Xây dựng nông thôn mới (NTM) là chủ trương của Đảng và Nhà nước nhằm mục đích nâng cao hạ tầng kinh tế xã hội nông thôn, làm cho đời sống vật chất và tinh thần của người dân tăng lên, môi trường sống lành mạnh, tạo tiền đề giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc, góp phần xây dựng con người Việt Nam hiện đại và nhân văn. Trong nhiều năm nay, văn hóa cơ sở luôn đóng vai trò to lớn trong xây dựng và phát triển các lĩnh vực của đời sống trên phạm vi cả nước, trong đó có vùng núi phía Bắc. Vì vậy, dù mỗi vùng, mỗi địa phương đặt vấn đề ưu tiên phát triển khác nhau phù hợp với đặc trưng riêng, song, vấn đề quan trọng là không thể không chú trọng nâng cao vị thế của đời sống văn hóa cơ sở trong việc xây dựng NTM hiện nay.
Việc triển khai xây dựng NTM ở nước ta dựa trên bộ tiêu chí quốc gia về NTM, trong đó có hai tiêu chí thuộc lĩnh vực văn hóa là xây dựng cơ sở vật chất văn hóa và xây dựng thôn làng văn hóa. Những năm qua, để hoàn thành các tiêu chí văn hóa trong xây dựng NTM, nhiều địa phương trên cả nước, trong đó có các tỉnh vùng núi phía Bắc, đã tiếp tục đẩy mạnh việc đưa cuộc vận động Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa đi vào chiều sâu, gắn thực hiện cuộc vận động này với hoạt động xây dựng NTM. Những hoạt động phong phú, đa dạng đó đã góp phần xây dựng đời sống văn hóa, nếp sống văn minh, đẩy lùi hủ tục, tệ nạn xã hội; xây dựng, tăng cường hiệu quả hoạt động của hệ thống thiết chế văn hóa, thể thao, du lịch, phục vụ nhu cầu sinh hoạt văn hóa tinh thần cho nông dân.
Ở đây, chúng tôi đề cập một số yếu tố của đời sống văn hóa cơ sở trong xây dựng NTM ở vùng núi phía Bắc, chủ yếu trên hai phương diện, đó là xây dựng thôn bản văn hóa, thể hiện ở nhu cầu, hoạt động văn hóa thôn bản và xây dựng cơ sở vật chất văn hóa, thể hiện ở hệ thống thiết chế văn hóa thôn bản như nhà văn hóa, nhà truyền thống, thư viện, hệ thống phát thanh, truyền hình…
1. Đời sống văn hóa cơ sở trong xây dựng NTM ở vùng núi phía Bắc nhìn từ nhu cầu, hoạt động văn hóa
Hệ thống nhu cầu văn hóa của người dân các tỉnh vùng núi phía Bắc, dù không linh hoạt như miền xuôi, song cũng hết sức đa dạng, phong phú. Vì thế, việc tìm hiểu, phân loại và định hướng nhu cầu văn hóa của người dân từng địa bàn là vấn đề hết sức cần thiết. Nếu không đề ra được một hệ thống tiêu chí phân loại nhu cầu văn hóa của cộng đồng, gia đình, cá nhân ở nông thôn một cách cụ thể thì rất dễ sa vào việc mở quá nhiều hoạt động văn hóa, đáp ứng tràn lan mọi nhu cầu văn hóa, khiến không đạt được hiệu quả cao về văn hóa xã hội cũng như phát triển kinh tế. Đặc biệt, nhu cầu về đời sống văn hóa lành mạnh, phát triển kinh tế hộ, cập nhật thông tin, công nghệ, khoa học kỹ thuật phù hợp với phương thức sản xuất và sinh hoạt văn hóa vùng núi phía Bắc là vấn đề quan trọng. Nó đặt ra cho các nhà quản lý văn hóa nông thôn hàng loạt khía cạnh cần giải quyết, chẳng hạn, quy hoạch thiết chế văn hóa ra sao, quản lý hoạt động văn hóa thế nào, môi trường, môi sinh văn hóa làm sao…
Để đáp ứng được nhu cầu văn hóa, khẳng định vị thế của đời sống văn hóa cơ sở trong phát triển NTM, các tỉnh vùng núi phía Bắc đã có hoạt động văn hóa phong phú, phù hợp. Trên mặt bằng chung, những hoạt động đó có một số điểm đáng chú ý như sau:
Trong thực tế, người nông dân miền núi đánh giá cao hoạt động của truyền hình, phát thanh, báo chí. Nói cách khác, với họ, hoạt động thông tin, truyền thông là một hoạt động quan trọng và đáng tin cậy. Rõ ràng, trong bối cảnh mới, các phương tiện truyền thông đại chúng có vai trò lớn to trong đời sống cũng như trong việc đáp ứng sự hưởng thụ văn hóa của người nông dân, mặc dù hiện nay phương tiện truyền thông ở thôn bản còn ít. Bên cạnh đó, hoạt động lễ hội truyền thống, văn nghệ quần chúng, phong trào Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa, xây dựng làng văn hóa, gia đình văn hóa… cũng được người nông dân miền núi chú trọng. Riêng các hoạt động thư viện, bảo tàng, nghệ thuật chuyên nghiệp chưa thực sự có chất lượng, chưa gắn bó được với đời sống sinh hoạt của họ nên chưa được ưa thích và ít phát huy tác dụng.
Có thể thấy, muốn tăng cường hoạt động văn hóa, góp phần xây dựng NTM ở miền núi phía Bắc, phải kết hợp nhiều hình thức hoạt động, trong đó nổi bật là phong trào xây dựng thôn bản văn hóa, gia đình văn hóa, tổ chức văn nghệ quần chúng ở địa phương, xây dựng khu vui chơi giải trí, tủ sách thôn bản, tủ sách gia đình… Như vậy, người dân miền núi đánh giá cao việc tạo điều kiện cho họ tự làm văn hóa, tự tham gia và tự quản văn hóa.
Những hoạt động thưởng thức nghệ thuật chuyên nghiệp, giao lưu văn nghệ quần chúng các thôn bản cũng được chú trọng, nhưng chưa phải là hoạt động thường xuyên. Các hoạt động dịch vụ văn hóa, sưu tầm nghiên cứu văn hóa dân gian, thông tin lưu động cũng là những hoạt động quan trọng và được quan tâm, phù hợp với tính chất xã hội hóa văn hóa ở nông thôn miền núi. Tuy nhiên, về lâu dài, cần có mô hình kết hợp được nhiều hình thức hoạt động trong một cụm thiết chế văn hóa ở thôn bản để vừa huy động tiềm năng của người nông dân vừa đem đến cho họ những giá trị văn hóa mới.
Cưới xin là một sinh hoạt văn hóa được người dân miền núi chú trọng. Những nghi lễ được nhiều người thực hiện là: lễ gia tiên, lễ ăn hỏi, lễ lại mặt, lễ chạm ngõ… còn các yếu tố khác ít được quan tâm. Việc tổ chức đám cưới ở miền núi hiện nay phù hợp với tập tục cưới xin của từng tộc người, từng địa bàn trên tinh thần tuân thủ quy định mới, ít gây ảnh hưởng phức tạp cho xã hội. Tuy nhiên, hiện nay, ngoài sự kết hợp hài hòa cũ mới, cưới xin ở miền núi cũng đang tái xuất hiện một số yếu tố như ăn uống linh đình, tốn kém, rượu chè, bài bạc… cần chú ý.
Đối với đời sống người dân miền núi, tang lễ cũng là một sinh hoạt văn hóa quan trọng. Bên cạnh những tiến bộ, vẫn tồn tại việc tang theo nghi thức cũ với những hủ tục rườm rà. Như vậy cần chú ý tới mối tương quan giữa các hình thức cũ và mới, sự kết hợp cũ – mới trong từng gia đình, dòng họ, từng nhóm đối tượng dân cư, từng địa phương cho phù hợp với cảm quan tâm lý, tính cách cộng đồng… trong việc thực hành tang lễ.
Lễ hội truyền thống là một loại hình sinh hoạt phù hợp và hữu ích với đời sống văn hóa tinh thần của người dân miền núi. Gần đây, lễ hội truyền thống được phục hồi ở nhiều địa phương, tạo nên một sinh hoạt văn hóa cộng đồng phong phú, bổ ích. Tuy nhiên, bên cạnh những cái được, hiện nay, lễ hội cũng có những biến tướng phức tạp, làm mất đi sự trong sáng và linh thiêng vốn có.
Trong các thôn bản ở vùng núi phía Bắc hiện còn lưu giữ khá nhiều phong tục, tập quán phù hợp với truyền thống sinh hoạt và văn hóa cần được phát huy như: lễ mừng thọ, lễ cúng gia tiên, tục lên lão, lệ khuyến học… Tuy nhiên, bên cạnh đó cũng cần xem xét, nghiên cứu kỹ lưỡng để loại bỏ dần những hủ tục vẫn còn sót lại trong đời sống sinh hoạt thôn làng.
Xây dựng gia đình văn hóa ở các tỉnh vùng núi phía Bắc là một phong trào, nhưng trước hết là một nhu cầu văn hóa mang tính cội nguồn. Ngoài tư cách là một đơn vị văn hóa, gia đình còn là một đơn vị kinh tế cơ bản, giữ vai trò quyết định trong sự chuyển đổi cơ cấu cây trồng, cơ cấu ngành nghề, tạo nên những khía cạnh văn hóa mới cho phong trào xây dựng gia đình văn hóa, thôn bản văn hóa…
Liên cơ sở Bản Phùng huyện Hoàng Su Phì. Ảnh Ngô Chí
2. Đời sống văn hóa cơ sở trong xây dựng NTM ở vùng núi phía Bắc nhìn từ hệ thống thiết chế văn hóa
Thiết chế văn hóa (TCVH) là một hệ thống bao gồm các yếu tố: cơ sở vật chất, bộ máy tổ chức, đội ngũ cán bộ, quy chế hoạt động, nguồn kinh phí…
Cơ sở vật chất văn hóa là yếu tố quan trọng trong TCVH miền núi. Ngoài điện, đường, trường, trạm…, mỗi thôn bản còn có hệ thống nhà văn hóa, khu thể thao, điểm du lịch… được đầu tư bởi nhiều nguồn. Những cơ sở vật chất ấy luôn gắn liền với trang thiết bị, tổ chức bộ máy, số lượng và trình độ cán bộ. Có như vậy, hệ thống TCVH ở NTM mới phát huy được vai trò quan trọng của nó.
Hệ thống TCVH ở thôn bản là nơi người dân đến sinh hoạt, trao đổi thông tin, rèn luyện thân thể để có sức khỏe làm việc, lao động, xây dựng quê hương, học hỏi lẫn nhau và thắt chặt thêm tình đoàn kết. Những điều này sẽ không có được nếu hệ thống TCVH yếu kém, thiếu thốn, lạc hậu, tạm bợ. Thực tế đã cho thấy, nhiều giá trị văn hóa quý báu của các tộc người đã được giữ gìn, nuôi dưỡng, phát huy từ những nhà văn hóa, trung tâm thể thao đơn giản của thôn bản… mà không nhất thiết phải là ở các nhà hát, sân khấu lớn với trang thiết bị hiện đại.
Hệ thống TCVH ở thôn bản giữ vai trò nòng cốt trong tổ chức các hoạt động tuyên truyền chính trị, xã hội ở địa phương; là cơ sở vật chất, công cụ trực tiếp và đắc lực của cấp ủy, chính quyền trong lãnh đạo quần chúng thực hiện các nhiệm vụ chính trị, văn hóa, xã hội.
Các nhà văn hóa, thư viện, bảo tàng, nhà sàn… là nơi để nâng cao đời sống tinh thần và hiểu biết về pháp luật, chính sách, tạo môi trường thuận lợi để người dân miền núi góp ý kiến với các cấp ủy đảng, chính quyền, góp phần xây dựng địa phương, gia đình ngày càng giàu mạnh.
Có thể nói, các TCVH cơ sở ở các tỉnh vùng núi phía Bắc đang góp phần phát triển thôn bản và xây dựng NTM một cách bền vững. Các TCVH hiện có, ở từng mức độ, đang phát huy tác dụng góp phần phát triển đời sống kinh tế và xây dựng đời sống văn hóa lành mạnh.
Hệ thống TCVH có ý nghĩa thúc đẩy sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa các địa phương, nhất là trong việc xây dựng NTM. Sự phát triển các TCVH, một mặt, góp phần đạt tiêu chí NTM; mặt khác, tạo điều kiện để người dân nâng cao mức hưởng thụ văn hóa, khắc phục tình trạng chênh lệch giữa thành thị và nông thôn, giữa miền núi và miền xuôi.
Xây dựng hệ thống TCVH các cấp ở thôn bản hiện đã trở thành nhu cầu bức thiết, đòi hỏi chính đáng của người dân các tỉnh vùng núi phía Bắc. Mỗi cá nhân, gia đình, dòng họ, thôn bản… là một minh chứng sống động, trực quan của việc xây dựng thôn bản văn hóa, bảo vệ bản sắc văn hóa tộc người. Bản sắc văn hóa này chỉ có thể hiện hữu, phát triển mạnh mẽ và trường tồn trong điều kiện TCVH cơ sở ở thôn bản đầy đủ, vững mạnh, hoạt động hiệu quả, góp phần đắc lực vào việc xây dựng thôn bản văn hóa nói riêng và NTM nói chung.
3. Vị thế của đời sống văn hóa cơ sở trong xây dựng NTM ở vùng núi phía Bắc
Trong những năm qua, bên cạnh những thuận lợi, quá trình triển khai xây dựng NTM ở các tỉnh vùng núi phía Bắc còn vấp phải không ít khó khăn như điều kiện tự nhiên phức tạp, kết cấu hạ tầng chưa phát triển, đời sống kinh tế thấp, trình độ dân trí hạn chế… Tuy nhiên, trên cơ sở nhận thức đúng đắn, bằng quyết tâm chính trị cao, các tỉnh miền núi phía Bắc đã đạt được nhiều kết quả đáng khích lệ trong xây dựng đời sống văn hóa cơ sở và xây dựng NTM. Ban Chỉ đạo xây dựng NTM đã được thành lập ở cả ba cấp: tỉnh, huyện, xã với quy chế hoạt động rõ ràng, trong đó phân công nhiệm vụ cho từng thành viên phụ trách các lĩnh vực theo chức năng, nhiệm vụ chuyên ngành cụ thể… Bám sát bộ tiêu chí quốc gia về NTM, nhiều tỉnh đã nhanh chóng ban hành các văn bản hướng dẫn cụ thể để việc thực hiện các tiêu chí phù hợp với tình hình thực tế tại địa phương. Đồng thời, công tác tuyên truyền giáo dục cũng đã được các tỉnh vùng núi phía Bắc đẩy mạnh thực hiện trên diện rộng. Thông qua các phương tiện thông tin đại chúng, bằng nhiều hình thức phong phú, đa dạng đã từng bước giúp cho người nông dân nhận thức đầy đủ về ý nghĩa thiết thực của chương trình xây dựng NTM.
Tính đến thời điểm hiện nay, có trên 80% số xã thuộc các tỉnh vùng núi phía Bắc đã hoàn thành quy hoạch chung xây dựng NTM, tương đương tỷ lệ chung của cả nước; hơn 53% số xã đã hoàn chỉnh đề án xây dựng NTM. Đặc biệt, nhiều tỉnh như Quảng Ninh, Lào Cai, Tuyên Quang, Phú Thọ… đã chủ động quan tâm bố trí nguồn vốn địa phương để đầu tư cho các công trình NTM, đồng thời có cơ chế hỗ trợ xã làm đường giao thông, công trình thủy lợi, cơ sở vật chất văn hóa. Đồng bào các tỉnh vùng núi phía Bắc đã tình nguyện đóng góp hàng triệu ngày công lao động cùng nhiều nghìn tỷ đồng tham gia xây dựng NTM. Phong trào tự nguyện hiến đất xây dựng các công trình NTM cũng đã và đang được đẩy mạnh trên nhiều địa phương: Lào Cai, Quảng Ninh, Hòa Bình, Điện Biên…
Tuy còn không ít khó khăn, đặc biệt là hiệu quả trong việc thực hiện tiêu chí văn hóa còn thấp, nhưng những thành quả bước đầu này đã tạo tiền đề cho việc xây dựng, phát triển và nâng cao vị thế của đời sống văn hóa cơ sở trong xây dựng NTM ở vùng núi phía Bắc.
Trong bối cảnh kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, sự phát triển kinh tế xã hội, việc xây dựng NTM cũng như xây dựng đời sống văn hóa cao, lành mạnh ở các tỉnh vùng núi phía Bắc đang đứng trước những thuận lợi cơ bản cũng như những thách thức không nhỏ. Sự biến động về quy luật phát triển và thực trạng của kinh tế, văn hóa, xã hội ở nông thôn vẫn đang diễn ra một cách nhanh chóng và chắc chắn sẽ có những thay đổi không nhỏ trong tương lai. Tuy nhiên, dù có biến đổi thế nào, với những gì được thể hiện, việc xây dựng đời sống văn hóa, phát triển NTM ở các tỉnh miền núi phía Bắc vẫn giữ được những đặc trưng văn hóa riêng biệt. Đó là những sinh hoạt văn hóa mang đậm nét giản dị, hồn nhiên nơi miền núi và trung du, là hệ thống cơ sở vật chất văn hóa và TCVH ngày càng được quan tâm xây dựng; dân trí ngày càng được nâng cao; những nét đẹp trong giao tiếp, ứng xử, thực hành văn hóa của người dân các tỉnh miền núi phía Bắc ngày càng hoàn thiện…
Với hành trang văn hóa ấy, người dân các tỉnh vùng núi phía Bắc đang tự nâng mình để xây dựng đời sống văn hóa tốt đẹp, lành mạnh hơn; xây dựng và phát triển NTM theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa, ngày càng giàu đẹp, công bằng, văn minh… Đó chính là những minh chứng sinh động không thể phủ nhận, rằng: đời sống văn hóa cơ sở có vị thế và vai trò vô cùng quan trọng trong việc xây dựng và phát triển NTM ở các tỉnh miền núi phía Bắc cũng như trên phạm vi cả nước.
Nguồn : Tạp chí VHNT số 391, tháng 1-2017
Tác giả : NGUYỄN HƯƠNG LY
Bài viết cùng chủ đề:
Tác động của nghề cơ khí và mộc dân dụng đối với đời sống văn hóa làng đại tự
Tư tưởng về đạo đức môi trường ở phương đông
Kiến thức văn hóa của nhà báo, thiếu và sai