Vai trò của nhà trường trong giảng dạy tiếng khơme ở đồng bằng sông cửu long

Chính sách bảo tồn ngôn ngữ dân tộc thiểu số là một nội dung quan trọng trong chính sách dân tộc ở nước ta nhằm đảm bảo quyền bình đẳng về mặt văn hóa giữa các dân tộc, xây dựng nền văn hóa thống nhất trong đa dạng ở Việt Nam. Dân tộc Khơme là dân tộc sống chủ yếu ở vùng đồng bằng sông Cửu Long với dân số khoảng 1,2 triệu người, có nền văn hóa riêng đặc sắc và ngôn ngữ riêng. Trong những năm qua, chính sách bảo tồn thông qua việc dạy và học ngôn ngữ Khơme, tăng cường sử dụng ngôn ngữ Khơme đã được triển khai, thực hiện, trong đó các trường cao đẳng, đại học ở khu vực này cũng có những đóng góp nhất định.

1. Thực trạng dạy và học tiếng Khơme ở vùng đồng bằng sông Cửu Long

Ngôn ngữ là cái vỏ vật chất của tư duy, nơi lưu giữ tư duy, tình cảm, suy nghĩ của con người. Vì vậy, ngôn ngữ cũng là nơi lưu giữ nhiều giá trị văn hóa, tinh thần của một dân tộc. Các dân tộc có nhu cầu học và sử dụng tiếng mẹ đẻ không phải chỉ vì tiếng mẹ đẻ là một phần của văn hóa mà vì nhiều giá trị văn hóa của dân tộc được lưu giữ thông qua ngôn ngữ ấy. Nhiều tác phẩm văn học, nghệ thuật, tác phẩm lịch sử, triết lý chứa đựng những hệ giá trị văn hóa của cả một dân tộc được biểu đạt qua ngôn ngữ của dân tộc ấy. Học và biết tiếng mẹ đẻ là chìa khóa khám phá, tìm hiểu văn hóa của dân tộc. Do đó chính sách bảo tồn văn hóa luôn gắn liền với chính sách bảo tồn ngôn ngữ. Ngay từ khi cách mạng thành công đến nay, Đảng và Nhà nước ta luôn nhất quán khẳng định quyền được học và sử dụng tiếng mẹ đẻ của tất cả các dân tộc. Điều này vừa khẳng định quyền bình đẳng về mặt ngôn ngữ, văn hóa của các dân tộc, vừa góp phần vào việc thực hiện chính sách bảo lưu văn hóa của các dân tộc.

Cùng với người Kinh, người Khơme và người Hoa là hai dân tộc thiểu số chủ yếu sống ở đồng bằng sông Cửu Long, thực hiện chủ trương chung của Đảng và Nhà nước. Việc dạy và học chữ Khơme cho đồng bào Khơme đã được thực hiện trong chương trình giảng dạy ở các trường phổ thông dân tộc nội trú, trường phổ thông ở vùng có đông đồng bào sinh sống, ở các điểm chùa… Để tăng hiệu quả của việc dạy và học tiếng Khơme, việc mở rộng không gian, cơ hội sử dụng tiếng Khơme cũng được triển khai với việc phát triển hệ thống các phương tiện truyền thông đại chúng (báo, đài) bằng tiếng Khơme, tạo điều kiện in ấn sách, băng đĩa tiếng Khơme. Qua đó, đồng bào Khơme biết sử dụng và có nhiều cơ hội sử dụng tiếng mẹ đẻ của mình.

Ở các trường phổ thông dân tộc nội trú khu vực đồng bằng sông Cửu Long, việc dạy và học chữ Khơme là môn học bắt buộc trong chương trình giảng dạy với 2 buổi/tuần. Việc dạy và học tiếng Khơme như một môn học tự chọn trong các trường tiểu học vùng tộc người Khơme được triển khai từ lớp 3 đến lớp 5. Số lượng các trường, lớp ở vùng có đông đồng bào tộc người Khơme có dạy và học tiếng Khơme liên tục tăng lên để đáp ứng nhu cầu học tiếng Khơme. Ví dụ ở An Giang, năm học 1996 – 1997 có 14 trường trung học dạy chữ Khơme với 92 lớp, năm học 2001 – 2002 tăng lên 19 trường với 114 lớp, năm học 2014 – 2015 tăng lên 20 trường với 162 lớp. Ngoài ra, vào dịp hè, con em học sinh Khơme còn học chữ Khơme tại các điểm chùa. Ở Trà Vinh, năm 2010, các chùa đã mở 815 lớp học ngữ văn Khơme, năm 2011 mở 911 lớp. Kiên Giang, mở lớp Khơme 3 tháng hè từ lớp 1 đến lớp 7, trong 2 năm 2010, 2011 mở 495 lớp với tổng số 12.262 học viên. Ở Sóc Trăng, hưởng ứng chiến dịch Ánh sáng văn hóa hè, các chùa đều tham gia mở lớp giảng dạy chữ Khơme cho con em trong phum sóc. Năm 2010 mở được 470 lớp có 9681 học sinh theo học. Qua đó, con em đồng bào Khơme có điều kiện và cơ hội biết sử dụng tiếng mẹ đẻ. Tuy nhiên, vẫn còn tồn tại những bất cập trong việc dạy và học tiếng Khơme, thể hiện ở khả năng sử dụng ngôn ngữ này trong đồng bào. Đa số đồng bào Khơme chỉ sử dụng tiếng Khơme trong khẩu ngữ giao tiếp hàng ngày nên các thuật ngữ chính trị, kinh tế, xã hội còn xa lạ với người Khơme. Tỷ lệ mù chữ Khơme trong đồng bào còn khá cao nên nhiều người không thể đọc báo chữ Khơme. Khả năng viết đúng chính tả của nhiều học sinh Khơme vẫn còn hạn chế. Những bất cập trong việc dạy và học chữ Khơme ở vùng đồng bằng sông Cửu Long xuất phát từ nhiều nguyên nhân khác nhau.

Chất lượng giáo viên có ảnh hưởng rất lớn đến việc dạy và học chữ Khơme. Tuy nhiên, ở vùng đồng bằng sông Cửu Long, giáo viên có đủ khả năng dạy chữ Khơme vừa thiếu, vừa yếu. Tiếng Khơme là tiếng ghi âm, việc phát âm của giáo viên ảnh hưởng sâu sắc tới chất lượng chính tả của học sinh, tiếng Khơme trong đời thường và tiếng Khơme trong nhà trường không hoàn toàn trùng khớp về mặt ngữ âm. Do đó, giáo viên phải chuẩn về ngữ âm, biết viết đúng chính tả và có khả năng sư phạm chứ không phải bất kỳ giáo viên Khơme nào cũng có thể dạy chữ Khơme. Năm học 2014-2015, tỉnh An Giang có 514 giáo viên người dân tộc Khơme, trong đó chỉ có 20/294 giáo viên trung học dạy tiếng Khơme nhờ có bằng sư phạm và có giấy chứng nhận dạy tiếng Khơme còn lại chỉ biết nói tiếng Khơme mà không biết viết. Số giáo viên người Kinh biết tiếng Khơme, hiểu được tâm lý học sinh Khơme còn quá ít. Việc giáo viên dạy tiếng Khơme vừa thiếu, vừa yếu xuất phát từ chỗ, ở vùng đồng bằng sông Cửu Long, chỉ có một cơ sở đào tạo giáo viên Ngữ văn Khơme (khoa Ngôn ngữ – văn hóa – Nghệ thuật Khơme Nam Bộ, Đại học Trà Vinh). Còn hầu hết giáo viên dạy tiếng Khơme chỉ qua một chương trình bồi dưỡng ngắn hạn. Do đó, nhiều học sinh Khơme từng cho rằng họ thích học chữ ở chùa hơn ở trường. Tuy nhiên, trong điều kiện học sinh đi học cả ngày với nội dung chương trình của nhiều môn học với khối kiến thức lớn, các em phải đảm bảo nắm vững nên không có thời gian học chữ Khơme tại các điểm chùa trong năm học. Hơn nữa, cơ sở vật chất, đội ngũ sư sãi có đủ khả năng dạy tiếng Khơme cũng chỉ có thể đáp ứng được một số lượng nhỏ học sinh.

Gia đình đóng vai trò quan trọng trong việc giáo dục học sinh, đặc biệt là dạy ngôn ngữ. Bởi để học ngôn ngữ thì phải có môi trường giao tiếp. Trong những gia đình người Khơme, đối với người cùng dân tộc, người Khơme thường sử dụng tiếng mẹ đẻ, vì vậy, các em học sinh đã được sống trong môi trường giao tiếp của tiếng mẹ đẻ từ khi lọt lòng. Tuy nhiên, chữ Khơme được xếp vào loại chữ khó viết. Trong khi, nhiều phụ huynh chỉ biết nói mà không biết viết chữ Khơme, do đó không có khả năng hỗ trợ dạy chữ Khơme cho các em.

Trong môi trường giao tiếp với các dân tộc khác, người Khơme ít sử dụng tiếng mẹ đẻ để đảm bảo giao tiếp được dễ dàng. Viêc sử dụng tiếng Khơme chủ yếu trong giao tiếp nội bộ dân tộc. Tuy nhiên, theo khảo sát, nhiều học sinh không sử dụng tiếng Khơme vì nhiều nội dung, từ ngữ trong sách giáo khoa không thể diễn đạt bằng tiếng Khơme hoặc không có trong ngôn ngữ này, khi đó các em phải sử dụng tiếng Việt.

Trong khi các hoạt động nghiên cứu tiếng Khơme ở Campuchia khá phát triển bởi đội ngũ các nhà nghiên cứu Pháp, Mỹ, Anh trên cơ sở trung tâm nghiên cứu Khơme ở Seam Reap thì ở Việt Nam, chưa có trường đại học nào có trung tâm nghiên cứu Khơme. Các công trình chuyên khảo, luận văn, luận án, bài nghiên cứu về tiếng Khơme còn rất ít. Những người làm công tác biên soạn giáo trình, từ điển hay nghiên cứu về giáo dục Khơme còn ít so với tỷ lệ cộng đồng. Đội ngũ trí thức am hiểu tiếng Khơme còn nhiều ý kiến tranh luận chưa thật thống nhất cho cách dùng từ ngữ, hay cách phiên dịch. Chỉ đơn cử việc thiếu thống nhất trong cách phiên âm tiếng Khơme sang tiếng Việt cũng đã gây nên những bất cập, khó khăn cho việc học tiếng Khơme.

Vì thiếu đội ngũ trí thức am hiểu tiếng Khơme, thiếu những công trình có tầm cỡ nghiên cứu một cách công phu, bài bản về tiếng Khơme Nam Bộ là định hướng cho việc dạy chữ nên việc biên soạn từ điển Việt – Khơme,   Khơme – Việt phục vụ cho việc học tiếng Khơme còn nhiều khó khăn. Đội ngũ trí thức Khơme đủ khả năng để sáng tác truyện, băng đĩa bằng tiếng Khơme còn ít. Vì vậy, tài liệu phục vụ cho việc dạy, học tiếng Khơme rất hạn chế. Học sinh học tiếng Khơme nhưng ít sử dụng, đặc biệt trong ngôn ngữ viết. Phương tiện truyền thông đại chúng với tin tức, thời sự không phù hợp với lứa tuổi các em, từ đó cũng làm hạn chế khả năng ngôn ngữ của các em.

2. Vai trò của các trường cao đẳng, đại học trong việc thực hiện chính sách bảo tồn ngôn ngữ Khơme

Các trường cao đẳng, đại học ở vùng đồng bằng sông Cửu Long có vai trò rất lớn trong việc thực hiện chính sách bảo tồn ngôn ngữ Khơme thể hiện ở những nội dung sau:

Thứ nhất, các trường cao đẳng, đại học với chức năng không chỉ là giảng dạy mà còn nghiên cứu khoa học, do đó, có thể trở thành những trung tâm nghiên cứu về ngôn ngữ Khơme. Cần chỉ ra những đặc điểm khác biệt của tiếng Khơme so với tiếng Việt, đưa ra chuẩn phát âm, chính tả, từ đó tạo ra sự thống nhất trong sử dụng tiếng Khơme, trong phiên dịch từ tiếng Việt sang tiếng Khơme. Những công trình nghiên cứu công phu, bài bản về tiếng Khơme với các chuyên gia hàng đầu về ngôn ngữ, văn hóa Khơme trong các trường đại học có ý nghĩa rất lớn phục vụ cho việc dạy và học tiếng Khơme.

Thứ hai, các trường cao đẳng, đại học trong vùng có vai trò rất lớn với việc đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ giáo viên giảng dạy tiếng Khơme của cả vùng đồng bằng sông Cửu Long. Số lượng và chất lượng đội ngũ giáo viên giảng dạy tiếng Khơme phụ thuộc vào chất lượng, năng lực đào tạo của các trường cao đẳng, đại học có khoa sư phạm và có đào tạo về tiếng Khơme cho giáo viên. Trong khi đó, chúng ta đều khẳng định rằng chất lượng giáo dục không cao hơn chất lượng giáo viên. Để nâng cao chất lượng dạy và học tiếng Khơme thì không thể không nâng cao chất lượng giáo viên dạy tiếng Khơme.

Thứ ba, các trường cao đẳng, đại học có vai trò quan trọng trong việc đào tạo đội ngũ trí thức, văn nghệ sĩ có am hiểu sâu sắc về ngôn ngữ, văn hóa Khơme. Đội ngũ này sẽ tham gia vào việc sáng tác các tác phẩm văn học thiếu nhi, truyện tranh, các chương trình cho thiếu nhi bằng tiếng Khơme giúp các em học sinh mở rộng môi trường học tập và sử dụng tiếng Khơme, đặc biệt là học chữ.

3. Giải pháp nhằm phát huy vai trò của các trường cao đẳng, đại học

Để phát huy vai trò của các trường cao đẳng, đại học trong thực hiện chính sách bảo tồn ngôn ngữ Khơme, cần quan tâm thực hiện tốt một số giải pháp sau:

Thứ nhất, cần đào tạo, bồi dưỡng giáo viên dạy tiếng Khơme của vùng. Kiện toàn hệ thống các trường, khoa sư phạm trong các trường cao đẳng, đại học trong vùng đồng bằng sông Cửu Long. Hiện tại, ở vùng chỉ có khoa Ngôn  ngữ – Văn hóa, Nghệ thuật Khơme Nam Bộ, Đại học Trà Vinh đào tạo giáo viên ngữ văn Khơme, ngôn ngữ Khơme. Vì vậy, cơ quan quản lý kinh phí thực hiện chính sách bảo tồn ngôn ngữ dân tộc thiểu số cần hỗ trợ cho khoa nâng cao năng lực đào tạo, tăng chất lượng, số lượng đào tạo đại học và trên đại học ngành ngôn ngữ Khơme. Đồng thời, rà soát, đánh giá lại hệ thống các trường cao đẳng, đại học có khoa sư phạm hoặc trường sư phạm trong vùng về năng lực đào tạo. Để nâng cao chất lượng dạy, học tiếng Khơme phải bắt đầu từ việc nâng cao chất lượng đào tạo giáo viên dạy tiếng Khơme. Việc mở ngành ngữ văn Khơme trong các khoa, trường sư phạm giúp đào tạo được đội ngũ giáo viên dạy tiếng Khơme có am hiểu sâu sắc, bài bản, hệ thống về ngôn ngữ Khơme, văn học Khơme và có kỹ năng sư phạm để phục vụ cho việc dạy chữ Khơme ở các trường phổ thông.

Thứ hai, cần đào tạo đội ngũ trí thức, văn nghệ sĩ am hiểm ngôn ngữ, văn hóa Khơme. Đội ngũ trí thức, các nhà văn hóa, văn nghệ sĩ Khơme không chỉ có vai trò quan trọng trong việc bảo tồn văn hóa mà còn góp phần vào việc bảo tồn ngôn ngữ Khơme. Đội ngũ này tạo ra không gian văn hóa trong việc sử dụng ngôn ngữ Khơme. Họ là người sáng tác ra các tác phẩm văn học, truyện tranh, ca nhạc, các tác phẩm nghệ thuật sử dụng ngôn ngữ Khơme, góp phần thỏa mãn nhu cầu văn hóa của người Khơme. Hơn nữa, đội ngũ trí thức Khơme am hiểu văn hóa Khơme, ngôn ngữ Khơme có thể dịch thuật một số tác phẩm văn học, nghệ thuật, truyện từ tiếng việt sang tiếng Khơme để học sinh Khơme nâng cao khả năng đọc, hiểu tiếng mẹ.

Thứ ba, cần chú ý đến công tác nghiên cứu văn hóa và ngôn ngữ Khơme ở các trường đại học. Ưu tiên đầu tư nâng cao chất lượng đội ngũ giảng viên, nhà nghiên cứu và cấp kinh phí thực hiện những đề tài lớn nghiên cứu, miêu tả tiếng Khơme Nam Bộ cũng như những đặc điểm của nó nhằm phục vụ cho các chính sách ngôn ngữ và chính sách dân tộc trong giai đoạn hiện nay. Trong ngôn ngữ Khơme hiện nay còn thiếu những từ ngữ diễn đạt những nội dung mới trong bối cảnh hiện nay. Những chuyên gia về ngôn ngữ Khơme cũng cần hợp tác với nhau dựa trên đặc điểm ngôn ngữ Khơme để sáng tạo ra những từ mới phục vụ nhu cầu giao tiếp và tư duy hiện nay của người Khơme.

Các giảng viên, chuyên gia về văn hóa, ngôn ngữ Khơme trong các trường cao đẳng, đại học trong vùng cũng cần hợp tác với nhau để xây dựng, biên soạn hệ thống từ điển tiếng Khơme, từ điển dịch từ tiếng Khơme sang tiếng Việt, từ điển dịch từ tiếng Việt sang tiếng Khơme, biên soạn hệ thống giáo trình phục vụ cho việc dạy và học tiếng Khơme ở các cấp độ trong toàn vùng để tạo ra sự thống nhất trong dạy và học tiếng Khơme.

Việc thực hiện chính sách bảo tồn ngôn ngữ Khơme không chỉ là trách nhiệm của các trường tiểu học, phổ thông, của các điểm chùa. Các trường đại học, cao đẳng vùng đồng bằng sông Cửu Long có vai trò rất lớn trong việc thực hiện chính sách bảo tồn ngôn ngữ Khơme. Từ việc xác định đúng vai trò của các trường, các cấp, các ngành chức năng, cần liên kết, phối hợp đầu tư cơ sở vật chất, kinh phí, nâng cao nguồn nhân lực để các trường phát huy hết vai trò của mình.

Nguồn : Tạp chí VHNT số 399, tháng 9 – 2017

Tác giả : NGUYỄN TIẾN THƯ

Đánh giá post

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *