Vẻ đẹp của lục bát tình đương đại

Lục bát là thể thơ có nguồn gốc từ ca dao, một thể loại của văn học dân gian. Thể thơ được bác học hóa từ TK XVI với thể nghiệm đầu tiên trong bài Nghĩ hộ tám giáp giải thưởng hát ả đào của Lê Đức Mao, hoàn thiện ở đỉnh cao với Truyện Kiều, của Nguyễn Du vào đầu TK XIX. Sau Nguyễn Du là những đóng góp của Tản Đà, Nguyễn Bính, Huy Cận, Tố Hữu, Bùi Giáng, Nguyễn Duy… Cuộc chạy tiếp sức dài hơi của bao thế hệ đã giúp lục bát có được một vẻ đẹp lấp lánh, đầy biến hóa. Tồn tại qua bấy nhiêu thời gian cùng những tác giả tiêu biểu, thể thơ này cũng đã chứng minh được khả năng thích ứng. Từ lục bát ca dao đến lục bác bác học, có thể nói lục bát là một cõi thơ, một thế giới thơ độc đáo. Ở đó, lục bát tình có thể được xem là phần tinh hoa, tinh túy, huyền diệu nhất.

1. Sự trở về nguồn cội ca dao của lục bát tình đương đại 

Lục bát viết về tình yêu trước đây muôn màu muôn vẻ. Nó tung tẩy, đa dạng trong ca dao, mượt mà, nền nã trong thơ cổ điển, nồng nàn, say đắm đầy lãng mạn trong Thơ mới. Lục bát tình đương đại hôm nay vẫn tiếp tục làm say lòng người bằng vẻ đẹp của chính mình. Đọc lục bát tình đương đại, hẳn ta không khó nhận ra khuynh hướng trở về nguồn của nó. Trở về với lục bát cổ điển để tìm về sự mềm mại, đậm phong cách ru, tìm đến vẻ đẹp hồn nhiên, tươi tắn, mộc mạc.

Âm hưởng ca dao của lục bát tình đương đại được gợi lên từ những hình ảnh quen thuộc của thế giới ca dao. Tiếp xúc với mảng thơ này sẽ bắt gặp: Hạt mưa rơi xuống vườn hồng (Không đề – Chiêu Hoa); Con sáo thì đã sang sông (Lục bát – Nguyễn Thị Kim Quy); Con chim quyên đã lạc bầy (Đứng giữa đồng không – Vũ Hữu Định); Giá đừng bèo dạt mây trôi (Giá – Đoàn Hữu Nam); Bây giờ vôi nhạt trầu phaiTìm đâu cái dải yếm hồng (Bây giờ táo rụng – Trần Thị Lợi); Ngược dòng tìm trái mù u/Bướm vàng ngơ ngác đánh đu lục bình (Sông xuân – Nhật Hưng)… Một thế giới hình ảnh quen thuộc, bản thân nó cũng đủ sức làm rưng rưng lòng người bởi sự gần gũi, thiêng liêng được thức dậy từ tiềm thức, tâm thức, lại thêm tiếng lòng con người thời đại gửi gắm nên sự truyền cảm, sức lay động càng tăng lên bội phần. Chất ca dao rõ nét hơn khi các tác giả hôm nay mang câu ca xưa trộn cùng với thơ mình làm nên những vần thơ lạ mà quen một cách thú vị: “Mặc ai cần của hồi môn/Phần anh chỉ muốn cầu hôn cái nhìn/Trúc xinh trúc mọc đầu đình/Mắt xinh mắt có vô tình cũng xinh” (Những tiểu khúc về một cô bé – Bùi Chí Vinh). Rồi những biện pháp ví von, cường điệu quen thuộc: “Yêu em cõng đá vá trời/Non cao đồi lở vai người oằn theo” (Tạp vần 24 – Lý Minh); “Có tiền thuê cả vầng trăng/Không tiền mua nón ba tầm chơi ngông” (Quan họ đùa em -Từ Dạ Thảo)… Những hình ảnh so sánh tự nhiên, dân dã kể cả suồng sã cũng xuất hiện: “Chị thản nhiên mối tình đầu/Thản nhiên em nhặt bã trầu về têm” (Chồng chị, chồng em – Đoàn Thị Lam Luyến); “Còn em cứ tỉnh như không/Lòng như chiếc rổ chẳng đong được tình” (Trách – Lê Tấn Hoài Nam). Lối nói, lối cảm của dân gian: “Anh si mê bị bỏ bùa theo em” (Không đề – Vương Tâm);  “Buồn thì trải nỗi buồn ra/Sao anh cuộn lại đến ba, bảy vòng/Rồi vò như mớ bòng bong” (Tâm tư lục bát – Trịnh Hoài Giang).

