Mỹ thuật là nghệ thuật của cái đẹp. Theo cách nhìn khác, thuật ngữ mỹ thuật (đẹp + nghệ thuật) chỉ cái đẹp do con người hoặc thiên nhiên tạo ra mà mắt người nhìn thấy được. Vì lý do này, thuật ngữ nghệ thuật thị giác cũng thường dùng để nói về mỹ thuật, ví dụ vẻ đẹp của một bức tranh, giá trị mỹ thuật của một công trình kiến trúc… Mỹ thuật bao gồm một số lĩnh vực nghệ thuật thị giác đặc trưng như hội họa: nghệ thuật tạo hình trên bề mặt 2 chiều một cách trực tiếp, được coi là mảng quan trọng của mỹ thuật, các tác phẩm hội họa mang tính độc bản; đồ họa: nghệ thuật tạo hình trên bề mặt 2 chiều một cách gián tiếp qua các kỹ thuật in ấn, một tác phẩm đồ họa thường có nhiều bản sao và điêu khắc: nghệ thuật tạo hình trong không gian ba chiều (tượng tròn) hoặc hai chiều (chạm khắc, chạm nổi) (1).
Hiểu rộng ra, cái gì thuộc nghệ thuật thị giác thì cũng có thể được coi là thuộc mỹ thuật. Đặc biệt những xu hướng mỹ thuật đương đại xuất hiện từ khoảng thập niên 60 TK XX như nghệ thuật sắp đặt (installation art); nghệ thuật biểu diễn (performance art); nghệ thuật hình thể (body art); nghệ thuật đại chúng (pop art)… và nhiều loại hình khác nữa (2).
Với cách hiểu như trên, mỹ thuật cùng với những hoạt động liên quan có vị trí đặc biệt quan trọng trong giáo dục mầm non (GDMN) và các cơ sở giáo dục mầm non Việt Nam. GDMN là bậc đầu tiên trong hệ thống giáo dục quốc dân, thực hiện việc nuôi dưỡng, chăm sóc giáo dục trẻ từ ba tháng đến sáu tuổi. Mục tiêu chung của GDMN là giúp trẻ phát triển về thể chất, tình cảm, trí tuệ, thẩm mỹ; hình thành những yếu tố đầu tiên của nhân cách, chuẩn bị cho trẻ vào học lớp 1 (3). Mục tiêu này đã được thể hiện cụ thể trong chương trình GDMN, trong đó có mục tiêu về giáo dục thẩm mỹ là: giáo dục trẻ biết cảm nhận được vẻ đẹp trong thiên nhiên, cuộc sống và trong tác phẩm nghệ thuật; yêu thích cái đẹp, biết giữ gìn và mong muốn tạo ra cái đẹp ở xung quanh; có nhu cầu, hứng thú khi tham gia vào các hoạt động tạo hình, hát, múa, vận động theo nhạc, đọc thơ, kể chuyện, đóng kịch… và biết thể hiện cảm xúc sáng tạo thông qua các hoạt động đó (4).
Ở đây, chúng tôi xin được trao đổi một số lĩnh vực của mỹ thuật hiện diện và có ý nghĩa đối với GDMN và cơ sở GDMN trong việc thực hiện mục tiêu của GDMN nói chung và mục tiêu về giáo dục thẩm mỹ cho trẻ nói riêng.
1. Trang trí, sắp đặt trong lớp và trường mầm non
Cùng với xu hướng bùng nổ quảng cáo trên mọi lĩnh vực những năm gần đây, việc trang trí sắp đặt trong trường mầm non đã được chú trọng nhiều hơn, song bên cạnh đó, không ít các trường mầm non còn xem nhẹ khâu này bởi nhiều lý do khách quan và chủ quan. Xã hội ngày càng phát triển, các phương tiện quảng cáo ngày càng tận dụng diện tích một cách triệt để, nhất là đối với các đô thị lớn thu hút dân cư đông đúc, điển hình trong việc trang trí mỹ thuật là các thương hiệu sữa nổi tiếng đi tiên phong trong việc miễn phí trang trí để quảng cáo sản phẩm của doanh nghiệp mình. Các trường mầm non không nằm ngoài số đó, bởi đây là những cơ sở có diện tích rộng, nhiều mảng tường lớn, hệ thống hàng rào bao quanh kéo dài – một điều kiện thuận lợi cho việc trang trí, quảng cáo…
Do đó, bên cạnh hoạt động tạo hình trong trường mầm non thì trang trí và sắp đặt trong trường mầm non đóng vai trò vô cùng quan trọng về mặt giáo dục thẩm mỹ, vừa để tạo được môi trường giáo dục cho trẻ phát triển toàn diện, vừa tạo không gian sáng tạo nghệ thuật của cô và trẻ. Trang trí sắp đặt trong trường mầm non nhằm tạo ra không gian phù hợp để trẻ yêu trường, mến lớp, thuận lợi cho hoạt động học tập và vui chơi.
Trước hết là việc vẽ tranh tường, trang trí không gian ở bên trong và bên ngoài khuôn viên trường mầm non. Về mặt kỹ thuật và hiệu ứng, có thể trang trí một cách dày đặc bằng nhiều hình thức thể hiện, nhiều màu sắc khác nhau, mà phần lớn là màu sắc rực rỡ, bắt mắt.
Thiết kế và trang trí các lớp học trên 3 mặt không gian (mặt sàn, mặt tường và trần), màu sắc nên hài hòa, nhẹ nhàng để nhường chỗ cho cô và trẻ cùng trang trí các góc hoạt động, chủ điểm, chủ đề dễ dàng, hiệu quả. Việc bài trí các đồ dùng dạy học như đồ chơi, kids mart, tủ, bàn ghế… nên chọn thiết kế thân thiện và an toàn với trẻ. Hiệu quả nhất là nên lựa chọn những thiết kế cơ động để giáo viên chủ động sắp xếp diện tích tổ chức các hoạt động dạy học một cách dễ dàng và bao quát các hoạt động của lớp.
Bên cạnh đó, không gian ngoài trời (ngoài lớp học) nên bố trí thoáng đãng, bởi đây là nơi tập trung để trẻ vui chơi rèn luyện sức khỏe, nơi mà trẻ tiếp xúc hàng ngày, học, vui chơi với các bạn cùng trang lứa. Do đó, việc bài trí cần luôn được đề cao nhằm tạo cho trẻ môi trường sống trong lành hạnh phúc. Đặc biệt, nên trồng nhiều cây xanh tạo bóng râm, nhiều loại hoa cỏ, tránh bê tông hóa trường mầm non.
Hơn thế, cần đẩy mạnh các hoạt động trang trí mỹ thuật cho các ngày lễ hội các sự kiện quan trọng, các hoạt động vui chơi giải trí nhằm tạo ra không khí vui tươi, sống động trong hoạt động chung của trường, lớp, cô và trẻ.
2. Thiết kế, làm đồ chơi, học liệu phục vụ cho các hoạt động giáo dục trong trường mầm non
Trong trường mầm non, đồ chơi và học liệu có vai trò rất quan trọng, không có nó thì việc tổ chức các hoạt động giáo dục trong trường lớp mầm non khó có thể thực hiện được vì ở trường mầm non trẻ chơi mà học – học bằng chơi. Chính vì vậy trong trường mầm non phải tổ chức cho giáo viên tự chủ động sáng tạo làm đồ chơi và học liệu ở lớp do mình phụ trách (5). Những năm gần đây, việc tổ chức cho giáo viên tự làm đồ chơi, học liệu trong các trường mầm non ít được quan tâm do công việc trong ngày tại lớp quá nhiều (trung bình 10 – 12 giờ làm việc một ngày), số trẻ trong lớp quá đông. Mặt khác, do năng lực của giáo viên về làm đồ chơi và học liệu còn hạn chế, đồng thời chưa khai thác hết tính năng của đồ chơi và học liệu nên hiệu quả sử dụng chưa cao. Để hoạt động này hiệu quả hơn nữa, có thể thực hiện các biện pháp sau:
Tổ chức cho giáo viên tự sưu tầm và làm các loại đồ chơi, đồ dùng, phục vụ cho các hoạt động giáo dục, các góc hoạt động, trang trí trường lớp. Đồ dùng, đồ chơi, học liệu luôn thay đổi theo chủ đề, chủ điểm, theo các hoạt động chuyên biệt, theo điều kiện và môi trường của từng địa phương; chất liệu có thể tận dụng từ các đồ phế thải hàng ngày (vỏ chai, đồ hộp, cây, lá…).
Hướng dẫn cho trẻ tạo ra các loại đồ chơi, học liệu để phục vụ cho các hoạt động chơi của trẻ tại trường mầm non.
Hướng dẫn cho các phụ huynh biết lựa chọn, sưu tầm, mua hoặc tự làm đồ chơi cho trẻ bằng các nguyên vật liệu sẵn có tại địa phương, tại gia đình hoặc ở xung quanh môi trường sống của trẻ.
3. Xây dựng và quản lý hệ thống thương hiệu trường mầm non
Thực tế, bộ nhận diện thương hiệu thường được áp dụng trong các cơ sở kinh doanh, nhưng trong giáo dục điều này chưa thực sự được chú trọng. Hiện tại, có một số trường mầm non quốc tế đã sử dụng hình thức quảng bá này và đã góp phần đem lại thành công nhất định trong quá trình xây dựng thương hiệu của mình, như: trường Hana Press school, trường Yecxanh, trường Thăng Long Kidsmart, trường Koala ở Hà Nội và một số trường khác ở TP. HCM (6).
Đối với trường mầm non, việc mạnh dạn sử dụng bộ nhận diện thương hiệu sẽ mang lại những hiệu quả trên nhiều phương diện.
Đối với các bậc phụ huynh: Một hệ thống nhận diện thương hiệu tốt sẽ mang tính thuyết phục và hấp dẫn cao, nó giới thiệu một hình ảnh thương hiệu chuyên nghiệp, khác biệt và dễ nhận biết đối với cha mẹ trẻ khi họ lựa chọn trường cho con mình. Hệ thống nhận diện thương hiệu còn mang đến cho họ những giá trị cảm nhận về mặt lý tính (chất lượng tốt, cơ sở vật chất hiện đại…) và cảm tính (môi trường giáo dục chuyên nghiệp, đẳng cấp). Sự nhất quán của hệ thống nhận diện thương hiệu và việc sử dụng đồng bộ các phương tiện truyền thông sẽ làm cho mối quan hệ giữa cha mẹ trẻ và nhà trường trở nên dễ dàng và gần gũi hơn. Các bậc cha mẹ sẽ chủ động, tự tin khi đưa ra quyết định gửi con em mình tại trường, bởi vì họ tin vào những giá trị ưu việt mà ngôi trường đó mang đến cho con họ.
Đối với hoạt động đối ngoại của nhà trường: Với các doanh nghiệp, danh tiếng của thương hiệu là một trong những tài sản giá trị nhất của công ty. Thành công của một thương hiệu phụ thuộc rất lớn vào việc xây dựng nhận thức cộng đồng, củng cố danh tiếng và tạo dựng những giá trị. Với trường mầm non, một hệ thống nhận diện thương hiệu mạnh sẽ giúp xây dựng nhanh chóng tài sản thương hiệu thông qua sự tăng trưởng về mặt nhận thức, sự hiểu biết, tin tưởng của các bậc phụ huynh đối với thương hiệu, nó làm cho giá trị thương hiệu tăng trưởng một cách bền vững. Đồng thời, nó cũng tạo niềm tự hào cho đội ngũ giáo viên của trường, tạo lợi thế cạnh tranh với các trường mầm non khác trong bối cảnh bùng nổ sự ra đời của các trường, lớp mầm non.
Đối với trẻ, việc xây dựng hệ thống nhận diện thương hiệu thông qua các sản phẩm đi kèm như áo, mũ, ba lô, cốc… có tác dụng thu hút và tạo được một hình ảnh thân thiện, tự tin.
Như vậy, đối với việc phát triển toàn diện cho trẻ, hoạt động mỹ thuật có một vai trò hết sức quan trọng. Bên cạnh hoạt động mỹ thuật truyền thống, hoạt động tạo hình như: trang trí, sắp đặt trong lớp và trường mầm non, thiết kế và làm đồ chơi, học liệu phục vụ cho các hoạt động giáo dục trong trường mầm non thì xây dựng và quản lý hệ thống thương hiệu trong trường mầm non,… là những hoạt động cần thiết đối với một nhà trường mầm non. Nó giúp trẻ tìm hiểu, khám phá và thể hiện một cách sinh động những gì chúng nhìn thấy trong thế giới xung quanh, làm trẻ hứng thú và tạo dựng cho chúng những cảm xúc tích cực. Để nâng cao hiệu quả của giáo dục thẩm mỹ, những hoạt động này cần phải được quan tâm và đánh giá đúng mức. Đây cũng là những hướng đi của giáo dục mầm non để tạo nên sự đổi mới trong quan niệm giáo dục thẩm mỹ của Việt Nam, trong tương quan với nền mỹ thuật tiên tiến thế giới, nơi mà những cái nôi nghệ thuật đã được dệt, và ghi dấu sâu đậm trong tâm hồn trẻ thơ…
_______________
1. Từ điển thuật ngữ Mỹ thuật phổ thông, Nxb Giáo dục, Hà Nội, 2003.
2. vi.wikipedia.org
3. Quốc hội, Luật Giáo dục (Số 38/2005/QH11 và số 44/2009/QH12), Điều 18, 19.
4. Bộ Giáo dục và Đào tạo, Chương trình giáo dục mầm non (Ban hành kèm theo Thông tư số 17/2009/TT-BGDĐT ngày 25-7-2009).
5. Trường CĐSPTƯ, Kỷ yếu hội thảo khoa học Đào tạo giáo viên âm nhạc – mỹ thuật trong trường mầm non: Thực tiễn và giải pháp, tháng 7-2007.
6. Trường CĐSPTƯ, Kỷ yếu hội thảo khoa học Xây dựng trường mầm non chất lượng cao: Thực tiễn và giải pháp, tháng 4-2007.
Nguồn : Tạp chí VHNT số 362, tháng 8-2014
Tác giả : Phạm Minh Tùng
Bài viết cùng chủ đề:
Năng lực phản biện khoa học của giảng viên trong nhà trường quân đội
Thế giới quan và phương pháp luận của giảng viên trẻ trong các trường quân đội
Sự chuyển đổi sinh kế của người dân nà lầu, lạng sơn