Chèo là một loại hình nghệ thuật tổng hợp bởi nói, hát, múa, nhạc, diễn. Khi tham gia vào vở diễn, các thành phần nghệ thuật này đã thẩm thấu, đan xen tạo ra cái hồn của nghệ thuật. Trong đó, âm nhạc đóng vai trò quan trọng. Âm nhạc trong sân khấu truyền thống (bao gồm các làn điệu, nói lối và nhạc đệm) là yếu tố để phân định thể loại một cách rõ nét nhất. Chỉ cần nghe một nét nhạc, một điệu hát, người ta có thể nhận biết đó là âm nhạc thuộc hình thức nghệ thuật nào. Trong nhiều thế kỷ qua, âm nhạc chèo không ngừng kế thừa, biến đổi theo thời gian. Đặc biệt, TK XX đã đánh dấu sự biến đổi chưa từng có về âm nhạc chèo. Theo thống kê của Viện Sân khấu Việt Nam, chỉ trong nửa cuối TK XX, đã có hơn 1.000 ca khúc mới được sáng tác cho chèo. Tuy nhiên, số tác phẩm tồn tại với thời gian, được giới chuyên môn công nhận đạt đến giá trị một làn điệu chèo cổ còn khá ít.
Là bộ phận cấu thành của hình thức sân khấu dân gian, âm nhạc chèo cổ cũng thuộc loại âm nhạc dân gian, được hình thành chủ yếu từ chất liệu dân ca, sáng tác trong dân gian. Những đặc trưng của âm nhạc dân gian được thể hiện rõ trong chèo. Thứ nhất, bắt nguồn từ dân ca, dân vũ của vùng trung châu và đồng bằng Bắc Bộ, nhạc chèo có cơ sở vững chắc trong quần chúng, có quan hệ mật thiết với ngôn ngữ cũng như những nét văn hóa mang tính địa phương. Thứ hai, âm nhạc chèo không phải do một nhà soạn nhạc sáng tác mà là sản phẩm của âm nhạc dân gian, qua quá trình phát triển lâu dài, là thành quả sáng tác tập thể, từ đời này sang đời khác, là sự đúc kết trí tuệ của bao thế hệ nghệ nhân. Thứ ba, là một di sản văn hóa phi vật thể, theo thời gian, âm nhạc chèo không ngừng biến đổi qua truyền miệng. Do điều kiện sống của mỗi người, mỗi địa phương khác nhau nên ngôn ngữ, giọng hát truyền miệng cũng có những nét khác nhau. Cùng một làn điệu nhưng lại hình thành những trường phái hát khác nhau. Thứ tư, trong sáng tác nhạc chèo, nhiều khi, người biểu diễn cũng đồng thời là nhà soạn nhạc.
Âm nhạc chèo cổ bao gồm: làn điệu, các loại nói lối và phần nhạc đệm. Theo nhà nghiên cứu chèo Trần Việt Ngữ, làn là một dạng nói lối, chỉ ổn định hơi nhạc trên số nét lớn riêng mà tạo thành từng loại, lệ thuộc vào ý tứ, dấu lời và tiết nhịp câu văn, thường để dẫn chuyện và thể hiện tâm trạng. Còn điệu trong chèo cổ chỉ những ca khúc tương đối hoàn chỉnh, thể hiện những cảm xúc, ý tình trọn vẹn ở nhiều mức độ, mang kết cấu khá chặt chẽ, đủ khả năng đứng độc lập. Ca khúc chèo cổ ở dạng phổ thơ, gồm vế trống vế mái, một trổ hoặc nhiều trổ, có xuyên tâm giữa vế, lưu không khép trổ, không mấy kết bằng âm chủ, không hát chậm rãi (rall, ritard…) ở cuối câu, càng ít vút lên trước khi dứt câu. Ca khúc chèo cổ thuộc dòng âm nhạc kể chuyện, tĩnh mà mở.
Chèo còn có nhiều loại nói lối như: nói sử, nói đệm, nói chênh, nói vần, nói lệch, nói vặt, nói thảm… Trong đó, nói sử giữ vai trò quan trọng trong việc tạo dựng phong cách chèo. Nói sử thường dùng cho các vai thư sinh, thục nữ, mang tính kể rõ ràng, có khả năng thể hiện nhiều khía cạnh tình cảm khi phát triển thành các điệu như: sử truyện, sử xuân, sử rầu… Nói vần gần với đọc thơ song phân tiết, phân câu rành rẽ, nhấn vào những từ quan trọng nhất. Vỉa phụ thuộc vào tính chất của điệu đi theo, như vỉa vào Hề mồi sư cụ, vỉa vào khúc Khéo nảy tính tình… Những cách nói ấy lồng vào đủ loại thể thơ dân tộc 4 chữ, 5 chữ, 6/8, 7 chữ, 7/7- 6/8, chú ý những quãng phân câu, phân tiết trong từng vế. Chúng là thước đo mức nghề của nghệ nhân khi bắc cầu từ lối sang hát sao cho ngọt ngào.
Lưu không là đoạn nhạc có nhịp 4/8 mang tính giãn tấu, nối các trổ hát với nhau. Đôi khi nó còn được sử dụng như chức năng chuyển tiếp từ hát sang múa. Còn xuyên tâm là những quãng nghỉ 2 hoặc 4 nhịp, giữ chức năng là cầu nối giữa các câu hát trong một trổ. Về mô hình làn điệu, hệ thống làn điệu trong chèo cổ cũng là các hệ thống mô hình. Trong chèo cổ, thậm chí mỗi làn điệu cũng có thể là một mô hình. Không chỉ là mô hình trong cấu trúc âm nhạc tương ứng với mỗi làn điệu, mà còn là mô hình tương ứng cho mỗi loại nhân vật, cho một hoàn cảnh, trạng thái tình cảm nhất định của người diễn viên trên sân khấu.
Dù không bao quát mọi khía cạnh của cuộc sống, nhưng về cơ bản, nội dung, giai điệu trong làn điệu chèo đã phản ánh tương đối đầy đủ các trạng thái hỷ, nộ, ai, lạc, ái, ố, dục của con người. Ví dụ ở trạng thái vui vẻ có điệu Hồi tiếu, Lão say, Sắp dựng, Dương xuân…; trạng thái buồn tủi có: Sử rầu, Ba than, Vãn cầm, Vãn theo, Trần tình…; tâm sự yêu thương có: Tình thư hạ vị, Đào liễu, Quân tử vu dịch, Đường trường duyên phận, Sử truyện… Các nghệ nhân chèo thể hiện tính cách, tình huống cũng như bản sắc của mỗi nhân vật bằng việc sắp xếp các làn điệu ca khúc, tùy theo yêu cầu của tích. Cũng chính vì đặc điểm này, đòi hỏi người nghệ sĩ chèo phải có một trình độ hiểu biết nhất định trong quá trình sử dụng các mô hình làn điệu. Bởi nếu sử dụng sai có thể tạo ra sự phản cảm trong nhận thức thẩm mỹ.
Đến nay vẫn chưa có con số chính xác về số lượng các làn điệu chèo cổ. Nhưng theo số liệu thống kê của nhạc sĩ Hoàng Kiều, hiện có khoảng 164 làn điệu. Qua khảo sát tác phẩm Những làn điệu Chèo cổ chọn lọc của nhạc sĩ Hoàng Kiều và Hà Thị Hoa (2007), chúng tôi thấy có thêm hai điệu nữa là: Bay bổng và Lận đận. Đây là hai làn điệu chèo cổ, vừa được Hà Thị Hoa khai thác từ các nghệ nhân làng Khuốc, Thái Bình. Sự kế thừa mô hình âm nhạc chèo cổ trong chèo hiện nay, về căn bản, đa số các nhạc sĩ vẫn kế thừa di sản âm nhạc chèo cổ trong các sáng tác. Đặc biệt, cách thức bẻ làn, nắn điệu, sáng tác các ca khúc mới trên cơ sở những đặc trưng của âm nhạc chèo truyền thống. Song bên cạnh đó, vào nửa cuối TK XX, không ít các nhạc sĩ trong quá trình sáng tác, muốn tìm tòi phong cách âm nhạc mới, đã phủ nhận âm nhạc truyền thống, gây ra những biến đổi lớn về âm nhạc chèo.
Vở chèo Nàng thứ phi họ Đặng. Ảnh Lam Trần
Kể từ sau cách mạng tháng Tám năm 1945, đặc biệt từ sau Đại hội văn nghệ năm 1952 và trong suốt những năm chống Pháp, chống Mỹ, trước những yêu cầu của nhiệm vụ cách mạng, 24 đoàn chèo chuyên nghiệp đã lần lượt ra đời ở hầu khắp các tỉnh miền Bắc. Từ đây, nghệ thuật chèo nói chung, âm nhạc chèo nói riêng đã có nhiều sự biến đổi, thăng trầm. Những khuynh hướng cách tân, cải biên âm nhạc chèo cùng với các cuộc tranh luận kéo dài hàng thập kỷ mà không có hồi kết. Nhìn lại quá trình biến đổi này, có thể tạm chia ra thành 3 giai đoạn: giai đoạn thứ nhất (1950-1965), giai đoạn thứ hai (1965-1975), giai đoạn thứ ba (từ năm 1975 đến nay).
Giai đoạn thứ nhất, là giai đoạn các đoàn chèo mới được thành lập ở Trung ương và địa phương để kịp thời đáp ứng nhiệm vụ cách mạng. Tính đến đầu năm 1960, trên miền Bắc đã có tới 19 đơn vị nghệ thuật, chủ yếu diễn chèo. Do kinh nghiệm làm chèo còn hạn chế nên hầu hết các vở chèo mới đều sử dụng làn điệu truyền thống. Đã có những bản nhạc nền được viết mới nhưng chủ yếu vẫn dựa trên những giai điệu truyền thống. Năm 1951-1954, những vở diễn như Chị Trầm, Tấm Điền đã được các nghệ nhân Năm Ngũ, Cả Tam sử dụng một số làn điệu chèo thông thường để lồng điệu. Nhạc cụ cũng chỉ có 2, 3 cây đàn đệm cho hát, trống đảm nhiệm phần diễn xuất. Cách làm trên đã thu được những hiệu quả không thể phủ nhận. Từ 1954-1965, đã có những biến đổi về làn điệu chèo cổ. Đó là việc các nghệ nhân như: cụ Trùm Thịnh, ông Năm Ngũ, cụ Cả Tam, bác Minh Lý, bác Phẩm, bác Hai Sinh, bác Dịu Hương… trong Ban nghiên cứu chèo đã sưu tầm, bổ sung chỉnh sửa, bẻ làn, nắn điệu cho nhiều làn điệu chèo cổ. Rất nhiều điệu hát phổ thông như: Sắp qua cầu, Tải lương, Quân tử vu dịch, Tình thư hạ vị… được các nghệ nhân cải biên chỉnh lý từ thời kỳ này.
Hội diễn năm 1962 xuất hiện một số vở chèo có ca khúc mới. Những vở như: Đường đi đôi ngả, Cô gái sông Lam đã đem lại những thành công nhất định về mặt âm nhạc khi sử dụng các làn điệu truyền thống xen kẽ một số làn điệu mới được sáng tác. Vở Máu chúng ta đã chảy, nhạc sĩ Hoàng Kiều đã đưa vào những thử nghiệm âm nhạc mới. Ông sáng tác nhạc nền mới hoàn toàn, mỗi ca khúc đều có chủ đề rõ rệt. Dàn nhạc được phối khí đầy đặn mang tính giao hưởng, làm mất đi tác dụng của bộ gõ cổ truyền. Về ca khúc, Hoàng Kiều đã bước đầu thử nghiệm chuyển hóa mô hình làn điệu truyền thống. Bởi vậy ca khúc mới đã hòa với các làn điệu truyền thống.
Đến năm 1965, Hoàng Kiều cùng một số nhạc sĩ trẻ trong lớp sáng tác nhạc chèo là: Tuấn Hải, Văn Tân, Thanh Bình… tiếp tục một thử nghiệm khác trong vở Cô giải phóng. Trong vở này, không hề có các làn điệu cũng như cách nói sử, nói lệch truyền thống. Lần đầu tiên, một vở chèo mà phần âm nhạc được các nhạc sĩ sử dụng hoàn toàn bằng phương pháp âm nhạc châu Âu. Ca khúc hoàn toàn là những sáng tác mới, soạn theo phương pháp phổ thơ mà ông cho là đặc điểm của ca khúc chèo. Thử nghiệm lớn nhất của vở là thay thế toàn bộ làn điệu chèo cổ bằng ca khúc mới được viết theo cấu trúc tân nhạc có phối âm hai giọng, ba giọng và hát bè. Vở diễn ra đời đã gây nên một số tranh luận. Hầu như cả giới sân khấu, ngành chèo và các tác giả kịch bản, âm nhạc đều thống nhất rút ra nhận định: cách làm chèo như vậy không đạt tới sự thành công. Tuy nhiên, thử nghiệm Cô giải phóng cũng giúp các nhạc sĩ rút được kinh nghiệm để sáng tác những làn điệu chèo mới theo nguyên tắc cấu trúc mô hình hóa bẻ làn, nắn điệu của các nghệ sĩ chèo xưa. Nhiều nhạc sĩ đã thành công, viết được nhiều làn điệu chèo mới khá hay như: Đôn Truyền, Bùi Đức Hạnh, Tuấn Hải, Bùi Thanh Bình, Văn Tân, Đăng Toàn, Hạnh Nhân, Ngô Thế Quang…
Giai đoạn từ 1966-1975 là giai đoạn có nhiều vấn đề nảy sinh trong việc cách tân nghệ thuật chèo, xoay quanh lĩnh vực cấu trúc kịch bản. Về âm nhạc cũng có một vài thể nghiệm nhỏ của một số nhạc sĩ như Ngọc Chung với vở Người chị (1967). Âm nhạc và ca khúc viết cho vở mang âm hưởng chèo và Tây Nguyên.
Sau chiến thắng 1975, cùng với những khó khăn của cả xã hội đứng trước một nền kinh tế bao cấp đang trên đà suy thoái, sân khấu chèo cũng rơi vào tình trạng cực kỳ khủng hoảng. Trong khoảng thời gian từ 1975-1990, hầu như sân khấu chèo vẫn chưa vượt qua được những lúng túng trong việc xác định hướng đi. Các nhà làm chèo thời kỳ này phân làm hai khuynh hướng rõ rệt. Khuynh hướng biến đổi trên cơ sở chèo truyền thống và khuynh hướng cải tiến, biến đổi chèo thành một thứ ca kịch. Trong đó, khuynh hướng từ chèo phát triển ra một loại hình ca kịch mới là khuynh hướng chủ đạo. Không ít các vở chèo cải tiến đã mang tên vở ca kịch. Hầu hết các vở diễn có cấu trúc kịch nói pha tự sự. Về ca khúc, tuy vẫn dựa trên chất liệu chèo, nhưng sáng tác theo phương pháp nhạc viện, ca khúc được viết nhạc nền, phối khí. Nhiều đoàn chèo còn sử dụng gián tiếp cả dàn nhạc Tây, diễn viên hát lồng để phục vụ cho biểu diễn. Khuynh hướng âm nhạc này được thể hiện qua các vở: Nàng Si ta, Một tình yêu sẽ đến, Bông hồng kiêu hãnh, Biển động ngày đẹp trời, Trời xanh mái phố…, rồi đến Công chúa Turanđốt, Chuyện tình nàng Xu Du, Mối tình Đuông Na Ly, Hoàng hậu Ba Tư. Đây là những vở diễn rất ăn khách. Đặc biệt, vở Nàng Sita của Đoàn chèo Hà Nội đã diễn hàng trăm đêm ngay trên sân khấu thủ đô. Loại ca kịch mới này với những cách tân trong âm nhạc cùng những trang bị hiện đại cho dàn nhạc theo kiểu nhạc Tây với đàn organ, trống jazz, xanh ban, đã thu hút được phần đông khán giả trẻ lúc bấy giờ. Với cách làm chèo này, người ta không cần thiết phải sử dụng kịch bản chèo nữa. Họ sử dụng kịch bản kịch nói rồi sáng tác ca khúc mới, dàn dựng theo phương pháp kịch, sử dụng một số thủ pháp ước lệ của sân khấu truyền thống. Cách làm này đã thu hút một lượng khán giả, tạo ra thu nhập cho một số đoàn chèo trong điều kiện kinh tế khó khăn của đất nước, nhưng nó cũng khiến nhiều nhà làm chèo và khán giả phải đặt ra câu hỏi: “liệu đây có còn là chèo không?”.
Năm 1981, Đoàn chèo Hà Sơn Bình cho ra đời vở Một tình yêu sẽ đến của Doãn Hoàng Giang. Vở diễn đề cập tới vấn đề thế hệ trẻ trên con đường đi tìm lẽ sống, tình yêu và hạnh phúc trong thời đại mới. Chủ đề tư tưởng tốt, có tính thời sự, vở diễn được khán giả trẻ quan tâm, hưởng ứng. Về mặt âm nhạc, vở diễn không sử dụng làn điệu chèo truyền thống, thay vào đó là các ca khúc mới hoàn toàn do nhạc sĩ Bùi Đức Hạnh sáng tác. Về cách làm giống như đã làm ở Cô giải phóng nhưng giai điệu mượt mà, mùi mẫn hơn, hợp với thị hiếu khán giả trẻ đương thời đang thích những điều mới lạ. Một tình yêu sẽ đến đã gây ra sự tranh cãi khá gay gắt, thậm chí có ý kiến cho đó là sự phá chèo. Đến nay, Một tình yêu sẽ đến được đánh giá là một thể loại thuộc hình thức ca kịch mới, không phải chèo.
Bên cạnh khuynh hướng trên là khuynh hướng kế thừa mô hình và phương pháp âm nhạc chèo truyền thống. Vở diễn thuộc loại này vẫn tiếp tục đi theo cách làm của các nghệ nhân xưa, bằng việc sử dụng những làn điệu truyền thống phù hợp với tình cảm, tính cách và hoàn cảnh của nhân vật trong từng vở diễn cụ thể. Gặp những tình huống hoặc nội dung mới mà các làn điệu cũ không thể đáp ứng được thì tìm những làn điệu gần gũi để bẻ làn nắn điệu, chuyển hóa thành điệu mới. Những điệu mới đó không chỉ dựa trên chất liệu, mà còn mang dáng dấp của một làn điệu chèo hoặc một làn điệu dân ca nào đó rất gần gũi với chèo như: hát văn, hát xẩm… Thành công nhất trong khuynh hướng này phải kể đến vở chèo Tình rừng của Trần Bảng, Chuyện lạ thành Nukha của Bertolt Brecht – Hoài Giao chuyển thể, Vòng phấn Kavkaz – Vinh Mậu chuyển thể, Bài ca giữ nước của Tào Mạt…
Như vậy, liên tiếp qua các cuộc liên hoan, hội diễn sân khấu chèo trong hơn 50 năm qua, sự biến đổi của âm nhạc chèo TK XX thực chất là sự tìm tòi bứt phá, tiếp nhận ngoại lai để biến đổi. Sự đổi mới bắt đầu từ chèo cải lương với thành phần âm nhạc có sử dụng cả tuồng, chèo, cải lương, dân ca… đến phong trào chèo ở thời kỳ đầu những năm 1950, do một số nghệ nhân lồng điệu theo cách làm chèo, rồi đến chèo cách tân opera – giao hưởng, chuyển sang hướng ca kịch để rồi lại trở về với âm nhạc chèo mới với việc sử dụng làn điệu truyền thống phù hợp với tính cách, hoàn cảnh nhân vật, kết hợp bẻ làn nắn điệu, hoặc sáng tác ca khúc mới từ chất liệu chèo hoặc dân ca. Kể từ sau liên hoan sân khấu chèo 1990 đến nay, khuynh hướng sử dụng làn điệu truyền thống và bẻ làn, nắn điệu, kế thừa mô hình làn điệu chèo truyền thống đã ngày càng khẳng định vị thế của mình để trở thành khuynh hướng chủ đạo. Trong dịp kỷ niệm 50 năm sân khấu Việt Nam (1957-2007) do Hội nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam tổ chức tại Nhà hát Chèo Kim Mã, những trích đoạn chèo hay trong các vở: Lời sấm truyền từ quán Trung Tân, Cà phê chín đỏ của Trần Đình Ngôn, Lột áo tri châu, Chôn hề trong Bài ca giữ nước của Tào Mạt, đã được lựa chọn là những tiết mục tiêu biểu để biểu diễn. Điều đó thêm một lần nữa chứng tỏ sự nhìn nhận đúng đắn của những nhà làm sân khấu và khán giả về hướng kế thừa các mô hình nghệ thuật chèo truyền thống trong sáng tác chèo hiện nay.
Nguồn : Tạp chí VHNT số 405, tháng 3 – 2018
Tác giả : NGUYỄN THỊ BÍCH NGOAN
Bài viết cùng chủ đề:
Nghệ thuật tạo hình trong sân khấu kịch nói
Nghệ thuật sân khấu dù kê, di sản văn hóa của dân tộc và nhân loại
Bi kịch cổ đại hy lạp, kịch mặt nạ pháp và tuồng việt: sự tương tác đông – tây trong bối cảnh đương đại