 Có thể nói dùng tình ý, ngôn ngữ, hình ảnh… của ca dao để nói lên tấm tình yêu của con người thời nay một cách nhuần nhuyễn, tinh tế là một hướng thể hiện đầy ý thức của các cây bút viết lục bát hôm nay.

2. Lục bát tình đương đại – những cách tân độc đáo

Trở về cội nguồn là sự nối kết hiện tại với quá khứ, hôm nay với hôm qua để ta dễ dàng nhận ra con người thời hiện đại dù tình yêu của họ có hiện đại đến đâu thì đâu đó trong thẳm sâu vẫn là những tâm hồn Việt Nam gần gũi, thân thuộc. Song điểm nổi bật, làm nên diện mạo lục bát tình đương đại rõ nét hơn là sự tìm tòi, cách tân, không ngừng được làm mới.

Lục bát tình hôm nay đã được làm mới với những phá cách độc đáo. Thể thơ này không còn chỉ biết ngủ ngon trong nhịp bế bồng, không chỉ còn để phô diễn cảm xúc nhẹ nhàng, tha thiết, lời than thở lâm ly… Cái mới trong tình cảm, cái bạo trong suy nghĩ, cách diễn đạt lột tả đến tận cùng cảm xúc của con người thời đại đã làm câu lục bát tình yêu hôm nay mang một vẻ đẹp mới mẻ, trẻ trung, khỏe khoắn. Cái tình ở đây vẫn là tình yêu muôn thuở với bấy nhiêu cung bậc cảm xúc: nhớ mong, nuối tiếc, ngậm ngùi, mê đắm… Song, khi thể hiện, con người hôm nay ít khi mềm yếu, ủy mị, cũng không dè dặt né tránh, không cần dùng đến hình ảnh hay biện pháp để dung hòa, nhất là khi nói đến nỗi đau. Họ tỉnh táo thức nhận, chấp nhận, đối mặt với đau thương không né tránh. Đọc Lời thề cỏ may của Phạm Công Trứ, ta thấy vẫn là kiểu tự sự của ca dao, của Nguyễn Bính, song không thấy ở đó sự than thở, cam chịu một cách yếu đuối, bi lụy. Tan vỡ mối tình đầu đối với nhân vật trữ tình tưởng chừng “vỡ một khoảng trời pha lê”, vậy mà anh vẫn có thể: “Trăng vàng đêm ấy bờ đê/Có người ngồi gỡ lời thề cỏ may”. Gỡ chứ không phải là cắt, là xén. Cái đã bám chặt, đã lặn sâu, đã trở thành máu thịt, giờ phải tách ra, tháo ra khỏi lòng mình, khỏi tình cảm của mình. Gỡ cần sự đối mặt, điềm tỉnh, tỉ mỉ, phải đối mặt trực tiếp với nỗi đau, nhìn thẳng nỗi đau, chấp nhận nỗi đau. Đó là cách lựa chọn của cái tôi – yêu này. Câu thơ của Lý Phương Liên: “Lẽ nào em buộc cánh anh/Buộc cánh anh cũng chẳng thành tình yêu”. Diễn tả, yêu mà không được tình yêu đáp lại là một nỗi đau nhưng đã làm hết cách, đã yêu hết lòng mà vẫn không làm trái tim kia rung động thì thôi vậy. Mê đắm nhưng vẫn tỉnh táo thức nhận. Bản lĩnh của con người thời đại đã làm nên nét mạnh mẽ, rắn rỏi, giàu tính trí tuệ của những câu lục bát vốn được ví như những tấm lụa mượt mà với chất trữ tình thấm đẫm trước đây.

Nhớ cô gái xưa trong ca dao có lẽ do quá nhiều rào cản từ môi trường xã hội mà tiếng lòng thành thật của cô đã không thể cất lên trực tiếp, muốn hiểu được đòi hỏi đối tượng phải biết giải mã: “Nhà em có bụi mía mưng/Có con chó dữ anh đừng lại qua”. Cô gái thời Nguyễn Bính thì ngay đến từ yêu  cũng không dám nói: “Em nghe họ nói mong manh/Dường như họ biết chúng mình… với nhau”. Đến với lục bát tình hôm nay, lối nói vòng vo, nói ngược, sự dè dặt trong tỏ bày hầu như đã nhường chỗ cho sự bạo dạn, mạnh mẽ của những tiếng lòng thành thật: “Thật tình em rất yêu anh/Thủy chung qua mấy khúc quanh cuộc đời… Bên chồng con vẫn bơ vơ nhớ người” (Thật tình – Lý Thụy Ý); “Đã yêu yêu đến tận cùng/Đã thương thương đến nát lòng vì nhau” (Em chờ – Vũ Thị Khương). Sự mạnh mẽ, táo bạo còn thể hiện ở những câu lục bát được đẩy đến tận cùng cảm xúc, bằng những từ ngữ, những hình ảnh gợi lên trực diện, đặc biệt khi nói về những mất mát, đắng cay: “Gỡ xong ngày tháng vô tình/Lòng ai tưởng đã nổi thành váng chua” (Muối dưa – Phạm Hồng Oanh); “Một đời tất tả long đong/Nhành tim mạt giá tấc lòng ế thiu/Nát nhàu huyễn mộng đìu hiu/Quắt quay điệu lý chiều chiều lầu tây” (Tự khúc – Nguyễn Quốc Khánh). Tình yêu, nơi từng được xem là thánh địa, nơi chỉ có ban tặng, hiến dâng, cho không, biếu không, giờ cũng đã không ít lần xuất hiện những bán – mua, vay – trả: “Bây giờ kinh tế thị trường/ Em còn giấu được nỗi buồn tôi mua” (Vô tư – Đoàn Thạch Biền); “Chợ buồn đem bán những vui/Đã mua được cái ngậm ngùi chưa em/Chợ buồn bán nhớ cho quên” (Chợ – Đồng Đức Bốn); “Tình yêu cũng trả cũng vay/Đầy tay nhận, lại trắng tay nhỡn tiền” (Giá – Võ Thành An)… Những điều tưởng không thể nào định lượng, định giá bằng vật chất thì con người hôm nay cũng đòi hỏi một sự rạch ròi, sòng phẳng.

Những cách tân trong nội dung cảm xúc đi liền với những phá cách về thi luật mà nổi trội nhất ở phương diện ngôn ngữ. Ngôn ngữ của lục bát tình đương đại hôm nay có sự mộc mạc dân dã của ngôn ngữ ca dao “Trăng lên còn ẩn sau mây/Biết em còn ẩn đâu đây mà tìm” (Đào Hiếu); “Sông sâu ngả lắm cành mềm/Con cò lộn cổ trong đêm lạc bầy/Trái giòn chẳng ở tầm tay/Để bao trái chát rụng đầy vườn sau/Có người thả bóng buông câu/Làm tôi gãy nốt nhịp cầu quá giang” (Đoàn Thị Lam luyến). Có sự thâm trầm cổ kính của ngôn ngữ cổ điển “Em về mấy thế kỷ sau/Nhìn trăng có thấy nguyên màu ấy không” (Bùi Giáng); “Trầm luân một kiếp vơi đầy/Hư không một mảnh trăng gầy héo hon” (Hoàng Nguyễn Hoài Hương). Sự chau chuốt, tinh tế, mỹ lệ của ngôn ngữ Thơ mới “Trái sầu rụng chín miên man/Mùa thu trên mái tóc nàng quạnh hiu” (Trần Thanh Vân). Có cả phương ngữ, khẩu ngữ: “Các em như miếng cá kho/Ngó vô thấy đã, cắn vô thấy bà/Cắn vô xương gỡ không ra/Trừ khi trình diện ông già của em” (Bùi Chí Vinh). Cũng có những câu thơ như một lời nói thường “Trăng là trăng của hai ta/Chứ trăng nào phải của là riêng ai/Bao giờ trăng xẻ làm hai/Phần em, em gửi cho ai thì tùy” (Cao Như Dương). Sự dung nạp hầu hết kho ngôn ngữ dân tộc từ dân gian đến bác học, ngôn ngữ đời sống hiện đại đã giúp lục bát tình hôm nay dễ dàng tiếp cận, chuyển tải những tấm tình yêu của con người thời đại. Sự độc đáo không chỉ dừng lại ở lối sử dụng từ mà ở sự kết hợp từ, cách sử dụng những phép tu từ tạo nên vẻ lung linh, đa nghĩa đầy biến ảo. Những kết hợp từ bất thường kiểu xuất hiện như: “Lột tiếng chim dán đầu cây/Tám năm về gỡ làm trầy mùi hương” (Tám năm – Lâm Anh). Cụ thể hóa đối tượng thuộc về cái vô hình bằng một động từ, lẽ ra với động từ ấy đối tượng bị tác động phải là vật hữu hình. Cách kết hợp này làm cho điều muốn thể hiện trở nên sinh động, giàu trực giác, gây ấn tượng mạnh mẽ. Cùng với cách kết hợp từ nhằm cụ thể hóa, trực giác hóa những điều trừu tượng, vô hình là lối kết hợp tạo hiệu quả ngược lại – tạo sự mờ hóa, mơ hồ bằng cách tạo trường liên tưởng rộng, để lời thơ trở nên đa nghĩa: “Bây giờ còn mảnh trăng gầy/Rớt trong tôi nỗi nhớ hoài tình quê” (Tình quê – Vương Sĩ Ca); “Tôi tìm em khắp người ta” (Tìm em – Đoàn Vị Thượng). Hệ thống ngôn ngữ, hình ảnh được sử dụng trong lục bát tình hôm nay đã tạo được ấn tượng thẩm mỹ  khá sâu sắc. Câu lục bát không chỉ hay ở nhạc điệu mà còn hấp dẫn ở lời, ở những hình ảnh ấn tượng cùng ý nghĩa sâu xa.

Bên cạnh đó, giọng điệu cũng là phương diện làm nên nét cách tân độc đáo ở lục bát tình đương đại. Sự phong phú của giọng điệu như chính những biểu hiện phong phú của tình yêu rất thực trong đời. Bên cạnh giọng điệu hồn nhiên mộc mạc hay dịu dàng, sâu lắng giàu chất ru thường thấy còn xuất hiện giọng đùa cợt ỡm ờ: “Áo trắng là áo trắng ơi/Cho ta xin lại dáng người ngày xưa/Cho ta tí tẹo thẫn thờ/Ước chi người đó bây giờ là đây” (Áo trắng má hồng – Nguyễn Duy); “Cô gái ơi anh nhớ em/Như con nít nhớ cà rem ấy mà” (Thiếu nữ – Bùi Chí Vinh). Thậm chí cợt nhả đến suồng sã: “Hà Nội băm sáu phố phường/Ngó môi em hết nhớ đường vào Nam” (Con gái ba miền – Bùi Chí Vinh). Giọng dí dỏm, trẻ trung: “Bây giờ em đứng nơi đâu/Cỏ trong mình mẩy em sầu ra sao” (Gửi thôn nữ Vĩnh Trinh – Bùi Giáng)… Bên cạnh đó, nhiều phương diện khác như vần, nhịp, cách trình bày văn bản… lục bát tình thời hiện đại cũng có những cách tân đáng kể.

Như vậy, qua một số biểu hiện tiêu biểu, lục bát tình đương đại đã khẳng định được diện mạo của mình. Nếu ta tìm đến mảng thơ này bằng thói quen mỹ lệ hóa, thói quen tự bắt mình phải nâng cấp thì sẽ ít nhiều thất vọng bởi những gì vốn có của cuộc đời xô bồ, trần tục đã xuất hiện khá nhiều ở đây. Song, nếu đến với thơ tình lục bát hiện nay như một “điệu tâm hồn đi tìm những hồn đồng điệu” thì sẽ không thể phủ nhận vẻ đẹp rắn rỏi, khỏe khoắn, rất thực, rất đời của những câu lục bát tình hôm nay. Đó chính là sự biểu hiện cốt cách tình yêu của con người thời đại.

______________

Tài iệu tham khảo

1. Hà Quảng, Một số cách tân trong thơ lục bát hiện đại, Tạp chí Văn học, số 4-1987, tr.92.

2. Phan Diễm Phương, Những biến đổi trên dòng thơ lục bát hiện đại, Tạp chí Văn học, số 10-1994, tr.31 – 33.

3. Phan Diễm Phương, Lục bát và song thất lục bát, Nxb Khoa học Xã hội, Hà Nội, 1998.

4. Hồ Quốc Nhạc tuyển chọn (1997), Lục bát tình 501 tác giả, Nxb Đồng Nai.

5. Nguyễn Vũ Tiềm sưu tầm, Nghìn câu thơ tài hoa, Nxb Văn học, Hà Nội, 2007.   

6. Bùi Chí Vinh, Thơ tình Bùi Chí Vinh, Nxb Thanh niên, Hà Nội, 2007.

Nguồn : Tạp chí VHNT số 407, tháng 5 – 2018

Tác giả : NGUYỄN THỊ CHÍNH

Đánh giá post

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *