Giai đoạn 1986-2000 là thời kỳ đất nước đi vào đổi mới, mở cửa, hội nhập, giao lưu văn hóa nghệ thuật với sự thay đổi của nền kinh tế thị trường. Đây cũng là giai đoạn mỹ thuật Việt Nam có nhiều khởi sắc mới, đánh dấu hoạt động mạnh mẽ, sôi nổi của mỹ thuật cả nước mà đáng chú ý hơn cả là hai trung tâm lớn: Hà Nội và TP.HCM. Hàng năm ở hai trung tâm này diễn ra thường xuyên các triển lãm cá nhân hoặc nhóm tác giả trong và ngoài nước. Các triển lãm mang tính chuyên đề, định kỳ, khu vực, triển lãm mỹ thuật toàn quốc năm năm một lần, triển lãm điêu khắc 10 năm một lần… Ở đây sự xuất hiện nhiều các tác giả trẻ nên tạo ra một không khí năng động, sôi nổi, sự đa dạng, không chỉ ở phong cách sáng tác mà còn là cơ hội để các họa sĩ trẻ thử nghiệm nhiều chất liệu mới. Trong đó lụa vốn được coi là một trong những chất liệu truyền thống của Việt Nam cũng được các họa sĩ quan tâm, duy trì, tìm tòi thử nghiệm ở thời đổi mới.
Những năm 1985 – 1995 nổi bật với những triển lãm mỹ thuật toàn quốc (1985) năm năm một lần, triển lãm mỹ thuật thủ đô diễn ra định kỳ hằng niên với một số tên tuổi: Lương Xuân Nhị với Chợ tết, Năng Hiển với Ngày xuân, Thế Khang với Chiến thắng Bạch Đằng… bằng các chất liệu sơn dầu, sơn mài, khắc gỗ. Các tác phẩm điêu khắc hướng người xem tới cái nhìn mới trên nền tảng của tính truyền thống dân tộc. Các tác phẩm lụa tham gia trong triển lãm mỹ thuật toàn quốc năm 1990 góp phần làm nên những thành công sáng tạo. Trong khoảng năm năm hoạt động của các nghệ sĩ đề cập đến nhiều mảng đề tài trong cuộc sống hiện thực như: chiến tranh cách mạng, lao động sản xuất, xây dựng đất nước, phong cảnh quê hương. Triển lãm mỹ thuật toàn quốc 1990 đánh dấu một chặng đường của 500 nghệ sĩ với gần 900 (1) tác phẩm. Tuy nhiên, xét về tương quan thì tỷ lệ các tác phẩm lụa còn khá khiêm tốn. Trong đó phải kể đến những tác phẩm: Nẻo đường Trường Sơn của Nguyễn Lương Tiểu Bạch, Đường Trung du của Tạ Thúc Bình; Mùa thu của Mai Long… Như vậy các tác phẩm lụa góp phần phong phú đa sắc màu cho triển lãm cũng như nhắc đến sự duy trì chất liệu truyền thống của nghệ sĩ. Các tác giả cũng đã biết khai thác sự chuyển biến trong mỗi mảng đề tài và thủ pháp, kỹ thuật để khẳng định vị trí quan trọng của chất liệu lụa trong bối cảnh đổi mới của đất nước. Chất liệu lụa với đặc thù tạo ra không gian sâu thẳm bởi khả năng biểu cảm của sự chồng các lớp màu lên nhau và sự mềm mại đằm thắm. Cho nên chất liệu lụa rất phù hợp với mảng đề tài sinh hoạt đời thường, như mẹ con, nữ sinh, thiếu nữ, gia đình, cũng như các đề tài về nông nghiệp, làng nghề. Sáng tác tranh lụa như giúp các họa sĩ tìm về các sinh hoạt tín ngưỡng dân gian, ý nghĩa về những biểu tượng trong văn hóa Việt Nam. Tuy tỷ lệ các tác phẩm vẽ trên chất liệu lụa có ít hơn so với các chất liệu khác nhưng nó vẫn đánh dấu những tìm tòi, khai thác truyền thống kết hợp với tinh hoa thế giới tạo ra những sắc thái mới. Sáng tác của các họa sĩ vẽ lụa thời kỳ đổi mới tạo ra cái nhìn đặc trưng, mạnh bạo nhưng hiện thực.
Có lẽ cũng nhờ vào khoảng thời gian đổi mới này mà mỹ thuật cũng đã có cơ hội tác động nhất định tới xã hội nói chung. Từ những tác phẩm lụa trong các triển lãm, các gallery cho thấy ở thời đổi mới mở rộng phát triển đa dạng phong phú không độc tôn một xu hướng, khuynh hướng nào, cho nên lụa vừa là chất liệu truyền thống lại vừa là chất liệu để các nghệ sĩ có thể nghiên cứu, thể nghiệm tìm tòi thêm cho lụa những khả năng biểu đạt mới như vẽ thêm điệp, gắn một số phụ gia khác để tạo ra cho bề mặt lụa sự phong phú về kỹ thuật sử dụng, đồng thời cũng đòi hỏi sự nỗ lực của các nghệ sĩ hướng về giá trị đích thực của chất liệu lụa trong dòng chảy của nền mỹ thuật hiện đại Việt Nam.
Những năm 1995 – 2000 đánh dấu sự khởi sắc hơn nữa cho nền mỹ thuật hiện đại Việt Nam. Không chỉ ở điêu khắc, đồ họa mà mảng hội họa cũng phát huy thế mạnh bằng những bước tiến trong việc phát huy những mảng để tài về lao động sản xuất, về vũ trang nhân dân và chiến tranh cách mạng. Các tác phẩm lụa ở giai đoạn này được đánh dấu với các tên tuổi quen thuộc như: Nguyễn Thụ với Giã gạo, Nguyễn Thị Mộng Bích với Niềm vui, Nguyễn Văn Chiến với Xây dựng mới xưởng cơ khí, Trần Hoàng Sơn với Phong cảnh Cát Bà, Lưu Kim Oanh với Bến thuyền, Hoàng Quy với Những cánh buồm nâu, Phạm Thục Quyên với Tuổi trăng tròn, Cô gái Mông, Đỗ Thị Thùy Trang với Lễ hội, Lê Mai Trinh với Mẹ con, Dương Đình Trọng với Bên sông Hồng, Nguyễn Quang Trung với Quê hương, Vũ Anh Tuấn với Được mùa, Lê Anh Tuấn với Nữ dân quân thời tiền chiến, Trần Danh Vợi với Tiếng nói đúng đắn với giặc Mỹ, Trà Vinh với Quê ngoại.
Nếu như tranh lụa Việt Nam trước cách mạng chỉ được sáng tác chủ yếu là chân dung và sinh hoạt, phần nào đó nhằm ca ngợi vẻ đẹp tự thân của người phụ nữ, nhưng đâu đó cũng muốn đặt vấn đề đến yếu tố tập tục của xã hội phong kiến, thì nay các họa sĩ trẻ có thể khai thác chất liệu lụa phong phú và mở hơn nhiều về chủ đề và phong cách, làm cho khả năng biểu cảm của tranh lụa ngày càng phong phú, nhưng qua đó cũng muốn nói tới sự phát triển của tranh lụa như khả năng bộc lộ cách nhìn cuộc sống thông qua nghệ thuật của họa sĩ đến với người xem bằng tâm hồn, tình cảm dân tộc đậm đà đan xen cùng những nỗ lực tìm tòi trong việc khám phá cái mới của các chất liệu hội họa nói chung và của chất liệu lụa nói riêng.
Có thể nhận thấy thời kỳ đổi mới 1986 – 2000 là một chặng đường nỗ lực của các nghệ sĩ Việt Nam. Có lẽ đây là giai đoạn các nghệ sĩ vẽ tranh lụa tạo ra được sự chuyển động về đề tài cũng như sự khám phá về sự thích ứng của chất liệu. Tranh lụa giai đoạn này đã xuất hiện những gam màu tươi mới thay vì những gam u trầm trước đây vốn được gán cho màu của chất liệu lụa truyền thống. Kỹ thuật thể hiện cũng được các họa sĩ thể nghiệm, tranh trừu tượng cũng được thể nghiệm trên lụa, họa sĩ có thể vẽ acrylic trên bề mặt lụa để tạo ra những hiệu quả nhất định cho chất liệu lụa. Tuy vậy, nhờ vào sự mở rộng đề tài cùng với sự thể nghiệm có hiệu quả cùng các thủ pháp nghệ thuật khác nhau, tranh lụa trong giai đoạn đổi mới, hay còn được gọi là tranh lụa hiện đại đã mang nhiều sắc thái mới : Sự thay đổi về bố cục, đặc tả hình, nét mang yếu tố khái quát cao, bảng màu được bổ sung thêm nhiều như : tím Huế, xanh lơ, xanh lá mạ, hồng tươi, đỏ tía… Từ những yếu tố đó đã tạo ra hiệu quả không gian trong tranh lụa hiện đại được mở rộng, từ bề mặt của chất liệu lụa truyền thống các họa sĩ có thể triển khai nhiều dung lượng thông tin, sự kiện, vấn đề mới theo dòng chảy chung của xã hội cũng như việc thích ứng với sự phát triển của chất liệu và thể loại khác trong mỹ thuật hiện đại Việt Nam.
Trong bối cảnh toàn cầu hóa hiện nay, việc nhìn lại dấu mốc của một giai đoạn sau đổi mới 1986 – 2000 với mỹ thuật hiện đại Việt Nam là điều cần thiết, để qua đó chúng ta có thể đánh giá thực trạng của chất liệu lụa hiện nay với sự vận động của xã hội cũng như của nền hội họa hiện đại Việt Nam. Thực tế, tranh lụa không phải là chất liệu độc nhất vô nhị mà bên cạnh nó còn có nhiều chất liệu khác với khả năng biểu cảm đặc trưng riêng như sơn mài, sơn dầu, giấy dó, bột màu, khắc gỗ… nhưng chất liệu lụa vẫn rất cần được giữ gìn giá trị nghệ thuật đặc sắc của riêng mình. Tranh lụa ngày nay có một vị trí quan trọng trong nền hội họa Việt Nam hiện đại, là một phương tiện biểu đạt của hội họa (2). Tranh lụa Việt Nam hiện đại luôn có giá trị nhất định về mặt nghệ thuật tạo hình, cho nên nó rất xứng đáng được gìn giữ, phát triển khám phá về kỹ thuật, khả năng biểu đạt trong dòng chảy của mỹ thuật hiện đại Việt Nam, để hướng chất liệu lụa ngày càng được nhiều họa sĩ yêu mến sáng tác, như tìm về bản sắc dân tộc, về với chân – thiện – mỹ.
_______________
1. Bộ Văn hóa – Thông tin, Vựng tập triển lãm mỹ thuật toàn quốc 1990.
2. Trường Đại học Mỹ thuật Hà Nội – Viện Mỹ thuật, Kỷ yếu Hội thảo Mỹ thuật Việt Nam TK XX, tr.332.
Nguồn : Tạp chí VHNT số 361, tháng 7-2014
Tác giả : Hoàng Minh Đức
Bài viết cùng chủ đề:
Năng lực phản biện khoa học của giảng viên trong nhà trường quân đội
Thế giới quan và phương pháp luận của giảng viên trẻ trong các trường quân đội
Sự chuyển đổi sinh kế của người dân nà lầu, lạng sơn