Nâng cao năng lực cán bộ bảo quản ở thư viện tỉnh đồng bằng sông cửu long

Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) là vùng đồng bằng rộng lớn, đa dạng về sinh thái, hiện có 4 dân tộc chủ yếu cùng chung sống, gồm: Kinh, Khơ me, Chăm, Hoa. Sự giao thoa văn hóa của các dân tộc đã tạo nên nét đặc trưng của vùng này về ngôn ngữ, kỹ thuật canh tác nông nghiệp, trang phục, ẩm thực… đặc biệt là nguồn di sản thư tịch của các dân tộc, trong đó nổi bật nhất có sách lá buông của dân tộc Khơ me và các tài liệu dạng giấy với các nội dung về lịch sử, văn hóa, kinh tế, sản vật, nhân vật… của vùng ĐBSCL. Các tài liệu dạng giấy này hiện đang được lưu giữ trong các thư viện tỉnh thuộc khu vực, được xem như nguồn di sản thư tịch quý giá của địa phương nói riêng và của dân tộc nói chung.

1. Vài nét về ĐBSCL

ĐBSCL có diện tích lớn, khá bằng phẳng, rất đa dạng về sinh thái. Có vùng phù sa phì nhiêu, núi, rừng, sông rạch chằng chịt và giáp biển. Vùng đất này ôm trọn phần đất của 13 tỉnh, thường gọi là các tỉnh miền Tây Nam Bộ. ĐBSCL là địa bàn quan trọng về kinh tế, văn hóa, đối ngoại, an ninh, quốc phòng của cả nước. Sự giao thoa văn hóa của các dân tộc ở ĐBSCL đã làm nên nét đặc trưng riêng của vùng đất này. “Có lẽ cũng ít nơi trên nước ta có hiện tượng song ngữ, đa ngữ như ở ĐBSCL. Nhiều vùng dân cư hỗn hợp Việt, Khơ me, Hoa ở Sóc Trăng, Trà Vinh đã thể hiện rõ quan hệ giao lưu văn hóa qua ngôn ngữ và nhiều mặt khác như kỹ thuật canh tác nông nghiệp, trang phục, ẩm thực, tín ngưỡng, tôn giáo… Có thể nói sông nước đã trở thành yếu tố luôn luôn gắn liền với văn hóa từ bao đời ở ĐBSCL. Một nét văn hóa đặc thù chỉ có ở ĐBSCL mà khó có được ở các vùng khác trong nước” (1). Với đặc điểm là vùng văn hóa đa dạng, phong phú nhiều sắc thái, ĐBSCL hiện lưu giữ nhiều loại hình di sản thư tịch quý giá của các dân tộc Kinh, Hoa, Khơ me, Chăm, nổi bật nhất là sách lá buông của dân tộc Khơ me ở các tỉnh An Giang, Sóc Trăng, Trà Vinh. Sách hiện được lưu giữ trong chùa Salôn (xã Đại Tâm) và chùa Machưmmaramchruitimchas ở Sóc Trăng. Sách được người xưa dùng lá buông tươi, cắt vuông vức rồi viết chữ theo lối thích chữ bằng cây kim. Sách chứa đựng nhiều nội dung mang tính lịch sử, truyền thuyết: tên người, tên đất, phong tục tập quán, nghệ thuật… song nhiều nhất là kinh Phật (2). Đây là tài liệu quý hiếm, mang tính chất đặc thù của địa phương nhưng chưa được khai thác, gìn giữ và bảo quản hợp lý. Bên cạnh đó, nguồn tài liệu dạng giấy hiện đang được các thư viện tỉnh ĐBSCL gìn giữ, bảo quản nhiều nhất với nội dung viết về lịch sử, phong tục, tập quán, nhân vật, sản vật, kinh tế, văn hóa… của vùng ĐBSCL. Có thể nói, nguồn tài liệu này là di sản thư tịch của địa phương, là niềm tự hào của các thư viện tỉnh ĐBSCL. Trong điều 1, Pháp lệnh Thư viện năm 2000 quy định chức năng, nhiệm vụ của thư viện có nêu rõ, thư viện là nơi “giữ gìn di sản thư tịch của dân tộc; thu thập, tàng trữ, tổ chức việc khai thác và sử dụng chung vốn tài liệu trong xã hội nhằm truyền bá tri thức, cung cấp thông tin phục vụ nhu cầu học tập, nghiên cứu, công tác và giải trí của mọi tầng lớp nhân dân…”. Bởi vậy, bảo quản nguồn di sản thư tịch này là nhiệm vụ quan trọng trong các thư viện tỉnh ĐBSCL. Song việc bảo quản nguồn di sản thư tịch trong thư viện đòi hỏi người cán bộ thư viện ở các thư viện tỉnh ĐBSCL cần có trình độ chuyên môn về bảo quản, được đào tạo chuyên nghiệp.

2. Thực trạng đội ngũ cán bộ bảo quản ở các thư viện tỉnh ĐBSCL

Theo khảo sát của tác giả, tính đến năm 2015, các thư viện tỉnh ĐBSCL có 328 người. Trong đó, thư viện thuộc các tỉnh Cần Thơ, An Giang, Sóc Trăng có số lượng cán bộ từ 30 người trở lên chiếm tỷ lệ 23%. Thư viện có số lượng cán bộ thư viện từ 20 – 30 người có các thư viện tỉnh Bạc Liêu, Đồng Tháp, Trà Vinh, Vĩnh Long, Cà Mau, Kiên Giang, Hậu Giang, chiếm tỷ lệ cao nhất 54%. Các thư viện có số lượng cán bộ thư viện dưới 20 người như thư viện các tỉnh Trà Vinh, Tiền Giang, Long An chiếm tỷ lệ 23%.

Số lượng cán bộ thư viện đạt trình độ sau đại học chiếm tỷ lệ khá thấp ở các thư viện. Hiện chỉ có 7 thư viện có cán bộ có trình độ sau đại học như: thư viện tỉnh Tiền Giang, Vĩnh Long, An Giang, Cần Thơ, Hậu Giang, Sóc Trăng và Cà Mau. Hầu hết, mỗi thư viện này chỉ có từ 1 đến 2 người đạt trình độ sau đại học. Tuy nhiên, vẫn còn 6 thư viện chưa có cán bộ thư viện đạt trình độ sau đại học. Về cơ bản, số lượng cán bộ thư viện ở các thư viện tỉnh ĐBSCL đạt trình độ đại học khá cao. Các thư viện có số lượng cán bộ thư viện đạt trình độ đại học từ 20 người trở lên có 5 thư viện, trong đó cao nhất có thư viện tỉnh Cần Thơ (31 người), An Giang (29 người). Số lượng cán bộ thư viện đạt trình độ đại học từ 20 người trở xuống có các thư viện ở tỉnh Cà Mau, Bạc Liêu, Sóc Trăng, Hậu Giang, Kiên Giang, Bến Tre, Tiền Giang, Long An. Với trình độ cao đẳng, trung cấp, ở các thư viện trung bình có từ 4 – 5 người. Với trình độ khác, trung bình các thư viện có từ 2 – 3 người.

Như vậy, tính toàn vùng ĐBSCL, số cán bộ thư viện của các thư viện tỉnh có trình độ đại học chiếm tỷ lệ tương đối cao 67%. Cán bộ thư viện có trình độ cao đẳng, trung cấp chuyên nghiệp và sơ cấp chiếm 18%, trình độ khác chiếm 12%. Tuy nhiên, cán bộ thư viện có trình độ sau đại học chiếm tỷ lệ thấp nhất 3%, trong đó có 5 thư viện chưa có cán bộ thư viện đạt trình độ này chiếm 53,8% như thư viện tỉnh Long An, Bến Tre, Trà Vinh, Đồng Tháp, Bạc Liêu.

Cán bộ thư viện được đào tạo chuyên ngành thư viện chiếm tỷ lệ 47%. Tỷ lệ cán bộ thư viện thuộc chuyên ngành công nghệ thông tin chiếm 13%, ngoại ngữ chiếm 5,5% và các ngành khác chiếm 34,5%.

Cán bộ thư viện được đào tạo đúng chuyên ngành Thư viện chiếm tỷ lệ cao nhất. Điều này giúp cho hoạt động nghiệp vụ của các thư viện tỉnh ĐBSCL được chuyên môn hóa hơn. Tuy nhiên, theo xu thế phát triển hiện nay, công nghệ thông tin đang dần xuất hiện trong đời sống xã hội, các cơ quan, tổ chức và thư viện cũng không nằm ngoài sự phát triển này. Thư viện không chỉ phục vụ các tài liệu là sách được in ấn xuất bản bằng bản in mà còn có các cơ sở dữ liệu, tài liệu là đĩa quang, CD… Do vậy, đội ngũ cán bộ thư viện không chỉ có chuyên môn thư viện mà còn có chuyên môn về công nghệ thông tin giúp thư viện thu thập, xây dựng, khai thác, bảo quản các loại hình tài liệu trên. Bên cạnh đó, với xu thế hội nhập, đòi hỏi cán bộ thư viện cần có trình độ ngoại ngữ nhất định. Việc các thư viện tỉnh ĐBSCL tuyển dụng cán bộ thư viện thuộc chuyên ngành ngoại ngữ giúp thư viện có điều kiện tiếp cận tri thức mới từ các nước trên thế giới như một tất yếu.

Thư viện chỉ có thể tồn tại và phát triển khi có được một đội ngũ cán bộ thư viện có trình độ nghiệp vụ tốt. Cán bộ thư viện giữ vai trò hạt nhân rất quan trọng và không thể thiếu được trong thư viện. Do vậy, việc nâng cao trình độ nghiệp vụ của cán bộ thư viện là điều cần thiết. Tuy nhiên, hiện nay trình độ của các thư viện tỉnh, thành phố còn rất thấp, vì thế trình độ chuyên môn về bảo quản tài liệu lại càng thấp. Hầu hết các thư viện tỉnh, thành phố nước ta chưa có phòng bảo quản ngoài Thư viện Quốc gia và Thư viện khoa học Tổng hợp TP.HCM. Đây là thực trạng chung về trình độ chuyên môn bảo quản tài liệu tại thư viện các tỉnh, thành phố của nước ta hiện nay. Các thư viện tỉnh ĐBSCL cũng không nằm ngoài thực trạng này.

Trình độ chuyên môn bảo quản tài liệu của cán bộ thư viện tại các thư viện tỉnh ĐBSCL còn rất thấp. Tỷ lệ cán bộ thư viện được tham dự các lớp tập huấn ngắn hạn chiếm 85%, được đào tạo một phần trong khóa học chiếm 15%. 100% cán bộ các thư viện tỉnh ĐBSCL chưa được đào tạo chuyên sâu về lĩnh vực này. Hiện nay, công tác bảo quản tài liệu trong thư viện đã được sự quan tâm rất lớn từ các thư viện, các cơ quan chức năng có trách nhiệm trong hệ thống thư viện như Thư viện Quốc gia, Vụ Thư viện. Các cuộc hội thảo về bảo quản tài liệu đã được tổ chức nhằm đưa ra các giải pháp bảo quản tài liệu trong thư viện được tốt hơn. Hay các khóa tập huấn ngắn hạn được tổ chức tại Thư viện Khoa học Tổng hợp TP.HCM cho cán bộ thư viện phía Nam. Đối với các cơ sở đào tạo chuyên ngành Thư viện đã thiết kế môn học Bảo quản tài liệu trong chương trình học. Thế nhưng, mỗi trường phân bổ thời lượng cho môn học này khác nhau. Hai trường Đại học Văn hóa TP.HCM và Đại học Văn hóa Hà Nội bố trí môn học Bảo quản tài liệu với thời lượng 2 tín chỉ, trong đó phân bổ thời gian thực hành từ 8 – 10 tiết, lý thuyết từ 20 – 22 tiết. Các trường như Đại học KHXHNV Hà Nội, Đại học KHXHNV TP.HCM và Đại học Sài Gòn bố trí môn học này 3 tín chỉ cho môn Tổ chức kho và bảo quản tài liệu, phân bổ thời lượng cho phần Bảo quản tài liệu là 15 tiết. Người học chưa có thời gian để thực hành sửa chữa cơ bản hoặc tìm hiểu rõ về kỹ thuật sửa chữa, phục chế tài liệu trong thư viện.

Có thể nói, các lớp tập huấn bảo quản tài liệu do Thư viện Quốc gia và Thư viện Khoa học Tổng hợp TP.HCM tổ chức cùng các chương trình đào tạo chuyên ngành Thư viện ở các trường đại học có môn học về Bảo quản tài liệu chỉ dừng ở mức độ tạo lập ý thức cho cán bộ thư viện mà chưa đào tạo cán bộ thư viện có những thao tác chuyên nghiệp để duy tu, sửa chữa được tài liệu ngay tại thư viện. Đây là thực trạng chung về trình độ chuyên môn bảo quản tài liệu tại thư viện ở nước ta hiện nay. Cán bộ thư viện ở các thư viện tỉnh ĐBSCL cũng không nằm ngoài thực trạng này.

3. Các chế độ đãi ngộ cán bộ bảo quản

Cán bộ thư viện các tỉnh ĐBSCL được hưởng chế độ độc hại trong kho tài liệu thông qua các văn bản được Nhà nước quy định như:

Thông tư số 49/TCCP-TT ngày 14-2-1997 của Ban tổ chức cán bộ chính phủ về hướng dẫn bổ sung phụ cấp trách nhiệm trong đó có người làm trực tiếp công tác bảo quản.

Công văn số 262/TCCPBCTL ngày 7-6-1997 của Ban tổ chức cán bộ chính phủ trả lời về việc chế độ độc hại nguy hiểm quy định tại thông tư 23/LĐTBXH ngày 7-3-1993 của Bộ Lao động thương binh xã hội.

Thông tư số 46 ngày 17-6-1999 của Bộ VHTT hướng dẫn thực hiện chế độ bồi dưỡng phụ cấp nặng nhọc, độc hại nguy hiểm của ngành VHTT ban hành ngày 16-9-1995. Thông tư nêu rõ đối tượng được hưởng phụ cấp, các mức phụ cấp: “Hệ số 0,2 đối với những người làm việc kiểm kê, bảo quản, xử lý kỹ thuật các hiện vật, tài liệu; sách báo, phim ảnh trong kho lưu trữ của bảo tàng, thư viện và viện lưu trữ. Tu sửa phục chế tài liệu, hiện vật của bảo tàng, thư viện và viện lưu trữ”.

Công văn số 2241 ngày 15-7-1997 của Bộ VHTT hướng dẫn thực hiện chế độ bồi dưỡng bằng hiện vật cho lao động ngành VHTT làm việc trong điều kiện có yếu tố độc hại ban hành ngày 01-06-1997. Tuy nhiên, mức phụ cấp độc hại này khá thấp (250 nghìn đồng/tháng), do vậy, chưa đủ khuyến khích tinh thần làm việc của cán bộ thư viện, đặc biệt là cán bộ bảo quản của thư viện.

4. Một số đề xuất

Để công tác bảo quản nguồn di sản thư tịch trong các thư viện tỉnh ĐBSCL đạt hiệu quả đỏi hỏi đội ngũ cán bộ thư viện cần được nâng cao trình độ bảo quản nhất định, có khả năng duy tu, sửa chữa tài liệu. Các giải pháp nâng cao trình độ chuyên môn về bảo quản của cán bộ thư viện các tỉnh ĐBSCL cần phải được thực hiện đồng bộ và triệt để.

Trước tiên, Bộ VHTTDL cần điều chỉnh các chính sách, chế độ đãi ngộ và những quy định cụ thể về cán bộ bảo quản trong thư viện, đặc biệt là những cán bộ bảo quản có khả năng phục chế, sửa chữa tài liệu.

Về chế độ đãi ngộ hiện nay, đối với cán bộ thư viện chuyên trách về bảo quản, ngoài chế độ bồi dưỡng độc hại theo quy định của Bộ VHTT, cần được thêm 15% phụ cấp hàng tháng nhằm động viên, khích lệ cán bộ bảo quản an tâm công tác.

Không thể tiếp tục duy trì đội ngũ cán bộ thư viện kiêm nhiệm công tác thư viện và bảo quản như hiện nay vì nếu không có những con người tâm huyết, dành hết trí tuệ và công sức vào công việc, cán bộ bảo quản sẽ không thể làm tốt vai trò nhiệm vụ của mình.

Lãnh đạo tỉnh và thư viện ĐBSCL cần tạo điều kiện cho cán bộ bảo quản học tập nâng cao trình độ bảo quản đặc biệt là các kỹ thuật sửa chữa, phục chế tài liệu, đồng thời tạo điều kiện về môi trường tác nghiệp cho cán bộ bảo quản như trang bị các thiết bị sửa chữa tài liệu, kinh phí…

Liên hiệp thư viện ĐBSCL cần tăng cường hơn nữa mối liên kết, chia sẻ kinh nghiệm bảo quản ở các thư viện tỉnh ĐBSCL và với các thư viện, cơ quan lưu trữ, bảo tàng trong nước.

Về các cơ sở đào tạo, cần hướng tới đào tạo cán bộ thư viện có kỹ năng bảo quản, sửa chữa, phục chế tài liệu đồng thời cần hướng tới đào tạo chuyên gia bảo quản.

Một giải pháp hiệu quả, tiết kiệm kinh phí nhất là cán bộ thư viện phụ trách bảo quản ngoài việc tham gia học tập, nâng cao trình độ bảo quản cần có tinh thần tự học tập qua các trang thông tin điện tử của các nước có nhiều kinh nghiệm trong nghiên cứu, phát triển về lĩnh vực bảo quản tài liệu như Thư viện quốc hội Mỹ, Thư viện vùng Đông Bắc Mỹ (NECC), Viện bảo tồn Canada (CCI) cùng các tổ chức, hiệp hội nghề nghiệp như IFLA, Hiệp hội thư viện Mỹ (ALA)… hoặc chia sẻ kinh nghiệm với cán bộ bảo quản của Thư viện quốc gia, Thư viện Khoa học tổng hợp TP.HCM và các bộ phận bảo quản của trung tâm lưu trữ, bảo tàng trong và ngoài tỉnh.

_______________

1. Nguyễn Khắc Thiện, Nâng cao chất lượng phục vụ bạn đọc ở các thư viện tỉnh đồng bằng sông Cửu Long, luận văn thạc sĩ Khoa học thư viện, Đại học Văn hóa Hà Nội, Hà Nội, 1996, tr.9.

2. Bộ VHTT, Kỷ yếu hội thảo Bảo quản tài liệu quý hiếm trong hệ thống thư viện công cộng, TP.HCM, 2002, tr.60.

Nguồn : Tạp chí VHNT số 398, tháng 8 – 2017

Tác giả : NGUYỄN THỊ HỒNG THẮM

Đánh giá post

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *