Tạo hình trang phục phụ nữ kinh bắc truyền thống

Là một nước nằm trong khu vực Đông Nam Á với nền văn minh lúa nước, ngay từ thời kỳ đầu dựng nước và giữ nước, người Việt đã có những thiên hướng nghệ thuật riêng biệt. Ngoài những loại hình nghệ thuật phổ biến như tuồng, chèo, cải lương,…còn có một loại hình nghệ thuật nữa, âm thầm phát triển, không quá phô trương nhưng để lại rất nhiều tác phẩm mang giá trị lâu dài với thời gian: đó là nghệ thuật tạo hình dân gian. Nghệ thuật tạo hình có ở khắp mọi nơi trong cuộc sống của con người như các công trình kiến trúc, phù điêu, tượng…và đặc biệt là trang phục. Trải qua nhiều thời kỳ lịch sử, trang phục Việt đã có những thay đổi theo tiến trình phát triển của thời trang thế giới nhưng chúng ta không thể nào quên được hình ảnh trang phục của người phụ nữ Kinh Bắc xưa, một hình ảnh vừa thướt tha, kín đáo, vừa đoan trang, dịu dàng nhưng lại chứa đựng những giá trị nghệ thuật vô cùng to lớn.

         Vùng Kinh Bắc xưa, nay được chia ra thành hai tỉnh Bắc Ninh và Bắc Giang, trong đó, tỉnh Bắc Ninh nằm ở vị trí trung tâm của vùng văn hóa Kinh Bắc – cái nôi của người Kinh Việt, như ý kiến của nhiều nhà khoa học (1). Kinh Bắc – Bắc Ninh với lợi thế phong cảnh hữu tình, những đồng ruộng thẳng cánh cò bay, có con sông duyên dáng mềm mại và ngọn núi nên thơ. Có lẽ lợi thế về thiên- địa- nhân đã tạo nên một Kinh Bắc với đời sống văn hóa đặc sắc, phong phú, nổi bật là không gian văn hóa quan họ với những tấm ”áo mớ ba mớ bảy” tinh tế đến vô cùng cả về thẩm mỹ lẫn kỹ thuật tạo hình.

          Trang phục phụ nữ Kinh Bắc có kết cấu hết sức cơ bản, không quá nhiều chi tiết. Trang phục được may chắp ghép dựa trên các hình đơn giản, chủ yếu là hình vuông và hình chữ nhật.

Về tổng thể, bộ trang phục được cấu tạo bởi ba lớp áo: áo dài tứ thân mặc ngoài, áo cánh mặc trong, trong cùng là yếm, kết hợp với váy, ở eo thắt một dải đai lưng. Ngoài ra, trang phục còn được tôn lên bởi sự kết hợp các phụ kiện không thể thiếu như guốc mộc, nón quai thao, khăn mỏ quạ… Ngày thường, các chị em chỉ mặc hai lớp áo là áo tứ thân – áo yếm, hoặc áo cánh- áo yếm, trời rét thì chị em mặc cả ba áo, khi nào đi hội, các chị lại lồng ba đến bảy cái áo dài với nhau để mặc mà ta thường gọi là áo ”mớ ba mớ bảy”.

         Kết cấu của yếm thật đơn giản, số lượng vải không nhiều, chỉ là một vuông vải, mỗi chiều khoảng 40cm, đặt chéo trước ngực đủ để che kín phần ngực và phần bụng của người mặc. Một góc yếm khoét lỗ làm cổ, hai đầu của lỗ, đính hai mẩu dây để cột ra sau gáy, và được cố định ở thân bởi hai dải ở bên cạnh sườn buộc ra sau lưng. Cổ yếm thường gồm ba loai: cổ tròn, gọi là yếm cổ xây; cổ nhọn với đầu hình chữ V, gọi là yếm cổ xẻ; xẻ V sâu hẳn xuống, có ba đường khâu như đường chân chim, gọi là cổ cánh nhạn, trông vừa như đường trang trí mà lại có tác dụng giữ cho cổ yếm lâu bị rách.

         Yếm là một phần trong tổng thể bộ trang phục của người phụ nữ Việt. yếm đi với áo cánh tôn lên vẻ đẹp của cổ cao ba ngấn, bờ vai tròn lẳn (2). Chiếc yếm, tuy xét về hình thức rất đơn giản và cũng rất giản dị, nhưng nó lại chứa đựng cả những giá trị tinh thần và là biểu trưng của tình yêu và tình người một thời. Trong đó, yếm cổ xây có thể kết hợp được với cả áo cánh cổ tròn và cả áo cánh cổ thìa. Khi mặc cùng áo cánh, cổ yếm được lộ ra khoảng 5- 8cm, vừa ẩn vừa hiện, rất gợi, rất quyến rũ. Đây cũng là cách tạo hình khôn khéo của người xưa. Riêng yếm cổ xẻ thì có ít sự lựa chọn hơn, chỉ có thể mặc với áo cánh cổ thìa.

         Áo cánh chỉ ngắn đến thắt lưng và chỉ để mặc trong áo dài, đồng thời mặc ngoài yếm. Áo gồm bốn thân, hai thân sau được nối liền ở giữa lưng, hai thân trước không cài cúc, có xẻ ngực, để lộ yếm. Phía dưới mỗi bên thân trước của áo đều có khâu một túi nhỏ. Thân và tay áo được thiết kế ôm sát để tôn những đường cong trên cơ thể, có lẽ cũng vì lý do này mà trong mùa nóng, các chị em thường cởi bỏ chiếc áo cánh, chỉ mặc mỗi áo yếm khi làm đồng.

         Áo dài tứ thân xuất hiện từ bao giờ thì chưa có tư liệu nào khẳng định nhưng từ thời nhà Lý, áo được mặc rất phổ biến (3). Áo được cắt may đơn giản, dùng để khoác ngoài. Áo có cổ đứng, mềm và thấp. Đúng như tên gọi, áo có bốn thân, được làm từ bốn khổ vải (hai tà thân trước và hai tà thân sau). Sau mỗi bước đi của người mặc, các tà lại tung bay, trông rất thướt tha, mềm mại. Tà áo được tạo nên nhờ sự kết hợp của những vuông vải chắp lại với nhau. Do trong quá trình lao động, tấm áo thường bị sờn, rách phần vai, phần tà nên các chị em đã rất khéo léo thay vải ở phần thân trên và phần vai áo, tạo ra những thân áo có ít nhất hai màu khác nhau cho phần thân và phần vạt, đem lại sự hấp dẫn nhất định về thị giác. Bởi vậy, theo thời gian, việc đổi vai, đổi vạt lại trở thành ”mốt”, ngay từ khi may áo mới, người ta đã may hai màu trên dưới khác nhau.


 Người đẹp Kinh Bắc trong trang phục áo tứ thân truyền thống.Ảnh: Thu Hiền 

          Chiếc áo dài tứ thân truyền thống có thể được coi là một tác phẩm nghệ thuật. Rất nhiều nhà văn, nhà thơ đặt dấu hỏi cho sự ra đời của nó nhưng theo quan điểm của cá nhân người viết, có thể chiếc áo tứ thân được tạo ra dựa trên hình ảnh của trang phục vua quan thời bấy giờ, song một phần do quan niệm giai cấp, một phần do công việc lao động hàng ngày và do điều kiện khó khăn nên áo mới được biến tấu để phù hợp với chị em phụ nữ. Vạt áo được thu nhỏ lại thành hình chữ nhật, tà áo được xẻ ra để khi cần lao động họ có thể buộc lên cho gọn.

         Váy là đồ mặc dưới yếm. Căn cứ trên hiện vật khảo cổ và phong tục sinh hoạt thường thấy, váy có hai loại dài và ngắn. Khi lao động, chị em thường mặc váy ngắn đến bắp chân, còn khi đi hội, các chị em thường mặc áo dài chấm gót, đem lại cho dáng vẻ người mặc một sự mềm mại, kín đáo mà không kém phần gợi cảm. Váy được may theo hình ống nhưng không phải chỉ là tấm vải may quây lại, mà nó gồm bảy khổ vải ghép lại với nhau. Riêng cạp váy bao giờ cũng được khâu/ may rộng bản, khoảng 8cm đến 10cm.

         Thắt lưng thường dùng gọi là thắt lưng bao, đây là một ống vải dài từ 2,8 đến 3m, có đường kính khoảng 15cm, được quấn quanh cạp váy để giữ cho váy cố định. Ngoài ra, nó còn có tác dụng là túi cho chị em đựng tiền. Loại thắt lưng khác chỉ là một dải lụa màu, thắt vòng quanh eo rồi thắt múi phía trước với chức năng để trang trí. Chính những chiếc thắt lưng đã góp phần tạo nên vẻ đẹp của những cô gái thắt đáy lưng ong của một thời (4).

         Trang phục truyền thống của phụ nữ Kinh Bắc chủ yếu được làm từ các loại vải như the, lụa, sồi và đũi. Một phần cũng vì chị em phụ nữ thời kỳ này rất khéo léo trong việc may vá và phối đồ, biết chăm chút cho bản thân nên cách kết hợp kiểu mặc và màu sắc trang phục khá phong phú. Bên trong cùng là một tấm áo yếm bằng lụa bóng, bên ngoài là lớp áo tứ thân bằng vải đũi thô và ganh, hai chất liệu với hai bề mặt tưởng chừng như rất khác nhau, đối lập nhau nhưng khi kết hợp với nhau lại bù trừ cho nhau, kkiến hình ảnh người phụ nữ vừa quyến rũ, gợi tình nhưng cũng rất mộc mạc, dễ gần.Vải the, lụa là loại vải được làm từ sợi tơ tằm có độ bóng vừa, mỏng, mịn, có độ rủ vừa phải, tạo cảm giác thoáng mát, dễ chịu khi mặc. Ngoài ra, vải lụa có đặc tính là dễ nhuộm và giữ màu nên màu sắc của lụa rất bắt mắt. Thời xưa, các chị em thường dùng nhiên liệu tự nhiên để nhuộm như củ nâu, hoa hiên, có khi nhuộm cả bùn. Tuy nhiên do đặc tính của lụa quá mỏng và hoàn toàn được làm từ sợi tự nhiên nên khi mặc lụa, người mặc cần phải cẩn thận và chăm chút kĩ lưỡng. Chắc cũng vì những lý do trên mà các chị em không mặc lụa cho việc lao động hàng ngày, để dành cho những dịp vui chơi thanh nhàn như khi đi hội.

         Vải đũi cũng là một loại lụa tơ tằm, bề mặt hơi giống vải bố nhưng mềm và mượt hơn. Do tính chất của đũi được dệt từ sợi và nhuộm từ nhiên liệu thiên nhiên nên sản phẩm của đũi trông mộc mạc, mang một nét sang trọng tuy không cầu kỳ. Vải đũi tạo cảm giác thoải mái với người mặc, nhẹ nhàng, không bám dính. Chính vì điều đó nên đũi mặc rất gần gũi với hoạt động hàng ngày của người xưa và là một loại vải gắn liền với cuộc sống lao động, sinh hoạt của một thời.

          Màu sắc trên trang phục truyền thống này là đáng chú ý nhất. Giữa những rào cản bởi giai cấp và điều kiện xã hội, người phụ nữ xưa vẫn phải sử dụng nhiều màu đen trong trang phục của mình nhưng cái màu đen đó lại tạo ra một nét đẹp diệu kỳ. Màu tối không phải là tất cả, trong chiếc áo tứ thân với những gam màu nâu, đen của lụa nhuộm, chúng ta còn đã thấy thấp thoáng những màu sắc rực rỡ của áo cánh, áo yếm và còn có những dải lụa màu thắt lưng để tôn thêm vẻ đẹp cho người phụ nữ thời bấy giờ. Sự kết hợp màu đó đã cho ta thấy đằng sau một sự nhàm chán, khuôn thước là cả một sự bùng nổ, sự ham muôn khoe mình của họ.

         Cách phối màu của người xưa cũng có qui tắc riêng: Áo ngoài cùng (áo tứ thân) thường có những gam màu tối như màu nâu và đen. Vải được nhuộm với củ nâu, nhuộm càng nhiều lần thì có màu nâu sậm và đem đi nhuộm với bùn thì vải có màu đen. Áo cánh bên trong thường sử dụng những gam màu sáng như màu mỡ gà, màu nâu sáng… Áo yếm bên trong cùng và thắt lưng đều sử dụng những màu rực rỡ như màu đỏ thắm, màu vàng thư, màu xanh hồ thủy… Riêng chân váy chỉ sử dụng màu đen hoặc nâu thẫm. Điều đó cho thấy, trang phục có sự tương phản màu rõ ràng giữa màu rực của áo yếm và màu trầm của áo tứ thân, có sự chuyển biến về sắc độ màu từ màu sáng của áo yếm chuyển sang màu trung của áo cánh và đến màu tối của áo tứ thân và chân váy, ngoài ra còn có điểm nhấn ở dải yếm quấn quanh eo, rực rỡ, tôn lên nét đẹp thắt đáy lưng ong của người phụ nữ.

         Theo thời gian hình ảnh trang phục người phụ nữ Kinh Bắc dần mai một đi, thay vào đó là sự Âu hóa trang phục, chạy theo xu hướng trào lưu thời trang chung của thế giới nhưng duy chỉ có một thứ luôn tồn tại mãi đó chính là giá trị thẩm mỹ, kỹ thuật nhuộm thủ công và chất liệu vải truyền thống của trang phục phụ nữ Bắc Việt một thời. Một số nhà thiết kế nặng lòng với chất liệu dân tộc; họ sử dụng các chất liệu dân tộc để thổi hồn cho bộ sưu tập của mình như Minh Hạnh, Võ Việt Chung, Văn Thành Công… Qua đó, ta có thể khẳng định, thời trang Việt Nam cần phải được quan tâm hơn nữa trong việc xây dựng, bảo tồn và phát huy tinh hoa văn hóa dân tộc giống như hình ảnh trang phục phụ nữ Kinh Bắc một thời và đó cũng chính là thực hiện quan điểm của Đảng và nhà nước về xây dựng nước Việt Nam đậm đà bản sắc dân tộc.

         ______________

          1. Nhiều tác giả, Vùng văn hóa quan họ Bắc Ninh, Sở Văn hóa Thông tin Bắc Ninh và Viện nghiên cứu văn hóa, 2006.

        2. Đoàn Thị Tình, Chiếc Yếm của người phụ nữ Việt Nam, báo Văn hiến Việt Nam, 2012, trang 30 – 31.

        3. Đoàn Thị Tình, Trang phục Thăng Long- Hà Nội, Nxb Hà Nội, 2010.

        4. Lê Thị Bích Hồng, Việc giữ gìn và bảo tồn văn hóa quan họ, www.tuyengiao.vn, Chủ nhật, ngày 5 – 7 – 2009.

Nguồn : Tạp chí VHNT số 375, tháng 9-2015

Tác giả : VŨ HUYỀN TRANG

Đánh giá post

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *