Ý NGHĨA NHÂN SINH QUA HÌNH TƯỢNG CON MÈO

/* Style Definitions */
table.MsoNormalTable
{mso-style-name:”Table Normal”;
mso-tstyle-rowband-size:0;
mso-tstyle-colband-size:0;
mso-style-noshow:yes;
mso-style-priority:99;
mso-style-qformat:yes;
mso-style-parent:””;
mso-padding-alt:0cm 5.4pt 0cm 5.4pt;
mso-para-margin-top:0cm;
mso-para-margin-right:0cm;
mso-para-margin-bottom:10.0pt;
mso-para-margin-left:0cm;
line-height:115%;
mso-pagination:widow-orphan;
font-size:11.0pt;
font-family:”Calibri”,”sans-serif”;
mso-ascii-font-family:Calibri;
mso-ascii-theme-font:minor-latin;
mso-hansi-font-family:Calibri;
mso-hansi-theme-font:minor-latin;}


Các con vật trong văn học dân gian nói chung, ca dao dân ca nói riêng đều là những hình tượng mang một ý nghĩa nhân sinh nào đó. Tác giả dân gian không đơn thuần chỉ miêu tả sinh hoạt và mối quan hệ giữa các con vật với nhau mà qua đó thể hiện các mối quan hệ nhân sinh. Trong ca dao dân ca, con mèo được thể hiện trong mối quan hệ chủ yếu với con chuột, con chó, con cọp. Trong các mối quan hệ trên thì mèo vừa là kẻ yếu, vừa là kẻ mạnh; là kẻ yếu so với con chó, con hổ nhưng với con chuột là kẻ mạnh. Quan hệ giữa mèo với chó chỉ là quan hệ tranh chấp miếng ăn trong môi trường hẹp nhưng con mèo với con chuột là quan hệ đối địch, giữa kẻ ăn thịt và kẻ bị ăn thịt. Mối quan hệ giữa con mèo và con hổ chỉ xảy ra trong môi trường tự nhiên và dân gian chỉ đưa ra hình ảnh so sánh sức mạnh và sự hung dữ của chúng trong mối quan hệ với con người.
Trong mối quan hệ với con cầy (chó), việc tranh chấp miếng ăn dẫn đến xô xát, cắn xé nhau giữa chúng thì con mèo bao giờ cũng bị thua thiệt:
 

Mèo ngao cắn cổ con cầy

 

Con cầy vật chết cả bầy mèo ngao

Con mèo có hàm răng và móng vuốt sắc nhưng sức khỏe thì không bằng chó nên chó có thể vật chết mèo. Trong bài ca ở dạng đồng dao này, con mèo gây sự trước, nó đã cắn cổ con cầy nhưng hậu quả là không những chỉ nó bị chết mà vạ lây cả đồng loại, cả bầy bị chết. Ở đây, bài học nhân sinh là kẻ yếu không nên tranh giành, gây sự với kẻ mạnh hơn mình để tránh tổn thất không cần thiết.
Mèo tận dụng lợi thế nhanh nhẹn, láu cá của mình khi ứng xử trước một tình huống xảy ra:
 

Con mèo xán vỡ nồi rang

 

Con chó chạy lại mà mang lấy đòn

Con mèo xán vỡ nồi rang nhưng nó đã nhanh nhẹn chạy trước, con chó ngu ngơ, nghe tiếng vỡ, tưởng là vật ăn được rơi xuống nên chạy lại, bị rước phải cái tội thay mèo, bị con người đánh đòn. Qua sự việc này, tác giả dân gian muốn hàm chỉ: ở đời, kẻ làm sai, gây ra hậu quả nhưng láu cá, nhanh lẹ tránh né để kẻ khác phải chịu tội thay cho mình. Một kẻ làm sai, người khác phải chịu thay, thật là oái oăm. Đây cũng thể hiện thái độ giận cá chém thớt. Cũng có thể người ta biết là con mèo xán đổ nhưng nó đã chạy mất rồi bởi chó treo mèo đậy, việc làm rơi vật từ trên cao xuống chỉ là mèo nhưng cơn tức giận chẳng biết đổ vào đâu nên đành đổ lên con chó. Chó bị đánh mà chẳng biết nó có tội gì, thật đáng thương thay! Cái thói thường cứ đổ tức giận lên người khác, người làm sai thì không có mặt, người có mặt nghiêm túc thì bị nghe chửi.
Trong quan hệ giữa mèo và chuột, chuột là cái ăn và bắt chuột là phương thức kiếm miếng ăn của mèo:
 

Con mèo con mẻo con meo

 

Muốn ăn thịt chuột thì leo xà nhà

Bài ca là một sự ngụ ý về lời khuyên muốn ăn thì lăn vào bếp, mèo muốn ăn thịt chuột thì phải vất vả leo xà nhà, không ai đưa sẵn, bày sẵn cho ăn cũng như con người, muốn có cái ăn phải làm việc, lao động cực nhọc. Về phương diện này, hình tượng con mèo trong bài ca sau là biểu trưng của sự lười nhác:
 

Mèo nằm bồ lúa vênh râu

 

Thấy con chuột chạy ngóc đầu kêu ngao

Người ta nuôi mèo là để bắt chuột, giữ lúa nhưng mèo đã nằm bồ lúa mà vẫn thản nhiên, nằm vênh râu, thấy chuột không đuổi bắt mà chỉ kêu để dọa mà thôi. Mèo nằm ở bồ lúa là môi trường kiếm ăn thuận lợi cho mèo. Bồ lúa là kho thức ăn hấp dẫn của chuột, chuột không thể không đến và đây là điều kiện thuận lợi cho mèo rình bắt chuột, thế mà nó cứ nằm vênh râu kêu ra tuồng thoải mái, nhàn hạ. Bài ca này biểu trưng cho loại người lười nhác dù điều kiện làm việc thuận lợi, miếng ăn đến miệng mà không chịu lấy ăn.
Mèo và chuột là hai con vật có mối thù truyền kiếp ngay trong xương tủy của chúng. Mèo sinh ra là để ăn thịt và món thịt khoái khẩu của mèo là thịt chuột nên hễ thấy chuột là mèo tìm mọi phương kế để bắt ăn thịt, nhưng sự thể hôm nay mèo lại tỏ ra thân thiết, ngọt nhạt với chuột:
 

Con mèo mà trèo cây cau

 

Hỏi thăm chú chuột đi đâu vắng nhà

 

Chú chuột đi chợ đàng xa

 

Mua mắm mua muối giỗ cha con mèo

Chuột biết mình là miếng mồi của mèo nhưng không cách chống trả nào hơn là chạy trốn khi thấy mèo và tìm một nơi sống mà mèo không thể biết được. Chỗ ở chuột chọn là trên ngọn cây cau, nơi kín đáo, khó tìm, nơi không ngờ đối với mèo mà lại có thể phát hiện và ứng phó kẻ thù dễ dàng. Dù vậy, giống nhà mèo rất tinh quái nên nó vẫn dễ dàng phát hiện ra nơi ở mới của chuột. Chuột có khả năng leo thì mèo có khả năng trèo và trèo lên cây cau là việc có thể thực hiện được. Ở đây, con mèo mà trèo cây cau là trái với hoạt động thông thường của mèo bởi mèo thường có thói quen hoạt động dưới đất, trong nhà để dễ vồ mồi. Không ngờ, chuột không ở hang hoặc trên xà nhà mà ở trên cây cau. Ở trong môi trường này, các cách thức bắt chuột truyền thống và có hiệu quả của mèo như rình nơi kín đáo để quan sát chuột rồi bất ngờ vồ hoặc đuổi bắt đều không thực hiện được. Muốn bắt được chuột thì mèo phải đổi chiến thuật, tỏ ra mình với mèo là thân thiện, không còn kẻ thù nữa mà là anh em nên mở giọng thân mật hỏi thăm chú chuột đi đâu vắng nhà?. Nhưng dù kẻ thù có dùng những lời hoa mỹ đến đâu thì vẫn lộ rõ bản chất ăn cướp, giả nhân giả nghĩa của chúng. Đã biết chuột đang ở trên ngọn cây cau và tìm đến nhưng lại giả vờ hỏi đi đâu vắng nhà. Mèo tưởng như thế là chuột mất cảnh giác. Chúng ta là anh em, anh thương em, lặn lội đường xa đến thăm em, chúng ta bắt tay nhau trong tình thân ái, ôm nhau thắm thiết để rồi bất ngờ siết chặt móng vuốt, chuột đã trong vòng tay, hết đường trốn chạy. Từ trong huyết quản, chuột nhận thức được mèo chưa bao giờ là bạn chứ chưa nói đến tình anh em trừ phi mèo không còn ăn thịt. Nhưng mèo vẫn không đổi bản chất, chỉ đổi chiến thuật nên khi mèo còn ăn thịt thì chuột là món thịt mèo thích ăn nhất. Đây là lẽ sống còn, nên cuộc đời đã dạy cho chuột nhận ra ngay mọi mưu mô xảo quyệt của mèo. Rõ ràng, đây là một bài ca dao ngụ ngôn thâm thúy, sâu sắc có pha màu sắc hài hước, dí dỏm. Hai câu đầu nói về hoạt động và bản chất của mèo, hai câu sau nói về hoạt động và cách ứng xử, đối phó của chuột. Đây là cốt truyện ẩn dụ điển hình, qua cốt truyện này, tác giả dân gian ngụ ý về những bài học triết lý nhân sinh. Đối với kẻ thù truyền kiếp thì không nên ngây thơ cả tin vào những lời đường mật của chúng, chưa bao giờ là bạn thì không thể nào bỗng dưng lại tỏ thái độ thân mật anh em. Phải cảnh giác trước mọi sự thay đổi thái độ của kẻ thù.
Mèo và hổ đều là loại móng vuốt, chuyên ăn thịt nhưng mèo chỉ ăn thịt những con vật nhỏ, miếng thịt nhỏ còn hổ thì ăn thịt con vật lớn, thậm chí lớn hơn nó như trâu bò. Nó được phong là chúa tể rừng xanh, không những là nỗi kinh hoàng của các con vật mà còn là nỗi sợ hãi của con người. Mèo thuộc loại con người cai quản và trừng trị được nhưng con hổ thì khó, không trị được nó mà coi chừng bị nó vồ nên người ta thường tránh xa:
 

Mèo tha miếng thịt thì đòi

 

Kễnh tha con lợn mắt coi trừng trừng

 

Mèo tha miếng thịt xôn xao

 

Kễnh tha con lợn thì nào thấy chi

Ở đây thể hiện một sự chênh lệch rất lớn về số lượng của hai hành động ăn cướp. Con mèo tha miếng thịt thì người ta đòi, đuổi để trừng trị và lấy lại miếng thịt đã bị tha mất nhưng con kễnh (cọp, hổ, hùm, khái, ông ba mươi) tha con lợn thì coi trừng trừng một cách kinh ngạc và sợ hãi, đành đứng nhìn để cho nó tha đi. Con mèo mà tha miếng thịt thì người ta cho là chuyện to tát, xôn xao bàn tán còn con kễnh tha con lợn thì thấy bình thường như không có việc gì xảy ra, như là chuyện bình thường ở huyện. Bài ca thể hiện sự bất công trong việc thể hiện thái độ, phản ứng trước hai sự việc đối lập nhau về mức độ. Nếu đúng lẽ thì người ta phải xôn xao trước việc con hổ tha con lợn và coi chuyện nhỏ trước việc con mèo tha miếng thịt nhưng ở tình huống này thì ngược lại. Hiện thực là con hổ quả là rất đáng sợ, người ta lơ đi, không dám dây vào, sợ vạ lây nên để mặc cho nó tha con lợn, lâu ngày thành nếp, người ta cho đó là lẽ thường. Đây là bài ca dao ngụ ngôn về thái độ ứng xử bất công trước một sự việc xảy ra. Thói đời, ở đâu đó, lúc nào đó, kẻ mạnh, kẻ quyền hành thật đáng sợ, họ mặc sức tung hoành, người ta bất bình nhưng không dám phản ứng, không dám làm gì để ngăn chặn bởi có làm cũng không được nên đành nhắm mắt coi như không thấy, không biết gì. Một sự việc sai phạm, đối với đối tượng này là tội lớn, đối với đối tượng khác là không tội, thậm chí cho sai phạm của họ như là đương nhiên, bình thường. Biểu hiện của thái độ nào thấy chi cũng là lời cảnh báo trước sự vô cảm đối với hành động xấu, với sai phạm và kẻ ác lộng hành!
Những bài ca dao dân ca có hình tượng con mèo thực sự là những tác phẩm ngụ ngôn hàm chứa những bài học, những triết lý nhân sinh. Tác giả dân gian qua hình tượng con mèo để bày tỏ quan điểm của mình về những vấn đề xã hội. Con mèo hiện lên chân thực, sống động, với cái nhìn đa chiều trong các mối quan hệ, và với sự phản ánh sinh động, tác giả dân gian đã góp vào kho tàng văn học những những bài ca đặc sắc.

_______________
 

Tài liệu tham khảo:

1. Nguyễn Xuân Kính (chủ biên), Kho tàng ca dao người Việt, tập 2, Nxb Văn hóa Thông tin, Hà Nội, 1995.
2. Đinh Gia Khánh (chủ biên), Chu Xuân Diên, Võ Quang Nhơn, Văn học dân gian Việt Nam, Nxb Giáo dục, Hà Nội, 1997.
             3. Lê Đức Luận, Con mèo mà trèo cây cau, một truyện ngụ ngôn đặc sắc, Non Nước, Số 133, 2008, Đà Nẵng.

Nguồn : Tạp chí VHNT số 320, tháng 2-2011

Tác giả : Lê Đức Luận

Đánh giá post

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *