Trong Dự thảo Báo cáo chính trị trình Đại hội XIII của Đảng, phần viết về “Các đột phá chiến lược” trong phát triển đất nước, Đảng ta đã nêu rõ đột phá chiến lược thứ hai là: “Phát triển nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao (…) khơi dậy khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc, phát huy giá trị văn hóa, sức mạnh con người Việt Nam trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc” (1).
Đây là quan điểm lý luận mới của Đảng ta về phát triển giá trị văn hóa, sức mạnh con người – nguồn lực đặc biệt để xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Nhằm mục đích nâng cao nhận thức về vấn đề này, rất cần thiết phải phân tích làm rõ thêm cơ sở lý luận và thực tiễn của quan điểm phát huy giá trị văn hóa và sức mạnh con người trong sự nghiệp đổi mới, hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng hiện nay.
1. Quan điểm lý luận mác xít về sức mạnh của văn hóa, con người
Sinh thời, C. Mác và Ph. Ăng ghen nêu rõ về sự hình thành con người: “Trước hết là lao động, sau lao động và đồng thời với lao động là ngôn ngữ; đó là hai kích thích chủ yếu đã ảnh hưởng đến bộ óc của con vượn, làm cho bộ óc đó dần dần chuyển thành bộ óc của con người” (2). Tức là bộ óc của “động vật xã hội”, có ý thức, có tinh thần. Bàn tay con người không chỉ là khí quan lao động mà còn là sản phẩm của lao động đã “… đạt trình độ hoàn thiện rất cao khiến nó có thể, như một sức mạnh thần kỳ, sáng tạo ra các bức tranh của Raphaen, các pho tượng của Tovanxen và các điệu nhạc của Paganini” (3). Xét đến cùng, con người là sản phẩm của lao động, là kết quả tiến hóa lâu dài của tự nhiên, đồng thời con người là “động vật xã hội”, có ý thức, có tinh thần và vẫn tiếp tục lao động vươn lên để không ngừng tiến hóa, hoàn thiện (cả cơ thể sinh học và ý thức người).
Từ những nghiên cứu cơ bản về nhân loại, C. Mác, Ph. Ăng ghen khẳng định: con người là chủ thể của lịch sử, xã hội (thông qua hoạt động thực tiễn tác động vào tự nhiên, cải biến tự nhiên, xã hội, thúc đẩy lịch sử phát triển), nhưng con người cũng là sản phẩm của thời đại, của dân tộc, giai cấp và quần chúng nhân dân chính là chủ thể sáng tạo ra lịch sử. C. Mác nêu rõ : “Bản chất con người không phải là cái trừu tượng cố hữu của những cá nhân riêng biệt. Trong tính hiện thực của nó, bản chất con người là tổng hòa những quan hệ xã hội” (4). Không thể có con người chung chung, trừu tượng thoát ly khỏi điều kiện lịch sử xã hội. Bản chất của con người được hình thành và biến đổi theo sự hình thành và biến đổi của các quan hệ xã hội.
Tựu trung lại, con người là thực thể tự nhiên, đồng thời là thực thể xã hội, vừa là sản phẩm,vừa là chủ thể của lịch sử, xã hội, cộng đồng, mang tính dân tộc, tính lịch sử, tính giai cấp, tính nhân loại. Các nhà sáng lập Chủ nghĩa Mác – Lê nin đã khẳng định, văn hóa chính là trình độ người, sức mạnh người của con người trong hành trình, khám phá, cải tạo, chinh phục tự nhiên để sinh sống và phát triển: “Căn cứ vào mức độ tự nhiên được con người biến thành bản chất người, tức là mức độ tự nhiên được con người khai thác, cải tạo thì có thể xem xét được trình độ văn hóa của con người” (5).
Vận dụng quan điểm lý luận khoa học của Chủ nghĩa Mác – Lê nin về văn hóa và con người, Chủ tịch Hồ Chí Minh nêu rõ: “Vì lẽ sinh tồn cũng như mục đích cuộc sống, loài người mới sáng tạo và phát minh ra ngôn ngữ chữ viết, đạo đức, pháp luật, khoa học, tôn giáo, văn học nghệ thuật, những công cụ sinh hoạt hàng ngày về mặc, ăn, ở và các phương thức sử dụng. Toàn bộ những sáng tạo và phát minh đó tức là văn hóa. Văn hóa là tổng hợp các phương thức sinh hoạt cũng như biểu hiện của nó mà loài người đã sản sinh ra nhằm thích ứng nhu cầu cuộc sống và đòi hỏi của sự sinh tồn” (6). Hồ Chí Minh còn giải thích rất sâu sắc, sinh động về con người: “Chữ người, nghĩa hẹp là gia đình, anh em, họ hàng, bầu bạn. Nghĩa rộng là đồng bào cả nước. Rộng nữa là cả loài người” (7).
Như vậy, con người chính là con người xã hội, là một thành viên luôn gắn bó mật thiết với cộng đồng xã hội, trước hết là gia đình, dòng họ, sau đó là đất nước và xa hơn nữa là nhân loại. Điều này hoàn toàn thống nhất với quan điểm của C.Mác, Ph. Ăngghen về con người. Trong những năm 60 của TK XX, Hồ Chí Minh đã khẳng định tầm quan trọng to lớn của con người trong xây dựng phát triển đất nước: “Muốn xây dựng chủ nghĩa xã hội, trước hết cần có những con người xã hội chủ nghĩa”. Những con người này chính là chủ thể xây dựng chế độ xã hội mới, nền văn hóa mới. Việc xây dựng con người phải được ưu tiên hàng đầu trong suốt quá trình xây dựng đất nước chứ không phải chờ tới khi nào nền kinh tế và văn hóa phát triển cao rồi mới xây dựng. Tiêu chuẩn của những con người mới này được Chủ tịch Hồ Chí Minh nêu lên nhiều lần và có thể khái quát vào một số điểm chủ yếu:
– Con người có tư tưởng xã hội chủ nghĩa: có ý thức làm chủ; có tinh thần tập thể xã hội chủ nghĩa; có tư tưởng “mình vì mọi người, mọi người vì mình”; có tinh thần dám nghĩ, dám làm, vươn lên vì sự nghiệp của đất nước.
– Có đạo đức và lối sống lành mạnh: trung với nước, hiếu với dân; yêu thương con người; cần kiệm liêm chính, chí công vô tư; có tinh thần quốc tế trong sáng; có lối sống lành mạnh, trong sạch.
– Có tác phong khoa học: lao động có kế hoạch, có biện pháp có quyết tâm; lao động có tổ chức, có kỷ luật, có kỹ thuật, có năng suất, chất lượng hiệu quả.
– Có năng lực làm chủ bản thân, gia đình và công việc mà mình đảm nhiệm, tham gia tích cực vào làm chủ nhà nước và xã hội…
Ngoài những tiêu chuẩn chung của con người nêu trên, Chủ tịch Hồ Chí Minh còn nêu lên những tiêu chuẩn cụ thể đối với từng giới, từng ngành như công nhân, nông dân, trí thức, thanh niên, phụ nữ, thiếu niên, nhi đồng, công an, quân đội… Người thường nhấn mạnh những yêu cầu cụ thể của mỗi lĩnh vực, mỗi ngành, mỗi nghề, mỗi giới, và tầng lớp xã hội khác nhau liên quan đến thái độ, trách nhiệm, nghĩa vụ đối với người, đối với công việc, đối với chính mình. Đó là những chuẩn mực rất sát hợp, thiết thực để xây dựng con người, phù hợp với đời sống văn hóa, tâm lý dân tộc. Đối với việc xây dựng con người, Hồ Chí Minh căn dặn: “Vì sự nghiệp mười năm phải trồng cây, vì sự nghiệp trăm năm phải trồng người”. Tư tưởng này của Người luôn luôn định hướng cho sự nghiệp xây dựng con người và văn hóa Việt Nam trong suốt quá trình đấu tranh cách mạng trước đây và sự nghiệp đổi mới hiện nay.
Gần đây, các học giả trên thế giới đã tập trung nghiên cứu về khái niệm phát triển con người trong bối cảnh toàn cầu hóa. Cùng với việc đề xuất lý thuyết về phát triển bền vững, lý thuyết về phát triển con người đã có nhiều đóng góp mới vào nâng cao nhận thức của các quốc gia trong quá trình phát triển.
Ngày nay, nhân loại đã nhận ra rằng: của cải đích thực của các quốc gia là con người của quốc gia đó và mục đích của phát triển là để tạo ra môi trường thuận lợi cho phép con người được hưởng cuộc sống lâu dài, khỏe mạnh cả về thể chất và tinh thần, sáng tạo, hữu ích, phù hợp với năng lực và nhu cầu của họ.
2. Vài nét về thực trạng xây dựng và phát huy giá trị văn hóa, sức mạnh con người ở nước ta trong thời kỳ đổi mới
Trong Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội (Bổ sung, phát triển năm 2011) Đảng ta đã xác định: “Con người là trung tâm của chiến lược phát triển, đồng thời là chủ thể của phát triển. Cần đảm bảo tôn trọng và bảo vệ quyền con người, gắn quyền con người với quyền và lợi ích của dân tộc, đất nước và quyền làm chủ của nhân dân. Kết hợp và phát huy đầy đủ vai trò của xã hội, gia đình và nhà trường, từng tập thể lao động, các đoàn thể và cộng đồng dân cư trong việc chăm lo xây dựng con người Việt Nam giàu lòng yêu nước, có ý thức làm chủ, trách nhiệm công dân, có tri thức, sức khỏe, lao động giỏi; sống có văn hóa, nghĩa tình; có tinh thần quốc tế chân chính…” (8). Sau 35 năm đổi mới, đặc biệt là từ sau 15 năm thực hiện Nghị quyết Hội nghị Trung ương 5 khóa VIII (1998) Về xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc”, sự nghiệp xây dựng và phát triển nền văn hóa và con người nước ta đã đạt được những thành tựu to lớn, có ý nghĩa quan trọng, góp phần tích cực thực hiện hai nhiệm vụ xây dựng và bảo vệ Tổ quốcViệt Nam xã hội chủ nghĩa. Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương lần thứ 9 khóa XI (2014) đã đánh giá như sau:
“… Sự nghiệp xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đã có chuyển biến tích cực, đạt kết quả quan trọng. Tư duy lý luận về văn hóa có bước phát triển; nhận thức về văn hóa của các cấp, các ngành và toàn dân được nâng lên; Đời sống văn hóa của nhân dân ngày càng phong phú, nhiều giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc được phát huy, nhiều chuẩn mực giá trị văn hóa mới được hình thành. Sản phẩm văn hóa, văn học nghệ thuật ngày càng phong phú, đa dạng; Công nghệ thông tin, nhất là thông tin đại chúng đã có bước phát triển mạnh mẽ. Nhiều phong trào, hoạt động văn hóa đạt được những kết quả cụ thể, thiết thực…” (9).
Vừa qua, hệ giá trị văn hóa và sức mạnh con người Việt Nam đã chứng tỏ được vai trò to lớn trong xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Dưới sự lãnh đạo của Đảng, toàn dân đã tích cực tham gia sự nghiệp đổi mới, sáng tạo trong phát triển kinh tế, văn hóa – xã hội; thực hiện xóa đói, giảm nghèo, ủng hộ Chính phủ trong cuộc chiến chống dịch COVID-19 với tinh thần “chống dịch như chống giặc”, bảo vệ tính mạng của con người Việt Nam trong nước cũng như ở nước ngoài.
Trong đợt bão lũ miền Trung mới đây, hưởng ứng lời kêu gọi của Trung ương Đảng và Chính phủ, toàn thể nhân dân cả nước đã chung tay góp sức, đoàn kết một lòng, hết lòng giúp đỡ đồng bào miền Trung ruột thịt khắc phục hậu quả thiên tai lũ lụt. Đã xuất hiện nhiều tấm gương anh hùng dũng cảm vì nước quên thân, vì dân phục vụ của lực lượng quân đội và công an cùng cán bộ, đảng viên và đông đảo nhân dân tại các vùng miền trên phạm vi cả nước. Đó là vẻ đẹp của giá trị văn hóa và sức mạnh con người Việt Nam tỏa sáng trong thời đại hiện nay khiến cho bạn bè quốc tế mến phục. Tuy nhiên, bên cạnh những thành tựu trên, việc xây dựng và phát triển văn hóa và con người Việt Nam trong thời gian qua cũng vẫn còn những khuyết điểm và thiếu sót như:
“…Thành tựu trong lĩnh vực văn hóa chưa tương xứng, chưa đủ sức để tác động có hiệu quả đến xây dựng con người và môi trường văn hóa lành mạnh. Tình trạng suy thoái về tư tưởng, chính trị, đạo đức, lối sống trong Đảng và trong xã hội có chiều hướng gia tăng. Đời sống văn hóa tinh thần ở nhiều nơi còn nghèo nàn, đơn điệu. Khoảng cách hưởng thụ văn hóa trong các tầng lớp nhân dân, giữa các vùng chậm được rút ngắn. Môi trường văn hóa còn tồn tại tình trạng thiếu lành mạnh, ngoại lai, trái với thuần phong mỹ tục; tệ nạn xã hội và tội phạm có chiều hướng gia tăng…” (10).
Có thể nói, đây là những hạn chế yếu kém cần phải được khắc phục, để tiếp tục xây dựng, củng cố và phát triển hệ giá trị văn hóa và sức mạnh con người Việt Nam, đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước.
3. Giải pháp nâng cao chất lượng, hiệu quả xây dựng và phát huy giá trị văn hóa, sức mạnh con người ở nước ta hiện nay
Dự thảo báo cáo Chính trị trình Đại hội XIII của Đảng đã trình bày quan điểm về xây dựng và phát huy giá trị văn hóa, sức mạnh con người và mới chỉ nêu ra định hướng hiện thực hóa quan điểm đó là: “Để thực hiện tốt các mục tiêu, định hướng, nhiệm vụ trên đây, toàn Đảng, toàn dân và toàn quân phải chủ động, nhạy bén nắm chắc thời cơ, quyết vượt qua khó khăn, thách thức, tiếp tục đổi mới mạnh mẽ tư duy, hoàn thiện thể chế, khơi dậy ý chí, tiềm năng, nguồn lực cho phát triển…” (11).
Từ những nghiên cứu lý luận và thực tiễn, theo chúng tôi cần phải bổ sung thêm giải pháp thực hiện khâu đột phá chiến lược về xây dựng và phát huy giá trị văn hóa, sức mạnh con người Việt Nam như sau:
Một là, tăng cường mạnh mẽ năng lực lãnh đạo của Đảng, sự quản lý của Nhà nước, đặc biệt là nêu cao vai trò, trách nhiệm của tổ chức Đảng, cấp ủy và người đứng đầu trong xây dựng và phát huy giá trị văn hóa, sức mạnh con người để xây dựng và bảo vệ Tổ quốc
Quá trình phát triển kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa đây ̉ man ̣ h công nghiệp hóa, hiện đại
hóa và hội nhập quốc tế đặt ra rất nhiều yêu cầu mới đối với việc nâng cao năng lực lãnh đạo của Đảng,
quản lý của Nhà nước, trong đó có lĩnh vực văn hóa. Vấn đề lãnh đạo xây dựng và phát huy giá trị văn hóa, sức mạnh con người phải trở thành công tác thường xuyên của các tổ chức Đảng từ Trung ương tới cơ sở địa phương. Phải đặc biệt coi trọng xây dựng văn hóa, con người trong các cơ quan Đảng, Nhà nước, các đoàn thể chính trị xã hội để làm tấm gương tốt cho xã hội noi theo. Đồng thời, Đảng phải chăm lo xây dựng đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý văn hóa có tính chuyên nghiệp, hiện đại, giàu tinh thần trách
nhiệm. Đường lối, chủ trương phát triển văn hóa của Đảng phải được cụ thể hóa và thể chế hóa bằng pháp luật và chính sách phát triển.
Nhà nước cần tập trung đổi mới thể chế quản lý văn hóa cho phù hợp với xu hướng vận động, phát triển văn hóa trong điều kiện kinh tế thị trường và hội nhập quốc tế. Trước mắt, Nhà nước phải hoàn thiện chính sách kinh tế trong văn hóa và văn hóa trong kinh tế, tăng cường đầu tư từ ngân sách nhà nước cho hoạt động văn hóa một cách có hiệu quả, thiết thực, thực hiện tốt chính sách xã hội hóa để thu hút các nguồn lực trong nước và quốc tế để phát triển văn hóa.
Hai là, tiếp tục nâng cao nhận thức cho toàn xã hội (trước hết là trong cán bộ, đảng viên và trong nhân dân) về vai trò cực kỳ quan trọng của việc xây dựng, phát huy giá trị văn hóa, sức mạnh con người, nhằm hướng tới thực hiện thành công hai nhiệm vụ xây dựng và bảo vệ Tổ quốc
Nâng cao nhận thức của cán bộ, đảng viên và nhân dân về tầm quan trọng của xây dựng con người và phát triển văn hóa, là một quá trình lâu dài, cần được tiến hành thường xuyên, liên tục. Cần đấu tranh kiên quyết với những tư tưởng coi nhẹ nhân tố con người và văn hóa trong quá trình phát triển kinh tế – xã hội. Quan điểm phát triển kinh tế phải gắn với phát triển văn hóa, chăm lo xây dựng con người, đảm bảo tiến bộ và công bằng xã hội phải được quán triệt sâu sắc trong hoạt động thực tiễn. Cần khắc phục tình trạng chạy theo sức ép tăng trưởng kinh tế, làm suy thoái môi trường văn hóa, tha hóa nhân cách con người. Phải đặt văn hóa và con người vào vị trí trung tâm đảm bảo sự phát triển bền vững của đất nước, vừa là mục tiêu vừa là động lực của phát triển.
Ba là, tiếp tục đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục – đào tạo một cách khoa học, gắn chặt với mục tiêu phát triển hệ giá trị văn hóa, sức mạnh con người Việt Nam trong bối cảnh cách mạng công nghiệp 4.0, đáp ứng yêu cầu phát triền bền vững đất nước
Cần tập trung vào nâng cao dân trí, nâng cao đạo đức công dân, trách nhiệm xã hội của nguồn nhân lực chất lượng cao phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo là một yêu cầu khách quan và cấp bách của sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc ở nước ta hiện nay.
Đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục và đào tạo phải hướng vào các nội dung đổi mới tư duy; đổi mới mục tiêu đào tạo; hệ thống tổ chức; loại hình giáo dục và đào tạo; nội dung và phương pháp dạy và học; cơ chế quản lý; cơ sở vật chất, nguồn lực, điều kiện đảm bảo… trong toàn bộ hệ thống giáo dục (từ giáo dục mầm non đến giáo dục phổ thông, đại học, dạy nghề…). Đổi mới căn bản giáo dục và đào tạo luôn luôn hướng tới nâng cao chất lượng con người, nâng cao phẩm giá, nhân cách con người Việt Nam, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế hiện nay.
Bốn là, tiếp tục đẩy mạnh phong trào “Toàn dân đoàn kết, xây dựng đời sống văn hóa”, xây dựng hệ giá trị và nhân cách con người Việt Nam, tạo lập môi trường văn hóa lành mạnh, khuyến khích sáng tạo các giá trị văn hóa mới
Cần nâng cao chất lượng và hiệu quả thiết thực của phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”. Chú trọng vào xây dựng hệ giá trị và chuẩn mực của con người Việt Nam thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế. Nhấn mạnh xây dựng nhân cách văn hóa, xây dựng môi trường văn hóa trong các cơ quan của Đảng, Nhà nước, các đoàn thể chính trị xã hội làm gương sáng cho xã hội noi theo. Đồng thời, tôn vinh tài năng, tạo cơ hội và điều kiện khuyến khích các tài năng, nhất là tài năng trẻ cống hiến cho sự nghiệp phát triển văn hóa dân tộc.
Năm là, thực hiện những biện pháp quyết liệt về pháp lý và đạo lý để ngăn chặn tình trạng tiêu cực, suy thoái về tư tưởng, đạo đức, lối sống hiện nay
Tình trạng suy thoái, tha hóa về tư tưởng, đạo đức, lối sống đang diễn ra phức tạp, có thể đe dọa đến sự tồn vong của Đảng và Nhà nước, làm suy yếu sức mạnh tinh thần của dân tộc. Vì vậy, cần phải phát huy sức mạnh tổng hợp của cả dân tộc trong việc chống tình trạng suy thoái này bằng các biện pháp pháp lý hữu hiệu, đặc biệt là trong cuộc đấu tranh với giặc “nội xâm” quan liêu, tham nhũng, sa đọa, tha hóa về lối sống và đạo đức xã hội. Đồng thời, cần có chính sách giảm bớt sự phân hóa xã hội trên lĩnh vực kinh tế và văn hóa. Kiên quyết đấu tranh chống các tiêu cực, các tệ nạn và tội phạm xã hội làm ô nhiễm bầu không khí tinh thần của nhân dân.
Sáu là, đẩy mạnh hoạt động văn hóa đối ngoại và giao lưu văn hóa, kiên quyết ngăn chặn các yếu tố phản văn hóa từ bên ngoài, tiếp thu tinh hoa văn hóa nhân loại để làm giàu cho giá trị văn hóa, con người Việt Nam
Giao lưu, tiếp biến văn hóa được coi là một trong những động lực quan trọng của sự phát triển. Nhờ có giao lưu văn hóa mà hệ giá trị văn hóa, con người của một quốc gia dân tộc được kiểm chứng, gợi mở và bổ sung thêm những giá trị mới trong hệ thống điểm nhìn tham chiếu rộng rãi để có cơ hội thích ứng với đời sống văn hóa nhân loại tiến bộ trên toàn thế giới. Hiện nay, văn hóa được coi là một trong những nguồn lực quan trọng góp phần làm nên sức mạnh tổng hợp quốc gia. Vấn đề “sức mạnh mềm” của đất nước (trong đó có các hoạt động văn hóa đóng vai trò nòng cốt) đã được nhiều quốc gia quan tâm và phát triển thành chiến lược sức mạnh mềm bên cạnh sức mạnh kinh tế, quốc phòng, an ninh, công nghệ. Vì vậy, cần phải đặc biệt quan tâm đầu tư để phát triển sức mạnh mềm của văn hóa Việt Nam, đẩy mạnh ngoại giao văn hóa, tăng cường quảng bá văn hóa Việt Nam ra thế giới, đồng thời tích cực tiếp thu tinh hoa văn hóa nhân loại để phát triển hệ giá trị văn hóa và con người nước ta trên những tầm cao mới trong bối cảnh hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng.
__________________
1, 11. Dự thảo Báo cáo Chính trị của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII tại Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, Phụ trương đặc biệt Báo Nhân Dân ngày 20-10-2020, tr.5.
2, 3. C.Mác và Ph.Ăngghen toàn tập, tập 20, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2000, tr.646, 641-643.
4. C.Mác, Bản thảo kinh tế – triết học, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1994, tr.156.
5. C.Mác, Ph.Ăng Ghen, Những tác phẩm thời trẻ, Nxb Tiến bộ, Matxcơva, bản Tiếng Nga, 1986, tr.587.
6. Hồ Chí Minh toàn tập, tập 3, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1995, tr.431.
7. Hồ Chí Minh toàn tập, tập 5, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2000, tr.644.
8. Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011, tr.77.
9, 10. Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Hội nghị lần thứ chín, Ban Chấp hành Trung ương khóa XI, Văn phòng Trung ương Đảng, Hà Nội, 2014, tr.44.
Tác giả: Nguyễn Toàn Thắng
Nguồn: Tạp chí VHNT số 443, tháng 11-2020
Bài viết cùng chủ đề:
Kinh nghiệm đi du lịch Đà Nẵng dịp tết nguyên đán 2023 chi tết A-Z
Chính sách văn hóa Việt Nam thời kỳ 1945 -1954 và những thành tựu
Khái lược về môi trường văn hóa và xây dựng môi trường văn hóa nơi công cộng