Vở kịch “Thức tỉnh” – thay cho lời cảnh báo nạn mua bán người

Trong những năm gần đây, tội phạm mua bán người đã trở thành nỗi nhức nhối không chỉ ở Việt Nam mà trên phạm vi toàn thế giới. Điều đáng lo ngại là loại tội phạm này đang diễn biến ngày càng phức tạp với tính chất và thủ đoạn ngày càng tinh vi, đa dạng, khó phát hiện, hoạt động liên tỉnh, xuyên quốc gia, có sự câu kết chặt chẽ giữa người mua, người bán, môi giới, dẫn dắt. Thế giới đang gióng lên hồi chuông cảnh báo về nạn mua bán người, một “cuộc chiến” chưa có hồi kết của nhân loại.

Tệ nạn buôn người, mua bán người đã và đang diễn ra khắp nơi. Tội phạm mua bán người trực tiếp xâm hại đến tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm con người, để lại những hậu quả đau lòng khiến cho bao mảnh đời bị sa vào cạm bẫy, để rồi không ít người gặp phải cảnh oái oăm. Mua bán người được coi là một trong những tội ác nghiêm trọng nhất chống lại loại người và vi phạm nhân quyền. Nạn mua bán người đã, đang và tiếp tục diễn ra, vào bất kỳ thời điểm nào và tại bất kỳ nơi nào.

Thực hiện ý kiến chỉ đạo của UBND tỉnh Hà Tĩnh và các ngành liên quan, hưởng ứng Ngày toàn dân phòng chống mua bán người (30/7), Trung tâm Văn hóa – Điện ảnh tỉnh Hà Tĩnh đã xây dựng chương trình nghệ thuật sân khấu ca kịch qua vở diễn “Thức tỉnh”. Đây là chương trình tuyên truyền có ý nghĩa thiết thực nhằm giúp khán giả, người dân hiểu rõ hơn các vấn đề liên quan đến hành vi mua bán người. Có sự đầu tư kỹ lưỡng cả về nội dung kịch bản, âm nhạc, thiết kế mỹ thuật, đạo diễn…, vở diễn đã được đông đảo khán giả đón nhận, để lại nhiều ấn tượng tốt đẹp, tạo sức lan tỏa sâu rộng, đem lại hiệu ứng tích cực trong công tác tuyên truyền. Sau 13 đêm diễn tại các địa bàn huyện thị trong tỉnh, chương trình đã thu hút hơn 10.000 khán giả.

Cảnh cuối trong vở diễn “Thức tỉnh” 

Vở kịch đưa khán giả đến với một cái kết buồn, bởi trong mỗi chúng ta, ai chẳng mưu cầu một cuộc sống tốt đẹp và mỗi người đều tìm kiếm cơ hội cho mình. Tuy nhiên, nếu lựa chọn con đường xuất khẩu hoặc di cư bất hợp pháp, cái giá phải trả có thể sẽ rất đắt, không chỉ bởi pháp luật mà đôi khi còn bằng cả sức khỏe và tính mạng…

Không phải bến bờ nào cũng có nơi neo đậu

Có hạnh phúc nào không qua những khó khăn…

Một khán giả tại xã Cương Gián, huyện Nghi Xuân sau khi xem xong vở kịch đã thốt lên: “Nếu các cô chú về diễn vở kịch này cách đây mấy năm thì gia đình tôi đã không mất đứa con rồi…”.

Tác giả: Mai Quyền

Nguồn: Tạp chí VHNT số 453, tháng 2-2021

Đánh giá post

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *