Trống quân là một lối hát nam nữ đối đáp, giao duyên khá phổ biến và độc đáo từ lâu đời của cư dân Việt ở Bắc Bộ. Người ta đã thấy hát trống quân được diễn xướng ở nhiều địa phương như Phú Thọ, Vĩnh Phúc, Hà Nội, Bắc Ninh, Hưng Yên, Hải Dương… Bên cạnh những điểm tương đồng, hát trống quân ở mỗi địa phương lại có những đặc điểm riêng, đặc biệt, về nguồn gốc, xuất xứ của hình thức diễn xướng này cũng có nhiều cách lý giải khác nhau.
Về nguồn gốc
Theo nhà nghiên cứu Trần Việt Ngữ: “Hát trống quân xuất hiện từ thời Trần, nửa sau TK XIII: thời kỳ chống quân Nguyên xâm lược, binh sĩ ta khi nghỉ ngơi đã ngồi thành hai hàng đối nhau gõ vào tang trống, cứ bên hát xướng, bên lại hát đáp. Sau chiến thắng điệu hát được phổ biến ra nhiều nơi trên miền Bắc” (1). Một giả thuyết khác lại cho rằng: “Hát trống quân xuất hiện từ khi vua Quang Trung thần tốc ra Bắc đánh đuổi giặc Thanh cuối TK XVIII: Để binh lính đỡ mệt mỏi, vua cho bày trò một bên giả gái hát đối đáp trao tình với bên quân lính, kèm theo trống đánh điểm nhịp, lúc nghỉ cũng như lúc đi đường (2).
Khi nghiên cứu về văn hóa dân gian vùng đất Tổ, đề cập tới trống quân, có nhà nghiên cứu cho rằng: “Ở làng Hữu Bổ, xã Kinh Kệ, Phong Châu, Phú Thọ tương truyền từ thời Hai Bà Trưng, khi Hai Bà đóng quân tập trận tại Kẻ Giỏ (làng Hữu Bổ ngày nay), lúc đó, nam binh thường đấu vật, nữ binh hát đối đáp, gõ trống hiệu làm nhịp nên gọi là hát trống quân”(3).
Xã Dạ Trạch huyện Khoái Châu, tỉnh Hưng Yên cũng có hình thức hát trống quân. “Tương truyền vào đời vua Hùng thứ 3, công chúa Tiên Dung trong một chuyến du ngoạn dọc theo sông Hồng đã có cuộc duyên tiên kỳ ngộ với chàng trai nghèo Chử Đồng Tử. Mặc dù bị ngăn trở, nhưng Tiên Dung vẫn quyết cùng Chử Đồng Tử nên vợ nên chồng. Hai người đã cùng nhân dân cải tạo cả một vùng lau sậy bạt ngàn và những bãi cát hoang sơ thành làng quê trù phú. Công chúa Tiên Dung đã dạy nhân dân cách trồng lúa, ươm tơ, dệt vải và dạy cả điệu hát trống quân” (4).
Khi thực hiện một đề tài nghiên cứu về trống quân Đức Bác (xã Đức Bác, huyện Sông Lô, tỉnh Vĩnh Phúc), chúng tôi lại thấy một sự tích về nguồn gốc của hát trống quân như sau:
Thuở xưa, người con gái cả của vua Hùng cưỡi thuyền rồng đi chơi dọc dòng sông Lô. Khi đến làng Đức Bác, thấy phong cảnh đẹp, nàng lên bờ ngắm cảnh, song không may bị cảm rồi chết. Hai cô em thứ hai và thứ ba đợi mãi không thấy chị về, liền cưỡi ngựa hồng đi tìm. Lần tìm đến làng Đức Bác, thấy người chị đã chết, hai người em thương quá bèn nhảy xuống sông chết theo. Dân làng Đức Bác lập đền thờ ba cô, rồi qua sông lấy điển tích lệ hát, lời hát ở bên đất đền Hùng về lập nên hát trống quân để hát thờ ba vị. Họ quan niệm rằng để thờ con gái vua Hùng thì phải làm giống, hát giống như bên đền Hùng. Họ còn mời các phường xoan bên kia sông – là đất đai của đền Hùng -mang lối hát thờ ở đó sang hát thờ các con của vua Hùng (5).
Tiếp tục tìm hiểu về trống quân Đức Bác, chúng tôi lại thấy có điều như đã thành một quy định bắt buộc là trai Đức Bác chỉ hát trống quân với đào xoan Phù Ninh. Như vậy thì, yếu tố các đào xoan Phù Ninh sẽ là một nửa của trống quân Đức Bác. Đây có thể là do mối quan hệ kết nghĩa từ xưa đã quy định, nhưng cũng có thể là do vấn đề tín ngưỡng, có liên quan đến các nhân vật được thờ ở đình Mẫu. Bởi các nhân thần này là nữ và đều là người của vùng đất phía bên kia bờ sông (thuộc không gian văn hóa Hùng Vương) như trong sự tích đã nêu. Mặt khác, theo các nhà nghiên cứu và qua lời kể của các nghệ nhân thì trống quân Đức Bác chỉ được tổ chức duy nhất trong dịp lễ hội khai xuân cầu đinh diễn ra ở đình Mẫu, chứ ngày thường, ở những địa điểm khác không ai dám hát. Như vậy, dường như hình thức diễn xướng trống quân Đức Bác được ra đời chỉ để phục vụ sinh hoạt tín ngưỡng ở đình Mẫu và đề cao mục đích tín ngưỡng hơn là giao duyên hay thi thố. Do vậy, chúng tôi có thể phỏng đoán rằng: cũng có thể hình thức diễn xướng trống quân Đức Bác được tổ chức từ khi có việc thờ cúng ở ngôi đình này.
Theo như mô tả của những người cao tuổi và căn cứ vào cấu trúc của đình Mẫu đã được Viện Âm nhạc vẽ lại: “Ở khu hậu cung của đình được đặt 3 bát hương chính; ở trước đó có một cái lọng đặt giữa; mỗi bên lọng có 1 chiếc nón quai thao (lọng tượng trưng cho chị cả, nón quai thao tượng trưng cho chị hai và chị ba)” (6). Tư liệu này phần nào giúp chúng tôi có cơ sở để nghĩ rằng, có thể sự tích trên là có thật. Nếu như sự tích này là có thật, thì sự ra đời của ngôi đình Mẫu có thể được xác định một cách tương đối khoảng từ thời Hùng Vương. Và như vậy, hình thức diễn xướng trống quân Đức Bác mở đầu lễ hội được tổ chức ở đình Mẫu này cũng rất có thể được xuất hiện từ thời Hùng Vương.
Nhiều nghiên cứu cho thấy trống quân Đức Bác là một hình thức diễn xướng nam nữ đối đáp, giao duyên, nhưng chúng tôi lại nghĩ rằng: có thể trống quân Đức Bác ra đời từ khi có hình thức diễn xướng nam nữ đối đáp, giao duyên. Liên quan đến vấn đề này, chúng tôi tìm hiểu về văn hóa thời kỳ Hùng Vương thông qua cuốn Hành trình về thời đại Hùng Vương dựng nước của nhà nghiên cứu Lê Văn Hảo. Ông đã mô tả trên mặt trống đồng Đông Sơn có hình ảnh “từng đôi trai gái cầm chày dài có trang trí lông chim đứng giã những chiếc cối rỗng, vuông, vốn là dụng cụ nông nghiệp đồng thời là nhạc cụ và là vật tượng trưng cho sự sinh sôi nảy nở” (7). Cuốn sách này còn viết: “Giã cối đệm cho tiếng hát đối đáp vừa là hình thức biểu diễn, vừa là trò chơi giao duyên mang ý nghĩa cầu mong sự sinh sản thịnh vượng” (8). Như vậy, theo như nghiên cứu của tác giả Lê Văn Hảo thì cách hát nam nữ đối đáp giao duyên đã có từ thời Hùng Vương. Vấn đề này cũng đã được nhiều nhà nghiên cứu và nhiều tài liệu nói đến. Ngoài ra, tác giả Lê Văn Hảo còn nhận định: “Một trong những trò vui quen thuộc khác của hội làng Việt cổ là trò chồng nụ chồng hoa (còn gọi là cài hoa kết hoa): ngồi trong nhà làng, ngôi nhà sàn đồ sộ mái cong hình thuyền, từng đôi gái trai, mặt đối mặt, lồng chân giao tay với nhau mà hát, bên cạnh có người đánh trống khẩu đệm nhịp. Đây là một hình thức giao duyên bằng trò chơi và bằng văn nghệ hàm ý cầu sinh sôi nảy nở” (9). Qua nhận định của tác giả Lê Văn Hảo, còn thấy có cả việc sử dụng trống để đệm nhịp cho hát đối đáp giao duyên, mang ý nghĩa tín ngưỡng có từ thời Hùng Vương. Tuy chưa thật giống với phương thức diễn xướng của trống quân Đức Bác, nhưng đây cũng là một căn cứ quan trọng để chúng tôi có thể nghĩ rằng, phải chăng diễn xướng trống quân Đức Bác cũng được ra đời từ thời Hùng Vương?
Về tên gọi
Hát trống quân là một hình thức diễn xướng nam nữ đối đáp, giao duyên, nên từ hát ở cụm từ này có lẽ không phải bàn đến, mà ở đây vấn đề cần tìm hiểu là tại sao có tên gọi trống quân. Về tên gọi trống quân, có nhiều nhà nghiên cứu đưa ra cách lý giải và bàn luận như: “Do đọc chệch từ trung quân, vì đã lấy điệu hát giải trí của đội Trung Quân mà vua Quang Trung tuyển chọn trong cuộc hành quân ra Bắc diệt Thanh” (10). Hay, “do xưa kia có lệ, khi quan đổi lỵ sở thường được bạn đồng liêu theo tiễn một đoạn đường, tay cầm khẩu trống điểm nhịp, hát câu tiễn bạn trong đó có đoạn tống quân nam phố, thương như chi hà (tiễn bạn về phương Nam, nhớ thương ai đo được). Lối hát tiễn của giới nhà quan sau lan ra dân gian và đọc chệch tống quân thành trống quân” (11).
Nhà sử học Lê Kim Thuyên có đưa ra một cách lý giải: tên gọi trống quân bắt nguồn từ việc sử dụng trống đệm cho hát. Chữ trống là âm Nôm. Chữ quân nghĩa là bình quân. Trống quân có nghĩa là lấy tiếng trống để giữ nhịp bình quân cho hát (12).
Tác giả Phạm Minh Hương nghiên cứu về trống quân Đức Bác đã đưa ra cách lý giải của chính tác giả và của nhà nghiên cứu Nguyễn Thụy Loan. Phạm Minh Hương cho rằng: “Về tên gọi trống quân dựa trên những suy đoán về sự từng có mặt của nhạc khí trống cơm trong hình thức ca hát này, đó phải chăng trống quân là cách đọc chệch từ từ trống cơm”. Còn nhà nghiên cứu Nguyễn Thụy Loan thì: “Cái tên trống quân ở đây được bắt nguồn từ hai chữ trống quân trong câu kết trổ nhạc được nhắc đi nhắc lại sau mỗi lần hát của nam hay nữ kia hỡi trống quân“. Bà cũng cho biết đây không phải là trường hợp duy nhất đặt tên theo kiểu lấy từ một ca từ cố định được lặp đi lặp lại nhiều lần khi diễn xướng. Một số thể loại nghệ thuật truyền thống khác cũng có cách đặt tên tương tự như tên gọi hát lãi lèn của thể loại hát xoan có nguyên do từ tiếng đệm kết sau mỗi quả cách lên là lên lễ, lên là lên” (13).
Chúng tôi đồng thuận ý kiến với tác giả Phạm Minh Hương là: tên gọi trống quân liên quan đến sự có mặt của nhạc khí được sử dụng trong hình thức diễn xướng âm nhạc này, nhưng xin được đóng góp thêm cách kiến giải về từ trống quân trong trống quân Đức Bác như sau:
Theo chúng tôi thì từ trống quân ở đây có thể không giống như cách gọi của một số loại nhạc khí khác như trống đất hay trống cơm. Ở hai tên trên đều có chữ chỉ loại chất liệu tham gia vào cấu tạo của nhạc khí là đất hay cơm, nhưng ở từ trống quân này, thì có lẽ không hoàn toàn như vậy. Từ quân ở đây chắc không phải để chỉ chất liệu trong cấu tạo của loại nhạc khí này. Bởi chất liệu để làm loại trống là gỗ mít và da bò, nhạc cụ này thường được gọi là trống da nhỏ, hay trống con. Như vậy, từ trống quân có thể được hiểu theo một cách khác.
Nhìn ở một phương diện khác, trống quân là một hình thức diễn xướng đề cao tính tín ngưỡng và là một phần trong một lễ hội, nên tên gọi của nó phải chăng có liên quan đến cách gọi tên các loại hình nghệ thuật, hay các khâu, thành phần… tham gia vào lễ hội? Theo cách suy luận như trên, chúng tôi tiếp tục tìm hiểu qua lời kể của những người cao tuổi đã từng tham gia trong lễ hội và một số tài liệu về lễ hội của người Việt thì thấy: ngày xưa, trong các lễ hội làng (cả bây giờ) các cụ thường hay gọi các bộ phận tham gia trong lễ hội bằng từ quân, chẳng hạn như quân phục vụ, quân rước kiệu, quân cầm cờ, quân bưng lễ, quân hát, quân trống, quân bơi…
Trong lễ hội khai xuân cầu đinh, diễn xướng trống quân Đức Bác chỉ là một trong số các hoạt động, các khâu của lễ hội. Các chàng trai Đức Bác tham gia diễn xướng trống quân phải được tuyển chọn kỹ càng. Trống phải do chính tay của các chàng trai này chuẩn bị và họ phải qua một thủ tục là lễ trình trống để chọn lấy những chiếc trống tốt nhất. Theo đó, thì các chàng trai Đức Bác sẽ tham gia khâu đi đón, rước đào xoan Phù Ninh và tham gia hát ở buổi đầu tiên của lễ hội khai xuân cầu đinh, nên có thể đã được các cụ ban tổ chức gọi là quân trống. Từ này về sau có thể đã được đọc đảo ngược thành trống quân.
Mặt khác, theo lời kể của các nghệ nhân thì trai Đức Bác mang trống đi đón đào Phù Ninh về hát thờ ở cửa đình, như vậy rất có thể là từ quân hát được dùng để gọi các đào xoan Phù Ninh. Từ này cũng có thể còn để gọi trai làng Đức Bác, bởi ngoài việc chuẩn bị trống, các chàng trai còn phải tập hát những bài bản như hát đúm, mó cá… và phải chuẩn bị cẩn thận để hát đối đáp. Và như thế, từ quân trống còn có thể được dùng để gọi các đào xoan Phù Ninh, bởi trước khi hát, họ đã được trai Đức Bác trao trống để đeo, hoặc bưng trước ngực.
Như vậy, từ quân trống và quân hát rất có thể đã được dùng để gọi tốp các chàng trai Đức Bác xưa tham gia trong khâu đón đào xoan Phù Ninh sang hát thờ trong lễ hội. Vì cùng để chỉ một đối tượng, nên có lẽ người ta đã bớt đi một chữ quân và gọi là quân trống-hát, về sau do cách đọc đảo ngược cụm từ sẽ thành hát trống quân. Cụm từ hát trống quân có lẽ được xuất hiện theo cách ấy, bởi cụm từ này cũng chỉ rõ chức năng, nhiệm vụ của các chàng trai Đức Bác trong lễ hội khai xuân cầu đinh. Cách đảo từ, đảo chữ này còn thấy xuất hiện cả ở trong lời ca của trống quân Đức Bác và trống quân của các địa phương khác.
Liên quan đến cách nghĩ, từ quân trống (hay trống quân) là dùng để gọi các chàng trai Đức Bác và đào xoan Phù Ninh, theo sự gợi ý của nhà nghiên cứu Nguyễn Thụy Loan, chúng tôi xem xét đến cụm từ kia hỡi trống quân được hát khi kết thúc (đôi khi còn được dùng để mở đầu cuộc hát) một câu hát của nam, hoặc nữ trong diễn xướng trống quân Đức Bác. Nghe câu hát này, ta thấy như một lời gọi nhau của đôi bên nam nữ. Khi nam hát xong một câu hát thì gọi “kia hỡi trống quân”, bên nữ trả lời bằng câu hát đối đáp. Nữ hát xong câu hát lại gọi “kia hỡi trống quân”, bên nam lại trả lời… Như vậy, rất có thể là từ trống quân đã được dùng để gọi các chàng trai Đức Bác và đào xoan Phù Ninh.
Có thể thấy rằng, về nguồn gốc, xuất xứ của hát trống quân ở Bắc Bộ đã có nhiều cách nhìn nhận, lý giải khác nhau. Điều này cũng dễ hiểu, bởi không ai có thể lục lại hết tư liệu lịch sử từ hàng nghìn năm trước, đặc biệt là những tư liệu về văn hóa phi vật thể. Mặt khác, trong văn hóa dân gian mỗi vùng miền, địa phương lại có những sự tích, chuyện kể khác nhau.
Về vấn đề nguồn gốc, xuất xứ của hát trống quân ở Bắc Bộ, chúng tôi hoàn toàn nhất trí với cách lý giải, suy luận của các nhà nghiên cứu đã đưa ra. Trong nghiên cứu về trống quân Đức Bác, có liên quan đến nguồn gốc, xuất xứ của hát trống quân nói chung, chúng tôi xin đưa ra những giả thuyết như sau:
Phải chăng thể loại diễn xướng âm nhạc dân gian trống quân ở Bắc Bộ có nguồn gốc từ hình thức diễn xướng đối đáp – giao duyên mang tính nghi lễ của thời kỳ Hùng Vương. Tên gọi trống quân của thể loại diễn xướng âm nhạc dân gian này được xuất hiện đầu tiên trong lễ hội khai xuân cầu đinh (lễ hội trống quân) ở xã Đức Bác, huyện Sông Lô, tỉnh Vĩnh Phúc?
_______________
1, 2, 10, 11. Trần Việt Ngữ, Hát trống quân, Nxb Văn hóa Dân tộc, Hà Nội, 2002, tr.17, 18.
3. Sở Văn hóa và Thông tin Vĩnh Phú, Địa chí Vĩnh Phú – Văn hóa dân gian vùng đất Tổ, 1986, tr.145.
4. Phạm Lê Hòa, Hát trống quân nơi đền hóa Dạ Trạch trong Kỷ yếu Hội thảo Chử Đồng Tử – Tiên Dung, Sở Văn hóa Thông tin – Thể thao Hưng Yên, 2000.
5. Nguyễn Đức Hoàng, Đặc trưng của trống quân Đức Bác, luận văn thạc sĩ văn hóa học, Trường Đại học Văn hóa Hà Nội, 2012.
6. Viện Âm nhạc, Điều tra, phục hồi, bảo tồn hát trống quân Đức Bác, tỉnh Vĩnh Phúc, báo cáo dự án, tư liệu lưu trữ (mã số BĐ 129), 2002.
7, 8, 9. Lê Văn Hảo, Hành trình về thời đại Hùng Vương, Nxb Thanh niên, Hà Nội, 1962, tr.133, 134.
12, 13. Phạm Minh Hương, Trống quân Đức Bác, luận văn thạc sĩ văn hóa học, Viện Nghiên cứu Văn hóa, Viện Khoa học xã hội Việt Nam, Hà Nội, 2004.
Nguồn : Tạp chí VHNT số 352, tháng 10-2013
Tác giả : Nguyễn Đức Hoàng
Bài viết cùng chủ đề:
Festival Huế – Nét đẹp văn hóa dân tộc Miền Trung Việt Nam
Nhận diện âm điệu bài chòi (p2)
Những giá trị trong nội dung hát ghẹo