Khu trưng bày khảo cổ học tầng hầm nhà quốc hội


Nhà Quốc hội nằm tọa lạc chính giữa trung tâm chính trị Ba Đình lịch sử và ở phía tây nam khu di tích Hoàng thành Thăng Long tại 18 Hoàng Diệu, Hà Nội. Năm 2008 và 2009, một cuộc khai quật khảo cổ học lớn do Viện Khảo cổ học thuộc Viện Hàn lâm KHXH Việt Nam chủ trì được thực hiện trên diện tích của Nhà Quốc hội hiện nay đã thu được hàng trăm di tích cùng hàng nghìn di vật của nhiều thời kỳ nằm chồng xếp lên nhau. Đây là phát hiện quan trọng, phản ánh sinh động lịch sử phát triển liên tục, lâu dài của khu trung tâm Hoàng thành Thăng Long suốt 1300 năm, từ thời Tiền Thăng Long (TK VII – X) đến thời kỳ Thăng Long (TK XI – XVIII). Đồng thời minh chứng khu vực xây dựng Nhà Quốc hội là bộ phận quan trọng nằm ở phía tây nam Cấm Thành của kinh đô Thăng Long. Như vậy Nhà Quốc hội hiện nay không chỉ là biểu tượng quyền lực của quốc gia, mà còn là gạch nối truyền thống của trung tâm quyền lực lâu đời trong lịch sử dân tộc.

Đến năm 2012, Trung tâm Nghiên cứu Kinh thành thuộc Viện Hàn lâm KHXH Việt Nam tổ chức nghiên cứu xây dựng dự án trưng bày di tích, di vật đã được khai quật ở tầng hầm Nhà Quốc hội. Sau hơn 3 năm thực hiện, từ nghiên cứu xây dựng nội dung khoa học và ý tưởng trưng bày đến nghiên cứu đưa ra những giải pháp thiết kế trưng bày, Trung tâm đã mang được những giá trị cốt lõi của các phát hiện khảo cổ học dưới lòng đất khu vực xây dựng Nhà Quốc hội trở thành hiện thực, tạo nên khu trưng bày đặc sắc, hấp dẫn dưới tầng hầm Nhà Quốc hội. Đến đầu năm 2016, khu trưng bày này mới hoàn thiện, một số cá nhân, tổ chức đã được đến tham quan.

Không gian trưng bày gồm 2 tầng hầm phía đông Nhà Quốc hội với diện tích 3.700m2. Tầng hầm 1 với diện tích khoảng 1.700 m2, nơi giới thiệu các di tích, di vật từ thời Lý, Trần, Lê được trưng bày bên trong không gian của một di tích kiến trúc cung điện thời Lý tái tạo dưới mặt sàn giống như bối cảnh khai quật. Phía bắc là phòng chiếu phim có sức chứa 60 chỗ ngồi, giới thiệu về hình thái kiến trúc cung điện thời Lý qua kết quả khai quật, nghiên cứu khảo cổ học. Tầng hầm 2 với diện tích gần 2.000m2, là nơi trưng bày những phát hiện khảo cổ học về thời kỳ Tiền Thăng Long, gồm thời Đại La (TK VII – IX), Đinh – Tiền Lê (TK X).

Khu trưng bày khảo cổ này được đầu tư nhiều thiết bị và công nghệ hiện đại so với hệ thống bảo tàng trong nước hiện nay, với sự tư vấn của các chuyên gia quốc tế đến từ Mỹ, Pháp, Đức… Tuy nhiên, điểm đặc biệt nhất vẫn là ý tưởng sáng tạo và nghệ thuật trưng bày của các nhà trưng bày ở đây.

Để bảo quản di tích, hiện vật khảo cổ nguyên gốc trong môi trường ổn định, người ta đã thiết kế ra hệ thống kính cường lực đặt trên những di tích khảo cổ và khách tham quan có thể đi lên, tạo cảm giác như được đi ngay trên chính công trường đang khai quật.

Phương pháp trưng bày được thực hiện mang tính thống nhất bằng cách lồng ghép, xen cài giữa di tích và di vật, trong đó di tích được xem là hồn cốt, di vật là các hạt nhân. Giải pháp trưng bày được đưa ra là trưng bày theo thời gian từ xưa lại gần: từ giai đoạn Tiền Thăng Long đến giai đoạn Thăng Long, kết hợp với trưng bày theo loại hình di vật như nhóm vật liệu kiến trúc, đồ dùng sinh hoạt, theo loại hình di tích như di tích kiến trúc, mộ táng… ở từng thời kỳ.

Khu trưng bày sử dụng hệ thống chiếu sáng của những chiếc đèn lồng dạng hình cột vừa có tác dụng chiếu sáng vừa mang ý nghĩa khoa học. Đó là tạo hình ảnh những cột gỗ của công trình kiến trúc hệ thống 42 đèn cột ánh sáng được đổi màu liên tục, chiếu xuống các chân tảng để gợi mở cho công chúng hình dung về kiến trúc cung điện thời Lý.

 Ngày nay, chúng ta không có cơ may cảm nhận, nhìn ngắm hình thái kiến trúc của thời kỳ Lý – Trần, Lê từ kiến trúc dân gian đến tôn giáo, hoàng cung… Vì vậy, để nhận diện kiến trúc hoàng cung Thăng Long là bài toán khó, mặc dù khảo cổ học đã tìm thấy các dấu tích nền móng cung điện và minh chứng một cách rõ ràng về quy mô rộng lớn của nó. Các nhà khảo cổ học đã dựa trên các mảnh đầu ngói ống trang trí hoa sen, hoa cúc, mặt linh thú tìm được trong nhiều cuộc khai quật để phác họa về bộ mái của công trình kiến trúc hoàng cung Thăng Long.

 Sử dụng công nghệ trình diễn mapping và media, chiếu phim bằng màn hình lớn những cảnh khai quật trên công trường của các năm trước, giúp người xem có thể cảm nhận trực tiếp về công việc khai quật khảo cổ học. Kết hợp quay phim 3d tạo cảnh 4 mùa: xuân, hạ, thu, đông tái tạo một bức tường bao quanh cung điện theo đúng chiều cao thật 2,72m. Lịch sử vàng son của kinh đô Thăng Long cùng dấu tích nó được diễn giải sinh động.

Trong không gian trưng bày ở mỗi tầng hầm đều có những điểm nhấn tạo nên tính độc đáo, sinh động qua di tích, di vật. Nét độc đáo nhất ở khu trưng bày phải kể đến hai bức tranh tường Rồng bayBình minh Thăng Long có kích thước lớn được lắp ghép từ chính mảnh vỡ của các loại gạch ngói khai quật được tại khu di tích, chứa đựng những thông điệp của lịch sử xây dựng kinh đô Thăng Long.

Bức tranh Rồng bay được khơi nguồn từ hình tượng rồng thời Lý và ghi chép của sử cũ về sự kiện năm 1010, khi đến thành Đại La, vua Lý Thái Tổ thấy rồng vàng hiện lên, sau đó đã quyết định hạ Chiếu dời đô từ Hoa Lư về đây và đổi tên là Thăng Long (rồng bay lên).

Bức tranh Bình minh Thăng Long được lấy cảm hứng từ hình tượng lá đề và đầu ngói ống trang trí hoa sen lợp trên mái kiến trúc cung điện thời Lý biểu đạt hình tượng về lịch sử khai sáng Kinh đô Thăng Long vào mùa thu năm 1010 cùng sự tỏa sáng rực rỡ của nền văn hóa Đại Việt kể từ vương triều Lý.

Khu vực tương tác với các thiết bị hiện đại như màn hình cảm ứng 48 và 90 inch cùng sàn tương tác là không gian để công chúng khai thác thông tin, trẻ em thoải mái vui chơi khám phá khảo cổ học. Trẻ em đến đây có thể vừa học vừa chơi với các trò ghép hình bằng những hiện vật khảo cổ trên các màn hình lớn.

Khu trưng bày còn cho khán giả thấy nghệ thuật phục dựng hiện vật nguyên gốc. Trên cơ sở phát hiện được những mảnh thành miệng giếng được làm bằng đất nung, xung quanh trang trí nổi hình rồng với đường nét khá tinh xảo, mang đặc trưng nghệ thuật thời Trần, các nhà trưng bày đã sử dụng chính những mảnh vỡ đó để phục dựng thành một cái miệng giếng hoàn thiện độc đáo và sinh động.

Ngoài các hiện vật là gốm sứ, đồ dùng sinh hoạt trong hoàng cung, khu trưng bày còn có những vật liệu kiến trúc làm bằng đất nung có kích cỡ lớn, nặng, thô cứng… Vì vậy, việc trưng bày những hiện vật này cũng là bài toán khó cho các nhà quản lý để đưa ra ý tưởng thiết kế bệ, kệ, giá đỡ hiện vật vừa đảm bảo sức nặng vừa mang tính nghệ thuật.

Ngoài ra, ở đây còn có mô hình công trường khai quật khảo cổ học cùng những dụng cụ khai quật và hình ảnh các nhà khảo cổ học đang làm việc như thật được tái hiện theo tỷ lệ 1/50 ở một góc của khu trưng bày, giúp mọi người hiểu rõ hơn về công tác khảo cổ.

Khu trưng bày khảo cổ học dưới tầng hầm Nhà Quốc hội như là một bảo tàng khảo cổ học đầu tiên ở Việt Nam độc đáo, hấp dẫn và có tính khoa học. Để có được không gian này, các nhà khoa học của Trung tâm Nghiên cứu Kinh thành thuộc Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam đã phải đưa ra nhiều ý tưởng, sáng tạo, sử dụng nhiều nghệ thuật trong trưng bày bảo tàng không những trong nước mà còn tiếp thu của các bảo tàng quốc tế.

Nguồn : Tạp chí VHNT số 402, tháng 12 – 2017

Tác giả : NGÔ THỊ NHUNG

Đánh giá post

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *