Tiến trình hình thành cải lương nam bộ


 

Cải lương là loại hình sân khấu dân tộc độc đáo, một trong bộ ba của sân khấu truyền thống Việt Nam (tuồng – chèo – cải lương), mang cốt cách tinh thần – bản sắc văn hóa Nam Bộ, với những thành tựu to lớn trong nền sân khấu dân tộc nói chung và đặc thù văn hóa nghệ thuật phía Nam nói riêng. Cải lương luôn là một trong những loại hình nghệ thuật sân khấu dân tộc được nhiều người yêu mến, được Đảng và Nhà nước quan tâm từ sau năm 1954 cho đến nay. Từ khi ra đời đến nay khoảng một thế kỷ, nhưng cải lương trải qua biết bao giai đoạn thăng trầm và phát triển.

Cải lương ra đời tại vùng sông nước Nam Bộ vào đầu TK XX. Sau đó không lâu, loại hình này đã lan tỏa đến miền Bắc. Gánh hát của ông Nguyễn Văn Súng từ Sài Gòn lưu diễn ra Bắc, diễn tại rạp Sán Nhiên Đài – Hà Nội (1920). Sau đó có nhiều gánh tiếp theo cũng mang điệu hát ra trình diễn ngoài Bắc… Các nghệ sĩ miền Nam đã truyền nghề cho các nghệ sĩ miền Bắc và cải lương miền Bắc ra đời năm 1931, và ngày càng phát triển hùng mạnh, có khoảng 10 đơn vị cải lương vào năm 1936. Sau khi đất nước thống nhất (1975), cải lương phát triển nhanh, rộng trên toàn quốc, tên gọi không còn giới hạn là cải lương Nam Bộ nữa, mà được gọi là cải lương Việt Nam. Cải lương Việt Nam dần dần mở rộng giao lưu nghệ thuật với nhiều quốc gia trên thế giới.

Theo nhiều tài liệu, nghệ thuật cải lương là một loại hình nghệ thuật sân khấu ca kịch truyền thống của Nam Bộ, được tổng hợp từ nhiều bộ môn nghệ thuật như: văn thơ (kịch bản văn học), dàn dựng sân khấu (đạo diễn), âm nhạc (nhạc sĩ – nhạc công), nghệ thuật biểu diễn (diễn viên), hội họa (thiết kế mỹ thuật), múa (vũ đạo), âm thanh ánh sáng (kỹ thuật)… Đặc biệt, cải lương xuất phát từ nền tảng của dòng âm nhạc tài tử Nam Bộ và được xem là linh hồn của vở diễn.

Từ cải lương theo nghĩa Hán – Việt là cải cáchlàm đẹp, xuất phát từ hai câu liễn do hai tác giả Lê Hoài Nghĩa và Nguyễn Biểu Quốc sáng tác cho gánh hát Tân Thinh vào năm 1920, để treo hai bên cánh gà sân khấu:

Cải cách hát ca theo tiến bộ

Lương truyền tuồng tích sánh văn minh

Ông bầu gánh Tân Thinh lấy hai chữ đầu mỗi câu ghép lại thành từ cải lương, tên gọi ấy xuất hiện từ đó, kèm theo đơn vị định danh là gánh = gánh cải lương; còn trước đó chưa có từ cải lương thì chỉ gọi chung chung là gánh hát.

Nghệ thuật cải lương ra đời có nguồn gốc từ nhạc tài tử Nam Bộ mà đỉnh cao là hình thức ca ra bộ, nhưng ngay bản thân nhạc tài tử Nam Bộ cũng có một quá trình phát sinh, phát triển không đơn giản. Nhạc tài tử được hình thành từ nhạc lễ Nam Bộ, mà nhạc lễ Nam Bộ là biến thể của nhạc cung đình Huế, các dòng nhạc này đều thuộc thang 5 âm – ngũ cung (hò, xự, xang, xê, cống).

Theo quan niệm của nhiều nhà nghiên cứu, nhạc Ngũ cung Việt Nam đã được định hình, gọi là dòng nhạc cung đình, với chức năng chính là nhã nhạc (nhạc phục vụ các đại lễ như: quan – hôn – tang – tế). Khi Nguyễn Ánh lên ngôi lấy hiệu là Gia Long mở đầu cho triều đại nhà Nguyễn (1802), nhạc cung đình ngày càng được chú trọng và phát triển hơn. Cùng với công cuộc mở cõi phương Nam, làng xã được thành lập, hầu hết các địa phương ở Nam Bộ có đình làng thờ thành hoàng được triều đình sắc phong. Đồng thời có một hương nhạc phụ trách đội nhạc lễ trông coi và phục vụ các lễ trong làng… Nhiều nghệ nhân từ miền Trung vào Nam khẩn hoang lập ấp hoặc theo phong trào Cần Vương chống Pháp, họ đã mang theo vốn liếng nhạc cung đình và ca nhạc Huế vào Nam. Các sĩ tử từ Nam ra kinh đô học hành thi cử cũng học được ít nhiều về dòng nhạc ngoài đó mang về Nam. Các lính thú, tội đồ bị triều đình cưỡng bách vào Nam mở đất… có người mang theo chút ít âm nhạc của quê hương đến với vùng đất mới Nam Bộ. Khi nhạc cung đình Huế vào Nam Bộ đã biến tấu nên được gọi là nhạc lễ Nam Bộ.

Khi nhạc lễ Nam Bộ tương đối định hình, các nghệ nhân kết hợp với các giai điệu ca dao, hò, lý trong dân gian Nam Bộ trên cơ sở thang âm của nhạc ngũ cung, sáng chế thêm hoặc cải tiến các thể điệu của nhạc lễ, ca nhạc Huế sáng tác lời ca mới thành dòng nhạc tài tử Nam Bộ. Như vậy, nhạc tài tử là dòng nhạc có nguồn gốc từ nhạc lễ Nam Bộ, là con đẻ của nhạc lễ Nam Bộ, có mối quan hệ gắn bó với nhạc cung đình Huế, là sự thể hiện đặc biệt của loại hình âm nhạc ngũ cung Việt Nam.

Nhạc tài tử đã có những mầm mống ở Nam Bộ từ trước TK XIX, nhưng cho đến gần cuối thế kỷ này mới tương đối định hình, vì thời đó đất Nam Bộ còn hoang vắng. Khi đã tương đối ổn định, khoảng cuối TK XVIII đầu TK XIX, hình thức ca nhạc tài tử được lan rộng thành phong trào đờn ca tài tử khắp Nam Bộ. Số lượng bài bản, hơi điệu ngày càng gia tăng, do các nghệ nhân tiền bối sáng tác, chỉnh lý, bổ sung. Ngoài những nghệ nhân khuyết danh, còn có các nhạc sư, quan nhạc như: Nguyễn Quang Đại (Ba Đợi), Phạm Đăng Đàn, Nguyễn Liên Phong, Nguyễn Tòng Bá, Cao Hoài Sang, Cao Hoài Cư, Trần Quang Thọ… Đến cuối TK XIX, phong trào đờn ca tài tử phát triển mạnh hơn, Nam bộ hình thành hai nhóm tài tử gọi là hai trường phái: nhóm miền Đông nhóm miền Tây Nam Bộ.

Đứng đầu trường phái tài tử miền Đông là nhạc sư Nguyễn Quang Đại (Ba Đợi), ông vốn là một quan nhạc của triều Nguyễn. Giữa TK XIX, ông vào Nam dạy nhạc lễ và nhạc tài tử. Ông có công chỉnh lý, sáng tạo 4 bản Bắc Lưu thủy trường, Phú lục chấn, Bình bán chấn Cổ bản vắn của ca nhạc Huế thành hơi điệu theo phong cách nhạc tài tử Nam Bộ. Ông còn sáng tác thêm bộ Ngũ Châu gồm các bản: Kim tiền bản, Ngự giá, Hồ lan, Vạn liên, Song phi hồ điệp và 8 bản Ngự: Đường Thái Tông, Vọng phu, Chiêu Quân, ái tử kê, Bát man tấn cống, Tương tư, Quả phụ hàm oan, Duyên kỳ ngộ. Ông cũng đã đào tạo được nhiều môn đệ thành danh như Sáu Thới, Tám Hạnh, Cao Quỳnh Diêu, Bảy Nhỏ, Sáu Thoàng, Chín Chiêu, Năm Tịnh, Năm Khiết, Ba Đồng, Tư Bường, Nguyễn Văn Thinh,…

Đứng đầu trường phái Tài tử miền Tây là nhạc sư Trần Quang Quờn (ký Quờn), ông là người tài hoa cầm, kỳ, thi, họa. Ông soạn lời ca Bá Lý Hề theo điệu Văn Thiên TườngTứ đại oán vào khoảng những năm đầu TK XX. Các thành viên trong nhóm này phần đông là trí thức Nho học hoặc các sĩ phu yêu nước từ miền Trung bị Pháp lưu đày vào Nam như: Nguyễn Liên Phong, Nguyễn Tòng Bá, Phạm Đăng Đàn, cụ Thập, cụ Thủ…

Những năm đầu TK XX, phong trào đờn ca tài tử phát triển rất mạnh và lan rộng khắp Nam Bộ. Các buổi tiệc tùng đình đám trong giới quý tộc đến các sinh hoạt ngoài dân dã, quan chức, nam – phụ – lão – ấu đều tham gia đờn ca, không phân biệt tầng lớp, vị trí xã hội. Đờn ca tài tử xuất hiện mọi lúc mọi nơi, thích là chơi, không có thể chế. Đây cũng là một trong những nét đặc trưng tiêu biểu của dòng nhạc phóng khoáng, đầy tính trữ tình lãng mạn này. Mặc dù sinh ra và phổ biến trong dân gian, nhưng đờn ca tài tử đã sớm chinh phục các quan chức và trí thức như thày Phó Mười Hai, Ký Quờn, thày André Thận, Tống Hữu Định, Nguyễn Tống Triều, Trần Văn Triều, Pièrre Châu Văn Tú (thày Năm Tú)…

Ca ra bộ là một hình thức nằm trong phong trào đờn ca tài tử, nên có thể xem là tiền đề của cải lương. Ca ra bộ có những đặc điểm phát triển riêng theo từng giai đoạn, là điều kiện dẫn đến tiến trình hình thành sân khấu cải lương Nam Bộ (khác với cải lương Bắc Bộ).

Cuối TK XIX, hình thức ca ra bộ xuất hiện đầu tiên ở Vĩnh Long. Một trong những người khai sáng hình thức này là ông Tống Hữu Định, một trí thức giàu có thời đó ở đất Vĩnh Long. Nhưng thời kì ấy, hình thức ca ra bộ chỉ mới manh nha, chưa có tác phẩm và người ca tiêu biểu, vẫn còn mang phong cách ca nhạc tài tử. Lúc đó xuất hiện hình thức ca nhạc thính phòng được cải tiến như một vài động tác khi ca, sau này gọi là điệu bộ.

Năm 1910, đã in đậm dấu ấn trong lịch sử của dòng nhạc tài tử Nam Bộ. Ban nhạc tài tử của ông Nguyễn Tống Triều (Tư Triều) ở Mỹ Tho được mời đi trình diễn ở Paris (Pháp) trong hội chợ triển lãm thuộc địa. Ban này gồm có Tư Triều (đờn Kìm), Chín Hoán (đờn Độc huyền), Bảy Vô (đờn Cò), Mười Lý (thổi Tiêu), cô Hai Nhiễu (đờn Tranh) và cô Ba Đắc ca. Họ được bên Pháp mời ngồi trên sân khấu đờn ca, vừa ca vừa ra bộ minh họa lớp Tứ đại oán Bùi Kiệm đi thi. Khi về nước, ban tài tử của ông Tư Triều được thày Năm Tú mời cộng tác tại rạp Casino (nay là rạp hát Tiền Giang). Trước khi rạp này chiếu phim thì ban tài tử ra ca trước để câu khách. Các nghệ nhân cũng ngồi đờn ca trên sân khấu được trang trí như bên Pháp, ngồi ca có sử dụng điệu bộ. Đó là tiền đề cho sân khấu cải lương ra đời.

Theo tác giả Trần Văn Khê, hình thức ca ra bộ được định hình rõ nét bắt đầu ở đất Mỹ Tho, từ hai ban đờn ca nổi tiếng khắp Nam Kỳ lục tỉnh lúc bấy giờ là ban Nguyễn Tống Triều (Tư Triều) tại tỉnh Mỹ Tho và Ban Trần Văn Triều ở làng Vĩnh Kim – Mỹ Tho. Lúc này, tác phẩm ca ra bộ và người ca tiêu biểu được định hình. Tác phẩm duy nhất lúc đó là lớp Bùi Kiệm đi thi (khoảng 1900 -1907) do cụ Trương Duy Toản sáng tác. Trương Duy Toản còn có bút danh là Mạng Tử (1885-1957), ông là một trí thức yêu nước có trình độ Nho học lẫn Tây học rất uyên bác, một cây bút tài hoa về văn chương và báo chí đã từng bôn ba ở Pháp. Ông cũng là tác giả của các kịch bản cải lương đầu tiên ở Nam Bộ như Kim Vân Kiều, Lục Vân Tiên, Trang Châu Mộng Hồ Điệp, Lưu Yến Ngọc cứu cha…

Các nhà nghiên cứu cũng như người trong giới đã khẳng định tác phẩm Bùi Kiệm đi thi của cụ Trương, âm nhạc chỉ có một lớp Tứ đại oán, là tác phẩm đầu tiên – kinh điển nhất của hình thức ca ra bộ.

Tứ đại oán – lớp 1

Kiệm từ khi đi thi rớt trở về

Bùi Ông mắng nhiếc nhún trề

Trách quá chàng ham bề vui chơi

Kiệm thưa: “Tài bất thắng thời

Con lẽ nào không lo bề công danh

Tuổi con còn xuân xanh

Ơn cha mẹ, con chưa đền đáp, đó cha ơi

Thôi con ở lại nhà, đặng hôm sớn với cha”.

(Trương Duy Toản, Bùi Kiệm đi thi, 1906)

Theo cố NSƯT Công Thành, một nghệ nhân tài tử trứ danh, thì hình thức ca ra bộ phát triển theo ba giai đoạn với ba hình thức. Giai đoạn đầu (cuối TK XIX), ca ra bộ được hình thành từ phong trào đờn ca tài tử ở Vĩnh Long, hình thức ca ngâm chỉ một người ngồi ca và ra điệu bộ minh họa theo lời ca của các nhân vật. Giai đoạn hai, ca ra bộ với hình thức diễn xướng có hai người ca cho hai nhân vật, lúc ngồi, lúc đứng vừa ca, vừa ra điệu bộ. Giai đoạn ba, hình thức rõ nét mang tính diễn xướng hơn, ba người ca ra điệu bộ minh họa cho ba nhân vật. Lúc này cụ Trương sáng tác thêm và đổi tên thành Bùi Kiệm ghẹo Nguyệt Nga.

Sau sự kiện cô Ba Đắc và ban đờn ca tài tử của ông Nguyễn Tống Triều trình diễn ở Pháp về (1910), thày Năm Tú mời ông Nguyễn Tống Triều cộng tác. Ca ra bộ biểu diễn để câu khách trước khi chiếu phim chính ở rạp Casino ở Mỹ Tho của thày Năm Tú. Đó cũng là dấu ấn hình thức ca ra bộ được trình diễn trên sân khấu ở quê nhà. Sau đó, thày Thận (André Thận) ở Sa Đéc ứng dụng hình thức ca ra bộ cho gánh hát xiếc của mình. Trước khi chương trình xiếc mở màn, ông cho ca ra bộ trình diễn trước. Cũng lớp Tứ đại oán Bùi Kiệm đi thi, nhưng thày Thận có cải tiến một bước là cho người ca có trang phục nhân vật và đứng ca diễn trên sân khấu (1916-1917). Sau đó, thày Thận mời cụ Trương Duy Toản sáng tác Bùi Kiệm đi thi cho dài thêm có lời thoại đối đáp, thêm nhạc là điệu Bình bán và lớp Xang dài của Tứ đại oán (lớp này có Nguyệt Nga xuất hiện).

Có thể xem đây là giai đoạn đỉnh cao của hình thức ca ra bộ và có tên gọi mới là hát chập, vì âm nhạc phát triển theo tình huống nhân vật xuất hiện. Đây là thời kỳ quá độ của hình thức ca ra bộ, Hát chập là bước chuyển tiếp đến hình thức sân khấu cải lương. Và suốt giai đoạn này, hình thức ca ra bộ chỉ có một tiết mục duy nhất Bùi Kiệm đi thi, Bùi Kiệm ghẹo Nguyệt Nga cũng là nó. Đây là buổi bình minh của ca từ cải lương xuất hiện với tư cách có chủ nhân, vì trước đó chỉ có ca từ của nhạc tài tử và hầu hết tác giả đều khuyết danh.

Theo hồi ký của nhà nghiên cứu Trương Bỉnh Tòng, cũng như hồi ức của học giả Vương Hồng Sển, cải lương chính thức ra đời tại Mỹ Tho, do thày Năm Tú (Pièrre Châu Văn Tú) khởi xướng trên cơ sở của hình thức ca ra bộ và hát chập. Ngày 15-3-1918, thày Năm Tú khai trương bảng hiệu Gánh hát thày Năm Tú Mỹ Tho và ra mắt vở diễn cải lương đầu tiên là Kim Vân Kiều. Khai trương vở tại rạp Cinéma Théâtra, sau đó rạp đổi thành Rạp hát thày Năm Tú Mỹ Tho (nay là rạp hát Tiền Giang). Từ đó đến nay, cải lương đã phát triển trong ngót một thế kỷ, từ hình thức ca ra bộ – hát chập đến sân khấu cải lương (vở diễn) được phát triển theo hệ thống âm nhạc ngũ cung.

Nghệ thuật cải lương có tiến trình hình thành khá dài, trải qua nhiều giai đoạn lịch sử dân tộc, dựa trên những tiền đề khá phong phú và cũng không kém phần phức tạp. Từ nguồn gốc nhạc cung đình và ca nhạc Huế vào vùng đất mới Nam Bộ, rồi hình thành nhạc lễ Nam Bộ đến nhạc tài tử Nam Bộ, hình thức ca ra bộ đến hát chập. Cải lương ra đời đầu tiên tại Mỹ Tho ngày 15-8-1918, với hình thức ca kịch trên sân khấu sàn diễn, gọi là sân khấu cải lương.

Cải lương từ khi ra đời cho đến nay khoảng một thế kỷ, nhưng trải qua không biết bao giai đoạn thăng trầm và phát triển. Cải lương đã góp phần không nhỏ trên nhiều mặt: phản ánh đời sống xã hội ở nhiều góc cạnh qua từng thời kỳ lịch sử dân tộc, từ hai cuộc chiến tranh chống Pháp, chống Mỹ đến giai đoạn hòa bình xây dựng đất nước, tham gia vào sự phát triển của nền văn học nghệ thuật của nước nhà… Sân khấu cải lương đã đạt được hai vấn đề cơ bản của mình, là mang thông điệp về tư tưởng, tinh thần dân tộc và khắc họa những hình tượng nhân vật trên nhiều lĩnh vực. Nếu trong hai cuộc kháng chiến chống ngoại xâm của dân tộc, cải lương đã từng đóng vai trò tiếng hát át tiếng bom, tái hiện tinh thần hào hùng của dân tộc qua những hình tượng mang tính sử thi; thì giai đoạn hòa bình, cải lương cùng với các loại hình nghệ thuật khác cũng là một vũ khí trên mặt trận tư tưởng văn hóa. Nhiều tác phẩm cải lương đạt giải cao cấp quốc gia, hàng trăm nghệ sĩ cải lương đồng thời cũng là những người chiến sĩ trên mặt trận văn hóa nghệ thuật.

Nguồn : Tạp chí VHNT số 357, tháng 3-2014

Tác giả : Đỗ Quốc Dũng

Đánh giá post

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *