65 năm nhà hát chèo việt nam (1951 – 2016), một chặng đường xây dựng và phát triển


Nhà hát Chèo Việt Nam thành lập năm 1951, tại Chiến khu Việt Bắc, khởi đầu từ sự ra đời của Tổ Chèo trong Đoàn Văn công nhân dân Trung ương trong kháng chiến chống thực dân Pháp. Sau khi hòa bình lập lại năm 1954, Tổ Chèo được nâng cấp thành Đoàn Chèo Trung ương. Trong những năm chống Mỹ cứu nước, đoàn đã phát triển thành Nhà hát Chèo Trung ương rồi đổi tên thành Nhà hát Chèo Việt Nam.

65 năm trưởng thành và phát triển, Nhà hát Chèo Việt Nam đã đạt được nhiều thành tựu về mọi mặt, từ việc hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ phục vụ công cuộc cách mạng giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước, xây dựng chủ nghĩa xã hội đến nhiệm vụ sưu tầm, bảo tồn vốn chèo cổ, chỉnh lý, nâng cao các tác phẩm tiêu biểu của chèo cổ, đào tạo các thế hệ nghệ sĩ cho ngành chèo và nghiên cứu thử nghiệm phát triển chèo trong thời đại mới.


 Bộ trưởng Bộ VHTTDL Nguyễn Ngọc Thiện với các nghệ sĩdiễn viên NHCVN. Ảnh Nguyễn Trường Giang 

Vào thập kỷ 50, 60 TK XX, Đoàn Chèo Trung ương đã phối hợp với Ban Nghiên cứu chèo Trung ương tập hợp các nghệ nhân chèo tứ chiếng để sưu tầm toàn bộ các vở chèo cổ tiêu biểu và nhiều vở chèo cải lương. Sưu tầm, phổ biến trên 150 làn điệu chèo cổ có bản ký âm trên giấy, ghi âm trên đĩa hát băng từ, xuất bản thành sách làm vốn liếng nghề tổ cho tất cả các đơn vị chèo chuyên nghiệp và sân khấu chèo không chuyên vận dụng vào các vở chèo nửa thế kỷ qua. 65 năm qua, nhà hát đã dàn dựng, biểu diễn hàng trăm vở chèo, trong đó có những vở được coi là mẫu mực kinh điển. Các vở diễn của nhà hát đã đoạt nhiều giải thưởng, đem lại giải thưởng cá nhân cho các nghệ sĩ. Nhiều vở chèo cổ tiêu biểu được chỉnh lý, cải biên, trở thành các tác phẩm kinh điển của nghệ thuật chèo như: Quan âm Thị Kính, Xúy Vân, Lưu Bình – Dương Lễ, Từ Thức, Trương Viên, Tôn Mạnh – Tôn Trọng, Chu Mãi Thần… Đồng thời trau chuốt cho một số trích đoạn trở thành những viên ngọc quý sáng tỏa những giá trị nhân văn, giá trị nghệ thuật, giới thiệu với công chúng khán giả trong và ngoài nước liên tục hơn 60 năm qua và đủ sức sống lâu dài còn mãi tới mai sau.

Với sự truyền nghề tận tình của các nghệ nhân chèo lỗi lạc, Đoàn Chèo Trung ương đã tổ chức các lớp tập huấn, đào tạo một thế hệ nghệ sĩ xuất sắc, tiếp thu được hầu hết các bài bản, ngón nghề truyền thống từ làn điệu cho đến các vai mẫu trong chèo cổ. Các thế hệ trước lại truyền cho các thế hệ sau. Cho đến nay, có thể kể đến 8 thế hệ nghệ sĩ chèo trong đó có rất nhiều nghệ sĩ đạt được cả 6 chữ vàng: thanh, sắc, thục, tinh, khí, thần, biểu diễn thành công xuất sắc nhiều vai diễn mới, được Nhà nước phong tặng danh hiệu NSND, NSƯT. Nhà hát Chèo Việt Nam còn là đơn vị tiên phong trong phong trào biểu diễn và đào tạo thường xuyên cho 16 nhà hát chèo các tỉnh. Nhiều nghệ sĩ của nhà hát được công chúng trong và ngoài nước yêu mến.

65 năm qua, Nhà hát Chèo Việt Nam luôn chú trọng nghiên cứu chuyên sâu về chèo truyền thống, tìm ra những nguyên tắc cơ bản, những yếu tố mang đặc trưng ngôn ngữ của chèo. Nhiều công trình nghiên cứu khoa học của cán bộ nhà hát và cộng tác viên được các hội đồng thẩm định của Bộ VHTT, Bộ VHTTDL đánh giá cao, xếp vào hạng xuất sắc. Hầu hết các công trình nghiên cứu khoa học này được xuất bản thành sách, trở thành những cuốn cẩm nang quý giá cho các nghệ sĩ chèo, là nguồn tư liệu tham khảo cho các nhà nghiên cứu phê bình sân khấu, các giảng viên và sinh viên chuyên ngành, hoặc thay cho giáo trình giảng dạy ở bậc đại học, trên đại học. Trong đó, có những cuốn sách được chọn để Nhà nước trao tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh, Giải thưởng Nhà nước về Văn học – Nghệ thuật.

65 năm qua, Nhà hát Chèo Việt Nam đã luôn luôn coi trọng và tiến hành nhiều công trình thực nghiệm để tìm hướng đi đúng nhất cho nghệ thuật chèo trong thời đại mới. Sự thành công và những mặt hạn chế có mức độ khác nhau ở các công trình dựng vở thực nghiệm. Nhưng tất cả đã giúp các nghệ sĩ, cán bộ nghệ thuật, chỉ đạo nghệ thuật của nhà hát dần dần đúc kết, rút ra được những luận điểm khoa học tiếp cận gần với chân lý khách quan để xác định phương hướng kế thừa, phát triển chèo đúng nhất. Những bài học kinh nghiệm, thành công của nhà hát trong việc thử nghiệm chèo hiện đại đã có ảnh hưởng sâu rộng, lan tỏa tới hầu hết các nhà hát chèo, đoàn chèo chuyên nghiệp trong cả nước.


 Các nghệ sĩ diễn viên Nhà hát Chèo Việt Nam đi diễn tại Mỹnăm 2015. Ảnh tư liệu 

Bằng những tác phẩm xuất sắc cùng những hoạt động tích cực trong biểu diễn nghệ thuật, đào tạo nghệ sĩ, phục vụ đắc lực nhiệm vụ chính trị của đất nước và đời sống tinh thần của nhân dân, 65 năm qua, Nhà hát Chèo Việt Nam đã đóng góp đáng kể vào sự nghiệp xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, giới thiệu tinh hoa sân khấu dân tộc với bầu bạn năm châu. Những thành tựu nghệ thuật, cùng thành tích xuất sắc trong hoạt động biểu diễn phục vụ công cuộc cách mạng từ kháng chiến chống Pháp đến nay của nhà hát đã được Đảng, Nhà nước và nhân dân ghi nhận, trao tặng nhiều phần thưởng cao quý, tôn vinh nhiều nghệ sĩ có tài năng xuất chúng, đã cống hiến cho sự nghiệp chung.

Nhà hát đã được tặng thưởng: huân chương Độc lập, huân chương Lao động hạng Nhất, hạng Nhì, hạng Ba, nhiều năm được nhận cờ thi đua của Bộ, cùng nhiều bằng khen của Chính phủ, của Bộ. Nhiều nghệ sĩ được phong tặng danh hiệu NSND, NSƯT. Một số tác giả, đạo diễn, nhạc sĩ được tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh, Giải thưởng Nhà nước về VHNT. Nhiều vở diễn của nhà hát được tặng thưởng HCV, HCB trong các đợt hội diễn, liên hoan, cuộc thi Sân khấu Chèo chuyên nghiệp toàn quốc. Nhiều cá nhân cán bộ, nghệ sĩ được tặng thưởng huân chương Độc lập, huân chương kháng chiến, huân chương Lao động và các kỷ niệm chương, huy chương khác. Rất nhiều nghệ sĩ giành được HCV, HCB trong các đợt liên hoan, hội diễn mà hiện chưa thể thống kê được.

Kế thừa, phát huy truyền thống tốt đẹp của nhà hát 65 năm qua, các cán bộ nghệ sĩ, diễn viên, công nhân viên chức đang cố gắng khắc phục mọi khó khăn thử thách để hoàn thành nhiệm vụ được Bộ VHTTDL giao cho, thực hiện tốt chức năng của một nhà hát nghệ thuật quốc gia. Trên con đường phát triển, bên cạnh việc giữ gìn bản sắc chèo dân tộc, nhà hát không ngừng đổi mới để phù hợp với sự phát triển của cuộc sống hiện đại. Tour diễn Tiếng trống chèo 2015 của dự án Tôi xê dịch là một chương trình hấp dẫn, đưa chèo về các sân đình tại Hà Nội. Khán giả không chỉ thưởng thức vở diễn như thông thường mà còn được tham gia thử các vai diễn điển hình như: Lão (Mãng Ông), đào lẳng (Thị Mầu), kép (Lưu Bình), đào chín (Châu Long), đào pha (Xúy Vân)… Khung cảnh xưa như gánh chèo đi hội, ông cầm chầu và những chiếc thẻ tra… được tái hiện, giúp khán giả hình dung không gian văn hóa của chiếu chèo sân đình xưa. Với những dự án, hướng phát triển mới mẻ này, Nhà hát Chèo Việt Nam đang từng bước đưa nghệ thuật truyền thống của dân tộc đến gần hơn với công chúng đương đại, đặc biệt những khán giả trẻ tuổi.

Trong sự tiếp biến văn hóa do hội nhập quốc tế, đồng thời chịu tác động của cơ chế thị trường, việc bảo tồn, phát triển chèo mà vẫn giữ được bản sắc dân tộc là điều hết sức khó khăn. Nhà hát Chèo Việt Nam đã, đang và sẽ tiếp tục kiên trì kế thừa, phát huy những nguyên tắc cơ bản của chèo truyền thống, quyết tâm xây dựng những vở diễn thực sự là chèo, không lai tạp, không biến dạng, góp phần củng cố niềm tin vững chắc và sự tồn tại của chèo truyền thống.

 

Nguồn : Tạp chí VHNT số 388, tháng 10-2016

Tác giả : THANH NGOAN

Đánh giá post

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *