Yêu cầu thể hiện các tác phẩm viết cho piano của ludwid van beethoven


Sự phát triển của công nghệ thông tin và truyền thông trong những năm cuối của TK XX và thập kỷ đầu TK XXI đã có tác động sâu sắc đến nền văn hóa âm nhạc nói chung, nghệ thuật biểu diễn piano nói riêng. Thế kỷ này là thế kỷ của ghi âm và ghi hình, mạng internet. Thu nhập từ nguồn bán đĩa CD, DVD hay dạng âm thanh số tải qua mạng đang tăng lên mạnh mẽ. Theo thống kê của công ty Nielsen, trong ba năm 2014, 2015, 2016, trong khi doanh thu về các sản phẩm âm nhạc toàn cầu tăng 0,2%, 3,2%, 5,9%, doanh thu từ các sản phẩm kỹ thuật số tăng 6,9%, 10%, 17% thì doanh thu từ tải nhạc trực tiếp qua internet tăng tới 23%, 45,2% và 60% tương ứng theo từng năm. Âm nhạc được phổ biến rộng rãi không chỉ tại các buổi hòa nhạc mà còn qua các đĩa ghi âm, ghi hình, các dạng ghi âm số, đặc biệt là sự bùng nổ của hình thức tải nhạc trực tiếp qua mạng internet.

Nghệ thuật biểu diễn piano cũng chịu ảnh hưởng của xu hướng này. Giờ đây, khi khán giả đến với mỗi buổi hòa nhạc, có thể nghe trước các tác phẩm được trình diễn trong buổi hòa nhạc đó, thậm chí, với sự trình diễn của không chỉ một mà nhiều nghệ sĩ qua CD, qua các kênh kỹ thuật số từ internet. Những gì mà một nghệ sĩ piano thể hiện trong phòng thu cùng đạo diễn âm thanh, ghi âm, biên tập thì trên sân khấu phải diễn ra luôn và ngay. Khán giả đến phòng hòa nhạc muốn được nghe các tác phẩm âm nhạc với chất lượng cao, ít nhất như họ đã quen nghe qua hệ thống âm thanh tại gia hoặc qua các phương tiện nghe, tải nhạc cá nhân vô cùng phong phú. NSND Đặng Thái Sơn cho rằng xã hội hiện đại có lẽ cũng ảnh hưởng đến tốc độ và tiến độ, tất cả mọi thứ đều nhanh hơn trước đây. Ngày nay, chúng ta sống với công nghệ kỹ thuật số và quan tâm nhiều hơn tới sự hoàn hảo kiểu kỹ thuật số. Năm mươi năm trước đây, chúng ta có thể lắng nghe các bậc thày tuyệt vời cùng các nốt nhạc họ chơi sai, điều này chấp nhận được. Nhưng ngày hôm nay, không có nghệ sĩ piano nào có thể tồn tại mà chơi sai nhiều như vậy, họ sẽ không có đất diễn. Giờ đây, yêu cầu biểu diễn đòi hỏi sự hoàn thiện tinh tế đến từng tiểu tiết với tất cả mọi công cụ biểu cảm, kỹ thuật để tạo ra những âm thanh với chất lượng nghệ thuật cao, chất giọng cá nhân của nghệ sĩ biểu diễn. Với yêu cầu mỗi tác phẩm biểu diễn phải được thể hiện như một tuyệt tác, đòi hỏi người nghệ sĩ piano ngoài nền tảng kỹ thuật vững chắc còn cần tìm ra những phương cách biểu cảm mới cho riêng mình.

Các tác phẩm viết cho piano của Beethoven đặt ra cho nghệ sĩ biểu diễn khá nhiều nhiệm vụ. Người nghệ sĩ phải thể hiện được thế giới tình cảm phong phú giấu trong những cấu trúc cân đối và logic, sự kết hợp giữa dòng chảy rực lửa đầy sắc màu cảm xúc với kỹ thuật đỉnh cao, ý chí của nhạc sĩ. Việc thể hiện tác phẩm của Beethoven đòi hỏi phải chuyển tải được đúng sắc thái âm nhạc, thể hiện chuẩn xác những chỉ dẫn sắc thái, biểu diễn, pedal, tốc độ trong các bản nhạc và tuân thủ triệt để các ghi chú, chỉ dẫn của tác giả. Đặc biệt, nhịp của tác phẩm đóng vai trò không chỉ tạo nên tính chất anh hùng, ý chí mạnh mẽ quyết liệt mà còn cả ở tính trữ tình, lãng mạn. Nghệ sĩ biểu diễn cần mô tả được vẻ đẹp của âm sắc đa dạng trong các tác phẩm Beethoven. Nhạc sĩ thể hiện một cách tài tình những âm sắc cũng như mô phỏng các nhạc cụ của dàn nhạc giao hưởng vào những tác phẩm viết cho piano và những sắc thái đặc trưng của cây đàn piano. Sắc màu, sắc thái âm nhạc của Beethoven giúp cho việc khơi mở những ý nghĩa sân khấu, kịch tính, nhân cách hóa các chủ đề và phát triển các chủ đề đó. Theo nghệ sĩ người Nga Natalia Galubovskaia, sắc màu rực rỡ trong các tác phẩm cho piano của Beethoven chính là ở những sự đối lập của các nốt nhạc, những tính chất âm thanh đặc biệt, đa dạng.

Trong việc thể hiện sự đa dạng ở những tác phẩm, cần thể hiện rõ sự tương phản giữa ý chí mạnh mẽ, quyết liệt, đồ sộ với tính trữ tình sâu lắng. Các nghệ sĩ biểu diễn piano khi trình diễn phải kết hợp được giữa tình cảm và lý trí, phải thể hiện được phong cách anh hùng ca, kịch tính với sự lãng mạn tương ứng của tinh thần nhạc sĩ Beethoven mà vẫn đúng theo chủ nghĩa cổ điển Viên. Để hiểu sâu hơn về sắc thái, các chỉ dẫn biểu diễn, pedal, chỉ dẫn về tốc độ, cần phải nghiên cứu không chỉ trong một tác phẩm mà nên tìm hiểu qua nhiều tác phẩm của Beethoven, thực hiện một cách chuẩn xác, triệt để những ghi chú của tác giả. Đặc biệt, trong vấn đề sắc thái (dynamic), cần chú ý thực hiện sắc thái tương phản, đa dạng, thực hiện một cách chất lượng ký hiệu sf (ký hiệu đặc trưng và phổ biến trong âm nhạc của Beethoven). Chú trọng thực hiện tốt ký hiệu crescendo để tạo và dẫn dắt được những cao trào dài hơi. Đối với nhịp, người nghệ sĩ độc tấu phải duy trì mạch đập tiết tấu không chỉ giữa các chủ đề của một chương mà xuyên suốt cả tác phẩm. Đặc biệt, khi thể hiện các concerto cho piano, người nghệ sĩ cần duy trì mạch đập tiết tấu với cả dàn nhạc. Để thể hiện được những âm sắc đa dạng trong các tác phẩm, người chơi cần chú ý phát triển mạnh mẽ theo tư duy, theo giao hưởng cũng như chú trọng rèn luyện phát triển kỹ thuật ngón tay để thể hiện được nhiều nét chạy dài hơi, đầy đặn, thậm chí mang tính đồ sộ.

Cho đến bây giờ, vẫn có hai xu hướng chính trong nghệ thuật biểu diễn của các nghệ sĩ piano: hướng trình diễn điêu luyện và trường phái thể hiện điềm tĩnh hơn. Những nghệ sĩ nổi bật trong phong cách trình diễn điêu luyện với người đầu tiên khai mở là: M.Clementi hay F.Liszt đến những nghệ sĩ hiện đại như V.Ashkenazi,  A.Volodos, Y.Wang hay Lang Lang đã tạo ra nhiều tuyệt tác trong nghệ thuật biểu diễn piano. Trường phái thể hiện điềm tĩnh hơn có lẽ là xu hướng được quan tâm nhiều hơn với nhiều nghệ sĩ nổi tiếng như: M.Pollini, S.Richter hay E.Gilels, V.Horowitz… Các nghệ sĩ đặt lên trên hết việc thể hiện tuyệt đối chính xác những gì tác giả yêu cầu với phong cách cá nhân hay chất giọng nghệ sĩ.

Công cụ biểu cảm mới thể hiện các tác phẩm piano của Beethoven, có lẽ chính là sự biểu cảm thể hiện ngữ điệu gắn với hai âm thanh đồng thời hay nối tiếp, những vùng giao nhau, tác động qua lại và quan hệ giữa chúng. Tính biểu cảm của hai âm thanh đan chạm nhau được chú ý kỹ lưỡng hơn. Để có được ngữ điệu biểu cảm nhất, âm thanh tiếp theo phải bắt đầu vừa đúng vào lúc kết thúc âm thanh trước. Quan hệ sắc thái giữa các âm thanh một cách có tổ chức. Quan hệ về những nốt cao trào gắn liền với các công cụ về biểu cảm, với các bậc hòa thanh và rải, tạo thành dạng gam sắc thái, khi mỗi nốt, hợp âm hoặc hòa thanh tương ứng với một bậc trong gam sắc thái. Điều này đặc biệt hiệu quả khi thể hiện những cao trào lớn hay những chủ đề anh hùng ca thường xuất hiện trong các tác phẩm của ông. Khái niệm agogic (1) biểu cảm đang trở thành một nét quan trọng trong nghệ thuật piano. Đây là một trong những phương tiện giúp nghệ sĩ piano đọc giai điệu của chủ đề và cá nhân hóa, đôi khi làm sắc nét hơn bức tranh tiết tấu mà nhạc sĩ vẽ ra. Sự giàu có về sắc thái của cây đàn piano ngày càng được khai thác triệt để hơn. Bên cạnh đó, âm thanh của sự im lặng cũng tạo được hiệu quả không chỉ trong những khoảng lặng, dấu nghỉ mà ngay cả ở khi âm thanh chạm nhau để tạo ra sự biểu cảm khi kết hợp âm thanh – dấu lặng- âm thanh, khi có sự chuyển động âm thanh này sang âm thanh khác trên nền im lặng.

Như vậy, để đáp ứng được những đòi hỏi ngày càng cao về yêu cầu nghệ thuật trong TK XXI, người nghệ sĩ cần phải có một nền tảng cơ bản vững chắc về những yêu cầu và phong cách trong việc thể hiện các tác phẩm piano của Beethoven cũng như trang bị tư duy nghệ thuật, kỹ năng làm chủ cây đàn piano trên mọi phương diện.

______________

1. Agogic là sự nhấn mạnh vào những nốt quan trọng với trường độ dài hơn.

Nguồn : Tạp chí VHNT số 398, tháng 8 – 2017

Tác giả : TRỊNH MINH TRANG

Đánh giá post

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *