Xây dựng văn hóa kinh doanh trong bối cảnh kinh tế thị trường ở việt nam

Xây dựng văn hóa kinh doanh (VHKD) tức là đưa văn hóa thấm sâu vào hoạt động kinh tế, từ đó làm lành mạnh hóa các mối quan hệ, thúc đẩy sự phát triển kinh tế nhanh và bền vững. Vì vậy hiện nay, các nước đều quan tâm đến việc xây dựng VHKD và đã có nhiều nước thành công, tạo được sự phát triển thần kỳ. Ở Việt Nam, phát triển VHKD là rất cần thiết, cấp bách và lâu dài bởi hoạt động kinh tế của chúng ta còn thiếu VHKD, hơn thế nó còn góp phần vào việc thực hiện mục tiêu xây dựng nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa ở nước ta.

1. Vai trò của VHKD đối với việc đảm bảo định hướng xã hội trong nền kinh tế thị trường ở Việt Nam

VHKD là tổng hòa các quan niệm giá trị, tiêu chuẩn đạo đức, triết lý kinh doanh, quy phạm hành vi, ý tưởng, phương thức quản lý và quy tắc, chế độ được toàn thể thành viên trong doanh nghiệp chấp nhận, tuân theo. Bất kể một chủ thể kinh tế, doanh nghiệp nào khi tham gia vào hoạt động kinh doanh đều mong muốn tìm kiếm lợi nhuận và khát vọng làm giàu. Tuy nhiên, không phải doanh nghiệp nào cũng có đạo làm giàu. Đạo làm giàu chính là VHKD. Doanh nhân có VHKD không chỉ là những người kinh doanh buôn bán đơn thuần mà phải là những người có triết lý làm giàu, có lý tưởng cao rộng trong kinh doanh, gắn lợi ích cá nhân với vinh quang của dòng họ, quê hương, dân tộc. Một doanh nghiệp có đạo làm giàu, có VHKD khi coi mục tiêu và ý nghĩa của việc kinh doanh là phục vụ khát vọng làm giàu chính đáng cho bản thân, đồng thời đóng góp cho sự phát triển của đất nước, phục vụ dân tộc. Với ý nghĩa như vậy, VHKD có vai trò quan trọng trong việc đảm bảo định hướng xã hội chủ nghĩa trong nền kinh tế thị trường ở Việt Nam, thể hiện cụ thể như sau:

 VHKD góp phần hạn chế những mặt tiêu cực của kinh tế thị trường

 Ngay từ Đại hội Đảng lần thứ VIII, trong văn kiện trình Đại hội, Đảng ta khẳng định khắc phục những mặt tiêu cực của kinh tế thị trường cũng là góp phần vào việc thực hiện định hướng xã hội chủ nghĩa bởi những mặt tiêu cực này mâu thuẫn với bản chất của chủ nghĩa xã hội. “Kinh tế thị trường có những mặt tiêu cực mâu thuẫn với bản chất của chủ nghĩa xã hội. Đó là xu thế phân hóa giàu nghèo quá mức, là tâm lý sùng bái đồng tiền, vì đồng tiền mà chà đạp lên đạo đức, nhân phẩm” (1). Như vậy, hai tiêu cực lớn nhất của kinh tế thị trường chính là việc quá coi trọng lợi ích vật chất, rơi vào chủ nghĩa cá nhân dẫn tới việc vì đồng tiền, vì sự giàu có của cá nhân mà sẵn sàng chà đạp lên lợi ích của cộng đồng, kéo theo đó là sự phân hóa giàu nghèo. VHKD sẽ góp phần khắc phục những khuyết tật này của kinh tế thị trường. Bởi lẽ, VHKD với những giá trị, chuẩn mực nhất định chi phối hoạt động kinh doanh của các chủ thể kinh tế, định hướng và điều chỉnh các hoạt động này không chỉ đơn thuần chạy theo lợi ích cá nhân. Một doanh nhân, doanh nghiệp có VHKD không bao giờ làm giàu trên cơ sở làm hại đến lợi ích của cộng đồng mà lợi ích của doanh nghiệp luôn có sự hài hòa với lợi ích của cộng đồng. Họ luôn biết tôn trọng lợi ích của người tiêu dùng, cam kết cung cấp sản phẩm có chất lượng tốt, an toàn, không bao giờ tìm cách kiếm lời bằng việc làm hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng ảnh hưởng tiêu cực đến lợi ích, thậm chí sức khỏe của người tiêu dùng. Khi làm thiệt hại đến quyền lợi người tiêu dùng, một doanh nghiệp có văn hóa luôn biết xin lỗi và bồi thường thỏa đáng. Chúng ta thấy những hãng sản xuất ô tô lớn, có uy tín và thương hiệu của Nhật Bản khi đưa ra dòng sản phẩm có lỗi kỹ thuật, họ bao giờ cũng có chính sách thu hồi lại các sản phẩm lỗi này và bồi hoàn cho người tiêu dùng, bất kể điều đó ảnh hưởng rất lớn đến lợi nhuận của công ty. Một doanh nghiệp có VHKD cũng luôn luôn tôn trọng lợi ích của người lao động, thực hiện đầy đủ các chế độ về lương, bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế và đảm bảo những điều kiện làm việc tốt nhất cho nhân viên, thậm chí còn có chế độ khen thưởng hợp lý đối với những người mang lại nhiều lợi nhuận cho doanh nghiệp. Một doanh nghiệp có VHKD không làm giàu trên sự bóc lột sức lao động của những người lao động, mà trên cơ sở đảm bảo lợi ích tương xứng với công sức mà người lao động đã bỏ ra, để khuyến khích sự sáng tạo và lòng trung thành của họ đối với sự phát triển của công ty. Do đó, nó sẽ hạn chế được sự phân hóa giàu nghèo trong xã hội. Cùng với sự lớn mạnh của các doanh nghiệp là đời sống vật chất và tinh thần của người lao động trong doanh nghiệp cũng được nâng lên. Như vậy, rõ ràng VHKD đã góp phần điều chỉnh hoạt động kinh doanh của các doanh nghiệp để hoạt động này không đơn thuần chạy theo lợi ích vật chất của cá nhân, các chủ kinh doanh mà luôn biết hài hòa các lợi ích. Chính vì vậy, sự phát triển của doanh nghiệp cũng đồng thời thúc đẩy sự phát triển của xã hội, cùng với sự giàu có của doanh nghiệp là việc xóa đói giảm nghèo cho nhiều người lao động.

VHKD góp phần thực hiện các nội dung định hướng xã hội chủ nghĩa trong nền kinh tế thị trường ở Việt Nam

Nội dung định hướng xã hội chủ nghĩa trong phát triển kinh tế thị trường chính là thực hiện sự phát triển bền vững. Đây là quá trình phát triển có sự kết hợp chặt chẽ, hài hòa giữa tăng trưởng kinh tế với cải thiện các vấn đề xã hội và bảo vệ môi trường.

 Định hướng xã hội chủ nghĩa trong phát triển kinh tế thị trường trước hết phải có nền kinh tế với tốc độ tăng trưởng cao và ổn định, bởi lẽ có tăng trưởng kinh tế mới có tiền đề, cơ sở để giải quyết các vấn đề xã hội. Việc phát triển VHKD góp phần thúc đẩy nền kinh tế tăng trưởng mạnh mẽ. Bởi lẽ, VHKD trái ngược với lối làm ăn chụp giật, chỉ biết ngắn hạn, chấp nhận thu được lợi nhuận trước mắt, bất chấp cả việc mất uy tín và thương hiệu vì làm tổn hại đến lợi ích của người tiêu dùng. VHKD với một chiến lược kinh doanh dài hạn, luôn lấy việc phục vụ lợi ích của khách hàng, mang lại các giá trị ngày càng cao cho khách hàng trong các sản phẩm, dịch vụ của mình làm mục tiêu số một, là sự cống còn của doanh nghiệp, vì chính sự ủng hộ và tin tưởng của khách hàng mới tạo nên sự phát triển bền vững của doanh nghiệp. Một doanh nghiệp có VHKD mới xây dựng được những thương hiệu mạnh, có uy tín và tầm cỡ quốc gia và quốc tế, tạo ra sự phát triển lâu dài. Trong bối cảnh cạnh tranh kinh tế gay gắt toàn cầu hiện nay, chỉ có cạnh tranh bằng chất lượng sản phẩm phục vụ khách hàng mới tạo nên sự phát triển ổn định. VHKD thúc đẩy sự phát triển ổn định và bền vững vì nó luôn biết hài hòa lợi ích giữa chủ doanh nghiệp và người lao động, từ đó khuyến khích người lao động hăng say làm việc và nâng cao chất lượng lao động vì sự phát triển của doanh nghiệp. Những doanh nghiệp làm giàu bằng sự bóc lột sức lao động của người lao động sẽ chỉ thu được lợi nhuận trước mắt mà không thể phát triển lâu dài. Chính những mâu thuẫn nảy sinh sẽ làm người lao động không yên tâm sản xuất, thậm chí nếu thái quá có thể còn đứng lên đình công làm cho hoạt động sản xuất kinh doanh bị ngưng trệ.


 Vai trò văn hóa kinh doanh trong kinh tế thị trườngẢnh Trần Ngọc   

Định hướng xã hội chủ nghĩa trong nền kinh tế thị trường ở Việt Nam còn là gắn tăng trưởng kinh tế với tiến bộ và công bằng xã hội, mọi người dân đều được hưởng thành quả của sự tăng trưởng kinh tế. “Tăng trưởng kinh tế phải gắn liền với tiến bộ và công bằng xã hội ngay trong từng bước phát triển. Khuyến khích làm giàu hợp pháp đi đôi với xóa đói giảm nghèo” (2). VHKD biểu hiện ở việc kinh doanh theo đúng quy định của pháp luật, không trốn thuế để làm giàu cho cá nhân doanh nghiệp. Bởi, thuế là nguồn thu chủ yếu của ngân sách nhà nước để thực hiện các chương trình an sinh và phúc lợi xã hội. Thậm chí cao hơn, một số doanh nghiệp còn trích một phần lợi nhuận của mình để trực tiếp thực hiện các chương trình xã hội, góp phần vào việc giải quyết các vấn đề cho đất nước. Hơn nữa, các doanh nghiệp có VHKD là những doanh nghiệp vừa biết làm giàu chính đáng, vừa giúp đỡ người khác thoát nghèo và từng bước tiến tới xây dựng một xã hội công bằng, giàu mạnh. Doanh nghiệp có VHKD là trong khi tìm kiếm lợi nhuận cho mình cũng tôn trọng và đảm bảo hợp lý lợi ích của những người lao động, những người đóng góp cho sự phát triển của doanh nghiệp.

Định hướng xã hội chủ nghĩa trong nền kinh tế thị trường còn là tăng trưởng kinh tế gắn liền với bảo vệ môi trường sinh thái. Những doanh nghiệp có VHKD luôn biết hài hòa lợi ích cá nhân với các lợi ích khác, trong đó có vấn đề bảo vệ môi trường. Những doanh nghiệp này không chạy theo lợi ích cá nhân đơn thuần mà hủy hoại môi trường, họ đảm bảo đúng quy định của pháp luật, có hệ thống xử lý các chất thải, khí thải trước khi xả ra bên ngoài.

Như vậy, việc thực hiện nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam không thể tách rời với việc xây dựng VHKD. Các quốc gia hiện nay đều quan tâm đến xây dựng VHKD để làm cho hoạt động kinh tế phát triển bền vững, nhân văn và vì con người hơn.

2. Những hạn chế trong VHKD ở Việt Nam thời gian qua

Có thể nói, đã có nhiều nghiên cứu chỉ ra những biểu hiện cho thấy tính định hướng xã hội chủ nghĩa trong nền kinh tế thị trường ở Việt Nam chưa được đảm bảo một cách vững chắc. Tuy nhiên, chưa nhiều nghiên cứu chỉ ra được một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng này, đó là chúng ta chưa xây dựng được VHKD trong nền kinh tế. Ở Việt Nam, chưa có một doanh nghiệp nào được xếp vào hàng doanh nghiệp có uy tín và thương hiệu hàng đầu thế giới. Sở dĩ như vậy vì các doanh nghiệp Việt Nam chưa có một tầm nhìn chiến lược, dài hạn vươn tầm quốc tế. Thậm chí, nhiều doanh nghiệp vẫn còn lấy lối kinh doanh chụp giật, ăn xổi, chạy theo lợi nhuận trước mắt làm phương thức hoạt động của mình. Rất nhiều cơ sở sản xuất sử dụng chất liệu, phụ phẩm độc hại, cấm sử dụng gây mất an toàn, ảnh hưởng đến sức khỏe và tính mạng của người tiêu dùng đã được các cơ quan chức năng phát hiện. Thậm chí, còn có doanh nghiệp lợi dụng kẽ hỡ của pháp luật Việt Nam để làm lợi cho mình như trốn thuế. Theo Tổng cục Cảnh sát phòng chống tội phạm – Bộ Công an, tội phạm trong lĩnh vực thuế đang diễn ra ở hầu hết các loại hình doanh nghiệp với nhiều thủ đoạn trốn thuế và hành vi gian lận rất tinh vi. Nổi bật là việc các doanh nghiệp ngoài quốc doanh và doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài tìm mọi cách báo cáo giảm lợi nhuận, từ đó giảm thu nhập để trốn thuế. Mỗi năm có gần 1.000 vụ doanh nghiệp trốn thuế, gây thiệt hại hàng chục nghìn tỷ đồng. Nhiều doanh nghiệp còn thiếu tôn trọng lợi ích của người lao động, nợ lương công nhân, trốn tránh nghĩa vụ đóng bảo hiểm y tế và bảo hiểm xã hội cho người lao động. Vì vậy, mâu thuẫn giữa người lao động và chủ doanh nghiệp còn diễn ra ở nhiều doanh nghiệp. Theo thống kê của Bộ LĐTBXH, từ năm 1995 đến 2011 ở Việt Nam có 4142 các cuộc đình công diễn ra. Đặc biệt, tình trạng các doanh nghiệp chạy theo lợi nhuận gây hủy hoại môi trường diễn ra khá phổ biến. Tính đến cuối năm 2012, cả nước có 289 khu công nghiệp, trong 179 khu đã đi vào hoạt động có 143 đã hoặc đang xây dựng hệ thống xử lý nước thải tập trung, đạt khoảng 58% so với nhu cầu, số còn lại được xả thẳng ra môi trường (3). Đặc biệt là trình trạng nhiều cơ sở sản xuất mặc dù xây dựng hệ thống xử lý nước thải nhưng lại để che mắt các cơ quan quản lý nhà nước chứ không phải để hoạt động. Theo kết quả khảo sát, 65 khu công nghiệp vùng kinh tế trọng điểm phía Nam do Cục bảo vệ môi trường tiến hành (2010), có 61 cơ sở có hệ thống xử lý nước thải tập trung nhưng chỉ có 23 cơ sở hoạt động và tại thời điểm kiểm tra chỉ có 7/23 cơ sở đang hoạt động (4). Đặc biệt, một số doanh nghiệp ở Việt Nam còn chú ý đến việc quan hệ, chạy chọt, dựa dẫm vào những phần tử thoái hóa, biến chất trong bộ máy nhà nước để thực hiện các hoạt động kinh doanh hơn là chú ý đến việc nâng cao năng lực, sức cạnh tranh của chính doanh nghiệp mình. Xu hướng dựa vào quan hệ rộng như là một chủ bài, mạnh hơn cả năng lực và xu hướng nhờ vả, chạy chọt hiện đang tồn tại ở mức đáng kể trong một số doanh nghiệp. Tất cả những biểu hiện thiếu VHKD ở một bộ phận doanh nghiệp này đang làm cho tính định hướng xã hội chủ nghĩa trong nền kinh tế thị trường ở nước ta không được đảm bảo. Sự thiếu văn hóa đó đang làm cho việc phát triển kinh tế ở Việt Nam thiếu bền vững, thiếu các doanh nghiệp mạnh có uy tín lớn trên thế giới, làm giãn cách thêm sự phân hóa giàu nghèo trong xã hội, môi trường đang bị hủy hoại nghiêm trọng, nhiều vấn đề xã hội nảy sinh. Điều này đang đặt ra yêu cầu Đảng, Nhà nước và các tổ chức chính trị xã hội phải nâng cao hơn nữa vai trò của mình trong việc xây dựng VHKD trong nền kinh tế ở nước ta, thúc đẩy nền kinh tế Việt Nam phát triển theo hướng ngày càng tiến bộ, văn minh, vì con người hơn.

Trong điều kiện nền kinh tế thị trường ở Việt Nam còn non trẻ, đang ở giai đoạn đầu, việc có một nền VHKD là một điều không thể làm ngay. Tuy nhiên, Việt Nam nhất định phải có một nền VHKD mới có thể đảm bảo tính định hướng xã hội chủ nghĩa trong nền kinh tế thị trường ở nước ta hiện nay. Đó là điều đã được chứng minh cả về mặt lý luận và thực tiễn. Vì vậy, chúng ta cần phải đề ra và thực hiện nghiêm túc những giải pháp hiệu quả, đồng bộ để VHKD thực sự thấm sâu vào mọi hoạt động của các doanh nghiệp, chủ thể trong nền kinh tế đất nước.

_______________

1, 2. Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội Đảng thời kỳ đổi mới, Nxb Chính trị Quốc gia, 2005, tr.481, 424.

3. toancaugroup.com.vn.

4. Cao Minh Nghĩa, Cơ sở sản xuất công nghiệp gây ô nhiễm môi trường trên địa bàn một số tỉnh, thành phố trong vùng kinh tế trọng điểm phía Nam – thực trạng và biện pháp xử lý, gov.vn.

Nguồn : Tạp chí VHNT số 405, tháng 3 – 2018

Tác giả : NGUYỄN TIẾN THƯ – HÀ THỊ THÙY DƯƠNG

Đánh giá post

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *