Đồng tính luyến ái trong văn chương và nghệ thuật (p1)


 

Đồng tính luyến ái (ĐTLA) là một bộ phận tất yếu của xã hội loài người. Song do sự trái tự nhiên của nó, theo quan niệm chung phổ biến cổ kim đông tây, kiểu tình yêu không bình thường ấy đã và đang bị dè bỉu, kỳ thị và đối xử bất công thiên hình vạn trạng, xuyên suốt lịch sử loài người, cho tới tận hôm nay. Đáng ngạc nhiên, mặc dù khoa học đã cho thấy rõ ràng rằng ĐTLA đã tồn tại trong thế giới loài vật từ khi sự sống ra đời, nhìn nhận đối với nó vẫn rất ít thay đổi hay thay đổi rất chậm. Vẫn bị xem là thứ yếu hay kỳ cục, cuộc đấu tranh cho bình đẳng và tự do của ĐTLA vẫn không ngừng được tiến hành đầy quyết tâm và bền bỉ. Trong cuộc đấu tranh không cân sức đó, văn học nghệ thuật đóng vai trò chủ đạo, ngày một nổi bật và có tính quyết định.

Đôi nét tổng quan về ĐTLA

Hai dạng chính của ĐTLA là đồng tính nam và đồng tính nữ. Những người đồng tính, nam và nữ, thường được gọi với nhiều tên khác nhau, thông thường nhất là gay và lesbienne. Quan hệ tình dục là yếu tố cơ bản để họ tự coi là mình thuộc dạng tình yêu nào. Từ lâu, thực tế xác nhận sự tồn tại ở mọi nơi trên hành tinh một cộng đồng đặc biệt, viết tắt là LGBT, tức những người đồng tính nữ, đồng tính nam, những người song tính và những người chuyển giới. Tên gọi LGBT bộc lộ sự đa dạng và tính linh hoạt của hoạt động tình dục của cộng đồng này. Đã hẳn, họ bao giờ cũng là thiểu số. Những thống kê gần đây nhất cho thấy, chỉ 1 hay 2% dân cư một cộng đồng, 2 đến 7% đàn ông và 1% phụ nữ là người thích yêu người cùng giới. Nếu 70% cặp khác giới đòi hỏi được kết hôn, thì một nửa cặp đồng tính mong muốn chung sống như một gia đình bình thường. Cứ 6 cặp đồng tính sống chung thì 1 cặp khao khát có con như những cặp khác giới. Trong trường hợp này, họ phải nhận con nuôi và một nền pháp luật đúng nghĩa không thể không can thiệp để con họ được hưởng những quyền lợi chính đáng như mọi đưa con khác trên đời, đồng thời đứa con đó cũng phải thực hiện những nghĩa vụ đạo nghĩa đối với cha mẹ.

Nhìn đại thể, từ bao đời nay, ĐTLA liên tục bị đạo đức tôn giáo và đạo đức xã hội chỉ trích, cho nên không được đa số thành viên mỗi cộng đồng thông cảm và thấu hiểu, dù rằng không hiếm nhân vật vĩ đại về khoa học và nghệ thuật không giấu diếm hay được phát hiện là người đồng tính, chẳng hạn nhà bách khoa toàn thư số một toàn cầu kiêm danh họa Italia Leonard de Vinci (1452-1519), văn hào Anh Oscar Wilde (1854-1900), nhà văn Pháp đoạt giải Nobel André Gide (1869-1951), hoặc nữ thủ tướng Ai len Johanna Sigurdardottir vừa hết nhiệm kỳ, sinh năm 1948…, dù rằng phong tục tập quán của nhiều dân tộc không ngớt rũ bỏ dần những yếu tố thiếu nhân bản hay lạc hậu, dù rằng những tiến bộ về khoa học kỹ thuật, về luật pháp và cơ cấu xã hội khiến cho các xã hội lớn nhỏ ngày một văn minh, ngày một bao dung, ngày thêm có lý có tình trong xử lý các mối ràng buộc hiển nhiên phải có, dù rằng… Một trong những bất hợp lý mà người đồng tính phải cắn răng chịu đựng hiện giờ, ngay tại các nước văn minh nhất, là sự phân biệt đối xử trong trả công lao động. Người đồng tính được trả lương thấp hơn người bình thường, cho cùng công việc và cùng chất lượng sản phẩm. Trong tình hình tương tự, lương của người đồng tính nữ luôn luôn cao hơn lương của đồng tính nam. Đằng sau chuyện ngược đời này là một thực tế không khó giải thích. Ví dụ ngẫu nhiên ấy hé lộ biết bao cơ cực mà người ta phải hứng chịu khi trót hay chỉ yêu người cùng giới với mình! Đáng lạ, những con người bất hạnh ấy cứ kiên gan viết nên lịch sử riêng của họ, và lịch sử ĐTLA, tuy âm thầm và như cố ý bị lờ đi, vẫn song hành đầy kiêu hãnh với lịch sử nhân loại. Ba giai đoạn nổi bật của lịch sử đồng tính là thời hoàng kim, thời bị khủng bố ác nghiệt nhất, và thời dễ thở.

Trong thời cổ đại Hy – La, ĐTLA đạt tới vẻ vang cực điểm, vinh quang cho đến nay vẫn khiến kinh ngạc, dù có thể lý giải được. Bấy giờ, đối với dân Hy Lạp, quan hệ tình dục song tính là chuyện đương nhiên và bình thường trong sinh hoạt xã hội. Đồng tính là một phần phải có của nghi thức để trẻ vị thành niên chuyển thành người lớn. Dù không ai đúc kết, thiên hướng giao hòa tâm linh và chính trị ấy là một lời nhắc nhở tôn trọng nhu cầu tự nhiên của con người, tôn trọng sự khác biệt nhất định nảy sinh trong chung sống lành mạnh và bền vững, vốn là điều kiện tiên quyết của tồn tại xã hội. Ở La Mã, đồng tính không được hoàn toàn thoải mái, song vẫn là một bộ phận nội tại không thể thiếu của một đời người. Người tự do có bổn phận tỏ rõ sự năng động của mình trong cuộc sống thường nhật. Muốn vậy, họ phải giữ vững tình dục đồng tính với nô lệ của mình. Tình yêu cùng giới nói riêng và tình dục cùng giới nói chung được ngầm thừa nhận như một thỏa thuận xã hội, nhằm giảm thiểu sự căng thẳng của quan hệ chủ nô và nô lệ. Ngoại trừ vài biệt lệ, như nghi thức tôn giáo Hy Lạp cổ đại vinh danh đồng tính để xác nhận trẻ vị thành niên đã trưởng thành, các tôn giáo đều không công nhận bản chất tự nhiên của tình yêu cùng giới. Đạo Phật còn coi là tu đắc đạo việc người tu hành tự nguyện diệt dục, tức không còn nghĩ tới hành vi tính dục. Phụ họa với tôn giáo, chính quyền các nơi các thời đều lăng mạ ĐTLA theo nhiều kiểu. Đỉnh cao của tệ nạn ngược đãi tình yêu ấy là thời gian diễn ra cuộc chiến tranh thế giới lần thứ hai. Đức quốc xã đã bắt vào trại tập trung nhiều ngàn người đồng tính và tiêu diệt họ. Số nạn nhân bị bức tử lên tới cả triệu người. Họ bị xem là một loại người nhơ bẩn và phải bị xóa sổ cho nhân loại sạch sẽ. Tại Pháp, chính phủ Vichy xử phạt người đồng tính từ 6 tháng tới 3 năm tù. Đáng chú ý, tội ác vừa nêu không bào chữa đáng kể cho tính hợp hiến của ĐTLA. Định kiến đối với nó tồn tại dai dẳng đến khó hiểu. Mãi năm 1960, luật pháp một số quốc gia vẫn ghi tình yêu cùng giới là một gánh nặng xã hội, cùng với mại dâm và nghiện rượu. Năm 1968, Tổ chức y tế thế giới vẫn liệt nó vào bệnh tâm thần.

Cuộc đấu tranh cho ĐTLA đạt kết quả đáng ghi nhận nhất là năm 1992, cộng đồng nhân loại chính thức chấm dứt coi nó là một căn bệnh. Trước đó, năm 1982, nó được Liên hợp quốc giải thoát khỏi cái ách phạm pháp. 66 nước đã ký vào công ước quốc tế về việc này. Sau vài thập kỷ khắt khe quá mức với tình yêu cùng giới, từ đó, Cuba là quốc gia khoan dung nhất với nó. Tuy vậy, hiện nay, pháp luật ở khoảng 100 nước vẫn không bảo vệ kiểu tình yêu này. Ở 27 nước, người bị phát hiện đồng tính vẫn bị bỏ tù. Cá biệt, 6 nước vẫn tử hình họ. Một trong những nước này, Arập Xêut hẳn vẫn khiến không ít người sửng sốt… Đan Mạch đi tiên phong trong công cuộc giải phóng kiểu tình yêu bao thế kỷ làm bận tâm và trăn trở những người có lương tri và lẽ phải. Từ ngày 1-10-1989, luật về đối tác tình dục đồng tính có hiệu lực ở đây. Từ 1997, nghi lễ tôn giáo hợp thức hóa các cặp đôi đồng tính được pháp luật Đan Mạch chấp thuận. Cộng hòa Pháp từ cuối 1999, Nghị viện châu Âu, qua ba lần, vào các năm 2001, 2002, 2003, thừa nhận một số quyền cơ bản của các cặp đôi này. Hôn nhân đích thực từ bao đời nay là một vấn đề trọng đại. Sự tiến hóa đáng phấn khởi của quan niệm về nó tạo thuận lợi cho hôn nhân đồng tính có được chỗ đứng hợp pháp hiện thời. Hôm nay, hôn nhân tỏ ra là môi trường thuận lợi nhất cho sự thăng hoa của sức mạnh và vẻ đẹp cá nhân, của tình yêu đôi lứa đích thực, của khoái cảm thể xác và hạnh phúc toàn diện mỹ mãn. Nó không đơn thuần chỉ nhằm duy trì nòi giống. Vì vậy, mọi đứa trẻ ra đời đều bình đẳng trước pháp luật: trong hay ngoài giá thú, con nuôi hay do ngoại tình. Hôn nhân đồng tính được thừa nhận trước tiên ở Hà Lan, năm 2001, tiếp theo là Vương quốc Bỉ, 2003, Canada, 2004, Tây Ban Nha, 2005, Nam Phi, 2006. Đến giờ, mới 11 quốc gia làm được chuyện đang đề cập. Ở những quốc gia được hiểu là văn minh hàng đầu, Pháp, Anh, Đức – chưa; Hoa Kỳ, một số bang thôi. Trong bối cảnh đó, chuyện tình cùng giới của nữ thủ tướng Ai len Johanna Sigurdardottir, sinh năm 1948 trong một gia đình có thiên hướng làm chính trị, là một kỳ tích giục giã và một dự báo nức lòng.

Tốt nghiệp đại học thương mại năm 1960, bà vào ngành Hàng không năm 1962, với tư cách một tiếp viên cực kỳ xinh đẹp. Bà tích cực hoạt động công đoàn, và uy tín ngày một vang dội. Gia nhập đảng xã hội dân chủ, bà được bầu nghị sĩ năm 1978 và liên tục được bầu lại. Từ năm 1987, bà được cử làm bộ trưởng các vấn đề xã hội, rồi được tái cử bốn lần nữa, cho tới năm 2009, khi bà được bầu là thủ tướng Ai len. Bà đảm nhiệm thành công chức vụ này từ đầu 2009, đến 23-3-2013 thì rút lui khỏi chính trường. Bà kết hôn với một tôn ông năm 1970, có hai con trai, 1972 và 1977. Năm 1987, bà và chồng chia tay vĩnh viễn. Từ năm 2002, bà chung sống với bạn tình cùng giới, nhà văn kiêm nhà báo Jonina Leosdottir, kém bà 12 tuổi. Bà tích cực đấu tranh cho quyền được lập gia đình của người đồng tính. Ngày 11-6-2010, luật thừa nhận hôn nhân đồng tính được quốc hội Ai len thông qua. Ngày Luật có hiệu lực, 27-6 năm đó, bà cử hành lễ thành hôn với J.Leosdottir, cùng với nhiều cặp đồng tính nữa. Bà đi vào lịch sử như nguyên thủ quốc gia đầu tiên công khai tình yêu cùng giới, như hình ảnh toàn bích của một con người làm tròn các thiên chức và nghĩa vụ của mình. Bà được chủ tịch đảng của bà phong là Nữ thánh Johanna, vì những thành quả tốt đẹp của cuộc đấu tranh chống bất bình đẳng giàu nghèo và nam nữ. Bà đặc biệt được dân chúng ngưỡng mộ và tri ân vì cương quyết bảo vệ người nghèo. Bây giờ, bà vẫn chu đáo với các con như một người mẹ mẫu mực…

Đồng tính luyến ái trong điêu khắc và hội họa

Đồng tính nữ hơi hiếm gặp trong điêu khắc và hội họa. Thảng hoặc có gặp, ta cũng thấy nó không phong phú, đa dạng và không bạo liệt như đồng tính nam. Thời cổ đại, đồng tính nữ hầu chưa xuất hiện trong nghệ thuật nói chung và nghệ thuật tạo hình nói riêng. Đồng tính nam thì ngược lại, đã hiện diện ngay từ bấy giờ. Thời ấy, hay sớm hơn nữa, đồng tính này được ghi lại tương đối ít ỏi và giản dị, chủ yếu trong tranh vẽ và hội họa. Những hình vẽ trên các đồ đất nung dù vậy vẫn có giá trị lớn lao cho việc tìm hiểu các thời đại đã quá xa chúng ta hiện nay. Giá trị lịch sử của chúng là không thể phủ nhận.

Có thể dẫn vài ví dụ. Bảo tàng mỹ thuật Boston, Hoa Kỳ, vẫn trưng bày những bình cổ Hy Lạp. Một bình có niên đại 4.900 năm trước CN, vẽ hình thần Zephir (Gió Tây) đang hoạt động tính giao với chàng trai Hyacinth người phàm mà thần bắt cóc được. Hoạt động tính giao ở ấy rất đơn giản. Đó chỉ là việc thần ôm quặp lấy chàng trai sấp mặt vào mình và chà đùi mình vào đùi người trẻ tuổi. Ở phòng trưng bày Paestum, Italia, khách tham quan chú ý nhiều tới bức tranh tường Hy Lạp, ra đời khoảng 475 năm trước CN, đào được trong mộ một người thợ lặn, một nhân vật thời đại quan trọng, ngôi mộ được phát hiện gần nơi triển lãm. Bức tranh thể hiện các thợ lặn đang nghỉ ngơi sau giờ lao động. Họ thi nhau hất mạnh rượu trong cốc của mình, sao cho rượu rơi trúng một bình bằng đồng, bình vừa kêu lên vừa rung rinh là đạt yêu cầu. Hiển nhiên, không phải ai cũng làm được thế. Người thắng cuộc sẽ được chọn trong số trai trẻ hầu bàn một người y thích nhất, để tha hồ xoa nắn vui vẻ trước mắt tất cả. Tại một phòng trưng bày ở Munich, CHLB Đức, chuyện “lạm dụng tình dục trẻ em”, theo cách nghĩ hiện đại, được kể lại khá ấn tượng. Trên một mặt của một chiếc bình hai quai cổ Hy La, ta thấy một người lớn tuổi hơn đang sờ cằm và dương vật của kẻ trẻ hơn mình. Dấu hiệu cao tuổi là bộ râu rậm, dấu hiệu trẻ tuổi là cằm còn nhẵn thín. Hành động đồng tính không phải bao giờ cũng trắng trợn như vậy. Không hiếm họa sĩ hay nhà điêu khắc lưu lại cho hậu thế quan niệm tinh tế của dân gian về loại hoạt động vốn không dễ dàng tiến hành giữa thanh thiên bạch nhật. Để chỉ hoạt động đó, người ta dùng những biểu tượng, thường là con vật. Những biểu tượng ấy thay đổi đa dạng theo thời gian và khu vực địa lý. Bảo tàng nổi tiếng nhất toàn cầu, Le Louvre, ở thủ đô Paris của CH Pháp, đang lưu giữ một báu vật như thế, may mắn vượt được bao thăng trầm “thế gian biến cải vũng nên đồi”. Ấy là một chiếc huy chương Thế vận hội Athenes, làm bằng đất nung màu đỏ, khoảng 480 năm trước CN, in hình một người đàn ông đang vui đùa với một con thỏ rừng. Chú thỏ này được hiểu là quà tặng của người yêu đồng tính gửi cho người đàn ông đạt thành tích cao trong Thế vận hội. Trường hợp khác, quà tặng có thể là một chú gà trống… Nhiều nghệ sĩ tạo hình vẽ tranh minh họa cho thần thoại về những mối tình đồng tính giữa các thần Hy – La cổ đại và người trần mắt thịt.

Sự giằng xé giữa phủ nhận hay công nhận ĐTLA dù sao cũng đã được phản ánh trong nghệ thuật từ thời xa thẳm. Đấy chẳng hạn trong tranh của nhà điêu khắc kiêm họa sĩ Đức bậc thày Albrecht Durer (1471-1528). Ví như bức Cái chết của Orphée, vẽ năm 1494, hiện trưng bày ở Kunsthall, TP Hamburg, đất nước quê hương của tác giả. Thần âm nhạc cổ đại Hy La Orphée là vị thần kỳ bí nhất, có sức mạnh sáng tạo và biểu diễn siêu phàm, khiến các vật vô tri cũng rung động. Cuộc sống yêu đương của thần vô cùng phức tạp. Có vợ và xiết đỗi chung tình, thần vẫn không cưỡng được đồng tính luyến ái. Về sau, vợ thần mất tích, thần cất công tìm kiếm mãi, nhưng vẫn vô vọng. Thần bèn quyết sống độc thân. Bao phụ nữ quyến rũ thần đều thất bại. Họ bèn đánh hội đồng thần cho kỳ chết và xé xác thần. Tác phẩm này của Duer kể chuyện thánh thần, nhưng theo xu hướng tả thực nghiêm ngặt, nên giống như một cảnh tượng của đời sống thường nhật. Xin lưu ý, từ thời Phục hưng, ĐTLA được miêu tả chủ yếu theo xu hướng này. Những khoảnh khắc đời thường đi vào hội họa thật hấp dẫn. Dĩ nhiên đồng tính nữ vẫn hiếm hoi. Ví như bức Hai bạn gái, 1866, của họa sĩ Pháp lừng danh Gustave Courbet (1819-1877), hiện trưng bày ở Cung Paris nhỏ, thể hiện hai cô gái khỏa thân đang ôm nhau ngủ. Một họa sĩ Pháp khác, Frédéric Bazille (1841-1870) để lại nhiều họa phẩm, trong đó có Người săn diều hâu, 1868, vẽ những người đàn ông trần truồng tay cầm lưới hay đang ngồi nghỉ. Bức Tắm chung, 1885, của Thomas Eakins – nhiều đấng mày râu không mảnh vải che thân, đang nằm toài, chuồi xuống nước hay đang dưới nước… Dù muốn dù không, những tác phẩm hội họa tương tự ca ngợi thật chí lý vẻ đẹp của cơ thể con người. Chuyện tính giao chỉ được ám chỉ. Điều này không hẳn là hạn chế của hội họa trong đề tài đồng tính, mà là sự tinh tế không thể coi nhẹ trong nghệ thuật nói chung và trong nghệ thuật tạo hình nói riêng. Tác phẩm đồng tính của Leonard de Vinci gần như không hiểu nổi, nếu không có chỉ dẫn của các nhà nghiên cứu. Có lẽ vì tất cả những chuyện vừa nêu, nghệ sĩ tạo hình số một toàn cầu Michel Ange (1475-1564), người Italia, phải cậy nhờ đến thơ ca, chứ không phải điêu khắc và hội họa, để diễn tả tình yêu cùng giới của mình, tiếng thơ phong phú và thiết tha kỳ lạ, chỉ đứng sau Petrarque (1304-1374) và Dante (1265-1321) bất tử…

Đồng tính luyến ái trong văn chương

Kho tàng thần thoại khổng lồ của nhân loại chứa đựng nhiều chuyện ly kỳ mà thú vị về tình yêu cùng giới. Chúng bảo lưu cho muôn đời sau những cảm nhận đương thời về nhân sinh và vũ trụ, cảm nhận khiến các thế hệ hôm nay không khỏi giật mình. Một trong những thần thoại cổ nhất của Ai cập kể chuyện thần Atoum, thủy tổ của tất cả các thần trong quan niệm của người Ai Cập. Atoum mang tính chất của cả hai giống, sinh sản bằng thủ dâm và tinh dịch của mình. Sau đó, thần khạc ra cặp thần đầu tiên, một nam, một nữ, của thế giới chúng ta. Trong thần thoại Seth và Horus, chú Seth và cháu Horus đều mong được kế vị ngai vàng. Chú lừa cưỡng dâm cháu. Song cháu lấy tay hứng được tinh dịch. Rồi nghe mẹ mách bảo, cháu trộn tinh dịch vào món ăn cho chú xơi. Thế là cháu thắng cuộc! Một đặc sản lạ của văn chương đồng tính cổ Ai cập là Sách cho những người khuất núi, minh họa cho chân lý nêu trên, rằng đồng tính không phải là chuyện nhục dục, mà là chuyện ai là kẻ thống trị. Những tập sách ấy, thường bỏ vào quan tài hay treo trên tường mộ, ghi nhiều câu thần chú hay cầu nguyện, trong đó không thiếu những câu nhằm giúp người chết luôn luôn chiến thắng trong các cuộc mây mưa với người cùng giới. Những chiến thắng đó là những bậc thang để người đã tạ thế leo tới chỗ bất tử.

Trước CN chừng 2.300 năm, ở vùng Trung Á, xuất hiện thiên Anh hùng ca Gilgamestre, một sáng tác dân gian ngụ nhiều thông điệp quan trọng ngàn đời. Gilgamestre là một vị bán thần bán người, dần dà trở thành bạo chúa của dân tộc Urus. Vì thế, ông bị các thần phản đối và chống lại. Các thần dùng đất sét tạo ra một người thường – tên Enkidu lông lá bù xù, sống trên sa mạc giữa muôn loài động vật. Gilgamestre cử một nữ thị thần tới sa mạc nhằm quyến rũ Enkidu và Enkidu đã bị khuất phục. Thấy Enkidu bộc lộ chất người, động vật bỏ rơi y. Tuy nhiên, Enkidu không dễ để bị bắt, và Gilgamestre buộc phải lao vào cuộc quyết đấu giằng dai tưởng như vĩnh viễn. Song do cảm phục nhau, một bên thì nuôi tham vọng thống lĩnh toàn vũ trụ sau những cuộc chiến tranh giữa các vì sao, một bên thì nhất quyết đánh đổ chuyên chế bạo tàn, hai bên giảng hòa. Bạo chúa và dân thường không những kết thân mà còn yêu nhau say đắm. Các thần không chấp nhận sự trở cờ của Enkidu, tìm cách cho y mắc trọng bệnh. Y qua đời trong vòng ôm của Gilgamestre. Cựu bạo chúa không chôn cất y, muốn giữ y mãi bên mình. Song không sao tìm thấy loài cỏ khiến người ta trẻ mãi không già, ông vô cùng đau khổ. Trước khi từ giã trần gian, ông cho khắc tên mình bên cạnh tên Enkidu trên đá hoa cương, để nhắc nhở muôn đời sau về một chuyện tình cùng giới bi thảm.

Điều kỳ diệu, văn học cổ Hy Lạp, cũng như triết học của thế giới ấy, khởi thủy từ thần thoại, mà thần thoại nào cũng ít nhiều dính dáng đến ĐTLA, cũng liên quan tới cộng đồng LGBT. Tình yêu này lại là giữa các thần và người trần. Nhân vật trung tâm của các mối tình ấy không phải các vị đi mây về gió mà là những người bằng xương bằng thịt sinh sống trên mặt đất. Những vị có thể thần thông biến hóa mọi thứ, lạ thay, lại rất cần và lệ thuộc vào những thảo dân chẳng có phép màu nào cả.

(còn nữa)

Nguồn : Tạp chí VHNT số 352, tháng 10-2013

Tác giả : Triệu Thanh Đàm

Đánh giá post

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *