Xây dựng văn hóa dân chủ, nhân dân – ý nghĩa lý luận và thực tiễn


Tính cấp thiết của việc xây dựng nền văn hóa mới khi thành lập chế độ dân chủ cộng hòa

Cách mạng tháng Tám thành công, nhà nước Việt Nam dân chủ cộng hòa vừa mới ra đời đã phải đối mặt với muôn vàn khó khăn, thù trong giặc ngoài. Bảo vệ, củng cố chính quyền cách mạng là yêu cầu cấp thiết nhất, là nhiệm vụ bao trùm nhất lúc bấy giờ. Muốn hoàn thành nhiệm vụ này đòi hỏi chính quyền phải quan tâm xây dựng đất nước về mọi phương diện, trong đó có văn hóa. Sinh thời, Hồ Chí Minh đã xác định văn hóa là đời sống tinh thần của xã hội, thuộc về kiến trúc thượng tầng. Văn hóa được đặt ngang hàng với chính trị, kinh tế, xã hội: “Trong công cuộc kiến thiết nước nhà, có bốn vấn đề cùng phải chú ý đến, cùng phải coi là quan trọng ngang nhau: chính trị, kinh tế, xã hội, văn hóa. Nhưng văn hóa là một kiến trúc thượng tầng; những cơ sở hạ tầng của xã hội có kiến thiết rồi, văn hóa mới kiến thiết được, mới đủ điều kiện phát triển được” (1).

Trong quá trình đặt ách đô hộ lên Việt Nam, thực dân Pháp đã thực hiện chính sách nô dịch về văn hóa. Một số cơ sở giáo dục do người Pháp mở ra chủ yếu đào tạo những người hợp tác, công chức bản xứ, trả lương ít tốn cho ngân sách thuộc địa. Nền giáo dục tuy có được tổ chức từ cấp ấu học đến tiểu học, trung học, đại học nhưng chỉ mang tính chất nhỏ giọt. Đến năm 1908, ở cả 3 kỳ chỉ mới có 25 trường tiểu học, 3 trường trung học, 1 trường đại học. Về sau, có bổ sung thêm một vài trường nữa. Nhưng nhìn chung, như lời Nguyễn Ái Quốc tố cáo là ở đây nhà tù nhiều hơn trường học. Cùng với trường học, thực dân Pháp có mở thêm một số viện nghiên cứu về tài nguyên, lao động nước ta nhằm phục vụ cho công tác khai thác thuộc địa. Một số tờ báo cũng được phát hành với mục đích là dùng văn hóa Pháp để làm phai nhạt văn hóa Việt Nam cổ truyền.

 Không thể phủ nhận là việc tiếp xúc với văn hóa của Pháp đã góp phần hiện đại hóa văn hóa, giáo dục Việt Nam. Tuy nhiên, những hậu quả do chính sách ngu dân, nô dịch về văn hóa do Pháp thực hiện đối với nước ta là rất nặng nề, hơn 90% đồng bào mù chữ. Điều này đã “xô đẩy nhân dân vào vòng ngu dốt, thất học; trụy lạc về thể xác, bạc nhược về tinh thần. Những truyền thống tốt đẹp, tinh hoa văn hóa dân tộc bị kìm hãm. Nền văn hóa dân tộc đã bị chà đạp một cách thô bạo” (2).

Như vậy, để trở thành một nước thực sự tự do, độc lập, nhà nước Việt Nam dân chủ cộng hoà cần phải xây dựng một nền văn hóa mới; nền văn hóa của toàn thể nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân.

Thành tựu trong những ngày đầu xây dựng nền văn hóa dân chủ, nhân dân

Nhận thức về tầm quan trọng của việc xây dựng nền văn hóa mới, ngay khi giành được chính quyền, Đảng, Chính phủ đã nhanh chóng bắt tay vào thực hiện nhiệm vụ này.

Ngày 8-9-1945, Chính phủ ra sắc lệnh thành lập nha bình dân học vụ để phụ trách việc chống nạn mù chữ, đặt trách nhiệm cho tất cả mọi người phải ra sức diệt giặc dốt, đi liền với diệt giặc đói, giặc ngoại xâm. Chỉ trong một thời gian ngắn, phong trào bình dân học vụ phát triển sôi nổi, rộng khắp. Sau một năm thực hiện, chúng ta đã mở được 75.805 lớp học, có 97.664 người tham gia dạy học, hơn 2,5 triệu người đã biết đọc biết viết. Cùng với công cuộc xóa nạn mù chữ, chúng ta ra sức phát triển nền giáo dục quốc dân. Các trường học từ cấp tiểu học đến đại học đã mở cửa trở lại. Tháng 9 – 1945, nhân ngày khai trường đầu tiên ở nước Việt Nam dân chủ cộng hòa, trong thư gửi các em học sinh, Hồ Chí Minh nói: “Nền giáo dục của chúng ta là nền giáo dục của một nước độc lập, một nền giáo dục đào tạo học sinh thành những người công dân hữu ích cho nước Việt Nam. Từ giờ phút này trở đi các cháu bắt đầu được hưởng một nền giáo dục hoàn toàn Việt Nam, nó sẽ đào tạo các cháu nên những người công dân có ích cho nước Việt Nam” (3).

Sắc lệnh số 146/SL của Chính phủ đã nêu rõ những nguyên tắc của nền giáo dục mới: đại chúng hóa, dân tộc hóa, khoa học hóa, theo tôn chỉ phụng sự lý tưởng quốc gia, dân tộc.

Ngay sau Cách mạng tháng Tám thành công, Hội Văn hóa cứu quốc đã tổ chức đại hội lần thứ nhất (9 – 1945). Tờ báo Tiền phong, cơ quan vận động văn hóa mới ra đời. Các chi hội văn hóa địa phương cũng lần lượt được thành lập, xuất bản báo ở địa phương.

Tháng 11 – 1946, Hội nghị Văn hóa toàn quốc lần thứ nhất họp tại Hà Nội, Hồ Chí Minh đã đến dự khai mạc. Trong diễn văn khai mạc, Người đã vạch rõ phương hướng nền văn hóa mới của Việt Nam là phải lấy hạnh phúc của nhân dân, tinh hoa văn hóa nước ngoài, tạo ra nền văn hóa Việt Nam; sao cho văn hóa mới phải sửa đổi được tham nhũng, lười biếng, phù hoa, xa xỉ; phải làm cho ai cũng có lý tưởng độc lập, tự chủ. Người kêu gọi các nhà hoạt động văn hóa phải chú ý đến nhi đồng, lãnh đạo quốc dân thực hiện độc lập, tự cường, tự chủ.

Các lĩnh vực của đời sống văn hóa đã có sự chuyển biến mạnh mẽ sau khi nhà nước Việt Nam dân chủ cộng hòa ra đời.

Văn học nghệ thuật có bước chuyển về chất. Các văn nghệ sĩ đã hướng vào cuộc chiến đấu của dân tộc theo ngọn cờ tư tưởng Hồ Chí Minh. Khi bàn về văn học nghệ thuật, Hồ Chí Minh chỉ rõ: văn hóa, văn nghệ muốn tìm thấy sự thay đổi, sự ham mê thật phải trở về với cuộc sống sinh hoạt thật của con người. Văn học, nghệ thuật là một mặt trận, văn nghệ sĩ là chiến sĩ trên mặt trận ấy. Các loại văn báo chí được phát triển, văn xuôi chủ yếu là ký, truyện ngắn, phát triển mạnh hơn cả là thơ. Nội dung các tác phẩm đều nhằm vào chủ đề yêu nước, độc lập tự chủ, căm thù giặc. Trào lưu văn học cách mạng đóng vai trò chủ đạo, vươn lên mạnh mẽ, thúc đẩy sự phát triển nền văn học mới của dân tộc.

Báo chí cách mạng, công tác xuất bản sớm trở thành vũ khí sắc bén để chống giặc ngoài, thù trong, nêu cao ý thức yêu nước, căm thù giặc. Bằng những bài báo sắc bén, chân thật, báo chí của ta đã trở thành những vũ khí có hiệu quả chống lại kẻ thù, trở thành những công cụ rất có tác dụng trong việc giác ngộ cách mạng cho nhân dân. Những tờ báo như Cờ giải phóng, Sự thật, Cứu quốc… đã giành được sự tín nhiệm của quần chúng. Những tác phẩm kinh điển của chủ nghĩa Mác – Lênin lần lượt được xuất bản.

Phong trào văn hóa văn nghệ quần chúng phát triển rộng khắp trong các ngành, các giới như báo tường, thơ báng súng, ca dao diệt đồn, kịch lửa trại…

Cuộc vận động xây dựng đời sống văn hóa mới do Hồ Chí Minh phát động được đông đảo quần chúng nhân dân hưởng ứng. Cuộc sống mới hình thành góp phần đẩy lùi các tệ nạn của xã hội cũ. Tại các thôn, xã tệ nạn đã giảm hẳn; các lệ tục ma chay, cưới xin, giỗ chạp đều hướng theo nếp sống mới, đơn giản, văn minh, tiết kiệm.

Như vậy, chỉ trong một thời gian ngắn, nền văn hóa, giáo dục của chế độ dân chủ cộng hòa đã được hình thành theo phương châm: dân tộc, khoa học, đại chúng. Tất cả các lĩnh vực của đời sống văn hóa, xã hội đã có sự thay đổi mạnh mẽ, từ giáo dục đến lối sống, nếp sống, báo chí, xuất bản, văn chương nghệ thuật… Người dân trở thành chủ thể xây dựng nền văn hóa mới; đồng thời cũng chính họ được thụ hưởng những thành quả của nền văn hóa ấy.

Ý nghĩa của việc xây dựng nền văn hóa dân chủ, nhân dân

Một là, việc quan tâm xây dựng nền văn hóa mới ngay từ những buổi đầu của nhà nước Việt Nam dân chủ cộng hòa là một tất yếu khách quan. Tồn tại xã hội quyết định ý thức xã hội, phương thức sản xuất vật chất quyết định phương thức sản xuất tinh thần. Mọi cuộc cách mạng triệt để, toàn diện đều đòi hỏi phải thay đổi phương thức sản xuất tinh thần, làm cho phương thức sản xuất tinh thần phù hợp với phương thức sản xuất mới. Việc xây dựng nền văn hóa dân chủ, nhân dân nhằm thay đổi bản chất của ý thức xã hội thực dân phong kiến, xây dựng ý thức xã hội mới phù hợp với sự thay đổi về chất mà Cách mạng tháng Tám đã tạo ra với việc xác lập quyền lực kinh tế, chính trị của giai cấp công nhân, nhân dân lao động.

Hai là, quyết tâm chính trị cùng với những kế hoạch hành động hết sức cụ thể để xây dựng nền văn hóa mới của Đảng ta những ngày đầu thành lập nước Việt Nam dân chủ cộng hòa còn thể hiện nhận thức hết sức đúng đắn, khoa học của Đảng, Chính phủ về vai trò của văn hóa đối với sự phát triển kinh tế, xã hội. Văn hóa là một trong bốn lĩnh vực trọng yếu của đời sống xã hội. Do vậy, cùng với kinh tế, chính trị, xã hội, cần quan tâm xây dựng, phát triển văn hóa, có như vậy mới có thể củng cố, giữ được chính quyền cách mạng trong những ngày đầu khó khăn. Nền văn hóa mới tạo những tiền đề quan trọng nâng cao phẩm chất, năng lực, học vấn, giác ngộ chính trị cho quần chúng nhân dân lao động, tạo cơ sở nâng cao năng suất lao động; góp phần phát triển con người một cách toàn diện. Như vậy, mục tiêu của nền văn hóa mới cũng thống nhất với mục tiêu của cuộc cách mạng mà Đảng lãnh đạo nhân dân thực hiện thành công, phù hợp với bản chất của xã hội mới.

Ba là nền văn hóa dân chủ, nhân dân ra đời cùng với nhà nước Việt Nam dân chủ cộng hòa đã khẳng định tính ưu việt của chế độ xã hội mới. Nếu như trong xã hội cũ, đại bộ phận nhân dân lao động là người làm thuê, bị bóc lột kiệt cùng, sống trong nghèo đói, thất học, mặc cảm, tự ti thì trong xã hội mới, nhân dân lao động trở thành những chủ nhân thực sự của đất nước. Họ chính là chủ thể xây dựng nền văn hóa mới. Tiềm năng sáng tạo văn hóa của nhân dân là rất lớn. Nhưng chỉ khi Cách mạng tháng Tám thành công, nhân dân lao động mới được tự do làm chủ vận mệnh của mình, tự do thể hiện năng lực sáng tạo của mình. Chính vì vậy, chỉ trong một thời gian ngắn sau Cách mạng tháng Tám, lực lượng văn nghệ sĩ được bổ sung một số lượng lớn các nhà văn, nhà thơ, nhạc sĩ, họa sĩ… Họ vốn xuất thân từ công nhân, nông dân… Nhân dân lao động cùng hiện thực cuộc sống trở thành nguồn cảm hứng bất tận cho người nghệ sĩ sáng tạo nên những tác phẩm nghệ thuật giàu tính nhân văn. Quần chúng nhân dân lao động không những được giác ngộ về mặt chính trị mà còn cả về phương diện văn hóa. Họ được tiếp xúc với một nền giáo dục mới, được trang bị những tri thức mới, được khuyến khích xây dựng một đời sống mới, thụ hưởng những giá trị văn hóa của dân tộc, thế giới. Có thể nói, nền văn hóa mới đã khơi mở năng lực sáng tạo, thụ hưởng những giá trị văn hóa của nhân dân lao động, làm phong phú đời sống tinh thần cho họ; tạo những cơ hội, điều kiện cần thiết để quảng đại quần chúng lao động được tham gia vào đời sống văn hóa.

Bốn là, thắng lợi vĩ đại của Cách mạng tháng Tám đã khơi những mạch nguồn trong mát để các giá trị văn hóa Việt Nam truyền thống tiếp tục chảy trong xã hội đương đại. Dưới chế độ thực dân phong kiến, để thủ tiêu ý chí đấu tranh của nhân dân ta, chính phủ bảo hộ đã cho thực thi các chính sách ngu dân, nô dịch về văn hóa. Các giá trị văn hóa Việt Nam truyền thống như lòng yêu nước, tinh thần tự hào dân tộc, tính cộng đồng, đoàn kết, gắn bó… không được khuyến khích. Thậm chí, văn hóa truyền thống bị đồng nhất với bảo thủ, lạc hậu. Thay vào đó, chính phủ bảo hộ tuyên truyền cho văn minh phương Tây. Nhưng trong chế độ mới, những giá trị văn hóa Việt Nam truyền thống được phát huy, làm thành nền tảng tinh thần vững chắc cho sự phát triển đất nước.

Năm là, tính chất của nền văn hóa mới được xác lập. Đề cương văn hóa năm 1943 đã nêu ra ba nguyên tắc vận động nhằm xây dựng nền văn hóa mới là đại chúng hóa, dân tộc hóa, khoa học hóa. Từ ba nguyên tắc này đã xác định ba tính chất của nền văn hóa mới Việt Nam trong giai đoạn cách mạng dân tộc dân chủ, nhân dân là dân tộc, khoa học, đại chúng. Việc xác lập tính chất, nhiệm vụ của nền văn hóa mới thể hiện đường lối, quan điểm của Đảng ta trong phát triển văn hóa. Xây dựng nền văn hóa, giáo dục dân chủ, nhân dân dưới ánh sáng chủ nghĩa Mác – Lênin, Hồ Chí Minh, Đảng ta đã đem lại cho văn hóa truyền thống một tinh thần mới, một sức mạnh mới của văn hóa thời đại Hồ Chí Minh. Nền văn hóa đó chứa đựng yếu tố truyền thống, hiện đại, dân tộc, quốc tế, tiến bộ, nhân văn. Dù đường lối văn hóa của Đảng trong từng thời kỳ có sự điều chỉnh cho phù hợp với thực tiễn đất nước cũng như bối cảnh quốc tế, nhưng việc xác lập những tính chất của nền văn hóa mới của nhà nước Việt Nam dân chủ cộng hòa non trẻ đã tạo nền móng vững chắc để văn hóa dân tộc phát triển trong những giai đoạn tiếp theo.

Cách mạng tháng Tám thành công, cùng với sự ra đời của Nhà nước Việt Nam dân chủ cộng hòa đã mở ra một kỷ nguyên mới trong lịch sử của dân tộc, kỷ nguyên độc lập, tự do, chủ nghĩa xã hội. Người dân từ thân phận nô lệ trở thành người làm chủ vận mệnh của mình, làm chủ đất nước. Nền văn hóa dân tộc từ chỗ bị kiềm tỏa bởi các chính sách nô dịch, ngu dân của chế độ cũ trở thành một nền văn hóa dân chủ, nhân dân, tiếp tục khẳng định vị thế, bản sắc của mình trong nền văn hóa thế giới. Thắng lợi của Cách mạng tháng Tám đã mở đường cho văn hóa dân tộc phát triển lên một tầm cao mới. Những thành tựu trong xây dựng, phát triển văn hóa, con người Việt Nam gần 80 năm qua đã khẳng định điều đó.

____________

1. Hồ Chí Minh, Về văn hóa, Bảo tàng Hồ Chí Minh, Hà Nội, 1997, tr.11.

2. Trần Thanh Giang, Chính sách nô dịch về văn hóa của thực dân Pháp và một số trào lưu văn hóa trước năm 1945 ở Việt Nam, Tạp chí Nghiên cứu văn hóa, số 2, 2010.

3. Hồ Chí Minh, Toàn tập, tập 4, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1995, tr.33.

Nguồn : Tạp chí VHNT số 399, tháng 9 – 2017

Tác giả : VŨ THỊ PHƯƠNG HẬU

Đánh giá post

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *