Xây dựng thôn bản đặc sắc văn hóa – nghĩ từ việc bảo tồn, phát huy văn hóa tộc người khơ mú (tiếp theo số 408)


Văn hóa tinh thần

Người Khơ mú là tộc người có kho tàng văn hóa dân gian đặc sắc. Qua các công trình nghiên cứu của Khổng Diễn, Đặng Thị Oanh, Trần Tất Chủng, Chu Thái Sơn…, chúng ta có thể thấy được những nét văn hóa dân gian đặc sắc của tộc người này, từ văn học dân gian, phong tục lễ tết, tri thức y học dân gian… Trong bối cảnh đương đại, dưới tác động đa chiều và những lựa chọn chủ quan, nhiều nét sinh hoạt văn hóa đó không còn nữa. Qua các nguồn tư liệu đã xuất bản và đặc biệt, thông qua điền dã có thể thấy, nhiều sinh hoạt văn hóa truyền thống đã mất đi, nhiều giá trị đứng trước nguy cơ bị mai một do biến đổi về sinh kế, về lối sống của đồng bào.

Về văn học dân gian: người Khơ mú có đời sống văn học dân gian phong phú. Các xuất bản phẩm như: Truyện cổ Khơ mú, Văn hóa dân gian của người Khơ mú tỉnh Điện Biên (15) cho chúng ta thấy một kho tàng truyện cổ rất đặc sắc của tộc người này, chủ yếu xoay quanh các chủ đề về nguồn gốc tộc người, lịch sử tụ cư hay các câu truyện về phong tục…

Về nghi lễ: đồng bào vẫn duy trì đều đặn việc tổ chức cúng ma bản, thờ cúng tổ tiên, tín ngưỡng vật tổ và các nghi lễ nông nghiệp như lễ tra hạt, cúng hồn lúa, lễ cầu mưa, lễ ăn mừng cơm mới và cúng chữa bệnh. Sinh hoạt nghi lễ của người Khơ mú không có nhiều thay đổi so với truyền thống. Qua thực tiễn chúng tôi thấy, sinh hoạt nghi lễ của đồng bào rất phong phú và có nhiều điểm thú vị còn duy trì, đặc biệt là trong các điều kiêng kỵ. Trong lễ cúng cơm mới, đồng bào bắt buộc chọn cúng vào ngày Bính của tháng 9 âm lịch. Ngày này được xem là ngày kiêng (16) của đồng bào, chỉ ngày đó thần thánh mới đến. Trong ngày này, đồng bào kiêng vác củi, vác cây và cả ngày đêm kiêng người ra vào bản, cổng bản cắm ta leo, khi nào gỡ ta leo ra thì người ngoài và cả người trong bản mới được đi ra đi vào, ai vi phạm sẽ bị phạt rất nặng. Một điều đặc biệt    là trong lễ cúng, thày cúng sẽ khấn gọi thần  trăng (17) trước, sau đó mới khấn gọi đến bố mẹ, tổ tiên. Tết cơm mới được coi là tết truyền thống của người Khơ mú và hiện nay vẫn còn duy trì được nhiều tập tục đặc sắc của đồng bào.

Về nghệ thuật dân gian: nhạc cụ và dân vũ là những đặc sắc trong văn hóa dân gian của đồng bào. Có thể thấy, đây là tộc người đã sáng tạo thành công và sử dụng rất nhiều các thể loại nhạc cụ, nhạc khí dân gian đặc trưng của những đồng bào sống ở địa bàn rẻo giữa. Có thể kể đến thằm đao đao (nhạc cụ làm bằng ống nứa) với chiều dài 60-80cm, dùng cho phái nữ, mang lại giai điệu tình tứ du dương); mbring rơbang (đàn trống) làm bằng tre với hai bộ phận riêng biệt là đàn và trống; đàn môi, pitơm (sáo dọc) làm bằng ống nứa, dài từ 60-80cm, sử dụng cho nam để bày tỏ tình cảm với bạn tình; pi tót (sáo dọc) làm bằng nứa, gồm hai ống một dài một ngắn, sử dụng cho nam; pi tót boi (sáo thổi bằng mũi) làm bằng nứa, do phụ nữ sử dụng; ho rơ (sáo nhiều ống), làm từ 4 đến 8 ống nứa, theo số chẵn, mang đến âm thanh vui nhộn, có thể sử dụng trong nhiều sinh hoạt cộng đồng; bring tơ nếch (đàn dây), làm từ cây luồng (18). Ngoài ra, múa dân gian cũng là một trong những đặc sắc văn hóa của người Khơ mú. Điệu múa dỗ ống hay còn gọi là tăng bu là một điệu múa được sử dụng rộng rãi trong các sinh hoạt cộng đồng. Đây là một điệu múa đơn giản nên chúng tôi tin rằng, mọi du khách đều có thể tham gia cùng cộng đồng trong trải nghiệm văn hóa tộc người.

Văn hóa tinh thần của người Khơ mú rất đặc sắc trong so sánh với văn hóa vật chất. Do ít biến đổi trong sinh kế nên các sinh hoạt văn hóa tinh thần mang màu sắc của cư dân nông nghiệp về cơ bản vẫn được bảo tồn. Điều đặc biệt là, mặc dù trong đời sống, người Khơ mú chịu ảnh hưởng rất nhiều của các tộc người cư trú xung quanh, đặc biệt là người Thái. Tuy nhiên, họ vẫn giữ được các nét đặc sắc của tộc người chứ không hòa lẫn vào văn hóa Thái…

Văn hóa tổ chức đời sống

Một điểm nổi bật trong tổ chức đời sống của người Khơ mú là tính cộng đồng làng bản bền chặt, dựa trên quan hệ láng giềng (19). Một bản có nhiều gia đình của vài hay nhiều dòng họ cùng cư trú. Tính cộng đồng được thể hiện không chỉ ở tinh thần tương thân tương ái trong cộng đồng mà còn thể hiện rất rõ ở việc, một bản sẽ có những tài sản được xem là tài sản chung, đó là những khu vực đất canh tác, nơi chôn cất người chết, sông suối… mà tất cả các thành viên của bản đều có thể được khai thác. Đặc điểm này giống với quan niệm về sở hữu cộng đồng của người Tây Nguyên trong việc khai thác rừng đầu nguồn, đất nông nghiệp, sông suối của một sinh kế ăn rừng. Chúng ta cũng có thể cảm nhận được điều này ngay từ khi bước vào bản của người Khơ mú ở Pa Xa Xá. Con đường trong bản được làm rất nhỏ hẹp, hai nhà đối diện nhau gần đến mức con đường cho ta cảm giác giống như cái sân nhỏ trước hai nhà. Đặc điểm kiến trúc làng bản này làm cho tình làng nghĩa xóm của đồng bào rất chặt chẽ. Chúng tôi cho rằng, tính cộng đồng làng bản là một trong những nét đặc sắc còn lưu giữ được của người Khơ mú, là một đặc điểm mang tính giá trị đặc trưng trong văn hóa của tộc người này. Theo khảo sát của chúng tôi, sở dĩ người Khơ mú vẫn duy trì tốt cuộc sống của mình với mức thu nhập bình quân xấp xỉ 600.000đ đến 620.000đ/ tháng là nhờ vào một là, tập quán tự cấp tự túc và hai là, vấn đề quan trọng hơn chính là ý thức cộng đồng với tinh thần tương trợ lẫn nhau. Nhiều gia đình khi được hỏi: “Ông/ bà đã dựng ngôi nhà này như thế nào?” thì câu trả lời mà chúng tôi thu nhận được đều là: Người trong gia đình sẽ vào rừng chặt gỗ, tre… về tích lũy dần, sau đó, đến lúc tích đủ thì cả bản sẽ cùng nhau dựng ngôi nhà mới. Quá trình dựng ngôi nhà mới thường chỉ phải chi phí những thứ như xi măng, gạch, cát, còn lại là công sức của bà con. Việc tổ chức ăn uống để phục vụ cho người làm giúp cũng lấy từ sản phẩm của nông nghiệp như gạo nếp, rượu gạo (tự nấu), thuốc lá (tự cuốn), rau cỏ và các loại thịt gia cầm, gia súc. Một cụ già chia sẻ khi chúng tôi bày tỏ sự ngạc nhiên về văn hóa ứng xử của đồng bào: “Chúng tôi ít phân biệt của tôi của anh, nhà nào có việc, từ ma chay, đám cưới đến làm nhà làm cửa, chúng tôi đều cùng nhau làm và coi như việc của nhà mình thôi. Đến như việc cho người vào Ủy ban xã làm, chúng tôi cũng phân chia nhau, không muốn để một nhà nhiều người vào ủy ban quá, bà con không thích đâu” (20).

3. Xây dựng thôn bản đặc sắc nhằm phát huy giá trị di sản văn hóa trong phát triển bền vững

Chúng ta đều biết, bản là đơn vị sinh sống và sản xuất cơ bản nhất của đồng bào dân tộc thiểu số, là đơn vị cơ bản trong sự vận hành xã hội, kinh tế của vùng dân tộc. Ở đây, khái niệm thôn bản đặc sắc là chỉ thuộc tính và nội hàm đặc thù của các thôn bản, nơi vừa là địa điểm cư trú của đồng bào, vừa có đặc trưng tộc người rõ rệt để có thể trở thành một bảo tàng sống về văn hóa tộc người. Khái niệm thôn bản đặc sắc văn hóa tộc người thiểu số dùng để chỉ nơi cư trú của một cộng đồng dân tộc thiểu số có đặc trưng tộc người rõ ràng, có di sản văn hóa độc đáo, hài hòa thống nhất với môi trường sinh thái, có chức năng sinh sống và sản xuất tương đối hoàn thiện. Việt Nam cũng đã xây dựng được một số lượng không nhỏ bản đặc sắc văn hóa tộc người của người Thái, người Mông, người Tày, người Mường như bản Lạn (huyện Bắc Mê, Hà Giang), Bản Lác (huyện Mai Châu, Hòa Bình), Bản Ten (huyện Điện Biên, tỉnh Điện Biên)…, bước đầu đã cho thấy hoạt động tương đối hiệu quả, tạo sức hút lớn đối với du lịch…

Như trên đã đề cập, một số lý do dẫn đến việc tộc người Khơ mú có thể bảo tồn tốt được những sinh hoạt văn hóa đặc sắc của tộc người là do: điều kiện cư trú (biệt lập, đảm bảo sinh kế); lối sống và tâm lý tộc người; tác động của các chính sách. Từ thực tế đó, chúng ta thấy, trong bối cảnh hiện nay, khi câu chuyện về nâng cao đời sống kinh tế đối với đồng bào các dân tộc thiểu số đang là một vấn đề được đặc biệt quan tâm và việc cần giải quyết mối quan hệ giữa văn hóa và phát triển thì trong tất cả các bước, chúng ta cần hết sức thận trọng. Theo khảo sát của chúng tôi, ở bản Pa Xa Xá hiện có các chương trình và chính sách hỗ trợ phát triển như sau: chương trình 135; chương trình hỗ trợ hộ nghèo vay vốn của ngân hàng chính sách; chương trình hỗ trợ giống cây trồng, vật nuôi cho hộ nghèo; chương trình bò giống cho người nghèo nơi biên giới của Viettel; chương trình bò giống cho người nghèo của Hội nông dân tỉnh.

Ngoài ra cũng có các chính sách chung trong toàn tỉnh được đặt trong các chương trình hành động lớn như: chương trình Tây Bắc, chương trình mục tiêu quốc gia về các lĩnh vực y tế, giáo dục, kinh tế, văn hóa…

Dưới tác động của những chính sách về kinh tế, giáo dục, y tế, văn hóa…, đời sống của bà con đã và sẽ có nhiều biến đổi, trong đó, vấn đề rất dễ chịu tác động đó là sự thay đổi về sinh kế. Và chắc chắn rằng, khi sinh kế, lối sống của cộng đồng thay đổi, nó sẽ kéo theo những biến đổi về văn hóa. Vậy làm sao để giải quyết được mối quan hệ giữa kinh tế và văn hóa, làm sao để sự phát triển về kinh tế không trở thành một vấn đề mâu thuẫn với việc bảo tồn văn hóa trong cộng đồng này, thiết nghĩ, điều rất cần phải chú ý ở đây là khai thác phải dựa trên nền tảng của sinh kế truyền thống. Việc đảm bảo duy trì sinh kế là một trong những yêu cầu cơ bản để có thể bảo tồn được văn hóa. Đồng thời, với những lợi thế chúng ta phân tích trên đây, việc xây dựng thôn bản đặc sắc văn hóa tộc người Khơ mú phục vụ phát triển du lịch là một hướng khả thi, có thể đáp ứng được nhu cầu phát triển bền vững văn hóa tộc người nơi đây.

Đề xuất việc xây dựng thôn bản đặc sắc văn hóa tộc người Khơ mú tại bản Pa Xa Xá, chúng tôi xuất phát từ những cơ sở khoa học và thực tiễn như sau:

Một là, về địa bàn cư trú: Bản Pa Xa Xá cách trung tâm thành phố Điện Biên không xa (chưa đầy 30km). Hạ tầng giao thông hiện nay có thể đáp ứng được phát triển du lịch với xe 45 chỗ có thể đi lại thuận tiện. Bản Pa Xa Xá nằm ở xã biên giới Việt – Lào, có thể phát triển du lịch vùng biên. Hơn nữa, quanh bản Pa Xa Xá, có thể khai thác các điểm du lịch sinh thái hấp dẫn như động Pa Thơm – một hang động nổi tiếng với vẻ đẹp kỳ vĩ, tự nhiên. Cũng có thể kết nối với khai thác du lịch vùng tộc người Cống, người Lào trong xã, khoảng cách không xa. Trước hết, ở xã Pa Thơm, đây là một xã biên giới, giáp Lào. Pa Thơm nói riêng và mở rộng ra trong phạm vi chừng 10km có nhiều di sản văn hóa có thể tổ chức thành tuor du lịch, chẳng hạn như trên đường từ thành phố Điện Biên, qua huyện Điện Biên để vào xã Pa Thơm, chúng ta đi qua các địa danh lịch sử, văn hóa như Đồi A1, nghĩa trang liệt sĩ Điện Biên Phủ, Bảo tàng chiến thắng    lịch sử Điện Biên Phủ, khu Hận thù Noong  Nhai (21), khu di tích thành Bản Phủ và đền Hoàng Công Chất… Ngoài ra, xã Pa Thơm còn là nơi núi non trùng điệp, thoáng đãng, mang đặc trưng của văn hóa rẻo giữa, dân cư thưa thớt, môi trường sinh thái tốt với động Ba Thơm nổi tiếng. Bên cạnh các bản của người Khơ Mú, các bản của người Lào, người Cống cũng là những địa chỉ có thể làm du lịch khám phá, du lịch trải nghiệm. Đây có thể được xem là những điều kiện tốt để khai thác du lịch.

Hai là, về sinh kế: Đồng bào chủ yếu dựa vào sinh kế sản xuất nông nghiệp trồng trọt, trong đó, trồng trọt lúa nương – một đặc trưng của văn minh nương rẫy của những cộng đồng sinh sống ở rẻo giữa vẫn là sinh kế chính của đồng bào nơi đây với việc duy trì các công cụ sản xuất, phương pháp canh tác, các nghi lễ nông nghiệp. Ruộng nương phục vụ nông nghiệp trồng trọt ở đây về cơ bản còn rất nhiều, đảm bảo cung cấp đủ và dư thừa nguồn lương thực cho sinh hoạt của bà con và là nguồn thu nhập chính của đồng bào.

Ba là, về nhu cầu của người dân: Trong quá trình khảo sát, khi được hỏi: Nếu chúng tôi đưa khách du lịch, cả người trong nước và nước ngoài đến ở trong nhà để anh chị nấu cơm cho ăn, cho họ ở cùng hai, ba ngày, anh chị có sẵn sàng không? Tất cả các câu trả lời chúng tôi thu được đều là có, họ sẵn sàng làm nếu công việc đó mang lại nguồn thu nhập cho gia đình.

Tuy nhiên, trên cơ sở điều kiện nội tại của cộng đồng, để có thể xây dựng được thôn bản đặc sắc văn hóa tộc người, chúng tôi thiết nghĩ cần làm tốt các công tác sau đây:

Một là, cải thiện điều kiện thôn bản, xây dựng cơ sở hạ tầng thuận lợi và điều chỉnh môi trường dân cư. Đối với bản Pa Xa Xá, hiện nay về điều kiện sinh hoạt của bà con, có thể dùng để phát triển du lịch. Điều kiện nhà ở, bếp nấu ăn… có thể đáp ứng được hoạt động du lịch. Tuy nhiên, về cảnh quan thôn bản, theo chúng tôi còn một số điểm phải cải tạo. Thứ nhất, đó là điều kiện vệ sinh môi trường. Có thể thấy, tập quán chăn thả gia súc, gia cầm làm cho đường sá trong bản rất mất vệ sinh, chắc chắn không thể đáp ứng được đòi hỏi của du khách. Hai là, bản còn thiếu một không gian sinh hoạt chung giống như đình làng, nhà văn hóa của người Việt hay nhà Rông của người Tây Nguyên. Chúng tôi cho rằng, không gian sinh hoạt chung đó sẽ là điều kiện quan trọng để bảo tồn các hiện vật văn hóa của tộc người, đồng thời thêm một địa chỉ tham quan cho du khách.

Hai là, bảo tồn kiến trúc nhà truyền thống. Bản đặc sắc dân tộc Khơ mú chắc chắn không thể thiếu kiến trúc nhà độc đáo, mang màu sắc tộc người. Để làm được điều này, ngay lập tức chúng ta phải có chính sách bảo tồn các nhà hiện tồn, mặt khác, cần khuyến khích các nhà xây mới mang đặc điểm kiến trúc dân tộc.

Ba là, đào tạo ngành nghề đặc sắc và tìm hướng ra cho sản phẩm thủ công. Người Khơ mú có nghề đan lát là một nghề thủ công truyền thống đặc sắc. Nói như Đặng Nghiêm Vạn: Đồ đan của người Khơ mú rất bền và đẹp, là nguồn thu lợi của đồng bào. Đồ đan của đồng bào cung cấp cho hầu hết các dân tộc trong vùng (22). Sản phẩm đan lát của người Khơ mú có thể phục vụ cho các nhu cầu đựng, để trong các công việc vận chuyền, làm đồ gia dụng, quà tặng và đồ sính lễ trong cưới xin. Ngày nay, khi nền văn minh công nghiệp với sản xuất hàng loạt, sản phẩm thủ công ngày càng có điều kiện khẳng định vị trí trong đời sống, đặc biệt, có thể sử dụng như một món quà lưu niệm đối với khách du lịch. Chính vì lẽ đó, việc quảng bá và giúp đỡ người dân trong việc xây dựng và phát triển nghề thủ công sẽ là một việc làm có ý nghĩa. Truyền thống cho thấy, người Khơ mú rất giỏi trong việc lựa chọn nguyên liệu khác nhau cho việc đan lát các sản phẩm khác nhau (23). Bên cạnh tri thức về lựa chọn nguyên vật liệu, người Khơ mú còn giỏi ở kỹ thuật đan lát, trong đó có những kỹ thuật chỉ người Khơ mú mới biết, chẳng hạn như kiển đan taleohó để tạo ra các sản phẩm như mặt mâm mây, đáy, nắp đậy các loại gùi (24). Điều đặc biệt, nghề đan của người Khơ mú chủ yếu là do người đàn ông thực hiện và nghề đan được xem là một tiêu chí đánh giá người đàn ông Khơ Mú. Theo cụ Ón ở bản Pa Xa Xá, người đàn ông Khơ mú ai cũng biết đan. Sản phẩm đan có thể dùng được từ dăm ba năm đến vài chục năm và nhà nào cũng sử dụng đồ đan lát.

Bốn là, bảo tồn và phát triển đặc sắc văn hóa tộc người. Để đáp ứng được các mục tiêu mà chúng ta đề cập đến trên đây, việc phát triển văn hóa đặc sắc tộc người là một việc không thể không làm. Điều đáng mừng là hiện nay, văn hóa tộc người Khơ mú ở bản Pa Xa Xá trong nhìn nhận, đánh giá của chúng tôi là còn giữ được nhiều nét truyền thống, chúng ta có thể dựa vào đánh giá hiện trạng, trên cơ sở so sánh, đối chiếu với các tài liệu đã xuất bản, kết hợp với phương pháp chuyên gia để có thể xây dựng đề án để bảo tồn, xây dựng và phát triển đặc sắc văn hóa tộc người.

Trong bức tranh đa dạng của văn hóa các tộc người ở Điện Biên, người Khơ mú là một trong số ít tộc người còn lưu giữ được nhiều nét văn hóa truyền thống, mang đặc trưng của văn hóa nương rẫy ở khu vực miền núi phía Bắc Việt Nam. Tuy nhiên, trong bối cảnh hiện nay, dưới tác động đa chiều cạnh với những biến đổi về sinh kế và tác động của những chính sách, nhiều thách thức đối với việc giữ gìn đặc sắc văn hóa tộc người tiếp tục được đặt ra. Vì thế, để văn hóa có thể tham gia vào như một yếu tố quan trọng trong phát triển kinh tế của vùng tộc người, thiết nghĩ cần phải có một chiến lược tổng thể và bài bản, tránh tình trạng từ chỗ làm dịch vụ sẽ làm méo mó các giá trị văn hóa truyền thống.

_______________

15. Đặng Thị Oanh, Tòng Văn Hân, Đặng Thị Ngọc Lan, Văn hóa dân gian của người Khơ mú tỉnh Điện Biên, Nxb Mỹ thuật, Hà Nội, 2016.

16. Theo quan niệm của đồng bào, chỉ ngày này thần thánh mới về.

17. Theo người Khơ mú, thần trăng có công chặt cây đa, cây đa hút dinh dưỡng, từ đó mới có cơm để nuôi sống đồng bào. Thần trăng được xem như ông cậu, bà mợ trong đời sống người Khơ mú.

18, 19. Chu Thái Sơn (chủ biên), Người Khơ mú, Nxb Trẻ, TP. HCM, 2006, tr. 86, 64.

20. Tư liệu điền dã của tác giả, tháng 12-2017 (qua trò chuyện với ông Chượng, 72 tuổi ở bản Pa Xa Xá).

21. Nơi diễn ra trận càn quét khốc liệt của Pháp trong chiến dịch lịch sử Điện Biên Phủ làm chết gần như cả bản.

22. Đặng Nghiêm Vạn, Nguyễn Trúc, Nguyễn Văn Huy, Thanh Thiên, Những nhóm dân tộc thuộc ngữ hệ Nam Á ở Tây Bắc Việt Nam, Nxb Khoa học Xã hội, 1972, tr.68.

23, 24. Khổng Diễn (chủ biên), sđd, tr.98, 100.

Nguồn : Tạp chí VHNT số 409, tháng 7 – 2018

Tác giả : NGUYỄN THỊ THU HOÀI

Đánh giá post

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *