Từ phạm trù chung – riêng đến việc phân biệt khái niệm trong văn hóa học


 

Trong nghiên cứu khoa học, việc phân biệt nội hàm và ngoại diên của một khái niệm là rất quan trọng. Nó giúp người nghiên cứu xác định rõ phạm vi đề tài mình nghiên cứu và tránh được những luận điểm, luận cứ sai lầm khi phân tích và chứng minh giả thuyết. Những năm gần đây, các nghiên cứu văn hóa học đang được xã hội quan tâm. Nhưng với một đối tượng quá đa dạng và phức tạp như văn hóa thì việc xác định rõ nội hàm nghiên cứu nhiều khi cũng gặp phải những khó khăn nhất định.

Không có gì ngạc nhiên, cho đến bây giờ vẫn chưa có sự đồng thuận cao về việc định nghĩa thế nào là văn hóa. Những con số thống kê cho thấy các định nghĩa cho khái niệm ngày mỗi ngày một gia tăng. Tuy nhiên, cũng phải nhận thấy rằng, các quan điểm khác nhau này lại không hề đối lập và mâu thuẫn, trái lại chúng luôn bổ sung, hỗ trợ cho nhau. Điều đó cho thấy, văn hóa quá phức tạp và rộng lớn. Mỗi người tiếp cận với nó đều từ một phương diện riêng biệt.

Hơn nữa trong hệ thống thuật ngữ của văn hóa học, có rất nhiều thuật ngữ chỉ các khái niệm gần gũi, nên đôi khi người nghiên cứu dùng chúng như những từ đồng nghĩa, hoặc không phân biệt được một cách rành mạch. Với việc giảng dạy văn hóa học thì đây là một khó khăn lớn.

1. Văn hóa, văn minh, văn hiến, văn vật

Trong nhiều giáo trình nghiên cứu về văn hóa và văn minh, các tác giả đều cố gắng đưa ra các đặc trưng để phân biệt các khái niệm: văn hóa, văn minh, văn hiến và văn vật.

Văn hóa, được coi là toàn bộ các giá trị vật chất và tinh thần do con người sáng tạo ra trong quá trình lịch sử. Nó là một dòng chảy liên tục từ quá khứ đến tương lai, từ sơ khai, hoang dã, đến khoa học, hiện đại.

Văn minh, được coi là một lát cắt đồng đại của dòng chảy văn hóa đó với những dấu hiệu đặc trưng nhất định. Các dấu hiệu này là: có sự hiện diện của nhà nước, có trình độ khoa học kỹ thuật phát triển, có chữ viết, và có đô thị.

Văn hiến, chỉ một nền văn hóa có truyền thống lâu đời thể hiện ở các giá trị tinh thần.

Văn vật, chỉ một nền văn hóa có truyền thống lâu đời thể hiện chủ yếu ở các giá trị vật chất.

Như vậy, giữa văn hóa với văn minh, văn hiến, văn vật là mối quan hệ của cái chung với những cái riêng. Mọi yếu tố thuộc văn minh, văn hiến, văn vật đều thuộc về văn hóa, nhưng không phải mọi yếu tố của về văn hóa đều thuộc về văn minh hay văn hiến, hay văn vật. Chẳng hạn những yếu tố văn hóa nguyên thủy, sơ khai không được coi là văn minh. Tương tự như vậy, các yếu tố văn hóa vật chất không thuộc về văn hiến, và các yếu tố văn hóa tinh thần không coi là văn vật. Như phân tích, phạm trù cái chung và cái riêng đã giúp ta phân biệt rõ ràng nội hàm của các khái niệm gần gũi này.

2. Tiếp xúc, trao đổi, thiên di, tiếp biến, thâm nhập giữa các nền văn minh, giao lưu văn hóa

Giao lưu văn hóa là một khái niệm được bàn đến khá nhiều trong các công trình nghiên cứu văn hóa học cuối TK XIX, đầu TK XX. Một số thuật ngữ được dịch từ nước ngoài như: cultural contacts (tiếp xúc văn hóa), cultural exchanges, cultural change (trao đổi văn hóa), transculturation (chuyển di văn hóa), interpénétration des civilisation (sự thâm nhập giữa các nền văn minh) đều được sử dụng ở nhiều nước và có những nội hàm ít nhiều khác nhau, nhưng chúng có nhiều nội dung trùng khít với nhau và với khái niệm giao lưu văn hóa ở Việt Nam.

Tiếp xúc văn hóa là thuật ngữ chỉ sự tiếp xúc trực tiếp của những chủ thể văn hóa giữa các nền văn hóa khác nhau. Tất nhiên khi tiếp xúc vì nhiều lý do, họ sẽ trao đổi các giá trị văn hóa với nhau và có thể một số giá trị của nền văn hóa này sẽ chuyển đến, lưu lại và được nhóm chủ thể văn hóa kia chấp nhận. Như vậy, trong tiếp xúc văn hóa có cả trao đổi các giá trị văn hóa, có cả chuyển di và sự thâm nhập văn hóa, nhưng nhấn mạnh đến khía cạnh tiếp xúc.

Trao đổi văn hóa là sự trao đổi các giá trị văn hóa của các nền văn hóa khác nhau qua nhiều cách thức như thương mại, hôn nhân, sống gần và đan xen với nhau, hay kể cả xâm lược lãnh thổ của chủ thể các nền văn hóa khác nhau. Trong quá trình này một số giá trị văn hóa được chủ thể nền văn hóa kia lưu lại, chấp nhận và sử dụng. Như vậy trao đổi văn hóa cũng bao gồm cả tiếp xúc, thâm nhập và thiên di văn hóa, nhưng nhận mạnh đến khía cạnh trao trổi các giá trị văn hóa.

Thiên di văn hóa là quá trình chuyển dịch các giá trị văn hóa của một nền văn hóa này sang một nền văn hóa khác, và được nền văn hóa đó chấp nhận (hoặc không chấp nhận) lưu lại sử dụng. Quá trình chuyển dịch này được thực hiện qua các hình thức tiếp xúc khác nhau của các nhóm chủ thể các nền văn hóa khác nhau như thương mại, hôn nhân, sống đan xen, xâm lược… Như vậy, trong thiên di văn hóa có cả sự tiếp xúc, trao đổi, thâm nhập và chuyển dịch các giá trị của các nền văn hóa khác nhau, nhưng nhấn mạnh đến khía cạnh chuyển dịch các giá trị văn hóa từ nền văn hóa này sang nền văn hóa khác.

Thâm nhập giữa các nền văn minh là quá trình chuyển dịch, đan xen các giá trị văn hóa của các nền văn hóa có trình độ kỹ thuật phát triển khác nhau (có văn minh khác nhau) nhờ các hình thức tiếp xúc, trao đổi khác nhau giữa các nhóm chủ thể đại diện cho các nền văn hóa, văn minh đó. Như vậy, trong thâm nhập giữa các nền văn minh vẫn có sự tiếp xúc, trao đổi và chuyển di các giá trị văn hóa, nhưng nhấn mạnh đến khía cạnh thâm nhập các giá trị văn hóa của các nền văn hóa có trình độ phát triển về kỹ thuật, công nghệ khác nhau.

Tiếp biến văn hóa, trong những nghiên cứu văn hóa học gần đây, một trong số thuật ngữ liên quan đến giao lưu văn hóa có nội hàm xác định hơn cả là acculturation. Thuật ngữ này được các nhà văn hóa học Việt Nam dịch ra với nhiều nghĩa khác nhau như văn hóa hóa, đan xen văn hóa, hỗn dung văn hóa, giao thoa văn hóa, tương tác văn hóa và tiếp biến văn hóa. Theo định nghĩa của R.Ridifield, R. Linton và M.Hercovits thì: “acculturation là hiện tượng xảy ra khi những nhóm người có văn hóa khác nhau tiếp xúc lâu dài và trực tiếp gây ra sự biến đổi mô thức (pattern) văn hóa ban đầu của một hay cả hai nhóm”. Như vậy, dịch thuật ngữ này là tiếp biến văn hóa sẽ rõ nghĩa hơn cả, bởi vì trong nội hàm của khái niệm có sự tiếp xúc của hai nhóm người có văn hóa khác nhau, và phải tạo ra được sự biến đổi mô thức văn hóa ban đầu của ít nhất một trong văn hóa thuộc hai nhóm đó.

Tóm lại, qua phân tích các thuật ngữ được dùng trong nghiên cứu văn hóa học hiện nay, thì thấy chúng có rất nhiều nội dung trùng khít lên nhau, và mỗi một thuật ngữ vẫn có một khía cạnh riêng được nhấn mạnh. Chúng tôi cho rằng, cần có một thuật ngữ chung nhất để chỉ cái nội hàm chung của tất cả các thuật ngữ này. Và thuật ngữ đó chính là giao lưu văn hóa. Giao lưu văn hóa, theo chúng tôi hiểu là sự tiếp xúc trực tiếp và lâu dài của các nhóm người có văn hóa khác nhau và dẫn đến biến đổi nhất định trong văn hóa của các nhóm người đó. Để tạo ra được sự biến đổi này nhất định phải có sự trao đổi, chuyển di, đan xen các giá trị văn hóa. Như vậy giao lưu văn hóa có nghĩa rộng hơn tiếp biến văn hóa. Nếu tiếp biến văn hóa đòi hỏi phải có sự biến đổi về mô thức văn hóa ban đầu, tức có sự biến chuyển về chất, thì giao lưu văn hóa nói chung còn bao gồm cả những biến chuyển về lượng.

Giao lưu văn hóa xảy ra ở nhiều cấp độ khác nhau. Có sự tiếp xúc, tiếp nhận các giá trị văn hóa mới mà không gây ra những biến đổi về mô thức văn hóa, nghĩa là không tạo ra sự thay đổi về chất, về quan niệm của nhóm người chủ thể về vũ trụ, xã hội và nhân sinh. Có sự giao lưu dẫn đến những biến đổi về chất những quan niệm thẩm mỹ hay mối quan hệ với vũ trụ, tự nhiên.

Trường hợp thứ hai của giao lưu văn hóa chính là tiếp biến văn hóa. Như vậy, có thể nói tiếp biến văn hóa là một dạng giao lưu văn hóa đặc biệt. Tuy nhiên, để phân biệt được rõ ràng trường hợp nào được coi là tiếp biến văn hóa, cũng không phải là việc đơn giản. Bởi vì về thực chất, khi chấp nhận một yếu tố văn hóa mới, dù là vật thể hay phi vật thể thì đều thể hiện những thay đổi ít nhiều trong quan niệm của chủ thể sáng tạo văn hóa. Đôi khi để chấp nhận những giá trị mới, chủ thể sáng tạo văn hóa phải trải qua cả một cuộc đấu tranh khá căng thẳng và phức tạp. Ví dụ, thanh niên có thể rất dễ dàng tiếp thu những ngày lễ mới như Valentin, Giáng sinh, hay hát hip-hop, nhạc rock, nhưng trung niên và người già không dễ dàng như vậy. Tuy nhiên, lứa thanh niên tiếp nhận các giá trị văn hóa mới sâu này họ cũng sẽ trở thành lứa trung niên và lão niên, khi đó các giá trị đã được chấp nhận từ khi còn là thanh niên, nó đương nhiên trở thành trong hành trang của họ. Khi chấp nhận các giá trị văn hóa này, chúng sẽ tác động lên các quan niệm thẩm mỹ, là các chất liệu nền để họ sáng tạo và thưởng thức các giá trị văn hóa mới.

Như vậy, giao lưu văn hóa và các thuật ngữ nêu trên cũng có mối quan hệ với nhau như quan hệ giữa cái chung và những cái riêng. Mọi nội hàm của tiếp xúc văn hóa, trao đổi văn hóa, thiên di văn hóa, thâm nhập giữa các nền văn minh, tiếp biến văn hóa đều thuộc về giao lưu văn hóa. Giao lưu văn hóa là khái niệm rộng nhất, chung nhất, bao hàm toàn bộ nội dung của các khái niệm khác. Mỗi khái niệm còn lại chỉ nhấn mạnh đến một khía cạnh của giao lưu văn hóa, mặc dù về thực chất khi phân tích đến tận cùng các vấn đề liên quan đến chúng, thì có nhiều điều trùng khít với nhau và trùng một phần lớn với giao lưu văn hóa. Cụ thể, tiếp xúc văn hóa chủ yếu nhấn mạnh đến quá trình các nhóm chủ thể văn hóa khác nhau tiếp xúc với nhau. Trao đổi văn hóa chủ yếu nhấn mạnh đến việc trao đổi các giá trị văn hóa của các nhóm chủ thể. Thiên di văn hóa, nhấn mạnh đến việc dịch chuyển các giá trị văn hóa từ vùng này, sang vùng khác, từ nhóm chủ thể này sang nhóm chủ thể khác. Tiếp biến văn hóa nhấn mạnh đến quá trình chọn lựa, sử dụng các giá trị văn hóa du nhập và biến đổi các giá trị văn hóa nội sinh về chất.

3. Văn hóa làng và làng văn hóa

Nhóm thuật ngữ thứ ba, rất đặc trưng cho văn hóa Việt Nam đó là văn hóa làng, làng văn hóa.

Làng, như nhiều nghiên cứu khẳng định, là một đơn vị xã hội quan trọng trong việc sáng tạo, lưu giữ và trao truyền văn hóa. Nhưng thế nào là văn hóa làng?

Trong các cuốn từ điển tiếng Việt xuất bản gần đây như Từ điển của Văn Tân, Từ điển tiếng Việt của Hoàng Phê, Đại từ điển tiếng Việt do Nguyễn Như Ý chủ biên và cả những từ điển thuật ngữ triết học, bách khoa thư bằng tiếng Anh, Nga đều không giải thích khái niệm này. Tuy nhiên, tất cả các cuốn từ điển mà chúng tôi điều kiện tham khảo thì đều giải thích hai từ làng văn hóa.

Khái niệm làng đã được các từ điển đề cập, riêng khái niệm văn hóa thì có rất nhiều công trình nghiên cứu quan tâm. Theo nghĩa rộng nhất thì văn hóa bao gồm tất cả những gì mà con người làm ra, tất những gì phi tự nhiên, cả những giá trị và phi giá trị. Và như vậy, văn hóa là một đặc trưng phân biệt giữa người và những động vật khác. Song văn hóa cũng được hiểu hẹp hơn, về phương diện chủ thể sáng tạo, như là những phong tục, thị hiếu, giá trị, phản giá trị vật chất và tinh thần do các chủ thể của một cộng đồng làm ra và là dấu hiệu phân biệt cộng đồng này với cộng đồng khác. Về phương diện giá trị, văn hóa cũng có thể được hiểu theo nghĩa hẹp, tức chỉ bao gồm các giá trị vật chất và tinh thần. Trong văn hóa không có phản giá trị. Đó cũng là quan điểm của chúng tôi muốn chia sẻ, tức coi văn hóa là tổng thể những giá trị vật chất và tinh thần do con người sáng tạo ra trong quá trình lịch sử.

Như vậy, có thể hiểu văn hóa làng là tổng thể các giá trị vật chất và tinh thần được các chủ thể cộng đồng làng sáng tạo ra trong suốt quá trình lịch sử. Nó chắc chắn bao gồm các giá trị thuộc nhiều lĩnh vực hoạt động khác nhau trong đời sống cộng đồng làng. Đó có thể là những giá trị vật chất như các công trình văn hóa, nhà cửa… cũng có thể là phong tục tập quán, hay nói chung là các ứng xử văn hóa bao gồm các quan niệm, hành vi ứng xử và phương châm ứng xử trong các mối quan hệ nội tại của làng. Đó là các mối quan hệ cơ bản của làng như dòng họ, phường giáp, láng giềng, phong tục, tập quán trong đời sống sinh hoạt thường ngày và đời sống tâm linh. Tóm lại, văn hóa làng là bản sắc, đặc trưng của làng xét từ khía cạnh văn hóa.

Nhiều học giả đã có công trong việc xác định nội hàm của thuật ngữ văn hóa làng, đặc biệt còn cố gắng phân biệt với một khái niệm khác khá gần gũi với nó, đó là làng văn hóa. Chẳng hạn, tác giả Hoàng Anh Nhân đã phân biệt hai khái niệm thông qua sự giống và khác nhau như sau: “Giống nhau: làng văn hóa và văn hóa làng đều lấy làng làm đơn vị cơ sở. Làng văn hóa và văn hóa làng đều có văn hóa. Đã có làng là có văn hóa làng.

Khác nhau: văn hóa làng mang tính chất tự nhiên, phổ biến. Văn hóa làng gắn với sự hình thành và phát triển của làng trong lịch sử với những bản sắc chung và riêng do môi trường địa lý, tự nhiên và con người của làng đó chi phối.

Làng văn hóa: khởi thủy ít nhiều mang tính tự nhiên nhưng không đầy đủ, không phổ biến. Trong cách hiểu hiện nay, làng văn hóa là một mô hình mang tính chủ quan, gắn bó với tính chủ quan của con người mà nội dung của nó là sự toàn vẹn về mọi mặt trên cơ sở những đặc điểm tích cực nhất. Về mặt lý thuyết nếu như văn hóa làng còn có thể tồn tại những mặt yếu kém thì làng văn hóa phải hiểu hoàn toàn ngược lại” (1).

Thực ra, để xem xét khái niệm này một cách rõ ràng, không lẫn lộn sang các khái niệm gần gũi khác thì ngoài việc phân biệt khái niệm văn hóa làng với làng văn hóa ra, thì ta cũng cần phải phân biệt khái niệm này với khái niệm văn hóa của một làng cụ thể.

Từ phương diện triết học, ba khái niệm trên đây quan hệ với nhau như mối quan hệ giữa cái chung và cái riêng. Văn hóa làng và làng văn hóa là cái chung và cái riêng xét về mặt chất lượng, tức là mọi yếu tố thuộc làng văn hóa đều thuộc văn hóa làng với một chất lượng cao. Không phải mọi yếu tố thuộc văn hóa làng đều thuộc về làng văn hóa. Tương tự như vậy, văn hóa làng và văn hóa của một làng cụ thể cũng là quan hệ giữa cái chung và cái riêng, xét về mặt số lượng. Nếu như mọi yếu tố văn hóa của bất kỳ một làng cụ thể đều thuộc về văn hóa làng, thì không phải tất cả các yếu tố văn hóa làng đều thuộc về văn hóa của một làng cụ thể. Bởi vì, mỗi một làng cụ thể, chỉ đặc thù văn hóa riêng của làng mình mà có thể không có những đặc trưng văn hóa của làng khác.

Như vậy, văn hóa làng như ta cần xem xét là một khái niệm, một phạm trù chung, đặc trưng cho văn hóa của tất cả các làng và không xét đến tiêu chuẩn chất lượng cao mang tính chủ quan của một khái niệm riêng hơn là làng văn hóa, hoặc một số đặc trưng cụ thể của văn hóa một làng cụ thể.

Tóm lại, phạm trù cái chung và cái riêng của triết học Mác – Lênin rất hữu dụng cho việc phân biệt những khái niệm gần với văn hóa học nói chung và văn hóa Việt Nam nói riêng. Khi nghiên cứu và giảng dạy về văn hóa, cần hiểu rõ phạm trù này để có thể vận dụng một cách linh hoạt trong việc lý giải, phân biệt nhiều khái niệm gần gũi về nghĩa, thậm chí thoạt nhìn chúng có vẻ tương đồng và trùng khít lên nhau.

_______________

1. Hoàng Anh Nhân, Văn hóa làng và làng văn hóa xứ Thanh, Nxb Khoa học xã hội, Hà Nội,1996, tr.47-48.

Nguồn : Tạp chí VHNT số 357, tháng 3-2014

Tác giả : Nguyễn Thị Kim Loan

Đánh giá post

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *