Gốm sứ mikawachi


 

Nghề gốm ở thành phố Mikawachi bắt đầu từ khoảng 400 năm trước đây, các sản phẩm được sản xuất ra phần lớn là đồ dâng tặng những người có chức trách cao như thiên hoàng (tenno), tướng quân (shogun), lãnh chúa (daimyo). Chính vì vậy, thợ gốm sứ Arita cũng như Mikawachi đã chọn lọc kỹ thuật phù hợp để có thể sản xuất ra các sản phẩm sứ màu với lớp men mỏng, trang trí họa tiết một cách tinh xảo. Từ thời Minh Trị, các sản phẩm tinh tế đó được xuất khẩu với số lượng lớn sang châu Âu và được trưng bày ở các viện bảo tàng mỹ thuật Hirado cổ. Ngày nay, vẫn còn nhiều lò sứ Mikawachi kế thừa kỹ thuật truyền thống để sản xuất ra các sản phẩm được nhiều người ưa chuộng.

1. Lch s phát trin

Cuối thời Chiến quốc (1590), với những thành công trong việc lãnh đạo các lãnh chúa thống nhất đất nước, Toytomi Hideyoshi(1) tạo một bước ngoặt lớn cho sản xuất gốm sứ ở Nhật Bản. Trong thời gian này, vị tướng quân trong thời Chiến quốc là Hatachikashi(2) đã bị Hideyoshi ra lệnh đầy đến một nơi xa. Vì thế, những thợ gốm người Triều Tiên được dòng họ Hatachi bảo trợ đã bị chia tách sang các địa phương khác nhau và sự kiện này được lưu truyền với tên gọi Núi Kishitake sp đ(3). Những người thợ gốm bị phân tán này đồng loạt xin vào các lò gốm sứ ở tỉnh Hizen, ban đầu là các lò Imari, Bắc Arita, Arita, Hasami, sau đó đến các lò sản xuất gốm Miakwachi ở vùng Sasebo như Kiharayoshi, Nayagi… Họ bắt đầu sản xuất và sử dụng tro củi làm lớp men cho chủ yếu là dụng cụ pha, uống trà như: đĩa, chén, bát.

Năm 1598, khi Hideyoshi qua đời, rất nhiều thợ gốm Triều Tiên được giải thoát, họ đã mang kỹ thuật sản xuất của Triều Tiên về nước để phát triển thị trường gốm sứ tại quê hương. Ở Nhật Bản, chưa có kỹ thuật sản xuất sứ trắng nên đã có thời gian phải phụ thuộc vào nhập khẩu. Vì vậy, các lãnh chúa ở Shikoku đã tập họp các thợ gốm lại để tìm kiếm kỹ thuật sản xuất gốm mới.

Matsuga Shigenobu(4) (1549-1614) đã đưa 2 thợ gốm Triều Tiên là Kyokan (1556-1643) và Koraibaba (1567-1672) từ Pusan đến Tochigi. Sau khi đến Hirado, họ đã xây dựng các lò sản xuất ở đảo Hirado. Ở lò Nagano không chỉ sản xuất gốm mà còn cả sứ nhưng cho đến tận năm 1630 thì ở Mikawachi vẫn chỉ sản xuất gốm.

Cuộc chiến tranh với Triều Tiên đã khiến nhiều người Nhật hy sinh và tiêu tốn nhiều tài sản. Tuy nhiên, người Nhật cũng đã thu nhập được kỹ thuật sản xuất gốm sứ tiên tiến. Chắc chắn rằng, từ khi Hideyoshi thống nhất đất nước cho tới cuộc chiến tranh Triều Tiên, công nghiệp sản xuất gốm sứ ở Nhật Bản (bao gồm cả Mikawachi trong lãnh địa Hizen) bước sang một giai đoạn mới.

Cái nôi sản xuất sứ trong lãnh địa Hizen là tỉnh Arita. Người thợ gốm Triều Tiên Risambe (? – 1655) đã bắt đầu đưa kỹ thuật sản xuất sứ vào Arita từ những năm 1610. Trước khi những người thợ Triều Tiên mang nghề làm sứ đến thì ở Mikawachi đã sản xuất đồ gốm rồi. Tuy nhiên, theo dòng thời gian, nghề sản xuất gốm đã chuyển dần sang sản xuất sứ, vì các dụng cụ ăn uống làm bằng gốm không đem lại cảm giác sạch sẽ, tinh khiết giống các sản phẩm sứ trắng. Năm 1630, các lò gốm đã chuyển sang sản xuất sứ như: Kihara, Mikawachi Nagaha. Các lò này đã cải cách kỹ thuật sản xuất khi Arita bước vào giai đoạn hưng thịnh của sản phẩm sứ và cuối cùng bắt đầu sản xuất sứ vào năm 1640. Mikawachi bắt đầu sản xuất sứ chậm hơn Arita bởi 2 lý do: thứ nhất, không được tiếp nhận kỹ thuật sản xuất từ sớm; thứ hai, không bảo quản được nguyên liệu sản xuất sứ trắng(5).

Năm 1633, con trai của Kyokan là Imamura Sannojyo(6) (1610 – 1696) đã phát hiện ra nguyên liệu làm sứ trắng ở Mitsudake. Hơn nữa, năm 1637 vì bảo hộ thợ gốm Triều Tiên, Imamura đã trục xuất thợ gốm Nhật ra khỏi thái ấp Saga. Vì vậy, kỹ thuật sản xuất sứ và cách bảo quản nguyên liệu được đưa vào Mikawachi và nơi này chính thức đi vào sản xuất sứ từ năm 1640.

Năm 1650, sứ Mikawachi được sản xuất tại phía Nam tỉnh Hirado, vùng đất nối giữa tỉnh Omura với Saga – nơi sản xuất sứ Arita và Hasami. Các lò nung khác được đặt ở vùng núi Kihara, Koei cũng được gọi là Mikawachi. Hirado là địa phương khởi nguồn của sứ Mikawachi, vì vậy loại sứ này còn được gọi là sứ Hirado. Sản phẩm iroe (màu) và sometsuke (hoa lam) của sứ Mikawashi chủ yếu được trang trí các bức tranh với nét vẽ tinh xảo, độc đáo.

Cuối TK XVI, Trung Quốc dừng xuất khẩu gốm sứ sang Đông Nam Á, châu Âu nên các thuyền buôn của Hà Lan phải đặt hàng Nhật Bản. Vì vậy, đồ sứ Mikawachi cũng hòa vào các dòng sứ khác để xuất khẩu từ cảng Imari. Từ việc xuất khẩu tại cảng Imari, đồ sứ Mikawachi mang thêm cái tên Imari giống các dòng sản phẩm khác.

Trong các sản phẩm xuất khẩu, có loại hàng bình dân,gia dụng, đặc biệt là chiếc bát to được trang trí họa tiết rồng và mây. Loại này chủ yếu được chuyển sang thị trường Đông Nam Á dành cho tiêu dùng trong tầng lớp thị dân. Những sản phẩm có tính chất gia dụng, bình dân đó thường được sản xuất ở các lò xung quanh Arita như Mikawachi, Hasami, Ureshino. Arita sản xuất độc quyền các sản phẩm cao cấp cho thị trường châu Âu và thị trường trong nước. Tức là, các sản phẩm có lợi nhuận cao được sản xuất ở Arita, còn các sản phẩm có lợi nhuận thấp được chuyển sang các vùng lân cận. Quy trình chỉ đạo sản xuất của Arita dựa vào kết quả so sánh giữa các vùng trong lãnh địa Hizen trên tiêu chí: tiếp nhận kỹ thuật sản xuất sứ sớm và phát triển thị trường tiêu thụ sớm.

Tuy nhiên, đến năm 1690, khi Trung Quốc ổn định về chính trị, đồ gốm sứ của họ đã quay lại thị trường thế giới. Điều này đã làm cho gốm sứ Nhật không xuất khẩu được, các lò ở lãnh địa Hizen chỉ sản xuất số lượng ít theo đơn đặt hàng. Trong bối cảnh ấy, sứ Mikawachi quay lại sản xuất sứ dành cho thị trường nội địa. Cuối TK XVII, đầu TK XVIII, các lò sản xuất ra bát có hình rồng, mây chuyển sang làm bát, đĩa trang trí bằng chổi lông có nét vẽ không tinh xảo và không mất thời gian để chạm khắc hoa văn. Đồ sứ Mikawachi thời kỳ này rất giống với sản phẩm sứ bình dân Kurawanka (7) của Hasami. Tuy nhiên, sản phẩm của Mikawachi không có dấu hình củ khoai tây giống đồ sứ Kurawanka của Hasami.

TK XVIII, các lò ở Mikawachi sáp nhập với các lò ở Hasami, cùng lúc đó vào năm 1712, các thợ gốm đã phát hiện ra đất (nguyên liệu làm sứ) ở Amakusa có chất lượng tốt. Điều này đã giúp Mikawachi sản xuất ra những sản phẩm cao cấp với kỹ thuật mới, tinh tế mà các nơi khác không có được. Đồ sứ Mikawachi làm ra trong thời kỳ này có xương gốm mỏng, màu trắng thuần khiết, khiến sản phẩm được thị trường ưa chuộng và đánh giá cao.

2. Đc trưng sn phm

Cùng với nỗ lực của cha con nhà Koseki (hai con trai là Sannojyo và Hisashihyoe) nghiên cứu trong nhiều năm, họ đã sử dụng đất ở Amakusa sản xuất thành công sứ trắng và được thế giới biết đến cái tên Hirado. Đặc trưng của sứ Mikawachi là những họa tiết trang trí được khắc tinh tế, mảnh mai và một màu trắng hoàn hảo.

Các lò Mikawachi cũng giống với Iroenabeshima chuyên sản xuất sản phẩm sứ tinh tế có kỹ thuật cao vẫn được duy trì cho đến tận ngày nay. Chính vì thế, các lò sản xuất đồ sứ hoa lam của Mikawachi vẫn được giữ lại như Koei,… Và, một số lò khác ở đông, tây Mikawachi.

Trong các đồ sứ trắng hay sứ hoa lam của Mikawachi, một sản phẩm đặc trưng là Karakoe – cốc chén, bát đĩa, bình, lọ hoa được trang trí hình ảnh búp bê hay các em bé mặc y phục cổ Trung Quốc. Tuy nhiên, ở bất kỳ lò sản xuất nào thì đồ sứ Mikawachi vẫn có những sản phẩm tiêu biểu với những đặc điểm dễ nhận thấy:

Sứ trắng được làm từ loại đất tốt ở Amakusa, đây là yếu tố cần thiết để tạo ra sự thành công của đồ sứ Mikawachi. Tuy nhiên, đặc trưng nổi bật của sứ Mikawachi là tạo ra những sản phẩm tinh tế trong trang trí họa tiết và có độ sáng đặc trưng do được nung ở nhiệt độ cao. Ví dụ, những sản phẩm như đĩa, bát trà, bình hương… (dụng cụ dùng trong trà đạo). Bên cạnh đó, độ mỏng của xương gốm là một trong những tiêu chí đánh giá chất lượng của nguyên liệu và kỹ thuật sản xuất đồ gốm nói chung và sứ nói riêng. Sản phẩm Mikawachi có độ mỏng đến mức được gọi là vỏ trứng, là minh chứng cho kỹ thuật cao cũng như chất lượng hoàn hảo của nguyên liệu. Ngoài ra, sản phẩm còn có độ đậm nhạt do men đọng lại trên các họa tiết được chạm khắc. Không những thế, trên một số đồ sứ như nắp, bát, bình đựng nước hay bình hương dùng trong trà đạo còn được gắn những họa tiết trang trí nhỏ như các cánh hoa, lá làm điểm nhấn cho sản phẩm. Không những chỉ với họa tiết hoa lá, nhiều sản phẩm mà còn được chạm khắc hình các con vật như gà, rồng với đường nét mảnh mai, tinh tế. Tuy nhiên, song song với các họa tiết hoa lá, con vật kể trên thì đồ sứ trắng Mikawachi còn có các cấu kiện được sản xuất rời dùng làm giá đỡ, đường nét trang trí cho sản phẩm.

Sứ hoa lam Mikawachi đã cho ra đời các sản phẩm có họa tiết được chạm khắc tinh xảo đạt trình độ kỹ thuật cao. Các họa tiết tiêu biểu cho dòng sứ này có thể kể đến như: hình búp bê, họa tiết sông núi, hoa lá, chim muông… Với các sản phẩm đặc trưng như: đĩa hoa, bình hoa, bát trà, bình hương, bình nước… Đơn cử, như chiếc đĩa được trang trí chùm quả đào trải rộng từ trên xuống đan xen với những chiếc lá xanh một cách hài hòa. Bên cạnh đó, không thể không nhắc đến sản phẩm đặc trưng là những chiếc lọ hoa trang trí họa tiết hoa cúc đan xen nhau trải rộng trên bề mặt của chiếc bình, chiếc bát trà được trang trí với những hoa văn đơn giản như hoa lá, cỏ cây phù hợp với khung cảnh buổi tiệc trà.

Karakoe được coi là sản phẩm nổi tiếng của sứ Mikawachi trong thời Edo. Loại đồ sứ này thường được dùng làm quà tặng, tuy nhiên, tùy thuộc vào đối tượng tặng quà mà số lượng em bé được vẽ khác nhau trên sản phẩm. Quà tặng cho triều đình, tướng quân: 7 em bé; quà tặng cho lãnh chúa: 5 em bé; quà tặng cho võ sĩ: 3 em bé; và, các dụng cụ thường nhật với một hoặc hai em bé. Ngoài việc được trang trí trên bát, đĩa, cốc chén… thì hình ảnh các em bé mặc trang phục cổ Trung Quốc còn được trang trí trên dụng cụ khác như bình hoa, lư hương, dụng cụ kê đũa…

Chỉ có các sản phẩm làm quà tặng được quy định số lượng em bé khác nhau, còn các loại khác không có quy định cụ thể. Vì vậy, tùy thuộc vào kích cỡ của sản phẩm để trang trí cho phù hợp, đẹp mắt. Ví dụ như chiếc bình rượu được trang trí hình ảnh ba cậu bé ngồi vẽ dưới gốc cây, hay chiếc lư hương được thể hiện các họa tiết dưới chân đế tạo điểm nhấn cho sản phẩm. Những chi tiết đó thể hiện sự tinh xảo trong kỹ thuật chạm khắc và màu trắng hoàn hảo của sứ Mikawachi(8).

Nói chung, mặc dù sứ Mikawachi ra đời muộn hơn so với sứ Arita nhưng đã có những sản phẩm đặc trưng độc đáo, mang phong cách riêng. Sứ Mikawachi có độ mỏng đến tinh xảo của sứ trắng, đặc biệt là bộ sản phẩm Karakoe mô phỏng theo phong cách Trung Hoa… Về thiết kế, sản phẩm Mikawachi có những họa tiết riêng biệt như hình ảnh những chiếc hắc thuyền (kurofune) (9) được phác họa trên sản phẩm, tái hiện lại sự kiện chấm dứt việc bế quan tỏa cảng trong lịch sử Nhật Bản… TK XIX khi kỷ nguyên Edo chấm dứt, những lò nung tư nhân ở Mikawachi sản xuất dụng cụ đựng rượu hướng tới thị trường các tỉnh vùng Kansai. Cho đến nay, đồ sứ Mikawachi truyền thống vẫn tồn tại bên cạnh những dòng sứ khác của Nhật Bản. Tuy nhiên, để thích ứng với thị trường hiện đại, các sản phẩm của Mikawachi được sản xuất với nhiều mẫu mã, kiểu dáng phù hợp thị hiếu người tiêu dùng.

_______________

1. Tướng quân thời kỳ Chiến quốc và là người chấm dứt nội chiến và thống nhất Nhật Bản.

2. Tướng quân thời Chiến quốc, con trai thứ 3 dòng họ Arima Yoshisada, không rõ ngày sinh, ngày mất

3. Dãy núi ở tỉnh Saga, lãnh địa Hizen

4. Lãnh chúa thứ 4 của Hirado thời sơ kỳ Edo

5. Yoshiaki Abe, Nhập mn gm s Nht Bn, Nxb Shincho, 1992.

6. Thợ gốm sơ kỳ Edo

7. Kurawanka là sản phẩm sứ bình dân của dòng sứ Hasami. Hasami cũng giống như Mikawachi vừa là tên thành phố vừa là tên lò sản xuất gốm sứ thuộc lãnh địa Hizen.

8. Richard L. Wilson, Inside Japanese Ceramic – A Primer of materials, techniques and tradition, Weatherhill Inc, 1995.

9. Hắc thuyền (kurofune) là tên gọi 4 chiến hạm của Mỹ tiến vào vịnh Tokyo từ năm 1852-1854, yêu cầu Nhật Bản mở cửa, chấm dứt giai đoạn bế quan tỏa cảng dưới thời Edo (Mạc Phủ).

Nguồn : Tạp chí VHNT số 342, tháng 12-2012

Tác giả : Nguyễn Thị Lan Anh

Đánh giá post

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *