XEM CHIẾN HẠM POTEMKINE Ở HÀ NỘI


Đến hẹn lại lên, năm nào Cộng đồng châu Âu, thông qua các đại sứ quán và cơ quan đại diện của mình tại Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, phối hợp với các cơ quan hữu trách của Việt Nam, cũng tổ chức vào khoảng tháng tư hoặc tháng năm những ngày phim châu Âu, nhằm giới thiệu những tinh hoa của điện ảnh châu lục.

 

Liên hoan phim châu Âu tại Việt Nam năm nay mở đầu bằng Chiến hạm Potemkine của nhà điện ảnh Liên Xô Sergey Eisenstein (1898-1948). Bộ phim được chiếu tại Nhà hát lớn Hà Nội. Khi phim kết thúc, cả khán phòng vỗ tay hồi lâu, dễ đến mươi phút. Chuyện hoan nghênh nồng nhiệt một tác phẩm nghệ thuật như vậy không dễ bắt gặp thời bây giờ. Chúng tôi còn thấy người Việt Nam và khách nước ngoài đưa mắt nhìn nhau, ngầm chia sẻ cảm xúc và suy nghĩ.
Chiến hạm Potemkine được sản xuất năm 1925, lúc tác giả kịch bản kiêm đạo diễn mới 27 tuổi. Nó là phim câm, nên từ thuở lọt lòng, phải có âm nhạc diễn tấu ngoài màn ảnh phụ họa. Một vài tên tuổi âm nhạc lớn, như Chostakhovitch và Krioulov của Liên bang Xô viết, hay Meisel của Cộng hòa dân chủ Đức, từng viết nhạc cho bộ phim. Tại buổi chiếu Chiến hạm Potemkine đang được đề cập, toàn bộ bản nhạc của Meisel được hai nghệ sĩ piano Đức tấu kèm theo diễn tiến của câu chuyện trên màn ảnh. Cho nên, những tràng pháo tay dài của khán giả có thể hiểu là sự cảm ơn và thán phục dành cho hai người, và nồng nhiệt hơn, dành cho Sergey Eisenstein và bộ phim.
Phim được chuyển thể từ truyện ngắn không mấy tiếng tăm của nhà văn Nga Nina Agadjanova Choutko hiện nay không ai nhớ nữa. Chuyện phim đơn giản đến kinh ngạc. Các thủy thủ trên tầu Potemkine phải cam chịu một cuộc sống tồi tệ, bắt đầu từ chuyện ăn uống. Họ phải ăn thịt ôi thiu có dòi. Khi họ chất vấn sĩ quan phụ trách y tế trên tầu, tên này thản nhiên bảo rằng khi nấu với rau như bắp cải, thịt vẫn vô hại và ngon bổ. Sự bất mãn ngấm ngầm càng tăng, khi các thủy thủ phát hiện, hàng ngày các sĩ quan toàn ăn cao lương mỹ vị. Thật phi lý, cùng làm việc trên tầu nhằm phục vụ Nga hoàng, đãi ngộ cho quý tộc và người lao động lại một trời một vực. Mầm mống phản loạn đã hình thành. Các thủy thủ ngầm thỏa thuận với nhau và khi thời cơ đến, tập thể thủy thủ đã vùng lên, gạt bỏ các sĩ quan lãnh đạo tầu, chính thức làm chủ con tầu với tên Potemkine, nhờ Sergey Einstein, trở thành một biểu tượng trong lịch sử nhân loại. Biểu tượng đó là công bằng phải ngự trị trong đời sống xã hội. Phá bỏ bất công và thiết lập công bằng suy cho cùng là bản chất của mọi cuộc cách mạng. Ở Nga, ấy là cuộc cách mạng 1905, mà cuộc khởi nghĩa trên Chiến hạm Potemkine là một điểm đỉnh. Cuộc cách mạng 1905 báo hiệu chính xác cuộc Cách mạng tháng Mười 1917 vĩ đại.
Sergey Eisentsein không miêu tả cuộc cách mạng 1905, mà nguyên nhân sâu xa là mâu thuẫn giữa nhân dân lao động và chế độ Nga hoàng, mâu thuẫn bị đẩy lên tột cùng căng thẳng từ thất bại của Nga trong cuộc chiến tranh Nga – Nhật. Nếu được đưa vào phim, cuộc đụng độ giữa nông dân và công nhân với chế độ quân chủ bảo thủ trì trệ sẽ gây ấn tượng qua những cuộc đình công, mít tinh, biểu tình hàng vạn, thậm chí hàng triệu người tham gia, rồi những cuộc đàn áp đẫm máu. Tuy nhiên, làm thế là lặp lại cách thức xây dựng tác phẩm từng được sử dụng hiệu quả trong các bộ tiểu thuyết Những người khốn khổ của văn hào Pháp Victor Hugo cũng như Chiến tranh và hòa bình của ông khổng lồ Nga Lev Tostoi. Vả chăng muốn làm thế trong bối cảnh phim câm thời bấy giờ cũng không thể được. Sergey Eisentsein bèn chọn lọc gắt gao những chi tiết đắt nhất, kết hợp chúng sao thật tự nhiên, cốt để các kết hợp ấy bộc lộ rõ ràng và thuyết phục nhất suy nghĩ và cảm nhận của ông. Không hiếm chi tiết tưởng như tình cờ. Đấy ví như chuyện một trong những thủy thủ bí mật “xúi giục” bạn bè thủy thủ đứng lên phế bỏ ban lãnh đạo. Khi cuộc binh biến nổ ra, hai sĩ quan lăm lăm súng truy đuổi anh tới cùng. Anh bị bắn chết, rơi xuống, vướng ngang người vào một chiếc dây chão căng đung đưa trên mặt biển. Một số bạn anh biết việc, liền nhảy xuống nước, tìm cách cứu xác anh.
Chiến hạm đang ở ngoài khơi xa, khi cuộc nổi dậy bùng nổ. Sau đó, nó cập cảng Odessa. Cảng có một hệ bậc thang lên xuống vừa cao vừa dài không thấy ở cảng nào cả. Dân chúng đổ xô xuống qua hệ cầu thang ấy để chúc mừng đoàn thủy thủ chiến thắng. Xác người thủy thủ chỉ huy gần như vô danh được viếng bởi đủ hạng người, thuộc mọi lứa tuổi. Trong đó, dĩ nhiên có các sĩ quan và nhân viên phục vụ trên chiếc tầu đã hóa thành huyền thoại. Không ít người trào nước mắt. Việc thăm viếng chàng thủy thủ xấu số, với nhiều cảm xúc nhân bản, là một điểm nhấn cố tình nhưng phải lẽ của bộ phim. Nó thầm chứng tỏ căn nguyên hợp lý của Cách mạng 1905, tức của Cách mạng tháng Mười: phi lý và bất công đã bị mọi tầng lớp trong xã hội nhận chân và không tán đồng: thế lực cầm quyền tất bị lật đổ… Sa hoàng cho quân tới đàn áp, trước hết là quần chúng trên bến cảng. Đoàn quân xếp hàng ngang, vừa bước đều xuống các bậc cầu thang vừa xả súng vào dân chúng đông đúc. Những động tác máy móc của toán lính tượng trưng cho sự mù quáng và bất lực của giai tầng thống trị trước cao trào phản đối của nhân dân. Thất bại của chế độ quân chủ Nga đã được báo trước hùng hồn như vậy. Một trong những người bị bắn là một phụ nữ trẻ đang đẩy chiếc xe nôi. Chị kinh hoàng, lảo đảo rồi khuỵu xuống, đành buông cho chiếc xe chở một em bé nằm trong tuột mỗi lúc một nhanh xuống từng bậc thang một. Nhiều nhà điện ảnh ca ngợi và cảm ơn Sergey Eisenstein về cảnh tượng chân thực và biểu cảm mãnh liệt này. Một vài đạo diễn sừng sỏ, chẳng hạn Brrian de Palma hay Woody Allen của Mỹ lấy lại nó trong phim của họ. Vô số tình tiết tưởng bâng quơ như thế vang vọng vào nhau, từng chút một tăng cường tính tư tư tưởng và sự lay động của tác phẩm điện ảnh. Kết thúc phim vì vậy thật lô gích. Giữa các tầu chiến của Nga hoàng bốn bề từ từ tiến lại để tấn công, chiến hạm Potemkine một mặt chuẩn bị chiến đấu, mặt khác phát đi tín hiệu kêu gọi chúng gia nhập hàng ngũ cách mạng. Và không lâu sau, tất cả trương cờ đỏ tán thành.
Xin lưu ý, Chiến hạm Potemkine được Sergey Eisenstein thực hiện theo đơn đặt hàng của chính phủ Liên Xô, nhằm kỷ niệm hai mươi năm Cách mạng 1905, bản dạo đầu của Cách mạng tháng Mười. Suốt từ ngày xuất xưởng 1925 đến nay, bộ phim luôn được suy tôn là một bản anh hùng ca đặc sắc. Không dưới một lần, các nhà điện ảnh thế giới tầm cỡ bầu chọn nó là bộ phim hay nhất của mọi thời đại. Nó phảng phất phim tài liệu, với những hình ảnh đa phần dung dị, dễ nhìn thấy thời bấy giờ, nhưng vẫn là phim truyện thứ thiệt. Nó không có cốt truyện theo kiểu thông thường, dành cho các ngôi sao đang nổi. Diễn viên hầu hết không chuyên. Nhân vật chính là nhân dân bị bóc lột đoàn kết lại đấu tranh chống kẻ thù chung đã mất hết tính người. Các cảnh phim trước sau hô ứng, tô đậm ý nghĩa cho nhau, tạo nên một sự thống nhất về tư tưởng và nghệ thuật cho toàn phim. Chỉ cần Chiến hạm Potemkine đã đủ để đứng lại trong Lịch sử Nghệ thuật thứ bảy một Sergey Eisenstein, “nhà làm phim theo đơn đặt hàng của chính phủ (Liên Xô)”, như một bậc thầy ngoại cỡ, một đỉnh cao chói lọi, một tượng đài kỳ vĩ.
Đâu là bí quyết thành công của ông? Thật đơn giản nhưng không mấy người vươn tới được: lý tưởng thẩm mỹ dứt khoát, lập trường kiên định và làm việc trung thực hết mình. Bất chấp ỉ eo thời đại, ông kiên trì tư tưởng cộng sản và hết mình phụng sự tư tưởng ấy. Điều kiện tiên quyết để đạt được mục đích là nghệ thuật mới lạ và tất cả vì khán giả. Công chúng khi xem Chiến hạm Potemkine cảm biết rõ ràng việc ông dốc hết tâm huyết và tài năng cho bộ phim. Khi làm phim, ông chỉ cố sao để chuyện phim tiến triển tự nhiên nhất như sự thật ngoài đời, cả bộ phim và từng cảnh nhỏ bộc lộ rõ ràng nhất tư tưởng của ông, sao cho ấn tượng mà phim để lại trong lòng khán giả phải là những niềm vui nghệ thuật tràn trề và những ám ảnh nhân văn lạc quan và tin tưởng. Ông không mảy may tơ tưởng đến tiền tài hay các danh hiệu “bậc thầy” hoặc “gạo cội” như các nhà điện ảnh hôm nay thường mơ ước. Điều cốt tử nơi ông: lý tưởng cộng sản đã là niềm tin sắt son máu thịt. Do đó, ông không bao giờ rơi vào minh họa như không ít nghệ sĩ được mệnh danh là “nghệ sĩ xã hội chủ nghĩa” trong tất cả các lĩnh văn hóa nghệ thuật. Được biết, Hollywood về sau từng mời ông sang làm việc, song ông nhất định giữ vững lập trường cộng sản của mình và không chịu chiều theo ý tưởng “tiền là trên hết”. Thế nên, ông rời kinh đô điện ảnh ngay tức thì. Nhiều thế hệ công chúng của nghệ thuật thứ bảy khi nhắc tới ông vẫn nuối tiếc bản anh hùng ca dang dở của ông Mêxicô muôn năm, bộ phim sử thi tuyệt tác ông dàn dựng theo yêu cần của chính phủ Mêxicô thời ấy, song giữa đường đứt gánh do nhiều nguyên nhân, trong đó có việc thiếu kinh phí. Một trùng phùng cảm động, gần đây trang web Bà Bovary được khai trương, cho thấy văn hào Pháp Gustave Flaubert khi sáng tác chỉ nghĩ đến việc dành cho được những câu văn hay nhất, đặng đem đến cho độc giả một áng văn tuyệt mỹ. Cũng như Flaubert, Einstein không màng danh lợi, và chỉ lo mình không đáp ứng được mong đợi của người xem phim. Với hai ông, người thụ hưởng tác phẩm của mình là thượng đế hay chúa trời thực sự, dù mình nỗ lực đến đâu cũng khó bề thỏa mãn.
Sau buổi thưởng thức kiệt tác kinh điển Chiến hạm Potemkine, trong lúc chờ lấy xe ra về, không ít khán giả bàn tán về phim Việt Nam hiện thời. Phim chúng ta đang thua cuộc ngay tại nước ta. Không những phim nhựa, cả phim truyền hình cũng cứ nhàn nhạt. Một số công thức được lặp lại với ít nhiều biến thái từ phim nọ sang phim kia: hễ là lãnh đạo thì thế nào cũng có bồ nhí, hễ gia đình khá giả thì con gái hỗn hào và mẹ bị lép vế, đôi khi tội nghiệp, hễ là phụ nữ nông thôn thì đa phần đanh đá và ngô nghê một cách lố bịch, phim nào cũng đôi chút ngoại tình hay chùa chiền cúng bái, tình yêu già trẻ, tình yêu cùng giới vốn xa lạ với dân ta, một nhân vật thường xuất hiện trong phim ta là một cô gái ngổ ngáo, khiến nhiều người nể sợ; các nhân vật chính, nhất là nhân vật nam, thường thụ động, thậm chí chỉ còn là con rối để tác giả xâu chuỗi các sự cố của phim.. Bắt chước nhau chưa thỏa, gần đây, người ta bắt chước lộ liễu phim Hàn Quốc, loại phim mùi mẫn mà khán giả “ngán tận cổ rồi”. Hai món nhập khẩu ồ ạt vào phim Việt Nam là bạo lực điên cuồng, vô lối vô duyên và tình dục dễ dãi, vô hồn vô lý. Người Việt Nam không có truyền thống xử sự dữ dằn và trắng trợn như vậy. Chung quy, nhà làm phim chưa đầu tư thỏa đáng chất xám cho chuyện phim và cho nhân vật. Quan trọng hơn, nguyên nhân của mọi nguyên nhân, ấy là không tôn trọng khán giả. Hai ví dụ gần nhất là Vòng nguyệt quếGió làng Kình. Chủ ý của người biên kịch có thể là hay. Song do không nghiên cứu kỹ cuộc sống, họ gán ghép vô lối những cảnh đời và những nhân vật sống sượng, và dẫn dắt chuyện phim theo ý đồ chủ quan lệch lạc. Cái kết của Vòng nguyệt quế được thông báo là vô cùng xúc động, thực tế lại buồn cười. Một kẻ hám tiền và vị kỷ như nữ văn sĩ Hạ Liên không dễ trở nên thánh thiện “nhân đức có thừa” như trong phim. Gió làng Kình lại giả tạo theo một kiểu khác. Ông trưởng thôn tha hồ làm mưa làm gió. Người trung thực, dân làng, báo chí, công an, chính quyền, tất cả mau chóng bị vài mánh khóe không lấy gì làm ghê gớm của ông ta vô hiệu hóa hay đánh gục. Đành rằng, trong thực tế, như đạo diễn phim phân trần, có những ông Khuếnh kinh khủng hơn nhiều. Song vấn đề là trong thực tế hôm nay, mà không cứ hôm nay, người dân lương thiện không bao giờ bó tay trước những kẻ như ông ta. Không công khai thì ngấm ngầm, họ thế nào cũng chống lại. Đất sống cho nhân vật chính của Gió làng Kình hóa ra làm gì có. Phim đổ trong lòng khán giả là đương nhiên. Khi công chúng lên tiếng nhắc nhở, “các nhà” tỏ ý rằng người xem không hiểu sự thâm thúy của họ. Gây sốc hơn, vị biên kịch trẻ của Vòng nguyệt quế nói rằng ai không thích thì tắt máy truyền hình. Cô quên mất rằng chi phí làm phim, chi phí chiếu phim đều là tiền của của nhân dân. Chừng nào các nhà làm phim chưa cung kính khán giả và độc giả như Einstein và Flaubert, phim Việt Nam sẽ vẫn trầy trật một cách tội nghiệp.

Đánh giá post

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *