Xây dựng văn hóa học đường, vấn đề cấp bách hiện nay


         1. Những vấn đề về văn hóa học đường

Văn hóa là những giá trị vật chất và tinh thần do con người sáng tạo ra. Tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội đều có những giá trị văn hóa của nó; chẳng hạn như: văn hóa công sở, văn hóa giao thông, văn hóa ẩm thực, văn hóa giao tiếp…, và văn hóa học đường.

Văn hóa bao giờ cũng gắn với giáo dục và giáo dục luôn đi liền với văn hóa. Xã hội loài người muốn tồn tại và phát triển thì phải duy trì, bảo tồn và phát triển giáo dục và văn hóa.

Người ta hay nói đến 3 loại hành vi của mỗi con người trong cách ứng xử với người khác, với cộng đồng xã hội và với môi trường xung quanh. Đó là hành vi đạo đức, hành vi pháp luật và hành vi văn hóa. Hành vi đạo đức là những hành vi tự nguyện, làm theo lương tâm của cá nhân. Hành vi pháp luật là hành vi bắt buộc cá nhân phải tuân thủ theo quy định của xã hội. Hành vi văn hóa không phải là một hành vi riêng mà nó có thể là hành vi đạo đức hay hành vi pháp luật nhưng được chủ thể thực hiện với một mức độ thẩm mỹ nhất định. Đây là cơ sở để chúng ta hiểu về hành vi văn hóa nói chung và văn hóa học đường nói riêng.

Văn hóa học đường là thuật ngữ được xuất hiện vào đầu những năm 90 của thế kỷ trước ở các nước phát triển như Anh, Mỹ, Úc…, sau đó lan ra nhiều nước khác trên thế giới. Các nhà nghiên cứu, tùy theo góc độ, mục đích nghiên cứu đã đưa ra khá nhiều khái niệm về văn hóa học đường. Nhưng có thể hiểu: văn hóa học đường là hệ các chuẩn mực và giá trị giúp cho cán bộ quản lý nhà trường, các thày cô giáo, các bậc cha mẹ, các em học sinh, sinh viên có suy nghĩ, tình cảm và hành động tốt đẹp.

Phong trào thi đua Xây dựng trường học thân thiện, học sinh tích cực được phát động nhằm “thiết lập lại môi trường sư phạm với 6 đặc trưng là trật tự kỷ cương, trung thực, khách quan, công bằng, tình thương và khuyến khích sáng tạo, hiệu quả”. Đây là nội dung rất cơ bản của văn hóa học đường. Tác dụng tích cực của văn hóa học đường là xây dựng nhân cách cho học sinh, chống lại lối sống tiêu cực. Chính vì thế, mỗi nhà trường cần có văn hóa học đường của mình.

       Văn hóa học đường lành mạnh giúp các thành viên trong nhà trường chia sẻ với nhau những kinh nghiệm và kiến thức, phát triển khả năng hợp tác giữa các thành viên trong mọi lĩnh vực hoạt động của nhà trường. Từ đó, tạo ra môi trường thuận lợi, tin cậy, tôn trọng lẫn nhau, giúp mọi thành viên trong nhà trường quan tâm đến việc nâng cao chất lượng dạy và học, tích cực hoạt động vì sự phát triển chung của nhà trường.

Vấn đề xây dựng văn hóa học đường phải được coi là có tính sống còn đối với từng nhà trường, vì nếu học đường mà thiếu văn hóa thì không thể thực hiện được chức năng chuyển tải những giá trị kiến thức và nhân văn cho thế hệ trẻ. Văn hóa học đường là môi trường rất quan trọng để rèn luyện nhân cách và giáo dục thế hệ trẻ trở thành những con người sống có hoài bão, có lý tưởng tốt đẹp.

Văn hóa học đường tạo niềm tin cho xã hội trong việc thực hiện các chức năng giáo dục của mình, đặc biệt trong việc đào tạo nguồn nhân lực cho xã hội.

Cả xã hội đang rất quan tâm đến đạo đức của học sinh, sinh viên bởi xây dựng văn hóa học đường là một yếu tố bảo đảm và nâng cao chất lượng giáo dục đào tạo; góp phần quan trọng chấn hưng, cải cách nền giáo dục nước nhà, phục vụ đắc lực cho công cuộc đổi mới kinh tế xã hội của đất nước.

Nội dung của văn hóa học đường rất phong phú, song có thể tóm tắt thành ba vấn đề cơ bản:

Thứ nhất là cơ sở vật chất, trường phải ra trường, lớp phải ra lớp mới tạo ra được môi trường văn hóa.

Thứ hai là xây dựng môi trường giáo dục, tạo ra nhà trường thân thiện, học sinh tích cực, xây dựng môi trường giáo dục an toàn, thân thiện, hiệu quả…

Thứ ba, tạo ra môi trường văn hóa ứng xử, văn hóa giao tiếp trong nhà trường, làm cho học sinh, sinh viên ngoan ngoãn, lễ phép, lịch thiệp, nền nếp, kính trên, nhường dưới…

Thực ra, giáo dục văn hóa học đường là tạo ra những nét đẹp trong hành vi của học sinh, sinh viên đối với các mối quan hệ thày trò, bạn bè và môi trường xung quanh. Ví dụ: thày giáo thì phải mô phạm, đức độ, mẫu mực trong hành vi, đối với đồng nghiệp phải khiêm tốn, đoàn kết, nhân ái…, đối với học trò phải hết lòng thương yêu, chỉ bảo, đối với người khác phải giản dị, mẫu mực, đối với công việc phải tận tụy, có kỷ luật, sáng tạo…, phải giữ gìn sự trong sạch của cả môi trường tự nhiên và môi trường xã hội. Học sinh thì không được kiêu căng, tự cao, tự đại mà phải trung thực, cầu tiến, giản dị, khiêm tốn…, đối với thày cô giáo phải kính trọng, biết ơn…, đối với bạn cùng trường, cùng lớp phải đoàn kết, thân ái, phải biết kính trên, nhường dưới…

Nói tóm lại, văn hóa học đường là những nét đẹp trong toàn bộ môi trường sư phạm: từ môi trường cơ sở vật chất, môi trường quan hệ, môi trường công việc. Những nét đẹp đó được thể hiện trong hành vi của thày, của trò, của cán bộ quản lý và nhân viên trong nhà trường.

2. Thực trạng văn hóa học đường hiện nay

Sau hơn 25 năm đổi mới, đất nước đã đạt được những thành tựu to lớn trên mọi lĩnh vực. Đời sống nhân dân được cải thiện rõ rệt, ngành giáo dục đã đạt được những thành tựu cả về quy mô lẫn chất lượng. Tuy nhiên trong những năm gần đây, đời sống văn hóa của học sinh, sinh viên có những biến đổi theo nhiều chiều hướng khác nhau. Nền kinh tế, văn hóa, khoa học phát triển tạo điều kiện cho học sinh sinh viên được tiếp cận với nhiều kênh thông tin, nhiều mô hình học tập tiên tiến, do đó đạt nhiều thành tích trong học tập và nghiên cứu khoa học. Ở thời điểm này, chúng ta cũng đang phải đối mặt với nhiều biểu hiện chưa chuẩn về đạo đức lối sống trên bình diện xã hội nói chung, học đường nói riêng.

Văn hóa học đường đang là một vấn đề thời sự nổi cộm không chỉ trong các nhà trường mà trong cả toàn xã hội chúng ta hiện nay. Các nhà trường Việt Nam đã kiên trì xây dựng văn hóa học đường từ năm này qua năm khác, từ thế hệ này qua thế hệ khác và đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng. Tuy nhiên, cho đến nay, thực tế biểu hiện của văn hóa học đường đang còn nhiều vấn đề bức xúc, cần phải suy ngẫm. Hiện tượng học sinh, sinh viên có những hành vi lố lăng, kệch cỡm, đánh mất vẻ đẹp văn hóa ở trường lớp, nơi công cộng, ký túc xá… là khá phổ biến. Thực trạng này có thể có nhiều nguyên nhân khác nhau, nhưng chắc chắn có một nguyên nhân do văn hóa học đường chưa được đưa vào phạm vi quản lý của nhà trường.

Chưa vội nói đến việc xây dựng cơ sở vật chất trường học khang trang, đạt chuẩn (vì điều kiện kinh tế còn nhiều khó khăn) mà hãy nói tới hai vấn đề: xây dựng môi trường giáo dục và xây dựng văn hóa ứng xử, giao tiếp – những nội dung không cần nhiều tiền cũng có thể làm tốt được.

Bất cứ ai quan tâm đến giáo dục cũng có thể chỉ ngay ra được những nơi chưa tốt về môi trường giáo dục. Các hiện tượng nói xấu người khác, dối trá, nói tục, chửi thề, cãi vã với cha mẹ, người trên, vô lễ với thày cô giáo, xả rác bừa bãi, phá hoại môi trường, tiêu pha lãng phí, trộm cắp, đánh nhau, sống thử, coi thường pháp luật… diễn ra ngày càng nhiều trong các nhà trường. Có thể nói, bộ phận học sinh, sinh viên có những biểu hiện thiếu văn hóa ngày càng tăng dần.

Ngày nay, với những biến động mạnh mẽ của xã hội, những giá trị chuẩn mực, nếp sống văn hóa học đường của học sinh, sinh viên có những thay đổi trong nhận thức, thái độ, hành vi và thói quen ứng xử hàng ngày. Những tác động tiêu cực đa chiều đã dẫn đến tình trạng bạo lực học đường, vi phạm pháp luật, phạm pháp hình sự ngày một tăng. Tác động của kinh tế thị trường đã ảnh hưởng không nhỏ đến thanh thiếu niên, nhất là học sinh, sinh viên trong các trường đại học, cao đẳng. Vì vậy, thực trạng học sinh, sinh viên vô lễ, trộm cắp, bỏ học, sa vào các tệ nạn xã hội ngày càng trở thành vấn đề nóng.

Mối quan tâm của dư luận đến văn hóa học đường không phải là chuyện ngẫu nhiên. Với trên 22 triệu học sinh, sinh viên thì văn hóa học đường thực sự là yếu tố quan trọng quyết định tương lai của đất nước và vận mệnh của cả dân tộc.

3. Giải pháp xây dựng văn hóa học đường

Để xây dựng văn hóa học đường, phải làm nhiều việc, bằng nhiều cách. Phải bắt đầu từ các cấp quản lý ngành, lãnh đạo các trường có chủ trương, kế hoạch triển khai, kiểm tra, nhắc nhở, đánh giá; đó là điều kiện tiên quyết. Tiếp đến, đội ngũ nhà giáo phải chú ý giáo dục văn hóa, đây là nhân tố rất quan trọng. Và tất nhiên, toàn trường, đến từng người học, ai cũng phải chú trọng đến hình thành và phát triển nhân cách văn hóa. Để xây dựng văn hóa học đường trong các nhà trường, có thể triển khai các giải pháp cụ thể sau:

        Mỗi trường học phải có hệ giá trị làm chuẩn mực để lấy đó làm mục tiêu phấn đấu, thước đo thành quả của trường

Mỗi cấp học, bậc học có yêu cầu, nội dung, biện pháp đặc thù. Một biện pháp cần thiết là mỗi trường có hệ giá trị làm chuẩn mực để mọi thành viên đồng thuận, lấy đó làm mục tiêu phấn đấu, thước đo thành quả của bản thân, của lớp, của trường, đặc biệt về mặt đạo đức xã hội, giá trị nhân cách – điều mà chúng ta gọi là dạy người bên cạnh dạy chữ, dạy nghề.

Việc làm này là động lực thúc đẩy sự phát triển của nhà trường, làm cho học sinh, sinh viên nhận thức được giảng đường, nơi mình học tập trở thành nơi phấn đấu, rèn luyện; nơi phụ huynh luôn yên tâm về một môi trường đào tạo vừa hồng vừa chuyên. Các trường học cần xây dựng các giải pháp phù hợp, loại bỏ dần những hiện tượng vô văn hóa, xây dựng hệ giá trị riêng làm chuẩn mực góp phần thúc đẩy sự phát triển cho toàn ngành giáo dục. Mỗi nhà trường cần ban hành quy chế văn hóa học đường một cách rõ ràng, có tính khả thi cao, đặc biệt có cam kết của các phòng ban, đơn vị trực thuộc, cá nhân… và có kiểm tra, đánh giá thường xuyên.

Ngoài ra, các trường cần gắn việc giáo dục đạo đức văn hóa với đạo đức lối sống, lồng ghép chương trình giảng dạy với các hoạt động dã ngoại cho học sinh, sinh viên như: thăm các di tích lịch sử, học tập truyền thống cách mạng lịch sử hào hùng của dân tộc…, qua đó khơi dậy lòng tự hào dân tộc, giúp các em có động cơ học tập tốt.

          Xây dựng môi trường giáo dục an toàn, thân thiện, hiệu quả

Môi trường giáo dục phải xây dựng thật trong lành, văn hóa. Văn hóa thể hiện ở giảng viên, học sinh, sinh viên qua hành động, cử chỉ, ngôn ngữ giao tiếp hàng ngày. Môi trường xung quanh học đường là ý thức của giảng viên và học sinh, sinh viên khi bỏ rác đúng nơi quy định, không bẻ cây, khạc nhổ, vẽ bậy lên tường, bàn học; không hút thuốc lá trong trường học, không nói tục, chửi thề… Những việc làm tưởng chừng rất nhỏ đó chính là nền tảng hình thành chuẩn mực đạo đức ban đầu của mỗi một con người.

Văn hóa học đường chính là văn hóa giao tiếp, văn hóa ứng xử của giảng viên và học sinh, sinh viên. Giảng viên phải là tấm gương tốt cho học sinh, sinh viên noi theo, phải xây dựng mối quan hệ tốt giữa thày và trò một cách đúng mực, nghiêm túc, thân mật, giản dị và chân thành. Giảng viên phải xác định đúng vai trò, nghĩa vụ và trách nhiệm đối với việc dạy chữ và dạy người, có ý thức trau dồi chuyên môn, làm cho học sinh, sinh viên thấy được cái hay, cái đẹp trong kiến thức được lĩnh hội, truyền cho các em niềm say mê về nghề nghiệp, phát huy tính tích cực, tự giác làm cho các em trân trọng, yêu quý nghề của mình lựa chọn.

Nhà trường phải phát động những phong trào thi đua, văn hóa văn nghệ, hoạt động ngoại khóa, biến mỗi mái trường trở thành ngôi trường thân thiện, mỗi học sinh, sinh viên trở thành người học tích cực.

          Phối hợp gia đình, nhà trường và xã hội trong giáo dục văn hóa học đường

Gia đình là cái nôi sinh thành, dưỡng dục, là nơi định hướng các giá trị đạo đức, nhân cách của học sinh, sinh viên. Gia đình cũng là nơi gìn giữ những giá trị đạo đức truyền thống tốt đẹp của dân tộc. Sự kết hợp giữa gia đình với nhà trường thể hiện trong việc thường xuyên có sự trao đổi từ hai phía. Nhà trường thông báo kết quả học tập, văn hóa đạo đức trường học của học sinh, sinh viên cho gia đình. Gia đình cung cấp đầy đủ thông tin cá nhân, trình bày rõ tính cách, năng lực của học sinh, sinh viên tạo điều kiện để nhà trường có biện pháp giáo dục, quản lý. Gia đình cũng phải chu cấp đầy đủ về vật chất, quan tâm, động viên các em cố gắng học tập, rèn luyện. Thực tế cho thấy, khá nhiều gia đình do bận mải mà bỏ bê không quan tâm đến con cái, phó mặc cho nhà trường. Cần khẳng định rằng trách nhiệm giáo dục con cái phải được bắt đầu từ gia đình và không một chính sách giáo dục nào có thể thay thế được sự chăm lo, săn sóc của bố mẹ đối với các em.

Về mặt xã hội, định hướng thị hiếu văn hóa là nhiệm vụ hết sức quan trọng của các cơ quan chức năng. Giáo dục văn hóa phải gắn với nhiều hoạt động của đời sống xã hội. Các đoàn thể tổ chức xã hội như khối xóm nơi có học sinh, sinh viên ở phải thường xuyên kiểm tra nếp sống văn hóa, tăng cường tuần tra, kiểm tra hiện tượng các em đi khuya về muộn, để kịp thời thông báo với nhà trường có biện pháp xử lý. Có những hình thức xử lý thích đáng với những bộ phận, những đối tượng có mục đích lợi dụng học sinh, sinh viên về cả tâm hồn và thể xác. Hạn chế những tụ điểm ăn chơi (nhà hàng, nhà nghỉ, quán karaoke, dịch vụ cầm đồ…) chung quanh địa bàn các trường học.

         Một môi trường văn hóa học đường được tạo dựng từ sự kết hợp giữa gia đình, nhà trường và xã hội sẽ có sức đề kháng với những mầm bệnh, loại trừ được những biểu hiện văn hóa không lành mạnh nảy sinh từ bên trong, góp phần xây dựng môi trường văn hóa học đường ngày càng hoàn thiện, trong sáng. Đây là vấn đề đáng suy ngẫm, bởi hơn lúc nào hết, văn hóa học đường phải nhận được sự quan tâm của mỗi gia đình, nhà trường và của toàn xã hội.

Nguồn : Tạp chí VHNT số 339, tháng 9-2012

Tác giả : Cao Thanh Phước

Đánh giá post

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *