Xây dựng ý thức bảo vệ môi trường sinh thái cho thanh niên

Nhân loại hiện đã và đang phải đối mặt với hàng loạt vấn đề cấp bách mang tính toàn cầu. Một trong số đó là vấn đề môi trường sống. Nhiều tổ chức quốc tế, nguyên thủ quốc gia và các nhà khoa học trên thế giới đã lên tiếng cảnh báo về mức độ nghiêm trọng, sự tiếp tục gia tăng theo chiều hướng xấu của những vấn đề môi trường. Do đó, xây dựng ý thức bảo vệ môi trường sinh thái để bảo đảm cho sự phát triển bền vững của đất nước là trách nhiệm của toàn xã hội, trong đó thanh niên đóng vai trò là lực lượng tiên phong.

Môi trường sống là ngôi nhà chung của con người, những vấn đề môi trường hiện nay dù lớn hay nhỏ, dù xảy ra ở nơi này hay nơi khác, đã và đang tác động một cách trực tiếp hoặc gián tiếp đến mỗi người, mỗi cộng đồng và quốc gia, dân tộc. Vì thế, nó là một vấn đề mang tính chất toàn cầu và bảo vệ môi trường trở thành mối quan tâm chung của tất cả mọi người, của các tổ chức xã hội, cũng như các quốc gia trên thế giới. Thực tế cho thấy, nếu những vấn đề môi trường sinh thái tiếp tục gia tăng cả về phạm vi, quy mô và tính chất… mà không được ngăn chặn, khắc phục kịp thời sẽ ảnh hưởng rất lớn đến chất lượng cuộc sống con người, đến sự tồn tại và phát triển của cả cộng đồng, quốc gia. Do đó, nhiệm vụ bảo vệ môi trường sinh thái trở thành mục tiêu và định hướng cho hoạt động chính trị của toàn nhân loại, không loại trừ một quốc gia nào.

Xây dựng ý thức bảo vệ môi trường sinh thái cho thanh niên trong bối cảnh hiện nay là hoạt động có mục đích, có tổ chức của các cơ quan chức năng, ban ngành và chính bản thân mỗi thanh niên. Đó là hoạt động phối hợp nhịp nhàng cùng tạo ra sự thống nhất về tư tưởng nhận thức và hành động. Không có hoạt động giáo dục tuyên truyền để làm chuyển biến nhận thức hành động của con người nói chung và của thanh niên nói riêng thì không xây dựng được ý thức bảo vệ môi trường sinh thái cho thanh niên, có chăng chỉ mang tính hình thức, xuôi chiều, gượng ép. Xây dựng ý thức bảo vệ môi trường sinh thái của thanh niên trong giai đoạn hiện nay là xây dựng thái độ, niềm tin, tình cảm và cả hoạt động thực tiễn của thanh niên. Đây là một quá trình lâu dài, phải có chiến lược cụ thể và thực hiện thường xuyên, ý thức đó phải ăn sâu, bám rễ vào trong tiềm thức của mỗi thanh niên, để đến khi thấy những hiện tượng sai trái, thôi thúc mỗi thanh niên hành động.

Trong thời gian qua, thanh niên đã tích cực, chủ động tham gia có hiệu quả vào việc bảo vệ môi trường sinh thái, đặc biệt là các bạn sinh viên ở các trường cao đẳng, đại học đã có ý thức, trách nhiệm tuyên truyền, giáo dục các tầng lớp nhân dân bảo vệ môi trường, tham gia các chiến dịch mùa hè xanh, hưởng ứng giờ trái đất… Các hoạt động tuyên truyền được thực hiện tốt thông qua cổ động, phát tờ rơi, tập huấn, thi tìm hiểu kiến thức về bảo vệ môi trường và hưởng ứng Ngày Môi trường thế giới và Năm quốc tế về rừng 2011, Ngày thanh niên hành động vì môi trường cấp quốc gia được tổ chức tại Bắc Kạn. Bên cạnh đó, tổ chức nhiều hoạt động có ý nghĩa như: Diễu hành cổ động, thành lập đội thanh niên tình nguyện trồng cây xanh giúp gia đình chính sách và gắn biển công trình thanh niên được Trung ương Đoàn, Bộ Tài nguyên và Môi trường ghi nhận, đánh giá cao. Để xây dựng ý thức bảo vệ môi trường sinh thái cho thanh niên trong giai đoạn hiện nay cần thực hiện có hiệu quả một số nội dung, biện pháp cơ bản sau:

Thường xuyên tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức cho thanh niên về sự cần thiết xây dựng ý thức bảo vệ môi trường sinh thái

Nhiệm vụ bảo vệ môi trường chỉ có thể được thực hiện thành công khi có sự hưởng ứng và tham gia tích cực của các cá nhân, tổ chức trong cộng đồng xã hội. Nhưng để có hành động đúng trong việc bảo vệ, giải quyết các vấn đề môi trường, trước hết thanh niên cần phải có nhận thức đúng đắn, từ đó, mới có thái độ ứng xử phù hợp, có ý thức bảo vệ môi trường và tích cực, tự giác trong các hoạt động bảo vệ môi trường. Sự hình thành ý thức bảo vệ môi trường của thanh niên phụ thuộc rất lớn vào công tác giáo dục và việc nâng cao nhận thức của các cơ quan, chức năng, ban ngành về môi trường. Giáo dục môi trường được coi là một quá trình thường xuyên giúp cho thanh niên có ý thức về môi trường, những tri thức, kinh nghiệm và kỹ năng… cho phép họ nhận thức và giải quyết các vấn đề môi trường.

Nhiệm vụ căn bản, đầu tiên của công tác giáo dục môi trường là phải làm cho thanh niên thấy được tầm quan trọng không thể thay thế của môi trường đối với sự tồn tại và phát triển ở hiện tại, cũng như trong tương lai của họ. Thông qua các hình thức, phương tiện giáo dục (ví dụ qua các phương tiện thông tin đại chúng như sách báo, đài, truyền hình và giáo dục trong nhà trường…) cần làm cho thanh niên có được những tri thức, sự hiểu biết cần thiết về môi trường thiên nhiên, về mối liên hệ chặt chẽ và sự tác động qua lại giữa các yếu tố môi trường cũng như giữa tự nhiên, con người và xã hội. Trước mắt, cần tập trung trang bị cho thanh niên những tri thức cơ bản, cung cấp cho họ những thông tin dưới dạng phổ biến, dễ hiểu và thường xuyên về môi trường để họ có thể vận dụng giải quyết những vấn đề môi trường ngay tại địa phương. Khi đó, họ sẽ tự giác hạn chế, loại bỏ dần các thói quen, tập tục cũ, đấu tranh ngăn chặn các hành vi có hại cho môi trường. Nhà trường và gia đình đóng vai trò quan trọng trong việc giáo dục môi trường. Vì vậy, cần đưa các nội dung giáo dục môi trường vào trường học. Học sinh không chỉ được coi như một bộ phận của đối tượng cần được giáo dục, truyền đạt tri thức về môi trường mà phải thấy ở lực lượng đó vai trò khuếch tán, lan tỏa và quảng bá những tri thức tiếp nhận được từ trong trường học vào đời sống xã hội ngay tại nơi sinh sống. Đó là một trong những con đường xã hội hóa, phổ biến rộng rãi các tri thức về môi trường – cơ sở hình thành ý thức bảo vệ môi trường, làm dấy lên những phong trào quần chúng tham gia bảo vệ môi trường.

Giáo dục ý thức chấp hành pháp luật bảo vệ môi trường sinh thái cho thanh niên

Luật bảo vệ môi trường đã khẳng định quyền con người được sống trong môi trường trong lành, nhưng trên thực tế, việc bảo đảm thực hiện quyền đó lại phụ thuộc đáng kể vào chính thái độ tôn trọng và thực thi Luật bảo vệ môi trường của mỗi người dân nói chung và thanh niên nói riêng. Ở đây, điều quan trọng là ý thức pháp luật của công dân. Ý thức pháp luật thể hiện sự nhận thức của công dân và thái độ của họ đối với các quy định của pháp luật. Cho nên, ý thức càng được nâng cao thì thái độ tôn trọng pháp luật, tự giác xử sự theo yêu cầu của pháp luật càng được bảo đảm. Vì vậy, để pháp luật về bảo vệ môi trường được thực hiện nghiêm chỉnh cần có những biện pháp bồi dưỡng, giáo dục nhằm nâng cao nhận thức về môi trường, cũng như khơi gợi tình yêu thiên nhiên của thanh niên.

Đổi mới nội dung, hình thức, biện pháp tuyên truyền về xây dựng ý thức bảo vệ môi trường sinh thái cho thanh niên

Hiện nay, với sự phát triển mạnh mẽ của cuộc cách mạng khoa học và công nghệ hiện đại, lượng thông tin cung cấp đến cho thanh niên nhiều hơn, với nội dung phong phú, đa dạng hơn. Do vậy, nội dung xây dựng ý thức bảo vệ môi trường sinh thái cho thanh niên cũng phải được cập nhật, bổ sung cho phù hợp với tình hình thực tế của đất nước. Những nội dung đó phản ánh được yêu cầu bức thiết của người dân, liên quan đến cuộc sống sinh hoạt hàng ngày của họ như: vấn đề ô nhiễm nguồn nước, ô nhiễm không khí… do khai thác bừa bãi nguồn tài nguyên thiên nhiên. Về hình thức, có thể thông qua quá trình học tập, công tác và một số hoạt động kể chuyện, tiểu phẩm, đóng phim, dã ngoại, các cuộc thi tìm hiểu, lao động tình nguyện… hay những cá nhân, tổ chức điển hình có hành động tích cực đối với môi trường để xây dựng ý thức bảo vệ môi trường sinh thái cho thanh niên.

Nâng cao ý thức trách nhiệm của các nhà quản lý đối với việc bảo vệ môi trường

Đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và thực hiện chiến lược phát triển bền vững là sự nghiệp chung của toàn dân. Trong quá trình đó, xét về mặt bảo vệ môi trường, việc đẩy mạnh giáo dục nâng cao nhận thức cho thanh niên là cực kỳ quan trọng. Song, để giúp cho thanh niên có những nhận thức đúng và những hành động tích cực trong việc bảo vệ môi trường, tạo nền tảng cho sự phát triển bền vững của cả cộng đồng, cần phải có một đội ngũ những nhà quản lý có trình độ. Lực lượng xã hội này chính là những người hoạch định, tổ chức và quản lý việc thực hiện các chủ trương, chính sách phát triển kinh tế – xã hội cụ thể của địa phương. Họ là những người chịu trách nhiệm hướng dẫn nhân dân thực hiện các quy định của nhà nước về bảo vệ môi trường được pháp chế hóa trong các Luật và văn bản dưới luật. Việc xây dựng đội ngũ cán bộ quản lý và nâng cao trình độ nhận thức về môi trường cho họ, đặc biệt là lực lượng cán bộ ở các cơ sở thôn, bản… rất quan trọng. Vai trò của những già làng, trưởng bản trong đời sống kinh tế – văn hóa – xã hội khá rõ nét và có ảnh hưởng lớn đến hoạt động bảo vệ môi trường. Kinh nghiệm sống và uy tín của họ cần được củng cố, bổ sung bằng những nhận thức mới về môi trường.

Phát triển bền vững là một trong những chiến lược phát triển căn bản nhất của các quốc gia, dân tộc trong điều kiện hiện nay. Sự phát triển theo khuynh hướng đó vừa đảm bảo thực hiện mục tiêu tăng trưởng kinh tế, vừa đáp ứng yêu cầu bảo vệ môi trường sinh thái. Nhưng, để đạt được mục tiêu đó, yêu cầu trước mắt là phải xây dựng ý thức bảo vệ môi trường cho các tầng lớp nhân dân, trong đó có thanh niên, tạo tiền đề cho sự phát triển bền vững. Muốn vậy, phải sử dụng một loạt biện pháp đồng bộ, trong đó, đẩy mạnh giáo dục, nâng cao nhận thức cho thanh niên các vấn đề về môi trường và bảo vệ môi trường là giải pháp có ý nghĩa quyết định.

Nguồn : Tạp chí VHNT số 390, tháng 12-2016

Tác giả : PHẠM THỊ LÊ NGỌC

Đánh giá post

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *