Vai trò của việc quản lý nguồn nhân lực thư viện

Trong lĩnh vực thông tin – thư viện, nguồn nhân lực là “một trong bốn yếu tố cấu thành nên thư viện và là linh hồn của cả thư viện”. Tuy nhiên, để có thể phát huy tối đa vai trò của nguồn nhân lực, các cơ quan thông tin thư viện phải triển khai công tác quản lý một cách có hiệu quả. Quản lý nguồn nhân lực chính là quản lý tất cả các hoạt động hoạch định, tuyển dụng, tuyển chọn, duy trì, phát triển, sử dụng, đánh giá, bảo toàn và giữ gìn một lực lượng lao động phù hợp với yêu cầu công việc của tổ chức. Nói cách khác, quản lý nguồn nhân lực là hệ thống các triết lý, chính sách và các hoạt động chức năng về thu hút, đào tạo, phát triển và duy trì con người của một tổ chức nhằm đạt được kết quả tối ưu cho cả tổ chức lẫn nhân viên.


1. Vai trò của quản lý nguồn nhân lực thư viện

Dù ở bất cứ xã hội nào, thời đại nào, dù ở thư viện truyền thống hay hiện đại thì nguồn nhân lực vẫn là yếu tố hàng đầu: “Một công ty hay một tổ chức nào dù có một nguồn tài chính phong phú, nguồn tài nguyên dồi dào, với hệ thống trang thiết bị hiện đại, kèm theo các công thức khoa học kỹ thuật thần kỳ đi chăng nữa, cũng sẽ trở nên vô ích nếu không biết quản trị tài nguyên nhân sự”. Thực chất của hoạt động quản lý nguồn nhân lực thư viện là hoạt động quản lý con người trong phạm vi nội bộ của một thư viện, là sự đối xử của tổ chức đối với người cán bộ. Nói cách khác, quản lý nguồn nhân lực chịu trách nhiệm về việc đưa con người vào thư viện, giúp họ thực hiện công việc, thù lao cho sức lao động của họ và giải quyết các vấn đề phát sinh. Hoạt động quản lý nguồn nhân lực thư viện có những vai trò sau:

Quản lý nguồn nhân lực là nhiệm vụ trung tâm trong việc thành lập các thư viện và giúp cho các thư viện tồn tại, phát triển trong xã hội. Vì nguồn nhân lực là một trong 4 yếu tố then chốt cấu thành nên hệ thống thư viện, điểm cốt yếu nhất của nguồn nội lực, do đó phải bằng mọi cách phát huy yếu tố con người và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực.

Quản lý nguồn nhân lực giúp tìm kiếm và phát triển những hình thức, những phương pháp tốt nhất để người cán bộ có thể đóng góp nhiều sức lực cho việc đạt được các mục tiêu của thư viện, đồng thời tạo ra cơ hội để phát triển chính bản thân người cán bộ. Mục đích cuối cùng trong việc quản lý nguồn nhân lực của các thư viện là sử dụng một cách có hiệu quả để thỏa mãn nhu cầu của người dùng tin trong xã hội. Để đạt được mục đích này, người quản lý phải thỏa mãn được mục tiêu riêng của mỗi cá nhân. Trong phạm vi cơ quan, tổ chức, mục tiêu này sẽ được đo lường bằng sự thỏa mãn với công việc, nghĩa là mức độ mà một cá nhân cảm thấy tích cực hay tiêu cực đối với công việc của mình. Điều này được thể hiện ở việc cán bộ gắn bó với thư viện và gắn bó với công việc hay không. “Gắn bó với tổ chức thể hiện ở mức độ mà người nào đó gắn liền và cảm thấy mình là một thành phần của tổ chức đó. Tích cực với công việc thể hiện ở việc một người nào đó sẵn lòng làm việc chăm chỉ và nỗ lực làm việc vượt mức trung bình”. Khi mỗi cá nhân đạt được những mục tiêu này thì chắc chắn người quản lý sẽ đạt được mục tiêu trong hoạt động quản lý nguồn nhân lực. Để đạt được mục đích cuối cùng, những người quản lý nguồn nhân lực phải đặt ra mục tiêu là đạt được sự hòa hợp tối đa có thể giữa nhu cầu và nguồn nhân lực, sử dụng tối đa nguồn nhân lực nhằm tăng năng suất lao động và nâng cao tính hiệu quả của thư viện.

Quản lý nguồn nhân lực giúp thư viện khai thác tiềm năng, nâng cao năng suất lao động và lợi thế cạnh tranh của thư viện về nguồn nhân lực. Tổ chức hoạt động có hiệu quả hay không, có đạt được mục tiêu đặt ra hay không, phụ thuộc rất lớn vào hiệu quả làm việc của từng cá nhân trong tổ chức. Theo lôgic, hiệu quả làm việc của cá nhân ngoài việc phụ thuộc vào năng lực của mỗi người còn phụ thuộc vào hoạt động quản lý nguồn nhân lực trong tổ chức được tiến hành như thế nào. Rõ ràng, quản lý nguồn nhân lực tốt sẽ quyết định hiệu quả hoạt động của thư viện, giúp thư viện đạt được mục tiêu, chiến lược đề ra một cách tối ưu.

Về mặt xã hội, quản lý nguồn nhân lực thể hiện quan điểm nhân bản về quyền lợi của con người, đề cao vị thế và giá trị của con người, chú trọng giải quyết hài hòa mối quan hệ lợi ích, giữa thư viện và nhân viên. Ở đây, chủ quản nguồn nhân lực phải tìm cách làm thế nào để nhân tài có biểu hiện nổi bật trong những cương vị công tác trọng yếu, đó là thỏa mãn lòng tự tôn của nhân viên, động viên cao nhất tính tích cực công tác của họ.

Như vậy, quản lý nguồn nhân lực tốt sẽ giải quyết hài hòa mối quan hệ lợi ích giữa cơ quan với nhân viên, làm giảm bớt các mâu thuẫn trong công việc, giữa các nhân viên trong cùng cơ quan. “Đặt con người vào vị trí trung tâm trong chiến lược phát triển hay còn gọi là chiến lược con người, lấy lợi ích con người làm điểm xuất phát của mọi chương trình, kế hoạch phát triển…, coi lợi ích cá nhân là động lực trực tiếp của sự phát triển, trong sự gắn bó hữu cơ giữa lợi ích của mỗi con người, của từng tập thể và toàn xã hội”.

2. Các yêu cầu đối với cán bộ quản lý nguồn nhân lực thư viện

Cán bộ quản lý là người đứng đầu cơ quan hay mỗi bộ phận trong cơ quan thông tin thư viện, có quyền ra quyết định, tổ chức thực hiện các quyết định quản lý và chịu trách nhiệm về quyết định của mình. Có thể nói, người quản lý là người xây dựng một tập thể đoàn kết, tương trợ giúp đỡ lẫn nhau, có ý thức giác ngộ cao trong mọi công việc.

Trong các cơ quan thông tin thư viện, người quản lý đề ra nhiệm vụ chuyên môn, nghiệp vụ cho cấp dưới, xác định cụ thể những công việc cần làm, thời gian hoàn thành, kiểm soát công việc của nhân viên và đưa ra những chỉ dẫn cần thiết để nhân viên hiểu rõ trách nhiệm, đóng góp sức lực của mình trong công việc. Hoạt động của cán bộ quản lý là giải quyết những vấn đề chung, đảm bảo cho sự phát triển của cả hệ thống. Vì vậy, sự phát triển của từng cơ quan phụ thuộc chủ yếu vào chất lượng đội ngũ cán bộ quản lý.

Về phẩm chất chính trị

Người cán bộ quản lý thư viện phải có những phẩm chất và yêu cầu bắt buộc để thực hiện tốt công tác quản lý, đó là: “Phải có quan điểm, lập trường và bản lĩnh chính trị vững vàng, kiên định; nắm được đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng và nhà nước trong từng giai đoạn. Có khả năng tự hoàn thiện, tự đánh giá kết quả công việc của bản thân, đánh giá con người mà mình quản lý theo tiêu chuẩn chính trị, biết biến nhận thức chính trị của mình thành nhận thức của mọi người, tạo được lòng tin và lôi cuốn mọi người tham gia”.

Về phẩm chất đạo đức và tác phong

Cần kiệm liêm chính, chí công vô tư, không tham nhũng và kiên quyết chống tham nhũng, có ý thức tổ chức kỷ luật, không cơ hội, trung thực, dám nhận trách nhiệm và hoàn thành trách nhiệm của mình. Có ý chí và nghị lực vượt qua mọi khó khăn và thử thách, kiên định đối với mục tiêu đã đề ra để hoàn thành tốt nhiệm vụ. Có tác phong đúng mực, gắn bó mật thiết với quần chúng.

Đạo đức là chuẩn mực về phẩm chất con người. Tác phong thể hiện thông qua các phương pháp và nghệ thuật ứng xử để thực hiện nhiệm vụ. Đây chính là yêu cầu không thể thiếu của người cán bộ quản lý nguồn nhân lực thư viện.

Về hiểu biết xã hội và pháp luật

Người cán bộ quản lý phải có kiến thức, hiểu và nắm bắt được luật pháp, đặc biệt là những ngành luật có liên quan đến chuyên môn ngành nghề của mình quản lý. Ở mỗi vị trí khác nhau, đòi hỏi các cán bộ quản lý phải hiểu biết, có kiến thức về luật pháp ở vị trí, tránh vi phạm pháp luật trong quá trình làm việc, như: nắm chắc pháp lệnh thư viện, luật sở hữu trí tuệ…

Về chuyên môn nghiệp vụ

Người quản lý nguồn nhân lực phải là người am hiểu chuyên môn nghiệp vụ thư viện, có tư duy khoa học, đủ tri thức quản lý ngành nghề chuyên môn của mình. Nhìn nhận quá trình vận động và phát triển của các bộ phận, điều hành tạo ra sự thống nhất trong mọi hoạt động của thư viện, đồng thời phải xác định các khâu then chốt trong từng giai đoạn phát triển. Có kỹ năng hoạch định chiến lược phát triển ngành nghề đúng hướng, tổ chức mục tiêu quản lý ngành một cách hiệu quả nhất. Cần có năng lực tổ chức, quản lý một cách khoa học, có kỹ năng trình bày suy nghĩ của mình một cách lôgic và khái quát hóa. Nắm vững các phương pháp, nguyên tắc trong quản lý để áp dụng vào thực tiễn mỗi thư viện, nhằm đạt được mục đích và đạt được hiệu quả cao nhất.

Về năng lực cá nhân

Có khả năng quan sát, nắm bắt được vấn đề, tìm cách giải quyết được vấn đề một cách tốt nhất. Trong cách thức tổ chức quản lý, yêu cầu người cán bộ quản lý thư viện phải là người biết lắng nghe ý kiến của tập thể, công bằng trong mọi công việc, dám nghĩ dám làm, sẵn sàng chuyển giao và chia sẻ sự hiểu biết với mọi người, biết hy sinh lợi ích cá nhân, vì lợi ích của tập thể.

Có năng lực dự báo và định hướng phát triển, tổng kết thực tiễn; có năng lực tổ chức thực hiện  đường lối, chính sách vào cuộc sống một cách có hiệu quả.

Có giác quan tinh tế trong quan sát và đánh giá đúng người, đúng sự vật, biết sử dụng và phân công công việc đúng người, đúng sự vật, hiểu tâm tư, nguyện vọng của quần chúng, phát hiện, đánh giá đúng dư luận để điều chỉnh hoạt động quản lý của mình.

Có khả năng nhìn xa, trông rộng và đặc biệt có năng lực sáng tạo để tìm ra cái mới, cách giải quyết mới…

Có thể lực tốt, hệ thần kinh vững vàng, đủ bình tĩnh sáng suốt trước mọi công việc, kể cả khi gặp những tình huống đặc biệt.

Về kỹ năng

Kỹ năng thực hành: là khả năng sử dụng tri thức, các phương pháp kỹ thuật và thiết bị cần thiết cho việc thực hiện các nhiệm vụ nhất định có được từ kinh nghiệm giáo dục và đào tạo.

Kỹ năng làm việc với con người: là năng lực và cách nhìn khi làm việc với con người và thông qua con người, bao gồm cả cách thức động viên, thúc đẩy và áp dụng phương pháp lãnh đạo hữu hiệu. Ở đây, người cán bộ quản lý thư viện còn phải hiểu biết về các cán bộ dưới quyền quản lý của mình: về trình độ, khả năng chuyên môn, tin học, ngoại ngữ và hoàn cảnh gia đình. Từ những hiểu biết đó, người cán bộ quản lý mới có thể phân công, điều động nhân sự đúng người đúng việc và có chế độ đãi ngộ hợp lý.

Kỹ năng nhận thức: là khả năng hiểu được sự phức tạp, biết được vị trí mà hoạt động riêng của nó phù hợp với hệ thống thư viện – thông tin. Tri thức này cho phép người ta hoạt động theo các mục tiêu của toàn thể hệ thống thư viện chứ không phải chỉ trên cơ sở mục đích và nhu cầu của một nhóm nhất thời.

Kỹ năng làm việc theo nhóm: bên cạnh việc nâng cao trình độ quản lý, người cán bộ quản lý thư viện phải không ngừng nâng cao trình độ chuyên môn, phương pháp quản lý, tạo điều kiện cho đội ngũ cán bộ thư viện học hỏi và luôn được tiếp cận với nguồn tri thức mới. Phải khuyến khích các sáng kiến, các kinh nghiệm của cán bộ cấp dưới, phải biết phân tích hoạt động của các bộ phận chức năng, phát huy những khả năng tiềm ẩn trong đội ngũ cán bộ.

Kỹ năng giao tiếp: Người quản lý cần phải có năng lực về tổ chức quản lý, có khả năng giao tiếp rộng rãi, tập hợp được mọi người ở mức độ cao, có đầu óc sáng tạo.   

Có thể nói, vai trò của quản lý nguồn nhân lực thư viện cũng như yêu cầu đặt ra cho người cán bộ quản lý là một trong những vấn đề cấp bách cần đề cập tới trong cơ quan thông tin – thư viện nói chung và trong hệ thống của từng thư viện nói riêng.

Nguồn : Tạp chí VHNT số 386, tháng 8-2016

Tác giả : NGUYỄN THANH THỦY

Đánh giá post

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *