Về tín ngưỡng của cư dân vùng Tây Nam Bộ


Vùng đất Tây Nam Bộ hay còn gọi là đồng bằng Sông Cửu Long được kiến tạo bởi các thế hệ cộng đồng cư dân khai hoang mở cõi từ thời hoang vắng, hiểm trở, chưa có dấu chân người cách đã vài trăm năm. Các cộng đồng cư dân, do hoàn cảnh lịch sử khác nhau, đã có mặt tại vùng đất này vào những thời điểm khác nhau, chủ yếu là các tộc người Khmer, Việt, Hoa, trong đó người Việt đóng vai trò chủ thể cho sự phát triển vùng đất. Trên các không gian sinh tồn của vùng đất mới, cư dân Tây Nam Bộ đã lựa chọn, phát triển các phương thức sinh kế thích hợp, như làm nông, làm ngư, làm nghề thủ công…, như một sự thích nghi với bối cảnh môi sinh. Các giá trị văn hóa vật chất, văn hóa tinh thần, văn hóa xã hội của cư dân Tây Nam Bộ cũng được hình thành và phát triển trên nền cảnh đó.

Tín ngưỡng là một bộ phận quan trọng của văn hóa vùng Tây Nam Bộ, phản ánh đời sống tinh thần, đời sống tâm linh của các cộng đồng cư dân tộc người trên không gian sinh nhiều thuận lợi nhưng cũng không ít khó khăn. Là một bộ phận của văn hóa cộng đồng, tín ngưỡng vùng Tây Nam Bộ, bên cạnh tính chung, thống nhất của văn hóa tín ngưỡng Việt Nam, còn có tính đặc biệt/ đặc thù khó lẫn so với các vùng đất khác.

 1. Về tín ngưỡng của người Việt

Tín ngưỡng thờ Tổ tiên

Người Việt trong buổi đầu khai phá vùng đất Tây Nam Bộ phải đối mặt với muôn vàn khó khăn hiểm trở, chỗ dựa tinh thần đầu tiên chính là niềm tin vào tổ tiên/ ông bà luôn độ trì, dõi theo, phù hộ cho con cháu vượt qua khó khăn, sống được trên vùng đất mới. Tín ngưỡng thờ cúng Tổ tiên của người Việt vùng Tây Nam Bộ được duy trì và tiếp nối, thể hiện sự tri ân, lòng hiếu thảo, đạo lý “uống nước nhớ nguồn”. Không gian thờ phụng ông bà là bàn thờ, tủ thờ, gian thờ, nhà thờ, tùy vào điều kiện hoàn cảnh kinh tế mỗi nhà. Bàn thờ/ tủ thờ được đặt ở gian giữa của nhà hướng ra cửa chính. Ở chính giữa trên mặt bàn thờ bày bát hương hoặc lư hương, hai bên là hai chân đèn, bên trái đặt chiếc bình bông/ độc bình để cắm hoa, bên phải đặt đĩa thờ mâm ngũ quả theo nguyên tắc “Đông bình Tây quả”. Phía sau bàn thờ là một chiếc bàn nhỏ và thấp hơn dùng để đặt di ảnh hoặc bài vị ông bà. Trên tường vách, phía sau bàn cúng này thường treo tranh phong cảnh sơn thủy, hoặc tranh chữ như “Phước, Lộc, Thọ”. Trên cao, phía trước bàn thờ là bức hoành phi, dọc hai bên có hai câu đối có nội dung nhắc nhở, ca tụng về công lao ân đức của tổ tiên hoặc lòng biết ơn của con cháu. Nhiều gia đình người Việt ở vùng Tây Nam Bộ còn bài trí bàn thờ theo kiểu tiền linh hậu Phật hoặc tiền linh hậu thánh. Theo đó, bàn thờ tổ tiên được đặt ở vị trí trung tâm, trên cao hoặc bên cạnh, gia chủ đặt trang thờ Phật bà Quan âm và trang thờ Quan Vân Trường – Quan Công theo cách gọi dân gian.

Cúng giỗ Tổ tiên hằng năm là một việc làm vô cùng quan trọng, thường tổ chức đám giỗ cho 4 đời: cha mẹ, ông bà, ông bà cố nội, ông bà sơ. Từ đời thứ 5 trở lên, đám giỗ trở thành giỗ hội, ngày giỗ chung của cả họ tộc để tri ân, tưởng nhớ ông Tổ dòng họ. Nhiều tộc họ ở vùng Tây Nam Bộ như Tiền Giang, Đồng Tháp, khi cúng giỗ tổ tiên còn thực hiện lễ “cúng việc lề” nhằm nhận diện tổ tiên, tộc họ. Thông qua vật cúng ngầm định riêng của từng tộc họ, người cùng họ có thể nhận ra nhau, đồng thời sẽ hình dung được những khó khăn gian khổ của tổ tiên trong buổi đầu khẩn hoang. Điều này được thể hiện qua lễ vật và nghi thức giỗ họ, mang tính phổ biến, như: cháo cá ám và cá lóc nướng trui không thiếu trên mâm cúng; thức cúng được bày trên các lá sen, lá chuối, bẹ chuối cùng với nhánh cây nhỏ hoặc cọng sậy, cọng lát, cọng chuối hay miếng lá dứa gai. Tất cả được đặt trên chiếu, trải dưới đất trước sân nhà. Lễ tất khi nghi thức thả bè chuối cùng các vật phẩm được bày trong bè đem thả ra sông rạch, với ý nghĩa đưa tổ tiên về quê gốc, qua đó còn khắc sâu trong tâm khảm con cháu về công lao của ông bà đã không ngại hiểm nguy vượt sông biển vào phương Nam, tạo dựng cuộc sống cho con cháu.

Tín ngưỡng thờ Thành Hoàng

Làng Việt ở Tây Nam Bộ là làng khai phá, với phần lớn lưu dân Việt có nguồn gốc Thuận – Quảng đến khẩn hoang, lập làng, lập xóm. Vị thần bảo trợ cho cộng đồng làng trên mọi mặt của cuộc sống nông nghiệp – thần Thành Hoàng đã được “tái hiện” tại các làng Việt trên cơ sở phát triển truyền thống thờ Thành Hoàng từ vùng quê gốc Trung Bộ/ xứ Quảng. Giống như nhiều đình làng Trung Bộ, Thành Hoàng các làng Việt ở đây không phải là một vị thần cụ thể có ngai tượng và danh tính rõ ràng mà chỉ có chữ “thần” làm biểu tượng thờ kèm danh xưng Thành Hoàng Bổn Cảnh hoặc Thành Hoàng bổn xứ, với vai trò bảo hộ không gian, địa giới của làng; có chức năng và quyền uy của Thổ thần. Ngoài thần Thành Hoàng là chính thần, các đình làng còn phối thờ nhiều vị thần khác, mà phần lớn có nguồn gốc từ vùng ngũ Quảng và Nam Trung Bộ đã gắn bó với cư dân trong lịch sử khai khẩn vùng đất mới. Mỗi đình có thể thờ tự các loại thần khác nhau qua cách bài trí bàn hương án bên bàn thờ Thành Hoàng, nhưng nhìn chung, đình nào cũng có bàn hương án thờ phụng Tiền hiền, Hậu hiền với danh xưng Tiền hiền khai khẩn, Hậu hiền khai cơ nhằm xác tín về niềm tin, sự kính tín, lòng biết ơn của cộng đồng người Việt Tây Nam Bộ đối với công khai phá lập làng của các bậc tiền nhân.

Lễ kỳ yên thường tổ chức hằng năm vào “xuân kỳ” tại các đình làng, biểu hiện sự kính trọng, niềm tin của dân làng đối với thần Thành Hoàng và các bậc thần linh. Đây là lễ cầu an cho cả năm, mà cũng là lễ hội lớn nhất trong năm với mục đích là vía thần Thành Hoàng, cầu mong thần bảo trợ cho mưa hòa gió thuận, mùa màng bội thu.

Tín ngưỡng thờ Mẫu

Thờ Mẫu là tín ngưỡng phổ biến của cả vùng Tây Nam Bộ, trong đó, sự thờ phụng của cộng đồng cư dân Việt là phát triển nhất, với từ xưng hô thân thuộc là Bà. Họ thờ phụng nhiều Bà, trong đó quan trọng nhất là Bà Chúa xứ/ Bà Chúa xứ sở của cả vùng đất Tây Nam Bộ mang hơi hướng truyền thống thờ Mẫu của vùng quê gốc. Ngoài trung tâm thờ phụng chính là núi Sam, thuộc Châu Đốc, An Giang thì hầu như làng Việt nào ở Tây Nam Bộ cũng đều có miếu thờ Bà Chúa xứ. Lễ vía Bà, một sinh hoạt văn hóa tín ngưỡng cộng đồng quan trọng nhất, quy mô nhất, diễn ra thường niên tại núi Sam, từ ngày 23 đến ngày 27-4 âm lịch. Cùng thời gian này, các miếu Bà Chúa xứ ở các làng quê cũng tổ chức lễ vía Bà nhằm cầu an, cầu thịnh cho cộng đồng nông nghiệp.

Nếu Bà Chúa xứ có quyền năng của Mẫu Địa – Thánh Mẫu che chở con người trên mặt đất, thì các Bà khác là biểu thị của các nữ thần hỗ trợ cho các vùng không gian gắn với các nghề mà con người làm ăn sinh sống, như làm nông, làm biển, làm rừng, làm nghề thủ công… Theo đó, phổ biến nhất là Bà Chúa Tiên, Bà Chúa Ngọc, Bà Đại Càn, Bà La Sát, Bà Cửu Thiên Huyền Nữ, Bà Thiên Hậu, Bà Ngũ Hành, Bà Thủy Long Thần Nữ, Bảy Bà (Thất Thánh Nương Nương), Bà Chúa Động, Bà Cố Hỷ, Linh Sơn Thánh Mẫu. Các Bà có nguồn gốc khác nhau, có Bà gốc Việt, gốc Chăm, gốc Hoa, nhưng đều được người Việt thờ phụng, gắn với ước vọng về sự bảo trợ của các Bà cho cuộc sống bình an, đủ đầy, dân đông, vật thịnh.

Tín ngưỡng thờ cá voi

Truyền thống làm nghề sông biển được người Việt mang từ vùng quê gốc (phần lớn có nguồn gốc từ xứ Quảng) vào phát triển tại Tây Nam Bộ, trong đó có tín ngưỡng thờ cá voi – thần Nam Hải bảo trợ cho nghề biển. Thờ cá voi của cư dân biển vùng Tây Nam Bộ không khác mấy so với vùng quê gốc, từ danh xưng, danh thần đến quá trình hóa thiêng, không gian thờ phụng và nghi thức cúng tế. Tuy nhiên, do tác động của bối cảnh môi sinh mới, nên vẫn thấy những sắc thái riêng trong thờ phụng cá voi của cư dân Việt vùng này. Vẫn là thờ thần Nam Hải trong lăng, nhưng có nơi phối tự với Bà Chúa xứ; có nơi phối tự với nhân thần Nguyễn Trung Trực và các vị thần khác như thần nông, Bà Đại Càn…

Thường niên, tại lăng thờ cá Ông, lễ hội Nghinh Ông được tổ chức vào khoảng tháng 3 âm lịch, diễn ra trong ba ngày, gồm: lễ nghinh Ông Nam Hải (đoàn đi nghinh Ông ở Duyên Hải, Trà Vinh có 3 bô lão hóa thân thành bộ ba Quan Công, Châu Xương, Quan Bình đi nghinh rước Ông); lễ tế Tiền chức; lễ tế thần nông và các chiến sĩ trận vong; lễ Chánh tế và lễ Tống quái (tống tàu, tương tự như lễ Tống ôn ở các làng biển xứ Quảng), sau đó là vui chơi giải trí của dân biển, như: hát bội, đua thuyền buồm, đua ghe chèo, đua cà kheo, vá lưới… trình diễn cải lương hoặc đờn ca tài tử.

Tín ngưỡng thờ các nhân vật lịch sử thời cận đại

Nam Bộ giai đoạn nửa cuối TK XIX, là nơi diễn ra các phong trào kháng Pháp xâm lược. Nhiều thủ lĩnh chống Pháp kiên trung đã lãnh đạo dân chúng đứng lên giành độc lập, được lưu danh sử sách, được vinh danh là những anh hùng kháng Pháp. Nơi đã ghi dấu chiến công hoặc nơi hy sinh của các thủ lĩnh được dân chúng hóa thiêng và thờ phụng như những nhân thần/ Thành Hoàng của vùng đất, như: Trương Định (Tiền Giang), Nguyễn Hữu Huân (Tiền Giang), Nguyễn Trung Trực (Từ Long An đến Rạch Giá), Võ Duy Dương (Đồng Tháp), Trần Văn Thành (An Giang), Tứ Kiệt – “Bốn Ông Cai Lậy” (Tiền Giang)…

Lễ giỗ các vị anh hùng chống Pháp hy sinh đã trở thành lễ hội tưởng niệm của dân chúng đối với công lao của các anh hùng. Tiêu biểu cho hoạt động tưởng niệm này là lễ giỗ Nguyễn Trung Trực tại đền thờ Nguyễn Trung Trực ở Rạch Giá (Kiên Giang). Lễ hội diễn ra thường niên, trong 3 ngày: từ ngày 27 đến 29 – 8 âm lịch, trong đó chính hội là ngày 28. Phần lễ gồm các nghi theo cách cúng thần, phần hội là những sinh hoạt văn hóa tín ngưỡng gồm: tái hiện những chiến công nổi bật của Nguyễn Trung Trực, biểu diễn võ thuật, các trò chơi dân gian, các cuộc thi tài, thi khéo (thi nấu ăn, thi làm cộ hoa, thi múa lân)… trình diễn đờn ca tài tử, biểu diễn Lân – Sư – Rồng… Lễ còn là dịp để dân chúng “góp giỗ” ngày giỗ cụ Nguyễn được tươm tất, trọng thể, tạo điều kiện cho khách thập phương đến chiêm bái, phúng viếng “hưởng lộc thần Nguyễn Trung Trực”.

2. Về tín ngưỡng của người Khmer

Người Khmer sinh sống chủ yếu bằng nghề lúa nước. Tín ngưỡng và sự thực hành văn hóa tín ngưỡng của người Khmer gắn bó chặt chẽ với phương thức sinh tồn và chịu ảnh hưởng sâu đậm của Phật giáo Nam tông – tông phái phổ biến trong toàn cộng đồng Khmer vùng Tây Nam Bộ.

Thờ thần bảo hộ

Cũng như các cộng đồng cư dân nông nghiệp khác, người Khmer có nhu cầu được các vị thần linh bảo hộ cho gia đình và cộng đồng trong cuộc sống. Họ tin rằng, những trắc trở trong đời sống hay những may rủi trong lao động sản xuất, nếu được các vị thần trợ giúp, sẽ có thể vượt qua. Nhiều vị thần linh khác nhau, có nguồn gốc nguyên thủy (Bà la môn giáo) được người Khmer tin tưởng thờ cúng, như: Têvôđa – các vị tiên trên trời, hằng năm thay phiên nhau xuống trần gian bảo trợ cuộc sống của người dân; Rea hu – vị thần hung dữ, nuốt mặt trăng gây thất bát mùa màng, nhưng lại bảo vệ cho phụ nữ khi sinh nở; Neak Ta – thần bảo hộ cộng đồng về mọi mặt (tương tự như Thành Hoàng của người Việt); Arak – thần giữ gìn, hộ mạng cho dòng họ.

Hiện nay, các vị thần như Têvôđa, Reahu, Arak ít được tín ngưỡng trong cộng đồng phum sóc, do điều kiện sống của người Khmer ngày càng được nâng cao. Riêng thần Neak Ta vẫn đóng vai trò quan trọng trong đời sống tinh thần cộng đồng, người Khmer tin rằng, đây là vị thần bảo hộ cho đời sống của họ trên tất cả các không gian sống, bảo hộ cho cuộc sống bình yên, no đủ của phum sóc. Phum sóc nào cũng có miếu thờ thần với biểu tượng phổ biến là những hòn đá sa thạch to nhỏ được phủ khăn điều (hãn hữu phum có tượng thần Neak Ta là giống tượng ông Thọ trong bộ tam đa Phúc – Lộc – Thọ). Tại miếu thần, vào những ngày đầu tháng 5 dương lịch hằng năm, cộng đồng phum sóc tổ chức lễ cúng Neak Ta nhằm cầu mưa, cầu an, cầu thịnh cho việc bước vào mùa vụ mới.

Thần Mặt Trăng và lễ cúng Trăng

Tín ngưỡng thần Mặt Trăng có vai trò quan trọng trong cuộc sống nông nghiệp của người Khmer. Mặt Trăng được họ coi như vị thần cai quản, bảo hộ, điều động mùa màng trong năm. Lễ cúng Trăng là để tưởng nhớ và tạ ơn thần đã đem lại mùa màng tươi tốt cho cộng đồng, được tổ chức vào ngày 15-10 âm lịch hằng năm. Lễ cúng Trăng được xem là một lễ hội lớn của người Khmer, còn gọi là lễ Ok om bok. Vật phẩm cúng thần, ngoài các sản phẩm nông nghiệp thì nhất thiết phải làm cốm dẹt (nên cũng được gọi là lễ “đút cốm dẹt”). Lễ cúng được tổ chức tại từng nhà rồi đến các phum, sóc nhằm cầu an, cầu thịnh. Đối với nghi thức cúng Trăng tại nhà, sau khi gia chủ cúng xong liền tiến hành đút cốm dẹt vào từng miệng đứa trẻ và hỏi đứa trẻ ước gì trong năm. Câu trả lời của đứa trẻ được xem như lời “sấm” để gia chủ tin vào điềm lành, dữ trong năm sau về làm ăn, gia đạo. Dịp này, người Khmer tổ chức hội đua nghe ngo trên sông để luyện rèn sức khoẻ, sự dẻo dai, linh hoạt nhằm thích ứng với sông nước trong lao động sản xuất.

Tín ngưỡng tổ tiên và lễ cúng ông bà (Sen Dolta)

Người Khmer không thờ tổ tiên tại gia nhưng tín niệm về tổ tiên, ông bà thì rất sâu đậm và phổ biến trong toàn cộng đồng. Theo đó, cộng đồng người Khmer có hẳn một lễ cúng ông bà, tổ tiên (tiếng Khmer là lễ Sen Dolta), được tổ chức trong 3 ngày, từ ngày 29-8 đến mồng 1-9 âm lịch: Ngày đầu là lễ nghinh đón ông bà về nhà, lên chùa nghe sư sãi đọc kinh; ngày thứ hai mời ông bà vui chơi với con cháu; ngày thứ ba cúng tiễn ông bà về nơi Niết Bàn. Lễ tiễn đưa ông bà về chốn cũ được thể hiện bằng nghi thức thả những chiếc thuyền nhỏ làm bằng bẹ chuối, cau, dừa… xuống sông suối hoặc mương rạch quanh nhà để ông bà đi đến nơi về đến chốn. Lễ giỗ mang tính chất “giỗ hội”, được người Khmer coi như dịp tết của cả cộng đồng, hướng về tổ tiên ông bà với tấm lòng thành kính, biết ơn. Các loại hình diễn xướng đặc trưng của người Khmer như Chầm riêng Chphay, múa trống được biểu diễn vào dịp này.

3. Về tín ngưỡng của người Hoa  

 Sinh nghiệp phổ biến, chủ yếu của người Hoa ở Tây Nam Bộ là thương nghiệp. Trong làm ăn, sinh sống, người Hoa ở vùng này rất tin vào sự bảo trợ của các vị thần trong gia đình cũng như trong cộng đồng. Hai hình thái tín ngưỡng truyền thống rất phổ biến của họ là thờ cúng thần linh trong gia đình, dòng họ và thờ cúng thần linh trong cộng đồng.

Thờ cúng tổ tiên và các vị thần bảo hộ tại gia

Đối với người Hoa, gia đình nào cũng có bàn thờ tổ tiên, được đặt nơi trang trọng nhất trong nhà. Trên ban thờ có bài vị, chân dung người đã khuất. Nghi thức cúng giỗ tổ tiên, ông bà của người Hoa tương tự như người Việt. Ngoài lễ giỗ hằng năm, những sự kiện quan trọng trong gia đình như lễ tết, cưới hỏi, tang ma, gia đình đều có nghi lễ để cáo yết tổ tiên. Cùng với việc thờ cúng tổ tiên trong từng gia đình, người Hoa còn có niềm tin mãnh liệt vào sự thờ phụng các vị thần bảo hộ cho gia đình. Họ thờ ông Thiên (thờ Trời – Ngọc Hoàng Thượng Đế); thờ ông Địa và Thần Tài – hai vị phúc thần cai quản ngôi nhà và đem lại tài lộc cho gia đình trong làm ăn, buôn bán; thờ ông Táo (tam vị Táo quân), vị thần bếp trông coi việc bếp núc, đất đai và các công việc trong gia đình.

Các thần linh được thờ cúng trong cộng đồng

Đó là các vị thần bảo hộ cho cộng đồng người Hoa trong mọi mặt của cuộc sống, như:

 Thờ Bà Thiên Hậu, Mẫu thần của người Hoa nhằm tạ ơn Bà đã hỗ trợ người Hoa vượt biển đến vùng đất mới an toàn, và cầu xin Bà phù hộ cho làm ăn phát đạt, hưởng nhiều tài lộc, xin Bà “hộ mạng” cho người phụ nữ trong gia đình. Nơi thờ Bà gọi là miếu Thiên Hậu, Hán tự là Thiên Hậu cung.

Thờ Quan Thánh Đế Quân, còn gọi là Quan Công, một nhân vật trong lịch sử cổ đại Trung Quốc, tên thật là Quan Vũ, hiệu là Quan Vân Trường. Quan Công là hiện thân của những đức tính tốt đẹp của nhân cách trượng phu, nên được người Hoa kính tín và suy tôn lên hàng Thánh, được thờ phụng ở mọi nơi có cộng đồng người Hoa, gọi là miếu Quan Thánh hoặc chùa Ông. Người Hoa còn quan niệm, Quan Thánh Đế Quân là vị thần hộ mạng của người đàn ông trong gia đình.

Thờ Ông Bổn, đối với cộng đồng người Hoa sinh sống ở Tây Nam Bộ, đây là một vị thần bảo trợ định đoạt phúc họa, thịnh suy cho cộng đồng, giống như Thành Hoàng người Việt và Neak Ta của người Khmer. Ông Bổn được thờ ở miếu, gọi là miếu Ông Bổn, hoặc chùa Ông Bổn. Đa phần người Hoa ở Nam Bộ có quan niệm Ông Bổn là “Phước Đức Chánh Thần”. Tuy nhiên, người Hoa ở Tây Nam Bộ lại tin rằng Ông Bổn là hóa thân của Trịnh Tu Hòa, Châu Đạt Quan – hai sứ thần Trung Hoa, thuộc triều đại nhà Minh, đã có công tạo dựng cho cộng đồng di dân người Hoa có cuộc sống ổn định, lâu dài nơi đất khác. Thờ phụng Ông Bổn thể hiện đạo lý biết ơn, uống nước nhớ nguồn đối với tiền nhân, đồng thời như biểu thị nguồn gốc, sự cố kết cộng đồng người Hoa ở Nam Bộ và Tây Nam Bộ.

Những sinh hoạt văn hóa tín ngưỡng cộng đồng của người Hoa được tổ chức tại các thiết chế tín ngưỡng trên, gồm: Tết Nguyên đán, Nguyên tiêu, Thanh minh, Ðoan ngọ, Trung nguyên (Vu Lan), Trung thu, trong đó có hai lễ hội lớn nhất, đặc trưng nhất của người Hoa là lễ Nguyên Tiêu (Rằm tháng Giêng) và lễ Vu Lan (Rằm tháng Bảy). Vào ngày Nguyên Tiêu, người Hoa tập trung đông đảo tại các cơ sở thờ thần như miếu Ông Bổn, miếu Ông Bảo, miếu Quan Thánh, miếu Thiên Hậu để cúng tạ và cúng cầu các thánh thần xin phù hộ cho cộng đồng gặp nhiều may mắn, làm ăn tấn tới hơn năm cũ. Tại các ngôi miếu, những nguyện ước cho năm mới được người Hoa gửi gắm qua việc cung tiến các vòng nhang lớn nhỏ để thắp hương xin lộc thánh thần. Các sinh hoạt văn hóa nghệ thuật của người Hoa như hát Hồ Quảng, hát Tiều, biểu diễn múa lân – sư – rồng được trình diễn trong lễ Nguyên Tiêu. Ở Trà Vinh, lễ Nguyên Tiêu còn có sự tham gia đông đảo của người Khmer, người Kinh, và đông đảo người Hoa thập phương tham dự.

 Ngày Rằm tháng 7, người Hoa tổ chức lễ Vu Lan còn gọi là lễ xá tội vong nhân cho các vong hồn và cúng siêu độ cho ông bà tổ tiên, những người thân chết bất đắc được về Tây Phương cực lạc. Lễ Vu Lan của người Hoa ở Trà Vinh được gọi là Vu Lan thắng hội, tổ chức trong 4 ngày, từ 25 đến 29-7 âm lịch, tại chùa Ông Bổn, với các nghi thức chủ đạo liên quan đến Phật giáo, như lễ thỉnh kinh, lễ nghinh cô hồn, lễ cầu siêu cho vong hồn, lễ Giương phan, lễ cúng Ngọ, lễ Hoàn kinh, lễ Phóng đăng, Phóng sinh, lễ Đăng đàn thí thực (một lễ thức chính, quan trọng của Lễ Vu Lan), lễ Cầu quốc thái dân an… với sự tham gia của đông đảo người Kinh, người Khmer nơi này và người Hoa từ các tỉnh khác ở miền Tây, miền Đông Nam Bộ, TP.HCM.

Kết luận

Tín ngưỡng của cộng đồng cư dân Tây Nam Bộ là một thành tố quan trọng trong đời sống cư dân, có giá trị như một vốn văn hóa để các cộng đồng xây dựng và phát triển đời sống kinh tế, văn hóa, xã hội trong lịch sử cũng như hiện tại. Nhìn từ giác độ văn hóa, tín ngưỡng vùng đất Tây Nam Bộ là sản phẩm văn hóa đặc trưng của các cộng đồng cư dân trong quá trình thích nghi, thích ứng với vùng đất mới. Các hình thái tín ngưỡng và sự thực hành văn hóa tín ngưỡng trước hết đáp ứng nhu cầu tâm linh, cố kết cộng đồng cùng nhau vượt qua khó khăn bất trắc trong cuộc sống. Sau nữa, đến lượt mình, các tín ngưỡng còn là môi trường gìn giữ và phát huy truyền thống văn hóa tín ngưỡng trong bối cảnh môi sinh mới của cư dân Tây Nam Bộ. Chính bối cảnh môi sinh này đã làm nên những nét đặc trưng khi so sánh tín ngưỡng của vùng đất – không gian văn hóa Tây Nam Bộ với các vùng đất – không gian văn hóa khác ở Việt Nam.

 Tín ngưỡng ở Tây Nam Bộ đa dạng, phong phú, thể hiện một quá trình giao thoa văn hóa giữa các tộc người cùng sinh sống trên một địa bàn. Tín ngưỡng thờ Thành Hoàng và lễ cúng kỳ yên của người Việt và tín ngưỡng Neak Ta của người Khmer có những nét tương đồng trong tâm thức; tín ngưỡng thờ Mẫu của tất cả các tộc người Việt, Khmer, Hoa, Chăm được kết tinh ở hình tượng Bà Chúa xứ Châu Đốc; tục thờ cúng tổ tiên với sự thực hành tín ngưỡng thì tộc người nào cũng có.

Trong lịch sử cũng như hiện tại, các cộng đồng tộc người ở Tây Nam Bộ sống hòa hợp, khoan hòa, trong đó người Việt đóng vai trò quan trọng cho sự phát triển của vùng đất trên mọi phương diện. Tín ngưỡng thờ nhân thần của người Việt (như Tiền hiền, Hậu hiền, cả thủ lĩnh kháng Pháp) nhằm tri ân công đức các bậc Tiền nhân trong quá trình khai phá kiến tạo vùng đất, đồng thời cũng góp phần gắn kết các tộc người cùng chung sống trên vùng đất, tín ngưỡng và lễ hội dạng này của người Việt đã có sự tham gia của các cộng đồng tộc người Khmer, Hoa, Chăm cùng sinh sống trong những địa bàn có thiết chế tín ngưỡng này. Đây là một minh chứng về sự giao thoa văn hóa tín ngưỡng của các cộng đồng cư dân tộc người ở vùng Tây Nam Bộ.

Tài liệu tham khảo

1. Phan An, Dân tộc Khmer Nam Bộ, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2010.

2. Trần Dũng, Đặng Tấn Đức, Diện mạo văn hóa tín ngưỡng và lễ hội dân gian Trà Vinh, Nxb Văn hóa Thông tin, Hà Nội, 2012.

3. Nguyễn Chí Bền, Văn hóa dân gian Việt Nam, những suy nghĩ, Nxb Văn hóa Dân tộc, Hà Nội, 1999.

4. Phạm Thị Phương Hạnh, Văn hóa Khmer Nam Bộ – Nét đẹp trong bản sắc Văn hóa Việt Nam (tái bản), Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2012.

5. Nguyễn Xuân Hương, Thành Hoàng người Việt và Neak Tà của người Khơ Me Nam Bộ, Tạp chí Văn hóa học, số 2, 2015, tr. 72 -76.

6. Tạ Chí Đại Trường, Thần người và đất Việt, Nxb Văn hóa Thông tin, Hà Nội, 2006.

7. Trần Ngọc Thêm (chủ biên), Văn hóa người Việt vùng Tây Nam Bộ, Nxb Văn hóa Văn nghệ, TPHCM, 2014.

Tác giả: PGS, TS Phạm Tiết Khánh

Nguồn: Tạp chí VHNT số 470, tháng 8-2021

Đánh giá post

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *