Về thể loại truyền thuyết trong văn học dân gian thanh hóa


 

1. Mấy vấn đề về thể loại truyền thuyết

Trong loại hình tự sự dân gian, truyền thuyết là một trong những thể loại được các nhà nghiên cứu quan tâm. Chỉ riêng việc nhận thức thế nào là truyền thuyết, đã có khá nhiều kiến giải.

Trong giáo trình Văn học dân gian của Trường ĐHSP Hà Nội, Nxb Giáo dục, 1970, Đỗ Bình Trị đã đưa ra định nghĩa: “Truyền thuyết là những truyện cổ dính líu đến lịch sử mà lại có sự kỳ diệu – là lịch sử hoang đường – hoặc là những truyện tưởng tượng ít nhiều gắn với lịch sử” (1).

Năm 1971, với bài tiểu luận Truyền thuyết anh hùng trong thời kỳ phong kiến, trong sách Truyền thống anh hùng dân tộc trong loại hình tự sự dân gian Việt Nam, Nxb Khoa học Xã hội, 1971, tác giả Kiều Thu hoạch đã đưa ra quan niệm mà cho đến nay vẫn được nhiều nhà nghiên cứu chấp nhận: “Truyền thuyết là một thể loại truyện kể truyền miệng, nằm trong loại hình tự sự dân gian, nội dung cốt truyện của nó kể lại truyện tích của nhân vật lịch sử hoặc giải thích nguồn gốc các phong vật địa phương theo quan điểm của nhân dân, biện pháp nghệ thuật phổ biến của nó là khoa trương, phóng đại, đồng thời cũng sử dụng các yếu tố kỳ ảo, thần kỳ như cổ tích và thần thoại”(2).

Trong giáo trình Văn học dân gian của Trường Đại học KHXH&NV, Nxb Đại học Quốc gia Hà Nội, 2001, Lê Chí Quế đã đưa ra định nghĩa: “Truyền thuyết là một thể loại trong loại hình tự sự dân gian phản ánh những sự kiện, nhân vật lịch sử, danh nhân văn hóa hay nhân vật tôn giáo thông qua sự hư cấu nghệ thuật thần kỳ”(3). Vũ Anh Tuấn cho rằng đây là một định nghĩa rất ngắn gọn nhưng vẫn bám sát đặc trưng thể loại trên cả hai phương diện nội dung và nghệ thuật, phù hợp với nhiệm vụ nghiên cứu, giảng dạy văn học dân gian trong nhà trường (4). Chúng tôi cũng đồng thuận với ý kiến của Vũ Anh Tuấn và còn nhận thấy định nghĩa trên có khả năng mở rộng phạm vi bao quát cả truyền thuyết ở các địa phương, giúp cho việc nghiên cứu đánh giá truyền thuyết trong văn học dân gian ở các địa phương có thể thực hiện được.

Theo quan niệm trên, truyền thuyết là truyện kể dân gian gắn với lịch sử, hay nói cách khác bao giờ cũng “có cái lõi sự thực lịch sử” (5). Như thế, truyền thuyết luôn là một truyện có thật xảy ra trong cuộc sống, có ý nghĩa lịch sử liên quan đến cả cộng đồng và được văn học hóa theo cách kể dân gian. Ở đây, các yếu tố hiện thực, các nhân vật lịch sử được nhân dân hiểu theo cách của mình và gắn với quyền lợi chung của cả cộng đồng – cộng đồng địa phương – cộng đồng dân tộc. Do truyền thuyết bao giờ cũng có cái lõi hiện thực lịch sử được dân gian hóa, cho nên trong trường kỳ lịch sử phát triển của dân tộc, ở bất cứ thời đại nào cũng có những truyền thuyết được xuất hiện, được dân gian sáng tạo nhằm thể hiện thái độ trước hiện thực cuộc sống, hiện thực lịch sử. Điều này góp phần làm cho kho tàng truyền thuyết của dân tộc ngày càng thêm phong phú.

Ở bình diện địa phương, chúng tôi nhận thấy truyền thuyết nên được nhìn nhận một cách cụ thể và mở rộng phạm vi bao quát hơn trên cơ sở quan niệm về đặc trưng thể loại. Bởi ở địa phương, sáng tác dân gian trong các thể loại nói chung cũng như trong truyền thuyết nói riêng vẫn còn nhiều tác phẩm hay và đẹp chưa được tuyển vào kho tàng chung của toàn quốc.

Theo Nguyễn Thị Huế thì các nhà folklore Việt Nam trong khi chỉ ra những đặc điểm chung nhất của thể loại truyền thuyết cũng đã chỉ ra tính địa phương của thể loại này (6).

Truyền thuyết ở địa phương cũng có thể chia thành các cấp độ gắn với lịch sử của một cộng đồng cụ thể.

Cấp độ làng xã, bản mường

Đây là cộng đồng dân cư gắn bó trong phạm vi hành chính nhỏ nhất trong tương quan đơn vị làng – nước. Ở cấp độ này, mỗi cộng đồng dân cư có một số phận lịch sử riêng thể hiện trong việc hình thành cộng đồng và sự phát triển của cộng đồng, các nhân vật lịch sử tiêu biểu của cộng đồng. Từ số phận lịch sử gắn bó trong cộng đồng làng xã – bản mường, nhiều sự tích được dân gian lưu truyền theo đặc trưng thể loại truyền thuyết. Có thể có người coi loại truyện này không phải là truyền thuyết đích thực, song trong phạm vi địa phương, loại truyện này gần với truyền thuyết, mang tính truyền thuyết. Trong các làng bản, loại truyện này rất phong phú, xưa có và nay cũng có. Nó gắn bó chặt chẽ với cuộc sống cộng đồng, ăn sâu trong tâm thức của cộng đồng mà biểu hiện của cõi sâu tâm thức chính là các truyện kể này gắn với hội làng, hội lễ. Thuộc về loại này có các truyện kể về các nhân vật khai dân, lập bản dựng mường, truyện kể về các tổ sư ngành nghề, truyện tích của nhân vật lịch sử ở địa phương hoặc nguồn gốc các phong vật địa phương.

Cấp độ xứ, tỉnh

Cấp độ xứ, tỉnh là cấp độ trung gian giữa làng bản và quốc gia. Ở phạm vi này, có nhiều truyền thuyết phổ biến trong toàn xứ, tỉnh, trong số đó có những truyền thuyết được nhập vào kho tàng truyền thuyết của cả nước, song cũng có những truyền thuyết chỉ đọng lại ở cấp độ xứ, tỉnh. Việc nghiên cứu loại truyền thuyết địa phương chủ yếu là tập trung vào loại truyền thuyết cấp xứ, tỉnh này trên cơ sở các truyện kể được sưu tầm và hệ thống lại cùng với các truyền thuyết ở địa phương đã được hòa nhập trong kho tàng truyền thuyết của quốc gia.

Cấp độ quốc gia

Có những truyền thuyết về những nhân vật lịch sử của dân tộc nhưng lại gắn bó với địa phương về quê hương dòng dõi hoặc sự nghiệp của nhân vật đó gắn với địa phương. Truyền thuyết về những nhân vật như thế có tầm cỡ quốc gia, tuy nhiên trong nghiên cứu lịch sử văn học địa phương, không thể thiếu sự hiện diện của những truyền thuyết này.

Việc chia ra các cấp độ về phạm vi ảnh hưởng, về mức độ phổ biến của truyền thuyết là nhằm xem xét, đánh giá các truyền thuyết ở địa phương một cách đầy đủ sâu sắc hơn. Trên cơ sở đó, mới có cái nhìn bao quát về các truyện kể dân gian thuộc thể loại truyền thuyết ở địa phương.

2. Thể loại truyền thuyết trong văn học dân gian Thanh Hóa

Công việc sưu tầm văn học dân gian ở Thanh Hóa từ trước đến nay đã dần dần làm rõ diện mạo truyền thuyết xứ Thanh. Có những sách tập trung chủ yếu vào truyền thuyết như Truyền thuyết và cổ tích Lam Sơn(7). Song nhiều truyền thuyết ở Thanh Hóa được giới thiệu chung trong các sách như: Sáng tác dân gian về Lê Lợi và khởi nghĩa Lam Sơn (8), Truyện dân gian Thanh Hóa (9), Các nữ thần Việt Nam (10), Văn hóa truyền thống Đông Sơn (11), Kẻ Rỵ Kẻ Chè (12),… Truyền thuyết trong văn học dân gian ở Thanh Hóa có thể khái quát thành các bộ phận sau:

Truyền thuyết về làng xóm, bản mường

Các truyện kể loại này lưu truyền trong làng bản và thường được kể thành những mẩu chuyện để nhắc lại một sự tích, một nhân vật thường là có công khai phá lập nên làng bản. Các truyện kể về nghề nghiệp nổi tiếng như nghề đúc đồng ở làng Chè (xã Thiệu Hưng – Thiệu Hóa), nghề mộc Đạt Tài (xã Hoàng Đạt – Hoàng Hóa) gắn với nguồn gốc của làng và người sáng lập ra nghề – tổ sư của nghề. Loại truyện kể nêu trên rất phổ biến trong các làng bản ở Thanh Hóa, một vùng đất có lịch sử lâu đời gắn liền với sự hình thành các làng bản cổ truyền. Có thể đây là loại truyền thuyết còn thô sơ, song độc đáo vì nó ẩn sâu trong ký ức dân làng và biểu hiện văn hóa làng sâu sắc.

 Việc quan tâm đến loại truyện kể về làng xóm bản mường chỉ có thể tiến hành thuận lợi trong hoạt động sưu tầm nghiên cứu văn học dân gian địa phương. Và việc đặt loại truyện này trong thể loại truyền thuyết là hợp lý vì nó có cái lõi là lịch sử cuộc sống của cộng đồng làng bản. Nhất là với xứ Thanh có cuộc sống lịch sử kể từ Bộ Cửu Chân và một thời tiền sử với di chỉ Núi Đọ, Đa Bút, Hoa Lộc,… Do vậy, việc hình thành làng xóm bản mường có nhiều dấu ấn sâu sắc, đọng lại trong dân gian thành kiểu truyện kể về làng xóm bản mường, có thể xem như là biến thể của truyền thuyết. Trong hoạt động sưu tầm và nghiên cứu truyền thuyết nói riêng, văn học dân gian địa phương nói chung, nếu không quan tâm tới loại truyện kiểu này thì sẽ bỏ đi một nguồn truyện kể giàu ý nghĩa lịch sử và folklore quý giá.

Truyền thuyết về thời các vua Hùng

Địa bàn sinh thành phát triển của truyền thuyết Hùng Vương là vùng đất Phong Châu, mở rộng ra cả đồng bằng Bắc Bộ. Thế nhưng sức lan tỏa của truyền thuyết Hùng Vương vào đến xứ Nghệ mà dấu tích là Đền Cuông- An Dương Vương ở Nghệ An. Ở Thanh Hóa, dấu tích của thời các vua Hùng rất đậm, được ghi lại trong các truyền thuyết và tục lệ, hội lễ sau:

Truyền thuyết về Hùng Trinh Vương và lễ hội làng Hổ Bái: Ở làng Hổ Bái (xã Yên Bái, huyện Yên Định), có đền thờ Hùng Trinh Vương thứ 11, lễ vật đặc biệt là cúng bánh chưng, bánh dày, chè kho. Điều đáng quan tâm là truyền thuyết về Hùng Trinh Vương được ghi thành thần tích, được dân làng kể trong dịp hội làng để thờ vào bốn kỳ trong năm là: ngày sinh (25-8 âm lịch), ngày hóa (ngày 4-4 âm lịch), ngày mừng vua Trần phong sắc (9-2 âm lịch) và ngày khánh tiết (13-1 âm lịch).

Truyền thuyết về Thánh Gióng: Tương truyền trong dân gian, sau khi Thánh Gióng đánh giặc Ân, phóng ngựa sắt vào xứ Thanh, nhảy qua sông Mã, dấu chân còn in dấu trên núi làng Ái (xã Định Hải, huyện Yên Định), người dân xứ Thanh gọi là núi Chân Tiên; ngựa của Thánh Gióng qua sông, lửa đốt cháy cả một làng, nay gọi là làng Còng Cháy (thuộc huyện Vĩnh Lộc), gậy tre ném ra nay thành bụi tre mọc ngược dưới chân núi Sóc. Thánh Gióng phi ngựa đến núi Sóc (Sóc Sơn, xã Vĩnh Hùng) và hóa. Dân trong vùng lập đến thờ ở chân núi này.

Truyền thuyết về An Dương Vương: An Dương Vương sau khi bị mắc mưu Triệu Đà, thất thủ loa thành, cưỡi ngựa đem Mỵ Châu chạy về phía nam. Hiện tại ở Thanh Hóa có hai nơi lưu lại các truyền thuyết về An Dương Vương. Một là ở làng Bình Hòa (xã Quảng Châu, huyện Quảng Xương), có đền thờ An Dương Vương và tượng cụt đầu Mỵ Châu. Dân gian lưu truyền rằng, mỗi khi đền An Dương Vương “rung trống tế” thì “tượng toát mồ hôi”. Hai là vùng biển Nghi Sơn – Biện Sơn (xã Hải Thượng, huyện Tĩnh Gia), có Bãi Ngọc do trai ăn phải máu Mỵ Châu mà nhả ngọc. Ngọc này đem rửa nước giếng dưới chân núi, nơi Trọng Thủy trẫm mình thì sáng lên rực rỡ.

Truyền thuyết các nhân vật lịch sử và văn hóa

Truyện kể về các nhân vật lịch sử và văn hóa ở Thanh Hóa rất phong phú. Nếu điểm lại thì có đến gần một ngàn nhân vật được nhắc tới. Sự ghi chép về các nhân vật ấy phần lớn là dựa vào nguồn truyền thuyết và có thể chia nhân vật trong truyền thuyết ở Thanh Hóa thành hai loại là nhân vật lịch sử và nhân vật văn hóa:

Truyền thuyết về các nhân vật lịch sử: Ngoài các nhân vật kiệt xuất như Bà Triệu, Lê Lợi, các nhân vật lịch sử nổi lên ở Thanh Hóa rất nhiều. Thời tự chủ có thể kể đến như Ngô Xương Xí, còn lưu truyền truyền thuyết ở vùng Bình Kiều (Triệu Sơn); về Dương Tam Kha còn lưu truyền truyền thuyết ở vùng Lỗ Tam Khu (Thiệu Long, huyện Thiệu Hóa). Từ thời Lý trở đi, trong kỷ nguyên độc lập có truyền thuyết về các nhân vật lịch sử như Lê Phụng Hiểu, ở thời Trần có truyền thuyết về Trần Khát Chân,… Mỗi nhân vật hầu như đều gắn với một chuỗi truyền thuyết. Đặc biệt từ thời Lê sơ trở đi, vua Lê, chúa Trịnh, chúa Nguyễn đều là người Thanh Hóa. Do vậy, truyện kể về những nhân vật này lưu truyền ở Thanh Hóa rất phong phú và có thể phân ra các cụm truyền thuyết về các vua Lê, các chúa Trịnh, các chúa Nguyễn. Đồng thời, gắn với các vua chúa, cũng xuất hiện truyền thuyết về các lương thần, danh tướng qua các triều đại. Nhắc tới các truyền thuyết thời kỳ này, có thể thấy cách nhìn nhận, đánh giá cũng như cảm hứng lịch sử của nhân dân Thanh Hóa thể hiện trong việc xây dựng hình tượng nhân vật lịch sử. Có hình tượng còn đơn giản, song cũng có những nhân vật qua sự sáng tạo nghệ thuật dân gian đã trở nên có đường nét, cá tính rõ rệt như Lê Phụng Hiểu, Trần Khát Chân,… Có những nhân vật lịch sử quê ở nơi khác, sự nghiệp lẫy lừng đất nước, song lại có công đức gắn liền với Thanh Hóa trong một thời kỳ nhất định, nên truyền thuyết ở xứ Thanh cũng kể về các nhân vật này nhằm lưu lại dấu ấn và lòng biết ơn sâu sắc của nhân dân địa phương đối với họ. Đó là các truyền thuyết kể về các nhân vật như Lý Thường Kiệt, Trần Nhật Duật,…

Truyền thuyết về các nhân vật văn hóa: Các nhân vật văn hóa (danh nhân văn hóa) ở Thanh Hóa rất đông đảo, góp phần xây dựng nền văn hóa Đại Việt rực rỡ. Có thể kể đến một số nhân vật như Khương Công Phụ – người mở đầu cho khoa cử nước nhà và là tác giả của bài phú nổi tiếng Bạch vân chiếu xuân hải, “xứng đáng là người mở đầu lịch sử văn học viết nước ta”(13). Hoặc như Ngô Chân Lưu là một nhà sư – người có công lao lớn với triều đình Lê, được phong là Khuông Việt đại sư. Hay nhà sử học Lê Văn Hưu đã lưu lại cho hậu thế công trình vĩ đại Đại Việt sử ký; là Lê Bá Quát đã cùng Phạm Sư Mạnh giúp cho phong hóa đời cuối Trần, có nhiều thơ văn nổi tiếng, là Đào Duy Từ có công giúp chúa Nguyễn và từng được coi như Khổng Minh của nước Việt,… Truyền thuyết về các nhân vật này nhìn chung có nội dung đa dạng, phong phú, kể về trí thông minh, tài giỏi, mẫn tiệp của Hà Tống Huân, Trinh Thiết Tường,…; có truyện kể về sự cần cù, hiếu thảo, thanh liêm như Nguyễn Quán Nho; Có truyện kể về tài văn chương, về các công trình khảo cứu được soạn thảo trong những điều kiện đặc biệt như truyện kể về Nhữ Bá Sĩ,… Qua các hình tượng nhân vật của truyền thuyết danh nhân văn hóa,danh nhân lịch sử, ta thấy được cảm hứng tưởng niệm và ngợi ca của dân gian Thanh Hóa khi kể về những con người là những tấm gương có tài có đức. Điều này đã làm cho những trang truyền thuyết của Thanh Hóa vừa mang nét đẹp nghệ thuật vừa mang nét đẹp tôn vinh truyền thống, tôn vinh nhân tài.

Truyền thuyết chống ngoại xâm

Đây là bộ phận truyền thuyết quan trọng nhất trong truyền thuyết xứ Thanh. Truyền thuyết chống ngoại xâm ở Thanh Hóa đã tạo thành những chuỗi hoàn chỉnh lắng kết trong một vùng không gian thiêng liêng, trong đó nhân vật truyền thuyết đã đi vào tâm thức dân gian, hiện diện trong lễ hội, trở thành những hình tượng nghệ thuật độc đáo trong văn học dân gian xứ Thanh và gia nhập vào kho tàng truyền thuyết của cả dân tộc.

Truyền thuyết chống Hán thời Bà Trưng: Hai Bà Trưng phất cờ chống Hán ở Phong Châu, nhiều đoàn quân từ xứ Thanh kéo ra vùng Phong Châu để gia nhập quân Hai Bà; có đoàn đã rước vị thần Đồng Cổ (Đan Nê, xã Yên Thọ, huyện Yên Đinh) cùng lên đường chống Hán. Sau đó thần Đồng Cổ đã được dân làng Nguyễn Xá lập đền thờ và hiện nay vẫn còn được thờ ở làng Nguyễn Xá, Phú Minh, Từ Liêm, Hà Nội. Khi Mã Viện kéo quân sang đàn áp, sự nghiệp Hai Bà thất bại thì nghĩa quân Thanh Hóa kéo về xứ Thanh cố thủ dưới sự lãnh đạo của các tướng như Đô Dương (Thiệu Hóa), Chu Đạt (Triệu Sơn), Lê Thi Hoa (Nga Sơn). Các nhân vật này mỗi người đều có những truyền thuyết kể về sự nghiệp hy sinh vì nước, làm thành một chuỗi truyền thuyết chống Hán ở Thanh Hóa.

Truyền thuyết Bà Triệu chống giặc Ngô: Đây là một chuỗi truyền thuyết đẹp về người con gái xứ Thanh chống giặc Ngô. Cái lõi lịch sử còn để lại những dấu ấn vừa chân thực vừa huyền thoại đã nâng Bà Triệu lên bậc thần thánh và trở thành một hình tượng nghệ thuật độc đáo trong truyền thuyết và văn học dân gian ở Thanh Hóa. Truyền thuyết về Bà Triệu được kể lưu truyền từ vùng Phú Điền (Hậu Lộc), Quan Yên (Yên Định) trở vào Triệu Sơn, Nông Cống và đậm nhất là ở đất Ngàn Nưa – căn cứ chống quân Ngô của Bà Triệu.

Truyền thuyết về cha con Lê Ngọc chống Đường: Chuỗi truyền thuyết này cũng rất phong phú, được lưu truyền kể từ các làng phía tây huyện Đông Sơn (từ Đông Pho Kẻ Rủn) sang đất Triệu Sơn và Nông Cống. Lê Ngọc cùng với bốn người con (ba trai một gái) nổi lên chống quân nhà Đường, sau bị thất bại. Chuỗi truyền thuyết này được lưu giữ lại trong tục thờ Thánh Lưỡng và Đức Thánh ngũ vị ở Đông Sơn, Triệu Sơn, Nông Cống.

Truyền thuyết Dương Đình Nghệ chống quân Nam Hán: Được kể đậm nhất là ở vùng quê của ông – làng Dương Xá (tức làng Giàng), Thiệu Dương, Đông Sơn. Cùng với Dương Đình Nghệ, một số nhân vật lịch sử khác như Ngô Quyền, Dương Vân Nga, Lê Hoàn cũng được kể đan xen vào làm thành chuỗi truyền thuyết đa dạng.

Truyền thuyết về Lê Hoàn chống Tống: bao gồm những câu chuyện kể về ông từ thời thơ ấu, rèn luyện ở lò võ Dương Xá đến chinh phạt giúp Đinh Tiên Hoàng và cả câu chuyện kể mối lương duyên của ông với Dương Vân Nga, về sự nghiệp đánh quân Tống và lên làm vua ở Hoa Lư,…

Truyền thuyết Lê Lợi chống quân Minh: Đây là chuỗi truyền thuyết hoàn chỉnh, chặt chẽ và được cho là đẹp nhất trong văn học dân gian ở Thanh Hóa, mở đầu Nhận gươm và kết thúc bằng chuyện Trả gươm. Chuỗi truyền thuyết về Lê Lợi chống quân Minh trước nay đã được sưu tầm, công bố, lưu truyền, phổ biến khắp các vùng miền xứ Thanh. Ở vùng nào cũng nói lên mối quan hệ mật thiết giữa Lê Lợi với quê hương làng bản của mình trong sự nghiệp chống giặc Minh giành lại nền độc lập cho đất nước. Vì thể chuỗi truyền thuyết này nổi lên hai hình tượng độc đáo là Lê Lợi – người lãnh tụ nghĩa quân Lam Sơn và nhân dân Thanh Hóa trong buổi đầu gian khổ chống giặc Minh (14).

Truyền thuyết về nghĩa quân Tây Sơn Nguyễn Huệ chống giặc Thanh: Phần lớn ghi lại những dấu ấn gắn bó của nhân dân Thanh Hóa (ở các vùng Nông Cống, Triệu Sơn, Thường Xuân, Yên Định, Thạch Thành, Hà Trung, Đông Sơn,…) với nghĩa quân Tây Sơn của Nguyễn Huệ trong việc Tây Sơn tiến quân ra Bắc đại phá quân Thanh.

Truyền thuyết Cần Vương chống Pháp: chia thành các chuỗi nhỏ như: truyền thuyết về Ba Đình, truyền thuyết về căn cứ Ổn Lâm, truyền thuyết về các sĩ phu chống Pháp như Tống Duy Tân, Nguyễn Phương, Cầm Bá Thước… Ở các thời kỳ sau, mảng truyện về truyền thống yêu nước, chống Pháp vẫn còn rất đậm tính hiện thực lịch sử, trong đó có nhiều chuyện được folklore hóa để bước vào văn học dân gian. Sưu tầm và nghiên cứu mảng truyện này, ta có thể tiếp cận con đường hình thành và phát triển của thể loại truyền truyết từ lịch sử chuyển sang văn học ngay trên địa phương Thanh Hóa.

Tóm lại, trong kho tàng văn học dân gian Thanh Hóa, truyền thuyết so với các thể loại khác là một thể loại có tính vượt trội, bởi sự và phong phú về số lượng tác phẩm và đa dạng về chủ đề phản ánh. Nó vừa là văn học dân gian vừa là sử dân gian mà nhân dân Thanh Hóa trân trọng và lưu giữ nhiều thế kỷ nay. Tiếp cận và tìm hiểu hệ thống truyền thuyết xứ Thanh, ta thấy được đời sống lịch sử của xứ Thanh, các danh nhân văn hóa cùng thái độ và tình cảm của người dân Thanh Hóa đối với vận mệnh của quê hương, đất nước; đồng thời nhận thức được vai trò, vị thế của truyền thuyết xứ Thanh trong diễn trình lịch sử văn hóa và văn học dân gian dân tộc.

_______________

1, 2, 3, 4. Dẫn theo Vũ Anh Tuấn, Giáo trình Văn học dân gian, Nxb Giáo dục, Hà Nội, 2012, tr.71-72.

5. Phạm Văn Đồng, Nhân ngày tiỗ Tổ vua Hùng, báo Nhân dân, số 549 ngày 29-4-1969.

6. Nguyễn Thị Huế, Giáo sư Đinh Gia Khánh và những nhận định về đặc trưng các thể loại tự sự dân gian, Tạp chí Nghiên cứu Văn học, số 12-2013, tr.65-77.

7. Nhiều tác giả, Truyền thuyết và cổ tích Lam Sơn, Ty Văn hóa Thanh Hóa xb, 1973.

8. Nhiều tác giả, Sáng tác dân gian về Lê Lợi và cuộc khởi nghĩa Lam Sơn, Sở Văn hóa Thanh Hóa xb, 1985.

9. Nhiều tác giả, Truyện dân gian Thanh Hóa, Nxb Thanh Hóa, 1986.

10. Mai Thị Ngọc Chúc, Các nữ thần Việt Nam, Nxb Phụ nữ, Hà Nội, 1984.

11. Trần Thị Liên, Phạm Văn Đấu, Phạm Minh Trị, Khảo sát văn hóa truyền thống Đông Sơn, Nxb Khoa học Xã hội, Hà Nội, 1988.

12. Lê Huy Trâm, Kẻ Rỵ Kẻ Chè, Nxb Thanh Hóa, 1988.

13. Trần Văn Thịnh chủ biên, Danh sĩ Thanh Hóa, Nxb Thanh Hóa, 1995.

14. Về tính hoàn chỉnh và độc đáo của chuỗi truyền thuyết này, chúng tôi đã có dịp giới thiệu trong bài viết Vùng truyền thuyết – nghi lễ Lam Sơn, Tạp chí Văn hóa Nghệ thuật, số 292, tháng 10-2008.

Nguồn : Tạp chí VHNT số 360, tháng 6-2014

Tác giả : Mai Thị Hồng Hải

Đánh giá post

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *