệu Minh Mệnh năm thứ 2 (1821), ngày 21-7 ban sắc cho thần là Long Tường, Hộ Quốc, ban phong cho thần là Chiêu Cách; ban sắc phong cho thần là Quý Minh, Thiên Cương đại vương gia tặng mỹ tự Bảo Chân; niên hiệu Thiệu Trị tứ niên (1844) ngày 12-8 sắc phong cho thần là Chiêu Cách, Cảm Phu, Long Tường, Hộ Quốc… đã có công phù giúp đất nước che chở cho dân, nhiều lần hiển linh ứng nghiệm, nên đã nhiều lần ban tặng sắc phong, cho phép nơi đó thờ cúng. Đến niên hiệu Duy Tân năm thứ 1 (1907), tổ chức nghi lễ lớn, ban chiếu báu để tỏ rõ lòng ân xuống muôn vùng, nghi lễ tổ chức long trọng, ưu ái cho phép nơi đó được thờ phụng như xưa, cứ đến ngày lễ lớn của quốc gia mà mở mang việc thờ cúng để ghi vào sổ sách.

Bên cạnh đó, ở cuối các sắc phong thời Lê Trung hưng và nhà Tây Sơn đều có hai chữ Cố sắc (tức là vì thế nên ban sắc) còn đến triều Nguyễn bắt đầu từ triều vua Thiệu Trị cho đến triều vua Khải Định hai chữ ở cuối các sắc phong là Khâm tai (tức là kính cẩn hay có nghĩa là hãy vâng theo mệnh này).

Về chữ trong các con dấu đều được khắc theo lối chữ triện. Thời Lê Trung hưng chủ yếu khắc bốn chữ Sắc mệnh chi bảo. Thời Tây Sơn dấu triện được đúc mới, niên hiệu Quang Trung ngũ niên sử dụng kim bảo Sắc mệnh chi bảoTiên nhu chi bảo. Theo nhiều nhà nghiên cứu, dấu triện Tiên nhu chi bảo chỉ dùng dưới thời Tây Sơn ở niên hiệu Quang Trung tam niên và Quang Trung ngũ niên (1792). Đến thời Nguyễn, dấu triện thời Minh Mệnh khắc 4 chữ Phong tặng chi bảo, từ giai đoạn năm 1828-1945 thì sử dụng dấu khắc Sắc mệnh chi bảo. Tất cả các sắc phong đều dùng một loại mực màu son đỏ để đóng dấu. Vị trí dấu được đóng ở dòng ghi niên đại của sắc phong (5).

Tóm lại, những sắc phong ở đình Tàm Xá là những hiện vật giàu tính khoa học, văn hóa, lịch sử, vật thiêng liêng trong đời sống tâm linh của cộng đồng dân cư Tàm Xá nói riêng và làng xã Việt Nam nói chung. Đây là những tài liệu quý lưu giữ phong tục, tập quán, tín ngưỡng thờ thần của cư dân Tàm Xá, nguồn tư liệu quan trọng góp phần nghiên cứu, tìm hiểu về lịch sử, văn hóa truyền thống của vùng đất Tàm Xá. Nghiên cứu một cách đầy đủ và tìm hiểu sâu sắc về sắc phong để thấy được tầm quan trọng của nó với lịch sử, hiện tại và tương lai.

_____________

1, 2. Vương Thủy, Hồ sơ lý lịch cụm di tích đình, chùa Tàm Xá, xã Tàm Xá, huyện Đông Anh, Hà Nội, Ban Quản lý di tích và danh thắng Hà Nội, 1992.

3, 4. Phòng Văn hóa và Thông tin huyện Đông Anh, Hồ sơ kiểm kê di tích đình, chùa Tàm Xá, xã Tàm Xá, huyện Đông Anh, Hà Nội, Tài liệu lưu hành nội bộ, 2012.

5. Tư liệu Hán – Nôm có trong di tích đình – chùa Tàm Xá, Tài liệu lưu hành nội bộ.

Nguồn : Tạp chí VHNT số 408, tháng 6 – 2018

Tác giả : NGUYỄN THỊ MỸ LINH

Đánh giá post

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *