Trung tâm Văn hóa – Thể thao xã (TTVHTT xã) là một trong những thiết chế văn hóa, thể thao cơ sở có chức năng tuyên truyền phổ biến đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước; tổ chức các hoạt động văn hóa, thể thao, vui chơi, giải trí đáp ứng nhu cầu hưởng thụ đời sống tinh thần cho nhân dân; bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc,…
Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng xã nông thôn mới có 19 tiêu chí, trong đó có tiêu chí số 6 Cơ sở vật chất văn hóa. Đây là tiêu chí góp phần nâng cao đời sống văn hóa tinh thần của người dân nông thôn. Để đạt được các tiêu chí này, xã phải có Trung tâm Văn hóa – Thể thao (hoặc hội trường đa năng và sân thể thao phục vụ sinh hoạt văn hóa, thể thao của toàn xã); có điểm vui chơi, giải trí và thể thao cho trẻ em và người cao tuổi; 100% ấp hoặc liên ấp có Nhà Văn hóa – Khu Thể thao hoặc nơi sinh hoạt văn hóa, thể thao phục vụ cộng đồng.
Thời gian qua, các ngành, các cấp ở Vĩnh Long đã quan tâm, chú trọng trong việc đầu tư xây dựng, phát triển thiết chế văn hóa, thể thao cơ sở. Tính đến tháng 12/2020, Vĩnh Long có 65 TTVHTT xã (Trung tâm Văn hóa và Học tập cộng đồng xã, Nhà Văn hóa xã), trong đó 52/65 Trung tâm đạt chuẩn.
Tăng cường công tác quản lý, tổ chức hoạt động
Theo Thông tư số 12/2010/TT-BVHTTDL của Bộ VHTTDL quy định mẫu về tổ chức, hoạt động và tiêu chí của TTVHTT xã thì TTVHTT xã do UBND cấp huyện thành lập; chịu sự lãnh đạo của UBND xã, sự chỉ đạo hướng dẫn trực tiếp về nghiệp vụ của Trung tâm VHTT cấp huyện và chịu sự quản lý nhà nước của Phòng VHTT cấp huyện. TTVHTT xã có nhiệm vụ xây dựng các chương trình, kế hoạch hoạt động hằng tháng, quý, năm, trình UBND xã phê duyệt; tổ chức thực hiện các chương trình, kế hoạch sau khi được phê duyệt,…
Một TTVHTT xã được xem là hoạt động hiệu quả phải đảm bảo đạt các chỉ tiêu (quy định tại Thông tư số 12/2010/TT-BVHTTDL) như sau: Tuyên truyền cổ động (12 cuộc/năm); Liên hoan, hội diễn văn nghệ quần chúng (4 cuộc/năm); duy trì hoạt động thường xuyên các CLB (5 CLB trở lên); có Thư viện, phòng đọc sách báo, hoạt động xây dựng gia đình văn hóa, ấp văn hóa, nếp sống văn hóa, bảo tồn văn hóa dân tộc (hoạt động tốt); thu hút nhân dân hưởng thụ và tham gia các hoạt động, sáng tạo văn hóa (tối thiểu 30% trở lên/tổng số dân); thi đấu thể thao (6 cuộc/năm); thu hút nhân dân tham gia tập luyện TDTT thường xuyên (tối thiểu 25%/tổng số dân); thu hút trẻ em trên địa bàn dân cư tham gia hoạt động văn hóa, thể thao (đạt 30% thời gian hoạt động),…
Theo ông Lê Đức Vĩnh Tuyên – Giám đốc Trung tâm Văn hóa Nghệ thuật tỉnh, việc tổ chức các hoạt động văn hóa, văn nghệ, TDTT, vui chơi, giải trí tại các TTVHTT xã ngày càng sôi nổi, đa dạng góp phần tạo dựng môi trường sinh hoạt văn hóa lành mạnh, đời sống văn hóa tinh thần của người dân vùng nông thôn không ngừng được nâng lên. Cụ thể: Trong năm 2019, 64 TTVHTT, xã đã tổ chức chức 309 cuộc liên hoan, hội diễn văn nghệ (thu hút trên 134.722 lượt người xem); tổ chức giao lưu, thi đấu TDTT (thu hút 23.552 VĐV tham gia và trên 79.466 lượt người xem…).Tại 190 điểm đọc sách báo cơ sở, đã luân chuyển 82.643 lượt quyển sách, báo, tạp chí, phục vụ 80.717 lượt bạn đọc; các Trung tâm hiện có 530 CLB với 8.814 hội viên, tổ chức 7.003 buổi sinh hoạt,…
Vẫn theo ông Lê Đức Vĩnh Tuyên, việc khai thác, tổ chức hoạt động tại TTVHTT xã trên địa bàn tỉnh còn gặp nhiều khó khăn như: Nguồn kinh phí cấp cho Trung tâm còn hạn chế; công tác phối hợp của các ban, ngành, đoàn thể địa phương chưa được quan tâm, chặt chẽ trong tổ chức hoạt động; đội ngũ cán bộ chuyên môn quản lý còn yếu; Ban Chủ nhiệm chưa thể hiện, phát huy vai trò tổ chức hoạt động; thiếu cơ cơ sở vật chất, trang thiết bị chuyên dùng,…
Ông Huỳnh Hữu Thái – Phó Chủ tịch UBND xã Trung Hiếu, huyện Vũng Liêm cho biết: TTVHTT xã hoạt động kém hiệu quả là do địa phương còn thiếu kinh nghiệm trong công tác quản lý, tổ chức hoạt động; trang thiết bị phục vụ vui chơi cho trẻ em ngoài trời chưa được đầu tư nên không thu hút được thiếu nhi; đa số thành viên Ban Chủ nhiệm làm kiêm nhiệm, nhiều việc nên không có thời gian quản lý, tổ chức hoạt động; kinh phí cấp cho Trung tâm chưa đáp ứng so với nhu cầu thực tế. Ở phương diện khác, hiện nay, đa số lực lượng thanh thiếu niên đi làm ăn xa ở các thành phố lớn nên khi tổ chức các hoạt động văn hóa, văn nghệ, TDTT ở cơ sở không thu hút được nhiều người tham gia.
Phát huy vai trò của cấp ủy Đảng, chính quyền cơ sở
Để góp phần nâng cao chất lượng hoạt động, phát huy vai trò, trách nhiệm quản lý, khai thác có hiệu quả các TTVHTT xã, vừa qua, Sở VHTTDL Vĩnh Long đã tổ chức Hội nghị tổng kết công tác TTVHTT xã và Tọa đàm “Giải pháp nâng cao chất lượng hoạt động TTVHTT xã”. Tại đây, các đại biểu đã chia sẻ nhiều kinh nghiệm, cách làm, mô hình tổ chức tổ hoạt động mang lại hiệu quả cho TTVHTT xã.
Theo ông Trần Công Bằng – Công chức VHXH xã Long Phước, huyện Long Hồ, trong việc nâng cao hiệu quả hoạt động TTVHTT xã, yếu tố con người là rất quan trọng; mặt khác, Đảng ủy, UBND xã phải thật sự quan tâm. Cần phát huy vai trò của Ban Chủ nhiệm trong công tác quản lý, tổ chức. Cùng với đó, lãnh đạo các ban, ngành, đoàn thể ở xã phải tăng cường liên kết khi tổ chức các hoạt động tại trung tâm.
Còn theo ông Huỳnh Văn Biển -Công chức VHXH xã Thới Hòa, huyện Trà Ôn: Ngay từ đầu năm, Ban Chủ nhiệm phải xây dựng kế hoạch hoạt động cụ thể để tham mưu Đảng ủy, UBND xã phê duyệt; TTVHTT xã phải thường xuyên được đầu tư, thay thế các cơ sở vật chất, trang thiết bị để tổ chức hoạt động.
Xã Hậu Thành, huyện Trà Ôn là địa phương đi đầu, tiêu biểu trong việc thực hiện xã hội hóa để phát triển TTVHTT xã, bà Vinh Thị Vạn Hạnh – Công chức VHXH xã Hựu Thành cho biết: Hằng năm, sau khi xây dựng kế hoạch hoạt động cho trung tâm trình UBND xã phê duyệt, Ban Chủ nhiệm dựa trên lịch tổ chức các hoạt động để kêu gọi các doanh nghiệp, Mạnh Thường Quân trong và ngoài xã đóng góp, ủng hộ các hoạt động phong trào văn hóa, văn nghệ, TDTT phục vụ người dân.
Với khó khăn về nhân sự, vì đa số làm công tác kiêm nhiệm, vai trò chính là công chức VHXH (kiêm nhiệm nhiều việc tại UBND xã), ông Lưu Khắc Phối – Phó Chủ tịch UBND xã Tường Lộc, huyện Tam Bình cho biết: Chính quyền cơ sở phải sắp xếp nhân sự, phân công công việc cho công chức VHXH và những thành viên của các ngành được cơ cấu trong Ban Chủ nhiệm cần phải hài hòa để đảm bảo cho các thành viên có thời gian tham gia quản lý, tổ chức hoạt động tại TTVHTT xã được thường xuyên, liên tục.
Chia sẻ kinh nghiệm về hiệu quả hoạt động tại các TTVHTT xã trên địa bàn huyện trong thời gian qua, ông Lê Ngọc Đức – Phó Chủ tịch UBND huyện Tam Bình cho biết: Chúng tôi đã chỉ đạo Phòng VHTT, Trung tâm VHTTTT huyện tham mưu xây dựng đề án tổ chức hoạt động TTVHTT xã. Trong đề án có quy định kinh phí hoạt động cụ thể cho các Trung tâm; đồng thời, chỉ đạo UBND xã xây dựng kế hoạch hằng năm triển khai thực hiện đề án; Phòng Tài chính – Kế hoạch huyện phải cấp kinh phí, phân ra từng mục chi riêng cho hoạt động TTVHTT xã. Về thực hiện công tác xã hội hóa, huyện cũng giao nhiệm vụ cho Bí thư, Phó Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch, Phó Chủ tịch UBND xã đứng ra vận động, kêu gọi xã hội hóa ngay từ đầu năm, phải xây dựng kế hoạch thực hiện vận động xã hội hóa cho Trung tâm.
Vẫn theo ông Nguyễn Ngọc Đức, để đảm bảo hoạt động tại của TTVHTT xã, cần phải xây dựng quy chế hoạt động, đây được xem là nền. Trong quy chế, phải quy định nhiệm vụ cụ thể cho từng thành viên để tham gia quản lý, tổ chức hoạt động, cuối năm phải có tổng kết, đánh giá hiệu quả hoạt động. Ngoài ra, các ban, ngành, đoàn thể địa phương cũng phải xây dựng quy chế hoạt động, trong đó, có nội dung phối hợp tổ chức hoạt động tại TTVHTTxã.
Theo ông Phan Văn Giàu – Giám đốc Sở VHTTDL Vĩnh Long, muốn nâng cao hiệu quả hoạt động của TTVHTT xã, cấp ủy Đảng ở xã phải thật sự quan tâm, chỉ đạo các ban, ngành, đoàn thể địa phương trong việc phối hợp tổ chức hoạt động; phân công một thành viên trong Ban Thường vụ hoặc cấp ủy theo dõi, chỉ đạo, thường xuyên kiểm tra, báo cáo tình hình hoạt động. UBND cấp huyện chỉ đạo Phòng Tài chính – Kế hoạch phân bổ kinh phí cụ thể cho TTVHTT xã; quan tâm đầu tư mua sắm cơ sở vật chất, trang thiết bị chuyên dùng.
Và Ban Chủ nhiệm, ngay từ đầu năm, phải xây dựng kế hoạch tổ chức hoạt động gắn với kinh phí được cấp trình UBND xã phê duyệt; sử dụng kinh phí được cấp đúng mục đích. Quan tâm, linh hoạt, đa dạng công tác xã hội hóa để đầu tư phát triển và tổ chức hoạt động tại Trung tâm. Các địa phương cũng cần quan tâm bố trí, sắp xếp nhân sự, phân công việc tổ chức các hoạt động tại TTVHTT xã; tiếp tục duy trì, phát triển các CLB, đội, nhóm sở thích,…
Tác giả: Nguyễn Hữu Thoại
Nguồn: Tạp chí VHNT số 438, tháng 9-2020
Bài viết cùng chủ đề:
Note ngay các trải nghiệm du lịch Huế dịp Valentine chi tiết nhất
Tổng kết công tác thi đua Văn hóa, Thể thao và Du lịch Cụm Bắc Trung Bộ
HÒA BÌNH: Hội thảo khoa học Kỷ niệm 70 năm Chiến dịch Hòa Bình (1951 – 2021)