Việt Nam là đất nước của hoa thơm trái ngọt. Hoa nở bốn mùa, mỗi mùa có những loại hoa riêng. Việt Nam có những vùng hoa nổi tiếng như làng hoa Ngọc Hà, Hà Nội và hoa Đà Lạt. Mỗi loài hoa có vẻ đẹp riêng. Mỗi nước có một số loại hoa đặc chủng, tạo nên vẻ riêng trong thú chơi hoa và thưởng thức hoa của nước đó. Người Việt cũng có những loài hoa đặc chủng như hoa sen, hoa đào, hoa mai, hoa nhài, hoa hồng, hoa mẫu đơn, hoa cúc, hoa đồng tiền, hoa đại… Nói đến hoa là nói đến cái đẹp, hoa biểu trưng cho vẻ đẹp của con người, đặc biệt là người phụ nữ. Từ cuộc sống, hoa đi vào văn học với những biểu trưng thẩm mỹ, tín ngưỡng và triết lý nhân sinh. Những biểu trưng của hoa được khơi nguồn từ văn học dân gian.
Về hình tượng hoa nói chung, trong tục ngữ Việt, hoa biểu trưng cho giá trị nhân văn của con người: Người ta là hoa đất. Người ta biểu trưng cho phẩm chất con người nói chung và hoa đất biểu trưng cho phẩm chất hoa nói chung. Nói đến hoa là nói đến vẻ đẹp toàn mỹ nên thành ngữ lấy hình tượng hoa để biểu trưng cho vẻ đẹp của con người: đẹp như hoa, mặt hoa da phấn. Câu tục ngữ có cấu trúc so sánh khẳng định người ta với hoa đất, nghĩa hàm ngôn biểu thị con người đẹp như hoa. Cấu trúc này có thể hiểu ở hai phương diện: người ta là hoa của đất và người ta là hoa cho đất. Với cấu trúc người ta là hoa của đất thì con người là sản phẩm sinh ra từ đất, là đối tượng của thế giới thiên sinh, là một sinh vật phát triển cao nhất, đẹp nhất, toàn mỹ nhất, là bông hoa của trái đất, của cuộc sống trần gian. Chính vì ý này nên tục ngữ có câu: người như hoa ở đâu thơm đó. Với cấu trúc người ta là hoa cho đất thì con người là chủ thể của trái đất có vai trò sáng tạo, cải tạo làm cho trái đất này đầy hoa thơm quả ngọt. Con người vừa là đối tượng vừa là chủ thể của đất. Như vậy, ví người ta với hoa đất, câu tục ngữ đã nêu bật được giá trị nhân bản và giá trị nhân văn của con người.
Hoa trở thành biểu trưng tín ngưỡng dân gian. Dân gian quan niệm con người được thiên sinh từ một loài vật nào đó, có thể là thực vật hoặc động vật. Hoa là một sản phẩm cao quý, thanh tao của thực vật nên được giáng sinh thành người. Hoa có đặc tính sinh sản, từ hoa kết thành trái nên người Tày có tín ngưỡng hoa. Theo quan niệm này, nữ thần trông coi việc sinh sản được gọi là mẻ bjoóc (mẹ hoa). Mẹ hoa ở trên trời mới là mẹ đẻ còn mẹ ở trần gian chỉ là người thừa lệnh mẹ hoa sinh ra con. Tín ngưỡng hoa thể hiện khá rõ trong truyền thuyết người Kinh. Hoa biểu trưng cho sự giáng sinh và hóa thân cao quý của các nhân vật lịch sử lẫm liệt, quyền quý, anh hùng. Thời kỳ đầu, hai loài hoa biểu trưng cho sự cao quý là hoa mẫu đơn, hoa hồng. Truyền thuyết thời kỳ Bắc thuộc, hoa mẫu đơn, hoa hồng thường xuất hiện trong việc giáng sinh các nhân vật nữ tướng. Truyện Sự tích hai bà Trưng kể: “Hai Bà được sinh ra sau khi bà Trần nằm mơ thấy một đóa mẫu đơn trong cung trăng nở ra hai bông”(1). Truyền thuyết Sự tích hai anh em Uyên Mặc Đại vương và Quang Dung công chúa thời hai Bà Trưng kể: “Bà Chu chiêm bao ngắt được một bông hồng tươi đẹp, sau sinh ra một cô gái”(2). Truyền thuyết thời kỳ sau, ngoài hai loại hoa trên xuất hiện thêm hoa sen. Truyện Cha dỗ đó, mẹ lá chùa kể: “…Bà Đặng thị mộng thấy đức Phật Quan Âm bồ tát hiện lên nói – vợ chồng con hiền lành nhân đức, ta ban cho đóa sen thiên tử, vợ chồng con sẽ được toại nguyện. Bà Đặng thị còn nằm mơ thấy đóa sen kết trong bụng mình thành hạt. Rồi bà có thai sinh một người con trai”(3). Truyện Ba đóa hoa hồng kể: Một đêm bà nằm mộng thấy mình đang từ gò Kỳ Đà được tiên nữ dắt tay bay lên trời, ở đó có vườn hoa đẹp, bà ngắt lấy ba đóa hoa hồng. Từ hôm ấy bà có mang sinh ra ba cậu bé kháu khỉnh, sau trở thành các vị tướng tài (4). Truyện Sự tích bà Quý Minh thời Trần kể: Lý Huệ nương không lấy chồng, tu chùa Tiêu Sơn, Bắc Ninh. Có một đêm, bà chợt thấy một người con gái tay cầm đóa hoa sen nói nàng là tiên trên trời giáng xuống, bà thụ thai sinh ra người con gái đặt tên là Quý Minh, sau trở thành nữ tướng (5). Truyện Ả Đào nương dùng mưu đánh giặc kể: Nàng là con gái của Đào Cảnh và bà Minh, tương truyền một hôm bà nằm mộng đi vào đền thờ Hai Bà Trưng. Hai bà cho chiếc gương ngọc có hình tiên nữ tay cầm đóa hoa mẫu đơn, bà liền đỡ lấy sau thụ thai sinh ra cô gái đẹp sáng như gương, dung mạo chẳng khác tiên nữ”(6).
Hình tượng hoa trong ca dao khá phổ biến. Khảo sát cuốn Kho tàng ca dao người Việt (7), chúng tôi thấy hơn 50 lời ca nói về hoa hoặc lấy hoa làm hình ảnh so sánh, đặc biệt lời tr.174 có 64 dòng đề cập đến 57 loài hoa. Hầu như tất cả các loài hoa điển hình đều được đề cập, từ hoa đồng nội đến hoa rừng núi, từ hoa dại đến hoa trồng, từ hoa cảnh đến hoa trái, từ hoa thật đến hoa tạo dáng như hoa đèn…
Về phẩm chất của hoa, tác giả dân gian chú ý đến màu sắc, hương thơm. Phần lớn, các bài ca bắt đầu bằng cụm từ hoa thơm đều hàm ẩn phẩm chất, ngụ ý với người khôn:
Hoa thơm ai chẳng nâng niu
Người khôn ai chẳng kính yêu mọi bề
Hoa thơm ai nỡ bỏ rơi
Người khôn ai nỡ nặng lời với ai
Hoa biểu trưng cho tình yêu và hôn nhân. Hoa đổi màu tượng trưng cho sự thay đổi ngang trái trong tình yêu:
Hoa cúc vàng nở ra hoa cúc trắng
Em có chồng rồi trả yếm cho anh
Hoa cúc vàng nở ra hoa cúc xanh
Yếm em em mặc, yếm gì anh anh đòi
Hoa nhài là loài hoa có vẻ đẹp và hương thơm dịu dàng được ví với những mối tình bền chặt, những cuộc hôn nhân hạnh phúc:
Đôi ta lấm tấm hoa nhài
Chồng đây vợ đấy kém ai trên đời
Người con gái là phái đẹp nên hoa thường là hình ảnh biểu trưng cho những nét đẹp của họ:
Miệng cười như thể hoa ngâu
Cái khăn đội đầu như thể hoa sen
Miệng em cười như cánh hoa nhài
Như nụ hoa quế, như tai hoa hồng
Mỗi loài hoa đi vào bài ca đều có vẻ đẹp riêng như một thực thể sống. Bên cạnh sự giới thiệu, gọi tên là sự đánh giá của tác giả dân gian về giá trị của từng loài hoa. Trong tất cả các loài hoa, tác giả dân gian đánh giá cao hoa sen. Hoa sen trong ca dao trở thành biểu tượng về triết lý nhân sinh của người Việt. Điển hình nhất là bài ca dao:
Trong đầm gì đẹp bằng sen
Lá xanh bông trắng lại chen nhị vàng
Nhị vàng bông trắng lá xanh
Gần bùn mà chẳng hôi tanh mùi bùn
Bài ca đã mô tả vẻ đẹp hoàn mỹ của sen từ ngoài vào trong, từ trong ra ngoài, từ lá đến hoa, từ cánh hoa đến nhị hoa, từ vẻ đẹp bên ngoài, vẻ đẹp hình thức đến vẻ đẹp bên trong, vẻ đẹp phẩm chất. Tuy sống trong bùn nhưng sen không những không bị mùi bùn làm hoen ố mà vẫn giữ được mùi hương thanh tao át đi mùi bùn. Trung tâm hình tượng hoa là nhị, tạo điểm nhấn về hương sắc của hoa. Bài ca không hề có từ ngữ nào nói về hương hoa nhưng vẫn toát lên hương thơm đặc biệt của hoa sen. Sen có thơm bền đến mức nào mới có thể lấn át mùi hôi tanh của bùn. Hoa sen thường có hai màu chủ đạo là hoa sen hồng và sen trắng. Tại sao tác giả dân gian lại chú trọng miêu tả màu trắng mà không miêu tả màu hồng của cánh hoa. Mục đích của tác giả muốn đối lập giữa màu trắng của hoa và màu đen của bùn đất để làm toát lên vẻ đẹp trong trắng của hoa sen. Trong bùn đất mà màu trắng của sen vẫn không bị nhuốm màu bùn, vẫn trắng trong, thanh tao. Rõ ràng, sống trong môi trường bùn đen mà hoa sen vẫn không bị nhuốm màu bùn, không bị hôi tanh mùi bùn. Bài ca biểu trưng vẻ đẹp, sức sống mãnh liệt, bản lĩnh kiên cường của người lao động Việt Nam, của dân tộc Việt Nam không bị lây nhiễm và đồng hóa trong môi trường xấu. Màu trắng tinh khôi của sen chính vì thế được nhân dân ưa chuộng. Người dân Huế, đất kinh kỳ, tự hào về loại sen trắng:
Hồ Tịnh Tâm giàu sen bạch diệp
Đất Hương Cần ngọt quít, thơm cam
Hoa sen biểu trưng cho bản lĩnh kiên cường, sức sống mãnh liệt. Hoa sen cứ trơ gan trước sự thách thức của tạo hóa, cuộc đời. Một cái đẹp bền lâu, một sức sống mãnh liệt bất chấp sự khắc nghiệt của thiên nhiên:
Hoa sen hoa khéo giữ màu
Nắng hồng không nhạt, mưa dầu không phai
Tác giả dân gian khẳng định vẻ đẹp nổi trội, đứng đầu các loài hoa của sen. Hoa sen là hoa đẹp nhất, Hồ Chí Minh là người Việt Nam ưu tú nhất, đẹp nhất:
Tháp Mười đẹp nhất bông sen
Việt Nam đẹp nhất có tên Bác Hồ
Hoa sen được ví với Hồ Chí Minh, nghĩa là hoa sen là loài hoa cao quý và không chỉ là hình tượng mà đã là thần tượng.
Hoa sen tuy cao sang nhưng bình dị, là hoa của đồng nội ao hồ Việt Nam, mọc hầu hết các địa phương trong cả nước. Hoa sen trở thành loài hoa thiêng, thường trực trong đời sống tinh thần và tâm linh của người Việt. Vừa qua, hoa sen là hoa được người Việt chọn quốc hoa với tỉ lệ cao nhất. Tuy nhiên, các nước như Ấn Độ, Sri Lanka đã chọn hoa sen làm quốc hoa. Vậy, nên chăng, Việt Nam cũng chọn hoa sen nhưng không phải sen hồng mà sen trắng biểu trưng cho sự tinh khiết, thanh tao phù hợp hơn với bản sắc tâm hồn người Việt và để tạo sự khác biệt với các nước cũng chọn sen làm quốc hoa.
Như vậy, hoa trong văn học dân gian trở thành hình ảnh biểu trưng cho vẻ đẹp nhân văn của con người. Mỗi loài hoa có những giá trị biểu trưng khác nhau và hoa sen là loài hoa trở thành biểu tượng cho khí phách con người Việt Nam. Hoa đi từ tâm thức tín ngưỡng thiên sinh về con người đến vẻ đẹp nhân sinh. Hoa trong tâm thức dân gian biểu trưng cho vẻ đẹp cao sang quyền quý của nhân vật anh hùng đến vẻ đẹp bản thể và vẻ đẹp tâm hồn của con người đời thường. Hoa trở thành đấng tối thượng, mẹ hoa, người mẹ sinh sôi đến nhân vật thần tượng. Hoa biểu tượng cho nhiều giá trị thẩm mỹ để rồi kết tinh thành biểu tượng khí phách của dân tộc Việt Nam.
_______________
1, 2, 3, 4, 5, 6. Tổng tập văn học dân gian người Việt, tập 4, Nxb Khoa học Xã hội, Hà Nội, 2004.
7. Nguyễn Xuân Kính (chủ biên), Kho tàng ca dao người Việt, 4 tập, Nxb Văn hóa Thông tin, Hà Nội, 1995.
Nguồn : Tạp chí VHNT số 328, tháng 10-2011
Tác giả : Lê Đức Luận
Bài viết cùng chủ đề:
Năng lực phản biện khoa học của giảng viên trong nhà trường quân đội
Thế giới quan và phương pháp luận của giảng viên trẻ trong các trường quân đội
Sự chuyển đổi sinh kế của người dân nà lầu, lạng sơn