Cho và nhận


 

Với chủ đề Trải nghiệm của tôi – Tuổi trẻ của tôi, Liên hoan Búp sen vàng 2013 mang đậm tính đột phá, đem lại cho khán giả nhiều bất ngờ thú vị, với những câu chuyện cảm động, nhưng không kém phần hấp dẫn về quá trình trưởng thành của các học viên trong suốt thời gian làm phim tại Trung tâm hỗ trợ phát triển tài năng điện ảnh (TPD). Liên hoan còn mang đến thông điệp mong muốn nâng cao tiếng nói của giới trẻ trong xã hội hiện nay.

Búp sen vàng là giải thưởng thường niên lớn nhất trong năm của dự án Chúng ta làm phim do trung tâm TPD – Hội Điện ảnh Việt Nam tổ chức, nhằm tụn vinh tỏc phẩm phim truyện và phim tài liệu ngắn cựng cỏc nhà làm phim trẻ xuất sắc trong năm. Tổ chức lần đầu tiên vào năm 2010, đến nay, giải thưởng Búp sen vàng đã trải qua hành trình gần 4 năm đồng hành cùng các nhà làm phim trẻ. Để tiếp nối những thành công của các kỳ liên hoan trước, Liên hoan Búp sen vàng 2013 được tổ chức với chủ đề Trải nghiệm của tôi – Tuổi trẻ của tôi.

Trong năm qua, dự án Chúng ta làm phim của trung tâm đã hỗ trợ cho các nhà làm phim trẻ thực hiện 38 bộ phim tài liệu ngắn và 10 phim truyện ngắn. Nếu như những năm trước, các phim có chất lượng đồng đều, thì năm nay các tác phẩm được đánh giá có sự tiến bộ, mang tính đột phá với nhiều góc nhìn mới mẻ, sắc sảo, cách kể chuyện duyên dáng và cá tính.

Sau quá trình tuyển chọn kỹ lưỡng, 12 bộ phim xuất sắc nhất cho các hạng mục tranh giải gồm 7 phim tài liệu ngắn và 5 phim truyện ngắn đã lọt vào danh sách đề cử. Vòng chấm thi thứ hai với những giám khảo như NSND Lê Khanh, Johnny Trí Nguyễn, Phan Huyền Thư, Phan Đăng Di, Julie Béziau, Hà Thục Vân, Tạ Bích Loan, chỉ còn 6 bộ phim và được trình chiếu trong đêm Liên hoan, gồm: 3 phim tài liệu Con đi trường học (Hà Lệ Diễm), Nguyên linh (Lê Thu Minh), Chúng tôi đã cưới (Nguyễn Hà Phương, Mai Thị Búp); 3 phim truyện ngắn Những ngày đẹp trời (Đỗ Phương Trang), Ngoài kia có gì (Nguyễn Diệp Thùy Anh), YRML (Trần Thanh Vân).

Những tác phẩm phim tài liệu, phim truyện ngắn đều mang đậm màu sắc hiện thực, phản ánh nhiều vấn đề nóng của đời sống xã hội. Điều này được thể hiện rõ trong bộ ba tác phẩm phim tài liệu được trình chiếu trong Liên hoan. Nguyên linh là câu chuyện về số phận của những bào thai bị vứt bỏ bởi sự thờ ơ, vô trách nhiệm và thiếu hiểu biết của một bộ phận giới trẻ. Con đi trường học đã khắc họa cuộc sống của người phụ nữ đang mắc phải căn bệnh thế kỷ, nhưng luôn cố gắng lao động để thắp sáng ước mơ tới trường cho con. Chúng tôi đã cưới kể về cuộc sống của người bị thiểu năng trí tuệ, đã vượt qua khó khăn để tìm thấy hạnh phúc của riêng mình. Đây đều là những đề tài quen thuộc, nhưng không phải bộ phim nào cũng thể hiện được sâu sắc như vậy. Có lẽ, với chức năng phản ánh hiện thực, phim tài liệu dễ tiếp cận và chạm đến được góc cạnh tâm hồn của người xem. Những bộ phim tài liệu ngắn của các bạn trẻ, tuy chưa đạt đến trình độ cao về kỹ thuật và cách thể hiện, nhưng chính sự mộc mạc mà họ đem đến cho bộ phim lại là sức hút, chất kết nối vững chắc giữa khán giả với tác phẩm.

Các phim truyện ngắn Những ngày đẹp trời, Ngoài kia có gì, YRML lại mang đến cho khán giả tiếng cười vui vẻ bởi sự trong trẻo, dễ thương. Những lát cắt, mối quan hệ trong cuộc sống đều được kể lại với nhiều cách thể hiện khác nhau. Cùng với đó là những góc quay độc đáo, câu chuyện hấp dẫn, lối diễn xuất tự nhiên của các diễn viên đã mang đến cho bộ phim một sức sống mãnh liệt, đưa cảm xúc của khán giả từ cung bậc này sang cung bậc khác.

Giây phút được mọi người mong chờ nhất của Liên hoan chính là phần công bố kết quả. Không nằm ngoài sự mong đợi của khán giả, bộ phim Nguyên linh giành giải phim tài liệu xuất sắc nhất được khán giả bình chọn. Chúng tôi đã cưới giành giải phim tài liệu xuất sắc nhất do ban giám khảo bình chọn. Điều làm nên bất ngờ cho Liên hoan phim chính là cú đúp giải thưởng Búp sen vàng cho phim truyện ngắn xuất sắc nhất do khán giả và ban giám khảo bình chọn thuộc về Ngoài kia có gì.

Nguyên linh gây ấn tượng mạnh mẽ về nạn nạo phá thai của giới trẻ. Ngay từ đầu tác giả đã dẫn người xem đi theo mạch chuyện buồn, với những cảm xúc lẫn lộn, len lỏi trong suy nghĩ của mỗi con người về số phận. Tác giả không tìm quay những nhân vật trong cuộc mà thể hiện câu chuyện từ những nấm mồ chôn cất thai nhi. Hình ảnh những dãy mộ nằm cạnh nhau và dường như ngày một dài ra tưởng chừng vô tận, đã thực sự là nỗi ám ảnh người xem về tình thương và tội ác với các sinh linh bé nhỏ từ lầm lỡ của người trẻ. Hình ảnh tạo ấn tượng mạnh cho bộ phim nằm ở đoạn kết, những đứa bé với đầy đủ hình hài hiện lên trên những bức hình, thật sự làm khán giả lạnh người. Khi lên nhận giải, cô gái với vẻ ngoài nhút nhát ấy đã chia sẻ những cảm xúc khi thực hiện xong bộ phim. Trước đây cô rất sợ ma, nhưng khi hoàn thành xong tác phẩm, thì nỗi ám ảnh trên không còn nữa, thay vào đó là sự tự tin thể hiện niềm đam mê được cống hiến cho xã hội.

Chúng tôi đã cưới lại thể hiện cái nhìn sâu sắc về những người không may mắn trong xã hội. Bối cảnh phim là nơi sinh sống của đôi vợ chồng bị thiểu năng trí tuệ tại Hải Phòng. Hình ảnh vợ chồng anh Hạnh, chị Thêm, hai người bị bệnh nhưng vẫn đến với nhau bằng tình yêu đẹp đã được khắc họa rất rõ nét. Bộ phim đi sâu tìm hiểu những khoảnh khắc cuộc sống thường ngày của anh chị, được bộc lộ hết sức chân thực, có cái gì đó chua cay nhưng lại có sức thuyết phục cao, bởi tác giả đã đánh động được lòng trắc ẩn trong mỗi con người. Với những hành động ngô nghê lúc trêu đùa, đánh nhau, giỗ nhau ăn cơm, hay khoảnh khắc anh Hạnh, chị Thêm vui đùa bên cháu bé con nhà hàng xóm… thật ấm áp tình người. Nhưng có lẽ, điều đọng lại trong cảm xúc của khán giả lại là dư vị ngọt ngào của tình yêu đẹp. Hình ảnh anh Hạnh hái những bông hoa dại để vào túi quần mang đến tặng chị Thêm thật là đẹp. Nó mộc mạc, không hào nhoáng nhưng lại tỏa sáng và rất đời.

Ngoài kia có gì là câu chuyện nhẹ nhàng, lôi cuốn bởi sự trong trẻo, hồn nhiên của trẻ thơ. Câu chuyện xoay quanh bối cảnh khu tập thể cũ ở Hà Nội, với nhân vật chính là cậu bé bị cha mẹ nhốt trong nhà cả ngày, không được ra ngoài chơi. Tác giả đã khéo léo xây dựng hình ảnh đối lập giữa thế giới bên trong và bên ngoài. Cậu bé Minh bị nhốt trong nhà cả ngày, thế giới của cậu là bốn bức tường, ngày nào cũng vậy, cậu không còn hứng thú gì tới thế giới đó nữa. Trong khi đó thế giới bên ngoài đầy điều mới lạ hấp dẫn, lôi cuốn, thôi thúc khao khát được ra ngoài của cậu bé Minh. Để thỏa thích đam mê khám phá thế giới bên ngoài, cậu bé Minh đã sử dụng chiếc ống nhòm của bố. Thế giới bên ngoài hiện ra trước ống kính, nhưng dường như nó vẫn bị giới hạn, bởi chỉ có thể nhìn, mà không thể làm được gì. Nhưng với trí tưởng tượng, cậu bé đã tự vẽ ra không gian mà mình thích, trong không gian ấy có hình ảnh của cô bạn nhỏ hàng xóm dễ thương. Câu chuyện tình ngây ngô, hồn nhiên của các em mang đến những điều thật sự ngọt ngào, chứa đựng nhiều thông điệp sâu sắc về khát khao tự do. Một trong những yếu tố góp phần làm nên thành công của bộ phim, chính là lối diễn xuất tự nhiên, có cá tính của của những diễn viên nhí không chuyên. Ngoài kia có gì thành công là vì đã hội tụ được nhiều yếu tố từ ý tưởng kịch bản, bố cục khuôn hình, ánh sáng, góc máy, âm thanh, phục trang, diễn viên… có khuynh hướng chuyên nghiệp chứ không dừng lại ở cấp độ các bài tập.

Ngoài việc vinh danh những đóng góp, lòng nhiệt huyết với nghề của các bạn trẻ, Liên hoan Búp sen vàng còn mang đến ý nghĩa cao đẹp hơn về bài học cho và nhận. Phát biểu tại Liên hoan phim Búp sen vàng, đạo diễn Bùi Thạc Chuyên cảm nhận về bài học lớn của trung tâm TPD: Cho và nhận là tài sản quý giá nhất mà trung tâm TPD mang đến cho các học viên của mình. Từ sự trải nghiệm của bản thân thấy rằng, khi cho ai một điều gì đó thì sự cho ấy sẽ không dừng lại, người nhận sẽ cảm thấy cần phải cho đi giống như mình nhận được và cứ thế lan ra như làn sóng. Cho và nhận sẽ rất khác mua và bán và những cái gì đang ngự trị trong xã hội ta hiện nay. Bài học về sự cho và nhận là bài học lớn nhất của thành viên trung tâm TPD đã học được. Khi bắt đầu bộ phim hay sự kiện các thành viên trung tâm TPD chỉ tự hỏi chúng ta đóng góp được gì mà không bao giờ tính toán là sẽ nhận được gì. Mục đích của họ làm phim không vì giải thưởng, mà đó là nơi họ thể hiện niềm đam mê, sự trải nghiệm…”. Đúng vậy, cái quan trọng hơn cả giải thưởng mà các học viên của trung tâm TPD nhận được, đó chính là hiểu được giá trị của việc cho và nhận. Khi biết cho và nhận, các bạn trẻ sẽ tạo ra được những tác phẩm hay hơn, bám sát sâu vào đời sống xã hội, góp phần vào việc phát triển nền phim truyện nước nhà.

Lay động, chạm đến tâm hồn của người xem là những gì mà Liên hoan phim Búp sen vàng 2013 đã mang đến. Những dư vị của cuộc đời được các bạn trẻ gửi gắm trong các bộ phim đã thực sự tỏa sáng với những ý nghĩa, thông điệp cao đẹp. Dù các bộ phim còn non về cách thể hiện, nhưng chính sự mộc mạc đó lại mang đến cảm nhận về hơi thở cuộc sống ẩn sâu trong hiện thực xã hội, và cũng là cách tìm được con đường đến với trái tim người xem. Búp sen vàng 2013 kết thúc tốt đẹp trên sân khấu, nhưng chặng đường của những nhà làm phim trẻ đầy đam mê mới chỉ bắt đầu. Khán giả vẫn chờ đợi để thấy họ tỏa sáng trong tương lai.

Nguồn : Tạp chí VHNT số 352, tháng 10-2013

Tác giả : Tuệ Sam

Đánh giá post

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *