Yếu tố dân gian trong nghệ thuật trang trí lăng Thiệu Trị


Lăng Thiệu Trị là một trong những công trình hàm chứa nhiều giá trị nghệ thuật tạo hình đặc sắc có ảnh hưởng từ yếu tố văn hóa dân gian. Những giá trị của nghệ thuật trang trí dân gian ở lăng Thiệu Trị không chỉ được thể hiện ở bố cục, đề tài, chất liệu, màu sắc, kỹ thuật… mà còn ở cả tinh thần của cuộc sống; tất cả được đưa vào kiến trúc một cách sinh động. Đây dường như là thông điệp mà thế hệ nghệ nhân ở một thời kỳ lịch sử đã để lại cho hậu thế theo một con đường riêng, một phong cách của nghệ thuật thời Nguyễn.

Trải qua hơn 200 năm lịch sử (1558-1777), các chúa Nguyễn đã để lại những di sản văn hóa vô cùng phong phú và các giá trị đặc sắc về nghệ thuật tạo hình. Đến triều Nguyễn (1802-1945), kinh đô Huế đã thực sự thừa hưởng được nhiều di sản văn hóa quan trọng. Đây là kết tinh công sức, trí tuệ và thành quả lao động sáng tạo của nhiều thế hệ tri thức, nghệ nhân của cả nước, tạo nên một diện mạo kiến trúc cung đình, lăng tẩm rất đặc trưng của triều Nguyễn trên đất Huế.

Để Huế có được diện mạo như ngày nay, công cuộc xây dựng kinh thành bắt đầu từ thời Gia Long, qua gần hết thời Minh Mạng (1802-1840) mới cơ bản hoàn thiện. Vua Gia Long đã cho xây dựng các công trình kiến trúc như Hoàng thành, Kinh thành, Đàn Nam Giao, đàn Xã Tắc, Kỳ Đài, Văn Miếu… Sau khi vua Gia Long mất, vua Minh Mạng lên nối ngôi, tiếp tục hoàn thiện các công trình do vua cha để lại, đồng thời cho khởi dựng một số công trình khác như: Ngọ Môn, các vọng lâu trên cổng thành, Hổ Quyền, Võ Miếu, Hiếu lăng…

Đến thời Thiệu Trị (1841-1847) và thời Tự Đức (1848-1883), hai vị vua này tiếp tục cho xây dựng bổ sung các công trình như điện Long An, Xương lăng, Khiêm lăng, một số công trình khác ngoài kinh thành như chùa Diệu Đế, tháp Phước Duyên, chùa Linh Mụ… Kiến trúc ở những công trình mà các vị vua đầu triều Nguyễn cho xây dựng đều mang đậm bản sắc văn hóa phương Đông truyền thống.

Ở các công trình dưới thời vua Đồng Khánh, Khải Định và những giai đoạn trở về sau, do ảnh hưởng của văn hóa phương Tây, vật liệu mới và hoa văn trang trí mạng đậm phong cách châu Âu đã được sử dụng, như ở lăng Khải Định, cung An Định, lầu Kiến Trung. Điều này đã làm cho nghệ thuật kiến trúc cung đình thời Nguyễn trở nên phong phú, đa dạng, khác biệt và đặc sắc. Đáng chú ý là việc tạo hình trang trí ở cung đình, lăng tẩm, cho dù sử dụng các vật liệu, chất liệu, hoa văn, họa tiết, bố cục tạo hình nào đi chăng nữa, cũng không làm mất đi những quy định nghiêm ngặt và tất cả đều thực hiện theo quy chuẩn mà triều đình ban hành.

Nhìn một cách bao quát chúng ta thấy nghệ thuật trang trí dân gian cũng có mặt hầu hết ở không gian kiến trúc với các đề tài, môtip trang trí kiến trúc mang âm sắc dân gian bên cạnh tính chất cung đình là rất phong phú và đa dạng. Các đề tài trang trí phải phù hợp, tương ứng với mỗi công trình kiến trúc sử dụng cho nhà vua hay các phi tần, quan lại và các công trình phụ khác trong cung đình, lăng tẩm… Đề tài trang trí chủ yếu mang tính chất biểu trưng, nhằm thể hiện sự cao sang, quyền quý của chốn cung đình và được kết hợp thành từng nhóm một như: tứ linh (long, lân, quy, phụng); tứ thời (mai, lan, cúc, trúc ứng với bốn mùa: xuân, hạ, thu, đông); bát bửu (tám vật quý: gậy như ý, đàn, bầu thái cực, cuốn thư, quạt, sáo, pho sách, phất trần và kiếm); bố cục “nhất thi, nhất họa” (một ô chữ, một ô hình), ngoài ra còn có các hình tượng con vật được cách điệu… Đi sâu vào các mảng trang trí, người ta không chỉ thấy những kiểu thức ấy với những giá trị nghệ thuật và đặc điểm tạo hình, ý nghĩa biểu hiện tâm linh đặc sắc mà còn nhận ra các đề tài dân gian với những hình tượng đời thường đã làm sinh động, phong phú và giàu tính thẩm mỹ ở các công trình kiến trúc cung đình. Đây có thể xem là một điều khá đặc biệt trước sự nghiêm ngặt theo điển chế quy định. Tuy nhiên, dù là yếu tố dân gian nhưng hệ thống các công trình được trang trí cũng phải theo một nguyên tắc nhất định: tất cả các yếu tố tạo hình ấy đều chứa đựng những ẩn ý tại mỗi vị trí nào đó trong từng công trình và thể hiện ý nghĩa như: sung túc, trường tồn, no ấm, hạnh phúc và cả ý nghĩa biểu hiện tâm linh. Về vấn đề này, tác giả Trần Đức Anh Sơn đã nhận định rằng: “… tính dân gian trong trang trí cung đình thời Nguyễn mà lịch sử đã để lại trên những di tích, những cổ vật còn bảo lưu ở Huế… góp phần chứng minh rằng, trang trí Nguyễn không dừng lại trong khuôn mẫu nghiêm ngặt mà giai cấp phong kiến định chế… Nói cách khác, họ đã “dân gian hóa tác phẩm cung đình” và đã tạo hiệu quả tốt, “được giai cấp phong kiến chấp nhận” (1).

Trở lại với lăng Thiệu Trị nói riêng, các môtip trang trí, đề tài, hình tượng chữ triện, chất liệu có những nét khác biệt và những cái riêng so với các thời kỳ trước. Nhiều đề tài dân gian được đưa vào trang trí ở lăng khá nhiều như: chim, nai, hươu, thỏ, dơi, điệp. Đề tài được mở rộng theo từng bộ như tứ thời, bát bửu; các đề tài thực vật như cây liễu, cây mai, cây tùng, cây trúc, hoa sen, hoa lan, hoa đào; trái cây đời thường như khế, chanh, mít tố nữ, bầu bí, dưa… kết hợp với nhiều loại chất liệu mới, dân dã và rất đời thường như sành sứ, gốm đất nung ở Long Thọ, chất liệu đồng ở Phường Đúc, pháp lam, đá, gỗ, nề vữa, nề đắp nổi, nề họa, nề đắp nổi kết hợp với khảm sành sứ… Tất cả đều từng xuất phát từ đời sống dân gian và nay góp mặt hầu hết trong nghệ thuật trang trí ở lăng.

Tại lăng Thiệu Trị, hình tượng bát bửu xuất hiện khá dày đặc, và xét ở góc độ dân gian, đây là một trong những đề tài hội đủ các yếu tố đối với đời sống thường nhật của người dân qua các chủ đề phổ biến:

Chủ đề âm nhạc: Bên cạnh những đề tài như đôi sáo, đàn tì bà, đàn tranh, trống cá, chuông, loa ốc, cồng, còn có những đề tài dân gian như tù và, phách nhịp, sanh tiền, xập xõa…

Chủ đề hoa trái: Bên cạnh những đề tài cung đình như đào, na, mận, phật thủ, lựu, bầu hồ lô, hoa dây, sen, còn có những trái cây dân gian như khế, mít, dưa quả.

Chủ đề khoa cử: Bên cạnh những đề tài cung đình như pho sách, bút, cuốn thư, nghiên mài mực, kệ sách, còn có cây bút, cuốn thư hình lá cây, sách tre, đĩa mực…

Chủ đề tâm linh: Nút huyền bí, vòng viên mãn, gậy như ý, kiếm, lá ngải, phất trần, sanh tiền, hồ lô, lọng.

Chủ đề thiên nhiên: Lẵng hoa, sep búp, địa lan, nấm linh chi…

Ngoài ra còn có một số đề tài dân gian khác cũng xuất hiện tại công trình này như: quạt, bàn cờ, gương soi, ống hút (thuốc), lọ mực, dép rơm, gậy trúc…

Điều khác biệt ở nhà bia so với các công trình khác là hệ thống trang trí bát bửu mang nét thô mộc của chất liệu gỗ, với một phong cách bình dị và gần gũi thực tế đời sống con người. Với những bức chạm gỗ có vẻ thô mộc, không sơn son thếp vàng, không phủ bóng, có thể coi đây là sự phá cách về chất liệu vốn mang màu sắc cung đình (sơn son thếp vàng), tạo nên một tiền đề tốt cho việc dân gian hóa trong sử dụng các chất liệu quý mà chúng ta thường thấy trên các công trình kiến trúc. Phải chăng đây là một ranh giới đã được vượt qua trong nghệ thuật triều Nguyễn thời Thiệu Trị?

 Đề tài tứ thời cũng được trang trí trên một số công trình ở lăng, tuy không nhiều như các đề tài khác, nhưng đây cũng là một đề tài mang đậm yếu tố dân gian khá đặc sắc qua các chủ đề như: mai – điểu, tùng – lộc, lan – điệp, cúc – điệp. Ngoài ra, còn có một số môtip trang trí khá lạ mắt: đôi ngựa kết hợp với hoa cúc, cây liễu với chất liệu chạm nổi, sơn son thếp vàng được trang trí ở nội thất điện Biểu Đức, con thỏ kết hợp với cây lan, chất liệu nề họa, trên gờ mái hai bên Đông, Tây phối điện (2).

Hình tượng rồng xuất hiện nhiều ở lăng Thiệu Trị nhưng dù được phác họa hay kỳ công tạo hình chi tiết, con rồng ở đây thường mang nét mặt hiền lành, thân hình mềm mại, mập tròn hơn, được xem là một sự khác biệt trong biểu hiện nghệ thuật trang trí với hình tượng linh vật này ở các thời kỳ trước đó.

Hình tượng con dơi được đưa vào trang trí khá dày đặc trên các công trình kiến trúc ở lăng Thiệu Trị. Dơi là con vật có thật trong đời sống, đã đi vào bộ đề tài bát linh và là linh vật được sử dụng khá nhiều ở lăng. Hầu hết hình tượng con dơi được trang trí ở các góc, ngách, đầu hồi, bình phong, hai bên mái… nhằm tạo sự mềm mại trên kiến trúc. Với kỹ thuật điêu luyện của các nghệ nhân, hình tượng con dơi được cách điệu khá độc đáo và mang nhiều ý nghĩa tâm linh qua các biểu tượng như: dơi ngậm đồng tiền, dơi ngậm chữ thọ, dơi ngậm dải lụa, dơi kết hợp vân mây hay hoa lá… Toàn bộ được hình tượng hóa mang ý nghĩa ấm no, đa phúc, giàu sang, phú quý, trở thành một trong tám con vật thiêng của nghệ thuật trang trí. Hình tượng dơi được cách điệu phù hợp với mỗi vị trí khác nhau trong trang trí kiến trúc và đóng vai trò hết sức quan trọng, tạo ra một không gian nhiều lớp, có chiều sâu của hình khối và một không gian rộng lớn, sinh động và giàu sức sống.

Rùa cũng là đề tài đáng chú ý, đây là con vật có thật và được đặt ở một vị trí quan trọng không thể thiếu trong nghệ thuật trang trí cung đình. Trong quan niệm dân gian, rùa vừa có điềm xấu vừa mang điềm tốt, vì vậy chăng mà trong nghệ thuật trang trí thời Nguyễn nói chung và lăng Thiệu Trị nói riêng, người ta luôn gắn ghép nó với một biểu tượng hay một hình tượng khác, rất ít khi thấy con rùa được trang trí đơn lẻ: rùa đội bia, rùa đội pho sách, chim hạc đứng trên lưng rùa, rùa ngậm bọt biển… Tất cả đều mang ý nghĩa thẩm mỹ và có phần tâm linh, vì vậy nó đã được gắn trang trí trên các công trình kiến trúc tiêu biểu. Ở lăng Thiệu Trị, các nghệ nhân đã sử dụng gò đồi hình mai rùa trong việc tạo nên công trình lầu Đức Hinh. Tuy nhiên, do chiến tranh tàn phá nên công trình này chỉ còn phần móng với một số kiểu thức trang trí sót lại.

So với những con vật linh khác như rồng, phụng, nghê là một con vật cũng được nhắc đến khá nhiều, đồng thời luôn được đặt ở những vị trí khá quan trọng, như hình tượng nghê đồng oai vệ đứng chầu hai bên nhà bia lăng Thiệu Trị. Con nghê là linh vật biến thể từ lân thành nghê hay long mã ở dân gian và được sử dụng một cách hết sức phổ biến trong văn hóa cung đình. Đây là linh vật hư cấu nên nó không có hình dáng cố định mà tùy vào thời kỳ lịch sử, sẽ có những tạo hình khác nhau. Bên cạnh đó, tùy vào vị trí chức năng sử dụng mà các nghệ nhân tạo hình biểu tượng nghê cho phù hợp; chẳng hạn như nghê có sừng hay không có sừng, nghê có bờm hay không có bờm, nghê có vảy hay có lông xoắn, nghê có móng vuốt hay nghê không có móng… Qua nghiên cứu, đối chiếu cho thấy, đôi nghê bằng đá sa thạch chầu trước cổng bi đình lăng Minh Mạng so với đôi nghê bằng đồng chầu hai bên nhà bia lăng Thiệu Trị là một điển hình giúp chúng ta thấy được sự tương đồng và khác biệt chất liệu của chúng một cách hiện hữu nhất.

Yếu tố dân gian trong nghệ thuật thời Nguyễn nói chung và trang trí ở lăng Thiệu Trị nói riêng, từ tứ linh cho đến các biểu tượng trang trí khác như hoa lá, quả, động vật… đều mang đậm tính đời thường, được dân gian hóa, thể hiện ở họa tiết và thủ pháp trang trí trong các đơn vị công trình của lăng. Ngoài sự kết hợp môtip trang trí với chất liệu vốn có ở dân gian, các nghệ nhân còn sử dụng màu sắc để tô điểm sao cho phù hợp từng đề tài trang trí, tạo nên sự lộng lẫy, hoành tráng trên các công trình kiến trúc ở lăng Thiệu Trị. Các nghệ nhân đã rất cân nhắc khi đưa những hình tượng dân gian vào trong nghệ thuật trang trí một cách trật tự và liên kết. Các biểu tượng không những mang ý nghĩa sâu sắc, tạo nên giá trị thẩm mỹ tạo hình mà còn chứa đựng nhiều ý nghĩa triết lý nhân văn, tâm linh. Từ phong cách tạo hình, bố cục đến không gian họa tiết đều được thể hiện một cách khá hoàn thiện, có hồn và gần gũi với đời sống, tạo được ấn tượng nghệ thuật độc đáo, phong phú, khác lạ, góp phần tăng thêm tính chất thẩm mỹ cung đình đặc trưng vốn có trong trang trí ở lăng.

Tuy nhiên, khi đưa yếu tố dân gian vào trang trí, các nghệ nhân vẫn không vượt quá xa những điển chế của mỹ thuật thời Nguyễn. Điều này góp phần minh chứng rằng, trang trí thời Nguyễn không dừng lại trong khuôn mẫu quy định nghiêm ngặt của triều đại phong kiến, đâu đó đã chấp nhận sự tồn tại của chất liệu dân gian và tâm tình của dân gian. Có thể nói, nghệ thuật trang trí dân gian ở lăng Thiệu Trị đã phần nào tạo được ấn tượng khá đặc sắc, làm phong phú thêm đặc trưng của nghệ thuật trang trí kiến trúc thời Nguyễn trong dòng chảy nghệ thuật dân tộc.

______________

1. Trần Đức Anh Sơn, Huế – Triều Nguyễn – một cái nhìn, Nxb Dân trí, Hà Nội, 2018, tr.417.

2. Phối điện là nơi để thờ các vị thần của triều vua tương ứng. Thường trong khu lăng mộ, điện thờ chính là để thờ vua và hoàng hậu, còn phối điện dành để thờ các vị đại thần trong triều.

Tài liệu tham khảo:

1. Phan Thanh Bình, Bộ đề tài Tứ thời trên di sản mỹ thuật thời Nguyễn tại Huế, Tạp chí Di sản Văn hóa, số 4 (33), 2010, tr.89-91.

2. Phan Thanh Bình, Đề tài bát bửu trong trang trí kiến trúc thời Nguyễn ở Huế, Tạp chí Mỹ thuật và Nhiếp ảnh, số 9 (63), 2017, tr.52-56.

3. Nguyễn Tiến Cảnh (chủ biên), Mỹ thuật Huế, Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô HuếViện Mỹ thuật xuất bản, Huế, 1992.

4. Léopold Cadière (Hà Xuân Liêm – Phan Xuân Sanh dịch), Mỹ thuật Huế, in trong Những người bạn Cố đô Huế, tập VI, 1919, Nxb Thuận Hóa, Huế, 1998.

5. Viện Khoa học xã hội tại TP. Hồ Chí Minh, Bảo tàng Lịch sử TP. HCM, Những vấn đề văn hóa – xã hội thời Nguyễn, Nxb Khoa học xã hội, Hà Nội, 1995.

Tác giả: Ths Nguyễn Vũ Lân – Ths Lê Minh Quang

Nguồn: Tạp chí VHNT số 470, tháng 8-2021

 

Đánh giá post

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *