Về một văn hóa quà tặng


Trong tủ sách kinh điển về xã hội học và nhân loại học xã hội và văn hóa, tác phẩm Khảo về quà tặng (1925) của Marcel Mauss (1872-1950) có một vị trí đặc biệt. Bởi lẽ, cuốn sách này không chỉ đưa tác giả của nó lên hàng các nhà xã hội học kinh điển của thế giới, mà còn góp phần vào sự khẳng định của trường phái xã hội học Pháp. Nhưng bạn đọc Việt Nam, tiếc rằng, hiện nay lại ít người biết tới. Bởi vậy, trong giải ngân hà này, sau những ngôi sao đã được Tạp chí Văn hóa Nghệ thuật dịch và giới thiệu như Văn hóa nguyên thủy của E.B.Tylor, Cành vàng của J.Frazer, Kinh nghiệm thần bí và các biểu tượng ở người nguyên thủy của L.Lévy Bruhl, Hình thái học truyện cổ tíchNhững gốc rễ lịch sử của truyện cổ tích thần kỳ của V.I.Propp…, bậc thức giả không thể không biết đến Khảo về quà tặng của M. Mauss.

M.Mauss là một nhà xã hội học nổi tiếng người Pháp. Ông là người cộng sự và kế tục của Émile Durkheim (1858-1917), ông tổ của trường phái xã hội học Pháp, cả về giòng máu (gọi Durkheim bằng bác) lẫn học thuật. M.Mauss cũng là bạn của nhà triết học J.Jaurès và là giáo sư của Pháp quốc học viện (Collège de France). Sinh thời M.Mauss đã được nhiều nhà dân tộc học và xã hội học tôn làm bậc thày, tuy ông chưa bao giờ trình bày rõ ràng các nguyên lý lý thuyết của ông một cách hiển ngôn. Chỉ mãi đến năm 1925, khi tác phẩm để đời, Khảo về quà tặng, của mình được công bố, thì xã hội học của M.Mauss mới hiện rõ.

Khảo về quà tặng (Essai sur le don) nghiên cứu một hiện tượng phổ biến trong các xã hội nguyên thủy đó là sự tặng quà, đúng hơn sự trao đổi quà tặng. Nguyên lý của việc trao đổi này tuy đã không còn là nguyên lý của những xã hội theo chế độ cống nạp thuần túy, nhưng lại chưa đạt đến nguyên lý thị trường, trong đó đồng tiền lưu thông, càng chưa đạt tới thị trường đích thực của nền kinh tế hàng hóa với khái niệm về giá tiền được đánh giá bằng đồng tiền và sự cân đong đo đếm. Và chính chỗ gập khuỷu này cho phép người khảo sát ngó trước, nhìn sau, để đặt ra nhiều vấn đề học thuật cần phải được giải quyết.

Sự trao đổi quà tặng (potlatch) trong các xã hội này giữa cá nhân và cá nhân, giữa các nhóm người với nhau, giữa cộng đồng này với cộng đồng khác là mang tính chất bắt buộc. Và người được tặng biếu cũng buộc phải nhận để rồi sau đó lại phải tặng biếu lại người cho hoặc người thứ ba. Người biếu tặng càng tặng biếu nhiều lần, quà tặng càng quý giá bao nhiêu thì uy tín của anh ta trong mắt cộng đồng càng lớn bấy nhiêu. Người được tặng như phải mang một món nợ tinh thần buộc anh ta cũng phải tặng lại để trả nợ, mà đôi khi phải trả gấp đôi, gấp ba thì mới là người có danh dự. Hơn nữa, theo quan niệm của xã hội này, mỗi vật đều có linh hồn, hay có tính linh (mana), nên kẻ tham lam giữ của tặng biếu sẽ làm hại bản thân. Ngoài sự tặng biếu lẫn nhau, người ta còn phải tặng biếu thần linh (hiến tế) bằng việc đập phá, đốt cháy, đánh chìm quà tặng. Như vậy, quà tặng, trao đổi quà tặng, là một hình thức buôn bán cổ sơ, sự nâng cao uy tín cá nhân hoặc cộng đồng người tặng biếu, sự cố kết các thành viên trong nội bộ cộng đồng và là sự giao tiếp, liên minh của một cộng đồng này với các cộng đồng khác. Sự phá hủy quà tặng trong hiến tế là biểu hiện của lòng thành kính của con người với thần linh thì, để đền đáp lại, thần linh sẽ bảo trợ cho con người được yên lành, thịnh vượng. Ngoài ra, sự tiêu thụ sản phẩm kiểu này cũng là một tác nhân kích thích sản xuất phát triển

Sự trao đổi quà tặng, như vậy, là tuân theo một hệ thống tượng trưng, không thể đơn giản quy về một hiện tượng kinh tế hay bất kỳ một chiều kích riêng biệt nào như pháp lý, tôn giáo, đạo đức, thẩm mỹ… Quà tặng, đó là một hiện tượng xã hội tổng thể. Chính ở quà tặng mà tính xã hội tổng thể được thể hiện. Khái niệm hiện tượng xã hội tổng thể là một khái niệm chủ chốt của xã hội học M.Mauss. Xã hội, lần đầu tiên được nhìn như một tổng thể, cho nên bất kỳ một hiện tượng xã hội nào đó cũng mang tính tổng thể, cũng cần phải được xem xét trong mối quan hệ với cái tổng thể đó. Hẳn vì đóng góp to lớn này của M. Mauss, mà ông đã được đưa lên hàng tiền bối của chủ nghĩa cấu trúc trong xã hội học, mà Claude Lévi Strauss là người sáng lập.

Ngày nay, thời đại của sự trao đổi quà tặng, như một hiện tượng xã hội tổng thể, đã lui vào dĩ vãng. Potlatch ngày xưa nay đã thành việc buôn bán thuần túy. Quà tặng không còn mang tính chất tôn giáo, đạo đức, thẩm mỹ hay các chiều kích nào khác nữa, mà chỉ còn một chiều kích duy nhất là kinh tế. Như vậy, quà tặng đã trở thành hàng hóa. Điều này không chỉ thúc đẩy sự phát triển của nền kinh tế hàng hóa, thúc đẩy sự phát triển xã hội, đặc biệt là quá trình xã hội hóa và, quan trọng hơn, thúc đẩy sự phát triển ý thức cá nhân, nhất là quá trình cá nhân hóa của chính cá nhân con người, do giải phóng xã hội và con người khỏi vô vàn những quy định của cộng đồng và thần linh.

Ở xã hội Việt Nam giai đoạn 1932-1945 chẳng hạn, khi các vật phẩm văn hóa như bài thơ, cuốn truyện, bức tranh, bản nhạc mà trước đó vốn tồn tại như những quà tặng nay lần đầu tiên trở thành hàng hóa (và hiện nay là hàng hóa đặc biệt) thì đã tạo ra sự phát triển vượt bậc. Trước đấy, chỉ có những người đặc tuyển nào đó mới được hưởng thụ chúng, thì ngày nay mọi người, không kể giàu sang nghèo hèn, đều có thể có quyền hưởng thụ. Trình độ văn hóa chung, do đó, được nâng cao và đòi hỏi người sáng tác cũng phải tự nâng cao để đáp ứng lại. Hơn nữa, tác phẩm bán được, ngoài sự kích thích tinh thần, còn mang lại cho người sáng tạo phương tiện vật chất để tái sản xuất (mở rộng, nâng cao) và, quan trọng hơn, có thể sống bằng nghề, trở thành trí thức độc lập, không nằm trong biên chế nhà nước, sự thoat khỏi thân phận kép, quan lại trước đây và viên chức ngày nay, người trí thức mới có tư duy độc lập. biến tiếng nói của mình thành những phản biện xã hội, góp phần vào sự phát triển của xã hội.

Tuy vậy, ảnh hưởng của potlatch ở các xã hội hậu potlatch hiện nay, đặc biệt là trong các xã hội truyền thống còn đang bước vào hiện đại, nền kinh tế hàng hóa chưa phát triển như xã hội Việt Nam ta, vẫn còn rất mạnh mẽ. Ở nông thôn người ta vẫn thấy trong tục giúp nhau khi mỗi gia đình có việc tang ma hay việc cưới xin, việc làm nhà hay dồn tiền cho con đi học đại học… Các gia chủ được giúp phải ghi chép cẩn thận để sau đó có dịp trả nợ. Đây là việc cho vay không lấy lãi, một hình thức tương trợ cần thiết. Đây là mặt tích cực của dư sinh potlatch. Nói chung, các hiện tượng ra đời trong xã hội truyền thống, như potlatch chẳng hạn, bao giờ cũng có tính lưỡng giá. Khi còn nằm trong khung cảnh văn hóa truyền thống thì nó phát huy mặt tích cực, còn khi xã hội đã chuyển sang khung cảnh của nền văn hóa hiện đại thì nó bộc lộ mặt tiêu cực. Bởi thế, hiện nay ở các cơ quan công quyền, người ta vẫn thấy tương đối phổ biến hiện tượng tặng biếu quà cáp nhân dịp (chỉ nhân dịp mà thôi) lễ, tết, hiếu, hỷ, lệ lại quả, trích phần trăm… Hình thức hối lộ, tham nhũng kín nhưng lại lộ này làm méo mó các quan hệ xã hội, làm vẩn đục những việc cần phải sòng phẳng như hợp đồng, đấu thầu… Hiện tượng tiêu cực này trở nên bất hợp pháp, vi phạm đạo đức xã hội.

       Đọc Khảo về quà tặng, bạn đọc, nhất là bạn đọc Việt Nam hiện nay, thấy rõ việc tặng quà, tặng biếu là một kiểu xã hội có tính phổi biến mà nhân loại ngày nay đã vượt qua: nó đã trở thành quá khứ. Nhưng sức sống của nó vẫn còn rất mạnh mẽ. Bởi thế, các dư sinh tiêu cực của việc tặng quà còn ký bám vào các xã hội đương đại, đặc biệt là các xã hội còn ngự trị nhiều yếu tố truyền thống, còn đang ở giai đoạn chuyển đổi, biến đổi. Ở đây, nguy hiểm là hiện tượng hối lộ, tham nhũng trá hình này, ít nhiều được tồn tại hợp pháp, ít nhiều được dư luận chấp nhận công khai hoặc ngấm ngầm, bởi thế nó đã vượt quá khía cạnh pháp lý hoặc đạo đức thuần túy để trở thành một hiện tượng văn hóa đa chiều kích mang tính chất xã hội tổng thể: một thứ văn hóa quà tặng! Từ một chai rượu, tút thuốc lá, cân chè đến phong bì thì quà tặng đã bớt vật chất, cụ thể hơn, nhưng từ phong bì phong bao đến sang tên một ngôi nhà…, đến chuyển khoản một ngân khoản thì quà tặng đã biến hóa khôn lường. Để có thể ngăn chặn, hoặc chí ít là hạn chế sự lại giống, sự tái diễn này, xã hội phải cần trở thành một xã hội dân sự, một nhà nước pháp quyền. M.Mauss với Khảo về quà tặng đã mang lại cho chúng ta nhận thức quý giá này.


Nguồn : Tạp chí VHNT số 314, tháng 8-2010

Tác giả : Đỗ Lai Thúy

Đánh giá post

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *