Đời sống tôn giáo trong giáo phận thái bình

Thái Bình là nơi tập trung ba tôn giáo lớn được Nhà nước công nhận là Phật giáo, Công giáo và Tin lành. Trong đó, đời sống tôn giáo của đồng bào theo Công giáo đã có những bước phát triển tích cực về cả vật chất lẫn tinh thần, phù hợp với chủ trương, chính sách, pháp luật của Đảng và Nhà nước cũng như đường hướng hoạt động của đạo. Với mục đích nhìn nhận, phân tích một cách khách quan, toàn diện về đời sống tôn giáo của đồng bào giáo dân trong giáo phận Thái Bình, bài viết tập trung vào ba khía cạnh cụ thể: niềm tin tôn giáo, thực hành niềm tin tôn giáo và cộng đồng tôn giáo.

1. Niềm tin tôn giáo

Giáo phận Thái Bình chính thức được tòa thánh Vatican thành lập năm 1936, được tách ra từ một phần của giáo phận tông tòa Bùi Chu, giao cho dòng Đa Minh coi sóc. Theo đó, giáo phận Thái Bình bao gồm toàn bộ tỉnh Thái Bình và một phần của tỉnh Hưng Yên với tổng diện tích là tích 2.220 km2, được tính từ giáo xứ An Vĩ huyện Khoái Châu, Hưng Yên đến bờ biển Đồng Châu, huyện Tiền Hải, Thái Bình.

Hiện nay, giáo phận Thái Bình là một trong 10 giáo phận thuộc giáo tỉnh Hà Nội, gồm giáo hạt Đông Hưng, Hưng Yên, Kiến Xương, Thái Thụy, thành phố Thái Bình, Tiền Hải, với 102 giáo xứ, 11 dòng tu và 3 tu đoàn tông đồ. Tính đến năm 2015, giáo phận Thái Bình có 129.810 người sinh hoạt trên địa bàn của 305 giáo họ, thuộc 102 xứ đạo của 6 giáo hạt. Toàn bộ giáo phận có 62 linh mục coi sóc (1).

Giáo dân thuộc giáo phận Thái Bình chủ yếu làm nghề nông, một số làm ngư nghiệp, buôn bán nhỏ lẻ. Trong những năm gần đây, đời sống của giáo dân không ngừng được cải thiện, trình độ dân trí được nâng lên rõ rệt, trong quan hệ cộng đồng không còn khoảng cách giữa đồng bào theo và không theo đạo. Quan niệm về đạo và đời đã có những chuyển biến tích cực, đồng bào quan tâm đến cuộc sống trần thế bên cạnh đời sống đạo, tự vươn lên tiếp cận với khoa học, kỹ thuật tiến bộ để xây dựng cuộc sống thiên đường ngay tại trần thế (2). Trong các ngày lễ trọng, lễ thường, giáo dân tham dự thánh lễ và lĩnh nhận các bí tích rất đông đảo. Tuy nhiên, về mặt sống đạo, thực hành đạo, hiểu biết về chúa Giêsu, tin mừng, giáo hội, giáo lý… còn nhiều hạn chế, thiếu chiều sâu, nặng về hình thức… (3).

Các chỉ báo về niềm tin đối với thiên đàng, địa ngục và nơi luyện tội là những chỉ báo cho thấy mức độ niềm tin của giáo dân giáo phận Thái Bình. Kết quả điều tra năm 2015 cho thấy, có 98,7% giáo dân tin vào thiên đàng là nơi sau khi con người qua đời được thiên chúa rước lên, nếu người đó có đạo đức, sự sốt sắng đạo; 97,3% tin có địa ngục và 98,7% tin có nơi luyện ngục.

Bên cạnh đó, mức độ niềm tin tôn giáo còn thể hiện ở một số chỉ báo khác như: tin thiên chúa ba ngôi là đấng toàn năng (96,5%), loài người được sinh bởi chúa (95,7%), tội tổ tông truyền (90,7%), phép thánh thể để hiệp thông với chúa (100%), ngày tận thế (94,4%), quỷ dữ (41,8%), đức mẹ hiện ra (97,6%), phép lạ (90,7%), số phận (52,9%), cuộc sống trên thiên đàng (88,3%). Như vậy, nhiều tín điều thuộc giáo lý Công giáo được giáo dân Thái Bình xác tín với một tỷ lệ rất cao.

Giáo dân không chỉ thể hiện niềm tin với những điều nêu trên, mà còn thể hiện trong việc không tin hoặc tỷ lệ tin rất thấp vào những điều ngoài giáo lý như tử vi, hầu đồng, cầu phật và các thần linh khác, gọi hồn, cúng bái khi có tai ương, bệnh tật…

Giáo sĩ nói chung có vai trò, vị trí rất lớn đối với giáo hội, giáo dân và các luật lệ của giáo hội. Khi xảy ra các vụ việc gây rối, các hành vi quá khích, nhiều linh mục đã thể hiện rõ thái độ phản đối với các hành gây phức tạp về an ninh trật tự, đồng thời vận động giáo dân không tham gia vào các vụ biểu tình gây rối. Các giáo sĩ Công giáo Thái Bình không chỉ chấp hành tốt các chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước mà còn tích cực vận động giáo dân nghiêm chỉnh thực hiện các chủ trương, pháp luật của nhà nước, đặc biệt là trong vấn đề khiếu nại tố cáo.

Người Công giáo vừa là giáo dân vừa là công dân. Bên cạnh các hoạt động đạo, họ còn tham gia vào các công tác chính quyền, công tác đoàn thể, mặt trận ở địa phương… khi có điều kiện. Từ năm 2000 – 2014, toàn tỉnh kết nạp thêm 257 đảng viên là những người theo đạo, nâng tổng số đảng viên người giáo lên 669 đồng chí. Trong các cuộc bầu cử HĐND các cấp đã có 612 lượt các chức sắc, giáo dân đạo Công giáo trúng cử. Riêng khóa 2010 – 2015, có 1 linh mục là đại biểu HĐND tỉnh, 6 đại biểu HĐND huyện, thành phố, 213 đại biểu HĐND xã, phường, thị trấn, 2 linh mục là ủy viên Ủy ban MTTQ tỉnh, 2 linh mục là ủy viên Ủy ban MTTQ huyện, thành phố…

2. Thực hành niềm tin tôn giáo

Tỷ lệ giáo dân tham gia lễ trọng một cách đầy đủ chiếm 90,4%, do điều kiện đi làm ăn xa nên nhiều người không có điều kiện tham dự một số buổi lễ chúa nhật. Theo khảo sát, tỷ lệ giáo dân đến lễ hàng ngày ở nhà thờ chiếm tới 42,8%, thỉnh thoảng đến lễ chiếm 55,1%. Lòng mộ đạo, sự sốt sắng đạo còn thể hiện ở việc người giáo dân cầu nguyện hàng ngày tại gia đình, chiếm tỷ lệ 56,6%. Những người đi làm ăn xa, không có điều kiện cùng gia đình cầu nguyện thường xuyên chiếm 42,1%.

Các hội đoàn Công giáo được thành lập nhằm phát huy được vai trò hướng dẫn, vận động đồng bào giáo dân sống tốt đời, đẹp đạo, tránh bị lôi kéo vào các hoạt động chống lại lợi ích của dân tộc(4). Giáo phận Thái Bình khuyến khích việc đoàn thể hóa giáo dân, mỗi người nên tham gia vào một đoàn thể thích hợp trong giáo xứ. Qua đoàn thể, mọi người được sống hiệp thông với nhau hơn, linh mục có thể phục vụ mọi thành phần dân chúa một cách hiệu quả và thiết thực hơn.

Trong giáo phận Thái Bình, giáo dân tích cực tham gia, hưởng ứng các phong trào tự phòng, tự quản, tự bảo vệ, xây dựng các mô hình địa bàn, dòng họ, họ giáo không có ma túy; thôn, xóm, tổ dân phố, họ giáo tự quản an ninh trật tự, tổ tự quản an toàn giao thông. Tính đến 2014, toàn tỉnh đã xây dựng được 2.099 mô hình với 10 loại khác nhau, trong đó 78 xã điểm nông thôn mới đang duy trì hoạt động 743 mô hình. Nhiều mô hình hoạt động hiệu quả cao đã được các cấp khen thưởng như mô hình dòng họ đoàn kết – văn hóa – an toàn ở xã Đồng Phú (Đông Hưng), tự quản an ninh trật tự ở xã Quỳnh Hải (Quỳnh Phụ), Thụy Trình (Thái Thụy), khu dân cư tự quản ở Bình Định (Kiến Xương), địa bàn không có ma túy ở thôn Tiền Phong, xã Vũ Tây (Kiến Xương)… Hiện nay các mô hình tự quản, tự phòng, tự bảo vệ được duy trì hoạt động có hiệu quả và tiếp tục được tổ chức nhân rộng. Toàn tỉnh Thái Bình đã có 194 xứ, họ đạo đạt tiêu chuẩn họ giáo 4 gương mẫu. Trong lĩnh vực kinh tế, đồng bào Công giáo luôn phát huy truyền thống yêu lao động, cần cù, nhiều hộ có thu nhập cao giúp đỡ hộ khác thoát nghèo.

Giáo phận Thái Bình thể hiện tinh thần trách nhiệm đối với xã hội, cộng đồng bằng việc ra các thông cáo khuyên răn linh mục, nam nữ tu sĩ và giáo dân tham gia hoạt động xã hội như tích cực đi bầu cử, bài trừ ma túy, rượu chè, cờ bạc, đốt pháo, thả đèn trời và các tệ nạn xã hội khác.

3. Cộng đồng tôn giáo

Trong giáo phận Thái Bình, đứng đầu là giám mục cùng một tổ chức điều hành gồm có Hội đồng tư vấn, Hội đồng linh mục, Hội đồng kinh tế, Hội đồng mục vụ và nhiều ban ngành khác.

Hội đồng tư vấn có mục tiêu làm ban tham mưu trực tiếp bên cạnh giám mục trong việc cai quản và điều hành giáo phận. Ở giáo phận Thái Bình, Hội đồng tư vấn thường xuyên họp vào  tuần đầu tháng để thống nhất đưa ra những định hướng cần triển khai trong dịp tĩnh tâm tháng. Ngoài ra, vào những dịp đặc biệt, giám mục cũng họp Hội đồng tư vấn để cùng nhau bàn thảo, lên kế hoạch thực hiện các công việc. Hội đồng này gồm có linh mục tổng đại diện, các linh mục trưởng hạt, các chủ tịch hội đồng và giám đốc chủng viện.

Hội đồng linh mục của giáo phận biểu lộ sự liên kết phẩm trật giữa giám mục với các linh mục, cổ vũ sự đoàn kết và đối thoại giữa các linh mục, thu thập tin tức rộng rãi hơn về tình hình giáo phận, thiết lập các dự án tông đồ có kế hoạch hơn. Tuy vậy, Hội đồng linh mục chỉ có quyền tư vấn cho giám mục. Giám mục giáo phận phải tham khảo ý kiến của hội đồng trong những việc quan trọng, nhưng chỉ cần sự đồng ý của Hội đồng linh mục trong những trường hợp mà luật đã minh nhiên ấn định (5).

Hội đồng kinh tế có mục tiêu tham vấn cho giám mục trong trách nhiệm quản lý tài chính về mặt giáo luật trên toàn giáo phận. Hàng năm, theo chỉ thị của giám mục, hội đồng phải chuẩn bị ngân sách các khoản thu chi dự trù cho việc chung của giáo phận trong năm tới và cuối năm phải chứng thực sổ thu chi. Thành viên gồm: chủ tịch của các hội đồng (tư vấn, linh mục, mục vụ), hai linh mục (có chuyên môn); ba chuyên viên giáo dân (không làm chủ tịch).

Hội đồng mục vụ có nhiệm vụ tư vấn cho giám mục trong việc nghiên cứu, cân nhắc và đề ra những đường hướng kế hoạch cụ thể trong việc mục vụ. Ngoài ra, hội đồng mục vụ còn có các mục tiêu khác như liên kết các thành viên qua việc cầu nguyện, học hỏi, chia sẻ những suy tư để trở nên dấu chỉ và chứng tỏ cho sự hiệp nhất trong giáo phận, lắng nghe tiếng nói xây dựng giáo hội tại các giáo hạt, giáo xứ khác nhau. Hội đồng mục vụ còn xác định nhu cầu, niềm hy vọng, mơ ước của người tín hữu và đề nghị các ưu tiên. Thành phần hội đồng mục vụ gồm: chủ tịch của hội đồng tư vấn, hội đồng linh mục, hội đồng kinh tế, tổng đại diện, giám đốc chủng viện, chưởng ấn, quản lý giáo phận, văn phòng tòa giám mục, các linh mục quản hạt, trưởng khối, đặc trách các ban ngành, đại diện dòng nam, nữ (1 nam – 2 nữ), đại diện giáo dân: chủ tịch và phó chủ tịch của 6 hội đồng giáo xứ cấp hạt.

Các khối ban ngành gồm khối ơn gọi, giáo lý, phụng tự, đoàn thể, phục vụ.

Khối ơn gọi có ban ơn gọi phụ trách, đưa ra những đường hướng cụ thể trong việc cổ vũ, vun trồng ơn gọi linh mục và tu sĩ trong giáo phận; tuyển chọn, tổ chức và điều hành việc đào tạo tu sinh; thẩm định ơn gọi của từng người hàng năm theo ba lời khuyên Phúc Âm: khiết tịnh, khó nghèo, vâng lời; và bốn chiều kích: nhân bản, thiêng liêng, trí thức; mục vụ theo tông huấn    Pastores Dabo Vobis; giới thiệu ứng viên vào chủng viện cũng như các học viện tương đương; giới thiệu ứng viên vào các hội dòng và tu đoàn tông đồ; lên chương trình, kế hoạch đào tạo đầy đủ cho từng giai đoạn.

Khối giáo lý, tổ chức mục vụ huấn giáo được coi là việc ưu tiên của giám mục nên phong trào học hỏi giáo lý trong giáo phận được đặc biệt coi trọng. Đứng đầu là ban giáo lý, có một ban thường vụ gồm trưởng ban, phó trưởng ban và các ủy viên, họp mỗi tháng một lần để lên kế hoạch chương trình huấn giáo… Ngoài cơ cấu tổ chức chung, ban giáo lý cấp giáo phận còn có các tiểu ban như khai tâm và rước lễ lần đầu, thêm sức và bao đồng, hôn nhân và gia đình, tân tòng và truyền giáo, đào tạo giáo lý viên. Mỗi tiểu ban đều có một linh mục đặc trách.

Khối phụng tự phụ trách tất cả mọi hoạt động liên quan đến nghi lễ phục vụ trong và ngoài nhà thờ như cử hành các bí tích, cầu nguyện, tĩnh tâm, hành hương, thánh lễ, dẫn lễ, giúp lễ, đọc sách, trang trí nhà thờ, bàn thờ, âm thanh, ánh sáng, ca đoàn, trật tự, vệ sinh môi trường… Khối phụng tự gồm ban ca đoàn, giúp lễ, quản xướng kinh, chuông, quét dọn nhà thờ, khánh tiết, âm thanh, ánh sáng, thánh nhạc, trang trí, trật tự, vệ sinh môi trường. Mỗi ban đều có tổ chức riêng, dưới quyền điều hành của ủy viên khối phụng tự thuộc hội đồng giáo xứ.

Khối đoàn thể bao gồm các ban: giới trẻ và sinh viên học sinh, gia đình, di dân, công nhân lao động, doanh nhân, gia đình trẻ và các hội đạo đức như: huynh đoàn giáo dân Đa Minh, gia trưởng, hiền mẫu, Têrêsa, Maria Lêgiô, hội cầu nguyện, hội khấn… Mỗi hội đoàn đều có một linh mục đặc trách, có tôn chỉ hoạt động riêng, tổ chức mừng lễ bổn mạng và thường huấn hàng năm theo cấp giáo phận.

Khối phục vụ được thành lập để phục vụ giáo xứ và giáo phận trong các lĩnh vực tông đồ       như: truyền giáo, bác ái xã hội, gia đình, y tế, trường học, văn nghệ, âm nhạc, thể thao, phim ảnh, nghệ thuật đạo đời… Trải theo dòng lịch sử các giáo xứ, đây là khối được hình thành sớm, gồm: ban trống, ban trắc, ban kèn, hội mai táng. Các ban này được thành lập để cổ vũ đời sống đức tin nơi các giáo xứ qua việc phục vụ các ngày đại lễ, rước kiệu và ma chay. Trong số đó, ban kèn phát triển mạnh hơn nhờ vào sự phong phú và đa dạng của nó. Ngoài việc phục vụ trong các dịp đại lễ, rước kiệu và ma chay, ban kèn còn góp phần làm cho các sinh hoạt trong các xứ họ trở nên sống động hơn. Cho đến nay, hầu hết giáo xứ đều có các đoàn kèn phục vụ. Nhiều giáo xứ lớn có tới 2 – 3 ban kèn như Trung Đồng, Bác Trạch, Thượng Phúc, Cam Châu, Phương Xá…; các đội trống lớn có Hoàng Xá, Bồng Tiên. Gần đây, tổ chức từ thiện Caritas trong giáo tỉnh đã nhóm họp tại chủng viện Mỹ Đức – Thái Bình và chọn nơi này làm trụ sở. Sự hiện diện của tổ chức Caritas đã mở ra một triển vọng mới cho sự thăng tiến của khối ngành phục vụ trong giáo phận.

Có thể thấy, giáo phận Thái Bình là một giáo phận có đời sống đức tin đậm đặc với các sinh hoạt tôn giáo sôi nổi. Các tổ chức, đoàn thể, chính quyền nhà nước đóng vai trò quan trọng trong việc phát huy các giá trị đạo đức Công giáo, củng cố mối quan hệ tốt đẹp giữa chính quyền và cộng đồng Công giáo Thái Bình. Nhờ mối quan hệ tốt đẹp này, chức sắc và giáo dân tin tưởng, chấp hành tốt mọi chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước, tích cực tham gia các phong trào văn hóa, xã hội ở địa phương. Đồng thời, chính quyền đã làm tốt vai trò đoàn kết tôn giáo, đoàn kết dân tộc để cùng cộng đồng Công giáo xây dựng một đời sống mạnh về kinh tế, tốt đẹp về văn hóa, ổn định về an ninh, xã hội.

____________

1. Thống kê của Tòa Giám mục Thái Bình.

2. Tỉnh ủy Thái Bình – Ban Dân vận, Báo cáo đề tài công tác tôn giáo với nhiệm vụ bảo vệ an ninh tổ quốc ở Thái Bình trong thời kỳ mới, tháng 7 – 2001, tr.28 – 30.

3, 5. Tòa Giám mục Thái Bình, Kỷ yếu Giáo phận Thái Bình, tháng 10 – 2011, tr.441, 61.

4. Nguyễn Hồng Dương, Hội đoàn Công giáo: Lịch sử và hiện tại, Tạp chí Nghiên cứu Tôn giáo, số 4, 2003, tr.44 – 51.  

Nguồn : Tạp chí VHNT số 395, tháng 5-2017

Tác giả : HÀ XUÂN BÀN

Đánh giá post

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *