Xác định công tác xây dựng gia đình văn hóa (GĐVH) là mục tiêu vừa có tính chiến lược, vừa có tính cấp bách trong sự nghiệp xây dựng con người trong thời kỳ mới, những năm qua, các cấp ủy Đảng, chính quyền huyện Yên Định (Thanh Hóa) luôn quan tâm đẩy mạnh phong trào xây dựng GĐVH theo các tiêu chí: “bình đẳng, tiến bộ, văn minh”, đảm bảo gìn giữ, kế thừa truyền thống đạo lý của dân tộc, phù hợp với quy luật phát triển tất yếu của đời sống xã hội.
Để đạt được những kết quả nêu trên, thời gian qua, UBND huyện Yên Định đã chỉ đạo các đơn vị, phòng ban chuyên môn tích cực tuyên truyền các nội dung và hoạt động của phong trào gắn với việc thực hiện các nhiệm vụ chính trị, phục vụ phát triển kinh tế – xã hội, quốc phòng – an ninh của toàn huyện. Nội dung tuyên truyền phát huy và gìn giữ nét đẹp văn hóa truyền thống của quê hương anh hùng; củng cố tình làng nghĩa xóm, đoàn kết, giúp đỡ lẫn nhau, chấp hành chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, vận động nhân dân thực hiện tốt hương ước, quy ước cộng đồng, quy chế dân chủ ở cơ sở; đẩy mạnh công tác xây dựng đời sống văn hóa gắn với thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng Nông thôn mới, xây dựng thị trấn đạt chuẩn văn minh đô thị; học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh; tuyên truyền giáo dục pháp luật về gia đình; xây dựng nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang, lễ hội; đẩy lùi các hủ tục lạc hậu và các tệ nạn xã hội, phát huy phong trào “Chăm lo, xây dựng đô thị và nông thôn huyện Yên Định xanh, sạch, đẹp”…
Để nâng cao chất lượng phong trào xây dựng gia đình văn hóa, cả hệ thống chính trị của huyện Yên Định đã đồng bộ vào cuộc. Tiêu biểu như: Hội Phụ nữ với phong trào xây dựng “Gia đình no ấm, bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc”, gia đình “5 không, 3 sạch”, Hội Nông dân với phong trào “Gia đình nông dân hạnh phúc”, Hội Cựu chiến binh với phong trào “Gia đình hội viên gương mẫu”… Có thể nói, phong trào đã có sức lan tỏa sâu rộng trong các tầng lớp nhân dân, trở thành nề nếp và mục tiêu phấn đấu của mọi gia đình. Những hoạt động cụ thể này đã làm cho nội dung phong trào xây dựng gia đình văn hóa ngày càng phong phú, đa dạng. Kết quả thiết thực của nó không chỉ đem lại cuộc sống tốt đẹp cho mọi gia đình mà còn đóng góp vào sự phát triển của xã hội.
Với nhiều hình thức tuyên truyền đa dạng và phong phú như: Hệ thống cụm pa nô, cột treo băng rôn tại các điểm đông dân cư; xây dựng tin, bài, phóng sự, gương người tốt việc tốt phát sóng trên Đài phát thanh – Truyền hình, cổng thông tin điện tử huyện Yên Định; biên tập tài liệu, ấn phẩm cấp phát cho cơ sở, tổ chức các hoạt động trưng bày triển lãm; đẩy mạnh hoạt động của thư viện huyện và hệ thống điểm thư viện, phòng đọc sách xã, thị trấn, thư viện các cơ quan, đơn vị trường học; tăng cường các hoạt động phổ biến giáo dục pháp luật, trợ giúp pháp lý; đẩy mạnh tổ chức các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể dục thể thao, hội thi, hội diễn,… công tác tuyên truyền đã đạt được nhiều kết quả thiết thực. Nổi bật là: Hội thi nấu ăn gia đình điểm 10 với chủ đề “Bữa cơm gia đình gắn kết yêu thương” nhân kỷ niệm Ngày Gia đình Việt Nam,… Các hoạt động đã tạo ra bước chuyển biến mới trong nhận thức của cán bộ và nhân dân toàn huyện, xuất hiện ngày càng nhiều những tập thể, cá nhân điển hình tiên tiến, người dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở cộng đồng dân cư.
Hằng năm, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc huyện chủ trì phối hợp với các ngành thành viên Ban Chỉ đạo hướng dẫn tổ chức “Ngày hội đại đoàn kết toàn dân tộc” với một số hoạt động có ý nghĩa như: Thăm và tặng quà các gia đình chính sách, cán bộ lão thành, cán bộ mặt trận các thời kỳ, các gia đình có hoàn cảnh khó khăn; tổ chức vệ sinh môi trường và các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể thao,… tại địa phương.; công bố các danh hiệu văn hóa, trao giấy công nhận các Gia đình văn hóa tiêu biểu xuất sắc 3 năm liên tục; đồng thời tổ chức các hoạt động văn hóa, thể thao sôi nổi. Công tác kiểm tra, giám sát được đẩy mạnh; hằng năm đều lồng ghép kiểm tra, thực hiện các tiêu chí xây dựng nông thôn mới đối với UBND các xã, thị trấn. Qua kiểm tra, đã kịp thời chấn chỉnh, khắc phục những tồn tại, hạn chế, phát huy ưu điểm, nâng cao vai trò lãnh đạo của cấp ủy Đảng, điều hành của chính quyền cơ sở.
Tính đến nay, toàn huyện có 44.620/47.981 hộ gia đình tham gia đăng ký xây dựng danh hiệu Gia đình văn hóa, đạt tỷ lệ 93%; 87,5% hộ gia đình được công nhận và giữ vững danh hiệu Gia đình văn hóa, trong đó 68% trở lên các hộ đạt 3 năm liên tục; 100 % xã đạt chuẩn văn hóa nông thôn mới và được công nhận giữ vững; 100% thị trấn đạt chuẩn văn minh đô thị và được công nhận giữ vững; 100% số thôn, xóm có hương ước, được Chủ tịch UBND huyện phê duyệt; 100% đám cưới, đám tang và lễ hội được tổ chức theo hướng lành mạnh, tiết kiệm, văn minh; 100% người dân được tuyên truyền, phổ biến pháp luật và khoa học – kỹ thuật; 55% người dân ở cơ sở tham gia thường xuyên vào các hoạt động văn hóa, thể thao cộng đồng. Có 3 câu lạc bộ (CLB) gia đình phát triển bền vững, số thành viên tham gia là 151; 3 CLB Phòng chống bạo lực gia đình, số thành viên tham gia là 115; 29 CLB Gia đình hạnh phúc, số thành viên tham gia là 1.124; 9 CLB Phụ nữ với hạnh phúc gia đình, số thành viên tham gia là 275; 12 CLB Không sinh con thứ 3, số thành viên tham gia là 690; 9 CLB văn hóa – văn nghệ, 139 câu lạc bộ thể thao,…
Việc tuyên dương khen thưởng Gia đình văn hóa hằng năm đã thật sự nêu gương sáng cho các gia đình và cộng đồng, có tác dụng cổ vũ, nhân rộng mô hình tiên tiến, góp phần tích cực xây dựng đời sống văn hóa trong nhân dân. Những gia đình được vinh danh là điển hình của tổ ấm hạnh phúc, nuôi dạy con cháu thành đạt, giúp nước, giúp dân, bảo tồn những giá trị nhân văn trong nền nếp gia phong. Đó là những đóa hoa tươi thắm, tô điểm cho bức tranh gia đình Việt Nam thêm tinh tế, ngọt lành.
Nhận thức rõ vai trò quyết định của gia đình trong xây dựng con người, xây dựng xã hội mới, những năm qua, huyện Yên Định đã khẳng định xây dựng gia đình văn hóa là vấn đề cốt lõi trong xây dựng đời sống văn hóa. Nhờ phát huy tốt những giá trị của gia đình truyền thống, tinh hoa văn hóa của dân tộc… phong trào ngày càng đi vào chiều sâu, có chất lượng, lôi cuốn nhiều gia đình tham gia. Mỗi thành viên phải biết phát huy tốt những giá trị đạo đức truyền thống của gia đình, giữ vững gia phong để gia đình hoàn thiện sức mạnh nội sinh. Khi nội lực được phát huy, gia đình sẽ trở thành nơi “gạn đục khơi trong”, giúp mỗi cá nhân thẩm thấu, chọn lọc và loại bỏ những ảnh hưởng xấu từ bên ngoài. Nội lực vững vàng cộng với sự quan tâm của các cấp chính quyền, đoàn thể địa phương sẽ giúp một tế bào ngày càng vững mạnh.
Gia đình là tổng hợp các quan hệ giá trị nhân cách, tình cảm, đạo đức, danh dự, nghĩa vụ và trách nhiệm đối với quốc gia, dân tộc. Muốn có xã hội tốt phải có gia đình tốt. Chính vì vậy, xây dựng gia đình văn hóa là góp phần xây dựng một xã hội văn minh, hạnh phúc. Phong trào xây dựng GĐVH ở huyện Yên Định được đẩy mạnh và nâng cao sẽ mang lại hiệu quả thiết thực, góp phần phát huy nội lực của các tầng lớp nhân dân trong xây dựng nông thôn mới, Nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu; nâng cao ý thức tự quản, gắn kết cộng đồng, tăng cường tình làng nghĩa xóm, chống các biểu hiện tiêu cực trong xã hội, đoàn kết, tương trợ lẫn nhau phát triển kinh tế, giảm nghèo bền vững.
Tác giả: Lê Hường
Nguồn: Tạp chí VHNT số 465, tháng 6-2021
Bài viết cùng chủ đề:
Note ngay các trải nghiệm du lịch Huế dịp Valentine chi tiết nhất
Tổng kết công tác thi đua Văn hóa, Thể thao và Du lịch Cụm Bắc Trung Bộ
HÒA BÌNH: Hội thảo khoa học Kỷ niệm 70 năm Chiến dịch Hòa Bình (1951 – 2021)