Xây dựng mối quan hệ giữa công an và nhân dân trong giai đoạn hiện nay


Sinh thời Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chỉ rõ: “Công an của ta là công an của nhân dân, vì dân mà phục vụ và dựa vào nhân dân mà làm việc. Nhân dân ta có hàng chục triệu người, có hàng chục triệu tai, mắt, tay, chân. Nếu biết dựa vào nhân dân thì việc gì cũng xong” (1). Đồng thời, Người cũng đã nêu lên một trong những tư cách của người công an cách mạng: “Đối với nhân dân, phải kính trọng, lễ phép”. Đó là những tư tưởng triết lý, mang tính nhân văn sâu sắc thể hiện rõ chiều sâu tư tưởng trong việc quan tâm, chăm lo và duy trì, củng cố mối quan hệ đoàn kết gắn bó máu thịt giữa công an và nhân dân trong mọi giai đoạn, thời kỳ cách mạng.

Trong sự nghiệp đấu tranh cách mạng giải phóng dân tộc, thống nhất non sông đất nước, cũng như trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước hiện nay, cán bộ, chiến sĩ lực lượng công an nhân dân (CAND) đã được nhân dân hết lòng đùm bọc, thương yêu, giúp đỡ trong mọi điều kiện, hoàn cảnh khó khăn. Cán bộ, chiến sĩ lực lượng công an luôn kiên định với mục tiêu, lý tưởng chiến đấu của Đảng là độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội, mưu trí, linh hoạt, dũng cảm để bảo vệ an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội, sự bình yên của nhân dân. Mối quan hệ gắn bó máu thịt giữa công an và nhân dân đã được thực tiễn lịch sử cách mạng Việt Nam kiểm nghiệm và chứng mình bằng những hành động, việc làm thiết thực, cụ thể, càng trong những điều kiện hiểm nguy, thì tinh thần gắn kết giữa công an và nhân dân lại càng được bộc lộ, phát huy một cách cao độ hơn bao giờ hết. Vượt qua bao thăng trầm của cuộc sống và ảnh hưởng bởi những mặt trái của cơ chế thị trường, cán bộ, chiến sĩ lực lượng CAND vẫn ngày đêm làm việc không quản vất vả nắng, mưa, miệt mài, hăng say trên những cung đường, ngõ xóm để giữ gìn trật tự an toàn xã hội, với tinh thần vì nước quên thân, vì dân phục vụ, lo bữa ăn của dân, gác cho dân an giấc, bồi đắp tin yêu, hy vọng vào tiền đồ tươi sáng của tổ quốc. Do vậy, dựa vào nhân dân đã trở thành mục tiêu, phương châm hành động cho cán bộ, chiến sĩ lực lượng CAND, nếu không dựa vào nhân dân, lắng nghe ý kiến của nhân dân thì những hoạt động của cán bộ, chiến sĩ lực lượng CAND trong giữ gìn trật tự an toàn xã hội cũng khó đạt được những kết quả như mong muốn.

Trước ảnh hưởng bởi những mặt trái của cơ chế thị trường đang len lỏi vào đời sống nhân dân, hiện tượng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống ở một bộ phận cán bộ, đảng viên kể cả cán bộ cao cấp vẫn đang hiện hữu; cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng lãng phí ở nước ta mặc dù đã đạt được những kết quả nhất định nhưng vẫn chưa được đẩy lùi; tình trạng quan liêu, xa dân, hách dịch, ăn chặn và vòi vĩnh của dân, thậm trí dọa nạt, ức hiếp nhân dân vẫn còn xuất hiện ở một số nơi, đặc biệt là ở vùng sâu, vùng xa, vùng nông thôn; bên cạnh đó, tình hình tội phạm liên tục gia tăng về số lượng với tính chất, mực độ ngày càng nguy hiểm, manh động hơn… đã đặt ra những yêu cầu rất cao về bản lĩnh chính trị, năng lực chuyên môn và sự quyết tâm cao trong việc đấu tranh không khoan nhượng với các loại tội phạm để giữ vững trật tự an toàn xã hội, sự bình yên cho nhân dân của cán bộ, chiến sĩ lực lượng CAND. Trong giai đoạn hiện nay, để xây dựng mối đoàn kết gắn bó máu thịt giữa công an và nhân dân cần thực hiện tốt một số vấn đề chính yếu cơ bản sau:

Thường xuyên rèn luyện phẩm chất, nhân cách của người chiến sĩ CAND theo 6 điều Bác Hồ dạy

Đây là vấn đề quan trọng có ý nghĩa quyết định để không ngừng củng cố, phát triển mối đoàn kết gắn bó máu thịt giữa công an và nhân dân. Thực tiễn lịch sử đã chỉ rõ cho mối quan hệ giữa công an và nhân dân luôn đoàn kết, thống nhất với nhau về tư tưởng và hành động. Hai tiếng “nhân dân” đã trở thành niềm tin, lẽ sống để mỗi cán bộ, chiến sĩ CAND không ngừng hoàn thiện mình về phẩm chất đạo đức, lối sống để gây lòng tin cậy, yêu mến của nhân dân trong mọi điều kiện, hoàn cảnh. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nhắc nhở: “Công an đế quốc là nanh vuốt của đế quốc để hà hiếp áp bức đa số nhân dân… CAND phải là kiểu mẫu, phải là người chuyên trách thi hành chính sách, phương châm của Đảng, Chính phủ cho tốt. CAND phải thực sự phục vụ nhân dân” (2). Vì vậy, rèn luyện về phẩm chất nhân cách, đặc biệt là vấn đề về đạo đức nghề nghiệp, lối sống của đội ngũ cán bộ CAND phải được đặt lên hàng đầu, như cơm ăn, nước uống hàng ngày, không có sự bằng lòng, thỏa mãn với những gì bản thân đã có mà phải thường xuyên, kiên trì phấn đấu rèn luyện các tiêu chuẩn, quy định của ngành công an và những yêu cầu do thực tiễn khi tiếp xúc với nhân dân đặt ra. Có như vậy, nhân dân mới kính trọng, yêu mến, sẵn sàng kề vai, sát cánh cùng họ trên con đường đấu tranh, đẩy lùi các tệ nạn xã hội, trấn áp các loại tội phạm để giữ gìn an ninh, trật tự an toàn xã hội, đem lại cuộc sống bình yên cho cả xã hội.

Muốn vậy, cán bộ, chiến sĩ lực lượng CAND luôn thấm nhuần 6 lời căn dặn của Chủ tịch Hồ Chí Minh; giải quyết triệt để các yêu cầu, bức xúc của nhân dân, không để lợi ích vật chất điều hành, chi phối trong công việc, quan hệ, tiếp xúc với nhân dân; có bản lĩnh chính trị vững vàng không dao động trước khó khăn, thử thách, không chèn ép, dọa nạt nhân dân. Đặc biệt, thực hiện tốt Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XII (3), Chỉ thị số 03/CT-BCA-X11, ngày 18-4-2014, của Bộ trưởng Bộ Công an về tiếp tục siết chặt kỷ luật, kỷ cương, điều lệnh, xây dựng nếp sống văn hóa vì nhân dân phục vụ; Chương trình hành động số 08-CTr/ĐUCA và Hướng dẫn số 11-HD/ĐUCA (X11) của Đảng ủy Công an Trung ương; Thông tư số 27/2017/TT-BCA, ngày 22-8-2017, của Bộ trưởng Bộ Công an quy định về quy tắc ứng xử của CAND; tổ chức phát động và thực hiện có hiệu quả nhiều cuộc vận động, phong trào thi đua trong toàn lực lượng: “Công an nhân dân học tập, thực hiện 6 điều Bác Hồ dạy”, “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh – CAND vì nước quên thân, vì dân phục vụ”, “CAND chấp hành nghiêm điều lệnh; xây dựng nếp sống văn hóa vì nhân dân phục vụ”, “Xây dựng phong cách người CAND bản lĩnh, nhân văn, vì nhân dân phục vụ”, nhằm hướng tới xây dựng lực lượng CAND cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại, thực sự là “thanh bảo kiếm” bảo vệ Đảng, Nhà nước, nhân dân và chế độ xã hội chủ nghĩa, phục vụ thắng lợi sự nghiệp xây dựng và bảo vệ tổ quốc trong tình hình mới.

Tích cực, chủ động phối hợp với nhân dân tham gia có hiệu quả vào công tác đấu tranh, tố giác, phòng chống tội phạm

Cán bộ, chiến sĩ lực lượng CAND phải nhận thức rõ rằng: dựa vào dân là nhân tố quyết định đến thành công của việc phá án, công tác đấu tranh, tố giác, phòng chống tội phạm có đạt được hiệu quả hay không cũng phụ thuộc rất lớn vào nhân dân. Do đó, trong mọi hoạt động công tác, cán bộ, chiến sĩ lực lượng CAND phải tích cực, chủ động đẩy mạnh các hoạt động tuyên truyền, giáo dục để nâng cao nhận thức, trách nhiệm cho quần chúng nhân dân nhận thức rõ tình hình của từng loại tội phạm để có phương án dự phòng cho các tình huống có thể xảy ra; nêu cao tinh thần cảnh giác cách mạng không để cho các loại tội phạm dụ dỗ, mua chuộc nhân dân; vận động nhân dân tham gia vào các phong trào của lực lực CAND như: phong trào toàn dân bảo vệ an ninh tổ quốc, phong trào giữ gìn trật tự an ninh thôn, xóm, vùng địa bàn, phong trào toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa… Đặc biệt, mỗi cán bộ, chiến sĩ CAND luôn gần dân, sát dân, đi sâu vào quần chúng nhân dân để nắm bắt đặc điểm, tình hình của từng địa bàn, từng gia đình, từng người để phối hợp công tác và giải quyết kịp thời có hiệu quả những tình huống có thể xảy ra. Sự phối hợp công tác hoạt động của cán bộ, chiến sĩ lực lượng CAND không chỉ diễn ra trong một thời điểm, giai đoạn mà đó là quá trình lâu dài, liên tục gắn liền với các nội dung, hình thức, biện pháp khác nhau. Phát huy tính chủ động, sáng tạo của quần chúng nhân dân trong tham mưu, đề xuất cho cán bộ, chiến sĩ lực lượng CAND vào quá trình tổ chức thực hiện nhiệm vụ, đảm bảo trật tự an toàn xã hội ở địa bàn cư trú, phòng, chống các loại tội phạm khác nhau. Sự phối hợp giữa cán bộ, chiến sĩ lực lượng CAND càng chủ động, tích cực bao nhiêu thì hiệu quả công tác đấu tranh, tố giác, phòng chống tội phạm càng cao bấy nhiêu. Qua đó, góp phần quan trọng vào việc hoàn thiện các phẩm chất, nhân cách của người cán bộ CAND trong tình hình mới.

Xử lý kiên quyết, kịp thời những hành vi tham ô, lãng phí, mất dân chủ, xâm hại đến lợi ích chính đáng của nhân dân

Đây là vấn đề rất khó khăn, phức tạp vì liên quan, đụng chạm đến quyền lợi con người nhưng không vì thế mà để cho những hành vi tham ô, lãng phí, mất dân chủ, xâm hại đến lợi ích chính đáng của nhân dân phát triển một cách tràn lan. Trong thời gian gần đây, Đảng ta đã nhóm lên ngọn lửa mở đầu cho cuộc đấu tranh loại trừ những hành vi tham ô, tham nhũng, lãng phí ra khỏi bộ máy lãnh đạo và đã nhận được sự đồng tình ủng hộ mạnh mẽ của các tầng lớp nhân dân trong xã hội. Nằm trong guồng quay đó, lực lượng CAND cũng tích cực, chủ động đẩy mạnh cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng và đạt được kết quả khả quan, nhiều vụ án, nhiều cán bộ cao cấp đã bị đưa ra ánh sáng của công lý, đặc biệt, những hoạt động bảo kê, ức hiếp nhân dân, lợi ích nhóm, vun vén cá nhân, ăn chơi sa đọa, không quan tâm đến đời sống của nhân dân đã bị lật tẩy, lấy lại được lòng tin của nhân dân. Theo đó, việc xử lý kịp thời những cán bộ, chiến sĩ CAND có hành vi tham nhũng, lãng phí cần phải được tiến hành nghiêm túc từ trên xuống dưới, không có vùng cấm và sự nể nang, né tránh; đồng thời, quá trình đấu tranh đó được tiến hành hệ trọng, từng bước một, không chủ quan, nôn nóng, đốt cháy giai đoạn. Kiên trì, kiên quyết trong việc định hướng xây dựng các phẩm chất, nhân cách của người chiến sĩ CAND; nắm bắt, giải quyết kịp thời những tâm tư, tình cảm, nguyện vọng, hoàn cảnh và những biểu hiện vi phạm nguyên tắc tập trung dân chủ, ức hiếp nhân dân của cán bộ, chiến sĩ thuộc quyền quản lý… Có như vậy, mới tạo nên sự chuyển biến về tư tưởng và hành động cho cán bộ, chiến sĩ lực lượng CAND trong quá trình thực hiện các nhiệm vụ, giữ vững mối đoàn kết gắn bó máu thịt giữa công an và nhân dân trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ tổ quốc.

Xây dựng mối quan hệ gắn bó máu thịt giữa công an và nhân dân trong giai đoạn hiện nay cũng đồng thời là quá trình không ngừng hoàn thiện phẩm chất, nhân cách của người chiến sĩ CAND theo 6 điều Chủ tịch Hồ Chí Minh đã dạy. Đó là những yêu cầu rất cụ thể, thiết thực, phản ánh tính chất, đặc thù công tác theo từng chức trách, nhiệm vụ của cán bộ, chiến sĩ lực lượng CAND. Phẩm chất, nhân cách của cán bộ, chiến sĩ lực lượng CAND không phải là sự cộng lại giản đơn các nhiệm vụ được giao mà đó là quá trình phấn đấu rèn luyện, học tập công tác lâu dài, bền bỉ, liên tục không ngừng nghỉ trong mọi hoạt động kể cả trong công việc, cuộc sống, cũng như đối diện với các tình huống khó khăn, phức tạp. Đây là mấu chốt và cũng là điểm mở để xây dựng mối quan hệ gắn bó giữa công an và nhân dân ngày càng bền chặt, thực sự là “thanh bảo kiếm” vững chắc của Đảng, Nhà nước và nhân dân trong giữ gìn trật tự an toàn xã hội, đảm bảo sự bình yên cho cuộc sống của nhân dân.

_________________

1. Hồ Chí Minh, Toàn tập, tập 5, Nxb Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 2009, tr.355.

2. Hồ Chí Minh, sđd, tập 6, tr.365.

3. Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII, Nxb Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 2016.

 

Tác giả: Lê Anh Dũng

Nguồn : Tạp chí VHNT số 412, tháng 10 – 2018

 

Đánh giá post

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *